Mô hình tăng trưởng bao trùm - Cách tiếp cận để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

pdf 11 trang Gia Huy 19/05/2022 3660
Bạn đang xem tài liệu "Mô hình tăng trưởng bao trùm - Cách tiếp cận để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfmo_hinh_tang_truong_bao_trum_cach_tiep_can_de_som_dua_nuoc_t.pdf

Nội dung text: Mô hình tăng trưởng bao trùm - Cách tiếp cận để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

  1. MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG BAO TRÙM - CÁCH TIẾP CẬN ĐỂ SỚM ĐƯA NƯỚC TA TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI PGS. TS Nguyễn Văn Công TS Lê Tố Hoa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được khẳng định nhất quán từ Đại hội VIII của Đảng. Tại Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành “một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại” và tại Đại hội IX (năm 2001): “Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đến Đại hội X (năm 2006), Đảng ta nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011) xác định: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”15. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại”. Để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, một vấn đề then chốt là cần huy động sự tham gia và đảm bảo những lợi ích hay cơ hội kinh tế tạo ra từ quá trình tăng trưởng được chia sẻ một cách bình đẳng cho tất cả các thành viên trong xã hội. Đó cũng chính là tư tưởng trung tâm của mô hình tăng trưởng bao trùm. Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan về mô hình tăng trưởng bao trùm và đưa ra một số đánh giá về thực trạng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dưới lăng kính của mô hình tăng trưởng bao trùm. I. QUAN NIỆM VỀ TĂNG TRƯỞNG BAO TRÙM Khái niệm tăng trưởng bao trùm (inclusive growth) lần đầu tiên được đưa ra bởi Acemoglu, Johnson và Robinson (2004). Ý tưởng chính của nó là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững là do có được hệ thống thể chế kinh tế và chính trị bao trùm, tức là đảm bảo rằng cơ hội và thành quả kinh tế được chia sẻ tương đối công bằng cho các thành viên; và ngược lại, những quốc gia không tăng trưởng, hoặc tăng trưởng kém bền vững là do áp dụng hệ thống thể chế không bao trùm, tức là khiến cho thành quả kinh tế phân bổ bất công giữa các thành viên. Ý tưởng học thuật 15 ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.71. 206
  2. và những nghiên cứu lịch sử phát triển của các quốc gia của Acemoglu và cộng sự đã dần được các tổ chức kinh tế lớn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), và Liên minh châu Âu (EU) triển khai thành các nghiên cứu chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trên thực tiễn trong thời gian gần đây. Mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới sự bền vững trong dài hạn trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Sự phân biệt giữa mô hình tăng trưởng bao trùm với các mô hình tăng trưởng khác thể hiện ở 4 đặc trưng chủ yếu sau. Thứ nhất, mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới sự bền vững trong dài hạn trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Mô hình này quan niệm rằng tăng trưởng chỉ là phương tiện chứ không phải là đích đến. Tăng trưởng kinh tế cần được chuyển hóa thành những thành tựu về phát triển con người và nâng cao phúc lợi người dân. Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét việc lồng ghép các mục tiêu kinh tế và xã hội nhằm thúc đẩy lợi ích cộng sinh giữa chúng. Thứ hai, mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới việc giảm nghèo và bất bình đẳng và mang lại lợi ích cho những nhóm yếu thế. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng bao trùm cho rằng thu nhập không phải là yếu tố duy nhất mà chúng ta hướng tới. Tăng trưởng bao trùm vượt ra ngoài khía cạnh thu nhập, bao gồm cả các chiều cạnh phi thu nhập của cuộc sống, như vấn đề tiếp cận các dịch vụ công, bình đẳng giới, những hạn chế liên quan tới vị trí địa lý, dân tộc hay giáo phái tôn giáo. . Tăng trưởng bao trùm hướng tới giảm thiểu bất bình đẳng ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người (Klasen, 2010). Thứ ba, mô hình tăng trưởng bao trùm nhấn mạnh đến sự tham gia chứ không chỉ là kết cục. Giảm nghèo và thu hẹp bất bình đẳng thu nhập không thể duy trì một cách bền vững thông qua các chính sách thuế và phúc lợi nhằm tái phân phối thu nhập giữa các nhóm dân cư trong nền kinh tế. Ranieri và Ramos (2013) đã phát biểu rằng mô hình tăng trưởng bao trùm cần đảm bảo mọi người có thể được tham gia vào tiến trình tăng trưởng, cả từ việc ra quyết định cách thức tổ chức để mang lại tăng trưởng cũng như tham gia vào bản thân quá trình tạo ra tăng trưởng này. Hơn thế nữa, các cơ hội cũng phải được gia tăng thông qua các chính sách tạo việc làm hay bằng việc dỡ bỏ các rào cản tham gia, ví dụ như các chính sách không phân biệt đối xử giữa các nhóm dân cư, cải thiện quyền sở hữu tài sản, gia tăng chi tiêu cho y tế và giáo dục. Thứ tư, tăng trưởng bao trùm đảm bảo rằng mọi người cần được chia sẻ một cách công bằng những lợi ích của quá trình tăng trưởng. Thay vì chỉ nhằm vào các nhóm dân cư có mức thu nhập thấp hơn như mô hình tăng trưởng vì người nghèo, mô hình này hướng tới việc bao quát tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm cả người 207
  3. nghèo, cận nghèo, trung lưu và người giàu; cả nam và nữ; cả dân tộc đại đa số với dân tộc thiểu số; cả các cộng đồng tôn giáo khác nhau; cả những người làm việc trong khu vực nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ. Đặc điểm quan trọng nhất của mô hình tăng trưởng bao trùm là tạo ra việc làm bền vững, nhấn mạnh đến khía cạnh tạo ra việc làm có năng suất cao, chứ không chỉ thuần túy là việc làm, hoặc phân phối thu nhập. Theo Chang (2014) đối với hầu hết các nước đang phát triển, con đường đi tới tăng trưởng bao trùm nằm ở việc dịch chuyển lao động từ các hoạt động năng suất thấp đến các hoạt động năng suất cao hơn thông qua tái cấu trúc, cụ thể dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ việc làm phi chính thức sang chính thức. II. KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG TĂNG TRƯỞNG BAO TRÙM Ở VIỆT NAM Kinh tế Việt Nam đã duy trì được một tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong thập niên 1990. Tuy nhiên, từ khi bước sang thập niên 2000, đặc biệt trong giai đoạn sau suy thoái kinh tế toàn cầu 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại và duy trì ở mức 6% một năm. Mặc dù đây vẫn là mức tăng trưởng tương đối tốt so với các nước trong khu vực. 25% 20% 15% 10% 5% 0% 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 Tăng trưởng Lạm phát Thất nghiệp Hình 1: Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản trong giai đoạn 2003-2016 Nguồn: Niên giám Tổng cục thống kê các năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam tương đối thấp, dao động quanh mức 3-5%, và thậm chí có xu hướng giảm trong những năm sau suy thoái 2008, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm. Một lý do cho việc tỷ lệ thất nghiệp thống kê ở Việt Nam tương đối thấp là do việc làm khu vực Nhà nước vẫn tương đối lớn, và do vậy sẽ ít có tình trạng sa thải người lao động, mà thay vào đó có thể chỉ là giảm thu nhập. Ngoài ra, thị trường lao động tự do phi chính thức cũng như lao động làm nông nghiệp ở Việt Nam là tương đối lớn, do vậy ngay cả khi mất việc ở các doanh nghiệp thì người lao động có thể nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động tự do hoặc các hoạt động sản xuất nông nghiệp, mặc dù thời gian làm việc không ổn định, tuy nhiên vẫn có thể được coi là có việc và khiến cho tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức thấp. 208
  4. Vấn đề tương đối đáng ngại ở Việt Nam trong giai đoạn sau khủng hoảng là tình trạng lạm phát cao và kéo theo là sự không ổn định của tổng thể nền kinh tế. Chính phủ rơi vào thế lưỡng nan khi phải sử dụng chính sách để đối phó đồng thời với hai vấn đề suy giảm tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở mức cao. Tuy nhiên, trong bốn năm gần đây, tỷ lệ lạm phát đã được giảm xuống mức tương đối thấp. Hình 2: Đường Phát triển Xã hội Nguồn: Nhóm nghiên cứu vẽ dựa trên số liệu VHLSS. Đường phát triển Xã hội, thước đo phản ánh mức độ tăng trưởng bao trùm của nền kinh tế, được minh họa trong Hình 2. Đường phát triển Xã hội đã dịch chuyển dần lên theo thời gian, hàm ý rằng mức độ bao trùm trong nền kinh tế nói chung đã được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng bao trùm căn cứ trên mức thu nhập đầu người tính bình quân năm trong giai đoạn 2004-2010 là 8,7%, tuy nhiên trong giai đoạn 2010-2014 đã giảm xuống còn 7,6%. Như vậy, tác động từ suy thoái kinh tế cũng đã khiến cho tốc độ tăng trưởng bao trùm của nền kinh tế bị giảm xuống trong giai đoạn này. Hình 3: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2004-2016 Nguồn: Niên giám thống kê các năm 2004, 2010 và 2016. 209
  5. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam cũng đã có những chuyển dịch cơ cấu kinh tế giống như xu thế chung của một nước đang trên con đường công nghiệp hóa, đó là thu hẹp khu vực nông nghiệp và gia tăng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Sự chuyển dịch này thể hiện trong cả cơ cấu sản lượng cũng như cơ cấu việc làm, trong đó chúng ta có thể thấy sự chuyển dịch về việc làm là khá rõ nét. Nghèo đói và bất bình đẳng Việt Nam là một quốc gia đã rất thành công và trở thành tấm gương điển hình của thế giới trong công cuộc giảm nghèo trong thập niên 1990. Những nỗ lực giảm nghèo vẫn tiếp tục được chính phủ theo đuổi thông qua các chính sách về tạo công ăn việc làm và trợ cấp, phúc lợi, và Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những thành công trong khoảng hơn một thập kỷ vừa qua, tuy nhiên tốc độ giảm nghèo đã bắt đầu có xu hướng chậm lại. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ cận nghèo và tái nghèo lại có xu hướng gia tăng, và số hộ có nguy cơ tổn thương với nghèo là khá cao. Điều này đặt ra yêu cầu về những thay đổi trong cách tiếp cận giảm nghèo để có thể hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững hơn. Hình 4: Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam trong giai đoạn 2002-2016 Nguồn: Tổng cục thống kê. Nhận định trên cũng có thể được thể hiện rõ hơn khi nhìn vào tốc độ tăng thu nhập của các nhóm phân vị tại các địa phương trong giai đoạn 2010-2016. Mặc dù hầu hết các nhóm đều có tốc độ tăng thu nhập thực dương, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp có tốc độ tăng thu nhập thực âm, tức là mức sống bị giảm xuống, trong đó tập trung vào các tỉnh nghèo và các nhóm phân vị thu nhập thấp. Thêm vào nữa, các nhóm thuộc phân vị thu nhập cao trong cùng một tỉnh có xu hướng tăng trưởng thu nhập thực nhanh hơn các nhóm ở phân vị thấp, và những tỉnh giàu cũng có xu hướng tăng trưởng thu nhập cao hơn so với các tỉnh nghèo. 210
  6. Hình 5: Tốc độ tăng thu nhập bình quân của 5 nhóm phân vị phân theo địa phương trong giai đoạn 2010-2016 Nguồn: Niên giám thống kê. Hình 6: Chỉ số bất bình đẳng Gini ở Việt Nam trong giai đoạn 2002-2016 Nguồn: Nhóm nghiên cứu vẽ dựa trên số liệu Niên giám thống kê. Tính toán hệ số bất bình đẳng Gini trong giai đoạn 2002-2016 cũng cho thấy một xu hướng giãn cách về thu nhập trong nền kinh tế. Hệ số Gini đã tăng từ mức 0,39 năm 2010 lên 0,41 năm 2016. Phân tách riêng hai khu vực thành thị và nông thôn cho thấy sự bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng mạnh ở khu vực nông thôn, trong khi ở khu vực thành thị thì mức độ bất bình đẳng không cho thấy xu hướng thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, tính toán bất bình đẳng về giá trị tài sản cho kết quả lớn hơn rất nhiều so với bất bình đẳng về thu nhập hay chi tiêu. Điều này cho thấy các nhóm thu nhập cao có thể đã che giấu được một phần đáng kể thu nhập của mình, do vậy làm giảm mức độ bất bình đẳng về thu nhập so với con số thực của nó. 211
  7. Giáo dục và y tế Sử dụng chỉ tiêu số lượng giáo viên ở các bậc học tính trên một nghìn dân làm thước đo phản ánh về khả năng tiếp cận giáo dục của người dân, chúng ta có thể thấy rằng mật độ giáo viên phổ thông ở các tỉnh nghèo có xu hướng cao hơn khá nhiều so với ở các tỉnh giàu, nhưng ngược lại số giáo viên ở bậc đại học, cao đẳng ở các tỉnh thuộc tốp giàu nhất lại có xu hướng cao hơn so với ở các tỉnh còn lại. Điều này cho thấy mức độ phổ cập giáo dục cơ bản ở Việt Nam là khá tốt giữa các địa phương, ngay cả những tỉnh nghèo vẫn có đủ số lượng giáo viên phổ thông cần thiết. Tuy nhiên, khi bắt đầu phát triển lên quá trình đào tạo mang tính chất nghề nghiệp và nâng cao thì dường như vẫn có khoảng cách khá lớn giữa các trung tâm lớn của đất nước, những tỉnh có mức thu nhập cao nhất so với số đông các tỉnh còn lại. Đây có thể là một rào cản đối với sự phát triển của nhiều địa phương về mặt kinh tế. Hình 7: Các chỉ tiêu phản ánh khả năng tiếp cận giáo dục của người dân Nguồn: Niên giám thống kê. Trong thập kỷ vừa qua, số lượng giáo viên ở các bậc học tăng trung bình khoảng 1%, tuy nhiên tốc độ tăng cao tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh giàu (có thể tới 8% một năm), trong khi ở khá nhiều địa phương nghèo thì số lượng giáo viên gần như không tăng, thậm chí còn giảm ở một số nơi. Ở đây, chúng ta mới chỉ sử dụng chỉ tiêu số lượng làm đại diện cho khả năng tiếp cận giáo dục. Nếu như có số liệu chi tiết hơn về chất lượng của giáo viên và cơ sở vật chất trường học thì có thể khoảng cách về điều kiện tiếp cận giáo dục giữa các thành phố lớn và tỉnh có mức thu nhập cao với các tỉnh còn lại sẽ còn được nới rộng hơn nữa. Các kết quả này cũng khá đồng nhất với những đánh giá của Tổ chức Báo cáo Xếp hạng Năng lực Cạnh tranh quốc gia khi xếp Việt Nam đứng thứ 65 thế giới mặt bằng giáo dục phổ thông cũng như chăm sóc y tế, nhưng đứng thứ 83 thế giới về giáo dục và đào tạo bậc cao. 212
  8. Tương tự, nhóm nghiên cứu sử dụng số liệu về số giường bệnh và số cán bộ y tế tính trên một nghìn dân làm biến đại diện cho khả năng tiếp cận y tế của người dân các nơi. Kết quả cho thấy căn cứ trên đầu vào, tức là số giường bệnh hay số cán bộ y tế tính trên một nghìn dân thì các tỉnh nghèo thậm chí còn có kết quả tốt hơn so với các tỉnh giàu. Tuy nhiên, nếu xét trên tiêu chí đầu ra, mà ở đây là tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin thì dường như trẻ em ở các tỉnh giàu hơn có được sự chăm sóc y tế tốt hơn. Điều này có thể bắt nguồn từ sự khác biệt tương đối giữa chất lượng y bác sỹ cũng như cơ sở vật chất của các cơ sở y tế khám chữa bệnh cũng như công tác truyền thông và nhận thức của người dân về việc chăm sóc y tế, những đặc điểm không được phản ánh bằng số liệu về số cán bộ y tế hay số giường bệnh. Hình 8: Các chỉ tiêu phản ánh khả năng tiếp cận y tế của người dân Nguồn: Tổng cục thống kê. Thể chế Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số GCI phản ánh năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam là 4,4 điểm, đứng thứ 55/137 nước tham gia xếp hạng, cải thiện được 5 bậc so với năm trước. Tuy nhiên, với trụ cột đầu tiên là thể chế, Việt Nam chỉ đạt 3,8 điểm, đứng thứ 79 thế giới, thấp hơn rất nhiều so với xếp hạng chung của Việt Nam. Điều này cho thấy trụ cột thể chế ở Việt Nam vẫn bị đánh giá tương đối yếu so với các trụ cột khác, và đứng tương đối thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Trong trụ cột thể chế với 21 chỉ tiêu, một số chỉ tiêu yếu kém nhất của Việt Nam là hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị (130), chất lượng các tiêu chuẩn báo cáo và kiểm toán (đứng thứ 115), chi trả phi chính thức và hối lộ (109), bảo vệ nhà đầu tư và quyền lợi của của cổ đông thiểu số (98), bảo vệ quyền tài sản và sở hữu trí tuệ (99). Phân tích trong nội bộ Việt Nam, một số tỉnh được đánh giá tốt về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó chủ yếu là các yếu tố liên quan tới thể chế, bao gồm Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc trong khi 213
  9. một số tỉnh bị đánh giá thấp bao gồm các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên, và hầu hết đây đều là những tỉnh nghèo. Cơ sở hạ tầng Cũng theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam có điểm xếp hạng về cơ sở hạ tầng là 3,9 và đứng thứ 79 trên thế giới vào năm 2017, cải thiện một chút so với vị trí 83 thế giới vào năm 2010. Trong các tiêu chí con của trụ cột về cơ sở hạ tầng, Việt Nam được đánh giá tương đối cao ở các tiêu chí như năng lực chuyên chở hành khách bằng đường hàng không (28), số thuê bao di động (44), hay chất lượng hệ thống đường sắt (59). Ngược lại, các tiêu chí như chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ, chất lượng cơ sở hạ tầng đường không, hay chất lượng cung cấp điện thì Việt Nam vẫn bị đánh giá tương đối thấp (vị trí 89-103). Hình 9: Chỉ số cơ sở hạ tầng thông tin và cơ sở hạ tầng cứng ở các địa phương Nguồn: PCI (2016) và Báo cáo Chỉ số ICT (2017). Phân tích trong nội bộ quốc gia cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin liên lạc (ICT) giữa các địa phương, cụ thể những tỉnh nghèo có chỉ số này khá thấp trong khi những tỉnh giàu lại có điểm số cao hơn rất nhiều. Ngược lại, cơ sở hạ tầng cứng mặc dù cũng có sự khác biệt giữa tỉnh giàu và tỉnh nghèo nhưng mức độ chênh lệch là không quá nhiều. 214
  10. KẾT LUẬN Tăng trưởng bao trùm là một mô hình tăng trưởng đa chiều. Việc nỗ lực đạt được một tốc độ tăng trưởng nhanh và duy trì tốc độ tăng trưởng này nhằm nâng cao mức sống và phúc lợi của người dân là chưa đủ trong mô hình tăng trưởng bao trùm. Mô hình này còn đòi hỏi rằng những nguồn lực để tạo ra tăng trưởng cũng như các thành quả của quá trình tăng trưởng phải được chia sẻ cho các thành viên trong xã hội. Giảm nghèo và thúc đẩy sự bình đẳng lớn hơn trong phân phối thu nhập giữa các cá nhân và hộ gia đình là một yếu tố quan trọng khác trong mô hình tăng trưởng bao trùm. Việt Nam đã đạt những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo từ những năm 1990. Tuy vậy, trong những năm gần đây, tốc độ tiến bộ đã chậm lại: tăng trưởng kinh tế thấp hơn và bất bình đẳng gia tăng. Việt Nam cần thực hiện tái cấu trúc theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa để đưa nền kinh tế trở lại quĩ đạo tăng trưởng kinh tế nhanh và đảm bảo tính bao trùm rộng lớn hơn, giúp Việt Nam phát huy tối đa khả năng trong việc khai thác nguồn lực của mình, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 215
  11. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Acemoglu D., S. Johnson, and J. Robinson (2004), “Institutions as the Fundamental Cause of Long-Run Economic Growth,” in Aghion, P. and S. Durlauf (eds.), Handbook of Economic Growth. 2. Báo cáo Chỉ số ICT (2016), Bộ Khoa học và Công nghệ. 3. Chang Christian (2014), “What is inclusive growth”, CAFOD discussion paper. 4. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (2016), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 5. Chu Văn Cấp (2015), Về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI, Nxb Chính trị Quốc gia 7. Klasen, S. (2010). Measuring and Monitoring Inclusive Growth: Multiple Definitions, Open Questions, and Some Constructive Proposals, ADB Sustainable Development Working Paper Series, No. 12 8. OECD (2015). All on Board: Making Inclusive Growth Happen, OECD Publishing, Paris. 9. Ranieri R. and R. Ramos (2013), “After All, What is Inclusive Growth?”, International Policy Centre for Inclusive Growth (IPC-IG), No.188. 10. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê các năm 11. World Economic Forum, The Global Competitiveness Report 2017-2018 216