Những bất cập về thể chế kinh tế-rào cản của chủ trương sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

pdf 10 trang Gia Huy 19/05/2022 3370
Bạn đang xem tài liệu "Những bất cập về thể chế kinh tế-rào cản của chủ trương sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_bat_cap_ve_the_che_kinh_te_rao_can_cua_chu_truong_som.pdf

Nội dung text: Những bất cập về thể chế kinh tế-rào cản của chủ trương sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

  1. NHỮNG BẤT CẬP VỀ THỂ CHẾ KINH TẾ-RÀO CẢN CỦA CHỦ TRƯƠNG SỚM ĐƯA NƯỚC TA TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI GS.TSKH Lê. Du Phong Hội khoa học Kinh tế Việt Nam I- Những bất cập của thể chế kinh tế Việt Nam hiện nay. Chủ trương xây dựng Việt Nam “ thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại” đã được Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII ( 1996) ( Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2005, trang 466) và Đảng cũng khẳng định rằng đến năm 2020 phải cơ bản thực hiện được mục tiêu này : “Đẩy mạnh CNH-HĐH theo hướng XHCN, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp” ( Văn kiện Đại hội IX (2001), sách đã dẫn, trang 750). Sau 15 năm thực hiện chủ trương được đề ra từ Đại hội VIII, thấy việc trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 đối với Việt Nam là khó thành hiện thực, Đại hội Đảng lần thứ XI ( 2011 ) đã điều chỉnh lại là “ Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. ( Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2012, trang 103). Tuy nhiên, đến Đại hội Đảng lần thứ XII ( 2016), nhận thấy mục tiêu “ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” là không thể thực hiện được, nên Đại hội đã sửa lại là “ Sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Vấn đề đặt ra là: Vì sao một số nước và vùng lãnh thổ, chỉ sau hơn 20 năm phát triển họ đã trở thành nước công nghiệp hiện đại, còn ta cũng chừng ấy thời gian mà vẫn phải phấn đấu để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại? ( cần nhớ rằng “sớm” là một khoảng thời gian rất khó lường và “ theo hướng hiện đại thì rất khác so với hiện đại”). Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình hình trên của Việt Nam, song theo Tôi, những bất cập về thể chế kinh tế là rào cản lớn nhất. “ Thể chế kinh tế, có thể hiểu, đó là “ luật chơi chính thức và phi chính thức được Nhà nước và Cộng đồng đặt ra đối với các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế”của một quốc gia, trong một giai đoạn nhất định. Trong phạm vi bài viết này Tôi không đề cập đến “luật chơi phi chính thức” do cộng đồng đặt ra, thì có thể thấy thể chế kinh tế gồm các bộ phận cấu thành sau đây: 158
  2. i)-Hệ thống Luật pháp và Chính sách của Nhà nước về kinh tế ( gồm cả các Bộ luật, Luật, Pháp lệnh, cũng như các văn bản dưới Luật). ii)-Hệ thống các Cơ quan tổ chức triển khai thực hiện hệ thống Luật pháp và Chính sách về kinh tế ( Bao gồm Bộ máy tổ chức thực hiện, cơ chế thực hiện và tinh thần-thái độ-trách nhiệm của đội ngũ công chức thực thi công vụ). iii)-Các quy định của Nhà nước về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể, cũng như trình độ và ý thức của họ khi tham gia hoạt động trong nền kinh tế. Xét trên cả ba phương diện đó, có thể thấy những bất cập đang nổi lên và trở thành rào cản của chủ trương sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là: 1-Những bất cập bắt nguồn từ hệ thống Luật pháp và Chính sách của Nhà nước: Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là từ khi thực hiện Chủ trương “xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp”(1996) đến nay, hệ thống Luật pháp và Chính sách về kinh tế đã luôn được Nhà nước quan tâm xây dựng, đổi mới, sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế nước nhà và với các thông lệ của quốc tế. Mặc dù vậy, hiện tại hệ thống Luật pháp và Chính sách của Việt Nam vẫn còn khá nhiều bất cập, trong đó đáng quan tâm là: i)-Chất lượng của các Luật và Chính sách được ban hành còn thấp, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên, gây khó khăn không chỉ cho các doanh nghiệp và người dân trong việc chấp hành các quy định do Luật và Chính sách đưa ra, mà còn rất khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế trong việc tổ chức triển khai thực hiện các Luật và Chính sách đó. Luật và Chinh sách về đất đai là một điển hình. Luật Đất đai mới được ban hành năm 1993, năm 1998 phải sửa, năm 2001 tiếp tục sửa, rồi ban hành Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013. Mặt dù vậy, đất đai vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay. Tham nhũng lớn nhất, thuận lợi nhất, béo bở nhất vẫn là tham nhũng đất đai. Một năm cả nước có hơn 200 ngàn đơn, thư khiếu kiện gửi cho các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, thì hơn 2/3 là có liên quan đến đất đai. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cũng vậy: Luật năm 1990, sửa đổi năm 1995, Luật 1998, sửa đổi năm 2003 và năm 2005, Luật năm 2008, sửa đổi năm 2014.v.v. ii)-Nhiều quy định của Luật và Chính sách mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc không phù hợp, do đó rất khó triển khai thực thi trong thực tiễn, chẳng hạn: +Theo Luật Đầu tư, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu Nhà đầu tư phải nộp quyết định “Đánh giá tác động môi trường”, nhưng Luật Bảo vệ môi trường lại quy định quyết định phê duyệt báo cáo về “ Đánh giá tác động môi trường” là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ đầu tư dự án. 159
  3. + Luật Phá sản là Luật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, thua lỗ có cơ hội rút khỏi thị trường một cách trật tự, góp phần tái phân phối tài sản, thúc đẩy lưu thông vốn trong nền kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động và chủ nợ. Thế nhưng trong vòng 9 năm kể từ Luật Phá sản 2004 ( Luật đầu tiên là năm 1993) đến năm 2013, số doanh nghiệp không còn sản xuất-kinh doanh cần được giải thể là 140.000 doanh nghiệp, song do bất cập về pháp lý, nên chỉ mới giải quyết được có 336 doanh nghiệp + Nông nghiệp ( theo nghĩa rộng) hiện vẫn là ngành sản xuất rộng lớn và có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế-xã hội Việt Nam. Năm 2017 khu vực này vẫn còn 8,58 triệu hộ đang hoạt động sản xuất ( chiếm 53% tổng số hộ trong nông thôn) với 21,56 triệu lao động ( chiếm 40,15% lực lượng lao động của toàn xã hội) và đóng góp 15,34% GDP cho nền kinh tế. Nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều Chính sách nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển, Điển hình là năm 2013 Chính phủ đã có Nghị định 210 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đến năm 2018 thay Nghị định 210 bằng Nghị định 57 với nhiều ưu đãi, khuyến khích hơn. Nhưng do Chính sách vẫn chưa đồng bộ ( nhất là sự phối hợp giữa các Bộ-Ngành) nên các doanh nghiệp vẫn chưa thật mặn mà với khu vực sản xuất rộng lớn này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố( Niên giám Thống kê năm 2017), đến ngày 31`/12/2016 số doanh nghiệp thuộc khu vực nông nghiệp là 4.447 doanh nghiệp, chiếm 0,88% số doanh nghiệp của cả nước( 4.447/505.054). Còn theo báo cáo của Bộ kế Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị về Nông nghiệp ở Lâm Đồng ngày 30/7/2018 thì hiện có 7.600 doanh nghiệp đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 1,35% tổng số doanh nghiệp cả nước có đến 31/12/2017 ( 7.600/561.064). Hay Nghị định 67, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu có công suất lớn để vừa đánh bắt hải sản xa bờ vừa góp phần bảo vệ biển đảo của tổ quốc, là một Chính sách rất đúng. Nhưng do Chính sách đưa ra thiếu đồng bộ ( giữa người dân-Ngành nông nghiệp, Ngành ngân hàng, Ngành công nghiệp đóng tàu, Ngành Bảo hiểm ) nên việc thực hiện Chính sách rất khó khăn, Đến 31/12/2017 cả nước đóng được 301 tàu võ thép, thì có đến 40 chiếc bị hư hỏng ( Bình Định 19 chiếc, Thanh Hóa 18 chiếc, Phú Yên 2 chiếc, Quảng Nam 1 chiếc). Những ngư dân có tàu hư hỏng này đã hết sức khốn đốn trong việc trả nợ ( đầu tư cho 1 tàu từ 15-20 tỷ đồng) và sửa chữa tàu. 2-Những bất cập bắt nguồn từ các Cơ quan tổ chức triển khai thực hiện hệ thống Luật pháp và Chính sách về kinh tế của Nhà nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế trong những năm qua, đặc biệt là trong vài năm gần đây, cũng đã được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng gọn hơn về tổ chức và nhân sự; mở rộng hơn việc ứng dụng các công cụ quản lý hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin; cắt giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết và nâng cao 160
  4. tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ công chức. Mặt dù vậy, Bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế của nước ta hiện tại vẫn còn rất nhiều bất cập và những bất cấp đó là những rào cản không nhỏ đối với chủ trương sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Dưới đây là những biểu hiện quan trọng. i)-Bộ máy quản lý Nhà nước quá cồng kềnh và sự phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, minh bạch. Chúng ta có Quốc hội, Chính phủ, 23 Bộ và Cơ quan ngang Bộ, có HĐND và UBND của 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; HĐND và UBND của 645 đơn vị hành chính cấp thị xã, quận và huyện; có HĐND và UBND của 11.162 đơn vị hành chính cấp thị trấn, phường và xã ( Niên giám Thống kê năm 2017) với tổng số công chức và viên chức khoảng 2,8 triệu người.( Trong khi nước Mỹ có diện tích lớn gấp 30 lần nước ta, dân số nhiều hơn 3,5 lần, thì bộ máy của họ chỉ có 2,1 triệu người). Bộ máy lớn như vậy, nhưng phân cấp, phân quyền không rõ ràng, minh bạch, nên có những việc cấp dưới đẩy lên cấp trên hoặc ngược lại, chẳng cấp nào chịu giải quyết. Mọi nổi khổ cuối cùng đều rơi vào doanh nghiệp và người dân. Việc mới đây Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ kiện tranh chấp đất đai kéo dài 20 năm ở huyện Bình Chánh trong 1 giờ, hay Thanh tra Chính phủ xử lý vụ khiếu nại liên quan đến dự án treo suốt 14 năm ở Đồng Nai cũng chỉ trong 1 giờ là những minh chứng rất rõ về việc này. Cơ chế quản lý các dòng sông là một điển hình về sự không rõ ràng, không minh bạch của phân quyền. Nạo vét lòng sông giao Bộ Giao thông-Vận tải phụ trách; Nước của sông giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách; còn tài nguyên của sông do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Khi có việc xảy ra trên sông anh nọ chờ anh kia, chẳng ai chịu trách nhiệm cả. ii)-Cơ chế quản lý nền kinh tế do Bộ máy quản lý Nhà nước đưa ra quá phức tạp, gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia hoạt động trong nền kinh tế. Với Bộ máy quản lý như nêu ở trên, ước tính cả nước ta có khoảng 23.000 đầu mối các Cơ quan có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh tế. Điều này cho thấy, số lượng các thủ tục hành chính doanh nghiệp và người dân phải tiếp cận trong quá trình tham gia hoạt động trong nền kinh tế là vô cùng lớn. Điều đáng chú ý là rất nhiều văn bản do các Bộ-Ngành-Địa phương ban hành còn trái pháp luật. “ Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật. Đáng chú ý, qua kiểm tra văn bản do các Bộ-Ngành-Địa phương ban hành, Bộ Tư pháp đã phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật ( 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản; gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phậm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật).” ( Báo Vieetjnam Nét, ngày 7/8/2018). 161
  5. Theo Bộ trưởng Mai Chí Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ( tại cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính ngày 21/7/2017 thì, chỉ riêng xuất khẩu hàng hóa, hiện vẫn còn 5.917 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các Bộ tại các cửa khẩu, và theo công bố của Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì có tới 100.000 mặt hàng xuất khẩu phải chịu kiểm tra chuyên ngành như vậy. iii)-Đội ngũ công chức thực thi công vụ của Bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế, về năng lực, trách nhiệm thì hạn chế, yếu kém, nhưng sự nhũng nhiễu và tham nhũng lại đạt trình độ khá cao. Thực ra, về bằng cấp thì đội ngủ công chức của Việt Nam đạt rất cao. Theo số liệu được công bố, năm 2017 Việt Nam có 24.300 Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học, Trong đó 16.514 người là giảng viên của các trường Đại học ( 235 trường). Riêng tại các cơ quan của 16 Bộ, 4 Cơ quan ngang Bộ, 8 Cơ quan trực thuộc Chính phủ ( không kể Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) có tới 1.283 Tiến sĩ. Như vậy, tính bình quân một trường Đại học chỉ có 70 Tiến sĩ ( thực tiễn nhiều trường không đạt con số này, chẳng hạn Đại học Nông-Lâm thành phố Hồ Chí Minh năm học 2014-2015 chỉ có 47 Tiến sĩ, hay Đại học Tây nguyên chỉ có 25 Tiến sĩ ) Trong khi đó bình quân một cơ quan của Chính phủ có tới 46 Tiến sĩ. Khó có quốc gia nào trên thế giới đạt con số này. Bằng cấp thì như vậy, nhưng năng lực và trách nhiệm giải quyết công việc thì không tương xứng. Hiện nay, ở các địa phương, dường như nhiều việc xảy ra có liên quan đến doanh nghiệp và người dân, cũng như đến trật tự-an toàn xã hội ( có những việc rất nghiêm trọng), nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước không biết. Khi sự việc được người dân và các cơ quan thông tin đại chúng nêu ra, cơ quan cấp trên hỏi, các cơ quan cấp dưới đều có một câu trả lời rất giống nhau là: “ không thấy, không biết, không được báo cáo”, mặc dù những sự việc đó xảy ra cách trụ sở của các cơ quan này chỉ vài trăm mét. Vụ lâm tặc phá rừng ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định là một điển hình. Lâm tặc mang máy móc hạng nặng vào làm đường, dùng máy cưa loại lớn chặt phá rừng, cưa-xẻ gỗ, sau đó dùng ô tô vận tải chở gỗ đi tiêu thụ, hơn 60 ha rừng bị tàn phá trong một thời gian vài chục ngày, thế mà các cơ quan quản lý ở địa phương từ thôn, xã, huyện, cho đến kiểm lâm đều nói không biết. Hay việc khai thác cát ở Bình Thuận, khai thác đá ở Hòa Bình mà VTV1 đã đưa trong tháng 7/2018 cũng trong tình trạng như vậy. Thật khó lý giải về năng lực và trách nhiệm của đội ngũ công chức hiện nay. Về nhũng nhiễu và tham nhũng, thì phát biểu của bà Nguyễn Thị Doan- Nguyên Phó Chủ tịch nước “ Họ ăn không từ thứ gì”, hay vụ 3 Tướng Quân đội, 10 Tướng Công an, 2 Bộ trưởng và Nguyên Bộ trưởng bị kỷ luật vì có liên quan đến tham nhũng, cũng như những sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia mới đây tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình (và chắc là còn ở nhiều tỉnh khác nữa) là những minh chứng hết sức rõ ràng. 162
  6. 3-Những bất cập bắt nguồn từ những quy định về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể -cũng như ý thức của các chủ thể khi tham gia hoạt động trong nền kinh tế. i)-Chính sách phân biệt đối xử đối với các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam tuy có được sửa đổi, điều chỉnh qua từng thời kỳ, song phải nói là rất chậm. Điều này đã tạo ra nhiều rào cản đối với sự phát triển của từng chủ thể kinh tế nói riêng, của cả nền kinh tế nói chung. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) được coi là “ mở màn cho sự đổi mới” thì vẫn xác định kinh tế tư nhân là “ kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, cần được tiếp tục cải tạo”. Mãi `10 năm sau, năm 1996, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII mới thừa nhận “kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, chỉ là bộ phận thứ yếu, vì “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Rồi 15 năm sau, năm 2011 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI mới thừa nhận “ Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế.” Đại hôi XII “ là một trong những động lực quan trọng” và đến tháng 5/2017 thì có nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về “ phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng”. Mặc dự vậy, trong thực tiễn sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế vẫn tồn tại khá phổ biến và nghiêm trọng: +Trong khi các doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ( chiếm tới 96% số doanh nghiệp của cả nước) vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn lực đất đai ( để làm mặt bằng sản xuất-kinh doanh) thì Formosa được thuê tới 3.300 ha ( cả mặt nước) trong thời hạn 70 năm với giá 90 tỷ đồng ( cho cả thời hạn thuê). Tính ra tiền thuê 1 m2 đất/năm của họ chỉ có 40 VNĐ ( bằng 1/50 của một cốc nước chè-40/2.000). +Trên 400.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước năm 2016 chỉ được miễn, giảm 10.278 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi đó khoảng 10.000 doanh nghiệp FDI lại được miễn, giảm tới 35.357 tỷ đồng, trong đó riêng các Công ty của Samsung là 20.189 tỷ đồng ( mặc dù họ đã được rất nhiều ưu đãi khác khi thành lập rồi). +Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ: Đạm Ninh Bình 12.000 tỷ, Gang thép Thái Nguyên 8.104 tỷ, Xơ sợi Đình Vũ 7.000 tỷ.v.v. nhưng họ vẫn được ưu đãi hơn rất nhiều so với kinh tế tư nhân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn lực đất đai, khoáng sản, tín dụng VCCI đã có những điều tra khá cụ thể về vấn đề này) 163
  7. ii)-Những bất cập phát sinh từ trình độ, ý thức của các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, trình độ và ý thức của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là khá yếu- kém. Nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh ( kể cả tiểu thương và nông dân) vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp tất cả: Không tuân thủ Luật pháp, lách luật, trốn thuế, lậu thuế, buôn lậu, lừa đảo ( dưới nhiều hình thức, từ xuất khẩu lao động, cho đến tín dụng, bán hàng đa cấp, thậm chí buôn người ), làm hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại, có ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến sinh mạng của người tiêu dùng.v.v. rồi đến khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi( đất, đá, cát, rừng, khoáng sản.v.v) và gây ô nhiễm môi trường ( rác thải, nước thải, hóa chất.v.v). Những hành vi này đã làm méo mó, thậm chí làm hỗn loạn sự vận động của nền kinh tế. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp năm 2016 là 74.000 tỷ động, năm 2017 ( tính đến 31/12) là 73.145 tỷ đồng, hay việc sản xuất và bán thuốc ung thư làm từ than tre của Công ty Vinaca Hải Phòng, việc lừa đảo của các công ty bán hàng đa cấp, việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, tẩy rửa bạch tuộc của tiểu thương chợ đầu mối Long Biên-Hà Nội, việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc trừ sâu trong trồng trọt, thuốc tăng trọng trong chăn nuôi của nông dân nhiều địa phương mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập trong thời gian gần đây đã cho thấy phần nào thực trạng trên (theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện Việt Nam đang có 1.700 loại thuốc bảo vệ thực vật với 4080 thương phẩm khác nhau được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp-năm 2017 Việt Nam đã bỏ ra 978 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu). Có thể nói, những bất cập nêu trên là những rào cản không nhỏ đối với chủ trương sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại của Đảng. Điều đáng nói là, các rào cản về Luật pháp, Chính sách, về tổ chức và cơ chế quản lý của bộ máy Nhà nước dù có nặng nề, phức tạp đến đâu, cũng có thể sửa được và thời gian sửa không lâu. Song tạo ra được ý thức tốt, mang tính chuẩn mực của một xã hội văn minh, hiện đại cho đội ngũ doanh nhân và người dân trong hoạt động sản xuất- kinh doanh là điều không dễ, phải có thời gian, thậm chí phải mất một vài thế hệ mới làm được. II-Một số giải pháp chủ yếu khắc phục các bất cập, tháo dỡ các rào cản, tạo điều kiện để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại Để khắc phục các bất cập, tháo dỡ các rào cản, tạo điều kiện sớm đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần thực hiện một cách đồng bộ, kiên quyết nhiều giải pháp ( có liên quan đến thể chế chính trị lẫn thể chế kinh tế), trong đó đáng chú ý là các giải pháp sau đây: 164
  8. 1-Cần tập trung sự nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ vào việc nâng cao nhanh chất lượng của hệ thống Luật pháp và Chính sách có liên quan đến kinh tế, nhằm tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, hội nhập, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trong nền kinh tế hoạt động thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Để làm được điều này, Tôi cho rằng: i)-Nên tổ chức lại Quốc hội theo hướng tăng các đại biểu chuyên trách và các đại biểu có chuyên môn sâu về luật pháp và về kinh tế, giảm bớt các đại biểu là quan chức của Đảng, Chính quyền các cấp. Các đại biểu Quốc hội phải thực sự là tinh hoa trí tuệ của đất nước, có đủ năng lực xây dựng hệ thống luật pháp của nước nhà và quyết định những vấn đề trọng đại có liên quan đến sự sống còn của đất nước. ii)-Việc xây dựng Luật và các Chính sách lớn không nên giao cho các Bộ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối như hiện nay, mà nên giao cho một cơ quan ( của Quốc hội hoặc Chính phủ) chủ trì để tập hợp các chuyên gia am hiểu( về kinh tế và luật có liên quan) thực hiện việc soạn thảo( khi Luật và Chính sách được ban hành nhóm này sẽ giải thể). Đối với các Luật và Chính sách kinh tế thông dụng nên tham khảo của các nước có nền kinh tế phát triển, từ đó chỉnh sửa cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam rồi đưa vào áp dụng, không phải tốn công sức, tiền của cho việc soạn mới. 2-Tập trung cao độ cho việc xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước các cấp theo tinh thần “ Nhà nước kiến tạo, hành động và minh bạch”. Để làm được việc này, theo Tôi, cần: i)-Thực hiện nghiêm túc việc tinh giảm bộ máy quản lý Nhà nước các cấp: Giảm cả các đầu mối (các Bộ-các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, các Quận, Huyện và các Xã-Phường), và giảm cả cán bộ ( nhất là cấp phó), công chức trong từng đầu mối cụ thể. Kiên quyết loại bỏ những đầu mối không thực sự cần thiết, cũng như kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đủ năng lực và phẩm chất. ii)-Đổi mới căn bản cơ chế tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ công chức. Tuyển chọn công khai, minh bạch, bảo đảm chọn được những người thực sự có tài và có đức vào làm việc trong bộ máy quản lý Nhà nước các cấp. Sử dụng đúng người, đúng việc, đúng trình độ và năng lực. Đãi ngộ thỏa đáng, tiền lương bảo đảm cho công chức nuôi được bản thân và gia đình của họ ở mức trung lưu của xã hội, làm cho họ không cần và không muốn tham nhũng. Còn cơ chế quản lý phải bảo đảm cho công chức không thể tham nhũng được. 3-Tập trung tuyên truyền, giáo dục ý thức tôn trọng Luật pháp và ý thức trách nhiệm đối vơi cộng đồng, với đất nước cho đội ngũ doanh nhân và người dân tham gia hoạt động trong nền kinh tế. Về vấn đề này, Tôi cho rằng nên mạnh dạn từ bỏ lối tuyên truyền, giáo dục mang tính hình thức và xa rời thực tế lâu nay chúng ta vẫn áp dụng, đó là: giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; xây dựng con 165
  9. người mới xã hội chủ nghĩa văn minh, thanh lịch; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thôn, bản văn hóa.v.v. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, Tôi cho rằng điều quan trọng nhất cần phải giáo dục cho đội ngũ doanh nhân và người dân là ý thức tôn trọng Luật pháp và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, với đất nước. Tất nhiên, muốn cho doanh nhân và người dân có ý thức về những vấn đề nêu trên và ý thức đó thực sự trở thành hành động “tự giác”thường xuyên của họ trong cuộc sống, thì trước tiên Nhà nước phải có chế tài xử phạt hết sức nghiêm khắc đối với những người vi phạm các quy định của Luật pháp. Chẳng hạn, việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm; việc sản xuất và lưu hành các loại thuốc giả; việc xả các loại chất độc ra môi trường, nhất là môi trường nước.v.v. không thể xử phát hành chính được. Tất cả những hành vi đó phải được xem là tội cố ý giết người và quy về khung hình phát này để xử lý. Chừng nào chúng ta còn thực hiện việc giáo dục đạo lý một cách chung chung, còn xử lý các vi phạm có liên quan đến sức khỏe và mạng sống của con người một cách hời hợt, mang tính nữa vời, thì chắc chắn chúng ta chưa thể có nền kinh tế thị trường văn minh, hiện đại được và đương nhiên không thể sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được. 166
  10. DANH MỰC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2005. 2- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, HN 2011. 3- Đảng cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5 ( khóa XII) “ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng cuẩ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” Báo Hà Nội mới ngày 7/6/2017. 4- Lê Du Phong-Lê Huỳnh Mai : Tháo gỡ các rào cản về thể chế kinh tế, đòi hỏi bức xúc của phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay. Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia “Thể chế kinh tế và rào cản của thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam”. Nxb Đại học KTQD, HN-2017 167