Những giá trị văn hóa - lịch sử của hệ thống Văn Thánh – Khổng Miếu ở Quảng Nam
Bạn đang xem tài liệu "Những giá trị văn hóa - lịch sử của hệ thống Văn Thánh – Khổng Miếu ở Quảng Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- nhung_gia_tri_van_hoa_lich_su_cua_he_thong_van_thanh_khong_m.pdf
Nội dung text: Những giá trị văn hóa - lịch sử của hệ thống Văn Thánh – Khổng Miếu ở Quảng Nam
- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ CỦA HỆ THỐNG VĂN THÁNH – KHỔNG MIẾU Ở QUẢNG NAM Nguyễn Thị Vĩnh Linh1 Tóm tắt: Văn thánh - Khổng miếu là một trong những công trình nổi bật nhất mà người Quảng Nam xưa đã xây dựng để tôn vinh nền Nho học thịnh trị đương thời. Đây không chỉ là kiến trúc biểu trưng cho truyền thống khoa bảng, hiếu học của người xứ Quảng, mà còn là biểu tượng có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ trẻ Quảng Nam hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều Văn thánh đang bị xuống cấp nghiêm trọng, bị bỏ hoang và đang dần trở thành phế tích. Vì thế, thông qua bài nghiên cứu này, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu những đặc trưng văn hóa của tám Văn thánh - Khổng miếu hiệu còn được lưu giữ trên đất Quảng Nam gồm: Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ, Khổng miếu Hội An, Văn chỉ Minh Hương, Văn thánh Cẩm Phô, Văn thánh miếu Đại Lộc, Văn thánh miếu Duy Xuyên, Văn từ phủ Điện Bàn, Văn thánh Hà Lam. Bằng phương pháp nghiên cứu đối sánh, bài nghiên cứu góp phần phục dựng các giá trị văn hóa - lịch sử của hệ thống Văn thánh này trên những phương diện chính: thời gian tạo lập, bố cục không gian kiến trúc, nguồn tư liệu văn bia Từ khóa: Văn hóa, Văn thánh, Khổng miếu, Quảng Nam. 1. Mở đầu Trong làng xã Quảng Nam xưa cùng với việc khuyến khích học tập thì việc thờ Khổng Tử, các tiên hiền và các bậc khoa cử đỗ đạt của làng luôn được coi trọng. Việc thờ tự này được tiến hành ở các văn từ, văn chỉ (hay còn gọi là Văn thánh, Khổng miếu). Hàng năm tại các Văn thánh có hai lần tế: xuân tế và thu tế, đến ngày sinh của Khổng Tử thì dân làng tổ chức làm lễ tạ. Năm nào có khoa thi thì sĩ tử trong làng đến cúng bái tại Văn thánh gọi là lễ từ khoa. Cũng có nơi cả làng đều tham gia lễ từ khoa để cầu mong cho làng mình được nhiều người đỗ đạt. Sau khi đỗ đạt các tân khoa được làm lễ vinh qui và đến bái tạ tại Văn thánh của địa phương. Trong làng nhà nào có con đi học thì đến nhà thầy đồ cùng với đồ lễ và được thầy đồ dẫn đến Văn thánh để làm lễ xin được học đạo thánh. Vì thế, đây là một công trình tiêu biểu cho truyền thống khoa bảng, hiếu học của người xứ Quảng. 2. Nội dung 2.1. Thời gian xây dựng Theo thống kê, hiện nay trong toàn tỉnh Quảng Nam còn dấu tích của 8 Văn thánh gồm: Văn thánh - Khổng miếu Tam Kỳ (trước đây là Văn thánh Chiên Đàn), Khổng 1. TS. Khoa Kinh tế - Du lịch, trường Đại học Quảng Nam. 46
- Nguyễn Thị Vĩnh Linh miếu Hội An (trước đây là Văn miếu Thanh Chiêm), Văn chỉ Minh Hương (Văn thánh miếu Minh Hương), Văn thánh Cẩm Phô (Văn thánh miếu Cẩm Phô), Văn thánh miếu Đại Lộc, Văn thánh miếu Duy Xuyên (Văn miếu Duy An), Văn từ phủ Điện Bàn (trước đây là Văn thánh huyện Diên Phước), Văn thánh Hà Lam (Văn thánh Thăng Bình). Về mặt thời gian, nhìn chung, các Văn thánh trên đất Quảng Nam đều ra đời dưới thời Nguyễn. Điều này được lý giải một phần do sự tôn vinh Nho học của các vua Nguyễn. Có thể nói, trong giai đoạn cầm quyền của mình, vương triều Nguyễn đã dùng Nho học làm phương tiện trợ giúp đắc lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn đất nước. Vì thế, từ kinh đô đến địa phương đều xây dựng Văn thánh như một biểu tượng thịnh trị của nền Nho học đương thời. Tuy nhiên, ở Quảng Nam, do những biến đổi của điều kiện lịch sử nên phần lớn các Văn thánh đều phải di dời và trùng tu lại nhiều lần. Trong đó, Khổng miếu Hội An là công trình được xây dựng đầu tiên: “Văn miếu ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, kính thờ Tiên Sư Khổng Tử. Qui chế: nhà chính 3 gian hai chái và nhà trước 5 gian. Hồi đầu Bản triều, miếu ở phía tây xã Câu Nhi trong hạt huyện, khoảng đời Gia Long bị nước sông xói lở, dời đến phía đông xã ấy; lại bị nước sông xói lở, năm Minh Mệnh thứ 16 dời đến chỗ hiện nay” [2; tr.62]. Và đến “Năm Đồng Khánh (Ất Dậu 1886), quân Pháp đến đánh Quảng Nam, đốt đi, đến năm Canh Dần, Thành Thái thứ 2 (1891) tỉnh Quảng Nam tư về Bộ trù mua vật liệu làm lại Văn miếu như trước” [2; tr.63]. Tuy nhiên, đến năm 1947, Văn miếu này bị phá hủy hoàn toàn và vào tháng 9/1960: “các cụ trong Hội Cổ học tỉnh Quảng Nam (vốn là hậu thân của Văn hội Nho học Quảng Nam xưa) đã vận động xây mới một “Khổng Tử Miếu” tại Hội An là thị xã tỉnh lỵ lúc đương thời” [2; tr.63]. Cùng tọa lạc ở Hội An, Văn chỉ Minh Hương (Văn thánh Minh Hương) “được khởi dựng vào năm 1867 (năm Đinh Mão) và hoàn thành vào năm 1868 (năm Mậu Thìn)” [3; tr.26], “trên nền cũ của Tụy tiên đường (Thờ tiền hiền xã) mặt tọa Nhâm hướng Bính kiêm Hợi Tỵ” [3, tr.31]. Trong khi đó, mặc dù không rõ thời điểm khởi dựng nhưng may mắn là thông qua xà cò hiện còn trong di tích thì chúng ta biết rằng Văn thánh Cẩm Phô đã được tu bổ vào năm Tự Đức thứ 24 (1871) và năm Duy Tân thứ 7 (1913) [9]. Điều này cho thấy rằng di tích này được xây dựng từ khá sớm và trải qua nhiều lần trùng tu để có được diện mạo như ngày hôm nay (lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 1994). Cùng với Khổng miếu Hội An, Văn thánh Chiên Đàn (Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ) là một trong những công trình Nho học bề thế và ra đời sớm nhất ở Quảng Nam. Theo nguồn tài liệu chúng tôi tiếp cận được thì “Vào mùa xuân năm Canh Tý, tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 21 (1840), tại huyện Hà Đông, Hội đồng quan viên và các chức sắc trong huyện xét thấy tại huyện Hà Đông chưa có Văn Miếu để chiêm ngưỡng công ơn giáo dục “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, cho mọi người dân trong huyện của Khổng Tử. Nay bản huyện bầu ra ban chuyên ủy gồm các ông: Tú tài: Nguyễn Quang Huy; Tư lễ: Nguyễn Văn Liên; Đốc đồng: Nguyễn Văn Nhã, đứng ra thành lập và xây dựng khu Văn Thánh tại xã Chiên Đàn” [1]. Sau đó, đến mùa thu năm Canh Tý, 47
- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ ngày 26 tháng 8 năm Minh Mạng 21 (1840), Hội đồng quan viên huyện Hà Đông đã tổ chức cuộc họp gồm có: Tri huyện: Trần Văn Tín; Huấn đạo: Võ Thế Vị, Phó bảng: Nguyễn Dục, Nguyễn Truy Cùng các khoa bảng, cử nhân: Cao Vận, Võ Khắc Thành; Tú tài: Lê Vĩnh Khương, Phan Văn Xuân, Nguyễn Quang Huy, Trần Công Trực, Phan Thiên Tích; Nhân sĩ: Nguyễn Tất Đăng, Nguyễn Văn Duy, Lê Công Chấn, Lê Văn Tạo, Nguyễn Vinh Trinh đã trình lập Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử của huyện Hà Đông [1]. Và đến năm Canh Tuất thời vua Tự Đức (1850) dựng xong nơi thờ các bậc Tiên Chính và có dựng bia ở đó [4]. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến năm Thành Thái thứ 7 (1895), công trình này được trùng tu: “Khởi công vào ngày mùng 10 tháng Sáu năm nay (1895); ngày mùng 2 tháng Bảy vào giờ Thìn gác đòn đông; đến ngày 28 tháng Tám cùng năm thì hoàn thành mọi việc” [4]. Tuy nhiên, Chiên Đàn xưa (nay là xã Tam Đàn) lại là vùng thường xảy ra chiến tranh ác liệt nên Văn thánh đã bị hư hại hoàn toàn. Vì thế, năm 1963, “Ban Kiến thiết Khổng miếu” (thuộc Tỉnh hội Cổ học Quảng Tín) vận động nhân dân địa phương và các chức sắc đóng góp công sức tiền của và di dời Văn thánh vào hướng Nam khoảng 2 km thuộc làng Mỹ Thạch, xã Kỳ Hương tỉnh Quảng Tín cũ (nay là khu Văn thánh - Khổng miếu, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) và tồn tại đến ngày nay. Như một cơ duyên, Văn Thánh Miếu Đại Lộc, Văn Từ phủ Điện Bàn, Văn Thánh miếu Duy Xuyên, Văn Thánh Hà Lam đều được tạo lập dưới thời Tự Đức. Thời điểm ra đời của Văn từ phủ Điện Bàn là vào: “Tháng 3 năm Quý Sửu (1853) năm Tự Đức thứ VI khởi công, đến mùa thu năm ấy thì xong. Từ khởi công đến lạc thành vừa 7 tháng” [5]. Văn Thánh Miếu Đại Lộc (hiện có tên là Văn Vũ miếu) do những người đỗ đạt cao ở lưu vực sông Vu Gia đóng góp xây dựng khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XIX trên nền của một Văn chỉ ra đời từ thời Tự Đức. Còn Văn Thánh miếu Duy Xuyên (hay còn gọi là Văn miếu Duy An hay Văn thánh hàng Huyện) được ra đời vào khoảng năm 1850 - 1860 do ông Lê Thiện Trị cùng các văn sĩ trong làng đứng ra vận động, quyên góp [8; tr.205]. Cuối cùng, Văn Thánh Hà Lam được xây cất vào năm Tự Đức thứ 9 (1856). Từ đó đến năm 1906, Văn thánh này tiếp tục trải qua nhiều lần trùng tu, hoàn thiện. [11] 2.2. Tổng thế kiến trúc cân đối hài hòa, mang đậm ảnh hưởng của Nho giáo và thể hiện tài hoa của những nghệ nhân xứ Quảng Là một công trình tôn vinh nền Nho học, các Văn thánh trên đất Quảng Nam được xây dựng để thờ kính Khổng Tử, tiên hiền và vinh danh, khuyến khích sự học của các văn sĩ ở địa phương mình. Vì thế, tổng thế không gian của các Văn thánh đều được xây dựng trên các khu đất cao ráo, đảm bảo yếu tố phong thủy theo quan điểm Nho học đương thời. Cụ Phạm Dưỡng Chánh đã khái quát địa thế cuộc đất của Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ như sau: “Diện đối Trà Cai sơn tác áng Bối ỷ Quảng Phú thủy vi quan” 48
- Nguyễn Thị Vĩnh Linh Dịch nghĩa: “Mặt: núi Trà Cai bình án dựng Lưng: sông Quảng Phú ải thành ngăn”. (Núi Trà Cai thường được gọi là Kỳ Sơn (núi Tam Kỳ) và sông Quảng Phú (tức là nhánh sông Bàn Thạch bây giờ) đầu thời Nguyễn thuộc địa phận huyện Lễ Dương. Vì thế, khi nói đến vùng đất Tam Kỳ nhà nho xưa thường dùng cụm từ “Kỳ sơn, Lễ thủy” (núi Kỳ, sông Lễ)”. [3] Tổng thế kiến trúc của các Văn thánh cũng được bố trí hài hòa, đăng đối, cân xứng chuẩn mực. Kiến trúc tổng quát của Khổng miếu Hội An buổi đầu tân tạo có thể phác họa như sau: sau cổng tam quan có chạm đồ hình “Khổng Tử giảng đạo” là hồ sen lớn có cầu bán nguyệt bắc ngang. Một bức bình phong có chạm khắc đồ hình long mã án ngữ trước tiền đường được đặt ngang hàng với 4 cây trụ biểu nằm hai bên có các tượng kỳ lân nằm ở đầu mỗi trụ. Trên hai cánh bình phong, hình ảnh ngư, tiều, canh, mục nhắc đến sự tích của Khương Tử Nha, Chu Mãi Thần, Y Doãn, Lý Mật được chạm hình ước lệ. Khoảng sân phía sau bình phong, buổi đầu xây dựng, người thiết kế đã định vị để trồng 86 cây tùng tượng trưng cho tứ phối, thập triết và thất thập nhị hiền - là những thế hệ góp phần đắc lực xiển dương đạo của Khổng Tử đến với hậu thế. Hay trong Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ, các công trình như nhà trù, lầu chuông, dãy nhà cầu đều được bố trí đối xứng tạo nên tổng thể không gian thoáng đãng. Bên cạnh đó, không gian thờ tự trong các Văn thánh đều được bố trí hết sức trang nghiêm và thể hiện đậm nét chức năng trên. Như trong gian thờ của Văn chỉ Minh Hương bố trí 5 bàn thờ lớn: “bàn thờ chính giữa thờ Khổng Tử, phía trước có bàn hương án. Gian phía đông bố trí 02 bàn thờ dọc tường, xoay về phía tây, bàn thờ trong cùng thờ Nhan Tử và Tử Tư (Đông phối). Gian phía tây cũng bố trí 02 bàn thờ dọc tường, xoay về phía Đông, bàn thờ trong cùng thờ Tăng Tử và Mạnh Tử (Tây phối)” [3; tr.27]. Trong khu vực hậu tẩm của Văn thánh Hà Lam thờ đức Khổng Tử có tạc hình bằng gỗ sơn son thếp vàng, hai bên thờ các vị á thánh: Mạnh Tử, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư - tên các vị á thánh được viết trên linh vị bằng gỗ, mặt trước sơn trắng; tả hữu thờ các vị khoa bảng tiền bối trong huyện đã quá cố. Hay trong Khổng miếu Hội An đã bố trí một tòa nhà phía sau là nơi thờ Khổng Tử còn gọi là Đại Thành Điện. Bên trong đặt một hương án bằng đá cẩm thạch núi Ngũ Hành. “Trên đài cao phía sau an vị tượng Khổng Phu Tử” [2; tr.65]. Tượng Khổng Tử cũng được đặt ngay trong gian chính điện thờ của Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ, cùng với bàn thờ của các vị Tiên triết, Tiên hiền và các vị Tiên nho. Không chỉ là một nơi thờ tự, Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ còn là nơi chứng kiến lễ đăng khoa của các vị đỗ đạt như: Cử nhân Cao Văn Vận, Trần Hoán, tiến sĩ Trần Văn Dư, Nguyễn Thích, cử nhân Nguyễn Dinh, Lê Vĩnh Khanh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh .Với vai trò quan trọng như vậy nên các Nho sĩ xưa, trước khi đi 49
- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ thi thường đến đây phúng viếng để tăng thêm niềm tin và mong mỏi sự phù hộ, độ trì của các Thánh Và cũng chính vì vậy, ở nơi đặt Văn thánh, các vị chức sắc, dân làng thường tổ chức lễ cúng trang nghiêm vào những ngày nhất định trong năm nhằm ghi công những bậc danh Nho, những hiền tài của làng, của phủ, của huyện và cầu mong xóm làng có nhiều người hiển đạt. Đối với Văn miếu Duy Xuyên, trước kia, cứ 3 năm một lần vào ngày 16 tháng 02 âm lịch, dân làng lại tổ chức một lễ Đại tế. Đến năm 1872, khi Lê Thiện Trị2 mất, Đại lễ được tổ chức mỗi năm một lần [8; tr.205]. Ở Văn Thánh Cẩm Phô, lễ cúng được tổ chức theo lệ Xuân Thu nhị kỳ (vào ngày 16 tháng hai và tháng tám âm lịch) [10]. Lễ cúng tại Văn Thánh Hà Lam được tổ chức khá quy củ, theo lệ họp các vị khoa bảng trong phủ vào tháng 2 âm lịch, đến tháng 8 thì làm lễ tưởng niệm, tế Thánh. Cùng với không gian thờ tự, trong các Văn thánh ở Quảng Nam đều ghi đậm dấu ấn của nền Nho học kết hợp tinh tế với yếu tố phong thủy của vùng đất thông qua kiểu thức cổ truyền, các bức hoành phi, câu đối, vật trang trí. Khổng miếu Hội An và Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ là những ví dụ điển hình cho lối kiến trúc trên. Dưới bàn tay tài hoa của họa sĩ Tôn Thất Sa, Khổng miếu Hội An đã được phục dựng theo kiểu thức Á Đông truyền thống với cửa Tam quan “được mô phỏng theo đúng hình dáng cửa Khuyết Lý trước đền thờ Khổng Tử ở huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc” [2; tr.64]. Hệ thống câu đối được đặt trong Khổng Miếu Hội An được lấy từ các điển tích Nho gia, thể hiện sự ngưỡng mộ của hậu nhân đối với các bậc thánh nhân của Nho giáo. Như ngay cột trụ ở cửa Tam quan có hai vế câu đối: Đắc kỳ môn, kiến tôn miếu chi mỹ: bách quan chi phú! Do tư đạo, như nhật nguyệt chi minh: tứ thời chi hành! (Dịch nghĩa: Vào cửa mới biết cung miếu tôn nghiêm, trăm quan đầy đủ Theo đường ấy như thấy mặt trời trăng tỏ rạng, bốn mùa lưu hành) [2; tr.66] Còn phía bên ngoài trước Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ có một bảng bằng đá trên bảng đá ghi 4 chữ “Khuynh Cái, Hạ Mã” (nghiêng lọng, xuống ngựa) với ý nghĩa khi các quan lại đi qua đây có ngựa phải xuống ngựa để thể hiện lòng tôn kính. Mặt trước 4 trụ biểu ở cổng có 2 cặp câu đối: “Chân đạo nhi hành, nhân tư đường nhân tư thất khiết kỷ dĩ tiến, tôn sở văn, hành sở tri” (Dịch nghĩa: Theo cái đạo chân chính mà hành động thì không sai lầm, lo lắng gì, như người ở ngay trong nhà mình. Giữ mình thanh bạch để tiến thân, tôn trọng điều mình nghe, làm những điều mình hiểu biết). “Quảng nhi lai văn hội trạch xá đàn, sư biểu vạn thế tín bất vu hĩ, kì sơn lễ thủy, văn hiến thiên niên” (Dịch nghĩa: Mở rộng cửa mà đón vào, hội họp, đàm đạo, thầy của 2. Ông sinh năm 1796, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Tỵ (1838), là người đầu tiên khai khoa Tiến sĩ cho 6 tỉnh miền Trung từ Quảng Nam đến Ninh Thuận. Ông là người đứng ra vận động, quyên góp tiền xây dựng Văn Thánh. 50
- Nguyễn Thị Vĩnh Linh muôn đời. Tin vào mà không phỉ báng, núi đẹp nước thơm, nghìn năm văn hiến). [3] Điều này không những cho thấy vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng của Văn thánh trong đời sống văn hóa xã hội của người Quảng khi xưa mà còn thể hiện sự tôn trọng của toàn xã hội đối với các bậc danh Nho đỗ đạt. 2.3. Hệ thống văn bia được lưu giữ là nguồn tư liệu có giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử Có thể nói là một trong những công trình Nho học được xây dựng từ khá sớm, những Văn thánh trên đất Quảng Nam là chứng nhân cho những giai đoạn lịch sử quan trọng của người Quảng Nam. Đặc biệt, hệ thống văn bia trong các Văn thánh là nguồn tài liệu thành văn có giá trị vô cùng quan trọng đối với các thế hệ người Quảng khi nghiên cứu về một giai đoạn thịnh trị của nền Hán học (nhất là các văn thánh chỉ còn phế tích). Thông qua hệ thống văn bia này, tên tuổi của các Nho sĩ, văn thân, các bậc đại quan được ghi lại cùng với các chi tiết về công sức đóng góp của họ trong quá trình xây dựng văn thánh. Chẳng hạn, trong văn bia: Bản Huyện văn hội đồng chí tại Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ có khắc: “Tháng Giêng năm thứ 21 niên hiệu Minh Mạng (1840), tri huyện Hà Đông Trần Văn Tín, huấn đạo Vũ Thế Vị cùng với Phó bảng Nguyễn Dục, tú tài Phan Văn Xuân, Nguyễn Quang Huy, Vũ Văn Hương, Trần Công Trực, Phan Thiên Tích, Vũ Khắc Thành, Lê Vĩnh Khanh, Ngô Tất Chùy, Trịnh Doãn Cung, Trương Công Nhượng. Chỉ cai phó tổng thư lại, thông lại các bậc sĩ nhân trong làng phân chia gỗ quý, tiền văn vật liệu để xây dựng (Ngôi) từ vũ ở xã Chiên Đàn. Giao cho tú tài Nguyễn Quang Huy, ty lễ Lê Văn Đạt dựa vào đó mà trong một ngày tháng 6 năm đó khởi công. Về sau cử nhân Cao Vận Tạo cung thêm cánh cửa, tú tài Bùi Quang Chính cung thêm một tấm bia đá, tiền bạc. Một ngày tháng 5 năm thứ 3 niên hiệu Tự Đức, tứ tác Nguyễn Dục, tú tài Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Tất Chùy, Trịnh Doãn Cung, Vũ Khắc Thành, Trương Công Nhượng, Lê Văn Chấn, Nguyễn Phan Vinh, Lê Văn Chiêu, Cao Văn Nhạ, Nguyễn Tất Đăng, Nguyễn Quý Nguyễn, Nguyễn Văn Duy, Trần Quang, Nguyễn Đức Trứ, Lê Văn Tạo, Lê Văn Trinh, Nguyễn Quýnh, Nguyễn Hữu Nghị, Phạm Đức Huyên, Vũ Minh Khiêm, Lê Thế Quang, Lê Ứng, Nguyễn Hoàng, Phế Đức, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Chinh, Ngô Khắc Tuấn, Lê Tiến Chính, Trần Văn Tuyển, Nguyễn Tiến đến các bậc nhân sĩ phân chia và nhận gỗ quí, tiền bạc vật liệu xây dựng đúc hội đường đại từ vũ, một ngày tháng 6 khởi công đến một ngày tháng 8 hoàn thành để làm chỗ hội họp, tế tự nghiêm túc, tề chỉnh vào năm sau. Những việc đó được ghi rõ trên bia đá” [1; tr.51]. Hay trong Bia gỗ số 1 có khắc ghi các thôn xã và những người đóng góp tiền bạc xây dựng Văn Thánh như: Các sĩ phu quan lại trong các thôn xã của huyện ta là người thanh hán cung tiền 51
- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ được phân chia, liệt kê ra các hạng như sau: Một trăm quan trở xuống: Xã Chiên Đàn, thôn Phú Xuân Hạ, xã Tú Cẩm, bá hộ Lê Văn Nhã, xã Thịnh Bình. Một trăm tám mươi quan trở xuống: xã Thanh Bôi nộp. Một trăm bảy mươi quan: xã Trung An Tân . Mười quan trở xuống: xã Tiên Giang, thôn Xan Tân, thôn Trung Đàn, y sinh Nguyễn Thụ, Trần Nghị” [1; tr.51] Và Bia gỗ thứ 2 ghi những người chịu trách nhiệm xây cất Văn Miếu cũng như đã đóng góp tiền công đức như: Huấn đạo Ngô Quang Khuê thôn Phú Xuân Hạ nạp 70 quan, 1 cây gỗ; Tú tài Lê Văn Tạo ở xã Tây Lộc 10 quan tiền; Mặc dù chỉ còn là phế tích nhưng Văn thánh Hà Lam hiện đang lưu giữ 9 tấm bia (trong số 11 tấm bia) ghi lại danh sách 164 vị khoa bảng (trong đó có 1 tiến sĩ, 3 phó bảng, 31 cử nhân và 129 tú tài). Đây là một nguồn tư liệu có giá trị góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống học tập của người Hà Lam xưa. Hay như tại Văn chỉ Minh Hương hiện còn lưu giữ 3 tấm bia, trong có bia ở tường phía Nam lưu thủ bút của tiến sĩ Đặng Huy Trứ ghi lại thời gian hoàn thành Văn chỉ này: “miếu này xây tại ấp Hương Định, trên nền cũ của Tụy tiên đường (thờ tiền hiền xã) mặt tọa Nhâm hướng Bính kiêm Hợi Tỵ. Ngày bồi cơ (đổ nền) là mùng 10 tháng 9 năm Đinh Mão. Đến tháng 11, ngày 25 thượng lương (dựng dàn trò gỗ), năm sau ngày 16/3 Mậu Thìn là hoàn thành công trình. Công trình này nhờ ông cửu phẩm tú tài Trương Hoài Đỉnh cả”. [4; tr.31] Văn từ phủ Điện Bàn mặc dù không còn, nhưng bốn tấm bia vẫn được bảo quản tại bảo tàng huyện Điện Bàn đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về Văn từ này. Trong đó, bia số 1 có nội dung đề cập đến thời gian xây dựng Văn từ; bia số 2 ghi danh sách đóng góp tiền của quan chức, khoa bảng, ấm sinh (có tên 2 vị trong “Ngũ phụng tề phi” khoa Mậu Tuất 1898 là Phạm Tuấn và Phạm Liệu); bia số 3 khắc tên 80 vị từ Tiến sĩ đến học sinh (có tên của Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Thìn (1904) Trần Quý Cáp) và danh sách hàng trăm thí sinh và hào lý của các xã thôn trong 11 tổng cúng tiền; riêng bia số 4 được phục dựng tại lăng mộ của cụ Phạm Phú Thứ. 3. Kết luận Từ những dữ liệu phân tích ở trên chúng ta có thể thấy: Thứ nhất, các di tích Văn Thánh còn lại trên đất Quảng Nam hiện nay không chỉ là những công trình nghệ thuật kiến trúc Nho giáo độc đáo mà còn trở thành nơi bảo tồn và quảng bá truyền thống hiếu học, trọng đạo nghĩa tôn thờ Đức Khổng Tử, nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lễ hội dân gian của người dân xứ Quảng hiện nay. 52
- Nguyễn Thị Vĩnh Linh Thứ hai, hiện nay, các Văn thánh như Văn thánh miếu Duy Xuyên, Văn từ phủ Điện Bàn, Văn thánh Hà Lam đã trở thành phế tích (chỉ còn sót lại một số văn bia). Thế nhưng với những giá trị văn hóa sâu sắc của các công trình này, các cấp chính quyền cần phối hợp với nhân dân địa phương theo tinh thần "đất nào coi trọng việc học đất đó sẽ có nhân tài, thời nào coi trọng việc học thời đó sẽ được hậu thế trân trọng". Hơn nữa, công tác bảo tồn cần dựa trên Luật Di sản văn hóa; Qui chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa; Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, việc ban hành các quy định nên nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân và tổ chức chuyên ngành, chính quyền các cấp và nhân dân trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Thứ ba, tiến hành đầu tư nghiên cứu cụ thể, sát thực với từng di tích; từng bước tổ chức khai thác, phát huy giá trị các di tích Nho học ở Quảng Nam phù hợp, sáng tạo; góp phần tôn vinh và đề cao truyền thống hiếu học, khoa bảng của người dân xứ Quảng. Khuyến khích thế hệ trẻ noi gương cha ông, tích cực học tập, rèn luyện để đẩy nhanh quá trình xây dựng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam hiện nay TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Xuân Anh (2005), “Lý lịch di tích: Lịch sử - văn hóa Văn Thánh - Khổng Miếu” (Khối phố 9, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ), Trung tâm VHTTTP Tam Kỳ. [2] Phú Bình (2016), “Dấu cũ Hà Đông”, Trung tâm Quản lý di tích và Danh thắng Quảng Nam. [3] Phú Bình (2018), Từ Văn thánh đến Khổng miếu, truy cập từ: http:// nguoiquangphianam.com/tin-tuc/Tu-Van-thanh-den-Khong-mieu-516.html [4] Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm - tập 1 (Văn bia), Công ty CP In - Phát hành Sách và TBTH Quảng Nam [5] Phòng Văn hóa Thông tin huyện Điện Bàn (2008), “Hồ sơ di tích: Địa điểm Văn từ phủ Điện Bàn” (thôn Đông Bàn, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là làng Đông Bàn, thông Nam Hà 1, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). [6] Dương Văn Sáu (2008), giáo trình “Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Việt Nam”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [7] Dương Văn Sáu (2014), “Hệ thống di tích Nho học Việt Nam và các Văn miếu tiêu biểu ở Bắc bộ”, NXB Thông tin và truyền thông, Hà Nội. [8] Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam (2006), “Di tích và danh thắng Quảng Nam”, Công ty in và dịch vụ Đà Nẵng. 53
- NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA - LỊCH SỬ [9] Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An (2013), Văn thánh miếu Cẩm phô, truy cập từ: mieu-Cam-Pho-144.html [10] Trung tâm VHTTTP Tam Kỳ (2014), Văn thánh - Khổng miếu di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia, truy cập từ: [11] Nguyễn Quang Việt (2017), Văn thánh Thăng Bình: Nơi lưu giữ truyền thống hiếu học, lễ nghĩa, truy cập từ: van-hoa/201705/van-thanh-thang-binh-noi-luu-giu-truyen-thong-hieu-hoc-le- nghia-735870/ Title: CULTURAL AND HISTORICAL VALUES OF TEMPLES OF THE SAGE OF LITERATURE IN QUANG NAM NGUYEN THI VINH LINH Quang Nam Universirty Abstract: The system of Temples of the Sage of Literature (or Temples of Literature) is one of the most outstanding buildings in Quang Nam. They were built to honor Confucianism, which was contemporarily prosperous. The system of Temples of Literature is considered not only symbolic of Quangnamian academic tradition and studiousness but also significant for young generation education in Quang Nam. However, several Temples of Literature are currently seriously downgraded, not in use and gradually becoming ruins. Therefore, this paper focuses on a deep study of cultural characteristics in eight Temples of Literatures in Tam Ky, Hoi An, Dai Loc, Duy Xuyen, Dien Ban and Ha Lam of Quang Nam province. As a benchmark study, the paper hopes to contribute to restoring cultural and historical values of this system of Temples of Literature on aspects of the eras of their building, architectural layouts and epitaphs. Keywords: Culture, Temples of Literature, Temple of Confucius, Quang Nam. 54