Lợi thế so sánh của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới

pdf 7 trang Gia Huy 18/05/2022 2810
Bạn đang xem tài liệu "Lợi thế so sánh của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfloi_the_so_sanh_cua_viet_nam_khi_tham_gia_cac_fta_the_he_moi.pdf

Nội dung text: Lợi thế so sánh của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng LỢI THẾ SO SÁNH CỦA VIỆT NAM KHI THAM GIA CÁC FTA THẾ HỆ MỚI ThS. Trần Thị Trang, ThS. Hoàng Thị Lan Phương Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì TÓM TẮT Hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu trong phát triển hiện nay của các quốc gia. Kể từ khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA thế hệ mới), cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, từ xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô, sơ chế sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, muốn hội nhập có kết quả Việt Nam cần nhận thấy mình có những lợi thế so sánh gì và sẽ bổ sung cơ cấu trong quá trình hội nhập kinh tế với các nước thành viên FTA ở những lĩnh vực nào? Trên cơ sở nghiên cứu những nguyên tắc chung của các FTA thế hệ mới, nhấn mạnh đến lợi thế so sánh của Việt Nam, bài viết sẽ chỉ ra một số nhóm ngành có lợi thế của Việt Nam trong thương mại quốc tế hiện nay. Từ khóa: Lợi thế so sánh; FTA thế hệ mới; thương mại quốc tế. 1. Đặt vấn đề Lợi thế so sánh đem lại những lợi ích thiết thực cho quốc gia và các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động ngoại thương. Với doanh nghiệp, lợi thế so sánh giúp đưa ra chiến lược sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thực tế thị trường thế giới, khai thác tối đa lợi thế nguồn lực sẵn có trong nước. Với quốc gia việc nghiên cứu đưa ra những lợi thế so sánh của đất nước về điều kiện tự nhiên, dân cư, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn vốn đầu tư hay khoa học công nghệ, từ đó có hướng sản xuất tập trung, hiệu quả hơn thúc đẩy xuất nhập khẩu phát triển. Nguyên tắc lợi thế so sánh đã được ký kết và bảo hộ trong các Hiệp định thương mại tự do, từ truyền thống đến hiện đại. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của yếu tố này trong hoạt động thương mại quốc tế. Một quốc gia muốn tham gia triệt để và sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do việc nghiên cứu tìm hiểu lợi thế so sánh của mình là tất yếu, điều đó giúp họ tận dụng được những lợi ích trong quá trình hội nhập và khai thác các lợi thế khác từ các thể chế của FTA. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp tài liệu, chúng tôi có những luận bàn xung quanh các vấn đề như: các nguyên tắc của FTA thế hệ mới; lý luận về lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế qua đó chỉ ra các lợi thế so sánh của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu Các lý thuyết về thương mại từ lợi thế tuyệt đối của A. Smith, lợi thế tương đối của D. Ricardo hay mô hình Heckscher-Ohlin đã luận giải lợi ích của việc tập trung các nguồn lực quốc gia đi vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế so sánh nhằm gia tăng phúc lợi cho nền kinh tế. Chỉ số so sánh bộc lộ (Revealed Comparative Advantage: RCA) được tính toán dựa trên các lý thuyết lợi thế so sánh và dữ liệu thống kê trao đổi sản phẩm giữa các quốc gia. Theo đó, một nước bộc lộ lợi thế so sánh của mình trong một sản phẩm cụ thể nếu tỷ trọng sản phẩm đó trong kim ngạch xuất khẩu của đất nước lớn hơn tỷ trọng sản phẩm trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Chỉ số RCA đã được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu đánh giá về lợi thế cạnh tranh trong quan hệ thương mại của một nền kinh tế. Các thỏa thuận về cắt giảm hàng rào thuế quan, phi thuế quan hay quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA được thực hiện. Nghĩa là khi tham gia FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, nền kinh tế của các bên liên quan có độ mở cao, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cơ bản được tự do luân chuyển trong phạm vi không gian các quốc gia thành viên FTA. Đây chính là cơ sở để các quốc gia tính toán phát triển các ngành, nhóm ngành kinh tế nhằm tạo lợi thế trong cạnh tranh quốc tế. 122
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Để phân tích, đánh giá về lợi thế so sánh của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới, nhóm tác giả chủ yếu lấy nguồn thông tin thứ cấp thu thập từ các tài liệu sách, tạp chí, kỷ yếu hội nghị khoa học chuyên đề và một số luận văn luận án. Phương pháp nghiên cứu phân tích, tổng hợp tài liệu sẽ khái quát đưa ra những đặc điểm, nguyên tắc của FTA thế hệ mới, các lợi thế so sánh của Việt Nam, trong đó bài viết sẽ phân tích làm rõ lợi thế so sánh của một số nhóm ngành trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. 3. Nội dung nghiên cứu 3.1. Các nguyên tắc hoạt động của FTA thế hệ mới Ban đầu FTA nguyên thủy chỉ là cắt giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa. Sau đó được bổ sung thêm thương mại dịch vụ. Tiếp theo, các FTA bổ sung bảo hộ đầu tư và sở hữu trí tuệ. Có thể nói, mô hình bảo hộ hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ tồn tại khá phổ biến cho đến khi xuất hiện cam kết giữa các bên không chỉ về hàng hóa, dịch vụ mà còn cả các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm công Chính các cam kết phi truyền thống là yếu tố làm nên sự khác biệt của một thế hệ FTA và chuyển các thỏa thuận FTA sang một thế hệ mới (FTA thế hệ mới). Các nội dung mà FTA đề cập đến bao gồm: quy định về việc cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; Các quy định về các lĩnh vực phi thương mại như: lao động, môi trường, cam kết phát triển bền vững, mua sắm công ; quy định về quy tắc xuất xứ. Thứ nhất, nguyên tắc cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan Thuế quan là tên gọi chung chỉ các sắc thuế đánh vào hàng hóa xuất nhập khẩu. Thuế quan ra đời với 2 mục đích chính là góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và bảo hộ sản xuất trong nước. Bằng cách đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu, nhà nước tạo áp lực tăng giá bán của hàng hóa nhập khẩu, qua đó, giúp các nhà sản xuất trong nước có lợi thế trong cạnh tranh về giá với hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, thuế quan chính là hàng rào mang tính chất kinh tế đối với hàng hóa nhập khẩu. Hàng rào phi thuế quan. Bên cạnh hàng rào thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này vào quốc gia khác còn có thể phải đối mặt với các hàng rào phi thuế quan. Đó là các cách thức ngăn chặn hoặc gây trở ngại cho hàng hóa nhập khẩu nhưng không phải là đánh thuế nhập khẩu. Hàng rào phi thuế quan có 2 nhóm chính là hàng rào hành chính và rào cản kỹ thuật. Trong đó, hàng rào hành chính là các quy định có tính chất mệnh lệnh hành chính nhà nước nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng rào hành chính bao gồm các quy định pháp luật về cấm nhập, cấm xuất, giấy phép, hạn ngạch (quota), hạn chế xuất khẩu tự nguyện, tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc. Đối với các rào cản kỹ thuật, bản thân nó là những quy chuẩn kỹ thuật do một quốc gia quy định đối với hàng hóa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nó lại được sử dụng như là một cách thức để cản trở hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa. Bởi vậy, những quy chuẩn kỹ thuật này nếu được áp dụng để hạn chế nhập khẩu hàng hóa sẽ chính là những rào cản kỹ thuật. Các FTA thế hệ mới đề cao mức độ tự do hóa thương mại. Các thỏa thuận trong FTA thế hệ mới thường xóa bỏ và có lộ trình xóa bỏ phần lớn hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Nghĩa là khi tham gia FTA thế hệ mới, nền kinh tế của các bên liên quan có độ mở cao, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cơ bản được tự do luân chuyển trong phạm vi không gian các quốc gia thành viên FTA. Thứ hai, các cam kết phi thương mại. Xét về phạm vi cam kết, các FTA thế hệ mới là những hiệp định toàn diện, không chỉ bó hẹp trong thương mại và đầu tư như các FTA truyền thống mà còn bao gồm các nội dung tuy không phải là thương mại trực tiếp nhưng có liên quan đến thương mại như đấu thầu, môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng giữa các nước thành viên. Trong đó các quốc gia thành viên cần hết sức lưu ý đến các cam kết lao động và môi trường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm trong thương mại quốc tế. Do vậy, trước 123
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng hết họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đây là cách tiếp cận của các FTA thế hệ mới và đang trở thành một xu thế trong những năm gần đây trên thế giới. Nếu như vào thời điểm thành lập WTO năm 1995, chỉ có 4 FTA có nội dung về lao động, thì đến tháng 01/2015, đã có 72 FTA có nội dung về lao động [1]. Việc đưa nội dung về lao động vào các FTA còn nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Nếu một nước duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và các điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng, thì được cho là sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với nước thực hiện những tiêu chuẩn lao động cao. Điều này vô hình trung dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng dựa trên quyền lao động rẻ. Các EVFTA, VKFTA, VCUFTA, TPP đều bắt buộc bên tham gia hiệp định thực hiện quyền tự do liên kết và thương lượng; xóa bỏ lao động cưỡng chế, bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động. Cùng với các cam kết về lao động thì cam kết về môi trường hay phát triển bền vững cũng được thiết lập chặt chẽ. Mục tiêu của các nội dung của các cam kết này nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể về thương mại, có liên quan đến môi trường của các nước thành viên. Theo đó, thỏa thuận đạt được là đa dạng sinh học và sinh vật ngoại lai, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-zôn, bảo vệ (ngăn ngừa ô nhiễm) môi trường biển từ tàu biển, đánh bắt hải sản, hàng hóa và dịch vụ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cơ chế tự nguyện bảo vệ môi trường. Thứ ba, quy tắc xuất xứ (ROO). Quy tắc xuất xứ là tập hợp các tiêu chí cần thiết nhằm đảm bảo xác định được nguồn gốc quốc tịch của hàng hóa, đảm bảo hàng hóa đó được hưởng ưu đãi thuế quan FTA nếu tuân thủ các quy định về xuất xứ áp dụng với hàng hóa trong FTA đó [12] . Đó chính là các ưu đãi thuế quan. Quy tắc này chỉ dành cho các sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ nội khối phù hợp. Hàng hóa đáp ứng ROO sẽ được cấp CO ưu đãi, là căn cứ pháp lý quan trọng để được hưởng ưu đãi thuế quan FTA. Mục đích của ROO là giúp cân bằng giữa thuận lợi hóa thương mại và phòng tránh gian lận thương mại. Như vậy, sản phẩm hàng hóa của các quốc gia muốn được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước FTA thành viên thì sản phẩm phải đạt mức tiêu chuẩn 40% nguyên vật liệu có xuất xứ tại nước xuất khẩu hoặc xuất xứ từ các quốc gia thành viên FTA. Điều này sẽ kích thích việc phát triển các doanh nghiệp tìm kiếm, sản xuất các nguyên phụ liệu, hàng hóa trong phạm vi FTA cũng như kích thích đầu tư FDI tại các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên FTA, tạo cơ hội để doanh nghiệp các nước trở thành một thành tố, một mắt xích trong dây chuyền cung ứng các sản phẩm, nguyên liệu cũng như giúp họ cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. 3.2. Lợi thế so sánh của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế Theo Lý thuyết lợi thế so sánh của Ricacđo thì sự khác biệt giữa các nước về điều kiện tự nhiên, chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện sản xuất chính là lợi thế so sánh. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tìm thấy sự khác biệt này và chuyên môn hóa sản xuất những sản phẩm nhất định dựa vào lợi thế cạnh tranh của quốc gia mình. Bằng cách chuyên môn hóa sản xuất các quốc gia sẽ thực hiện trao đổi lấy hàng nhập khẩu thông qua con đường ngoại thương, mỗi quốc gia không chỉ thu được những nguồn lợi nhất định mà còn cho phép người dân của nước mình tiêu dùng ngoài giới hạn khả năng sản xuất của nước đó. Khi một nước thực hiện chuyên môn hóa sản xuất dựa vào lợi thế cạnh tranh của quốc gia mình để trao đổi các mặt hàng có bất lợi nhỏ nhất hoặc có lợi nhất thì tất cả các quốc gia đều thu được lợi ngay cả khi không có các lợi thế tuyệt đối. Như vậy, khi tham gia các FTA và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cơ sở quan trọng nhất, cần quan tâm đầu tiên của các quốc gia là sự phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất. Lợi thế so sánh là điều kiện cần và đủ đối với lợi ích của các thành phần kinh tế trong thương mại quốc tế, là cơ sở để thực hiện phân công lao động quốc tế. Lợi thế so sánh gồm lợi thế tự nhiên và lợi thế tự tạo. Lợi thế tự nhiên gồm có các yếu tố thuộc về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào. Lợi thế so sánh tự tạo gồm vốn, công nghệ cao, nhân công lành nghề, cơ sở hạ tầng hiện đại. 124
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Lợi thế so sánh của Việt Nam là các lợi thế tự nhiên hay còn gọi các lợi thế cấp thấp, nếu các lợi thế này không có khả năng tái sinh thì nó sẽ mất dần đi. Điều này thấy rất rõ ở hai lợi thế mà Việt Nam đang có là điều kiện tự nhiên và nguồn lao động dồi dào. Điều kiện tự nhiên gồm có vị trí địa lý, địa hình, đất đai, tài nguyên khoáng sản tạo nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nông, lâm, thủy sản và cung cấp nguyên liệu cho nhóm ngành công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản. Dân cư và nguồn lao động. Là quốc gia có nguồn lao động dồi dào, lực lượng lao động được bổ sung hàng năm với số lượng lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến sử dụng nhiều lao động, như: dệt may, giày da, công nghiệp thực phẩm, Tuy nhiên, dù Việt Nam được coi là một đất nước phong phú về các loại khoáng sản, nhưng nếu tính theo mức đầu người thì không phải là nước giàu khoáng sản. Về lao động, Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào, nhưng lực lượng này lại chưa quen với lối lao động công nghiệp, việc tiếp cận công nghệ mới còn hạn chế dẫn đến chất lượng lao động không cao. Thực tế trong hoạt động thương mại và đầu tư, Việt Nam vẫn ở trình độ thấp. Nếu so sánh điều kiện tương đồng về cấu tạo tài nguyên giữa Việt nam với các nước FTA thành viên thì lợi thế dựa trên điều kiện sản xuất cấp thấp sẽ nhỏ bé. Nếu chỉ dựa vào lợi thế này thì thương mại của Việt Nam trong các FTA EVFTA, VKFTA, VCUFTA chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và được coi là kém phát triển. Ví dụ, trong VKFTA, Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông nghiệp, thủy hải sản chủ lực, công nghiệp dệt, may, sản phẩm cơ khí và tạo cơ hội cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực. Phía Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp, nguyên phụ liệu dệt, may, nhựa, linh kiện điện tử, xe tải xe con, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, sắt thép, dây cáp điện. Nguyên nhân chính của vấn đề này không phải ở chỗ có sự tương đồng về cấu tạo tài nguyên gây ra mà là ở chỗ các điều kiện sản xuất vốn có của các quốc gia thành viên hơn hẳn Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại lợi thế so sánh cấp thấp (sản xuất ra sản phẩm sử dụng nhiều yếu tố lao động, giá trị gia tăng thấp) đang là một nhân tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng nếu chỉ đơn thuần dựa vào lợi thế này thì Việt Nam khó có khả năng thay đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu công nghiệp ở mức độ cao hơn. Hơn nữa, điều kiện tự do của các FTA thế hệ mới, cùng với sự phát triển nhiều loại hình công nghệ mới, sẽ hướng các công ty xuyên quốc gia đầu tư vào những nước có các điều kiện và lợi thế sản xuất cấp cao hơn về vốn, công nghệ cao, nhân công lành nghề, cơ sở hạ tầng hiện đại Trên cơ sở các hoạt động sản xuất, các công ty xuyên quốc gia có thể tận dụng triệt để lợi thế và điều kiện sản xuất của các quốc gia đã có, nhằm tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, các linh kiện và chi tiết tại các quốc gia trong điều kiện tự do mậu dịch. Giá cả của các loại hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra chủ yếu dựa trên lợi thế về điều kiện sản xuất cấp thấp (nguyên liệu thô, gia công và sơ chế) luôn rẻ hơn so với các mặt hàng chế biến dựa trên lợi thế về các điều kiện sản xuất cấp cao hơn (lao động được đào tạo, công nghệ trung bình thích hợp). Hiện tại Việt Nam đang xuất khẩu dầu thô, gạo, khoáng sản nếu không đi thẳng vào công nghệ hiện đại sử dụng lao động dồi dào để sản xuất hàng xuất khẩu thì Việt Nam sẽ phải chịu thiệt thòi về giá hàng xuất khẩu (giá trị gia tăng thấp). Thực tế đó đã được chứng minh qua nhiều năm. Những phân tích trên đây không có nghĩa là Việt Nam phải từ bỏ các lợi thế so sánh cấp thấp, mà cần hiểu lợi thế so sánh cấp thấp chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Về lâu dài, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước thành viên FTA như Hàn Quốc hay các quốc gia trong liên minh hải quan chuyển từ lợi thế so sánh cấp thấp sang lợi thế so sánh cấp cao hơn, nghĩa là sản xuất ra sản phẩm cần nhiều vốn, lao động phải được đào tạo, với công nghệ cao, tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng trong sản phẩm lớn. Muốn vậy phải kết hợp đồng thời nhiều yếu tố: vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên sẵn có và nguồn nhân lực phong phú, trong đó nguồn nhân lực là một yếu tố rất quan trọng cho việc thực hiện sự chuyển hóa cũng như thực hiện những cam kết phi thương mại về lao động. 125
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Tham gia các FTA với việc dỡ bỏ các hàng rào bảo hộ, lợi thế tương đối và phân công lao động giữa các nền kinh tế sẽ có bước chuyển dịch. Việt Nam, với vị trí thuận lợi về địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động sẽ có thể có lợi thế cao trong một số lĩnh vực: Dệt may, giày dép, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp công nghệ cao Điều này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. 3.3. Một số nhóm ngành có lợi thế so sánh của Việt Nam khi tham gia FTA Lợi thế so sánh của các nước thành viên trong FTA càng lớn thì cơ hội mở rộng thương mại giữa các nước và phúc lợi xã hội sẽ gia tăng tương ứng. Cơ cấu thương mại giữa các nước càng bổ sung lẫn nhau thì FTA có khả năng thúc đẩy gia tăng thương mại giữa các bên càng cao, tăng tạo lập thương mại. Lợi ích của FTA còn chịu ảnh hưởng bởi sự khác nhau trong cơ cấu xuất khẩu của nước đối tác ký kết FTA và các nước đối tác còn lại. Nghĩa là cơ cấu xuất khẩu của hai nhóm nước này có sự khác biệt càng lớn thì khả năng chệch hướng thương mại sẽ giảm đi, từ đó gia tăng lợi ích cho các nước thành viên FTA. Các tác động của FTA đối với các quốc gia thành viên còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể mỗi quốc gia. Tuy nhiên, những tác động đó sẽ làm cho quá trình tự do hóa thương mại được tăng cường, thúc đẩy thương mại hàng hóa và các lĩnh vực liên quan tạo điều kiện cho tiến trình đàm phán tự do hóa thương mại đa phương. Trong quan hệ Thương mại với các đối tác FTA giai đoạn 2000 – 2017 số lượng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh nhưng 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất không thay đổi nhiều, tập trung vào các mặt hàng dầu thô, dệt may - da giày, thủy - hải sản và các sản phẩm nông nghiệp.[7]. Đây chính là các ngành, nhóm ngành mà Việt Nam có có lợi thế so sánh trong thương mại FTA: Thứ nhất, nhóm ngành hàng nông sản. Theo định nghĩa về hàng nông sản của FAO thì hàng nông sản là tập hợp của nhiều nhóm hàng khác nhau, được phân loại theo từng nhóm cụ thể như: Nhóm hàng các sản phẩm nhiệt đới bao gồm các sản phẩm chủ yếu như cà phê, ca cao, chè, chuối, hạt tiêu, các loại hoa quả có múi Nhóm hàng ngũ cốc và sắn bao gồm: lúa mì, lúa gạo, các loại ngũ cốc hạt thô (ngô, bo bo, kê ) và sắn. Nhóm hàng thịt, bao gồm các sản phẩm chủ yếu như: thịt bò, thịt cừu, thịt lơn, thịt gia cầm và các loại thịt khác. Nhóm hàng dầu mỡ và các sản phẩm từ dầu bao gồm các sản phẩm chủ yếu như: các loại hạt có dầu (đậu tương, hạt cải dầu, hạt hướng dương ), các loại dầu thực vật và chất béo (dầu đỗ tương, dầu hạt cải, dầu cọ, dầu dừa, dầu đỗ tương ) các loại dầu từ sinh vật biển hay cả các sản phẩm từ dầu như khô dầu Nhóm hàng sữa và các sản phẩm sữa: sữa, sữa đặc, bơ, phomat Nhóm hàng nông sản nguyên liệu thô như: bông, đay, cao su thiên nhiên, các loại da thú Khi xuất khẩu các sản phẩm từ nhóm ngành hàng này lợi thế có được từ lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên hay nguồn lao động dồi dào sẽ tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất. Trong xuất khẩu, nếu so với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu thì tỷ lệ chi phí sản xuất có nguồn gốc ngoại tệ của hàng nông sản thấp, do đó thu nhập ngoại tệ dòng của hàng nông sản xuất khẩu sẽ cao hơn nhiều. Thứ hai, nhóm ngành công nghiệp chế biến. Công nghiệp chế biến là các hoạt động làm biến đổi về mặt vật lý, hoá học của vật liệu, chất liệu hoặc làm biến đổi các thành phần cấu thành của nó, để tạo ra sản phẩm mới. Vật liệu, chất liệu là nguyên liệu thô từ các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, khai thác mỏ hoặc quặng, Các đơn vị trong ngành chế biến bao gồm nhà xưởng, nhà máy, xưởng sản xuất, thiết bị máy vận hành bằng điện và máy chuyển nguyên vật liệu đặc trưng. [8] Công nghiệp chế biến bao gồm: công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp chế biến nhiên liệu, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo thiết bị máy móc, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu xây dựng, công 126
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nghiệp chế biến gỗ, tre, nứa, lá, mây, song, cói công nghiệp sành, sứ, thủy tinh, đồ gốm, công nghiệp dệt, da, may, nhuộm, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ ngành y tế, văn hóa, giáo dục, và các ngành công nghiệp chế biến khác. Các sản phẩm của công nghiệp chế biến, đặc biệt là sản phẩm của ngành dệt may, dù các quy định trong EVFTA, VKFTA, VCUFTA khắt khe hơn (với quy tắc ROO đòi hỏi xuất xứ từ sợi trở đi mới được hưởng ưu đãi. Nhưng với việc đưa ra danh mục 187 mặt hàng không có sẵn, các nước trong khối cũng không đáp ứng đủ cho nhau để được hưởng ưu đãi) nên chúng ta vẫn được chấp thuận quy tắc "nguồn cung thiếu hụt". [10] Thực tế, Việt Nam có ưu điểm là sản xuất sợi tốt nhưng khâu hoàn thiện vải gặp vấn đề lớn về công nghệ, môi trường Do vậy, nhiều doanh nghiệp sau khi dệt vải mộc sẽ chuyển sang Trung Quốc để thực hiện khâu định hình vải và nhuộm. Sau đó, vải thành phẩm được Việt Nam nhập lại để đưa vào may mặc. Những sản phẩm này nếu được xuất khẩu sang Nhật theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) sẽ không được ưu đãi thuế quan do bị coi là "mất xuất xứ". Nhưng với EVFTA, VKFTA, VCUFTA, quy tắc tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp tự chuẩn bị hồ sơ, chứng từ để chứng minh khâu sản xuất sợi đầu tiên là từ Việt Nam, từ đó sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu. Với tính chất toàn diện thì một trong những lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại là giúp các nước thành viên như Việt Nam xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ tích cực trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Các FTA này sẽ hoàn thiện thể chế theo hướng cải thiện cơ chế điều hành kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh mới với những đặc trưng: thuận lợi, thông thoáng hơn, minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn trước đây. Việc hoàn thiện môi trường kinh doanh, kết hợp với những cơ hội mới được mở ra trên thị trường xuất khẩu sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài, giúp tạo ra năng lực sản xuất mới cho doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng GDP tốt hơn. Những tiêu chuẩn về quản trị công và chính sách phát triển bền vững hay lao động và môi trường của các FTA thế hệ mới sẽ giúp các quốc gia xây dựng cơ chế, chính sách, kiện toàn bộ máy nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên cơ sở tăng cường trách nhiệm, kỷ luật của các bên liên quan. Đây chính là cơ hội để các quốc gia thành viên dựa trên những lợi thế so sánh của mình xây dựng phát triển các nhóm ngành kinh tế lợi thế, đồng thời có chiến lược phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội theo hướng đảm bảo quyền tự quyết của các quốc gia trên cơ sở tăng tính cam kết và mức độ chịu trách nhiệm. 4. Kết luận FTA thế hệ mới với những cam kết chặt chẽ và toàn diện ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia thành viên, là cơ hội để các quốc gia nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển hướng cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu nhờ tận dụng và phát huy được lợi thế so sánh. Tuy nhiên những lợi thế so sánh của Việt nam phần lớn là những lợi thế so sánh cấp thấp do vậy giá cả của các loại hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra luôn rẻ hơn so với các mặt hàng chế biến dựa trên lợi thế về các điều kiện sản xuất cấp cao hơn. Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, Việt Nam cần có một bước chuyển rất căn bản: mở rộng lợi thế so sánh ra nhiều mặt hàng, nhóm hàng có giá trị cao. Quá trình đó cần đảm bảo: Thứ nhất, cần nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm đáp ứng những cam kết trong các Hiệp định FTA đã kỹ kết hoặc đang đàm phán. Thứ hai, thực hiện giảm bớt khả năng chênh lệch thương mại bằng cách tích cực hội nhập với các nước thành viện FTA trước hết là trong các ngành chủ lực, thế mạnh. Thứ ba, Chính phủ và doanh nghiệp của các nước thành viên FTA cần hiểu rõ sự chênh lệch trong gia tăng xuất nhập khẩu giữa các nhóm ngành và mặt hàng để có cơ chế, chính sách cũng như chiến lược đầu tư và kinh doanh phù hợp. 127
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Thứ tư, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc tận dụng tác động lan tỏa của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Tóm lại, những tác động của FTA thế hệ mới theo ngành khá phức tạp và đan xen nhau, theo đó các FTA thế hệ mới sẽ mang lại những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để hiện thực hóa các cơ hội và vượt qua các thách thức, Việt Nam cần có những bước đi chiến lược để đón đầu các ưu đãi mà mà FTA sẽ mang. Việc hiểu rõ các cơ hội và thách thức theo ngành để có được các chính sách khả thi, hiệu quả cho từng ngành, vừa giúp các ngành nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa hỗ trợ được cho doanh nghiệp. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Báo cáo số 79/BC-CP của Chính phủ về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 18/3/2016. [2] Bùi Trường Giang (2010), Hướng tới chiến lược FTA của Việt Nam - cơ sở lý luận và thực tiễn Đông Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [3] Nguyên Hải (2016), “Thách thức thực hiện các FTA”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 16. [4] Kim Ngọc (2015), “Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9. [5] Nguyên Vũ (2016), “Ai tận dụng tốt cơ hội từ các FTA?”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 16. [6] Lê Thị Thúy (2017), “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam số 5 (114). [7] Huỳnh Ngọc Chương, Nguyễn Thanh Trọng, (2017), “Lợi thế và xu hướng xuất khẩu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với ASEAN”, Tạp chí Phát triển KH&CN tập 20, số Q2. [8] Quyết định số 486 – TCTK/CN ngày 2/6/1966 của Tổng cục thống kê [9] [10] tat [11] thuong-mai-tu-do-the-he.aspx [12] ổ tay quy tắc xuất xứ trong các FTA Việt Nam là thành viên 128