Kinh tế Việt Nam năm 2016 và triển vọng phát triển năm 2017

pdf 26 trang Gia Huy 2450
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Kinh tế Việt Nam năm 2016 và triển vọng phát triển năm 2017", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkinh_te_viet_nam_nam_2016_va_trien_vong_phat_trien_nam_2017.pdf

Nội dung text: Kinh tế Việt Nam năm 2016 và triển vọng phát triển năm 2017

  1. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2016 VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN NĂM 2017 GS. TS. Trần Thọ Đạt PGS.TS. Phạm Hồng Chương PGS. TS. Tô Trung Thành Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Những diễn biến “gây sốc” ở hầu hết các khu vực trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc đã tạo nên một thế giới với nhiều biến động mạnh mẽ trong năm 2016, theo đó có tác động lớn đến hầu hết các nước, trong đó gây nhiều sức ép tiêu cực đến Việt Nam (tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không thuận lợi, thị trường ngoại hối còn biến động ở một số thời điểm, lạm phát gia tăng, ). Ở trong nước, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể khiến những điểm nghẽn tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết triệt để, cũng như tác động của các chính sách nới lỏng đã dần đến hạn. Những vấn đề biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn. Bên cạnh đó, sản lượng ngành khai khoáng giảm mạnh, làm giảm tốc độ tăng chung của ngành công nhiệp xây dựng. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ ở mức 6,21%, giảm so với 6,68% năm 2015 và không đạt được chỉ tiêu 6,7% đặt ra. Điều này cho thấy nền kinh tế dễ tổn thương từ vấn đề biến đổi khí hậu và mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên đã “tới hạn”. Tốc độ giảm giá dầu và lương thực thế giới chững lại, cùng với việc điều chỉnh mạnh giá các hàng hóa Nhà nước quản lý là những nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng 4,74%, so với 0,63% năm 2015. Chính sách tiền tệ nới lỏng chủ yếu để hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ, đi kèm với vấn đề nợ xấu ở hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết triệt để khiến mức lãi suất giảm không sâu và chưa thực sự hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Thâm hụt ngân sách ở mức cao và nợ công đã chạm ngưỡng cảnh báo phản ánh những rủi ro vĩ mô đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng có một số điểm sáng như cán cân thương mại thặng dư, và cùng với FDI giải ngân gia tăng ở mức cao kỷ lục đã đóng góp lớn vào thặng dư cán cân thanh toán và gia tăng dự trữ ngoại hối. Theo đó, thị trường ngoại hối và tỷ giá trong năm tương đối ổn định. Trong năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ gặp một số thách thức chính như biến động thế giới khó lường, thể chế kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa được cải thiện mạnh mẽ, dư địa chính sách thu hẹp, vấn đề biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, Vì vậy, việc đạt được các chỉ tiêu kinh tế mà Quốc hội đặt ra cho năm 2017 (tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4%) là rất khó khăn. 15
  2. Dẫn nhập Những diễn biến của kinh tế thế giới năm 2016 đã có những tác động đến kinh tế Việt Nam như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không quá thuận lợi (do kinh tế Mỹ, châu u hay Nhật Bản (những bạn hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam) xấu đi trong năm 2016); thị trường ngoại hối có một số biến động ở một số thời điểm (theo sau một số sự kiện như việc bỏ phiếu ra khỏi châu u của người dân nh, Donald Trump thắng cử tổng Thống Mỹ và kế hoạch tăng lãi suất cơ bản của FED); hay lạm phát trong nước không còn quá thấp như năm 2015 (một phần do mức độ giảm của giá dầu thế giới chỉ còn bằng 1/3 so với mức giảm giá năm 2015, cũng như giá các mặt hàng năng lượng khác đều phục hồi trong Quý IV năm 2016). Ở trong nước, năm 2016 đã chứng kiến những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp thông qua hàng loạt các Nghị quyết quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu Chính phủ kiến tạo. Tiếp nối chuỗi các Nghị quyết 19 kể từ năm 2014, ngày 28/4/2016, Chính phủ đưa ra Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, theo đó, một số mục tiêu quan trọng là đến hết năm 2016, môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình nhóm nước SE N-4, và đến năm 2020, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nằm trong nhóm nước ASEAN-3. Một số các Nghị quyết quan trọng khác như Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016, hay Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 cũng đều đưa ra những nhiệm vụ cũng như giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một yếu tố nữa tác động lớn đến kinh tế trong nước trong năm 2016 cũng như các năm tiếp theo là vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Năm 2016 được ghi nhận là năm Việt Nam phải gánh chịu nhiều sự cố môi trường và thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó dự đoán. Sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), rét đậm và rét hại trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc, mưa lũ và ngập lụt ở miền Trung, hạn hán ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây 16
  3. Nguyên và Đông Nam Bộ và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư ở quy mô lớn. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế nêu trên, bài viết sẽ đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2016 thông qua các khu vực chính như khu vực kinh tế thực, khu vực đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực ngân sách. Phần cuối của bài viết là triển vọng kinh tế năm 2017. Khu vực kinh tế thực Sau khi tăng trưởng ở mức 6,68% trong năm 2015, cao nhất trong vòng 5 năm (2011-2015), kinh tế Việt Nam gặp khó khăn hơn trong năm 2016, với tốc độ tăng trưởng giảm chỉ còn 6,21%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Quốc hội đưa ra là 6,7% (các nguyên nhân sẽ được trình bày chi tiết hơn ở phần tiếp theo). Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 4.502,7 tỷ đồng (tương đương hơn 200 tỷ USD), theo đó, GDP bình quân đầu người đạt 2215 USD, tương đương 1770 USD theo giá so sánh 2010, chỉ tăng 4,92% so với năm 2015. Cơ cấu ngành sản xuất và dịch vụ: Ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP (khoảng hơn 40% GDP), với tốc độ tăng trưởng 6,98% đã đóng góp được 2,67% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng chủ yếu xuất phát từ hai ngành nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng. Kể từ năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã suy giảm liên tục. Tăng trưởng của ngành này giảm mạnh chỉ còn 1,36% năm 2016 (so với 2,41% năm 2015 và trước đó là 3,44% năm 2014). Điều này cũng khiến tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu sản xuất giảm liên tục. Năm 2016, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 16,32% GDP, so với 17% GDP năm 2015 và 17,70% năm 2014. Theo đó, đóng góp của ngành nông nghiệp đến tăng trưởng chỉ còn 0,22 điểm phần trăm, giảm mạnh so với 0,40 điểm phần trăm năm 2015 và 0,61 điểm phần trăm năm 2014. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp đã gây hậu quả “kép”: (i) làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế; (ii) làm giảm tốc độ tăng trưởng của 2 ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ trên góc độ chuỗi giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp. 17
  4. Hình 1: Tăng trƣởng GDP và GDP bình quân đầu ngƣời Nguồn: Tổng cục Thống kê, World Development Indicators Nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng trong GDP cũng như mức độ đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp suy giảm mạnh là từ những diễn biến của biến đổi khí hậu, khắc nghiệt của thời tiết như rét đậm ở miền Bắc, hạn hán và ngập mặn ở miền Nam, và sự cố môi trường biển tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ngoài ra một nguyên nhân nữa cần phải kể tới là sự yếu kém về trình độ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây là yếu tố làm yếu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp không chỉ trong những năm vừa qua mà có thể cả giai đoạn sau nếu không có chính sách đổi mới. Hình 2: Cơ cấu ngành trong GDP và tốc độ tăng trƣởng của ngành Nguồn: Tổng cục Thống kê Ghi chú: Từ năm 2010, Tổng cục Thống kê đã tiến hành tách thuế giá trị gia tăng hàng hóa và dịch vụ khỏi VA các ngành công nghiệp và dịch vụ 18
  5. Nếu như năm 2015 tăng trưởng được cải thiện chủ yếu từ ngành công nghiệp - xây dựng, thì năm 2016, ngành này có tốc độ tăng trưởng giảm sút rõ rệt, kéo tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế đi xuống. Sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2016 tăng trưởng 7,57% (so với 9,64% năm 2014), chiếm tỷ trọng còn 32,72% GDP (so với 33,25% năm 2015), và chỉ đóng góp 2,59 điểm phần trăm vào tăng trưởng (so với 3,20% năm 2015). Nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực này có tốc độ tăng trưởng giảm sút là từ ngành công nghiệp khai thác mỏ. Chỉ số phát triển công nghiệp - khai thác mỏ đã giảm tới 5,9% so với năm 2015, sau khi tăng 6,5% năm 2015. Đây là mức giảm nhiều nhất kể từ năm 2011 (giảm 0,09% năm 2011 và 0,20% năm 2013). Sản lượng dầu thô giảm hơn 1,67 triệu tấn hay sản lượng than giảm 1,26 triệu tấn là những nguyên nhân quan trọng khiến ngành khai khoáng suy giảm mạnh. Điều này cho thấy tài nguyên thiên nhiên đang dần trở nên cạn kiệt, và mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên đã trở nên “tới hạn”. Hình 3: Tốc độ tăng chỉ số phát triển công nghiệp (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê Cơ cấu thành tố chi tiêu: 19
  6. Bảng 1: Tốc độ tăng các thành tố chi tiêu (%, so với cùng kỳ năm trƣớc) Năm 2015 Năm 2016 Tên chỉ tiêu 6 9 Cả 6 9 Cả Q.I Q.II Q.III Q.IV Q.I Q.II Q.III Q.IV Tháng Tháng năm Tháng Tháng năm GDP 6,12 6,47 6,32 6,87 6,53 7,01 6,68 5,48 5,78 5,65 6,56 5,99 6,68 6,21 Tiêu dùng cuối cùng 8,67 8,72 8,70 9,16 8,87 9,68 9,12 6,84 7,10 6,98 6,97 6,97 8,09 7,32 TDCC Nhà nước 7,02 7,12 7,08 6,62 6,91 7,07 6,96 7,01 7,45 7,25 6,90 7,12 8,40 7,54 TDCC hộ dân cư 8,82 8,88 8,85 9,41 9,05 9,95 9,33 6,82 7,07 6,95 6,98 6,96 8,05 7,30 Tích lũy tài sản 6,70 6,93 6,85 9,79 8,08 10,69 9,04 10,50 9,18 9,60 7,71 8,80 11,23 9,71 Xuất khẩu 15,62 15,91 15,78 15,87 15,81 5,01 12,64 8,95 12,78 11,02 12,91 11,68 19,66 13,86 Nhập khẩu 18,66 20,31 19,55 22,25 20,51 12,61 18,12 11,46 13,12 12,36 13,01 12,60 21,89 15,29 Nguồn: Tổng cục Thống kê 20
  7. Về phía các thành tố chi tiêu, tốc độ tăng GDP suy giảm năm 2016 có nguyên nhân chủ yếu từ thành tố tiêu dùng cuối cùng. Với tỷ trọng của tiêu dùng cuối cùng duy trì mức trên 70% qua các năm, tốc độ tăng 7,32% trong năm 2016, giảm nhiều so với 9,12% năm 2015 đã khiến tiêu dùng cuối cùng chỉ đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng (so với 10,66 điểm phần trăm năm 2015). Trong khi đó, tổng tích lũy tài sản vẫn duy trì ở mức cao 9,71% (so với 9,04% năm 2015), đóng góp 3,08% điểm phần trăm vào tăng trưởng. Bên cạnh đó, chênh lệch xuất nhập khẩu trong năm 2016 đã làm giảm 2,16 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung. Vốn đầu tư toàn xã hội trong GDP năm 2016 tiếp tục giữ ở mức cao với tốc độ tăng 8,7% và chiếm tỷ trọng là 33% GDP, tăng nhẹ so với 32,6% GDP. Tỷ trọng đóng góp của các thành phần tương tự như năm 2015, trong đó, tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng đầu tư là 23,40%, khu vực tư nhân 39% và khu vực Nhà nước là 37,6%. Như vậy, kể từ tái cơ cấu nền kinh tế năm 2011, tỷ trọng đầu tư của khu vực Nhà nước mặc dù có giảm dần, nhưng hầu như không đáng kể. Hình 4: Tỷ trọng đầu tƣ của các thành phần kinh tế Nguồn: Tổng cục Thống kê Tỷ trọng đầu tư trên GDP cùng với tăng trưởng tín dụng liên tục tăng dần từ năm 2012 nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn khó phục hồi bền vững cho thấy mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng mà chưa có nhiều cải thiện theo chiều sâu. 21
  8. Hình 5: Tăng trƣởng, đầu tƣ/GDP, tăng trƣởng tín dụng Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, NHNN Cơ cấu thành phần kinh tế Trong khi khu vực kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn (khu vực doanh nghiệp Nhà nước thiếu hiệu quả, khu vực doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và thiếu các động lực tăng trưởng), thì khu vực FDI vẫn đang được coi là khu vực năng động và tiếp tục đóng góp quan trọng vào GDP. Dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân tiếp tục gia tăng mạnh trong nhiều năm gần đây, và hiện đóng góp của khu vực này đã chiếm hơn 18% sản lượng (con số năm 2015), hơn 23% tổng vốn đầu tư xã hội, và khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp FDI cũng đang đóng góp lớn nhất vào cán cân thương mại của nền kinh tế trong nhiều năm, giữ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế không suy giảm mạnh. Năm 2016 khu vực này tạo được thặng dư thương mại 23,7 tỷ USD (so với 17,1 tỷ USD năm 2015); trong khi khu vực trong nước nhập siêu 21,1 tỷ USD (so với 20,3 tỷ USD năm 2015). Hình 6: Cơ cấu của các thành phần kinh tế trong GDP Nguồn: Tổng cục Thống kê 22
  9. Tuy nhiên, sau nhiều năm tham gia vào nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu tập trung vào ngành khai thác tài nguyên, gia công tận dụng lao động giá rẻ, tạo giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế, chưa có những đóng góp tích cực cho cải thiện tiến bộ khoa học công nghệ. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo. Các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao thì ít tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước do khoảng cách công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng như sự thiếu vắng lực lượng lao động trình độ cao làm giảm khả năng hấp thụ những tiến bộ công nghệ. Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp FDI là một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng những quy định về môi trường lỏng lẻo để di dời các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam. Với nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của khu vực FDI (ví dụ Formosa), hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng đã có những thay đổi nhất định về tư duy và có những quy định khắt khe hơn trong thu hút FDI, để hướng FDI vào những ngành tạo giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 cũng đã có những điều khoản liên quan đến đánh giá tác động môi trường phù hợp hơn với luật pháp quốc tế với những tiêu chí đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, trong đó có FDI. Có thể nói, trong thời gian tới các vấn đề liên quan đến môi trường sẽ được tính toán và cân nhắc cẩn trọng hơn khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư FDI. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn gặp khó khăn do các nguyên nhân: (i) Năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường còn kém, (ii) Việc phân cấp cho địa phương vẫn khiến các địa phương thu hút FDI bằng những quy định dễ dãi về môi trường, đó là chưa kể năng lực thẩm định vấn đề về môi trường các dự án FDI tại các địa phương còn thấp, (iii) Năng lực khoa học công nghệ thấp, thiếu công nghiệp phụ trợ, lao động năng suất thấp, .vẫn là những cản trở chính trong việc chinh phục khu vực FDI vào các ngành có giá trị gia tăng cao và ít gây ô nhiễm môi trường. Khu vực đối ngoại Do cấu trúc sản xuất và xuất nhập khẩu chưa có nhiều cải thiện, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng vẫn thiếu hiệu quả nên diễn biến cán cân vãng lai và thương mại Việt Nam thiếu bền vững. Nếu từ năm 2012-2014, cán cân thương 23
  10. mại và theo đó là cán cân vãng lai đã được cải thiện và xuất hiện thặng dư chủ yếu do cầu nhập khẩu thấp vì suy thoái kinh tế, thì đến năm 2015, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, nhập siêu đã quay trở lại với quy mô gia tăng. Tuy nhiên, ngay khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng năm 2016, thặng dư thương mại hàng hóa lại xuất hiện. Hình 7: Cán cân vãng lai và cán cân thƣơng mại Nguồn: Tổng cục Thống kê, IMF Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% (so với 7,9% năm 2015). Tuy nhiên, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu đã giảm nhanh chóng (do nhu cầu yếu hơn từ phía sản xuất), theo đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 173,3 tỷ USD, chỉ tăng 4,6% so với năm trước (so với tốc độ tăng 12% năm 2015). Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,68 tỷ USD (tƣơng đƣơng 1,26% GDP), so với mức nhập siêu 3,2 tỷ USD (tương đương 1,56% GDP năm 2015). Cơ cấu xuất nhập khẩu theo thành phần kinh tế Đóng vai trò quan trọng trong cả xuất khẩu và nhập khẩu trong 10 năm gần đây vẫn là khu vực FDI. Trong năm 2016, khu vực này xuất khẩu 125,9 tỷ USD, chiếm gần 73% tỷ trọng xuất khẩu chung; trong khi nhập khẩu của khu vực này đạt 102,2 tỷ USD, chiếm gần 59% tỷ trọng nhập khẩu chung. Theo đó, FDI là khu vực đóng góp quan trọng nhất vào cán cân thương mại khi tạo ra thặng dư thương mại lớn (23,7 tỷ USD), bù đắp cho mức thâm hụt thương mại ngày càng cao của khu vực kinh tế trong nước (21 tỷ USD), từ đó đóng góp chủ yếu vào thặng dư 2,68 tỷ USD trong năm 2016. 24
  11. Hình 8: Đóng góp của các thành phần kinh tế vào cán cân thƣơng mại Nguồn: Tổng cục Thống kê Cơ cấu xuất nhập khẩu theo hàng hóa Hình 9: Tỷ trọng mặt hàng xuất khẩu (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê Trong các năm gần đây, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu không có thay đổi đáng kể. Theo đó, hàng nông lâm thủy sản chỉ chiếm 14,6% xuất khẩu. Hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm khoảng 45,4%, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu, và hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 40,4%. Những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam vẫn chủ yếu là các ngành hàng gia công và lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, với sự đóng góp phần lớn từ khu vực FDI. Cụ thể, ngành hàng xuất khẩu quan trọng nhất là điện thoại các loại 25
  12. và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2015 (mặc dù có sự cố nổ pin của Samsung Note 7), chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với đóng góp từ khu vực FDI (đặc biệt là Samsung) gần như chiếm tuyệt đối. Tiếp theo là một số ngành hàng như dệt may 23,6 tỷ USD (tăng 3,3%), điện tử, máy tính và linh kiện 18,5 tỷ USD (tăng 18,4%), giày dép 12,9 tỷ USD (tăng 7,6%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 10,5 tỷ USD (tăng 28,4%). Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô đều giảm so với năm 2015, và chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Hình 10: Tỷ trọng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2016 (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê Trong khi đó, cơ cấu hàng nhập khẩu cũng hầu như không thay đổi trong suốt hơn thập kỷ vừa qua, do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển cùng những nỗ lực tăng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu không có kết quả đáng kể. Cụ thể, năm 2016, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 91,1% tổng giá trị nhập khẩu. Trong nhóm hàng này, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 71,8 tỷ USD; chiếm 41,4% tỷ trọng; trong đó điện tử máy tính và kinh kiện là 27,8 tỷ USD, tăng tới 20% so với năm 2015. Nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 49,7%. 26
  13. Hình 11: Tỷ trọng mặt hàng nhập khẩu (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê Cơ cấu xuất nhập khẩu theo thị trường Cơ cấu thị trường xuất khẩu trong nhiều năm có ít thay đổi về thứ tự các thị trường xuất khẩu lớn nhất, tuy nhiên, tỷ trọng các thị trường đã có những thay đổi đáng kể. Năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,67% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng so với 20,6% năm 2015); tiếp đến là EU (19,33% so với 19% năm 2015). Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 3 với 12,39% (tăng nhanh so với 10,18% năm 2015), vượt qua SE N (8,89%, giảm nhanh so với 11,26% năm 2015). Hình 12: Cơ cấu thị trƣờng xuất khẩu (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê 27
  14. Hình 13: Cơ cấu thị trƣờng nhập khẩu (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê Trong khi đó, thị trường nhập khẩu cũng đã có những thay đổi nhanh chóng. Theo đó, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,73% (giảm so với 30,15% năm 2015); nhập khẩu từ Hàn Quốc đã gia tăng đến 14,6% so với năm 2015, và tỷ trọng đã tăng lên 18,29% tổng kim ngạch nhập khẩu (so với 16,8% năm 2015), đứng thứ 2 trong số các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Hàn Quốc là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại các loại, điện tử, máy tính và linh kiện phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu điện tử, máy tính và điện thoại, Đây cũng là xu hướng chính khi Hàn Quốc đã coi Việt Nam là một trong những cơ sở sản xuất ở nước ngoài chủ chốt. Do những diễn biến nhanh chóng trên, hiện nay Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất (28 tỷ USD), nhưng quy mô này đã giảm gần 15% so với năm 2015. Trong khi đó, Hàn Quốc đang nổi lên là đối tác thương mại quan trọng, với quy mô nhập siêu từ quốc gia này đã lên đến 20,2 tỷ USD (tăng 8% so với năm 2015). Sự phụ thuộc nhiều hơn vào Hàn Quốc, đặc biệt từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực thể hiện rõ nét một nền kinh tế phụ thuộc vào đầu vào từ nước ngoài, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu còn rất thấp. Xuất siêu sang Mỹ (29,4 tỷ USD, tăng 14,8%) và EU (22,9 tỷ USD, tăng 12,3%) đã hỗ trợ cho cán cân thương mại thặng dư trong năm 2016. 28
  15. Cán cân vốn và cán cân thanh toán tổng thể Hình 14: Vốn FDI đăng ký và thực hiện Nguồn: Tổng cục Thống kê Mặc dù cán cân vãng lai có những biến động lớn qua các năm, cán cân vốn tương đối ổn định với FDI giải ngân qua các năm đều đứng ở mức cao. Điều này phản ánh Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn với triển vọng kinh tế sáng sủa hơn một số nước trong khu vực, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện nhất định, đặc biệt khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại và đầu tư song phương và đa phương. Nếu như trung bình giai đoạn 2011- 2014, FDI giải ngân khoảng 11 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 14 tỷ USD thì năm 2016, FDI giải ngân đã đạt 15,8 tỷ USD (mức cao nhất từ trước đến nay). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với tổng số vốn đăng ký lên đến 15,5 tỷ USD (chiếm khoảng 64% tổng vốn FDI đăng ký). Ngoài ra, đầu tư FDI cũng đến nhiều nhất từ Hàn Quốc (chiếm 36,3% vốn FDI đăng ký mới), vượt xa các quốc gia tiếp theo như Singapore (10,5%) hay Trung Quốc (8,3%). Điều này cũng phản ánh thực tế Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc như là điểm cuối trong chuỗi giá trị Đông Á và toàn cầu. Ngược với giải ngân FDI gia tăng mạnh mẽ, giải ngân OD và vốn vay ưu đãi chỉ đạt 3,7 tỷ USD (giảm gần 20% so với năm 2015), mặc dù vốn OD và vốn vay ưu đãi được ký kết ước đạt khoảng 5,38 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2015. 29
  16. Với những cải thiện từ cán cân vãng lai và cán cân vốn, cán cân thanh toán tính đến cuối quý 3 năm 2016 đã thặng dư 9,65 tỷ USD, đi kèm với dự trữ ngoại hối gia tăng đến 41 tỷ USD. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giữ cho thị trường ngoại hối tương đối ổn định trong năm 2016. Khu vực tài chính tiền tệ Lạm phát Hình 15: Lạm phát, giá dầu và giá lƣơng thực thế giới Nguồn: Tổng cục Thống kê, EIA, FAO Nếu như năm 2015, lạm phát chỉ còn 0,63%, thấp nhất kể từ khi gia nhập WTO (nguyên nhân chủ yếu là giá dầu và giá lương thực suy giảm mạnh), thì đến năm 2016, lạm phát đã gia tăng lên 4,74%, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Các yếu tố hỗ trợ từ bên ngoài (giá dầu và giá lương thực) không còn khi mức độ giảm giá của hai hàng hóa cơ bản này đã chững lại trong năm 2016; trong khi đó, mức lạm phát cơ bản (1,87%) chỉ tăng nhẹ so với năm 2015 (1,69%). Vì vậy, nguyên nhân cơ bản của lạm phát gia tăng trong năm 2016 chủ yếu từ việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ mà Nhà nước quản lý, cũng như từ những bất lợi về thời tiết và môi trường. Cụ thể, trong năm 2016, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng từ ngày 01/3/2016 (theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015). Theo đó, giá các mặt hàng dịch vụ y tế đã tăng tới hơn 70%, đóng góp làm CPI tăng khoảng 2,7%. Bên cạnh đó, nhóm giáo dục cũng đã được điều chỉnh tăng trong năm (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015) khiến chỉ số giá của nhóm này đã tăng 12,5% so với năm 2015. Những khắc 30
  17. nghiệt của thời tiết ở cả 3 miền, hiện tượng ô nhiễm môi trường ở miền Trung, cũng đã khiến sản lượng nông nghiệp tụt dốc và làm tăng giá lương thực và thực phẩm. Theo đó, chỉ số giá nhóm lương thực đã tăng 2,57% so với năm 2015. Lãi suất Hình 16 cho thấy chính sách tiền tệ đã nới lỏng hơn từ năm 2012 nhưng lạm phát cơ bản vẫn giảm, thậm chí giảm sâu như năm 2015. Trong năm 2016, chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn nhiều so với năm 2015 (thể hiện ở tăng trưởng tín dụng là 17,88% so với 17,02% năm 2015 và tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88% so với 13,55% năm 2015). Theo đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá dồi dào, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng đã suy giảm rất mạnh, thậm chí giảm kỷ lục so vào cuối tháng 9 (các mức lãi suất qua đêm, 1 tuần hay 2 tuần chỉ còn từ 0,5-0,7%/năm). Tuy vậy, lãi suất trên thị trường giảm không đáng kể (lãi suất cho vay ở thời điểm cuối năm 2016 phổ biến khoảng 6-9%/năm kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm kỳ hạn trung và dài hạn). Một số lý do khiến lãi suất không giảm nhanh trong năm 2016 có thể kể đến như những rào cản từ hệ thống tài chính ngân hàng (đang xử lý vấn đề nợ xấu cùng những rủi ro hệ thống khác), phối hợp tài khóa tiền tệ còn chưa hiệu quả, và một số quy định chặt chẽ hơn của NHNN. Hình 16: Lạm phát, lạm phát cơ bản và chính sách tiền tệ Nguồn: Tổng cục Thống kê, NHNN Đối với vấn đề nợ xấu, tính đến cuối quý 2/2016, nợ xấu toàn hệ thống là 2,78%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm 2015. Cụ thể, 9 ngân hàng niêm yết trên TTCK đã tăng 28% so với cuối năm trước. Theo NHNN, tính đến 31
  18. 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ước tính còn 2,46%. Tuy nhiên, theo ước tính của UBGSTCQG, nợ xấu bình quân toàn hệ thống cuối năm 2016 là 2,8% (so với 2,9% cuối năm 2015). V MC đã ra đời nhằm hỗ trợ việc tăng vốn khả dụng của các NHTM thông qua xử lý nợ xấu. V MC xử lý nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt nhằm hoán đổi nợ với các NHTM. Xét về mặt lý thuyết, việc hoán đổi trái phiếu đặc biệt này là công cụ lý tưởng giúp các NHTM tăng lượng tiền được phép sử dụng và V MC không sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả hoạt động của V MC chưa được khả quan. Việc bán nợ xấu cho V MC không giải quyết được triệt để nợ xấu vì các TCTD vẫn còn phải chịu trách nhiệm cuối cùng đối với khoản nợ xấu đó. Việc bán nợ xấu cho V MC chỉ có tác dụng làm giảm số phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. V MC từ khi hoạt động cho đến cuối quý 3 năm 2016 đã mua được 251 nghìn tỷ đồng nợ xấu, nhưng chỉ bán thu được 34 nghìn tỷ đồng nợ xấu (chỉ chiếm khoảng 15%)1. Việc xử lý nợ xấu hiện đang khá khó khăn do vẫn bế tắc khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện để các NHTM và V MC bán đấu giá và thanh lý tài sản đảm bảo để bù đắp tổn thất. Nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến các ngân hàng khó có thể giảm được lãi suất đầu ra. Ngoài ra, thực trạng phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ cũng ảnh hưởng đến lãi suất trên thị trường. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã không phục vụ được có hiệu quả mục tiêu hạ lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp, mà lại chủ yếu hỗ trợ thanh khoản để các NHTM gia tăng mua trái phiếu chính phủ. Đặc biệt là trong 3 quý đầu năm, thanh khoản của NHTM rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp 10,64% (so với mục tiêu 18-20% cho cả năm). Theo đó, quy mô huy động vốn qua TPCP dồn dập trong 3 quý đầu năm đã hoàn thành 250 nghìn tỷ phát hành ngay trong tháng 9/2016. Bên cạnh đó, một trong những lý do khác khiến lãi suất khó giảm sâu là các NHTM phải đáp ứng những yêu cầu về cơ cấu vốn huy động và cho vay khắt khe hơn. Ví dụ, Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 quy định tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ phải giảm từ 60% về mức 50% trong năm 2017 và 40% trong năm 2018. Do đó, các ngân hàng phải tăng cường huy động 1 32
  19. vốn để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, theo đó, các mức lãi suất đầu vào khó giảm sâu. Cần lưu ý, việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh trong khi tăng trưởng suy giảm và không tương xứng (hiện tốc độ gia tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán gấp xấp xỉ 3 lần so với với tốc độ tăng trưởng) sẽ gia tăng rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Chính sách tiền tệ nới lỏng được coi là để hỗ trợ nới lỏng chính sách tài khóa, thông qua TPCP gia tăng nên nguồn lực cũng đang dồn về phía khu vực công, lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu và khả năng khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn giá rẻ dần bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế nói chung. Hình 17: Lãi suất chính sách và liên ngân hàng Nguồn: NHNN Tỷ giá Do dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá thu hẹp nhanh chóng, ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD hàng ngày. Theo đó, tỷ giá trung tâm, thay vì được giữ cố định trong thời gian dài như trước đây, sẽ được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Biên độ tỷ giá cũng được nới lên 3%. Như vậy, từ năm 2016, cơ chế điều hành tỷ giá đã có dấu hiệu linh hoạt hơn, có tính thị trường hơn. 33
  20. Hình 18: Diễn biến tỷ giá Nguồn: NHNN, VCB Hầu hết các tháng trong năm 2016 tỷ giá và thị trường ngoại hối đã tương đối ổn định, mặc dù có những cú sốc từ bên ngoài như Brexit, FED tăng lãi suất, bầu cử tổng thống Mỹ. Có một số lý do chính có thể kể đến: Thứ nhất, là cơ chế tỷ giá trung tâm đã linh hoạt hơn, có lên có xuống nên cũng hạn chế một phần yếu tố tâm lý và đầu cơ; Thứ hai, công tác tuyên truyền thông tin cũng đã có những cải thiện trước mỗi cú sốc để trấn an thị trường; Thứ ba, cán cân thanh toán được cải thiện đáng kể (thặng dư thương mại, gia tăng kiều hối và FDI giải ngân, xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi suy giảm), theo đó, cung thị trường ngoại hối dồi dào, NHNN đã gia tăng được dự trữ ngoại hối ở quy mô lớn. Cho đến cuối quý 3, quy mô dự trữ ngoại hối đã lên đến 41 tỷ USD. Tuy nhiên, những tháng cuối năm thị trường ngoại hối và tỷ giá đã trở nên căng thẳng. Tỷ giá tự do đã gia tăng rất mạnh kể từ tháng 11. Cho đến ngày 5/12, tỷ giá tự do đã vượt ngưỡng 23.000 VND/USD. Nếu nhìn vào cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường chính thức, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá. Nhu cầu ngoại tệ có gia tăng trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ (xuất nhập khẩu hay thanh toán), đồng thời nhu cầu vay bằng ngoại tệ cũng đã gia tăng sau khi NHNN đưa ra Thông tư 31 nới lỏng hơn quy định cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (đến cuối tháng 10, tín dụng ngoại tệ đã tăng 4,4% so với cuối năm ngoái). Tuy nhiên, nhu cầu trên có thể được đáp ứng tốt do thanh khoản ngoại tệ của hệ thống không có đột biến đáng lo ngại. Theo đó, tỷ giá chính thức và tỷ giá liên ngân hàng có xu hướng gia tăng nhưng ở mức độ thấp. Do đó, nguyên nhân khiến tỷ giá tự do gia tăng, chủ yếu là tác động từ tâm lý và các yếu tố bên ngoài gây sức ép gia tăng 34
  21. đến tỷ giá. Đặc biệt, yếu tố tin đồn đổi tiền đã tác động rất lớn đến tâm lý, gây hoang mang và đẩy giá USD tự do tăng cao. Cũng không loại trừ khả năng thị trường tích trữ USD để mua vàng khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã gia tăng đến 4,5-4,6 triệu đồng/1 lượng. Đối diện với sức ép rõ ràng đến tỷ giá, NHNN cũng đã có những giải pháp rốt ráo hơn. Cụ thể, mặc dù cần lãi suất giảm để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, nhưng trong tháng 11, lãi suất tín phiếu NHNN gia tăng nhanh để hút thêm tiền đồng về, khối lượng hút ròng trên thị trường mở cũng đã gia tăng, thanh khoản hệ thống Ngân hàng kém hơn kéo theo lãi suất liên ngân hàng cũng đã gia tăng hơn so với thời điểm trước. Tuy nhiên, cách thức điều hành tỷ giá hiện nay không có quá nhiều khác biệt so với trước đây. Mặc dù tỷ giá trung tâm có thay đổi linh hoạt hàng ngày, nhưng mức độ điều chỉnh tính cộng dồn cho cả năm còn ở mức độ rất khiêm tốn. Việc giữ tỷ giá ổn định trong bối cảnh sức ép gia tăng từ bên ngoài hiện nay được cho là NHNN có mong muốn ổn định thị trường, chống rủi ro lạm phát có xu hướng gia tăng, giữ giá trị tiền đồng, và giúp giảm nợ nước ngoài. Tuy nhiên, giữ tỷ giá ổn định trong giai đoạn dài khiến VND đang được định giá cao. Ngoài ra, việc giữ ổn định tỷ giá không hỗ trợ cho xây dựng công nghiệp hỗ trợ. Các biện pháp để giữ ổn định tỷ giá như trung hòa cũng sẽ đắt đỏ hơn, tính độc lập chính sách tiền tệ sẽ kém hơn. Bên cạnh đó, mặc dù quy mô dự trữ ngoại hối gia tăng, nhưng vẫn còn tương đối mỏng, và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Hình 19). Theo đó, mặc dù khả năng giữ được tỷ giá trong ngắn hạn là có thể đạt được, nhưng duy trì trong dài hạn cũng còn nhiều thách thức đối với NHNN. Hình 19: So sánh dự trữ ngoại hối giữa Việt Nam và các nƣớc (tháng nhập khẩu) Nguồn: IFS (IMF) 35
  22. Khu vực ngân sách Bảng 2: Thâm hụt ngân sách và nợ công 2011 2012 2013 2014 2015 2016* Thâm hụt NSNN (% GDP) -4,90 -5,36 -5,45 -5,70 -6,10 - 6,0 Nợ nước ngoài (% GDP) 41,50 37,40 37,30 39,90 43,10 Nợ công (% GDP) 54,90 50,80 54,20 60,30 62,20 64,98 Nguồn: Bộ Tài chính, Thâm hụt ngân sách theo phân loại của Việt Nam, Bản tin nợ công số 3. * năm 2016 là theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách đến thời điểm 15/12/2016 ước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, bằng 93% dự toán năm, trong đó thu nội địa 744,9 nghìn tỷ đồng (94,9%) thu từ dầu thô 37,7 nghìn tỷ đồng (69,2%); thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 156,2 nghìn tỷ đồng (90,8%). Như vậy, mặc dù thu nội địa tăng 13,4% nhưng một số các khoản thu quan trọng như thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu đều đã giảm mạnh, với mức giảm tương ứng 39,6% và 2,3% so với năm 2015. Theo đó, tỷ lệ thu ngân sách/GDP của Việt Nam đang liên tục suy giảm qua các năm. Nếu như giai đoạn 2006-2010, thu NSNN ước đạt 28,7% GDP thì giai đoạn 2011-2015 giảm chỉ còn 23,3%. Năm 2016, tỷ lệ ước tính chỉ còn 22,1%. Tỷ trọng tổng thu NSNN/GDP của Việt Nam đang ở mức trung bình trong khu vực nhưng đang ngày càng giảm dần, do một số nguyên nhân như: (i) Kinh tế chưa thực sự khởi sắc, (ii) Cắt giảm thuế quan theo lộ trình tham gia các Hiệp định thương mại, (iii) Thu từ dầu thô suy giảm do giá dầu và sản lượng dầu suy giảm. Hình 20: So sánh thu chi ngân sách giữa Việt Nam và một số nƣớc (% GDP) Nguồn: Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (IMF) và Bộ Tài chính 36
  23. Trong khi đó, tổng chi ngân sách đến thời điểm 15/12/2016 ước đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 190,5 nghìn tỷ đồng (74,7%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng (95,4%); chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỷ đồng (96,9%). Tỷ trọng chi ngân sách/GDP vẫn duy trì ở mức cao. So sánh với các nước trong khu vực, tỷ trọng chi trên GDP của Việt Nam thuộc loại cao nhất trong hơn 10 năm qua. Cho đến năm 2016, tỷ trọng này vẫn ở mức trên 28% GDP. Chi thường xuyên vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn (khoảng 70%), theo đó, chi thường xuyên đã lớn hơn mức thu từ thuế và phí. Như vậy, các biện pháp cải cách hành chính vẫn chưa phát huy tác dụng, hệ thống và cơ chế chi tiêu thường xuyên chưa có cải thiện tích cực và trong những năm tới khả năng giảm nhanh chi thường xuyên là không dễ dàng, gây ảnh hưởng lớn đến thâm hụt ngân sách và nợ công trong trung và dài hạn khi ngân sách có thể phải đi vay để chi thường xuyên chứ không phải để đầu tư phát triển. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã giảm mạnh từ 28,5% (giai đoạn 2001-2005), 24,4% (giai đoạn 2006-2010), 18% (giai đoạn 2011-2015) và chỉ còn 15,2% trong tổng chi ngân sách năm 20152. Thâm hụt ngân sách lớn đã khiến nợ công năm 2016 chạm trần 65% GDP. Tỷ lệ này hiện cũng đang ở mức rất cao so với nhóm nước trong khu vực, đặc biệt là tăng rất nhanh so với các nước kể từ năm 2011. Áp lực chi trả nợ công đang ngày càng gia tăng khi tỷ trọng chi trả nợ trung và dài hạn đã vượt ngưỡng 25% tổng thu ngân sách (năm 2016 ước đạt 26,3%). Ngoài ra, rủi ro nợ công của Việt Nam còn nằm ở hai yếu tố: (i) Nợ công trên chưa tính đến nợ của khu vực DNNN trong khi khu vực này vẫn luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ và là nguồn tiềm ẩn đối với nợ công. Theo báo cáo của Chính phủ3, tổng số nợ phải trả hợp nhất năm 2015 của riêng 103 Tập đoàn, TCT đã là 1.547.859 tỷ đồng, tương đương hơn 70 tỷ USD (chiếm khoảng 35% GDP). Như vậy, nếu tính cả nợ của DNNN, tỷ lệ nợ công đã vượt quá 100% GDP; (ii) Tốc độ gia tăng nợ công nhanh trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn phía trước, ngân sách trung hạn thiếu bền vững, tỉ trọng trả nợ vay trong tổng chi ngân sách đã vượt ngưỡng cho phép đang là nguy cơ rất lớn đến nền kinh tế. 2 Theo Báo cáo tóm tắt về đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tháng 10 năm 2016. 3 dong-37123.aspx. 37
  24. Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 Kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo còn rất bất ổn. Ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn những thách thức lớn từ mô hình tăng trưởng chưa có những cải thiện nhanh và triệt để. Mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào gia tăng tích lũy các yếu tố nên khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Những nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế có thể bị trì hoãn khi Hiệp định TPP không còn hiệu lực. Vấn đề biến đổi khí hậu và thời tiết khó lường có thể ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và tác động chung đến tăng trưởng. Bên cạnh đó, dư địa chính sách nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng không còn nhiều do lạm phát đang có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, FED có thể tăng tiếp lãi suất trong năm 2017, tỷ giá gia tăng khiến NHNN khó có thể giảm mạnh lãi suất tiền đồng để duy trì ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính ngân hàng vẫn trong quá trình tái cơ cấu, những vấn đề lớn chưa được giải quyết triệt để như nợ xấu hay mất cân đối kỳ hạn. Điểm nghẽn của hệ thống tài chính ngân hàng khiến nỗ lực hạ lãi suất đầu ra khó khăn hơn mặc dù thanh khoản hệ thống tốt. Dư địa chính sách cũng bị thu hẹp do cân đối ngân sách năm 2017 sẽ tiếp tục gặp những sức ép lớn. Nguồn thu ngân sách vẫn thiếu bền vững trong khi chi ngân sách không có dấu hiệu giảm và kỷ luật tài khóa chưa được cải thiện. Thâm hụt ngân sách lớn nên quy mô vay nợ của Chính phủ gia tăng, đặc biệt là vay nợ trong nước bằng phát hành TPCP (dự kiến năm 2017 tổng mức phát hành trái phiếu chính phủ là 250.000 tỷ đồng), tiếp tục gây sức ép đến lãi suất và giảm khả năng tiếp cận vốn của khu vực tư nhân. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam cũng có một số động lực tăng trưởng được duy trì. Trước hết là với tư duy Nhà nước kiến tạo, môi trường kinh doanh được dự báo sẽ dần được cải thiện tốt hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Việt Nam hiện vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư cởi mở, kinh tế chính trị ổn định, tận dụng được lợi ích từ các hiệp đinh thương mại đã ký kết, cũng như do xu hướng chuyển dịch vị trí cuối của chuỗi sản xuất Đông Á từ Trung Quốc về Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Theo đó, khu vực FDI sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Mặc dù sản xuất nông nghiệp được dự báo là khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có xu hướng gia tăng với sự đóng góp lớn từ khu vực FDI, sẽ giữ nhịp cho tốc độ tăng trưởng. 38
  25. Trong khi đó, lạm phát có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2017. Tăng trưởng phương tiện thanh toán và tín dụng trong năm 2016, đặc biệt là những tháng cuối năm có thể có tác động trễ đến lạm phát cơ bản trong năm 2017. Đầu tư và tiêu dùng (đặc biệt là tiêu dùng tư nhân) được dự báo vẫn tiếp tục được cải thiện sẽ khiến tổng cầu gia tăng, gây sức ép nhất định đến lạm phát. Về phía chi phí đẩy, giá dầu thế giới được dự báo tăng lên 20% sẽ khiến giá xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng giá. Thêm nữa, chính sách thuế và phí cho mặt hàng xăng dầu (như thuế bảo vệ môi trường) cũng sẽ khiến giá xăng trong nước có thể tăng hơn so năm 2016. Bên cạnh đó là lộ trình tăng các hàng hóa và dịch vụ Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện cũng sẽ khiến chỉ số giá của các nhóm hàng tương ứng gia tăng. Nông nghiệp dự báo tiếp tục gặp khó khăn do biến đổi khí hậu và thiên tai cũng có thể ảnh hưởng lớn làm tăng giá lương thực. Tỷ giá được dự báo điều chỉnh mạnh hơn năm 2016 cũng sẽ có tác động đến giá các yếu tố đầu vào nhập khẩu, theo đó, tác động đến chi phí sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam. Tỷ giá năm 2017 cũng sẽ gặp nhiều sức ép mới. FED có thể sẽ tiếp tục gia tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2017 do: (i) Kinh tế Mỹ có thể phục hồi tốt, thất nghiệp giảm; (ii) Những cam kết chính sách của ông Donald Trump ví dụ cắt giảm thuế, đầu tư lớn cơ sở hạ tầng, có thể khiến thâm hụt ngân sách, lạm phát tăng và lãi suất cần tăng để chống lạm phát. Lãi suất FED gia tăng sẽ khiến đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, gây áp lực đến VND vốn đã được định giá cao khoảng 25% so với năm 2009. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối mặc dù gia tăng mạnh trong năm 2016, nhưng vẫn còn tương đối mỏng và hiện đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực. Dư địa tác động ổn định tỷ giá thông qua lãi suất không có nhiều do mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng rõ ràng thông qua các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Vì vậy, khả năng giữ ổn định tỷ giá trong dài hạn gặp khó khăn. Tuy vậy, tỷ giá sẽ không có những cú sốc lớn đột ngột do cơ chế điều hành đã linh hoạt hơn, và về ngắn hạn, NHNN có đủ khả năng để can thiệp nếu vẫn muốn ổn định tỷ giá. Dự báo tổng mức biến động tỷ giá chính thức trong năm nay có thể ở quanh mức 5-6%. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với mục tiêu đặt ra đối với tăng trưởng GDP là khoảng 6,7%, CPI tăng khoảng 4%. Tuy nhiên, với triển vọng kinh tế được phân tích ở trên, mục tiêu này khó có thể đạt được nếu không có những quyết 39
  26. tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, và xây dựng được Nhà nước kiến tạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy có ba nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến những khó khăn kinh tế không những trong ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn là: (i) Mô hình tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện, chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng thấp; đi kèm với cơ cấu sản xuất và xuất khẩu dựa phần lớn vào các yếu tố đầu vào và công nghệ nhập khẩu; (ii) Khung khổ và điều hành các chính sách vĩ mô (bao gồm chính sách tiền tệ và tỷ giá, chính sách tài khóa và quản lý nợ công) còn chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao và (iii) Vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Đây cũng chính là những điểm then chốt cần được giải quyết trong giai đoạn năm 2017 và những năm tiếp theo vì mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Tài liệu tham khảo 1. Ban Kinh tế Trung ương (2017), 2017 - Vượt khó khăn, tiếp tục phát triển, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2017. 2. Chính phủ (2016a), Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Hà Nội. 3. Chính phủ (2016b), Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Hà Nội. 4. IMF (2017a), Macroeconomic and financial data, truy cập lần cuối ngày 9/2/2017. 5. IMF (2017b), World Economic Outlook update, January 16, 2017 6. TCTK (2016), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, 7. TCTK (2017), Số liệu thống kê, Truy cập lần cuối ngày 10/2/2017. 40