Liên kết phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình

pdf 9 trang Gia Huy 18/05/2022 2360
Bạn đang xem tài liệu "Liên kết phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdflien_ket_phat_trien_du_lich_tinh_quang_binh.pdf

Nội dung text: Liên kết phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình

  1. LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG BÌNH TOURISM DEVELOPMENT LINKAGE IN QUANG BINH PROVINCE TS. Phan Thị Thu Hương - Trường Đại học Kinh tế Huế, ĐH Huế ThS. Lê Đức Trọng - Sở Tài chính Quảng Bình Tóm tắt: Quảng Bình là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch to lớn. Tuy nhiên, trong năm 2016 ngành du lịch Quảng Bình gặp nhiều khó khăn bởi sự cố môi trường biển do Công ty TNNN Hưng Nghiệp Formasa, cùng với những thiên tai gây ra những tháng cuối năm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch từ kinh doanh dịch vụ, hình ảnh điểm đến, việc làm của người lao động, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Với những khó khăn đó, liên kết phát triển du lịch được xác định là vấn đề cấp bách hiện nay và là giải pháp then chốt thúc đẩy ngành du lịch Quảng Bình phát triển, đảm bảo mục tiêu hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao. Từ khóa: du lịch bền vững, liên kết, liên kết phát triển du lịch Abstract Tourism Quang Binh is a region possessing a huge potential to develop tourism. However, in 2016, due to the marine pollution incidents caused by Hung Nghiep Formasa Limited Company along with damages resulted from natural disasters in the last months of the year, this province's tourism came up against numerous difficulties. The effects could be seen in every aspect of tourism activities, from travel services, the destination image, the employment rate to the investment environment in the area. Therefore, cooperation in tourism has currently been identified as an urgent issue and key solution to impulse the development of the area's tourism, simultaneously ensuring the targets of effectiveness, sustainability and competitiveness. Key words: sustainable tourism, linkage, tourism development linkage 1. Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, liên kết du lịch đã được quan tâm nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn. Hoạt động du lịch sẽ không thể phát triển có hiệu quả nếu không quan tâm đầy đủ đến khía cạnh liên kết phát triển du lịch. Đó là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch và các cơ sở dịch vụ có liên quan dựa trên việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nhân tố khác nhằm đạt được hiệu quả cao nhất về kinh tế, xã hội và môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững (Phạm Trung Lương, 2016). Liên kết du lịch bao hàm liên kết phát triển nội vùng và liên kết phát triển liên vùng bởi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, có tính chất tổng hợp liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa rất cao. Việc liên kết này dựa trên cơ sở phân công lao động với các lợi thế so sánh giữa các vùng, tiểu vùng nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương trong cả nước. Liên kết du lịch cho phép khai thác lợi thế tương 684
  2. đối của các địa phương tham gia liên kết về tài nguyên du lịch, về cơ sở hạ tầng và các nguồn lực cho phát triển du lịch (Hà Văn Siêu, 2011). Mặt khác, liên kết du lịch còn là nhân tố quan trọng để làm tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch, thu hút khách du lịch đến vùng du lịch với tư cách là một điểm đến thống nhất và đến lãnh thổ của từng địa phương liên kết. Vì vậy, liên kết du lịch là một tất yếu khách quan để phát triển du lịch bền vững trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (Trần Đình Thiên, 2015). Quảng Bình là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền địa phương với khát vọng vươn lên đã có những nổ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương nhằm tập trung phát triển du lịch. Kết quả là ngành du lịch Quảng Bình đã có sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng về hệ thống doanh nghiệp du lịch, cơ sở hạ tầng, các trung tâm, điểm đến du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn; các tuyến du lịch, loại hình du lịch đa dạng tạo nên diện mạo mới và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của ngành du lịch vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, nhiều khó khăn, trở ngại. Đặc biệt, với sự cố môi trường biển năm 2016, thiên tai liên tục vào những tháng cuối năm, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, lượng khách du lịch sụt giảm, môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh thiệt hại hết sức nặng nề. Với những khó khăn đó, liên kết phát triển du lịch được xác định là vấn đề cấp bách hiện nay và là giải pháp then chốt thúc đẩy ngành du lịch Quảng Bình phát triển, đảm bảo mục tiêu hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao. 2. Phương pháp nghiên cứu Để có những giải pháp trong việc tăng cường liên kết phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình, tác giả sử dụng các phương pháp sau: Thứ nhất, phương pháp nghiên cứu tài liệu, tổng quan các nội dung liên quan đến liên kết phát triển du lịch, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, kinh nghiệm của các địa phương, vùng trong việc thực hiện liên kết phát triển du lịch; Thứ hai, thu thập dữ liệu thứ cấp về hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trên cơ sở số liệu của Sở Du lịch, Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, Tổng cục Du lịch Thứ ba, phương pháp phỏng vấn chuyên sâu lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý ngành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch (các khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành, cung cấp tour, Ban quản lý vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Công ty kinh doanh lữ hành quốc tế Oxalis ) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, góp phần làm rõ vấn đề nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hiệu quả. 3. Thực trạng phát triển du lịch tại quảng bình hiện nay 3.1. Các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về tài nguyên du lịch, khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, Quảng Bình đã tập trung phát triển nhiều 685
  3. loại hình du lịch, trong đó nổi bật là du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng quê, làng nghề Quảng Bình đã xây dựng hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu có uy tín, được biết đến ở trong và ngoài nước như: Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Động Thiên Đường, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, khu du lịch suối nước Mọoc, khu du lịch nghỉ dưỡng Sun Spa Bên cạnh đó, các điểm du lịch tâm linh như Hang Tám Thanh niên xung phong, đường 20 quyết thắng, núi Thần Đinh, đền thờ Bà Chúa Liễu Hạnh và khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Việc hình thành các loại hình du lịch và các sản phẩm du lịch đặc trưng tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện liên kết phát triển du lịch địa phương. 3.2. Khách du lịch Lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng đều qua các năm, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, lượng khách du lịch đến Quảng Bình chủ yếu là khách nội địa, chiếm khoảng trên 95% so với tổng khách đến địa phương. Cụ thể số liệu từ 2011 đến 2015 về số lượt khách lưu trú đến Quảng Bình như sau: Bảng 3.1. Số lượt khách lưu trú tại Quảng Bình giai đoạn 2011-2016 ĐVT: Lượt khách Chỉ tiêu 2011 2012 2013 2014 2015 2016 Tổng lượt khách 851.399 890.915 905.253 965.150 1.006.907 633.658 Khách Quốc tế 24.705 26.648 21.980 23.014 23.110 74.224 Khách nội địa 826.694 864.267 883.273 942.136 983.797 559.434 (Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Quảng Bình năm 2015) Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015 có xu hướng tăng, nhưng tốc độ tăng bình quân hằng năm về tổng lượt khách khoảng 3,2%. Riêng năm 2016, theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, do sự cố môi trường biển Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp, tổng lượt khách lưu trú tại địa phương là 633.658 lượt khách, giảm 37,06 % so với năm 2015 và giảm 43% so với kế hoạch đề ra. Với lượng khách du lịch giảm trong năm 2016, doanh thu du lịch trên địa bàn ước tính giảm 30% so với năm 2015 và thiệt hại ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng. Mặc dù khách du lịch nội địa giảm mạnh,tuy nhiên lượng khách quốc tế đến địa phương tăng mạnh, qua nghiên cứu của nhóm tác giả, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, ngành du lịch thực sự đang có hướng chuyển từ du lịch biển sang phát triển du lịch cộng đồng ở phía Tây Bắc Quảng Bình trên cơ sở du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm. việc Quảng Bình khai thác tuyến du lịch đẳng cấp quốc tế “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” đã thu hút du khách trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số liệu điều tra chi tiêu khách du lịch năm 2015 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, mức chi tiêu bình quân của du khách tại Quảng Bình thấp hơn các địa phương trong vùng, các khoản chi tiêu chủ yếu là thuê phòng, ăn uống và đi lại, (chiếm trên 70% tổng mức chi tiêu), các khoản cho mua sắm, vui chơi giải trí chiếm tỷ trọng thấp. Lượng khách du lịch đến cao nhưng số ngày lưu trú bình quân khá thấp, phần lớn lượng khách chỉ lưu trú dưới 2 ngày. 686
  4. 3.3. Các doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú Theo số liệu của Sở Du lịch, tính đến tháng 12 năm 2016, toàn tỉnh có 287 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 03 khách sạn 3 sao, 28 khách sạn 2 sao, 32 khách sạn 1 sao với 4.617 buồng, 8.634 giường. Một số khách sạn đăng ký tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm và hoàn tất hồ sơ đề nghị thẩm định. Nhìn chung, với số lượng khách sạn trên đã đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách, tuy nhiên do ảnh hưởng của tính mùa vụ, công suất sử dụng buồng bình quân chỉ khoảng 61% . Tổng số đơn vị lữ hành đăng ký hoạt động đến thời điểm hiện nay là 33 đơn vị, trong đó có 07 đơn vị lữ hành quốc tế và 26 đơn vị lữ hành nội địa. Hoạt động lữ hành địa phương có những khó khăn nhất định trong việc thu hút khách du lịch, phần lớn vẫn còn phụ thuộc vào các công ty lữ hành lớn của hai đầu đất nước. 3.4. Các dịch vụ khác Dịch vụ vận chuyển tại Quảng Bình khá phong phú, thuận lợi với đầy đủ các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Quảng Bình nằm ở vị trí huyết mạch quan trọng trên các tuyến giao thông đường bộ quốc gia như: quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; hệ thống giao thông đường sắt Bắc Nam; cảng biển Hòn La; cảng hàng không Đồng Hới. Không chỉ vậy, Quảng Bình nằm ở vị trí chiến lược trên trục hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, có quốc lộ 12A - nối Việt Nam với Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và cầu Hữu Nghị III, là cửa ngõ phía Đông của cả vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanma, rất thuận tiện cho việc giao thương đi lại với các nước trong khu vực. Dịch vụ ẩm thực: trên toàn tỉnh có hơn 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng cung cấp các sản phẩm phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, trong đó có 17 nhà hàng được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên vẫn còn thiếu các nhà hàng chuyên phục vụ nguồn khách trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc. Dịch vụ vui chơi giải trí: còn hạn chế, thiếu các khu vui chơi, giải trí, khu mua sắm các sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch. 3.5. Hoạt động liên kết phát triển du lịch tại Quảng Bình hiện nay Xác định liên kết du lịch là cơ hội để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, mang thương hiệu vùng và có tính cạnh tranh cao, ngành du lịch Quảng Bình đã chú trọng các liên kết hình thành trong phạm vi trong và ngoài địa phương. Sau khi lượng khách sụt giảm trong năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 06 về phát triển du lịch đến 2020, duy trì và chuẩn bị các tiền đề cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong năm 2017 với mục tiêu đạt 3 triệu lượt khách, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm quảng bá du lịch địa phương như: - Tổ chức chương trình, lễ hội Quảng Bình trong lòng Hà Nội, với nhiều chuỗi hoạt động sự kiện nổi bật nhằm quảng bá, xúc tiến, và kết nối du lịch Quảng Bình - Hà Nội. Quảng Bình luôn xác định Hà Nội và các tỉnh khu vực phía bắc là thị trường khách du lịch lớn của địa phương, đồng thời là đầu mối quan trọng trong việc trung chuyển khách đến 687
  5. Quảng Bình và ngược lại, đặc biệt là khách quốc tế. Thông qua chương trình này đã ký kết Biên bản hợp tác phát triển du lịch Quảng Bình - Hà nội giai đoạn 2017- 2020; biên bản hợp tác giữa 2 Hiệp hội du lịch; trao đổi kế hoạch fam trip điểm đến du lịch Quảng Bình cho các doanh nghiệp Hà Nội và khu vực phía bắc; - Giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc năm 2017 và các hoạt động du lịch, thể thao tại bãi biển Nhật Lệ (liên hoan ẩm thực, diễu hành và trình diễn thuyền buồm, các hoạt động thể thao trên biển ) từ ngày 20-23/04/2017; - Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2017; - Tuần văn hóa du lịch Thành phố Đồng Hới từ 28/04 - 02/05/2017; Ngoài ra, ngành du lịch trong những năm qua luôn chú trọng đến các hoạt động kết nối giữa các địa phương, cụ thể như có biên bản ghi nhớ về liên kết du lịch 6 tỉnh Bắc miền Trung (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế), thực hiện khôi phục liên kết du lịch Bình Trị Thiên giữa 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngành du lịch cũng đã chủ động liên kết với các địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Nam, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây; gắn kết và nâng cao chất lượng du lịch bền vững cho các địa phương trong vùng. Sở Du lịch kết hợp với UBND Tỉnh, Hiệp hội du lịch kết hợp cùng tổ chức chương trình famtrip Quảng Bình để các đơn vị lữ hành các tỉnh tham gia trong đó đặc biệt là các tỉnh khu vực phía bắc đến khảo sát điểm du lịch và xây dựng đón khách cũng như tạo cơ hội hợp tác; Trong những năm qua, đã hình thành các liên kết giữa các tour, tuyến, điểm du lịch; liên kết, hợp tác giữa các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch của địa phương. Như tuyến du lịch khám phá sông Chày - Hang Tối; rào Thương - Hang Én; thung lũng sinh Tồn - hang Thủy Cung, động Thiên Đường, động Phong Nha, khám phá hệ thống hang động Tú Làn - hang Tiên, những trải nghiệm khác biệt, thung lũng Hamada - hang Trạ Ang Qua tìm hiểu, đánh giá các hoạt động liên kết du lịch hiện nay tại địa phương, rất nhiều mô hình liên kết du lịch cần được phát triển và mở rộng, ví dụ liên kết tại khách sạn Mường Thanh trong hoạt động trong chuỗi hệ thống khách sạn của tập đoàn; sự liên kết, kết nối các đơn vị lữ hành, phát triển du lịch MICE của Khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình; mô hình phát triển du lịch cộng đồng trong việc thu hút khách quốc tế như Phong Nha Lake House, Phong Nha Farmstay, Chay Lap Farmstay ở huyện Bố Trạch. Ngoài ra đa số các đơn vị kinh doanh du lịch khác, chưa thực sự có liên kết trong hoạt động, và nếu có thì các hoạt động liên kết chủ yếu vẫn là liên kết về quảng bá, xúc tiến, nặng về hình thức. Một số mô hình coi trọng việc đăng cai tổ chức sự kiện luân phiên, chưa thực sự chú ý đến giám sát, điều hành thực thi các nội dung liên kết; các nội dung liên kết về xây dựng sản phẩm đặc thù, về đào tạo nguồn nhân lực, về quy hoạch, về đầu tư còn ít được coi trọng hoặc chưa thực hiện được. Trên thực tế, tình trạng manh mún trong du lịch vẫn còn khá phổ biến, chưa phát huy được thế mạnh du lịch, thậm chí còn cạnh tranh lẫn nhau, sản phẩm du lịch giữa các địa phương chưa có sự khác biệt. Ngoài ra điểm hạn chế hiện nay là chưa thực sự liên kết để xây dựng cơ chế chính sách chung của toàn Vùng và từng tiểu 688
  6. vùng khi thực hiện liên kết, các mô hình liên kết hiện tại chưa có sự vào cuộc thực sự của doanh nghiệp du lịch và cộng đồng, người dân vùng du lịch. Vì vậy, kết quả liên kết còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của các địa phương trong Vùng. Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi nhận thấy, ngành du lịch Quảng Bình vẫn còn tồn tại những hạn chế và khó khăn sau: Thứ nhất, xuất phát điểm nền kinh tế của địa phương thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao, sản phẩm du lịch chưa phong phú. Quy mô cũng như cơ cấu của ngành du lịch trong GDP của địa phương còn khiêm tốn; Thứ hai, sản phẩm du lịch chưa có sự khác biệt với các địa phương, đơn điệu, trùng lắp, thiếu các dịch vụ du lịch đi kèm (vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực ); Thứ ba, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ; Thứ tư, số ngày lưu trú bình quân thấp, cả khách quốc tế và nội địa; mức chi tiêu bình quân thấp so với các địa phương trong vùng dẫn đến doanh thu xã hội du lịch trên địa bàn tỉnh không cao; Thứ năm, lao động ngành du lịch chưa qua đào tạo chuyên nghiệp, thiếu tỷ lệ lao động lành nghề; trình độ ngoại ngữ của lao động du lịch còn hạn chế; Thứ sáu, công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến còn hạn chế; chưa được chú trọng, đầu tư một cách bài bản; Thứ bảy, hoạt động kinh doanh lữ hành chưa mạnh, các đơn vị lữ hành chưa chủ động được nguồn khách đến địa phương; Thứ tám, yếu tố thời vụ đối với hoạt động du lịch cũng là hạn chế đối với hiệu quả đầu tư du lịch, đồng thời tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đội ngũ lao động ngành du lịch (ảnh hưởng của lũ lụt, mùa lũ ); Cuối cùng, mặc dù bước đầu đã có những hoạt động liên kết phát triển du lịch tuy nhiên mới chỉ dừng lại trong việc tổ chức một số sự kiện cụ thể, tính liên tục chưa cao và thiếu tính chuyên nghiệp. 4. Giải pháp tăng cường liên kết phát triển du lịch tỉnh quảng bình Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, và những hạn chế của ngành du lịch, việc đưa ra các giải pháp cho định hướng liên kết phát triển du lịch là cần thiết, vì vậy để ngành du lịch Quảng Bình ngày càng phát triển, hoạt động liên kết phát triển du lịch cần tập trung vào các giải pháp sau: 4.1. Liên kết phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch - Nghiên cứu các chính sách và cơ chế chung nhằm thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tuyến đường du lịch khám phá hang động, du lịch ven biển; - Phối hợp trong các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt các khu vui chơi, giải trí, các khu mua sắm đặc trưng và chất lượng cao; 689
  7. 4.2. Liên kết phát triển sản phẩm du lịch - Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, việc kết nối với các tour, tuyến, khu du lịch cần có sự phân công một cách tương đối về các sản phẩm và phân khúc thị trường khách; - Phối hợp phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết ngang, liên kết dọc giữa các địa phương, các doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị, thúc đẩy hoạt động quảng bá du lịch địa phương thông qua hệ thống lữ hành trong và ngoài nước; - Tạo điều kiện thuận lợi cho sự liên kết du lịch giữa các tỉnh Bắc miền Trung, Hình thành các tour du lịch, kết nối du lịch của các địa phương trong khu vực, cụ thể: tăng cường khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, phối hợp với Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh khai thác chương trình du lịch “Bình Trị Thiên”, các tỉnh Bắc miền Trung ; - Xây dựng các loại hình du lịch và cũng cố các tuyến du lịch sẵn có, tập trung phát triển các tuyến du lịch mới, đặc biệt là loại hình du lịch khám phá, du lịch văn hóa; du lịch tâm linh; 3.3. Liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch - Xây dựng thương hiệu du lịch địa phương, tập trung hướng hình ảnh du lịch Quảng Bình ở phạm vi trong nước và quốc tế; - Kết nối các sự kiện, lễ hội để tạo ra chuỗi sư kiện du lịch nhằm thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách; - Tăng cường liên kết phối hợp marketing chung các điểm đến, sản phẩm du lịch, khai thác thị trường nội địa trọng điểm (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ), các thị trường nội địa tiềm năng trong khu vực, các thị trường quốc tế lận cận như (Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản ) thông qua các roadshow tại các thị trường nội địa trọng điểm, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế; - Khuyến khích các hãng hàng không tăng cường phát triển các chuyến bay đến các cảng hàng hàng không quốc tế trong khu vực đến địa phương, mở thêm chuyến bay, tăng cường hợp tác để tạo điều kiện cho du khách đi lại thuận tiện, an toàn; - Hợp tác trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; hợp tác trên lĩnh vực quy hoạch, đầu tư; hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch, tuyên truyền giới thiệu về du lịch Quảng Bình trên các website, tạp chí 3.4. Liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch bền vững Đẩy mạnh hợp tác đào tạo bằng nhiều hình thức, liên kết, liên thông giữa các cơ sở đào tạo, dạy nghề tại Quảng Bình với các cơ sở đào tạo của khu vực miền Trung để đào tạo nghiệp vụ và chuyên môn về du lịch, phát triển nguồn nhân lực của địa phương ngày càng chất lượng. Thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, các khóa đào tạo chuyên sâu về du lịch, có thể mời trực tiếp các giảng viên, các nhà quản lý có kinh nghiệm, nhân viên đi trước đào tạo cho nhân viên đi sau để phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch của quốc tế cũng như các tiêu chuẩn của các nước ASEAN. 690
  8. 3.5. Liên kết các doanh nghiệp du lịch Liên kết các doanh nghiệp du lịch ở địa phương với nhau và với các doanh nghiệp du lịch ở các trung tâm du lịch quốc gia (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh ) là nhân tố đặc biệt quan trọng để thực hiện liên kết phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình. Xây dựng mô hình liên kết, tạo sự gắn kết chặt chẽ về lợi ích giữa các doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết giữa các hoạt động: kinh doanh vận chuyển, kinh doanh lưu trú, kinh doanh lữ hành để cung cấp những sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp cho du khách. Các doanh nghiệp du lịch liên kết với các tiểu vùng và các địa phương trong các hoạt động du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị cho khách hàng. Thiết lập mối liên kết với những nền tảng kinh tế quan trọng như cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư và tài nguyên môi trường cho sự phát triển bền vững. 3.6. Hợp tác giữa các hiệp hội du lịch với các địa phương - Tạo điều kiện hỗ trợ, trao đổi học tập kinh nghiệm về mô hình, cách thức hoạt động hoặc chia sẻ kinh nghiệm giữa các khách sạn, nhà hàng tham gia hiệp hội du lịch; - Tạo môi trường thuận lợi để các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia chương trình xúc tiến du lịch, tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ triễn lãm, các sự kiện và lễ hội nhằm quảng bá du lịch địa phương; - Thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hợp tác. 4. Kết luận Tìm hiểu thực tế tại các khách sạn, nhà hàng, các đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch trên địa bàn cho thấy trong bối cảnh phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình hiện nay, lượng khách có xu hướng giảm, thì liên kết du lịch đóng một vai trò hết sức quan trọng và chỉ có những đơn vị thực sự có tham gia liên kết mới có thể đứng vững sau sự cố môi trường biển năm 2016. Thông qua liên kết giúp các đơn vị phối hợp với nhau, tạo nguồn khách ổn định và phát triển. Việc liên kết ngành sản phẩm du lịch, các doanh nghiệp trong địa phương là điều kiện để phát triển bền vững về kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Muốn xây dựng được sự liên kết du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi phải thực hiện các nội dung, hình thức, giải pháp liên kết hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú ý đổi mới tư duy nhận thức về vai trò của liên kết, hạn chế các rào cản về hành chính, văn hóa, điều kiện tự nhiên. Liên kết phát triển du lịch bền vững đòi hỏi phải kết hợp sức mạnh tổng thể, phối hợp công tư, hợp tác đa phương cùng có lợi. 691
  9. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Văn Đính - Trần Thị Minh Hoa ̀ (2008), Giáo trình Kinh tế du lịch, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội [2] Ngô Thắng Lợi, Vũ Cương (2015), Liên kết phát triển và tổ chức điều phối liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị [3] Phạm Trung Lương (2016), Một số vấn đề cần quan tâm trong liên kết phát triển vùng du lịch, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ” [4] Hà Văn Siêu (2011), Quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung trong liên kết phát triển vùng, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung” [5] Trần Đình Thiên (2015), Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung, Viện Kinh tế Việt Nam [6] Đỗ Cẩm Thơ (2009), Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch [7] Asian Development Bank (2013), Regional and subregional program links - Mapping the links between ASEAN and the GMS, BIMP-EAGA, and IMT-GT [8] E. Wanda George, Heather Mair, Donald G Reid, Rural Tourism Development, University of Glasgow, Scotland, UK [9] The World Tourism Organization and the European Travel Commission (2011), Handbook on Tourism Product Development, The World Tourism Organization, Madrid, Spain. 692