Kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của một số nước trên thế giới và bài học đối với Việt Nam

pdf 10 trang Gia Huy 18/05/2022 1910
Bạn đang xem tài liệu "Kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của một số nước trên thế giới và bài học đối với Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkinh_nghiem_phat_trien_kinh_te_bien_cua_mot_so_nuoc_tren_the.pdf

Nội dung text: Kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của một số nước trên thế giới và bài học đối với Việt Nam

  1. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI VIỆT NAM SUCCESSFUL EXPERIENCES IN MARINE ECONOMIC DEVELOPMENT OF SOME COUNTRIES AND LESSONS FOR VIETNAM Nguyễn Xuân Khoát Trường Đại học Kinh tế , Đại học Huế Tóm tắt Lịch sử phát triển của thế giới cho thấy, biển và kinh tế biển có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có biển. Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có bờ biển dài 3.260 km, trải dài trên 13 vĩ độ, có diện tích vùng biển khoảng 1.000.000 km2, có nhiều nguồn tài nguyên phong phú đa dạng, với trữ lượng thuộc loại khá, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Tuy nhiên, về cơ bản, kinh tế biển Việt Nam phát triển còn chậm, tỷ trọng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Bài viết này tìm hiểu, phân tích những kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế biển của một số nước trên thế giới, từ đó rút ra những bài học thiết thực cho việc phát triển kinh tế biển bền vững ở Việt Nam. Từ khóa: kinh tế biển, phát triển bền vững, Việt Nam Abstract The development history of the world shows that sea and maritime economy play particularly important role in the development process of each country, especially countries owing sea areas. Vietnam is a country located in Asia Pacific region with 3,260 km of coastline, stretching over 13 latitudes, covering an area of about 1,000,000 km2 sea water. Especially, there are many diversified resources in Vietnam, creating favorable conditions to promote development of marine economy. However, basically, Vietnam’s maritime economy has develop slowly, which does not comply with available potentials and advantages. This article investigates and analyzes successful experiences in marine economic development of some countries in the world, from which practical lessons for the development of sustainable maritime economy in Vietnam are drawn out. Key words: maritime economy, sustainable development, Vietnam Lịch sử phát triển của thế giới cho thấy, biển và kinh tế biển có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có biển. 1003
  2. Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, diện tích vùng biển rộng, có nhiều nguồn tài nguyên phong phú đa dạng, với trữ lượng khá, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, kinh tế biển Việt Nam phát triển còn chậm, tỷ trọng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Vì vậy, việc tìm hiểu, phân tích những kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế biển của một số nước trên thế giới, từ đó rút ra bài học đối với phát triển kinh tế biển Việt Nam có ý nghĩa thực tiễn cấp thiết. 1. Kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của một số nước trên thế giới 1.1. Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Nga Cộng hòa Liên bang Nga là một trong những quốc gia biển hàng đầu thế giới. Với chiều dài biên giới biển là 38.800 km (trong khi đó biên giới đất liền chỉ là 14.500km); vùng lãnh hải là 4,2 triệu km2, trong đó 3,9 triệu km2 có tiềm năng hydro - cacbon lớn, Nga là nước có tiềm lực mạnh về phát triển kinh tế biển, nhất là trong việc thăm dò và khai thác đại dương. Các hoạt động quan trọng của Nga, đặc biệt là ở các vùng bờ biển, phụ thuộc vào các hoạt động liên tục về vận tải biển và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải hành khách và hàng hóa. Nhận thức được tầm quan trọng của biển, Nga đã có những chính sách đầu tư khổng lồ vào nghiên cứu kinh tế biển, phát triển vận tải hàng hải, thăm dò tài nguyên biển và thám hiểm biển. Đồng thời, Chính phủ Nga đã ban hành Chương trình đại dương nhằm đưa ra một giải pháp toàn diện đối với vấn đề thăm dò và khai thác hiệu quả đại dương phục vụ các mục đích phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Chương trình đại dương bao gồm những nội dung cơ bản sau: (1) Phát triển các ngành công nghiệp khoáng sản biển; (2) Giải quyết các vấn đề xã hội và tạo nhiều công ăn việc làm từ việc xây dựng các khu mỏ mới; (3) Hình thành cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác nhằm phát triển một cách cân đối, hài hòa các lợi ích; (4) Phát triển một hệ thống kinh tế năng động; (5) Phát triển một cơ chế phối hợp trong việc quản lý khu vực ven biển và các chương trình quản lý môi trường; (6) Đề ra các giải pháp đối với các vấn đề cụ thể về kinh tế và đa dạng sinh học; (7) Giải quyết các vấn đề chính trị và pháp lý liên quan đến việc khai thác khoáng sản trong lòng biển của Nga phù hợp với luật quốc tế. Mặt khác, Cộng hòa Liên bang Nga đã xác định Chiến lược biển của mình gồm 4 vấn đề chủ yếu sau: (1) Tại biển Đại Tây Dương, Nga sẽ duy trì các lực lượng, đặc biệt là hải quân trên biển Bantic, Biển Đen, biển Azov và Địa Trung Hải nhằm bảo vệ lợi ích của Nga trong khu vực này. (2) Tại biển Bắc Băng Dương, Nga đã duy trì Hạm đội Phương Bắc nhằm đảm bảo đường ra của Hải quân Nga, bảo vệ khu kinh tế, thềm lục địa giàu có và tuyến giao thông đường biển phía Bắc trong quá trình phát triển đất nước. Theo kế hoạch, năm 2020 Nga sẽ triển khai một lực lượng vũ trang hỗn hợp nhằm bảo vệ các quyền lợi kinh tế và chính trị của nước này ở Bắc Cực. Theo “Viện nghiên cứu các vấn đề dầu và khí”, Nga sẽ khai thác được khoảng 30 triệu tấn dầu và 130 tỷ m3 khí đốt tự nhiên trên thềm lục địa Bắc Cực vào năm 1004
  3. 2030. Hiện tại Nga đã tiến hành chuẩn bị tuyên bố chủ quyền thềm lục địa 1,2 triệu km2 và khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở khu vực này. (3) Tại biển Ấn Độ Dương, Nga sẽ mở rộng vận tải và đánh bắt cá trên biển, hợp tác chống cướp biển; chống khủng bố; tiến hành nghiên cứu Nam Cực; biến khu vực này thành khu vực ổn định và thân thiện với các nước láng giềng, bảo đảm sự có mặt thường xuyên của hải quân Nga tại đây. (4) Tại biển Thái Bình Dương, Nga sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng Viễn Đông; phát triển thăm dò và nghiên cứu tài nguyên khoáng sản và sản vật biển tại khu vực kinh tế và thềm lục địa của Nga; tạo điều kiện, kể cả sử dụng khả năng của các địa phương trong khai thác tiềm năng biển với mục đích bảo vệ chủ quyền và quyền quốc tế của Nga tại Thái Bình Dương; ký kết các hiệp định quốc tế về hạn chế sử dụng quân sự trong vùng; thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương nhằm bảo đảm an ninh trên biển, chống buôn lậu, giúp đỡ tàu bị nạn; nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, vận tải nhằm thu hút các nguồn hàng trung chuyển từ các nước Đông Nam Á và Mỹ sang châu Âu và các nước khác. Nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược và giải pháp nêu trên, Cộng hòa Liên Bang Nga đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là kinh tế biển. Nga đã có những bước tiến đột phá, đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia, bảo vệ được các lợi ích và an ninh của đất nước trên các vùng biển thế giới và củng cố được vai trò tiên phong của mình trong lĩnh vực biển quốc tế. 1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc Trung Quốc có đường bờ biển dài hơn 18.000km, có hơn 5.000 hòn đảo có diện tích rộng 500 m2 trở lên, đường biển ven đảo khoảng 14.000km. Tài nguyên dầu khí khoảng 25 tỷ tấn, khí thiên nhiên khoảng 8.400 tỷ m3. Dọc bờ biển Trung Quốc có khoảng 160 vịnh, có thể xây dựng hải cảng phát triển vận tải đường biển. Khu vực ven biển có khoảng hơn 1.500 điểm du lịch để phát triển ngành du lịch. Giá trị sản lượng các ngành kinh tế biển bình quân hàng năm đạt khoảng 1.000 tỷ NDT, chiếm 3,8% GDP, góp phần quan trọng cho sự nghiệp hiện đại hóa đất nước. Tính đến năm 2010, Trung Quốc có hơn 2.000 cảng biển với 16 cảng biển có công suất trên 50 triệu tấn/năm; có 6/20 cảng container lớn nhất thế giới. Công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc cũng được xếp vào loại nhất nhì thế giới; năm 2010, Trung Quốc chiếm vị trí số 1 thế giới về tổng lượng đặt hàng đóng mới. GDP kinh tế biển của Trung Quốc đạt gần 3,8 ngàn tỷ NDT, chiếm 9,55 % GDP toàn quốc. Trong những năm sắp tới, Chính phủ Trung Quốc dự báo kinh tế biển sẽ đạt mức tăng trưởng 13% hàng năm và chiếm 15% GDP toàn quốc. Sở dĩ, kinh tế biển của Trung Quốc phát triển nhanh, đạt hiệu quả to lớn nêu trên là do Trung Quốc đã quan tâm thực hiện tốt các nội dung sau: 1005
  4. - Thứ nhất, sớm ban hành và triển khai thực hiện chương trình, quy hoạch phát triển kinh tế biển Vào đầu những năm 1990, kinh tế biển của Trung quốc nhỏ bé, chậm phát triển trong tổn thể kinh tế quốc dân. Đến năm 1996, Trung Quốc đã xây dựng và cho thực thi chiến lược phát triển bền vững hinh tế biển, với nội dung chính là bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển. Năm 2003, Ủy ban Nhà nước Trung Quốc đã công bố và thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế biển quốc gia”, theo đó, kinh tế biển được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước và cần có chiến lược phát triển dài hạn, đồng bộ. Nội dung chủ yếu của chương trình bao gồm: Thám hiểm vùng biển, vẽ sơ đồ vùng biển, dự báo về triển vọng của vùng biển phục vụ việc khai thác tài nguyên biển, nghiên cứu và phát triển các ngành khoa học và công nghệ phục vụ cho kinh tế biển, nghiên cứu và soạn thảo luật bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên biển, nghiên cứu sinh thái biển, nghiên cứu về mức độ ô nhiễm và các phương pháp ngăn chặn ô nhiễm vùng biển. Đồng thời cũng trong năm 2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố bản “Đề cương quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc” với tư duy tổng thể và nguyên tắc cơ bản như sau: Về tư duy tổng thể: Củng cố xây dựng và thực hiện quan điểm phát triển khoa học nhằm mục tiêu xây dựng xã hội khá giả vào năm 2020, xoay quanh 4 trọng điểm: (1) Hiện đại hóa sản nghiệp biển; (2) Xây dựng bố cục khai thác biển; (3) Phát triển khoa học kỹ thuật biển; (4) Bảo vệ môi trường sinh thái biển. Về nguyên tắc cơ bản: (1) Bảo vệ quyền lợi biển; (2) Quy hoạch tổng thể và phát triển hài hòa; (3) Phát triển bền vững; (4) Lấy khoa học kỹ thuật để chỉ đạo trước; (5) Tích cực tham gia khai thác biển quốc tế. Đặc biệt, trong việc xây dựng và phát triển ngành nghề biển, Trung Quốc luôn quan tâm đến vấn đề môi trường sinh thái trong việc khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển; phát triển sản xuất sạch, khiến cho các ngành nghề biển phát triển theo xu hướng tối thiểu hoá phế thải, thông qua tiến bộ khoa học kỹ thuật phát hiện các nguồn tài nguyên mới, khai thác kỹ thuật mới, hình thành và phát triển ngành nghề biển mới. - Thứ hai, ban hành và thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế biển đầy tham vọng + Khuyến khích phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng vừa phục vụ nội địa vừa tăng cường mở rộng ra bên ngoài dựa trên cơ sở cạnh tranh về giá với chất lượng đạt chuẩn; đặc biệt là ngành công nghiệp đóng tàu. + Ưu tiên phát triển và nâng cấp kết cấu hạ tầng cảng biển để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế biển; đáng chú ý là khả năng đón tiếp các tàu trọng tải lớn và khả năng bốc xếp dỡ nhanh hàng hóa. 1006
  5. + Mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài vào các loại hình kinh tế biển, đặc biệt là các ngành nghề tạo nhiều việc làm và đảm bảo an ninh lương thực; như nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản. + Quy hoạch và xây dựng vùng kinh tế biển đặc thù nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế biển năng động, hiệu quả. + Cho phép các chủ thể tư nhân tham gia vào hoạt động kinh tế biển, nhằm đảm bảo tính trách nhiệm và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh + Ban hành một loạt đạo luật về quản lý và khai thác biển, xây dựng khung phí, thuế sử dụng tài nguyên biển. Xây dựng quy hoạch khai thác biển; đẩy mạnh khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái biển; khai thác, phát triển biển toàn diện hài hòa. 1.3. Kinh nghiệm của Singapore Singapore là một quốc đảo nhỏ ở khu vực Đông Nam Á, có diện tích không lớn chưa tới 700 km2, với rất ít tài nguyên thiên nhiên, phần lớn nguyên liệu, thực phẩm và nguồn nước, Singapore phải nhập khẩu từ bên ngoài. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm bứt phá của mình, Singapore đã không ngừng phát triển trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu châu Á và có vị thế trên thế giới. Doanh thu từ kinh tế biển hàng năm đóng góp khoảng 10% vào GDP toàn quốc Singapore và thường duy trì ở mức dương. Sở dĩ đạt được điều đó vì Chính phủ Singapore đã sớm xác định kinh tế biển là một trong những ngành mũi nhọn, trọng tâm đối với phát triển đất nước. Quan điểm, bí quyết phát triển kinh tế biển của Singapore là ở chỗ phát triển không dàn trải mà tập trung vào những ngành có lợi thế như du lịch, chế biến dầu khí, dịch vụ cảng biển và vận tải biển; đồng thời nỗ lực tìm mọi cách giảm chi phí kinh doanh và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực để giành ưu thế cạnh tranh. Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, Chính phủ Singapore đã triển khai giải quyết có hiệu quả các nội dung chủ yếu sau: - Thứ nhất, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại, năng động, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển Xác định cảng biển là ngành phát triển nhất trong kinh tế biển của mình, nên Singapore đã tập trung tăng cường dầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cùng trang thiết bị hiện đại và mạng công nghệ thông tin máy tính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan. Singapore là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á vào năm 1970 đã trang bị phương tiện bốc xếp dỡ container. Hệ thống cảng biển luôn được nâng cấp, bổ sung, hiện đại hóa công nghệ, trang thiết bị mới nhất để đáp ứng thông quan 24/24 giờ. Do vây, trong những năm gần đây, Cảng Singapore liên tục đứng đầu thế giới về tổng lượng container thông quan và bốc xếp qua cảng. Tính đến hết năm 2010, Cảng Singapore đã kết nối với hơn 320 hãng 1007
  6. vận tải biển và 738 cảng khắp thế giới, với lượng tàu thương mại ra vào cảng rất lớn, trên 130 ngàn tàu mỗi năm và là một trong 10 nước có lượng tàu đăng ký lớn nhất thế giới. - Thứ hai, phát triển mạnh công nghiệp đóng tàu đa dạng về sản phẩm và đạt tiêu chuẩn chất lượng cao Trong những năm qua, Singapore đã tập trung nâng cấp, phát triển nhanh ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu lên ngang tầm quốc tế với ưu thế về chất lượng cao, thời gian giao hàng và giá cả hợp lý. Mặt khác, sản phẩm của công nghiệp đóng tàu rất đa dạng và được nhiều quốc gia đặt hàng như tàu cáp, tàu container, tàu chở dầu và chế phẩm dầu, tàu hải quân, tàu tuần tra biển Đồng thời, Singapore còn có thế mạnh về xây dựng các giàn khoan phục vụ khai thác dầu khí, thiết kế các giàn khoan ngoài khơi và các dịch vụ hỗ trợ khác trên biển. Hiện tại, Singapore là một trong những nước đứng đầu thế giới về chế tạo giàn khoan và tàu chuyên dụng trong khai thác dầu khí trên biển. - Thứ ba, chú trọng đào tạo nhân lực và sử dụng người lao động nước ngoài Với chính sách coi nhân lực là nguồn tài nguyên hữu dụng nhất cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, Chính phủ Singapore rất chú trọng đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao cho phát triển kinh tế biển. Singapore luôn đặt yêu cầu cao và có chế độ đãi ngộ thích đáng cho nhân công trong các ngành kinh tế biển; đồng thời thường xuyên có sự điều chỉnh mức lương hợp lý để khuyến khích người lao động. Mặt khác, Singapore còn tuyển dụng và sử dụng nhiều kỹ sư, chuyên gia cao cấp nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm và tay nghề cao về làm việc trong kinh tế biển. Qua đó, vừa tận dụng có hiệu quả chất xám của họ, vừa tạo điều kiện cho người lao động trong nước học hỏi kinh nghiệm trực tiếp. - Thứ tư, xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật về kinh tế biển đồng bộ, hiệu quả Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của mình, Chính phủ Singapore đã xây dựng, ban hành và triển khai thực thi một hệ thống luật pháp đồng bộ, bài bản và chặt chẽ như: ‘Luật về biển và cảng biển” nhằm điều chỉnh các hoạt động về cảng biển và các hoạt động liên quan đến biển. “Luật về thương quyền” nhằm điều chỉnh hoạt động của các tàu buôn, sự an toàn của đội thủy thủ, trách nhiệm của các chủ tàu, sự an toàn của tàu và các vấn đề liên quan khác “Luật về tàu buôn (Trách nhiệm dân sự và bồi thường về ô nhiễm dầu)”, quy định bắt buộc về bảo hiểm đối với các chủ tàu chở dầu khi dầu bị tràn gây nguy hại và bồi thường cho các thiết hại do tràn dầu gây ra. “Luật chống ô nhiễm biển” nhằm chống, giảm thiểu và kiểm soát sự ô nhiễm biển từ tàu thuyền để bao vệ môi trường biển 1.4. Kinh nghiệm của Vương quốc Anh Là một nước công nghiệp phát triển, từ lâu Vương quốc Anh đã chú trọng phát triển kinh tế biển và coi đó là một trong những ngành thế mạnh của mình. Cảng London từng là cảng biển lớn nhất thế giới trong thế kỷ XVIII và XIX, đóng vai trò quan trọng tạo nên sức mạnh và vị thế của Vương quốc Anh lúc bấy giờ. Trong vài thập kỷ gần đây, trước sức cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, sức cạnh tranh của một số 1008
  7. ngành trong kinh tế biển của Vương quốc Anh đã bị suy yếu ít nhiều. Tuy nhiên, hàng năm doanh thu từ kinh tế biển đóng góp khoảng 5-7% vào GDP cả nước, riêng năm 2010, kinh tế biển đóng góp khoảng 74 tỷ USD vào GDP. Trong năm 2010, Chính phủ Vương quốc Anh đã ủy quyền cho Liên đoàn kinh tế biển và Hiệp hội doanh nghiệp trong ngành công nghiệp biển xây dựng khung chiến lược phát triển dài hạn cho kinh tế biển Anh nhằm tăng tỷ lệ thị phần hiện có lên 3% trên thị trường toàn cầu. Trong 10 năm tới, Anh đặt mục tiêu phải đạt tỷ trọng 5-7% giá trị thị trường kinh tế biển toàn cầu. Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ Vương quốc Anh đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề sau: - Thứ nhất, tập trung phát triển các ngành nghề chính trong cơ cấu kinh tế biển + Chú trọng đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp tàu biển, vì đây là ngành có vị trí thứ 4 của Anh ở châu Âu. Trong những năm sắp tới, Chính phủ Anh sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và thiết kế, đóng mới, bảo dưỡng, sửa chữa tàu biển và các thiết bị dùng cho vận tải biển. + Tiếp tục đầu tư mở rộng và phát triển ngành công nghiệp nghiên cứu và chuyển đổi năng lượng biển, vì đây là hai ngành mạnh nhất, có vị trí số 1 thế giới của Anh. Trong những năm sắp tới, Chính phủ Anh sẽ tập trung tăng cường năng lực và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu năng lượng gió biển, chuyển đổi năng lượng sóng biển và thủy triều. + Phát triển đa dạng có chất lượng cao ngành dịch vụ giải trí biển như du lịch, thể thao, khám phá về biển Thực tế cho thấy, đây là ngành có tỷ trọng lớn và luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao trong cơ cấu kinh tế biển của Anh. - Thứ hai, tăng cường sự quản lý của Chính phủ đối với các hoạt động kinh tế biển Trong quá trình phát triển kinh tế biển, Chính phủ Anh luôn quan tâm và có giải pháp quản lý hiệu quả. Mỗi mảng hoạt động thuộc kinh tế biển đều có sự quản lý và tác động của các cơ quan Chính phủ, như: + Bộ Quốc phòng quản lý khâu nghiên cứu chế tạo và giao dịch tàu chiến. + Bộ Môi trường, thực phẩm và nông thôn điều hành việc hoạch định, cấp phép và quản lý các hoạt động diễn ra trên biển như khai thác, đánh bắt hải sản, thăm dò tài nguyên biển + Bộ Năng lượng và Khí hậu kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo nồng độ carbon ở mức an toàn trong hoạt động nghiên cứu chế tạo biến đổi năng lượng biển thành điện năng. + Bộ Vận tải ban hành quy định về thiết kế và vận hành tàu biển 1009
  8. 2. Bài học rút ra đối với phát triển kinh tế biển ở Việt Nam Từ những kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế biển của các nước nêu trên, có thể rút ra một số bài học bổ ích thiết thực đối với phát triển kinh tế biển ở Việt Nam như sau: - Một là, trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển chung của cả nước cần chú trọng quy hoạch chiến lược tổng thể và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về phát triển kinh tế biển. Hệ thống cơ chế chính sách phải đồng bộ và tổ chức thực hiện quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, môi trường biển cho sự phát triển của đất nước. Nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển, đảo; đồng thời có biện pháp hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, phát triển du lịch kết hợp với việc triển khai các dịch vụ công ích trên biển, đảo. Thiết lập mối quan hệ sản xuất kinh doanh chặt chẽ giữa biển, đảo với các địa bàn khác trên bờ và trong nội địa. Có chính sách thích hợp thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hóa các doanh nghiệp, xây dựng các thương hiệu biển quốc gia, thu hút mạnh đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư có chọn lọc trực tiếp của nước ngoài vào phát triển kinh tế biển. - Hai là, “Xây dựng hợp lý hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị ven biển gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, khai thác, chế biển dầu khí, vận tải biển, du lịch biển, ”1. Tăng cường đầu tư, tạo dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho kinh tế biển; từng bước nâng cấp và trang bị hiện đại cho các cảng biển để tận dụng công suất các cảng và tích cực tham gia hội nhập thương mại quốc tế. Gia tăng các phương tiện vật tư, kỹ thuật phục vụ cho khai thác, đánh bắt hải sản; phục vụ khai thác tiềm năng du lịch, vận tải biển; và là nơi trung chuyển, chế biển các sản phẩm được khai thác từ biển. Tập trung xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng trên các vùng ven biển như các cảng, bến cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền và hạ tầng giao thông liên lạc, nuôi trồng hải sản đồng bộ, có quy mô lớn; vừa đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển, đảo. - Ba là, “Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển ”2, vì đây là những ngành có tiềm năng, là mũi nhọn và là động lực quan trọng của kinh tế biển Việt Nam. Chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề cá gần bờ, ven đảo sang nghề cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi từ biển. Tăng cường khai thác tối đa các điều kiện tự nhiên thuận lợi vào nuôi trồng hải sản, dịch vụ hàng hải, dịch vụ nghề cá. Phát triển một số khu du lịch sinh thái biển, đảo lớn, chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới; tạo bước đột phá cho du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung. 1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.203. 2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.121. 1010
  9. - Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển, đảo nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo. Có biện pháp kịp thời ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển. Khẩn trương triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực, đổi mới cơ cấu nghề nghiệp, phát triển các nghề mới thích ứng với các vùng mặn hóa, hạn hán, ngập nước; áp dụng công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí, băng cháy, đóng tàu và chế biến các sản phẩm của biển Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu hút các nguồn vốn ODA, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các nước. - Năm là, chú trọng việc phân công trách nhiệm quản lý, điều hành các lĩnh vực, nghề nghiệp, vùng, lãnh thổ về kinh tế biển cho các Bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, cụ thể và có hiệu lực, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, tạo bước phát triển đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng hiện đại, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đồng thời, thường xuyên quan tâm công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị cho lao động của các ngành kinh tế biển, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu các cấp. Đảm bảo cho lực lượng lao động này làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội đất nước nói chung. 3. Kết luận Hiện nay, kinh tế biển ở Việt Nam ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhận thức và quan tâm sâu sắc và đầy đủ hơn bao giờ hết. Kinh tế biển không chỉ đơn thuần là đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển mà đã mở rộng sang lĩnh vực khai thác tài nguyên biển, năng lượng biển, bảo vệ và cân bằng môi trường sinh thái biển, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính. Do vậy, việc tìm hiểu những kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của các nước trên thế giới, rút ra bài học cho Việt Nam, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, phát hiện các lợi thế so sánh, phát huy thế mạnh của đất nước, đề xuất nhiều giải pháp quyết liệt trong phát triển kinh tế biển là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Nhìn thẳng vào kinh tế biển một cách toàn diện, phát triển kinh tế biển một cách bền vững, bảo đảm quyền lợi lâu dài của đất nước theo hướng sớm đưa nước ta trở thành một quốc gia giàu mạnh về biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển là trách nhiệm của tất cả chúng ta. 1011
  10. Tài liệu tham khảo 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, năm 2011. 2. Thủ tướng Chính phủ (2011): Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 3. Nguyễn Tuấn Dũng, “Bàn về đầu tư phát triển du lịch biển, đảo ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2015, tr.96-98. 4. Bùi Thị Thanh Hương, “Phát triển kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề đối với Việt Nam”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 8.2011, tr. 25 -32. 5. Nguyễn Thị Hương, “Phát triển kinh tế biển ở thành phố Đà Nẵng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế - Đại học Huế, 2011. EXPERIENCE IN SEA ECONOMIC DEVELOPMENT OF SOME COUNTRIES IN THE WORLD AND LESSON LEARNT OF VIETNAM Assoc. Prof. Nguyen Xuan Khoat College of Economic – Hue University Development history of the world shows that the sea and the maritime economy play important roles in the development process of each country, especially sea countries. Vietnam is a country located in Asia Pacific, with 3,260km long coastline, stretching over 13 latitudes, covering an area of about 1,000,000 km2 waters, and has many resources with large reserves creating favorable conditions to promote development of marine economy. However, basically, the maritime economy development of Vietnam has been slow and the proportion is low, that is not commensurate with the potential advantages. Therefore, this article analyzes the successful experiences in marine economic development of some countries in the world and finds practical lessons for the development of sustainable maritime economy in Vietnam. 1012