Hực thi chính sách tiền tệ Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế

pdf 10 trang Gia Huy 18/05/2022 2340
Bạn đang xem tài liệu "Hực thi chính sách tiền tệ Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhuc_thi_chinh_sach_tien_te_viet_nam_trong_xu_huong_hoi_nhap.pdf

Nội dung text: Hực thi chính sách tiền tệ Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế

  1. THỰC THI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ VIỆT NAM TRONG XU HƯỚNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ IMPLEMENTING VIETNAMESE MONETARY POLICY IN THE CONTEXT OF INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION TS. Nguyễn Hồ Minh Trang Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế Tóm tắt Bài viết đề cập đến quá trình thực thi chính sách tiền tệ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, theo đó chính sách tiền tệ cần hướng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhằm tạo đà cho tăng trưởng và phát triển kinh tế; cũng như chịu ảnh hưởng của xu hướng thắt chặt hay nới lỏng của chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới. Từ đó, nêu ra một số giải pháp cho quá trình thực thi chính sách tiền tệ trong thời gian tới để nhằm đưa kinh tế Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng ổn định và bền vững trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ khóa: chính sách tiền tệ, hội nhập kinh tế quốc tế. Abstract The study refers to the process of implementing Vietnamese monetary policy in the context of international economic integration. Therefore, monetary policy should focus primary on the objectives of macroeconomic stability and controlling inflation, in order to foster economic growth and development; as well as influenced by the Fiscal tightening or monetary loosening of the world. The study aims to determine the challenges and measures for the implementation of Vietnamese monetary policy to maintain steady-state economic growth in international integration process. Key words: monetary policy, international economic integration 347
  2. 1. MỞ ĐẦU Trong hơn 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước, việc thực thi, nhận thức và sử dụng chính sách tiền tệ của Việt Nam đã có nhiều thay đổi căn bản và ngày càng trở nên thích ứng hơn, đáp ứng tốt hơn mục tiêu điều tiết nền kinh tế vĩ mô, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực thi chính sách tiền tệ đã góp phần tích cực cho sự ổn định thị trường tài chính, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế trong nước cũng như thế giới ngày càng có nhiều thay đổi khó lường, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đặc biệt từ khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) (07/11/2007) đã khiến cho quá trình xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ ngày càng trở nên khó khăn phức tạp. Hơn nữa, trong giai đoạn 2007 - 2014 chính sách tiền tệ, mặc dù đã góp phần quan trọng trong tiến trình ổn định nền kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tiền tệ - ngân hàng nói riêng nhưng vẫn còn bộc lộ không ít những bất cập và hạn chế. Các giải pháp đưa ra còn mang tính tình thế, tạm thời và chưa thật sự linh hoạt, gây nên những “nổi sóng” nhất định trên thị trường tiền tệ. Chẳng hạn, việc liên tục thay đổi các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đã góp phần kiềm chế lạm phát nhưng lại gây những tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, thị trường tài chính và cả hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Từ chỗ các ngân hàng thiếu vốn nghiệm trọng trong giai đoạn đầu 2008 lại chuyển sang thừa vốn vào những tháng cuối năm 2008, trong khi các doanh nghiệp, đặc biệt, là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lại đối mặt với hàng loạt khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Kéo theo đó nền kinh tế vĩ mô cũng đã xuất hiện nhiều bất ổn. Để việc điều hành chính sách tiền tệ đạt được hiệu quả cao thì nền kinh tế phải có những nền tảng vững chắc trên bình diện kinh tế vĩ mô cũng như sự ủng hộ của công chúng và thể chế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các thể chế tài chính, tài khóa, tiền tệ chưa thật vững mạnh, thể hiện ở thực trạng lạm phát cao, thâm hụt ngân sách lớn cũng như tính độc lập của Ngân hàng Trung ương. Vì vậy, việc Việt Nam tiếp tục cải tổ các thể chế này là rất cần thiết. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích về những thách thức của chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2007 - 2014, chỉ rõ những kết quả đạt được, cũng như những vấn đề đặt ra yêu cầu phải đổi mới, đồng thời đưa ra các gợi ý chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ cũng như tiếp tục chính sách lạm phát mục tiêu trong thời gian tới. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT 2.1. Tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng Trong xu thế hội nhập quốc tế của toàn bộ nền kinh tế, lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng Việt Nam cũng có những cải tiến căn bản theo xu hướng tiến dần đến tự do hóa. Các đặc trưng chủ yếu của tiến trình này là chính sách tự do hóa lãi suất, tự do hóa cơ chế tín dụng, điều hành linh hoạt tỉ giá hối đoái theo tín hiệu thị trường, từng bước mở cửa thị trường bảo hiểm, thị trường chứng khoán, mở rộng quan hệ với cộng đồng tài chính – tiền tệ trong khu vực và quốc tế, từng bước đưa môi trường tiền tệ - ngân hàng của Việt Nam ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế [6]. 348
  3. 2.2. Vai trò của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam trong xu hướng hội nhập Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, các giao dịch kinh tế, tiền tệ ngày càng trở nên phức tạp hơn. Lúc này, chính sách tiền tệ được xác định là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô. Việc thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã đóng góp tích cực cho sự ổn định thị trường tài chính, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, chính sách tiền tệ cũng đã có những bước đổi mới nhất định phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc quốc tế hoá thương mại hàng hoá, đầu tư và dịch vụ khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập đã tạo điều kiện cho Việt Nam khuếch trương các hoạt động sản xuất và tiếp thị trên toàn thế giới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập này, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đứng trước nhiều thách thức về môi trường pháp luật, công nghệ, năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, tệ nạn xã hội Đối với lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, quá trình hội nhập gắn liền với quá trình tự do hoá thị trường tài chính, đem lại nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Ngoài những thách thức mà các tổ chức tín dụng phải khắc phục trong việc cạnh tranh nắm giữ và mở rộng thị phần thì cũng đặt ra những thách thức lớn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát luồng vốn, điều tiết tiền tệ, lãi suất, tỷ giá trước những tác động nhạy cảm của thị trường tài chính quốc tế, cũng như sự vận hành của cầu tiền ngày càng phức tạp hơn do tính ngày càng đa dạng trong hoạt động của thị trường tài chính trong nước. 3. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. Dữ liệu Dữ liệu được sử dụng trong bài viết là chuỗi dữ liệu hàng năm, từ năm 1997 đến năm 2014 với các chỉ tiêu: thâm hụt ngân sách nhà nước, mức cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, dữ liệu của dự trữ bắt buộc và các mức lãi suất điều hành (bao gồm lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu) được sử dụng từ 2007 - 2014. Dữ liệu được thu thập từ các nguồn công cộng chính thống, trong đó, dữ liệu về thâm hụt ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế được thu thập từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, dữ liệu về mức cung tiền, lạm phát, dự trữ bắt buộc, các mức lãi suất điều hành được thu thập từ các báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 3.2. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu chủ yếu của bài viết dựa vào các học thuyết kinh tế về chính sách tiền tệ, ngân hàng kết hợp với chính sách đổi mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc khác, bài viết đã sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, lý thuyết hệ thống để phân tích, thống kê, tổng hợp, thu thập số liệu kết hợp lý luận với thực tiễn để rút ra những kết quả nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. 349
  4. 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN Khi hội nhập vào kinh tế quốc tế, nền kinh tế trong nước sẽ trở nên khó kiểm soát hơn do cùng lúc phải đối mặt với những cú sốc từ trong nước lẫn các cú sốc từ bên ngoài. Trong khi những cú sốc trong nước có thể dự báo và kiểm soát hơn, thì những cú sốc từ bên ngoài lại khó dự đoán về thời điểm, mức độ. Trong đó, hệ thống hệ thống tài chính – ngân hàng là khu vực chịu ảnh hưởng đầu, mạnh mẽ nhất và sau đó lan truyền tới các khu vực khác thông qua những biến động về lãi suất, tỷ giá, tín dụng, Thực tế qua gần 10 năm hội nhập cho thấy, chính sách tiền tệ Việt Nam phải đối mặt với 2 vấn đề lớn, đó là: (i) Kiểm soát tổng lượng tiền trong nền kinh tế và lãi suất trước sức ép lạm phát gia tăng nhằm ngăn chặn những bất ổn định về tiền tệ và kinh tế vĩ mô; (ii) ảnh hưởng của xu hướng thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới. Thứ nhất, kiểm soát tổng lượng tiền trong nền kinh tế và lãi suất trước sức ép lạm phát gia tăng nhằm ngăn chặn những bất ổn định về tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ hướng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng ổn định và bền vững. Kết quả của chính sách này đã tạo được thành công đáng kể trong việc duy trì nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao từ năm 2000. 60 40 20 0 -20 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 % Mức cung tiền 26,1 25,6 23,4 39 25,5 17,6 24,9 29,5 29,7 33,6 46,1 20,3 25,3 29,8 48,8 22,4 18,5 16 % Lạm phát 3,6 9,2 0,1 -0,6 -0,8 4 4,3 7,8 8,4 6,6 12,6 23 6,88 11,8 18,6 6,81 6,04 4,09 % Tăng trưởng kinh tế 8,8 5,8 4,8 6,79 6,89 7,08 7,34 7,79 8,44 8,23 8,48 6,23 5,32 6,78 5,89 5,25 5,42 5,98 % Thâm hụt ngân sách/GDP 4,05 2,49 4,37 4,95 4,9 4,95 4,95 3,2 4,75 4,9 7,3 5,2 4,3 5,2 4,7 5,2 6,6 5,3 Biểu đồ 1. Tỷ lệ lạm phát, mức cung tiền, thâm hụt ngân sách và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 1997 - 2014 (Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam) Tuy nhiên, với việc duy trì tốc độ tăng M2 khá lớn kể từ khi thực hiện chính sách kích cầu giai đoạn 1999-2001 và cả những năm sau đó, trong khi hiệu quả đầu tư của nền kinh tế còn thấp và việc kiểm soát chi tiêu công chưa được hiệu quả nên chỉ thời gian ngắn sau đó, Việt Nam đã bắt đầu đối mặt với hiện tượng lạm phát tăng cao và kém ổn định kể từ năm 2004 (biểu đồ 1). 350
  5. Là quốc gia có độ mở thương mại khá cao so với các nước trong khu vực1 nên Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự biến động giá các nguyên liệu đầu vào trọng yếu và các mặt hàng chủ chốt trên thị trường thế giới. Lẽ ra, khi tình hình kinh tế thế giới bắt đầu có sự bất ổn từ những năm 2005-2006, Việt Nam cần phải thực thi chính sách tiền tệ thận trọng, chấp nhận tốc độ tăng trưởng chững lại hoặc thậm chí thấp đi để đổi lấy sự an toàn. Thế nhưng, trên thực tế, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục được nới lỏng với mức tăng M2 được đẩy lên cao đến 33,6% trong năm 2006 và đặc biệt cao vào năm 2007 với mức 46,12% khi phải đối mặt với lượng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào cao chưa từng có nhưng vẫn kiên trì đeo đuổi chính sách tỷ giá “cứng”. Các dấu hiệu bất ổn vĩ mô ngày càng rõ nét và lạm phát đã quay trở lại trên mức 10%. Trước tình hình đó, ngày 28/5/2007, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu phát tín hiệu cho thấy sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mà khởi đầu bằng sự điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi so với trước đó và ban hành chỉ thị số 03/2007/CT-NHNN về kiểm soát quy mô chất lượng tín dụng và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán nhằm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song song đó, tỷ lệ dư trữ bắt buộc cũng đã được điều chỉnh tăng mạnh từ mức 5% lên mức 10% kể từ tháng 6/2007 và duy trì ở mức cao 11% trong suốt 9 tháng đầu năm 2008. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã rất “mạnh tay” khi phải bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành theo mức phân bổ xác định cho từng ngân hàng thương mại và không được sử dụng số tín phiếu này để cầm cố vay vốn, chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước, không được sử dụng làm công cụ cho nghiệp vụ thị trường mở. Những biện phát “ráo riết” của Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu phát huy tác dụng khi tốc độ tăng CPI đã chững lại từ tháng 10/2008, và đến tháng 12/2008 thì CPI đã giảm so với tháng trước. Thế nhưng, chính việc áp dụng khá dồn dập nhiều biện pháp thắt chặt quá mức nên ngay khi vừa bước đầu chặn được lạm phát thì nền kinh tế lại đột ngột rơi vào vòng xoáy giảm phát. Ngay từ những tháng đầu quý III/2008, lạm phát không còn là nỗi lo đáng sợ như trước mà thay vào đó tăng trưởng lại là vấn đề lớn mà Việt Nam phải đối mặt khi bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Trước “biến cố” không lường trước này, Ngân hàng Nhà nước lại phải liên tục điều chỉnh mạnh dự trữ mắt buộc theo hướng giảm nhanh và mạnh kể từ tháng 11/2008 và đến năm 2009 thì còn mức 3% như thời điểm trước tháng 6/2007 (bảng 1) 1 Năm 2004, độ mở thương mại của Việt Nam là 141% , Thái Lan 135%, Trung Quốc 76%, Hàn Quốc 83%. 351
  6. Bảng 1: Diễn biến Dự trữ bắt buộc năm 2007 - 2014 (ĐVT: %) Tỷ lệ dự trữ 2008 2007 2009 2010 2011 2012 2013 2014 bắt buộc 16/01 03/11 20/11 03/12 19/12 - Không kỳ hạn và dưới 12 tháng + VND 10 11 10 8 6 5 3 3 3 3 3 3 + Ngoại tệ 10 11 9 9 7 7 7 7 8 8 8 8 - Từ 12 – 24 tháng + VND 4 5 4 2 2 1 1 1 1 1 1 1 + Ngoại tệ 4 5 3 3 3 3 3 2 6 6 6 6 (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Ngân hàng Nhà nước) Bảng 2: Diễn biến các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước 2007 - 2014 (ĐVT: %/năm) 2008 2009 Lãi suất 2007 2010 2011 2012 2013 2014 30/1 29/8 25/9 20/10 20/11 19/12 01/ 02 01/4 25/11 Lãi suất 8,25 8,75 12 14 13 11 8,5 7 7 8 8 8 7 7 6 cơ bản Lãi suất tái cấp 6,5 7,5 13 15 14 12 9,5 8 7 6 6 6 5 7 6,5 vốn LS tái 4,5 6,0 11 13 12 10 7,5 6 5 8 8 8 7 6 4,5 chiết khấu (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Ngân hàng Nhà nước) Đồng thời, để hướng tới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP, ngăn chặn suy thoái, kể từ 30/1/2008 đến 01/4/2009, Ngân hàng Nhà nước đã 08 lần giảm lãi suất cơ bản và lãi suất tái chiết khấu xuống chỉ còn 7%/năm và 5%/năm (bảng 2). Trong những tháng đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và chủ động hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, cùng với đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, càng về những tháng cuối năm 2009, diễn biến thị trường tài chính tiền tệ càng trở nên phức tạp, áp lực lạm phát trở lại đối với nền kinh tế ngày càng rõ nét. Với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô tạo đà cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững trong năm 2010, chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính và kinh tế thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 7%/năm lên 8%/năm và lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm kể từ ngày 25/11/2009. Khi thị trường tài chính có dấu hiệu ổn định, để kích cầu cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống 7% năm 2012 và 6% năm 2014; giảm lãi suất tái chiết khấu xuống còn 4,5% năm 2014. 352
  7. Mặc khác, chúng ta phải thừa nhận có tác động tích cực của các giải pháp kiềm chế lạm phát chống suy giảm kinh tế của Chính phủ đưa ra vào những tháng đầu và cuối năm 2008 được thể hiện trong các văn bản số 75/TTg – KTTH ngày 15/1/2008 và văn bản số 319/TTG – KTTH ngày 3/3/1008 về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008; Nghị quyết 30/2008/NQ–CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Quyết định 12/2009/QĐ–TTg ngày 19/11/2009 về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ- CP, phân công cụ thể từng nội dung; Nghị quyết 18/NQ-CP về 6 giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô ngày 6/4/2010; Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của TTCP về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh; Quyết định 443/QĐ-TTg ngày 4/4/2009 của TTCP về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất - kinh doanh; và Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của TTCP về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn [7]. Có thể nói, tại thời điểm ban hành và cả trong quá trình thực thi, rất nhiều ý kiến e ngại về hiệu quả của các biện pháp kích cung lẫn kích cầu của Chính phủ khi hầu hết các biện pháp này được xem là “chưa có tiền lệ”. Tuy nhiên, kết quả là “Việt Nam đã công bố những biện pháp kinh tế vĩ mô quan trọng mà tất cả đều đúng hướng xét về mặt bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều mà tất cả chúng ta đều cho là quan trọng để tiếp tục có được tăng trưởng. Thành công này được cộng đồng toàn cầu ghi nhận" [2]. Thứ hai, ảnh hưởng của xu hướng thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới. Hội nhập kinh tế quốc tế thì tác động của các nền kinh tế bên ngoài đến nền kinh tế Việt Nam là khó tránh khỏi như các nước có nền kinh tế nhỏ, mở cửa. Một nghiên cứu của IMF về mức độ ảnh hưởng của các nền kinh tế lớn đến nước nhỏ (Hoa Kỳ và các nước Nam Mỹ). Kết quả mô hình cho thấy, cái giá phải trả của sự chậm trễ trong việc thi hành chính sách tiền tệ của các nước nhỏ khi điều kiện bên ngoài thay đổi (lạm phát của các nước phát triển gia tăng) là kỳ vọng lạm phát tăng cao, tỷ giá ngoại tệ xuống thấp hơn, làm cho lạm phát chung tăng cao. Mô hình cũng chỉ ra trong trường hợp các phản ứng chậm hơn 3 tháng sẽ làm cho lãi suất phải tăng cao hơn để đưa lạm phát trở về vị trí ban đầu. Sự chậm trễ trong thay đổi chính sách cũng làm cho lòng tin bị phá vỡ nhiều hơn và kinh tế bị thiệt hại nhiều hơn. Thời gian đúng để phản ứng cũng như cường độ phản ứng phụ thuộc vào mỗi nước, trong đó, phụ thuộc vào thành công của chính sách tiền tệ được thực hiện trước đó, trạng thái của cán cân thanh toán, trạng thái phụ thuộc tài chính quốc tế. Đối với các nước có kỳ vọng lạm phát dài hạn được phản ánh tốt, lòng tin vào chính sách tiền tệ đúng đắn của nhân dân, ảnh hưởng lên tỷ giá không lớn và lãi suất có thể phải tăng không quá mức ở tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp chính sách tiền tệ chưa có “tiền sử” dài và tốt, phụ thuộc nhiều vào tài chính quốc tế, đòi hỏi phải tăng lãi suất một cách đáng kể để ngăn ngừa tụt giá đồng tiền, phá vỡ lòng tin, cũng như các hiệu ứng vòng hai của lạm phát. [5] 353
  8. Kết luận trên của kết quả nghiên cứu giữa nền kinh tế Mỹ và các nước Nam Mỹ, cũng chính là một bức tranh và là bài học của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập kinh tế mà chính sách tiền tệ phải đối mặt. Thực tế điều hành chính sách tiền tệ hiện nay của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năng lực điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế, qui mô và hiệu quả của các công cụ gián tiếp của chính sách tiền tệ còn hạn chế (tổng giao dịch của các công cụ tái cấp vốn gián tiếp còn thấp xa so với tổng khối lượng tiền tệ, hoạt động của thị trường liên ngân hàng chưa phát triển, chưa thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong việc trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng ). Chính sách tiền tệ hiện nay của Ngân hàng Nhà nước hiện còn phải theo đuổi nhiều mục tiêu, không chỉ theo đuổi mục tiêu ổn định tiền tệ, kiềm chế sự gia tăng về giá cả và lạm phát mà còn phục vụ và theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của Chính phủ. Cơ chế lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tuy đã ngày càng được hoàn thiện, chuyển dần sang cơ chế lãi suất cơ bản nhưng chưa thực sự theo sát và phản ánh cung cầu thị trường, chưa hình thành lãi suất chủ đạo để thông qua đó, Ngân hàng Nhà nước có khả năng tác động và định hướng lãi suất thị trường Mặc dù đã có được nhiều thành quả rất đáng khích lệ nhưng vẫn phải thừa nhận rằng quá trình thực thi chính sách tiền tệ của Việt Nam trong suốt thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, không hiếm trường hợp bị động khiến cho chính sách trở nên kém ổn định. Theo chúng tôi, tình trạng này là một số nguyên nhân chủ yếu: i. Việc thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, hữu hiệu, kịp thời phục vụ cho công tác phân tích dự báo chưa được chú trọng đúng mức nên tính khoa học và khả thi của các quyết định còn chưa cao; ii. Sự phối hợp các công cụ và các giải pháp chưa nhuần nhuyễn và hợp lý nên hiệu quả thực thi và tác dụng trở nên hạn chế; iii. Sự yếu kém trong năng lực kinh doanh của Ngân hàng thương mại, các dịch vụ ngân hàng còn đơn điệu, nặng về các nghiệp vụ truyền thống, cơ chế quản lý ngân hàng còn nhiều bất cập; iv.Trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường và thị trường tiền tệ của Việt Nam còn thấp. Tóm lại, cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các luồng ngoại tệ chảy vào/ra khỏi Việt Nam từ hoạt động xuất, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp biến động tương đối mạnh đã làm cho việc điều hành chính sách tiền tệ trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi việc điều hành chính sách tiền tệ phải ngày càng linh hoạt, phản ứng nhanh nhạy với sự biến động của thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo ổn định tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hàng loạt giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ trong xu hướng hội nhập, theo chúng tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần có sự thống nhất không chỉ trong chủ trương mà kể cả các hành động thực thi cụ thể. Thứ nhất, cần nâng cao tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước. Đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi chính sách tiền tệ hiện đang được tranh luận, chưa ngã ngũ, đó là qui định mức độ độc lập như thế nào cho phù hợp với thể chế kinh tế, chính trị, lịch sử văn hóa của Việt Nam. Bài viết đề xuất như sau: với những đặc trưng riêng của mình, rõ ràng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không độc lập về chính trị nhưng cần 354
  9. phải có trách nhiệm chính thức đối với quá trình thực thi chính sách tiền tệ và cần phải có nhiệm kỳ tương đối dài cho Thống đốc. Chính phủ nên cho phép Ngân hàng Nhà nước có quyền chủ động hơn trong quyền hạn, cơ chế, chính sách và nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước. Toàn bộ chính sách của Ngân hàng Nhà nước nên căn cứ vào điều kiện của kinh tế thị trường để độc lập xây dựng. Đồng thời, hạn chế sự bảo hộ, can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng nhằm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh của các tổ chức tín dụng nhất là trong xu hướng hội nhập hiện nay. Thứ hai, cần phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhưng ổn định với tính dự báo cao. Hạn chế đến mức tối đa các can thiệp hành chính mạnh đến lãi suất và tỷ giá. Việc điều hành lãi suất cần chuyển dần sang cơ chế lãi suất thỏa thuận và chính sách tỷ giá cần phải linh hoạt hơn với tỷ giá VND/USD bám sát tỷ giá thực. Để làm được điều đó, theo chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ khối lượng tiền cung ứng, thực hiện chính sách gia tăng cung tiền thận trọng với tỷ lệ tăng cung tiền phải thấp hơn mức trung bình trong giai đoạn 2000 – 2009 (26%/năm). Điều này có nghĩa là mức tăng cung tiền danh nghĩa trong thời gian tới sẽ phải thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo đủ phương tiện thanh toán cho nền kinh tế theo tín hiệu của thị trường. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức tốt hơn nữa hoạt động của cơ quan phân tích dự báo để việc ra quyết định dứt khoát phải dựa trên cơ sở khoa học vững chắc với tính dự báo cao, có tính đến độ trễ của tác động thay vì chạy theo sau diễn biến thời cuộc. Các phát ngôn cần phải kiên định và hành động đúng theo phát ngôn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các tổ chức kinh doanh lẫn dân chúng. Thứ tư, thực thi một cách đúng đắn và có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất như giảm thuế, dãn thời hạn nộp thuế, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; xem xét tạm thời không áp dụng thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu; tập trung thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại; cần có và thực hiện tốt các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu và nâng cao hiệu quả đầu từ các nguồn vốn khác nhau. Thứ năm, ngoài các giải pháp kinh tế vĩ mô ngắn hạn, về dài hạn cần quan tâm đến việc thay đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế; nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng, vốn là những khu vực mà cải cách vẫn còn chậm. Như vậy, vấn đề đặt ra trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đối với quá trình thực thi chính sách tiền tệ ở Việt Nam không phải là sử dụng một chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng mà là nên sử dụng một chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng nhưng phải mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, phải tìm được các giải pháp dung hòa các mâu thuẫn giữa những mục tiêu của chính sách tiền tệ. Dù về tổng thể, chính sách tiền tệ cần đặt mục tiêu cho tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát nhưng trong từng giai đoạn thích ứng cần mạnh dạn chấp nhận hoán đổi các mục tiêu để “xử lý tình huống” phù hợp với yêu cầu của hội nhập 355
  10. TÀI LIỆU THAM KHẢO Vũ Đình Ánh (2009), Lựa chọn chính sách tài chính, tiền tệ sau khủng hoảng, tải về ngày 28/8/2009 từ Thu Hà (2010), Thay đổi chính sách tiền tệ: Linh hoạt và thận trọng, tải về ngày 07/02/2015 từ: trong/20102/33961.vnplus Giang Oanh (2010), Nền kinh tế còn nhiều thách thức, tải về ngày 27/01/2015 từ Thời báo kinh tế Việt Nam, Kinh tế 2008 – 2009 Việt Nam và Thế giới. Nguyễn Thị Kim Thanh (2011), Chính sách tiền tệ trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tải về ngày tải về ngày 07/02/2015 từ: nhap-kinh-te-quoc-te.html Phan Nữ Thanh Thủy (2004), Hoàn thiện chính sách tiền tệ Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án TS kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Hồ Minh Trang (2008), Thực thi chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội 356