Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2006-2015

pdf 13 trang Gia Huy 18/05/2022 2840
Bạn đang xem tài liệu "Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2006-2015", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfmoi_quan_he_giua_tang_truong_kinh_te_va_bat_binh_dang_xa_hoi.pdf

Nội dung text: Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2006-2015

  1. MỐI QUAN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006-2015 THE RELATIONSHIP BETWEEN THE ECONOMIC GROWTH AND SOCIAL INEQUALITY IN VIETNAM IN THE PERIOD OF 2006-2015 Nguyễn Hữu Lợi Trường Đại học Kinh tế Huế, Đại học Huế Tóm tắt Bài viết tập trung phân tích những thành tựu và hạn chế của Việt Nam đối với việc thực hiện công bằng xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006 - 2015. Tăng trưởng kinh tế đã tạo ra nguồn lực cho nhà nước để tăng cường đầu tư vào các hoạt động an sinh xã hội, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho họ có thể tiếp cận với cuộc sống ấm no hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: thu nhập và mức sống dân cư tăng trưởng thiếu bền vững; xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc; công tác chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, giải trí cho người dân còn nhiều hạn chế, nhất là đối với người nghèo. Trên cơ sở đó, bài báo đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm hạn chế bất bình đẳng xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian tới Từ khóa: Mối quan hệ; Tăng trưởng kinh tế; Bất bình đẳng xã hội; Việt Nam Abstract The article focuses on analyzing the achievements and limitations of Vietnam during the implementation of social justice in the process of the economic growth for the period 2006 - 2015. The economic growth has created resources for the State to increase investment in social welfare activities, increasing the income for people who are enabled to access to more prosperous life. However, in addition to these achievements, there still exist many limitations, such as unsustainable growth of income and living standards; unsustainable poverty reduction; limited health care, education and recreation for people, especially for the poor. On these basis, the paper proposes some policy recommendations to reduce social inequality in the process of economic growth in Vietnam in the coming time. Key words: relationship; economic growth; social inequality; Vietnam ĐẶT VẤN ĐỀ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”. Là một nước đang phát triển, mục tiêu tăng trưởng nhanh luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược và chính sách phát triển Việt Nam. Qua 30 năm Đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, đi liền với quá trình tăng trưởng cao, nhiều vấn đề xã hội đang nảy sinh và có thể trở thành nhân tố cản trở sự phát triển bền vững. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, khoảng cách về thu nhập, phúc lợi xã hội và cơ hội phát triển giữa các nhóm xã hội khác nhau ngày càng lớn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người nghèo và nhiều 457
  2. nhóm bất lợi khác được hưởng lợi ít hơn từ quá trình tăng trưởng do cơ chế, chính sách điều tiết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Hạn chế những bất bình đẳng xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế là một nội dung cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Nhưng thực tế ở Việt Nam nói chung mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng bất bình đẳng xã hội hầu như không được cải thiện mà có xu hướng gia tăng. Bài viết đã đưa ra những định hướng để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo công bằng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. 1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU MỐI QUAN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI 1.1. Quan niệm về tăng trưởng kinh tế Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất: Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Đó là sự tăng thêm về mặt quy mô của sản lượng sản phẩm vật chất và dịch vụ được nền kinh tế sáng tạo ra trong 1 thời kỳ nhất định. Để đo lường quy mô sản lượng của nền kinh tế người ta thường dùng các chỉ tiêu là: GDP, GNP và GNI. - GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) là tổng giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được tạo ra trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định, không phân biệt nguồn vốn và chủ sở hữu ở trong hay ngoài nước. - GNP (Tổng sản phẩm quốc dân) là tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ do công dân của một nước (kể cả đang làm việc ở nước ngoài) tạo ra trong một thời kỳ nhất định. - GNI (Tổng thu nhập quốc dân) là tổng giá trị thu nhập do công dân của một nước tạo ra trong một thời kỳ nhất định, không kể là ở trong nước hay ngoài nước. Như vậy, tăng trưởng kinh tế được phản ánh bằng tốc độ gia tăng của GNI và GDP qua các thời kỳ. Theo cách chọn giá cả để tính toán, chúng ta có GNI, GDP danh nghĩa- tính theo giá hiện hành (giá của năm tính) và GNI, GDP thực tế- tính theo giá so sánh (giá của một năm dùng làm gốc). Do đó, cũng có mức tăng trưởng danh nghĩa và tăng trưởng thực tế. GDP tính theo giá hiện hành thường được dùng để nghiên cứu cơ cấu kinh tế. Còn tính theo giá so sánh, do đã loại trừ được biến động của yếu tố giá cả qua các thời kỳ nên thường được sử dụng để tính tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, thể hiện sự thay đổi về khối lượng hàng hóa, dịch vụ qua các thời kỳ. 1.2. Quan niệm về bất bình đẳng xã hội và đánh giá bất bình đẳng xã hội Bất bình đẳng xã hội là sự không bình đẳng, sự không bằng nhau về các cơ hội hoặc lợi ích đối với những cá nhân khác nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm trong xã hội. Bất bình đẳng xã hội nói chung đều thường xuyên tồn tại với những nguyên nhân và kết quả cụ thể liên quan đến giai cấp xã hội, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, lãnh thổ, v.v Nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng xã hội rất đa dạng và các nhà xã hội học đưa về ba loại căn bản - Đó là: Cơ hội trong cuộc sống; Địa vị xã hội; Ảnh hưởng chính trị. 458
  3. Bất bình đẳng về kinh tế là chênh lệch giữa các cá nhân, các nhóm trong xã hội hay giữa các quốc gia trong việc phân phối và thụ hưởng các tài sản, sự giàu có, hay thu nhập. Bất bình đẳng kinh tế có thể được nhìn nhận dưới khía cạnh “bất bình đẳng về cơ hội” và “bất bình đẳng về kết quả đầu ra”. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu bất bình đẳng về kinh tế trên góc độ bình đẳng về kết quả như đã đề cập đến ở trên đây. Khía cạnh này sẽ được đánh giá thông qua các chỉ tiêu chủ yếu liên quan đến giảm nghèo và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập như tỷ lệ nghèo, chênh lệch thu nhập, hệ số Gini và đường cong Lorenz: - Tỷ lệ nghèo là tỷ lệ dân số có thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo theo quy định chính phủ. - Chênh lệch thu nhập là tỷ lệ giữa thu nhập bình quân của 20% dân số có thu nhập cao nhất và thu nhập bình quân của 20% dân số có thu nhập thấp nhất. - Đường cong Lorenz (Lorenz curve) là loại đồ thị biểu diễn mức độ bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội. - Hệ số Gini (Gini coefficient) là một hệ số được tính từ đường cong Lorenz, chỉ ra mức độ bất bình đẳng của phân phối (thường là phân phối thu nhập). Hệ số Gini (G) được tính theo công thức sau: Trong đó: y1, y2, yn: Thu nhập của từng nhóm hộ theo thứ tự giảm dần; ybq: Thu nhập bình quân của hộ; n: Tổng số nhóm hộ. Biểu thị bằng hình học qua đường cong Loren, hệ số Gini được tính như sau: o Diện tích phần nằm giữa đường cong Loren và đường 45 (A) = Tổng diện tích nằm dưới đường nghiêng 45o (A+B) Khi đường cong Loren trùng với đường nghiêng 450 (đường bình đẳng tuyệt đối) thì hệ số Gini bằng 0 (vì A=0), xã hội có sự phân phối bình đẳng tuyệt đối. Nếu đường cong Loren trùng với trục hoành, hệ số Gini bằng 1 (vì B=0), xã hội có sự phân phối bất bình đẳng tuyệt đối. Như vậy 0 ≤ G ≤ 1. 459
  4. 1.3 Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bất bình đẳng xã hội Một trong những vấn đề xã hội quan trọng nhất liên quan đến phát triển nhanh là vấn đề bất bình đẳng gia tăng. Đường cong Kuznets cho thấy bất bình đẳng ban đầu tăng lên rồi sau đó giảm xuống khi thu nhập gia tăng. Câu hỏi đặt ra là, điều này có đúng với mọi quốc gia hay không, và bất bình đẳng có quan hệ gì đối với tăng trưởng, có cần thiết phải hạn chế bất bình đẳng trong quá trình tăng trưởng hay không. Trong một nghiên cứu về Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, của TS. Bùi Đại Dũng đã nghiên cứu quá trình phát triển của 75 nước trên thế giới giai đoạn 1980 – 2000 và đưa ra kết luận: Những nước có mức tăng trưởng cao nhất đều có khoảng cách giàu - nghèo trong khoảng 8 đến 25 lần. Trong khi đó, khá nhiều nước có khoảng cách giàu - nghèo thấp hơn (dưới 8 lần) và tất cả những nước có khoảng cách giàu - nghèo cao hơn (trên 25 lần) đều có tốc độ tăng trưởng thấp1. Bằng cách xem xét mối quan hệ giữa sự chuyển dịch thu nhập của từng nhóm dân đối với tăng trưởng. Tác giả chỉ ra rằng: trong hầu hết các trường hợp, tăng trưởng có quan hệ thuận chiều với chuyển dịch thu nhập của nhóm giàu, nghĩa là tăng trưởng làm thu nhập của nhóm giàu tăng lên và ngược lại. Điều này được giải thích rằng nhóm giàu có thu nhập tăng lên đồng thời với những đóng góp của nhóm giàu có vai trò động lực, sáng tạo kích thích kinh tế phát triển. Đối với nhóm nghèo, thu nhập lại có xu hướng suy giảm cùng với quá trình tăng trưởng. Tình trạng này lại có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Sự bần cùng hóa của nhóm nghèo tạo ra gánh nặng cho xã hội và thậm chí thủ tiêu kết quả của một giai đoạn tăng trưởng cao. Đồng thời, cũng làm thu hẹp khả năng lao động của một bộ phận sức lao động xã hội. Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy trong thời gian dài rất nhiều nền kinh tế Châu Á phải đối mặt với vấn đề bất bình đẳng gia tăng. Theo số liệu thống kê, hệ số Gini tăng mạnh nhất ở Nepal, tiếp theo là ở Trung Quốc, Campuchia, Sri Lanka và Bangladesh Tình trạng này không phải là do “người giàu ngày càng giàu thêm và người nghèo ngày càng nghèo đi” mà là người giàu ngày càng giàu lên nhanh hơn người nghèo. Nghiên cứu này của ADB cũng chỉ ra rằng đường cong Kuznet không hoàn toàn đúng đối với một số nước ở Đông Á. Các nền kinh tế công nghiệp đi trước như Nhật Bản, Đài Loan, và Hàn Quốc không trải qua bất kỳ sự đột biến nào về bất bình đẳng nào trong suốt các giai đoạn phát triển nhanh của mình. Do đó, họ cho rằng một trong những tác động tiêu cực của bất bình đẳng là làm cho tốc độ giảm nghèo diễn ra chậm lại với một mức tăng trưởng như nhau. Nếu mọi người thấy sự bất công và đối xử không công bằng trong quá trình tăng trưởng, thì xã hội sẽ mất ổn định và sự ổn định về chính trị sẽ bị đe dọa2. Các nghiên cứu trên cho thấy, giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng xã hội có một mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Tăng trưởng cao thường kéo theo bất bình đẳng gia tăng, tuy nhiên bất bình đẳng quá cao hay quá thấp đều có tác động tiêu cực đến tăng trưởng. 2. ĐÁNH GIÁ MỐI QUAN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016-2015 1 Bùi Đại Dũng, Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25, 2009, tr82-91 2 Ngân hàng Phát triển châu Á, Báo cáo phát triển châu Á, năm 2007 460
  5. 2.1 Về tăng trưởng kinh tế 2.1.1 Giai đoạn 2006-2010 Nền kinh tế tiếp tục nhịp tăng trưởng ở mức cao, đạt mức cao nhất năm 2007 (8,46%). Tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nền kinh tế phát triển chậm lại đáng kể trong năm sau đó và duy trì tốc độ tăng trưởng khiêm tốn này đến cuối giai đoạn. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn là 7,01%, vẫn nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nước đang phát triển và quy mô của nền kinh tế tính theo GDP tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm. Bảng 1. Tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2006-2010 Tăng trưởng GDP Tổng (triệu USD) Đầu người (USD) Năm (%) GDP GNI GDP GNI 2006 8,23 66.340 59.420 796 713 2007 8,46 77.391 68.802 919 817 2008 6,31 97.452 86.687 1.145 1.018 2009 5,32 99.826 87.207 1.160 1.027 2010 6,78 110.686 97.404 1.273 1.114 Nguồn: Tổng cục Thống kê (tính toán dựa trên tỷ giá thực trung bình hàng năm) Trong giai đoạn này, nền kinh tế được cho là tăng trưởng nóng với tỷ lệ lạm phát tăng cao. Với tỷ lệ lạm phát hai chữ số trong năm 2008, Chính phủ đã phải tiến hành các bước đi thận trọng để giảm tỷ lệ lạm phát hai con số này. Chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu tăng từ năm 2007 và đạt mức cao nhất 28,3% vào tháng 8 năm 2008 trước khi giảm xuống trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn có xu hướng tăng sau năm 2009. Nhiều yếu tố đã gây ra sự dao động của chỉ số giá tiêu dùng, như: Việt Nam hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, các biến động về giá, đặc biệt là giá dầu và thực phẩm đã có tác động đến rổ giá cả hàng hóa trong nước. Một nguyên nhân khác của lạm phát cao được xác định là do hiệu quả đầu tư công thấp trong khi tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư phát triển. Do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Chính phủ đã thay đổi chính sách kinh tế và đề ra bốn gói giải pháp cấp bách để thực hiện vào năm 2009, trong đó có chính sách tài khóa bao gồm việc thúc đẩy đầu tư và giảm thuế đóng vai trò cốt yếu. 2.1.2 Giai đoạn 2011-2015 Trong giai đoạn 2011-2015, lạm phát xuất hiện ngay từ đầu, kéo theo suy giảm kinh tế trong năm 2012 là hệ quả từ các tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu. Hậu quả của sự tăng trưởng kinh tế nhanh của thời kỳ trước đó cùng với chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng trong 2009 - 2010 khiến nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu lạm phát cao từ cuối năm 2010 và đạt đỉnh điểm vào năm 2011. Tỷ lệ lạm phát tăng từ 11,75% đến 18,13% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm từ 6,78% xuống 5,89%. Bảng 2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2010 – 2014 (so sánh với năm trước, %) 461
  6. 2010 2011 2012 2013 2014 Tổng 6,42 6,24 5,25 5,42 5,98 Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp 3,39 4,23 2,92 2,63 3,44 Công nghiệp và Xây dựng 7,17 7,60 7,39 5,08 6,42 Dịch vụ 7,19 7,47 6,71 6,42 6,16 Nguồn: Niên giám thống kê, Tổng cục Thống kê Bước vào năm 2012, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như các chính sách thắt chặt nhằm ổn định nền kinh tế từ nửa sau năm 2011. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,25% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2000. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ nông nghiệp suy giảm đáng kể do chi phí đầu vào tăng và tiêu thụ thấp ở cả hai thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp tư nhân trong nước bị ảnh hưởng bởi nhiều hạn chế trong tiếp cận nguồn tài chính, nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm. Năm 2013, mặc dù hoạt động kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng triển vọng cho nền kinh tế quốc tế vẫn không ổn định, đặc biệt đối với các nền kinh tế đang phát triển. Những biến đổi tiêu cực toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước do thị trường và nhu cầu hàng hóa và dịch vụ bị thu hẹp. Tổng cộng có 61.000 doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh trong năm 2013, trong khi con số này năm 2010 là 47.0003. Năm 2014, nền sản xuất tiếp tục chịu những bất ổn kinh tế và chính trị thế giới cùng với những khó khăn cố hữu vốn chưa được giải quyết trong những năm trước đây như khả năng hấp thụ vốn thấp, áp lực về các khoản nợ xấu cao, cầu trong nước thấp, năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Mặc dù nền kinh tế vẫn chưa hồi phục về mức như năm 2008, hiệu quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2014 đã tốt hơn so với mục tiêu và dự báo của Chính phủ. Tốc độ tăng trưởng GDP là 5,98% với sự đóng góp lớn nhất từ ngành công nghiệp và xây dựng. 2.2 Về bất bình đẳng xã hội Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ nghèo về thu nhập giảm liên tục. Khoảng cách nghèo trên toàn quốc cũng được cải thiện, mức sống của những người rất nghèo cũng được nâng cao. Thành tựu ấn tượng trong công cuộc giảm nghèo là kết quả của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tự do thương mại cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp nhóm yếu thế. Tuy nhiên, giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững. Một số lượng không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nông thôn thuộc vùng sâu, vùng xa vẫn thuộc diện nghèo kinh niên và ít có cơ hội được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế. Các nhóm đối tượng này cần được coi là trọng tâm trong chiến lược giảm nghèo quốc gia giai đoạn kế tiếp. Tính chất đa chiều của nghèo ngày càng thể hiện rõ do sức ép của đô thị hóa và di cư, trong đó thiếu thu nhập chỉ là một yếu tố bên cạnh các thiếu hụt khác về tiếp cận dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản. 2.2.1 Tỷ lệ nghèo đói và tổng quan tình trạng nghèo đói 3 Ngân hàng Thế giới (2015) - Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam 462
  7. Trong 16 năm từ 1993 đến 2008, 43 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Trong thời gian 1990-2000, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia đã giảm được 2/3; tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế đã giảm một nửa. Tỷ lệ nghèo chung theo chuẩn quốc tế đã giảm đáng kể từ 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% vào năm 20024, và còn 17,2% vào năm 2012. Nhiều phương pháp đo lường đói nghèo đều cho những kết quả khá thống nhất. Giai đoạn 1990-2005 đánh dấu sự tiến bộ nhanh chóng của xoá đói giảm nghèo, tuy vậy giai đoạn sau năm 2005, tốc độ giảm nghèo chậm hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo vẫn giảm trung bình hơn 1% mỗi năm trong giai đoạn sau năm 2005, phản ánh những nỗ lực liên tục của đất nước, nhất là trong bối cảnh diễn ra một loạt các biến động kinh tế-xã hội trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ nghèo giảm từ 15,5% đến 10,7%5. Tính trung bình, tỷ lệ nghèo đã giảm hơn 1,2% mỗi năm trong giai đoạn này. Ở giai đoạn sau năm 2010, tỷ lệ nghèo giảm từ 11,1% trong năm 2012 còn 8,4% trong năm 2014, tương đương với giảm 1,3% mỗi năm6. 4 Theo chuẩn quốc tế của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới 5 Theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2006-2010 6 Theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2001-2015 463
  8. Bảng 3. Tỷ lệ nghèo về thu nhập của Việt Nam giai đoạn 2004-2014 (%) 2004 2006 2008 2010 2010* 2012 2013 2014 Cả nước 18,1 15,5 13,4 10,7 14,2 11,1 9,8 8,4 Theo vùng Thành thị 8,6 7,7 6,7 5,1 6,9 4,3 3,7 3,0 Nông thôn 21,2 18,0 16,1 13,2 17,4 14,1 12,7 10,8 Nguồn: Niên giám Thống kê, Tổng cục Thống kê 2004-2014 Ghi chú: - Tỷ lệ nghèo năm 2004, 2006, 2008, 2010 được tính dựa trên chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2006-2010, đã cập nhật theo CPI; - Tỷ lệ nghèo năm 2010*, 2012, 2013, 2014 được tính dựa trên chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, đã cập nhật theo CPI. Riêng năm 2010 có sự thay đổi khi áp dụng chuẩn nghèo mới. Theo khu vực, chênh lệch về tình trạng nghèo giữa nông thôn và thành thị đã và đang được thu hẹp. Bảng 4 cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong việc giảm chênh lệch về nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị. Bảng 4: Tỷ lệ nghèo của Việt Nam theo chuẩn quốc tế phân theo khu vực (%) 1993 2002 2004 2006 2008 2010* 2012 Cả nước 58,1 28,9 19,5 16,0 14,5 20,7 17,2 Theo vùng Thành thị 25,1 6,6 3,6 3,9 3,3 6,0 5,4 Nông thôn 66,4 35,6 25,0 20,4 18,7 26,9 22,1 Nguồn: Niên giám Thống kê, Tổng cục Thống kê 1993-2013 Ghi chú: Tỷ lệ nghèo chung của TCTK và Ngân hàng Thế giới là tỷ lệ nghèo được tính bằng trung bình chi tiêu/người/tháng cho các năm như sau: 2002 (160.000 đồng), 2004 (173.000 đồng), 2006 (213.000 đồng), 2008 (280.000 đồng), 2010* (650.000 đồng), 2012 (871.000 đồng). Năm 2010 có sự thay đổi, áp dụng chuẩn nghèo mới. Khoảng cách về tỷ lệ nghèo năm 1993 giữa hai khu vực là 41,3% đã giảm xuống còn 16,7% vào năm 2012. Khoảng cách về tỷ lệ nghèo giữa nông thôn và thành thị chạm mức thấp nhất 15,4% trong năm 2008 giữa bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng lại tăng một lần nữa vào năm 2009 do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khi các khu vực đô thị đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, và mức sống được cải thiện đáng kể, thì bộ mặt của khu vực nông thôn cũng đã được đổi mới nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn và tiếp cận được nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy vậy, thực tế ghi nhận một số hiện tượng nghèo mới xuất hiện (như nghèo trong bộ phận người nhập cư tạm trú, lao động trong khu vực phi chính thức) tại các khu đô thị do sức ép của đô thị hóa và di cư, trong đó tính chất đa chiều của nghèo càng rõ rệt với thu nhập chỉ là một yếu tố trong bức tranh nghèo đói. 464
  9. Theo dân tộc, khoảng cách nghèo giữa dân tộc Kinh với nhóm các dân tộc khác ngày một lớn. Năm 1993, tỷ lệ nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số lớn hơn dân tộc Kinh là 32,5%7. Khoảng cách này tiếp tục tăng trong thập kỷ vừa qua và đạt đến mức cao ở 53,4% vào năm 2010. Khoảng cách này tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao là 49,3% năm 2012. Dân tộc Kinh đã đạt được một sự chuyển đổi kinh tế-xã hội mạnh mẽ: từ hơn một nửa dân số người Kinh nghèo đói vào năm 1993, đến năm 2012, chỉ còn dưới 10% số người ở trong tình trạng nghèo. Trong khi đó, các dân tộc thiểu số không bắt kịp với tốc độ tăng trưởng chung của quốc gia. Đến năm 2012, hơn một nửa số người dân tộc thiểu số (59,2% theo chuẩn quốc tế) vẫn trong tình trạng nghèo đói. Bảng 5: Tỷ lệ nghèo của Việt Nam theo chuẩn quốc tế phân theo dân tộc (%) 1993 1998 2002 2004 2006 2008 2010* 2012 Cả nước 58,1 37,4 28,9 19,5 16,0 14,5 20,7 17,2 Kinh 53,9 31,1 23,1 13,5 10,3 9,012,9 9,9 Dân tộc thiểu số 86,4 75,2 69,3 60,7 52,3 50,366,3 59,2 Nguồn: Niên giám Thống kê, Tổng cục Thống kê 1993-2013 Một loạt các chương trình xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ kinh tế-xã hội cho người nghèo trong suốt nhiều thập kỷ qua đã đạt được hiệu quả nhất định; mặc dù vậy, các hỗ trợ này vẫn chưa tạo ra một ảnh hưởng sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, trong giai đoạn tới, xóa đói giảm nghèo cần tập trung chính vào các dân tộc thiểu số và những người sống ở các vùng núi xa xôi. Theo khu vực địa lý, khu vực Đông Nam Bộ đạt kết quả ấn tượng nhất trong xóa đói giảm nghèo, ngay cả ở thời kỳ trước năm 2000. Theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ dân số đói nghèo ở Đông Nam Bộ giảm từ 40% xuống dưới 10% đầu những năm 2000. Đây là kết quả trực tiếp từ tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi một nền kinh tế thị trường và lợi ích lớn từ chính sách mở cửa thương mại kể từ đầu những năm 1990 cũng như điều kiện sống và điều kiện kinh doanh thuận lợi. Năm 2013, thành phố phát triển cao như Hồ Chí Minh đã hoàn toàn xóa nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Theo sát là tỉnh Bình Dương, một tỉnh với các khu công nghiệp lớn và các doanh nghiệp FDI. Theo chuẩn nghèo quốc gia, trong năm 2012, chỉ còn 1,1% tổng số hộ gia đình trong khu vực Đông Nam Bộ vẫn sống trong đói nghèo. Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước trong suốt những thập kỷ qua. Từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này giảm tương đối chậm, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế ở mức 41,9%. Mặc dù nhận được nhiều hỗ trợ trong năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong khu vực vẫn đứng ở mức 23,8%, cuộc chiến chống đói nghèo ở khu vực này vẫn là một nhiệm vụ đầy thách thức. 7 Theo chuẩn nghèo quốc tế 465
  10. Bảng 6: Tỷ lệ nghèo của Việt Nam theo chuẩn quốc tế phân theo khu vực địa lý (%) 1993 1998 2002 2004 2006 2008 2010* 2012 Cả nước 58,1 37,4 28,9 19,5 16,0 14,5 20,7 17,2 Đồng bằng sông Hồng 61,4 28,6 22,4 12,1 8,8 8,111,4 7,4 Đông Bắc 78,9 55,8 38,4 29,4 25,0 24,337,7 33,5 Tây Bắc 81 73,4 68,0 58,6 49,0 45,760,1 58,7 Bắc Trung Bộ 74,5 48,1 43,9 31,9 29,1 22,628,4 21,2 Duyên hải miền Trung 47,2 34,5 25,2 19,0 12,6 13,7 18,1 15,3 Tây Nguyên 61,2 57,9 51,8 33,1 28,6 24,1 32,7 29,7 Đông Nam Bộ 40 13,5 10,6 5,4 5,8 3,58,6 5,8 Đồng bằng sông Cửu Long 47,1 36,9 23,4 19,5 10,3 12,3 18,7 16,2 Nguồn: Niên giám Thống kê, Tổng cục Thống kê 1993-2013 Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là nơi sinh sống của một số đông dân tộc thiểu số, họ phải đối mặt với những hạn chế trong tiếp cận đất đai, nước sạch, các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và phi nông nghiệp. Khả năng kết nối với vùng phát triển yếu cũng như trình độ học vấn thấp cản trở phần lớn người dân tiếp cận được công việc có thu nhập ổn định trong các ngành phi nông nghiệp. Hơn nữa, tình trạng xói mòn và đất kém màu mỡ so với các khu vực khác đã gây khó khăn cho người dân tộc nơi đây khi canh tác bất kỳ loại cây nào có giá trị kinh tế cao. 2.2.2 Độ sâu của nghèo Khoảng cách nghèo đo độ sâu của tình trạng nghèo qua việc ước tính trung bình khoảng cách mức sống của người nghèo so với ngưỡng nghèo. Bảng 7: Chỉ số khoảng cách nghèo theo chi tiêu của Việt Nam giai đoạn 1993-2012 (%) 1993 1998 2002 2004 2006 2008 2010 2012 Cả nước 18,5 9,5 7,0 4,7 3,8 3,5 5,9 4,5 Theo vùng Thành thị 6,4 1,7 1,3 0,7 0,8 0,5 1,4 1,0 Nông thôn 21,5 11,6 8,7 6,1 4,9 4,6 7,8 5,9 Theo dân tộc Kinh 16 7,1 4,7 2,6 2,0 1,7 2,7 - Dân tộc thiểu số 34,7 24,1 22,8 19,2 15,4 15,1 24,3 - Nguồn: Tổng cục Thống kê , Bộ Dữ liệu điều tra mức sống hộ gia đình, 1993-2013 Trong giai đoạn 1993-2004, chỉ số khoảng cách nghèo giảm mạnh từ 18,5% năm 1993 xuống còn 4,7% năm 2004, điều này cho thấy mức sống của người nghèo được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 2006-2012, chỉ số khoảng cách nghèo giảm chậm đi nhưng lại tăng vào năm 2010 do tác động của suy giảm kinh tế. Năm 2012, chỉ số khoảng cách nghèo đạt 4,5%, tương đối xấp xỉ với chỉ số 4,7% năm 2004. Chỉ số khoảng cách nghèo bị ảnh hưởng chủ yếu từ mức độ nghèo của nhóm các dân tộc thiểu số. Chênh lệch về nghèo đói giữa dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng, được thể hiện qua chênh lệch về khoảng cách về số hộ nghèo 466
  11. ngày càng lớn. Hiện tượng này thể hiện rằng mức sống của nhóm người nghèo là người dân tộc thiểu số ngày càng thấp hơn nhóm người nghèo là người dân tộc Kinh. 2.2.3 Tình trạng chênh lệch về mức sống Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tốc độ giảm nghèo chậm lại không chỉ do suy giảm kinh tế, mà còn là do tình trạng chênh lệch về mức sống giữa các nhóm khác nhau ngày càng gia tăng. Bảng 8 thể hiện giá trị hệ số GINI dùng để đo lường sự bất bình đẳng thu nhập và phản ánh sự phân phối thu nhập ở cấp quốc gia. Bảng 8: Hệ số GINI theo chi tiêu của Việt Nam giai đoạn 2002-2012 1993 2002 2004 2006 2008 2010 2012 Cả nước 0,329 0,370 0,370 0,358 0,356 0,393 0,356 Theo vùng Thành thị 0,337 0,353 0,332 0,329 0,347 0,386 0,344 Nông thôn 0,278 0,281 0,295 0,302 0,305 0,332 0,317 Theo dân tộc Kinh 0,324 0,360 0,354 0,342 0,340 0,372 0,334 Dân tộc thiểu số 0,252 0,279 0,310 0,301 0,307 0,328 0,330 Nguồn: Tổng cục Thống kê , Bộ Dữ liệu điều tra mức sống hộ gia đình, 2002-2013 Mức độ bất bình đẳng thấp nhất thể hiện ở giai đoạn trước năm 2000, khi một số lượng lớn dân số còn sống trong nghèo đói. Hệ số GINI đạt giá trị cao nhất vào năm 2010, thể hiện mức độ bất bình đẳng cao nhất. Hiện tượng này phần lớn là kết quả của suy giảm kinh tế từ năm 2008, dẫn tới nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nghèo khó. Tây Bắc là vùng có mức bất bình đẳng thấp nhất vào năm 1993, nhưng lại trở thành vùng có mức bất bình đẳng cao nhất vào năm 2004. Tây Bắc là vùng nghèo nhất của đất nước, nơi mà phần lớn các hộ nghèo kinh niên sinh sống. Theo đó, trong khi một nhóm nhỏ hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống thì một bộ phận lớn hơn bị tụt lùi phía sau, gây nên tình trạng bất bình đẳng trong khu vực. Mặt khác, tại các vùng có kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, một bộ phận lớn người dân hưởng lợi từ các chính sách kinh tế xã hội trên diện rộng và khả năng tiếp cận với các cơ hội phát triển của người dân cao hơn. Ví dụ, Đồng bằng sông Cửu Long do đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với khu vực miền Núi, vùng sâu, vùng xa nên đã có mức bất bình đẳng thấp nhất trong số các vùng của cả nước từ năm 2006. 3. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH NHẰM HẠN CHẾ BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM - Cung cấp tín dụng cho các hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập và tự xóa nghèo. Để giảm nghèo bền vững, việc cung cấp tín dụng cần kết hợp với sự trợ giúp về các khóa huấn luyện, dạy nghề và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người nghèo; - Hỗ trợ bồi dưỡng cho người nghèo các kiến thức, kỹ năng về áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp; về quản lý sản xuất kinh doanh trong kinh tế hộ gia đình như lập kế hoạch, hạch toán thu chi, tiếp cận thị trường 467
  12. - Tiếp tục hoàn thiện các chính sách giảm nghèo theo hướng ổn định và bình đẳng hơn đối với các đối tượng và vùng nghèo. Đây là các chính sách tạo cơ hội để các đối tượng nghèo tự vượt nghèo thông qua các trợ giúp về phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ về đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm; - Cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo thông qua các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở và các hạ tầng phục vụ dân sinh khác. Cải thiện sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định đối với các chương trình dự án, cơ chế chính sách giảm nghèo; - Tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển đối với các vùng khó khăn, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã nghèo, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; - Thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội và đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo. Trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách trợ cấp xã hội theo khả năng của nền kinh tế và mức sống xã hội, đảm bảo mức sống tối thiểu cho các đối tượng xã hội; phát triển các dịch vụ an sinh xã hội bền vững và dễ tiếp cận hơn; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho các mục tiêu trợ giúp xã hội; - Thực hiện các chính sách lao động – việc làm nhằm đảm bảo cơ hội cho mọi người tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chú trọng thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân đầu tư phát triển sản xuất nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; tiếp tục nâng cao tỷ lệ toàn dụng lao động ở nông thôn bằng các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh các ngành nghề thủ công truyền thống; thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; - Tiếp tục mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống an sinh xã hội. Tăng cường giám sát việc tuân thủ thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Xây dựng chương trình hành động để đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và hưởng lợi dịch vụ công của các nhóm yếu thế trong xã hội. Hoàn thiện hê thống chính sách và tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi đối với các đối tượng đặc biệt như người có công, thương binh, liệt sĩ. KẾT LUẬN Sau gần ba mươi năm Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nền kinh tế hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều hạn chế về việc thực hiện công bằng xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Sự đầu tư và sự hưởng thụ về giáo dục, sức khỏe và các dịch vụ khác ngày càng nghiêng về phía người có thu nhập cao sống ở thành thị. Sự chênh lệch về phát triển giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi, bất bình đẳng trong thu nhập, sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng trong nhiều trường hợp làm méo mó các chuẩn mực xã hội. Do vậy, việc nghiên cứu đề xuất các định hướng để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn. 468
  13. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Bùi Đại Dũng, Phạm Thu Phương (2009), ‘‘Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội’’, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Số 82-91. [2]. Đỗ Đức Định (2007), “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội: động lực giảm nghèo ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, Số 777 [3] Ngân hàng Thế giới (2015), Ngân hàng Thế giới (2015) - Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. [4] Vũ Thị Ngọc Phùng (2006), Giáo trình Kinh tế phát triển, Nxb Lao động – Xã hội [5] Website của Tổng cục Thống kê: www.gso.gov.vn 469