Huy động nội lực cộng đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam: Học hỏi kinh nghiệm của phong trào Saemaul Undong, Hàn Quốc

pdf 12 trang Gia Huy 18/05/2022 2730
Bạn đang xem tài liệu "Huy động nội lực cộng đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam: Học hỏi kinh nghiệm của phong trào Saemaul Undong, Hàn Quốc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhuy_dong_noi_luc_cong_dong_cho_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gi.pdf

Nội dung text: Huy động nội lực cộng đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam: Học hỏi kinh nghiệm của phong trào Saemaul Undong, Hàn Quốc

  1. HUY ĐỘNG NỘI LỰC CỘNG ĐỒNG CHO CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI VIỆT NAM: HỌC HỎI KINH NGHIỆM CỦA PHONG TRÀO SAEMAUL UNDONG, HÀN QUỐC MOBILIZING COMMUNITY POWER FOR THE VIETNAM’S NATIONAL TARGET PROGRAM ON NEW RURAL DEVELOPMENT: EXPERIENCES FROM SAEMAUL UNDONG, SOUTH KOREA ThS. Vũ Thu Trang ThS. Đỗ Thu Trang ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tóm tắt Phát triển nông thôn toàn diện, cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, rút ngắn được khoảng cách thành thị - nông thôn, đảm bảo sự phát triển hài hòa của đất nước là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đang được triển khai theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2015, các kết quả đạt được còn thấp so với kỳ vọng đặt ra. Nguyên nhân chính là thiếu nguồn lực và thiếu các giải pháp huy động nguồn lực phù hợp. Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, nợ công tăng cao, doanh nghiệp ít muốn đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn do nhiều rủi ro và thu hồi vốn chậm, còn nguồn lực trong dân tương đối dồi dào thì việc khuyến khích sự đóng góp chủ động, tự nguyện của người dân là một giải pháp phù hợp. Kể từ năm 2015, Liên Hợp Quốc đã coi Phong trào Nông thôn mới ở Hàn Quốc (Saemaul Undong) là mô hình phát triển cộng đồng cần nhân rộng tại các nước đang phát triển để bảo đảm sự phát triển bền vững cho cộng đồng, nhất là đối với khu vực nông thôn và người nghèo. Vì vậy, tham khảo kinh nghiệm huy động nội lực cộng đồng từ phong trào SU để đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh sự đóng góp tự nguyện, chủ động của người dân cho Chương trình Nông thôn mới của Việt Nam là rất cần thiết. Từ khoá: Nội lực cộng đồng, Phát triển nông thôn Abstract Developing the rural economy, improving the living standards of rural people, closing the gap between rural and urban areas and ensuring sustainable development of Vietnam are priorities of the Vietnam’s National Target Program on New Rural Development for 2010- 2020. The Program has been implemented under the Decision No. 800/QD-TTg of the Prime Minister. However, in the period 2011-2015, the achievements are still lower than targeted. Main reasons are the lack of investment capital and lack of effective ways to mobilize community involvement. In the context of high budget deficit, rising public debt and enterprises are less willing to invest in agriculture sector and rural area while internal resources within community are relatively abundant, encouraging proactive participation of rural people is a suitable approach. Since 2015, the United Nations consider the New Village Movement in Korea, namely Saemaul Undong, as a model of community development that can be applied in developing countries in order to ensure sustainable development, especially for rural area and the poor. Therefore, learning experiences from Saemaul Undong in mobilizing community power is essential for withdrawing policy implications to change villagers’s attitude and increase their involvement in Vietnam’s rural development movement. Key words: village, rural, rural economics, development 153
  2. I. KINH NGHIỆM THÀNH CÔNG TRONG HUY ĐỘNG NỘI LỰC CỘNG ĐỒNG TỪ PHONG TRÀO SEAMAUL UNDONG CỦA HÀN QUỐC 1.1. Tổng quan về phong trào và kết quả thực hiện, huy động vốn nội lực từ cộng đồng Phong trào Saemaul Undong (SU) được Tổng thống Park Chung Hee phát động năm 1970 nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sống ở khu vực nông thôn và thay đổi thái độ sống của người dân nông thôn theo hướng tích cực với khẩu hiệu “Chúng ta có thể làm. Chúng ta sẽ làm được” (Do - Hyun Han, 2013; Chung Kap Jin, 2009 ). Để đạt được mục tiêu trên, SU đã lựa chọn làng là đơn vị để triển khai các hoạt động do người dân trong làng thường có các mối liên kết gần gũi và bền vững nhất về dòng họ, nghề nghiệp và tôn giáo. Các làng được phân thành 03 loại là: làng cơ sở, làng tự lực và làng tự lập1 nhằm theo dõi được mức độ phát triển của các làng và đưa ra khuyến khích dựa trên kết quả hoạt động (Tiêu chí phân loại làng xem thêm tại Phụ lục 1). Về cơ bản, phong trào SU đạt được những kết quả tích cực ngay trong giai đoạn đầu thực hiện, vượt mục tiêu đề ra. Hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt; thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn năm 1974 cao gấp 3 lần so với năm 1971, khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị được rút ngắn đáng kể; thái độ sống của người dân được thay đổi tích cực (Park and Han, 1999). Năm 1974, cả nước có 62% làng tự lực và 20% làng tự lập, chỉ còn khoảng 18% làng cơ sở. Thành công vang dội của SU là nhờ vào sự quan tâm của chính phủ kết hợp với sự tham gia chủ động, tích cực của người dân với sự tin tưởng mạnh mẽ vào chương trình, tạo tiền đề cho những thành tựu ở các giai đoạn tiếp theo. Bảng 1: Kết quả phát triển làng của SU trong giai đoạn 1972-1974 (đơn vị: 1.000 và %) Năm Tổng số Làng cơ sở Làng tự lực Làng tự lập 1972 34.665 (100) 18.415 (53) 13.943 (40) 2.307 (7) 1973 34.665 (100) 10.656 (31) 19.769 (57) 4.246 (12) 1974 34.665 (100) 6.165 (18) 21.500 (62) 7.000 (20) Nguồn: Ministry of Internal Affairs (1980). “Ten years history of Saemaul Undong” Phong trào SU đã thu hút được sự tham gia tự nguyện của đông đảo người dân ở khu vực nông thôn ngay từ những năm đầu triển khai. Trong giai đoạn 1971-1974, tỉ lệ vốn huy động từ cộng đồng đã tăng từ 66,4% lên 77,9%; số người dân tham gia vào phong trào đã tăng 14 lần (Ministry of Home Affairs, 1980). Người dân tích cực vào các hoạt động của phong trào nhằm tạo ra những thay đổi đáng kể về mọi mặt đời sống ở khu vực nông thôn. 1 Tiêu chí phân loại làng xem thêm ở Phụ lục 1 154
  3. Hình 1: Cơ cấu đóng góp vốn cho phong trào SU giai đoạn 1971-1974 (Đơn vị: %) Nguồn: Ministry of Internal Affairs (1980). “Ten years history of Saemaul Undong” 1.2. Những yếu tố chính tác động đến huy động nội lực cộng đồng Tổng kết về những nhân tố quan trọng tác động đến huy động nguồn lực cộng đồng cho SU, ADB (2012) cho rằng đó là vai trò của lãnh đạo, chính sách khuyến khích có tính cạnh tranh từ chính phủ, tôn trọng quyền làm chủ của người dân và các hoạt động tuyên truyền sâu rộng. Các nhân tố này được phân tích ở những nội dung sau. • Lãnh đạo các cấp quan tâm sâu sát hoạt động của Phong trào Tổng thống Park Chung Hee đã coi phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân là trọng tâm quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ và quyết tâm đưa định hướng này vào thực tế. Hàng tháng, Tổng thống chủ trì 02 cuộc họp là Hội đồng Chính phủ và Họp bàn về xu thế kinh tế với thành phần tham dự là các thành viên của chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và 02 lãnh đạo bất kỳ ở cấp làng của SU. Tổng thống đã dành 9,0% thời gian phát biểu của mình để trao đổi về kế hoạch thực hiện và thảo luận các chính sách của SU. Tổng thống, Thủ tướng và lãnh đạo của các Bộ đã thăm khoảng 3.000 dự án cấp làng mà không báo trước để có thể phát hiện, xử lý nghiêm ra các hành vi tiêu cực ở địa phương (Seok-Jin Eom, 2011; Djun Kil Kim, 2012 ). Để chỉ đạo phong trào SU ở cấp làng, người dân tự bầu ra lãnh đạo có tâm và có tài, gồm 01 nam và 01 nữ. Nhằm duy trì sức mạnh độc lập từ cấp cơ sở, những nhà lãnh đạo này độc lập với hệ thống hành chính, chính trị ở nông thôn và không được nhận bất kỳ sự hỗ trợ vật chất nào. Động lực làm việc của họ chính là sự động viên của Chính phủ và sự tôn trọng của dân làng. Lãnh đạo phong trào thường xuyên tổ chức gặp mặt chính thức và phi chính thức (trà chiều, ăn trưa ) với người dân để tìm hiểu đúng nguyện vọng của họ khi thực hiện các dự án của phong trào (Do-Hyun Han, 2012). • Tôn trọng các góp ý nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân SU còn là một phong trào nhằm thay đổi ý thức, thái độ của người nông dân theo đúng tinh thần “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”. Nông dân được phát huy đúng vai trò là người làm chủ và là vị trí trung tâm của phong trào, họ sự tự hào và tin tưởng vào chính khả năng của mình. Người dân được mời tham gia họp với lãnh đạo phong trào, lãnh đạo địa phương để bàn bạc dân chủ về việc tổ chức thực hiện các dự án của làng như quy mô, ưu tiên của các dự án, lựa chọn dự án thực hiện. Theo kết quả điều tra, khoảng 67% người dân cho biết họ đã tham gia các cuộc họp cấp làng do họ nhận thấy các ý kiến góp ý của mình được tôn trọng và áp dụng vào thực tế (Boyer and Ahn, 1991). Các khoản đóng góp của người dân được công khai và minh bạch trong các cuộc họp hàng tháng, để phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng. 155
  4. • Chính sách khuyến khích có tính cạnh tranh từ chính phủ Để đẩy lùi và xóa bỏ tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, phát huy tối đa nội lực cộng đồng, từ năm 1972, Chính phủ hỗ trợ cho các làng tham gia phong trào theo quan điểm “làng nào làm tốt, làng đó được hỗ trợ trước”. Năm 1972, chính phủ đã chọn ra 16,600 làng có thành tích tốt, lãnh đạo tâm huyết và người dân nhiệt tình tham gia phong trào trong năm 1971 để hỗ trợ 500 bao xi măng và 1 tấn sắt/làng. Kể từ năm 1973, chính phủ công khai phân loại làng và hỗ trợ các dự án trong giai đoạn tiếp theo theo hướng sau: làng cơ sở được hỗ trợ dự án làm đường, cải tạo nhà ở; làng tự lập được hỗ trợ thêm dự án cải tạo hệ thống thủy lợi và quỹ làng khoảng 500 nghìn Won; làng tự lực được hỗ trợ thêm dự án nâng cao thu nhập, dự án phúc lợi văn hóa, quỹ làng khoảng 1 triệu Won (Chung, Kap Jin. 2009). Cách làm này tạo động lực thi đua giữa các làng và khuyến khích lòng tự trọng của dân làng. • Các hoạt động tuyên truyền sâu rộng và dễ hiểu Công tác tuyên truyền của SU đã đảm bảo được yêu cầu thiết thực, gần gũi, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm văn hóa của người dân ở khu vực nông thôn để thu hút được sự chú ý của cả xã hội và nông dân tham gia phong trào. Năm 1972, chính phủ Hàn Quốc xây dựng Trung tâm Truyền thanh SU; năm 1973, chính phủ thành lập hai công ty truyền thông để tuyên truyền các hoạt động của SU. Trong giai đoạn 1971-1980, người dân đã được xem 66 bộ phim liên quan đến SU với các nội dung bám sát thực tế về những thành tựu của SU trong cải thiện chất lượng sống, theo dõi những gương tiên tiến, điển hình tham gia đóng góp cho phong trào. Ở khắp mọi nơi trên toàn quốc, đều treo lá cờ màu xanh có hình ảnh chồi ba lá. Màu xanh tượng trưng cho nông thôn, ba mầm chồi tượng trưng cho ba khía cạnh tinh thần chủ yếu của phong trào là: cần cù - tự chủ và hợp tác. II. NHỮNG HẠN CHẾ CỦA CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI TRONG HUY ĐỘNG NỘI LỰC CỘNG ĐỒNG 1.1. Tổng quan về chương trình và kết quả thực hiện, huy động nội lực cộng đồng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 được thực hiện trên phạm vi 9.008 xã của cả nước. Mục tiêu tổng quan của chương trình là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giữ vững an ninh trật tự và bảm đảm dân chủ. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, có 20% xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020, có 50% xã NTM (Tiêu chí đánh giá xã NTM xem cụ thể ở Phụ lục 2). Cho đến cuối năm 2015, cả nước có 1.298 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; chiếm khoảng 14,5% tổng số xã tham gia Chương trình, không hoàn thành mục tiêu đề ra (20% xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015). Tuy nhiên đã được thành công trên một số mặt như cải thiện hạ tầng nông thôn, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010), phần nào thay đổi nhận thức của nông dân và lôi cuốn họ tham gia vào Chương trình. Kết quả trên đạt được là nhờ những đóng góp tích cực từ các nguồn lực trên cả nước. Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước là 266.785 tỷ đồng (31,34%), tín dụng 434.950 tỷ đồng (51%), 156
  5. doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng (12,62%). Tuy nhiên, các khoản vay (tín dụng) chiếm tỉ trọng lớn nhất và hỗ trợ của ngân sách tương đối lớn, phản ánh sự phụ thuộc rất lớn của Chương trình vào các nguồn lực bên ngoài, hơn là dựa vào nội lực của chính người dân ở nông thôn. Hình 1: Cơ cấu vốn phục vụ Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 (%) Nguồn: Văn phòng Điều phối Trung ương (2015) 1.2. Những yếu tố chính làm hạn chế khả năng huy động nội lực cộng đồng • Lãnh đạo chưa quan tâm sâu sát đến hoạt động của Chương trình và xây dựng quan hệ gắn kết với người dân để tìm hiểu đúng nguyện vọng của họ khi tham gia Chương trình Vai trò của người lãnh đạo trong Chương trình NTM chưa thực sự rõ nét, sự lãnh đạo còn thiếu quyết liệt. Nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã diễn ra trên toàn quốc để thảo luận về nội dung hoạt động, tiến độ triển khai các dự án của Chương trình NTM nhưng hầu như người dân không tham dự các cuộc họp này. Theo kết quả điều tra của Nguyễn Hoàng Hà 2014), có đến 60% người dân phản ánh họ không biết và không được mời dự họp về Chương trình NTM. Ngoài ra, đến cuối năm 2014, cả nước mới có 13% huyện thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình NTM và hầu hết các xã đều thiếu cán bộ chuyên trách thực hiện Chương trình. Điều này cũng cản trở việc trao đổi thông tin hai chiều giữa lãnh đạo, cán bộ thực hiện Chương trình và người dân địa phương, khiếu nhiều người dân thiếu sự hiểu biết đầy đủ về Chương trình. • Ý kiến góp ý của người dân chưa được trân trọng lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc để khuyến khích sự nhiệt tình và các ý tưởng sáng tạo Về nguyên tắc, người dân tham gia tự nguyện vào Chương trình chỉ khi những đóng góp của họ thực sự được tôn trọng theo khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Tuy nhiên, rất nhiều người dân không có cơ hội tham gia họp bàn, đóng góp ý kiến và triển khai các hoạt động của dự án. Chẳng hạn, theo Nguyễn Hoàng Hà (2014), có đến 75% người dân phản hồi họ không có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến đối với xây dựng quy hoạch NTM ở xã; trong khi đó, 100% cán bộ xã phản hồi rằng người dân đã tham gia đóng góp ý kiến. Kết quả điều tra trái ngược này một lần nữa cho thấy sự quan tâm “hình thức” của lãnh đạo và phản ánh rõ vai trò “mờ nhạt” của người chủ Chương trình. Vì vậy, nhiều dự án được hoàn thành không đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân, lãng phí nguồn lực của xã hội như tình trạng nhiều nhà văn hóa xây xong không có người sử dụng hay tình trạng chợ bỏ hoang. 157
  6. Đối với hoạt động giám sát, theo quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg2, từng xã sẽ thành lập Ban giám sát cộng đồng gồm đại diện của Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc xã, các tổ chức xã hội và đại diện của cộng đồng dân cư hưởng lợi công trình do dân bầu thực hiện giám sát các công trình cơ sở hạ tầng xã. Kết quả giám sát và đánh giá sẽ được công khai để người dân được biết, gồm cả thông tin về đóng góp của họ vào Chương trình. Tuy nhiên, thông tin chính thức kết quả giám sát và đóng góp của người dân về số ngày công lao động, diện tích đất được hiến tặng hầu như không được công khai. Sự thiếu minh bạch thông tin đã tạo ra những kẽ hỡ cho nạn tham ô, tham nhũng diễn ra và làm giảm niềm tin của cộng đồng vào Chương trỉnh, như vụ việc được phát hiện tại xã Quế Phước (tỉnh Quảng Nam). • Thiếu các hỗ trợ mang tính cạnh tranh, khuyến khích Người dân là “người chủ” của Chương trình và được kỳ vọng sẽ tham gia tự nguyện, chủ động vào mọi lĩnh vực của Chương trình. Tuy nhiên, ngay cả định hướng về cơ cấu huy động vốn cho Chương trình cũng không thể hiện được điều này. Theo Quyết định số 800/QĐ- TTG, đóng góp trực tiếp của cộng đồng chỉ là 10%, hỗ trợ của nhà nước là 40% và phần còn lại là từ vốn tín dụng và vốn của doanh nghiệp. Đối với những xã có điều kiện khó khăn hơn sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách. Do vậy, nhiều cán bộ xã và người dân còn có tư tưởng thụ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là từ ngân sách Trung ương. Theo điều tra của Nguyễn Ngọc Luân (2011) tại 11 xã điểm của Chương trình NTM, tâm lý thụ động là cản trở lớn nhất để phát huy vai trò tích cực của người dân đối với Chương trình. Điều này hàm ý là cần có những chính sách tạo ra sự thi đua, cạnh tranh sôi nổi ở khu vực nông thôn để thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân tham gia tự nguyện vào Chương trỉnh. • Vận động NTM được thực hiện chưa bám sát với thực tiễn cuộc sống Thông tin tuyên truyền về Chương trình NTM có thể được tìm thấy trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông như báo, đài, truyền hình. Tuy nhiên, các hoạt động tuyên truyền chưa thực sự giúp “dân hiểu, dân tin và dân hưởng ứng”, nhất là đối với người dân nghèo, có trình độ thấp ở nông thôn. Lý do chính là do công tác tuyên truyền chưa đủ sáng tạo, nội dung chưa phù hợp với hiểu biết của người dân khi sử dụng nhiều thuật ngữ trừu tượng như “cơ cấu kinh tế”, “định hướng xã hội chủ nghĩa” , nặng về kêu gọi đóng góp vào xây dựng các cơ sở hạ tầng hơn là cải thiện sản xuất, nâng cao thu nhập và phát triển văn hóa. Nhiều người dân và lãnh đạo đã hiểu nhầm về xây dựng NTM, họ cho rằng xây dựng NTM chỉ đơn thuần là nhận các hỗ trợ từ cấp trên để triển khai các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Theo ý kiến phản hồi của người dân, hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất là các cuộc gặp gỡ trực tiếp, thường xuyên giữa cán bộ, lãnh đạo Chương trình với người dân. 2 Quy định tại Mục 4e, phần VI, Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/06/2010 158
  7. III. GỢI Ý CHÍNH SÁCH Từ kinh nghiệm của phong trào Saemaul Undong và thực trạng của Việt Nam, kiến nghị một số chính sách để phát huy vai trò làm chủ của người dân và khuyến khích người dân tham gia tự nguyện, chủ động vào Chương trình. Cụ thể như sau: Nâng cao vai trò của lãnh đạo trong khơi ngợi và huy động nguồn lực cộng đồng. Lãnh đạo các cấp ở địa phương cần theo dõi sát sao các hoạt động của Chương trình và thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc để trao đổi và lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân. Kết quả thực hiện Chương trình NTM là một tiêu chí để đánh giá năng lực làm việc của lãnh đạo và căn cứ để đề bạt. Cần lựa chọn được những lãnh đạo, cán bộ tốt chuyên trách về thực hiện Chương trình ở cấp xã thông qua thi tuyển công khai và dân chủ. Lãnh đạo cần đi trước một bước và là những gương điển hình tốt về đóng góp cho Chương trình. Tổ chức và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ có nhiệm vụ chuyên trách về Chương trình NTM ở các bộ, ngành và các cấp địa phương. Văn phòng điều phối Chương trình quốc gia NTM ở các cấp xây dựng kế hoạch về đào tạo và nâng cao năng lực cho các bộ có tham gia vào Chương trình NTM, hướng vào đối tượng các cán bộ chuyên trách của Chương trình. Kế hoạch được xây dựng định kỳ và công khai minh bạch, chú trọng việc triển khai các khóa học mà học viên tham dự là các cán bộ ở các bộ, ngành ở trung ương và địa phương cùng với người thực hiện Chương trình ở xã, thôn/ấp để hiểu tăng cường sự hiểu biết giữa các bên về nhu cầu và thực tiễn trong triển khai Chương trình; Thành lập ra diễn đàn để cán bộ có thể chia sẻ kinh nghiệm về huy động nguồn lực NTM ở địa phương; Nội dung của các chương trình đào tạo để trang bị kiến thức thực tiễn tùy theo các giai đoạn thực hiện của Chương trình và có các chủ đề phù hợp. Các nội dung đào tạo nên hướng đến: tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về đầu tư và quản lý dự án về tam nông, những quy định cụ thể đối với quản lý dự án của Chương trình NTM đặc biệt là dành cho các dự án do cấp xã quản lý, phương pháp xây dựng dự án đầu tư, cách tính toán các chỉ tiêu hiệ quả kinh tế - kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giới thiệu các trường hợp thành công về xây dựng mô hình sản xuất và khuyến khích người dân tham gia vào Chương trình; Phát huy vai trò sáng tạo, chủ động của người dân. Tiếp thu và phản hồi ý kiến của người dân khi tham gia góp ý cho các nội dung của Chương trình NTM và công tác huy động nguồn lực cho Chương trình Ý kiến đóng góp của người dân đối với các hoạt động của Chương trình cần được tôn trọng để điều chỉnh các dự án phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân. Thường xuyên thực hiện cuộc đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo và người dân, các cuộc điều tra khảo sát. Công khai thông tin về nội dung, tiến độ và chất lượng của dự án; minh bạch về đóng góp của người dân trên bản tin địa phương và các phương tiện truyền thông đại chúng như hệ thống phát thanh địa phương, các trang tin điện tử của địa phương và của Chương trình. Ban hành cơ chế khuyến khích cạnh tranh giữa các địa phương. Chính phủ nên ban hành nguyên tắc hỗ trợ theo quan điểm “xã nào làm tốt, xã đó được ưu tiên hỗ trợ trước” dựa 159
  8. trên việc phân loại kết quả của các xã thành 03 mức độ “tốt”, “trung bình”, “yếu”. Những chính sách hỗ trợ cần đa dạng và linh hoạt cho các xã theo mức độ đã đạt được trong năm trước như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ về đào tạo nhân lực, hỗ trợ về mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Thực hiện tuyên truyền một cách sáng tạo với nội dung thiết thực, dễ hiểu với người dân. Đơn giản hóa các thuật ngữ của để người dân có thể hiểu và ghi nhớ nhanh chóng, như “Quy hoạch” hoặc “cơ cấu kinh tế”. Tích cực tuyên truyền thông qua các hình thức trao đổi tương tác trực tiếp giữa lãnh đạo và người dân, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, phát động các phong trào thi đua văn nghệ tuyên truyền về Chương trình. Tránh không mang tính chất hô khẩu hiệu và khiến cho người dân ý thức được chương trình NTM gắn liền với nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Để làm được điều này, vai trò của các cấp lãnh đạo, đặc biệt ở các tổ dân phố, ấp, xã và những người có tiếng nói trong làng cần được phát huy. Giới thiệu hình ảnh các lãnh đạo làm người làm gương trong đóng góp vào chương trình NTM (đóng góp nhiều tiền hơn, nhiệt tình hơn ). Cán bộ xã nghiêm túc đi đầu và làm gương thực hiện các cam kết đã đưa ra với người dân đóng vai trò rất quan trọng để tạo động lực, cảm hứng cho người dân tự nguyện tham gia đóng góp cho NTM. Lãnh đạo ở các cấp thường xuyên tham gia vào các cuộc họp của người dân để tiếp thu ý kiến, tuyên truyền về lợi ích của Chương trình theo từng dự án cụ thể; Thực hiện nghiêm túc và tuyên truyền sâu rộng hình thức khuyến khích về tinh thần như tuyên dương, phong tặng danh hiệu, bằng khen từ trung ương. Biện pháp khuyến khích bằng vật chất ít được ủng hộ hơn và được cho rằng không có tác động bền vững. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội Các hiệp hội, đoàn thể quan tâm và chú trọng đến tổ chức các phong trào vận động người dân tham gia xây dựng NTM đồng thời tổ chức giám sát việc thực hiện chương trình NTM tại địa phương. Hội thanh niên: Xây dựng các phong trào thanh niên tại địa phương như: phong trào thanh niên lập nghiệp, thanh niên nông thôn trong công tác bảo vệ môi trường, thanh niên nông thôn trong công tác phong trào văn nghệ, văn hóa của địa phương; Hội cựu chiến binh: Tham gia thực hiện hiệu quả phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo và làm kinh tế giỏi như vay vốn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hội phụ nữ: Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong các tổ chức chính quyền, đoàn thể như Hội đồng nhân dân xã, trưởng thôn, Ban chấp hành Đoàn xã, Ban chấp hành hội nông dân xã, trong Chương trình xây dựng NTM; Hội người cao tuổi: Khuyến khích và tạo điều kiện để người cao tuổi có thể tham gia xây dựng NTM tùy theo điều kiện và khả năng của mình. Đồng thời, tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho bán bộ Hội người cao tuổi tham gia phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”, đồng thời nhân rộng các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM /. KẾT LUẬN 160
  9. Chương trình NTM đã được triển khai rộng khắp trên cả nước trong hơn 3 năm qua và đã đạt được một số kết quả tích cực, giúp cải thiện cải thiện diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế nhất định và có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Một trong những nguyên nhân chính là do công tác huy động vốn cho Chương trình còn bất cập. Trên cơ sở tập trung làm rõ những yếu tố ảnh hưởng đến công tác huy động vốn cho Chương trình nói chung và ảnh hưởng đến việc huy động từng nguồn vốn nói riêng và kinh nghiệm của phong trào Saemaul Undong, Hàn Quốc và thực trạng của Việt Nam, nghiên cứu đã đề xuất một số kiến nghị một số giải pháp nhằm đặt nền tảng cho việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách huy động vốn đầu tư để xây dựng NTM trong thời gian tới một cách sáng tạo. Trong đó, cần tập trung phát huy vai trò làm chủ của người dân và khuyến khích người dân tham gia tự nguyện, chủ động vào Chương trình. 161
  10. PHỤ LỤC Phụ lục 1: Tiêu chí phân loại làng trong Phong trào SU Dự án Cơ sở Tự lực Tự lập Đường làng Có Có Có Đường đi vào Có Có Có trang trại Thủy lợi nông Đáp ứng 70% nhu Đáp ứng 70% nhu cầu Đáp ứng 85% nhu cầu nghiệp cầu Máy Áp dụng khoa học vào sản Áp dụng khoa học vào - nôngnghiệp xuất sản xuất Hợp tác sản Nhóm hợp tác sản Nhóm hợp tác sản xuất Nhóm hợp tác sản xuất xuất xuất Quỹ làng 1200 USD/làng 2000 USD/làng 4000 USD/làng Thu nhập hộ gia 2000 USD/hộ 3200 USD/hộ 5600 USD/hộ đình Nguồn: Rho, Wha Joon. 2014. “Triple Helix for Social Innovation: The Saemaul Undong for Eradicating Poverty,” Journal of Contemporary Eastern Asia, Vol. 13, No.1, pp. 39-55. 162
  11. Phụ lục 2: Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới Tiêu chí 1: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch Tiêu chí 2: Giao thông Tiêu chí 3: Thủy lợi Tiêu chí 4: Điện Tiêu chí 5: Trường học Tiêu chí 6: Cơ sở vật chất văn hóa Tiêu chí 7: Chợ nông thôn Tiêu chí 8: Bưu điện Tiêu chí 9: Nhà ở dân cư Tiêu chí 10: Thu nhập Tiêu chí 11: Hộ nghèo Tiêu chí 12: Cơ cấu lao động Tiêu chí 13: Hình thức tổ chức sản xuất Tiêu chí 14: Giáo dục Tiêu chí 15: Y tế Tiêu chí 16: Văn hóa Tiêu chí 17: Môi trường Tiêu chí 18: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh Tiêu chí 19: An ninh, trật tự xã hội được giữ vững Nguồn: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày16 háng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. 163
  12. TÀI LIỆU THAM KHẢO Asian Development Bank (ADB). 2006. A Review of Community-Driven Development and Its Application to the Asian Development Bank. Boyer, W. W and B. M. Ahn. 1991. Rural Development in South Korea: A Sociopolitical Analysis. Newark: University of Delaware Press. Chung, Kap Jin. 2009. Experiences and Lessons from Korea’s Saemaul Undong in the 1970s. Seoul: Korea Development Institute. (in Korean). Eom, Seok Jin. 2011. “The Rural Saemaul Undong Revisited from the Perspective of Good Governance,” The Korean Journal of Policy Studies, vol. 26, no. 2. pp. 17-43. Han, Do Hyun, Song, Hwajinl và Park, Christian Joon. 2013. Village leaders and their community activities. Ministry of Strategy and Finance, Korea Saemaul Undongas Center and KDI School. Seoul. Han, Do Hyun. 2012. 2011 Modularization of Korea’s Development Experience: Successful Cases of Korea’s Saemaul Undong (New Community Movement). Seoul: Korea Saemaul Undong Center, Ministry of Public Administration and Security. Kim, Djun Kil. 2012. The Saemaul Undong Movement in the Republic of Korea: Sharing Knowledge on Community-Driven Development. Mandaluyong City, Philippines: Asian Development Bank. Ministry of Home Affairs. 1980. History of Saemaul Movement: 1971-1980. Seoul. (in Korean). Nguyễn Hoàng Hà, Đỗ Thu Trang, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Vũ Thu Trang. 2014. Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp huy động vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến năm 2020. Viện Chiến lược phát triển. Nguyễn Ngọc Luân. 2012. Nghiên cứu kinh nghiệm huy động nguồn lực cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới nhằm đề xuất cơ chế chính sách áp dụng cho xây dựng nông thôn mới. Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Park, Jin Do và Han, Do Hyun.1999. “Saemaul Undong and Yushin Regime,” Critical Review of History. no. 2, pp. 37-80. Rho, Wha Joon. 2014. “Triple Helix for Social Innovation: The Saemaul Undong for Eradicating Poverty,” Journal of Contemporary Eastern Asia. vol. 13, no.1, pp. 39-55. Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày16 háng 4 năm 2009 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 2015. Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015. Hà Nội. Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/06/2010 về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày16 háng 4 năm 2009 về việc Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. 164