Nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp công nghệ cao

pdf 6 trang Gia Huy 18/05/2022 2610
Bạn đang xem tài liệu "Nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp công nghệ cao", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnang_cao_hieu_qua_hoat_dong_thu_hut_von_fdi_vao_nganh_nong_n.pdf

Nội dung text: Nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp công nghệ cao

  1. NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THU HÚT VỐN FDI VÀO NGÀNH NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO ThS. Ngô Thanh Loan Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Tóm tắt Trong dự thảo lần 2 Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2030, nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư sử dụng công nghệ cao, kỹ năng và tối đa hoá giá trị gia tăng nhằm “lấp đầy” chỗ trống trong chuỗi cung ứng, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành và làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI thế hệ mới. Từ khóa: Vốn FDI, Nông nghiệp công nghệ cao, Năng suất, Giá trị gia tăng I. TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG VỐN FDI VÀO NGÀNH NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 176/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, với mục tiêu chung là: “Góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài”. Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án của Chính phủ, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, thể hiện trong các loại hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như các khu nông nghiệp công nghệ cao, các điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Có thể nói, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao nói trên đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực và đang dần trở thành hướng đi chủ yếu cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù là ngành có tiềm năng và lợi thế để phát triển thì nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trong đó lớn nhất là vấn đề về vốn đầu tư. Đây là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động, để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cần khoảng 140 tỷ đồng - 150 tỷ đồng (gấp 4 lần - 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của I-xra-xen cần ít nhất từ 10 tỷ đồng - 15 tỷ đồng. Điều này chỉ có thể giải quyết bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài 296
  2. (FDI). Nhưng trên thực tế nguồn FDI thu hút được vào ngành nông nghiệp công nghệ cao còn rất nhỏ. Theo Cục đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT), mặc dù Chính phủ đang có nhiều chính sách huy động vốn FDI và vốn trong nước vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hoá, chế biến song lượng vốn FDI tính đến nay vẫn rất thấp. Trong 6 tháng qua, tính tổng cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần của các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngoại vào ngành nông nghiệp chỉ đạt hơn 137 triệu USD, trong đó cấp mới là 127 triệu USD, 5 dự án tăng vốn, với hơn 6,16 triệu USD, 14 dự án mua cổ phần, với hơn 3,77 triệu USD. Trong tổng số vốn FDI 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,2 tỷ USD. FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng qua. Tính đến 20/6, tổng vốn FDI vào nông nghiệp đạt 3,46 tỷ USD, với 516 dự án, bằng 1,1% tổng vốn FDI (306,3 tỷ USD). Trong 18 ngành thu hút FDI, FDI vào nông nghiệp đứng thứ 12 về số dự án và đứng thứ 10 trong số các ngành thu hút được lượng vốn đăng ký trong thời gian qua. So với số vốn FDI vào những ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất điện, khí và buôn bán ô tô xe máy, FDI vào ngành nông nghiệp chưa bằng 1/10 số vốn thu hút. Luỹ kế đến thời điểm hiện tại, FDI đổ vào ngành công nghiệp chế tạo hơn 12.000 dự án, với 180 tỷ USD, các đối tác hàng đầu như Nhật, Hàn, Singapore, Anh, Hoa Kỳ đã đổ lượng vốn hàng tỷ USD vào nhiều ngành, lĩnh vực. Trái ngược, FDI vào nông nghiệp tính đến nay chỉ có khoảng 500 dự án, tổng vốn 3,46 tỷ USD, trung bình mỗi dự án chỉ có vốn khoảng 6 triệu USD (136 tỷ đồng). Trong khi đó, mỗi dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn bình quân 15 triệu USD (342 tỷ đồng). Hơn nữa, hiện các dự án FDI công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp tập trung một số ngành: Trồng hoa, rau, chế biến nông sản. Các ngành khác, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, như các ngành nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, sản xuất thuốc thú y, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Các dự án FDI cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ mới tập trung ở một vài vùng miền có lợi thế. Ví dụ, dẫn đầu là Lâm Đồng với nhiều doanh nghiệp và dự án nông nghiệp công nghệ cao. Nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chủ yếu đến từ Nhật Bản. Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó có hơn 10 doanh nghiệp đầu tư ở tỉnh Lâm Đồng. Tình trạng số vốn ít, hiệu quả không cao, đặc biệt nhiều doanh nghiệp FDI vào ngành nông nghiệp đang đứng ngoài các ngành trồng trọt, chỉ tập trung vào ngành chăn nuôi, chế biến theo chuỗi riêng của mình đã và đang khiến tính lan tỏa của FDI tại Việt Nam không cao. Đây là tình hình tổng thể hoạt động đầu tư FDI vào ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vậy nguyên nhân là do đâu? 297
  3. II. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ Thực trạng thu hút FDI vào khu vực nông nghiệp công nghệ cao cho thấy còn nhiều hạn chế và yếu kém trong việc xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp. Nguyên nhân những bất cập này chủ yếu là: Một là, do bất cập ở tầm chính sách vĩ mô. Các chính sách vĩ mô từ trước tới nay chủ yếu vẫn ủng hộ sự phát triển của các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu hoặc tạo ra cơ hội lợi nhuận lớn cho các ngành phi sản xuất, như: tài chính, chứng khoán, bất động sản nên các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam cũng như các tập đoàn lớn của nước ngoài đều có mặt trong các ngành này. Có rất ít doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài có tiếng tăm đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Chính phủ chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích mang tính hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tổ chức hướng dẫn thủ tục đến triển khai đầu tư chưa được làm tốt. Hai là, kết cấu hạ tầng nông thôn còn rất nghèo nàn. Điện và nước là 2 yếu tố cơ bản nhưng tại những vùng nông thôn vẫn thiếu. Buộc các doanh nghiệp phải đầu tư thêm nhiều hạng mục ngoài công trình, với chi phí lớn, nhất là đối với ngành lâm nghiệp (do chủ yếu phát triển tại các vùng, miền địa hình đồi núi, giao thông vận tải khó khăn) khiến nhiều doanh nghiệp FDI e ngại. Ba là, rủi ro lớn về thời tiết và thị trường đầu vào và đầu ra. Tỷ lệ bảo hộ thực tế đối với nông sản quá thấp (dưới 3%) so với hàng công nghiệp ( có khi lên tới 200%). Bốn là, đất là yếu tố hàng đầu của sản xuất nông nghiệp. Nhưng lượng đất này phần lớn do hộ nông dân lắm giữ trong khi nhà đầu tư nước ngoài cần diện tích quy mô lớn để phát triển ngành. Năm là, thủ tục hành chính còn nhiêu khê. Nhiều dự án bị ách tắc bởi khâu giải phóng mặt bằng chậm và thủ tục hành chính phức tạp, đặc biệt là thủ tục cấp đất. Kết quả điều tra của JETRO đối với khoảng 10.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại 19 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, Việt Nam xếp ở vị trí 18/19, trong đó vấn đề bị than phiền nhiều nhất chính là thuế và hệ thống pháp luật. Sáu là, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, phối hợp và không chuyên nghiệp, chưa tạo ra sức thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Bảy là, số lượng người lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Hệ thống sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản còn bất cập, Việt Nam chưa thiết lập được mối quan hệ giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp, chưa phát huy hết vai trò của các hiệp hội theo ngành hàng. 298
  4. Tám là, quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến còn yếu, thiếu. Trên thực tế, tại các địa phương, đất đai đã được giao cho các hộ nông dân với quy mô sản xuất mong muốn, phân tán, nhỏ lẻ, khiến các doanh nghiệp chế biến nông sản FDI bị động về nguồn nguyên liệu. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu tại chỗ ở Việt Nam chỉ đạt mức dưới 30%. III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU HÚT VỐN FDI VÀO NGÀNH NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Thứ nhất, về vấn đề tích tụ và tập trung đất trong sản xuất nông nghiệp. Áp dụng công nghệ cao cần gắn với quy mô đủ lớn, nhưng với quy định về hạn mức giao đất như hiện nay, diện tích sản xuất đất nông nghiệp vẫn lẻ tẻ, manh mún. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm bị giới hạn là 3 ha với khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, 2 ha với các tỉnh thành khác. Hạn mức nhận quyền sử dụng đất gấp 10 lần hạn mức giao đất. Điều này gây cản trở lớn trong quá trình tập trung và tích tụ đất đai. Đồng thời, quy trình thực hiện gặp không ít khó khăn từ người dân về các vấn đề thủ tục, tài chính và việc vận động người nông dân chuyển quyền sử dụng đất cho dự án, doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần: - Đi đến bãi bỏ hoặc nới rộng hạn mức giao đất, hạn mức nhận quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI có được “đất sạch” trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. - Trong quá trình triển khai tích tụ, tập trung đất đai, chính quyền địa phương cần nỗ lực, tích cực phát huy vai trò của mình để vận động người nông dân thấy được hiệu quả, chủ động hợp tác. Đồng thời, chính quyền địa phương đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai. Thứ hai, xây dựng chính sách đẩy mạnh sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, Đại hội XI của Đảng xác định: “Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu”. Để thực hiện chủ trương này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự thảo đề án tăng cường thu hút và quản lý FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát lại chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, tạo cơ chế ưu đãi hấp dẫn, giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và triển khai trong thực tế nhằm thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp. Xây dựng chính sách đầu tư và chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con người và khoa học - công nghệ một cách hiệu quả. Đây là động lực cho tăng trưởng nông nghiệp tương lai, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh ở trong và ngoài nước. Thứ ba, sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông nghiệp. Ở Việt Nam, sản xuất theo chuỗi mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây dưới hình thức một số doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản 299
  5. xuất. Để sản xuất chuỗi giá trị thành công thì cần nhiều thành phần tham gia. Nhà nước hỗ trợ thông qua các hoạt động dự án và chương trình nông thôn mới; nhà khoa học đảm trách ở các khâu: giống, quy trình kỹ thuật, tập huấn ; nhà nông liên kết trong các tổ hợp tác, hợp tác xã; các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, sản xuất theo quy mô lớn sẽ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Thứ tư, biện pháp giảm thiểu rủi ro đầu tư trong nông nghiệp. Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro rất lớn, trong khi các biện pháp đảm bảo đầu tư cho nhà đầu tư ở nước ta còn hạn chế. Vì vậy: - Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia các thể chế quốc tế về đầu tư, đảm bảo đầu tư, ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương, đa phương, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này. - Hoàn thiện và tăng cường thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền. Chúng ta cần có những chính sách biện pháp bảo hộ bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này giúp nhà đầu tư FDI cũng như các nhà đầu tư trong nước có cơ sở đế phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Thứ năm, thay đổi tập quán sản xuất theo quy mô lớn và hiện đại trong nông dân. Để làm việc với các doanh nghiệp FDI và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI, người nông dân Việt Nam cần cải thiện tập quán sản xuất. Các doanh nghiệp FDI đầu tư nông nghiệp công nghệ cao luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Global GAP, HACCP Vì vậy, người nông dân Việt Nam cần thay đổi tập quán canh tác và tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, tuân thủ quy trình sản xuất sản phẩm sạch đã được ký kết giữa doanh nghiệp FDI và người nông dân. Người nông dân cũng cần giữ chữ tín trong quá trình làm việc và kinh doanh với các doanh nghiệp FDI. Thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút FDI và xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp. - Tăng cường các hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao. - Khảo sát, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các quốc gia trong khối ASEAN. - Thúc đẩy đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề về hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản trong nông nghiệp nông thôn cần tiếp tục triển khai và cải thiện: Hệ thống giao thống, hệ thống điện lưới, Hệ thống công nghệ thông tin, Hệ thống thủy lợi. Xây dựng được cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp cũng như tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. 300
  6. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013), Kỷ yếu 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam 2. Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2015), Báo cáo thuyết minh chi tiết và đánh giá tác động dự thảo nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp 3. Phạm Thị Bích Ngọc (2014), Giải cơn khát vốn FDI cho nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí con số và sự kiện 10/2014 301