Nâng cao năng lực quản trị vượt qua rào cản trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc
Bạn đang xem tài liệu "Nâng cao năng lực quản trị vượt qua rào cản trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- nang_cao_nang_luc_quan_tri_vuot_qua_rao_can_trong_xuat_khau.pdf
Nội dung text: Nâng cao năng lực quản trị vượt qua rào cản trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc
- NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ VƯỢT QUA RÀO CẢN TRONG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC 提高打破农产品销向中国市场所遭受的贸易技术壁垒的管理能力 TS. Lê Tiến Đạt Trường Đại học Thương mại 商业大学博士 黎进达 Tóm tắt Trong hoạt động kinh doanh quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với vô số rào cản, trong đó, sự hạn chế về năng lực quản trị là một cản trở lớn cho các nhà xuất khẩu trong việc đạt được mục tiêu chiến lược, và vượt qua những khó khăn, trở ngại. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đồng thời cũng là bạn hàng lớn của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, giao dịch xuất nhập khẩu hàng nông sản giữa doanh nghiệp hai nước chủ yếu theo tập quán thương mại biên giới, thiếu tính ổn định, thiếu sự ràng buộc giữa các bên theo thông lệ quốc tế, dẫn tới rủi ro cao. Tình trạng ùn ứ hàng hóa vẫn còn phổ biến tại một số cửa khẩu là một bài toán đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp cần quan tâm giải quyết. Trên cơ sở của việc nghiên cứu khái niệm kinh doanh quốc tế và các lý thuyết liên quan tới rào cản trong xuất khẩu, cũng như nhận diện, và nhóm gộp các nhóm rào cản chính mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, bài viết đề xuất một số giải pháp, và đặc biệt xây dựng một chương trình đào tạo tổng hợp nhằm nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Những kiến nghị và giải pháp này có thể coi là những gợi ý, mà dựa vào đó, các cơ quan chức năng có thể liên kết với các cơ sở đào tạo, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp. Ngoài đóng góp mang tính thực tiễn quan trọng này, với góc độ nghiên cứu từ các nước đang phát triển, bài viết đóng góp vào việc phát triển lĩnh vực nghiên cứu có liên quan đến quá trình kinh doanh quốc tế, cũng như những rào cản mà doanh nghiệp xuất khẩu cần vượt qua trong kinh doanh quốc tế. Từ khóa: Năng lực quản trị, rào cản, xuất khẩu, nông sản, Trung Quốc 摘要 在国际经营活动中,出口企业面临着无数的技术性贸易壁垒,其中,管理能力 的限制是出口商在达到战略目标和打破技术壁垒的一大障碍。中国是越南重要的经贸 伙伴,同时也是越南农产品的一大伙伴。然而,两国企业之间农产品的进出口交易主 要以边界贸易习惯为主,缺少了稳定性以及各方之间按照国际惯例的约束力,引起了 经贸风险。货物流通迟滞现象在一些口岸经常发生,这成为需要政策制定者以及企业 支持者进一步解决的难题。在研究国际经营概念和有关出口的技术性贸易壁垒理论以 及确定越南企业销向中国遭受到的主要技术壁垒并对其进行分组的基础上,本文提出 一些措施,并专门设计一个综合培训项目,旨在提高越南企业在向中国出口农产品的 663
- 管理能力。这些意见和措施可被视为建议,让有关部门可按此与各培训单位,政策制 定者和出口企业 相结合实施适当的互助政策与计划。 关键词:管理能力,技术壁垒,出口,农产品,中国 1. Kinh doanh quốc tế và các rào cản trong xuất khẩu 1.1. Khái niệm và một số lý thuyết về kinh doanh quốc tế Khái niệm kinh doanh quốc tế đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, như kinh doanh quốc tế theo quá trình (Calof & Beamish 1995; Johanson & Vahlne 1977; Reid 1981), kinh doanh quốc tế dựa trên mạng lưới quan hệ (Bonaccorsi 1992; Davidsson & Honig 2003; Hoang & Antoncic 2003; Johanson & Vahlne 1990; Lindqvist 1988; Sharma & Johanson 1987), hay kinh doanh quốc tế dựa trên các nguồn lực của doanh nghiệp (Ahokangas 1998; Carpenter, Sanders & Gregersen 2001; Castanias & Helfat 1991; Conner 1991; Daily, Certo & Dalton 2000; Mahoney & Pandian 1997; Montgomery & Wernerfelt 1997; Peng 2001; Ruzzier, Hisrich & Antoncic 2006; Sharma & Erramilli 2004). Quan điểm kinh doanh quốc tế theo quá trình, nhấn mạnh quá trình mà doanh nghiệp trải qua, với những nỗ lực, nhằm tiếp cận, và tăng cường mức độ cam kết trên những thị trường quốc tế (Calof & Beamish 1995). Ủng hộ quan điểm này, Johanson & Vahlne (1977) cho rằng quá trình tham gia hoạt động kinh doanh quốc tế của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố chính, đó là mức độ hiểu biết về thị trường và mức độ cam kết thị trường. Hai yếu tố này có mối quan hệ qua lại và phụ thuộc lẫn nhau. Reid (1981) nhấn mạnh rằng trong việc quyết định thị trường xuất khẩu ban đầu, doanh nghiệp thường có xu hướng lựa chọn những thị trường “gần gũi” mà doanh nghiệp có sự hiểu biết tốt nhất, có sự tương đồng nhất định với thị trường nội địa về chính trị, kinh tế, và văn hóa. Càng có thêm nhiều thông tin, doanh nghiệp càng hiểu biết thêm về đặc điểm của thị trường xuất khẩu, và do vậy, họ càng sẵn sàng quyết định kinh doanh, và càng tăng cường mức độ cam kết trên thị trường đó. Đồng thời, sự cam kết với thị trường xuất khẩu ngày càng mạnh, hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường đó càng sâu rộng. Quan điểm kinh doanh quốc tế dựa trên mạng lưới quan hệ nhìn nhận kinh doanh quốc tế như là một quá trình phát triển các mối quan hệ trên các thị trường nước ngoài. Theo đó, các mối quan hệ được phát triển thông qua ba cách thức căn bản là: (1) mở rộng, (2) xâm nhập, và (3) hội nhập. Trong đó, “mở rộng” liên quan tới việc phát triển những mối quan hệ mới, “xâm nhập” nhấn mạnh tới việc phát triển quan hệ dựa trên những mối quan hệ có sẵn, và “hội nhập” liên quan tới phát triển quan hệ của doanh nghiệp dựa trên sự hợp tác giữa các quốc gia (Johanson & Vahlne 1990). Doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới bằng cách tận dụng những mối quan hệ quốc tế sẵn có của mình. Cách thức này thực sự rất hữu ích cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường quốc tế, cũng như trong các giai đoạn phát triển về sau (Sharma & Johanson 1987). Lindqvist (1988), Bonaccorsi (1992), Davidsson & Honig (2003) và Hoang & Antoncic (2003) nhấn mạnh rằng các mối quan hệ trong kinh doanh quốc tế có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh quốc tế của doanh nghiệp. Dưới góc độ của quan điểm kinh doanh quốc tế dựa trên nguồn lực doanh nghiệp, kinh doanh quốc tế có thể xem như là một quá trình mà ở đó các nguồn lực được tích lũy và tăng cường cho hoạt động kinh doanh quốc tế (Ahokangas 1998). Khả năng của doanh nghiệp 664
- trong việc tích lũy và sử dụng các nguồn lực quan trọng có vai trò quyết định tới khả năng tiếp cận, định vị và phát triển thị trường quốc tế của doanh nghiệp (Conner 1991), và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thành công chiến lược, cũng như giành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế (Sharma & Erramilli 2004). Quan điểm kinh doanh quốc tế dựa trên nguồn lực doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong việc xây dựng các năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (Carpenter, Sanders & Gregersen 2001; Castanias & Helfat 1991; Daily, Certo & Dalton 2000; Montgomery & Wernerfelt 1997; Peng 2001; Ruzzier, Hisrich & Antoncic 2006). Mahoney and Pandian (1997) ủng hộ quan điểm của Castanias & Helfat (1991) cho rằng trình độ và kỹ năng quản trị của chủ doanh nghiệp là yếu tố then chốt quyết định tới việc phát triển các lợi thế mang tính cạnh tranh và bền vững cho doanh nghiệp, và do vậy, được coi là nguồn lực “đặc biệt” của doanh nghiệp kinh doanh quốc tế. 1.2. Một số rào cản chủ yếu trong xuất khẩu Trong hoạt động kinh doanh quốc tế, các doanh nghiệp phải đối mặt với vô số các rào cản (Bilkey 1978; Fletcher 2004; Katsikeas & Morgan 1994a; O’Farrell, Wood & Zheng 1998; Paunović & Prebežac 2010; Szabo 2002). Đặc biệt, sự hạn chế về kiến thức kinh doanh quốc tế, cũng như về năng lực quản trị là rào cản lớn cho các doanh nghiệp trong việc đạt được mục tiêu chiến lược, và vượt qua những khó khăn trong kinh doanh quốc tế (Chetty & Campbell-Hunt 2003; Kahiya 2013; Karabulut 2013; Paunović & Prebežac 2010). Có không ít các nhà quản trị có năng lực kinh doanh nói chung, nhưng thiếu năng lực quản trị kinh doanh quốc tế. Điều này kìm hãm hoạt động của họ trong việc phát triển các chiến lược kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, cũng như lựa chọn phương thức kinh doanh hiệu quả. Do vậy, sự hỗ trợ của nhà nước nhằm nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp xuất khẩu là rất cần thiết (Paunović & Prebežac 2010). Trước hết, sự thiếu hiểu biết về thị trường xuất khẩu cũng như sự hạn chế về thông tin cho việc phân tích thị trường xuất khẩu được coi là một trong những rào cản lớn cho doanh nghiệp trong kinh doanh quốc tế (OECD 2009). Khi tiếp cận thị trường xuất khẩu, do thiếu thông tin, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận, định vị, lựa chọn, cũng như liên hệ với các đối tác xuất khẩu và khách hàng tiềm năng (Katsikeas & Morgan 1994a; Leonidou 2004; Morgan & Katsikeas 1997). Rõ ràng các thông tin có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu mức độ không chắc chắn, cũng như các rủi ro trên thị trường xuất khẩu (Welch & Wiedersheim-Paul 1980). Rất nhiều các vấn đề xảy ra trong kinh doanh xuất khẩu có thể được giải quyết nếu các nhà quản trị doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm, sử dụng các thông tin có liên quan một cách chính xác và kịp thời. Ngược lại, nếu nhà quản trị thiếu các thông tin về thị trường, sự bất trắc trong kinh doanh quốc tế sẽ tăng lên (Katsikeas & Morgan 1994a). Khả năng thu thập, xử lý, và sử dụng thông tin thị trường xuất khẩu có ảnh hưởng mạnh đến hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Czinkota & Ronkainen (2013) chỉ ra rằng trong việc tìm kiếm các thông tin cho quyết định trong xuất khẩu, có thể phát sinh những vấn đề liên quan tới nguồn thông tin, số lượng và chất lượng thông tin. Chẳng hạn, thông tin có thể không chính xác, quá cũ, hay không đầy đủ. Sự giới hạn về thời gian, nguồn thông tin hay kỹ năng thông tin của nhà quản trị có thể cản trở họ trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Trong quá trình tiếp cận thị trường xuất khẩu, tiếp cận khách hàng được coi như là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý và sự khác biệt trong văn 665
- hóa có thể hạn chế sự trao đổi, giao tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng do thiếu nguồn thông tin về danh sách các khách hàng tiềm năng. Tuy vậy, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ thông tin, doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu thông tin về khách hàng tiềm năng (Leonidou 2004). Mức độ phức tạp trong môi trường kinh doanh quốc tế có thể gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong cạnh tranh với các đối thủ trong nước cũng như quốc tế. Một số đối thủ cạnh tranh quốc tế có thể có những lợi thế nằm ngoài khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, như chi phí sản xuất thấp hay sự bảo hộ của chính phủ (Doole & Lowe 2012). Theo Albaum & Duerr (2008), sự thành công hay thất bại trong kinh doanh quốc tế phụ thuộc nhiều vào khả năng của doanh nghiệp trong việc đảm bảo thực hiện các đơn hàng, vận chuyển hàng hóa đúng hạn và an toàn, được thanh toán đầy đủ như trong hợp đồng. Trong xuất khẩu cung cấp hàng hóa, doanh nghiệp còn có thể gặp phải những khó khăn liên quan tới nhiều vấn đề như chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa, sự biến động về nhu cầu của khách hàng, và những tình huống phát sinh không lường trước có thể gây ra sự thiếu hụt về hàng hóa cung cấp. Đặc biệt, sự chậm trễ trong lưu thông hàng hóa xuất khẩu có thể mang lại nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp (Albaum & Duerr 2008; Leonidou 2004). Bên cạnh vấn đề liên quan tới vận chuyển hàng hóa, các vấn đề liên quan tới kho bãi, đảm bảo sự ổn định trong cung cấp hàng hóa, vận chuyển đúng thời hạn, và đặc biệt, đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng có ảnh hưởng tới hiệu quả xuất khẩu. Trong rất nhiều trường hợp, các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong tìm kiếm kho bãi với điều kiện lưu trữ tốt và công nghệ hiện đại đủ chất lượng đảm bảo tốt nhất cho sản phẩm của họ (Cateora, Gilly & Graham 2009). Tham gia thị trường kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu còn cần phải có sự chuẩn bị để đối mặt với các khó khăn liên quan đến các hoạt động tác nghiệp như xác định giá cả, xúc tiến bán, nâng cao thương hiệu sản phẩm, hay đảm bảo sản xuất và chế biến sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu (Vozikis & Mescon 1985). Trong xuất khẩu, doanh nghiệp có thể gặp bất lợi về giá cả khi giá bán sản phẩm của doanh nghiệp bị nâng lên cao do những chi phí xuất khẩu phát sinh, như chi phí liên quan tới đóng gói, vận chuyển, thủ tục hành chính, thuế quan, hay những hoạt động marketing và phân phối sản phẩm. Chi phí cũng có thể phát sinh do yêu cầu liên quan đến dịch thuật, hay xử lý các hóa đơn, hợp đồng (Terpstra & Sarathy 2000).Trong những nỗ lực nhằm đưa ra mức giá tốt nhất, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xác định mức giá có khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Khó khăn này có thể xuất phát từ những nhân tố chủ quan và khách quan, như chính sách thắt chặt chi phí của doanh nghiệp, hay từ sự biến động tỷ giá hối đoái bất lợi cho doanh nghiệp. Mức giá đưa ra bất lợi có thể bắt nguồn từ những chính sách của chính phủ, trong việc khuyến khích các ngành kinh doanh nội địa, hay từ hành động bán phá giá của đối thủ cạnh tranh (Doole & Lowe 2012; Leonidou 2004). Sự khác biệt trong các kênh phân phối giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, cũng như sự khác biệt giữa các thị trường xuất khẩu, cùng với sự phức tạp của các kênh phân phối này, có thể gây ra khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Những khó khăn này cũng có thể liên quan đến số lượng của các trung gian xuất khẩu, hay chất lượng của các dịch vụ đi 666
- kèm xuất khẩu. Quy mô và số lượng của các doanh nghiệp bán buôn cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt tại các nước đang phát triển, khi số lượng các đơn vị bán buôn với khả năng hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ xuất khẩu là không nhiều (Terpstra & Sarathy 2000). Các hoạt động liên quan tới xúc tiến bán, quảng bá sản phẩm có thể đòi hỏi doanh nghiệp phải chi ra một khoản ngân sách lớn, hay có thể gặp khó khăn khi sử dụng các phương thức không phù hợp với thị hiếu khách hàng, thông điệp quảng cáo không phù hợp, hạn chế về các phương tiện truyền thông, hay các chính sách, quy định liên quan tới truyền thông quảng bá sản phẩm của chính phủ quốc gia xuất khẩu (Leonidou 2004). Nhiều doanh nghiệp “ngần ngại” trong việc tham gia hoạt động xuất khẩu, vì họ cho rằng hoạt động xuất khẩu chứa đựng mức độ rủi ro cao, có thể gây nhiều khó khăn trong việc phát triển sản phẩm xuất khẩu, do thiếu nguồn vốn tài chính, năng lực xuất khẩu, năng lực quản lý, năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Hơn thế nữa, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu còn phải luôn đảm bảo sự thích ứng của sản phẩm xuất khẩu về mẫu mã, kiểu dáng, và đặc biệt là chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường xuất khẩu (Terpstra & Sarathy 2000). Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu còn cần phải quan tâm tới việc sản xuất, chế biến sản phẩm, đảm bảo chất lượng phù hợp với quy định của nước xuất khẩu, đặc biệt là những quy định liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng, và vệ sinh an toàn thực phẩm (Leonidou 2004). Bên cạnh những đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, những yếu tố liên quan tới đóng gói, nhãn mác và đặc biệt là thương hiệu sản phẩm cũng có thể là những đòi hỏi cho doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu. Nhiều sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, thương thực phẩm đỏi hỏi phải có dán nhãn, với thông tin đầy đủ về sản phẩm như thành phần, ngày sản phẩm được đóng gói, ngày quá hạn, trọng lượng tịnh, hay chứng nhận nguồn gốc sản phẩm (Cateora, Gilly & Graham 2009). Không những được xem như những yêu cầu, việc thỏa mãn các tiêu chuẩn này cũng là một cơ hội để doanh nghiệp có thể cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế (Leonidou 2004). Tuy nhiên, trong việc sản xuất, chế biến sản phẩm theo yêu cầu chất lượng, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn về chi phí, trình độ quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt là quản lý chất lượng sản phẩm xuất khẩu (Terpstra & Sarathy 2000). Trong hoạt động kinh doanh quốc tế, sự hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình khuyến khích và xúc tiến thương mại luôn đóng vai trò quan trọng. Với sự hỗ trợ của chính phủ, doanh nghiệp có thể tham gia các nhóm doanh nghiệp doanh khẩu, để cùng chia sẻ rủi ro cũng như chi phí, kinh nghiệm, nguồn lực và thông tin (Albaum & Duerr 2008). Mặc dù vậy, khó khăn có thể phát sinh khi các chương trình hỗ trợ thiếu kinh phí để triển khai, hay khi các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu năng lực để cùng nhau tham gia. Trong một số trường hợp, các chương trình hỗ trợ từ chính phủ không phù hợp với nhu cầu riêng biệt của các doanh nghiệp xuất khẩu, và do vậy không phát huy được hiệu quả (Seringhaus & Rosson 1990). 2. Xuất khẩu nông sản thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp Việt Nam - Thực trạng và những rào cản Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong thời gian từ 2010 đến năm 2013, mức tăng GDP ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt trung bình 3,16%, đóng góp 19,26% tổng GDP. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam giai đoạn 2010-2014, các sản phẩm nông nghiệp luôn chiếm ưu thế về danh mục mặt hàng, thể hiện ở bảng 1 sau đây: 667
- Bảng 1: Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam 2010 - 2014 Sơ bộ 2010 2011 2012 2013 2014 Dầu thô (Triệu tấn) 8,1 8,2 9,3 8,4 9,3 Than đá (Triệu tấn) 19,9 17,2 15,2 12,8 7,3 Giày, dép (Tỷ đô la Mỹ) 5,1 6,5 7,3 8,4 10,3 Hàng dệt, may (Tỷ đô la Mỹ) 11,2 13,2 14,4 17,9 20,9 Gạo (Triệu tấn) 6,9 7,1 8,0 6,6 6,4 Cà phê (Nghìn tấn) 1.218,0 1.260,0 1.735,5 1.301,2 1.690,5 Cao su (Nghìn tấn) 779,0 817,5 1.023,5 1.074,6 1.066,9 Hạt điều nhân (Nghìn tấn) 190,0 178,0 221,8 262,1 302,9 Hạt tiêu (Nghìn tấn) 117,0 124,0 116,8 132,8 155,1 Chè (Nghìn tấn) 137,0 135,0 146,9 141,2 132,7 Gỗ & SP gỗ (Tỷ đô la Mỹ) 3,4 4,0 4,7 5,6 6,2 Hàng thuỷ sản (Tỷ đô la Mỹ) 5,0 6,1 6,1 6,7 7,8 Hàng điện tử, máy tính và linh kiện (Tỷ đô la Mỹ) 3,6 4,7 7,8 10,6 11,4 Điện thoại các loại và linh kiện (Tỷ đô la Mỹ) 2,3 6,4 12,7 21,3 23,6 Nguồn: Niên giám Thống kê (2014) Nhìn vào bảng số liệu trên, có thể thấy rằng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có sự biến động không đồng đều qua các năm từ 2010 đến 2014. Cá biệt không có một sản phẩm nông nghiệp nào có mức tăng giá trị xuất khẩu đều qua tất cả các năm. Một số sản phẩm như gạo, cà phê, chè có sự tăng trưởng đều từ 2010 đến 2012, tuy nhiên, có sự giảm, đặc biệt là giảm mạnh ở sản phẩm gạo và cà phê từ 2013. Đến 2014, các sản phẩm này cũng không đạt được mức giá trị xuất khẩu đã đạt được năm 2012. Bốn tháng đầu năm 2015, mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước. Hàng loạt mặt hàng nông sản như dưa hấu ở Quảng Ngãi, thanh long ở Bình Thuận, hành tây ở Đà Lạt, hành tím ở Sóc Trăng đều rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” và khó tiêu thụ. Nghịch lý này tuy không mới nhưng tiếp tục đẩy người nông dân vào khó khăn. Cá biệt, giá trị xuất khẩu nông nghiệp trong nửa đầu năm 2015 chỉ đạt 11 tỷ USD, bằng 1/3 năm 2014. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước năm 2014 đạt gần 60 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong năm năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu hơn 10.000 tỷ USD sản phẩm, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng sẽ vượt hơn 500 tỷ USD. Điều này sẽ tạo cơ hội thương mại cho doanh nghiệp vùng Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. Để tận dụng cơ hội 668
- này, các doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan Chính phủ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chiến lược nhằm tìm kiếm thông tin, nhóm gộp các ngành hàng trọng điểm, và xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, và xuất khẩu hàng hóa phù hợp. Không chỉ là đối tác thương mại lớn, với dân số hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc còn là bạn hàng lớn của nông sản Việt Nam. Các loại nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bao gồm: gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, rau quả, dầu thực vật trong đó, nhóm hàng gạo, cao su, hạt điều chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản giữa hai nước. Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu được một số mặt hàng rau quả sang thị trường Mỹ và Úc, nhưng với số lượng còn rất hạn chế. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thời gian để tìm hiểu, tiếp cận và làm quen, để có thể chiều lòng những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, chi phí vận chuyển và bảo quản lớn này. Chính vì vậy, Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn là các thị trường truyền thống cần được coi trọng. Trong đó, Trung Quốc là một thị trường thuận lợi với đường biên giới với Việt Nam trải qua 7 tỉnh phía Bắc, với nhiều cặp cửa khẩu, điểm thông quan, lối mở thông thương, tạo ra sự thuận lợi tự nhiên cho cả chính ngạch và tiểu ngạch. Tuy nhiên, giao dịch xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp hai nước chủ yếu theo tập quán thương mại biên giới, thiếu tính ổn định, thiếu sự rằng buộc giữa các bên theo thông lệ quốc tế, dẫn tới rủi ro cao và cũng chỉ tập trng tại một số cửa khẩu quen thuộc. Tình trạng ùn ứ hàng vẫn còn phổ biến tại một số cửa khẩu là một bài toán đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp cần quan tâm giải quyết. Theo báo cáo gần đây, Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 11 năm 2015 Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 năm 2015 ước đạt 2,57 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 11 tháng đầu năm lên 27,41 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,74 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014. Các sản phẩm có mức giảm mạnh là cà phê (30,2%) và cao su (15,5%). Trong các thị trường nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường lớn nhất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo như gạo, cao su, hạt điều và các sản phẩm từ sắn. Cụ thể kết quả một số mặt hàng nông sản chính xuất sang Trung Quốc như sau: (1) Gạo: Tháng 11 năm 2015, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 885 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu đạt 372 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2015 ước đạt 6,24 triệu tấn và 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng, nhưng giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2015 đạt 426,04 USD/tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 với 34,49% thị phần. Mười tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 7,21% về khối lượng nhưng giảm 1,36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. (2) Cao su: Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 11 đạt 108 nghìn tấn với giá trị đạt 134 triệu USD, với ước tính này 11 tháng đầu năm xuất khẩu cao su đạt 983 nghìn tấn, giá trị đạt 1,35 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm đạt 1.401 USD/tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm 72,36% thị phần. Giá trị xuất 669
- khẩu cao su trong 10 tháng đầu năm ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. (3) Hạt điều: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 11 ước đạt 25 nghìn tấn với giá trị 186 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 300 nghìn tấn với 2,18 tỷ USD, tăng 7,3% về khối lượng và tăng 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2015 đạt 7.269 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 35,39%, 13,38% và 12,85% tổng giá trị xuất khẩu. (4) Sắn và các sản phẩm từ sắn: Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 năm 2015 ước đạt 245 nghìn tấn, với giá trị đạt 87 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2015 đạt 3,67 triệu tấn với giá trị 1,18 tỷ USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Trong 10 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,14% thị phần, tăng 30,79% về khối lượng và tăng 26,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, có thể thấy Trung Quốc là một thị trường lớn và tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này còn chứa đựng nhiều yếu tố, làm giảm hiệu quả và giá trị xuất khẩu. Vậy đâu là những rào cản hạn chế chính, ảnh hưởng tới giá trị xuất khẩu hàng nông sản của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, đòi hỏi sự nhận diện và hỗ trợ từ phía Chính phủ và các cơ quan hữu quan, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội xuất khẩu tiềm năng này? Trước hết, có thể thấy rằng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn còn thiếu thông tin thị trường và các hoạt động liên quan tới xúc tiến thương mại. Thông tin thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam có được chủ yếu dựa vào hệ thống thông tin của Chính phủ, thông qua thương vụ và đại diện thương mại Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kênh thông tin này khó có thể đáp ứng hết các nhu cầu thông tin riêng biệt của doanh nghiệp xuất khẩu. Chính vì thiếu và chậm trong việc tiếp nhận thông tin, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội, hay không hưởng được các ưu đãi kịp thời từ phía chính phủ, như ưu đãi về thuế quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu theo đường chính ngạch. Là một thị trường lớn về nhập khẩu mặt hàng nông sản, nhưng khách hàng và đối tác đến từ Trung Quốc cũng mang lại không ít những “bài học” cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, sự xuất hiện của các thương lái “ma” từ Trung Quốc đã gây xáo trộn thị trường Việt Nam. Nhiều chủ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản đã chia sẻ về việc xuất hiện của nhiều thương nhân người Trung Quốc không rõ lai lịch về thu mua nông sản trực tiếp của người dân. Các thương lái “ma” này về tận các vùng nông thôn, khuyến khích người dân trồng một số loại cây nhất định, nhưng sau khi trồng thì thu mua giá thấp, đẩy người nông dân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Những hành động của các đối tượng này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường lớn và đầy tiềm năng này. Nhiều trường hợp các thương lái “ma” này, bằng cách này hay cách khác, chào hàng với giá thấp hơn giá của các doanh nghiệp Việt Nam. Hàng nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, với đầy đủ chứng từ vệ sinh an toàn thực phẩm, đi chính ngạch với nhiều loại thuế, nhưng khó cạnh tranh về giá với các đối thủ cạnh tranh “ma” này. Mặc dù đã ký hợp đồng với các doanh 670
- nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam, nhưng trước giá chào thấp hơn của các thương lái này, nhà nhập khẩu Trung Quốc lại viện lý do không mua nữa, “làm khó” cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cá biệt, một số thương lái “dởm” Trung Quốc còn sử dụng nhiều chiêu trò để mua sản phẩm nông sản chất lượng thấp nhưng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dán nhãn mác với giá cao hơn để trục lợi. Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chia sẻ rằng nhiều thương lái Trung Quốc lợi dụng những doanh nghiệp uy tín Việt Nam mua sản phẩm kém chất lượng, sau đó gắn mác hàng chất lượng cao để thu lợi bất chính. Chẳng hạn, các đối tượng này yêu cầu mua gạo 4.900, loại gạo thơm nhưng chất lượng thấp hơn gạo Jasmine, khi xuất hàng lại yêu cầu doanh nghiệp để chứng từ là gạo Jasmine, hoặc đề nghị doanh nghiệp trộn cái này với cái kia. Trước những hành động “quấy nhiễu” làm xáo trộn thị trường xuất khẩu của các thương lái này, các cơ quan chức năng và các bộ phân liên quan cần tăng cường quản lý giao thương tại khu vực biên giới. Có thể nói, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do sự thiếu hiểu biết về khách hàng và đối tác kinh doanh của cả hai phía, doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong khi các nhà nhập khẩu không biết rõ về tình hình thị trường Việt Nam, thì các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam không biết liên hệ như thế nào đến các nhà nhập khẩu Trung Quốc có năng lực và uy tín thực sự. Nếu được cung cấp thông tin thông qua các trang chính thống, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dễ dàng tìm được đối tác tin cậy và hạn chế được rủi ro, hơn là để các doanh nghiệp tự tìm hiểu như hiện nay. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin internet, chính phủ hai quốc gia có thể thiết lập một sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia giữa hai nước, giúp nâng cao tính minh bạch của thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh việc tiếp cận khách hàng và đối tác mang tính chất cá nhân - cá nhân, một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thành công như Bitis đã chủ động tạo lập mối quan hệ cộng đồng, thậm chí là chính quyền địa phương, để có được điều kiện kinh doanh tốt nhất. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò cầu nối của các hiệp hội và doanh nghiệp cũng là một vấn đề mà các cơ quan chính phủ hai nước cần quan tâm. Liên quan tới phương thức doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường Trung Quốc, con đường đi bằng tiểu ngạch thông qua các thương lái ở biên giới không thể đảm bảo cho hàng hóa Việt Nam tăng giá trị tại thị trường Trung Quốc. Những tiểu thương này cũng chỉ đóng vai trò môi giới tại khu vực biên giới nên việc tường tận thị trường còn nhiều hạn chế. Hoạt động xuất khẩu thông qua con đường tiểu ngạch thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia nhưng vẫn mang nặng tính “nghiệp dư”, mạnh ai nấy làm, nhiều khi vẫn “đánh” hàng theo chuyến, vẫn buôn bán theo mùa, theo vụ. Do quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua đường biên giới còn kém hiệu quả, dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán, tạo kẽ hở để đối tác ép cấp, ép giá, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Đồng thời, việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, hoặc hàng đổi hàng không thông qua ngân hàng, làm hạn chế hoạt động tín dụng của ngân hàng hỗ trợ cho xuất khẩu. Do năng lực giao nhận hàng hóa còn hạn chế, hạ tầng tại các cửa khẩu chưa phát triển kịp so với nhu cầu, làm giảm năng lực thông quan dẫn đến ùn tắc hàng hóa. Trong xu thế phát triển hiện nay, rõ ràng nếu để hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua con đường tiểu ngạch, thì cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam “làm chủ cuộc 671
- chơi này là không thể. Thay vì “len lỏi” bằng con đường tiểu ngạch này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đang “ráo riết” tìm ra một hướng đi mới chính thức vào thị trường có sức tiêu thụ bậc nhất thế giới này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng mong mỏi tận dụng lợi thế của Hiệp định ASEAN + 1 để thâm nhập thị trường này một cách chính thức, bài bản và tập trung phát triển các kênh thương mại hiện đại. Tuy nhiên, việc mở con đường chính thức cũng gặp không ít khó khăn. Mức giá giữa hàng từ các thương lái và hàng được bán trong hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối vẫn còn chênh lệch khá lớn lên đến 1,5 lần. Một rào cản lớn là việc đăng ký thương hiệu tại thị trường này không phải là dễ dàng. Nhiều thương hiệu Việt Nam đều bị mất tại đây vì việc chậm đăng ký cũng như không đua kịp với các đơn vị phân phối sản phẩm từ hàng tiểu ngạch. Như vậy, cách thức tăng cường xuất khẩu tốt nhất là tìm cách giảm thiểu tối đa hàng đi qua đường tiểu ngạch. Việc tham gia chính thức vào hệ thống siêu thị tại đây, cùng việc hoạch toán các khoản chi về thuế, phí là bước đầu làm cho doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn trong cuộc chơi này. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc không nên hoạt động đơn lẻ, mà cần sự liên kết của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đây là cách để rút gọn thời gian tiếp cận bằng cách nương tựa vào những doanh nghiệp đã đi trước. Bên cạnh đó, sử dụng nhiều mặt hàng sẽ là cách tăng sức mạnh đàm phán khi đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ tại đây. Như trên đã đề cập, việc đăng ký thương hiệu hàng nông sản Việt Nam trên thị trường Trung Quốc không phải là dễ dàng. Trong thực tế, rất nhiều hàng nông sản Việt Nam hiện nay chưa có thương hiệu, một phần nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ nên nhiều doanh nghiệp không đủ kinh phí để xây dựng thương hiệu. Mặt khác, nguyên nhân còn đến từ nhận thức không đầy đủ của các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam về vai trò và giá trị của thương hiệu trong thương mại quốc tế. Chính vì vậy, vấn nạn hàng nông sản Việt bị làm giả tại thị trường Trung Quốc đang ngày càng phổ biến. Một số sản phẩm giả của Vinamit và cà phê Buôn Ma Thuột được bày bán rất nhiều ở Trung Quốc. Đây là một rào cản lớn cho việc doanh nghiệp nông sản Việt Nam khẳng định thương hiệu tại thị trường Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là một bài học cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh nông sản tại thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp cần thường xuyên tương tác với bộ phận pháp lý tại đây và việc bảo hộ thương hiệu cần phải được rà soát liên tục. Bên cạnh vấn đề liên quan tới cách thức tiếp cận thị trường cũng như marketing, bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông sản, những hiểu biết về sản phẩm, nhằm sản xuất và chế biến những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần đặc biệt quan tâm. Mặc dù trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ yếu vào thị trường Trung Quốc đều có mức tăng trưởng cao, nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại, đó là hầu hết sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm thô hoặc sản phẩm sơ chế giá bán thấp, sức cạnh tranh thấp do công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch còn rất lạc hậu, mẫu mã chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và không có thương hiệu. Sản xuất và xuất khẩu nông sản còn phân tán, thiếu tập trung. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam còn bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng chiến lược để khai thác thị trường Trung Quốc một cách có hiệu quả, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nghiên cứu thị trường này, thiếu nhanh nhạy và năng động để nắm bắt kịp thời những cơ hội khi phía Trung Quốc có những điều chỉnh về chính sách xuất nhập khẩu. 672
- 3. Một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu nông sản thị trường Trung Quốc Mặc dù chính quyền các địa phương có cửa khẩu xuất nhập khẩu với Trung Quốc như Lạng Sơn và Cao Bằng đã rất sát sao trong chỉ đạo điều hành công tác xuất nhập khẩu, tình trạng ùn ứ hàng hóa vẫn còn xảy ra. Điều này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt đến nông sản xuất khẩu. Chính vì vậy, trong các giải pháp nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, việc xây dựng khu trung chuyển hàng hóa tại hai thị trường trọng điểm, Lạng Sơn và Cao Bằng, được coi là giải pháp mang tính chất tháo bỏ “nút thắt” cho những khó khăn trong xuất khẩu nông sản hiện nay. Trong đó, cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) là một trong bốn cửa khẩu của Việt Nam được chọn để xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) trong tương lai là tuyến giao thông đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đi ASEAN. Do đó, việc xây dựng khu trung chuyển hàng hóa nông - lâm - thủy sản tại cửa khẩu Trà Lĩnh rất thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, thủy - hải sản của Việt Nam, dần hình thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, và rút ngắn được thời gian lưu thông hàng hóa, mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại biên giới. Điều này kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu, tránh việc hàng nông sản xuất khẩu bị ép cấp, ép giá, giảm chất lượng khi chờ thông quan xuất khẩu. Khu trung chuyển hàng hóa không chỉ có vai trò trong việc giải quyết ách tắc hàng hóa của các nước ASEAN, mà còn là khu vực để đóng gói, bảo quản hàng hóa, và đặc biệt là đám phán giá tốt nhất. Dự án khu trung chuyển hàng hóa này nhằm mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ, cung cấp những dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, góp phần gia tăng giá trị xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - hải sản. Ngoài những hiệu quả về mặt kinh tế, thương mại, dự án còn đóng góp lớn vào việc giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh biên giới, cũng như phát triển hoạt động thương mại biên giới. Tuy nhiên, việc triển khai dự án trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nông sản này cũng phải với đối mặt với không ít khó khăn, như là khả năng cân đối ngân sách địa phương để thực hiện dự án với số vốn 700 tỷ đồng rất khó, rất cần hỗ trợ về vốn ngân sách từ Trung ương, nhất là trong những hạng mục cơ bản như giải phóng mặt bằng, tái định cư, kho bãi, khu dịch vụ. Đồng thời, phải thống nhất nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cho phù hợp với các khu trung chuyển như khu kinh tế cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo hoạt động thương mại ổn định, hiệu quả. Ngoài ra, cần giải quyết các bất cập trong công tác quản lý, dự báo và định hướng của cơ quan nhà nước. Cần có cơ chế chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, nông sản hợp lý nhằm hạn chế phát sinh thiệt hại cho nông dân; đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản sau thu hoạch. Và từ phía bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cũng cần thay đổi phương thức kinh doanh, từ buôn bán hàng theo kiểu bạn hàng truyền thống kinh doanh tiểu ngạch, chuyển sang kinh doanh chính ngạch có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế, giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh giải pháp mang tính chất chiến lược kể trên, nhìn nhận từ góc độ vĩ mô quản lý nhà nước, chính phủ cần tạo thêm cơ chế, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam qua Trung Quốc thông qua các hợp đồng thương mại quốc tế, giúp đỡ các tỉnh biên giới khai thác hết tiềm năng giao dịch, phục vụ cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Cần xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tri thức hóa nền nông nghiệp 673
- Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn ngắn hạn và cả trung hạn. Cần phải tiếp tục ưu tiên đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp trong thời gian qua đã chứng tỏ được vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế của đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tham gia Hiệp định thương mại TPP, gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cho nông nghiệp, nhưng đây cũng là thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam, rất cần sự hỗ trợ của chính phủ để tận dụng cơ hội, cũng như vượt qua rào cản. Việc phân tích thực trạng xuất khẩu hàng nông sản của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã chỉ ra rằng việc coi trọng và phát triển thị trường Trung Quốc - cùng với thị trường các nước ASEAN, là những thị trường truyền thống của Việt Nam, vẫn là một chiến lược phù hợp. Thực tế này đã ủng hộ quan điểm kinh doanh quốc tế theo quá trình(Calof & Beamish 1995; Johanson & Vahlne 1977; Reid 1981). Đồng thời, tăng cường hỗ trợ của chính phủ thông qua việc xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa, thiết lập quan hệ thương mại quốc gia, làm cơ sở cho quan hệ đối tác doanh nghiệp, là một luận điểm phù hợp với quan điểm kinh doanh quốc tế dựa trên mạng lưới quan hệ (Bonaccorsi 1992; Davidsson & Honig 2003; Hoang & Antoncic 2003; Johanson & Vahlne 1990; Lindqvist 1988; Sharma & Johanson 1987). Và đặc biệt, vấn đề liên quan tới nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam - một rào cản lớn, hạn chế kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản giữa hai quốc gia - đã được phân tích cụ thể, làm rõ hơn quan điểm kinh doanh quốc tế dựa trên nguồn lực của doanh nghiệp (Ahokangas 1998; Carpenter, Sanders & Gregersen 2001; Castanias & Helfat 1991; Conner 1991; Daily, Certo & Dalton 2000; Mahoney & Pandian 1997; Montgomery & Wernerfelt 1997; Peng 2001; Ruzzier, Hisrich & Antoncic 2006; Sharma & Erramilli 2004). Ngoài ra, các rào cản mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phải đối mặt, cũng là những rào cản được xác định một cách rộng rãi bởi các chuyên gia và các nhà khoa học trên thế giới. Đó có thể là rào cản liên quan tới tiếp cận thị trường và phát triển hoạt động kinh doanh quốc tế, như là: (1) Nắm bắt và tận dụng thông tin thị trường (Czinkota & Ronkainen 2013; Katsikeas & Morgan 1994b; Leonidou 2004; OECD 2009; Welch & Wiedersheim-Paul 1980); (2) Tìm kiếm khách hàng và đối tác kinh doanh tin cậy (Leonidou 2004); (3) Cạnh tranh với đối thủ trong nước và quốc tế(Doole & Lowe 2012); (4) Tập kết, vận chuyển, và lưu chuyển hàng hóa (Albaum & Duerr 2008; Cateora, Gilly & Graham 2009; Leonidou 2004); (5) Định mức giá cạnh tranh, tránh bị ép giá (Doole & Lowe 2012; Leonidou 2004; Terpstra & Sarathy 2000); (6) Xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho hàng nông sản (Cateora, Gilly & Graham 2009); (7) Lựa chọn phương thức phân phối hàng nông sản hiệu quả (Terpstra & Sarathy 2000); (8) Sản xuất và chế biến hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao (Leonidou 2004; Terpstra & Sarathy 2000); (9) Nhận thức các chính sách khuyến khích hay hạn chế của chính phủ quốc gia nhập khẩu, và của Việt Nam (Albaum & Duerr 2008; Seringhaus & Rosson 1990) Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng có thể liên kết với các tổ chức đào tạo và các doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ phù hợp. Trong bài viết này, dựa trên những rào cản mà doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đang gặp phải đã xác định trên đây, một chương trình đào tạo tổng hợp được xây dựng và đưa ra như sau: 674
- Bảng 2: Chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp Việt Nam Chuyên đề 1: Kỹ năng tiếp cận thị trường xuất khẩu nông sản Trung Quốc Kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin xuất khẩu Kỹ năng tìm kiếm, nhận dạng, đánh giá độ tin cậy, và tiếp cận khách hàng và đối tác kinh doanh Kỹ năng đánh giá mức độ cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh Kỹ năng tập kết, vận chuyển, và lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu xuất khẩu Chuyên đề 2: Kỹ năng kinh doanh căn bản nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc Kỹ năng định mức giá cạnh tranh, và tránh bị ép giá Kỹ năng xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho hàng nông sản Kỹ năng lựa chọn phương thức phân phối hàng nông sản hiệu quả Kỹ năng sản xuất và chế biến hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao Kỹ năng nhận thức các chính sách khuyến khích hay hạn chế của chính phủ quốc gia nhập khẩu, và của Việt Nam 4. Kết luận Bắt đầu bằng việc nghiên cứu các khái niệm và lý thuyết liên quan tới kinh doanh quốc tế và rào cản trong xuất khẩu, bài viết phân tích các cản trở mà doanh nghiệp nông sản Việt Nam gặp phải trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dựa trên các rào cản được nhận diện và nhóm gộp, bài viết đã xây dựng chương trình đào tạo tổng hợp. Với chương trình đào tạo được đề xuất này, các cơ quan hữu quan có thể kết hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo phù hợp, nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là gợi ý cho chính phủ trong việc nhận diện các rào cản đang vướng phải của các doanh nghiệp, nhằm phát triển các chiến lược và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Với góc độ nghiên cứu từ các nước đang phát triển, bài viết đóng góp vào việc phát triển lĩnh vực nghiên cứu có liên quan đến quá trình kinh doanh quốc tế, cũng như những rào cản mà doanh nghiệp xuất khẩu cần vượt qua trong kinh doanh quốc tế. 675
- Tài liệu tham khảo 1. Ahokangas, P 1998, "Quốc tế hóa và các nguồn lực: nghiên cứu điển hình các doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Âu", Luận án Tiến sĩ, ĐH Wasaensis, Vaasa. 2. Albaum, GS & Duerr, E 2008, "Markeitng quốc tế và quản trị xuất khẩu", Financial Times Prentice Hall, Harlow. 3. Bilkey, WJ 1978, "Nghiên cứu lý thuyết liên quan tới hành vi xuất khẩu", Tạp chí Nghiên cứu kinh doanh quốc tế, tập 9, số 1, trang 33-46. 4. Bonaccorsi, A 1992, Nghiên cứu mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và tiềm năng xuất khẩu, Tạp chí Nghiên cứu kinh doanh quốc tế, tập 23, số 4, trang 605-635. 5. Calof, JL & Beamish, PW 1995, "Thích ứng với thị trường quốc tế: Giải thích quá trình quốc tế hóa", Tạp chí Tổng quan kinh doanh quốc tế, tập 4, số 2, tr. 115-131. 6. Carpenter, MA, Sanders, WG & Gregersen, HB 2001, "Phát triển nguồn nhân lực: Ảnh hưởng của kinh nghiệm kinh doanh quốc tế tới hiệu quả hoạt động của công ty đa quốc gia & mức lương của CEO", Tạp chí Quản lý l, tập 44, số 3, tr. 493-511. 7. Castanias, RP & Helfat, CE 1991, "Nguồn lực quản trị doanh nghiệp", Tạp chí Quản lý, tập 17, số 1, tr. 155-171. 8. Cateora, PR, Gilly, MC & Graham, JL 2009, "Marketing quốc tế", McGraw-Hill Irwin, Boston. 9. Chetty, S & Campbell-Hunt, C 2003, "Những phương thức quốc tế hóa của DNNVV", Tạp chí Marketing châu Âu, tập 37, số 5/6, tr. 796-820. 10. Conner, KR 1991, "So sánh quan điểm kinh doanh quốc tế theo nguồn lực & các quan điểm khác", Tạp chí Quản lý, tập 17, số 1, tr. 121-154. 11. Czinkota, MR & Ronkainen, IA 2013, "Marketing quốc tế", South-Western Cengage Learning Mason, Ohio. 12. Daily, CM, Certo, ST & Dalton, DR 2000, "Kinh nghiệm kinh doanh quốc tế dẫn đến thành công", Tạp chí Quản trị chiến lược, tập 21, số 4, tr. 515-523. 13. Davidsson, P & Honig, B 2003, "Vai trò của nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp mới", Tạp chí Đầu tư, tập 18, số 3, tr. 301-331. 14. Doole, I & Lowe, R 2012, "Phân tích chiến lược marketing quốc tế" Cengage Learning, Andover. 15. Fletcher, D 2004, "Quản trị kinh doanh quốc tế và các doanh nghiệp nhỏ", Tạp chí Phát triển doanh nghiệp địa phương, tập 16, số. 4, tr. 289-305. 16. Hoang, H & Antoncic, B 2003, "Nghiên cứu quản trị dựa trên các mối quan hệ", Tạp chí Đầu tư, tập 18, số 2, tr. 165-187. 17. Johanson, J & Vahlne, J-E 1977, "Quá trình kinh doanh quốc tế của doanh nghiệp: Mô hình phát triển kiến thức và cam kết thị trường", Tạp chí Nghiên cứu kinh doanh quốc tế số Xuân/Hè, tr. 23-32. 676
- 18. Johanson, J & Vahlne, J-E 1990, "Cơ chế kinh doanh quốc tế", Tạp chí Marketing quốc tế, tập 7, số 4, tr. 11-24. 19. Kahiya, ET 2013, "Rào cản xuất khẩu: so sánh doanh nghiệp mới và doanh nghiệp thâm niên trong xuất khẩu", Tạp chí Quản trị quốc tế, tập 11, tr. 3-29. 20. Karabulut, AT 2013, "Quá trình quốc tế hóa của các DNNVV Thổ Nhĩ Kỳ", Tạp chí Quản trị kinh doanh quốc tế, tập 8, số 6, tr. 68-88. 21. Katsikeas, CS & Morgan, RE 1994, "Các quan niệm khác nhau về rào cản trong xuất khẩu dựa trên quy mô doanh nghiệp và kinh nghiệm thị trường", Tạp chí Marketing châu Âu, tập 28, số 5, tr. 17-35. 22. Leonidou, LC 2004, "Nghiên cứu các rào cản xuất khẩu của doanh nghiệp", Tạp chí Quản trị doanh nghiệp nhỏ, tập 42, số 3, tr. 279-302. 23. Lindqvist, M 1988, "Quốc tế hóa các doanh nghiệp công nghệ thông tin Thụy Sĩ", Trường Kinh Tế Stockholm, Khoa Kinh Doanh Quốc Tế, Stockholm. 24. Mahoney, JT & Pandian, JR 1997, "Quan điểm quản trị chiến lược gắn liền với nguồn lực", NXB ĐH Oxford, Oxford. 25. Montgomery, CA & Wernerfelt, B 1997, "Đa dạng hóa và nguồn lực", NXB ĐH Oxford , Oxford and New York. 26. Morgan, RE & Katsikeas, CS 1997a, "'Rào cản trong triển khai và mở rộng hoạt động xuất khẩu", Tạp chí Omega, tập 25, số 6, tr. 677-690. 27. Nhà xuất bản Thống kê, 2014 Niên giám thống kê 2014 28. O’Farrell, PN, Wood, PA & Zheng, J 1998, "Kinh doanh quốc tế các doanh nghiệp dịch vụ", Tạp chí Kinh doanh quốc tế cho doanh nghiệp nhỏ, tập 16, số 2, tr. 13-33. 29. OECD 2009, "Các rào cản chủ yếu trong kinh doanh quốc tế", OECD 30. Paunović, Z & Prebežac, D 2010, "Kinh doanh quốc tế các DNNVV", Tạp chí Quốc tế hóa DNNVV., tập 22, số 1, tr. 57-76. 31. Peng, MW 2001, "Quan điểm kinh doanh quốc tế dựa trên nguồn lực", Tạp chí Quản trị, tập 27, tr. 803-829. 32. Reid, SD 1981, "Ra quyết định xâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế", Tạp chí Kinh doanh quốc tế, tập 12, số. 2, Fall 81, tr. 101-112. 33. Ruzzier, M, Hisrich, RD & Antoncic, B 2006, "Nghiên cứu quá trình kinh doanh quốc tế của DNNVV", Tạp chí Phát triển doanh nghiệp nhỏ, tập 13, số 4, tr. 476-497. 34. Seringhaus, FHR & Rosson, PJ 1990, "Chiến lược hỗ trợ của chính phủ cho xuất khẩu" Routledge, London. 35. Sharma, DD & Johanson, J 1987, "Hỗ trợ kỹ thuật trong kinh doanh quốc tế", Tạp chí Marketing quốc tế, tập 4, số 4, tr. 20-29. 36. Sharma, VM & Erramilli, MK 2004, "Quan điểm kinh doanh quốc tế dựa trên nguồn lực", Tạp chí Lý thuyết và thực trạng marketing, tập 12, số 1, tr. 1-18. 677
- 37. Szabo, A 2002, "Kinh doanh quốc tế của DNNNVV", Tạp chí Phát triển chủ doanh nghiệp nhỏ, UNECE. 38. Terpstra, V & Sarathy, R 2000, "Marketing quốc tế", Dryden Press, Fort Worth. 39. Vozikis, GS & Mescon, TS 1985, "Các giai đoạn phát triển kinh doanh quốc tế", Tạp chí Nghiên cứu doanh nghiệp nhỏ Mỹ, tập 10, số 1, tr. 49-64. 40. Welch, LS & Wiedersheim-Paul, F 1980, "Các lỗi marketing trong giai đoạn đầu xuất khẩu", Tạp chí Quản lý, tập. 17, số. 3, tr. 333-334. 678