Những khó khăn trong thực hiện đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong nền kinh tế số

pdf 14 trang Gia Huy 18/05/2022 3750
Bạn đang xem tài liệu "Những khó khăn trong thực hiện đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong nền kinh tế số", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_kho_khan_trong_thuc_hien_doi_moi_sang_tao_cua_cac_doan.pdf

Nội dung text: Những khó khăn trong thực hiện đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong nền kinh tế số

  1. 495 NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM TRONG NỀN KINH TẾ SỐ TS. Trần Thị Kim Nhung Viện CNTT & Kinh tế số, Đại học Kinh tế quốc dân TÓM TẮT Bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số với CMCN 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ. Yếu tố công nghệ trong nền kinh tế số đã chạm tới hầu hết các lĩnh vực. Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu của quốc gia trong nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo, ở đó chính phủ cần đặt các doanh nghiệp vào trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành đổi mới sáng tạo ở mức thấp và có xu hướng giảm theo thời gian. Mặc dù, chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để hỗ trợ cho quá trình đổi mới sáng tạo nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đầu tư cho hoạt động này do gặp những khó khăn trong quá trình đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở tổng hợp và phân tích một số khó khăn trong hoạt động đổi mới sáng tạo, bài viết gợi ý một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, kinh tế số 1. GIỚI THIỆU Đổi mới sáng tạo (ĐMST) được coi là một tiền đề quan trọng để tạo ra năng lực cạnh tranh nhằm đạt được sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Điều này đã được thể hiện rõ trong trong Nghị Quyết số 20/2012/NQ/TW của Đảng và Quyết Định số 418/2012/QĐ- TTg của Thủ Tướng Chính Phủ khi xem ĐMST là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Chiến lược của Đảng và Chính Phủ phù hợp với xu hướng của các quốc gia trên thế giới trong việc hướng tới nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Trong thời kỳ Cách mạng 4.0, các phương thức hoạt động kinh tế các quốc gia trên thế giới đều có sự thay đổi mạnh mẽ, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Các trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bắt đầu dựa trên ứng dụng công nghệ số. Để thích ứng với nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế số, các doanh nghiệp cũng phải đổi mới mô hình và cách thức áp dụng công nghệ số trong quản lý kinh
  2. 496 doanh, các doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo và phải luôn không ngừng nâng cao năng lực ĐMST để tồn tại và phát triển. Ở Việt Nam, theo số liệu của tổng cục thống kê (2016) thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm tới 95% trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động, chiếm 17,26% tổng nộp ngân sách Nhà nước. Có thể thấy DNNVV chiếm tỷ lệ rất cao trong nền kinh tế và có ảnh hưởng quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của quốc gia. Theo Halberg (2000), DNNVV đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn doanh nghiệp lớn trong việc tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn và giúp cho tăng trưởng kinh tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, cũng mang lại những cơ hội lớn và cả những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta. Và đây cũng chính là thời điểm, yếu tố về năng lực ĐMST cần được thể hiện đúng vai trò, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới: quốc gia phát triển cần dựa vào khoa học và công nghệ, ĐMST thay vì dựa vào vốn, tài nguyên, lao động. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy hoạt động đổi mới đóng vai trò quan trọng cho việc tăng năng suất của các doanh nghiệp (Hall, 2009; Alvarez và cộng sự, 2010). Nhưng thực tế các DNNVV gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện ĐMST và gần như các doanh nghiệp không chủ động trong hoạt động này. Vì thế việc phân tích thực trạng hoạt động ĐMST trong các DNNVV ở Việt Nam nhằm tìm ra và gợi ý giải pháp tháo gỡ những rào cản cho hoạt động này là rất cần thiết. 2. ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG NỀN KINH TẾ SỐ Có khá nhiều nghiên cứu liên quan đến hoạt động ĐMST và có rất nhiều quan điểm về ĐMST. Đổi mới sáng tạo (innovation) là quá trình doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay hệ thống quản lý mới để đáp ứng các yêu cầu do sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ hay mô hình cạnh tranh. ĐMST là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa (Nguyễn Minh Ngọc, 2018). Katz (2007) định nghĩa đổi mới sáng tạo là “việc tạo ra, phát triển, và triển khai áp dụng thành công các ý tưởng mới và độc đáo bao gồm đưa ra các sản phẩm, quá trình và chiến lược phát triển mới cho công ty dẫn đến thành công trong kinh doanh và giành được vị trí dẫn đầu thị trường, tạo ra giá trị cho các chủ thể liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh
  3. 497 tế và nâng cao mức sống”. ĐMST là một quá trình bắt đầu từ một ý tưởng và kết thúc bằng việc triển khai thị trường thương mại thành công. Ví dụ điển hình của đổi mới sáng tạo là hoạt động R&D bao gồm những hoạt động bên trong có thể sơ đồ hóa như Hình 1: Nghiên cứu thị trường Ghi nh ận nhu Nảy sinh cầu ý tưởng Củng cố và Kỹ nghệ Marketing phát triển ý hóa truyền bá tưởng Nâng cao Nảy sinh ý hiể u biết tưởng Nghiên cứu thị trường Hình 1: Hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) Nguồn: Trần Thị Kim Nhung (2018) Theo chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2005): “ĐMST là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/ dịch vụ) hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”. Trong hướng dẫn OECD Oslo Manual (2005) thì ĐMST được phân loại thành 4 loại hình: ĐMST sản phẩm, ĐMST quy trình hoạt động, ĐMST hệ thống quản lý, và ĐMST về các hoạt động marketing. Để ĐMST, doanh nghiệp cần đầu tư rất lớn vào nguồn nhân lực và R&D. Các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường luôn có tỷ lệ đầu tư vào R&D cao nhất. Tuy nhiên, R&D là đầu tư mạo hiểm và khó kiểm soát hiệu quả hơn so với các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường vì doanh nghiệp khó có thể tính toán giá thành và hiệu quả. Nhưng nếu không đầu tư vào R&D, doanh nghiệp lại khó giữ được vị trí cạnh tranh. Tại các DNNVV, lãnh đạo luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới. Mạo hiểm và đam mê là hai phẩm chất quan trọng để
  4. 498 lãnh đạo thực hiện ĐMST. Ở tầm vĩ mô, để tăng cường năng lực ĐMST, các quốc gia chú trọng phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Hệ thống này vận hành trên nền tảng tích hợp mối quan hệ hợp tác giữa ba chủ thể của ĐMST là doanh nghiệp, trường đại học - viện nghiên cứu và cơ quan hỗ trợ của nhà nước. Adam Smith (1776) đã khẳng định mối quan hệ thuận chiều giữa ĐMST và tăng trưởng. Nhờ khả năng ĐMST mà các doanh nghiệp thích ứng được với những thay đổi từ môi trường, đây cũng là yếu tố quyết định sự thành công khi doanh nghiệp bước vào sân chơi toàn cầu. Khách hàng luôn có xu hướng chọn mua những sản phẩm mới. Nếu doanh nghiệp ngừng ĐMST, doanh nghiệp sẽ mất dần khách hàng. ĐMST chính là công cụ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà tạo ra giá trị là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Ví dụ sản phẩm ĐMST mang lại sự chú ý bởi lợi ích vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp Việt là AMIS.VN. Những dữ liệu về Bán hàng – Kế toán – Nhân sự - Khách hàng vốn rời rạc, nay được liên thông hoàn toàn, thống nhất từ đầu tới cuối quy trình. AMIS.VN cũng là sản phẩm mà MISA đầu tư, tiên phong tích hợp trí tuệ nhân tạo để cho ra đời những Giám đốc tài chính số, Giám đốc nhân sự số đầu tiên tại Việt Nam, với khả năng báo cáo chính xác, nhanh chóng và thuận tiện gấp nhiều lần so với con người. Thực tế dù nhiều doanh nghiệp nhận thức được vai trò của đổi mới sáng tạo, nhưng lại có rất ít doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo. 3. THỰC TRẠNG CỦA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG DNNVV TẠI VIỆT NAM Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố về chỉ số ĐMST, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia và nền kinh tế, tụt bảy bậc so với năm 2015. Việt Nam bị đánh giá là còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “tỷ lệ lao động nữ có trình độ”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT” Việc giảm thứ hạng về chỉ số ĐMST và năng lực cạnh tranh cho thấy nền khoa học và công nghệ Việt Nam, tuy có được cải thiện ít nhiều trong những năm gần đây, nhưng vẫn đang ở tình trạng yếu và kém, cần phải có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực. Mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai mới công bố tại diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, trong 100 quốc gia được WEF điều tra có thể chia tạm thành 4 nhóm thì Việt Nam đang ở nhóm 4 là nhóm sơ khai - chuẩn bị chưa tốt, điều kiện hiện trạng chưa sẵn sàng. Điều đó cũng có nghĩa rằng cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
  5. 499 Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của DNNVV cũng như thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của DNNVV. Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát DNNVV Việt Nam giai đoạn 2005-2011 của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) cho thấy tỷ lệ DNNVV tiến hành hoạt động đổi mới trung bình giai đoạn 2005-2013 là 44,42% tuy nhiên xu hướng DNNVV tiến hành các hoạt động đổi mới có xu hướng giảm theo thời gian. Năm 2005 có hơn 60% DNNVV tiến hành các hoạt động đổi mới thì đến năm 2013 thì tỷ lệ này chỉ còn lại là 19,83%. Đối với loại hình đổi mới thì thống kê bình quân cho thấy phần lớn DNVVN tiến hành cải tiến sản phẩm (trung bình 39,56%) tiếp theo là đổi mới quy trình sản xuất (15,59%) và cuối cùng là giới thiệu sản phẩm mới (10,66%) (Nguyễn Hữu Huy Nhựt và cộng sự, 2018). Doanh nghiệp Việt Nam chú trọng sử dụng hình thức dự án để quản trị đổi mới sáng tạo, Tuy nhiên, doanh thu từ đổi mới sáng tạo theo dự án thấp. Các doanh nghiệp này tập trung vào bán hàng và marketing hơn là nghiên cứu và phát triển. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan nhà nước, trung tâm nghiên cứu và trường đại học trong nước rất yếu. Chỉ có 16% doanh nghiệp từng làm việc với một đơn vị nghiên cứu và 17% doanh nghiệp từng làm việc với trường đại học. Chính sách của Nhà nước thiếu ổn định (80%), thiếu các mối liên kết với các đối tác (78%), không sẵn sàng về nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo (77%), trong đó đáng chú ý là rào cản do kinh nghiệm quản lý chưa nhiều và năng lực của lãnh đạo về đổi mới sáng tạo chưa cao (69%). Rủi ro trong đổi mới sáng tạo cao và thiếu bảo hộ của pháp luật cũng là rào cản lớn (70%) (Phùng Xuân nhạ & Lê Quân, 2013). Không tính các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì hiện tại trong doanh nghiệp Việt Nam có khoảng 30 tổ chức R&D với tên gọi là viện, còn lại chủ yếu dưới dạng phòng thí nghiệm, phòng R&D hoặc trung tâm R&D. Các viện R&D và trường đại học chủ yếu thuộc doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn. Đội ngũ nhân lực R&D này hoạt động tại các doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ khiêm tốn (Hoàng Văn Tuyên, 2016), có đến 58.5% số doanh nghiệp không có hoạt động chi cho R&D. Chỉ có khoảng 14.2% các doanh nghiệp dành mức chỉ từ dưới 0,5% doanh số cho hoạt động này. Đồng thời, có 16.2% doanh nghiệp có mức chi từ 1,5% đến 2%. Tỷ lệ các doanh nghiệp còn lại có chi cho R&D ở các mức chỉ chiếm khoảng dưới 3%. Qua kết quả nghiên cứu định tính thì trong khoảng 03 năm gần đây, dường như không có doanh nghiệp công nghiệp nào xây dựng chiến lược R&D cho doanh nghiệp. Một số nghiên cứu cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng hầu hết các
  6. 500 doanh nghiệp không tập trung vào phát triển năng lực R&D trong thời gian dài và quá trình học hỏi công nghệ rất chậm và thụ động. Ngay cả những doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ đầu tư vào hoạt động R&D so với tổng doanh thu của doanh nghiệp không nhiều. Cơ sở vật chất và thông tin khoa học-công nghệ cho R&D của doanh nghiệp ở mức rất khiêm tốn. Trong nghiên cứu của Viện quản lý kinh tế Trung ương năm 2013 cho thấy đa số (trên 90%) doanh nghiệp trong tổng số 8.010 doanh nghiệp, không thực hiện cải tiến công nghệ đang có hoặc tiến hành R&D, chỉ có 1% doanh nghiệp thực hiện cải tiến và tiến hành R&D. Có nhiều nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp không tiến hành R&D như sự phức tạp cao của hoạt động R&D; Doanh nghiệp không đủ năng lực R&D bao gồm cả vốn, nhân lực, cơ sở vật chất; Doanh nghiệp gặp khó khăn huy động các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài; Chính sách của nhà nước chưa thực sự khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư R&D. Thực tế cho thấy, không ít dự án ĐMST đã thất bại, mà một trong những nguyên nhân là bởi còn những “rào cản” trong cơ chế, chính sách dành cho khoa học – công nghệ nói chung, các dự án ĐMST nói riêng, vẫn chưa được kịp thời tháo gỡ. Sau đây nghiên cứu sẽ tổng hợp một số khó khăn của hoạt động đổi mới sáng tạo đối với DNNVV ở Việt Nam. 4. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA DNNVV Ở VIỆT NAM 4.1. Về nhận thức và văn hóa đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến chính sách đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu của Phùng Xuân Nhạ và Lê Quân (2013) cho thấy có 72% doanh nghiệp khảo sát chưa có chính sách nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo; 78% chưa có chính sách đầu tư tài chính cho đổi mới sáng tạo; gần 80% chưa có chính sách hợp tác và phát triển đối tác phục vụ đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực được quan tâm ít hơn khi chính sách về đổi mới sáng tạo được ban hành. Doanh nghiệp ít quan tâm tới khả năng đổi mới sáng tạo khi tuyển dụng và cũng ít quan tâm đến những nguồn lực bên ngoài cho quá trình đó. Chỉ có rất ít doanh nghiệp có bộ phận R&D. Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo nền cho sáng tạo và đổi mới. Sáng tạo cần một môi trường trong đó nhân viên không sợ mắc lỗi. Khi được hỏi về văn hóa đổi mới sáng tạo, 57% đối tượng phỏng vấn nói rằng lãnh đạo của họ khuyến khích và động viên nhân viên có những ý tưởng mới ở mức độ vừa phải, 65% cho rằng doanh nghiệp chưa tạo thuận lợi cho việc chia sẻ tri thức và phát huy văn hóa học tập.
  7. 501 4.2. Khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính của DNNVV Tài chính đóng vai trò quan trọng đối với DNNVV đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn non trẻ. Các cơ hội gia nhập thị trường của DNNVV sẽ giảm nếu như không có một hệ thống tài chính phát triển để hỗ trợ. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra DNNVV trong giai đoạn 2005-2013 thì các trở ngại chính của DNNVV trong việc phát triển sản phẩm mới và dây chuyền mới là thiếu vốn. Nguyên nhân của việc thiếu vốn là do (1) khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính thức; (2) khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ tài chính của chính phủ; (3) có sự phân biệt trong việc tiếp cận tín dụng chính thức và các hỗ trợ tài chính của chính phủ theo quy mô doanh nghiệp. Theo đó, tiếp cận tín dụng chính thức đối với DNNNV có xu hướng giảm theo thời gian và theo quy mô thì doanh nghiệp có quy mô vừa có lợi thế tiếp cận tín dụng chính thức so với doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và quy mô nhỏ. Trong việc tiếp cận các hỗ trợ tài chính của chính phủ như miễn giảm thuế, vay ưu đãi thì tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ nhận được hỗ trợ ít hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa và có xu hướng giảm theo thời gian. Có nhiều kênh tạo lập nguồn vốn cho doanh nghiệp tiến hành R&D như đã huy động được vốn từ một số doanh nghiệp đầu tư và đã tạo ra được một số sản phẩm, qui trình công nghệ mới cho doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động R&D không nhiều. Quỹ phát triển khoa học – công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp xin hỗ trợ vốn cho hoạt động R&D của từ ngân sách nhà nước thường phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó rất ít gói hỗ trợ phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Chính sách tín dụng vẫn chưa đóng vai trò đáng kể cho hoạt động R&D trong các doanh nghiệp. Mô hình liên kết nghiên cứu giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chưa hiệu quả do chưa tìm được tiếng nói chung về đầu tư vốn và phân chia lợi ích sau khi triển khai thành công. 4.3. Chất lượng nguồn nhân lực trong các DNNVV Nhân lực là yếu tố quyết định đến sự phát triển của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về nhân lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo UNESCO và OECD thì “nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ là những người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên và những người tuy chưa qua đào tạo chính quy như trên nhưng làm một nghề thuộc chuyên ngành KH&CN đòi hỏi trình độ tương đương cao đẳng, đại học trở lên.
  8. 502 Theo số liệu điều tra DNNVV cho thấy trình độ lao động có chuyên môn của DNNVV có xu hướng tăng theo thời gian (13,92% năm 2005 so với 35,6% năm 2013). Theo quy mô doanh nghiệp, thì tỷ lệ lao động có chuyên môn ở doanh nghiệp siêu nhỏ có sự thay đổi đáng kể (từ 13,3% năm 2005 tăng lên 42,58% ở năm 2013). Còn đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ và quy mô vừa thì tỷ lệ lao động có chuyên môn có xu hướng tăng nhẹ theo thời gian tuy nhiên, tỷ lệ lao động có chuyên môn của doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là dưới 20% so với lực lượng lao động của doanh nghiệp. Mặc dù, tỷ lệ lao động có chuyên môn nghiệp vụ được cải thiện đối với DNNVV tuy nhiên, vấn đề hiện nay đối với các DNNVV là chất lượng của nguồn lực lao động không cao khi hơn 90% DNNVV không tổ chức đào tạo hằng năm cho người lao động và chỉ có khoảng dưới 5% DNNVV là có đào tạo cho người lao động và tỷ lệ này có xu hướng giảm theo thời gian. Nghiên cứu của Phùng Xuân Nhạ & Lê Quân (2013) cho thấy tỷ lệ nhân viên làm việc có liên quan đến đổi mới sáng tạo chỉ chiếm từ 6-10% trong tổng số nhân viên. Về mức độ sáng tạo của nhân viên trong doanh nghiệp, 56% doanh nghiệp đánh giá khả năng sáng tạo của nhân viên là yếu. Không có doanh nghiệp nào đánh giá nhân viên rất sáng tạo. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo. Theo kết quả điều tra, chỉ có 29,8% doanh nghiệp đã từng tổ chức đào tạo về ĐMST. Phát triển nhân lực R&D cho doanh nghiệp là một rào cản rất lớn. Nhiều chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển đội ngũ nhân lực R&D doanh nghiệp đã thực hiện. Thu nhập của nhân lực khoa học – công nghệ dần dần được cải thiện với khoản thu từ các hợp đồng khoa học – công nghệ, phân chia lợi ích. Chế độ lao động hợp đồng, kiêm nhiệm trong hoạt động khoa học – công nghệ có thể mang lại nhiều lợi ích đối với sự phát triển R&D của doanh nghiệp. Nhưng còn nhiều hạn chế như các chương trình đào tạo này từ ngân sách nhà nước chỉ dành cho đối tượng nhân R&D doanh nghiệp nhà nước mà chưa hướng đến các doanh nghiệp ngoài nhà nước; Thuế thu nhập đối với cá nhân hoạt động khoa học – công nghệ vẫn tính mức chịu thuế như đối với cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực khác; Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân lực KH&CN, đặc biệt nhân lực R&D của doanh nghiệp; Cơ chế đãi ngộ nhân tài thực sự trong lĩnh vực KH&CN chưa rõ ràng và vẫn còn lúng túng trong những quy định ưu đãi về thu nhập thêm cho cán bộ R&D tạo ra công nghệ mới.
  9. 503 4.4. Khả năng hấp thu công nghệ của doanh nghiệp Một trong bốn nền tảng của một nền kinh tế dựa vào ĐMST là giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thu công nghệ đã được Bộ kế hoạch đầu tư và Ngân hàng thế giới (2016) khẳng định. Khả năng hấp thu công nghệ cao sẽ giúp các doanh nghiệp làm chủ các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam chịu tác động của tầm nhìn kế hoạch ngắn hạn và tập quán sản xuất dựa vào phương thức phát triển cũ dẫn đến không có nhu cầu ĐMST. Theo số liệu điều tra DNNVV cho thấy chỉ có 25,8% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ là dự kiến phát triển sản phẩm mới và đầu tư vào dây chuyền mới. Năng lực hấp thu của doanh nghiệp là khả năng mà doanh nghiệp nhận diện ra giá trị của kiến thức mới, đồng bộ chúng và ứng dụng trong hoạt động kinh doanh của mình (Cohen và Levinthal, 1990). Năng lực hấp thu của doanh nghiệp được đo lường không chỉ dựa tỷ lệ tiền đầu tư vào R&D mà còn dựa trên các yếu tố khác như tỷ lệ tiền đầu tư vào máy móc thiết bị, tỷ lệ tiền đầu tư vào tài sản vô hình và tỷ lệ tiền đầu tư đào tạo nhân lực. Tỷ lệ đầu tư cho hoạt động R&D rất thấp đã được nghiên cứu đề cập đến và có xu hướng giảm mạnh theo thời gian. Tương tự như vậy tỷ lệ tiền chi cho hoạt động đào tạo lao động và bản quyền sản xuất rất thấp và hầu như gần bằng không. Mục đích chính của việc đầu tư của DNNVV là để tăng cường năng lực sản xuất, tiếp theo là để thay thế thiết bị cũ. Còn đối với mục đích cải thiện chất lượng sản phẩm và đổi mới sản phẩm cũng chỉ là thứ yếu. Đây chính là lý do giải thích vì sao mà tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động R&D, chi đầu tư đào tạo người lao động và chi mua bản quyền sản xuất lại thấp. 4.5. Hệ thống cơ sở hạ tầng Hoạt động ĐMST của doanh nghiệp muốn thực hiện và đạt hiệu quả cần có hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại. Cơ sở hạ tầng được định nghĩa bao gồm cơ sở hạ tầng cứng (hệ thống đường xá; sân bay; cảng biển; điện; nước, vị trí tọa lạc của doanh nghiệp) và cơ sở hạ tầng mềm (điện thoại; web; email) (Nguyễn Hữu Huy Nhựt và cộng sự, 2018). Theo nghiên cứu của Worldbank (2014) về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thì sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng là gây cản trở trong hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Các cản trở này ảnh hưởng đến khả năng sử dụng công nghệ có sẵn của doanh nghiệp một cách hiệu quả hoặc khả năng của các doanh nghiệp có tiềm năng sáng tạo để thu được lợi ích của việc mở rộng thị trường trong nước và thị trường nước ngoài và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
  10. 504 Về cơ sở hạ tầng cứng, số liệu điều tra DNNVV thấy cơ sở hạ tầng cứng như đường chính, đường sắt, cảng biển, điện nước là tương đối tốt. Tuy nhiên, cản trở trong cơ sở hạ tầng cứng có ảnh hưởng đến hoạt động ĐMST của doanh nghiệp đó là vị trí tọa lạc của doanh nghiệp. Các DNNVV tọa lạc chủ yếu là trong khu vực dân cư và có một phần rất nhỏ doanh nghiệp tọa lạc tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp hoặc khu chế xuất, điều này gây ra sự cản trở đáng kể trong việc lan tỏa cũng như hấp thu các tri thức công nghệ cao từ các doanh nghiệp xung quanh. Đối với cơ sở hạ tầng mềm là việc tiếp cận hệ thống Internet, Web, Email thì nghiên cứu cho thấy tỷ lệ DNNVV tiếp cận được Internet có xu hướng tăng tuy nhiên về tỷ tiếp cận tương đối thấp chỉ 33,2% doanh nghiệp tiếp cận được Internet và còn hơn 60% doanh nghiệp không tiếp cận Internet để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; vẫn còn nhiều doanh nghiệp không có trang web và sử dụng hộp thư điện tử để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh. 4.6. Môi trường thể chế Môi trường thể chế tốt giúp duy trì sự ổn định, giảm rủi ro và chi phí giao dịch liên quan đến các hoạt động của nền kinh tế đặc biệt là hoạt động đầu tư và ĐMST của doanh nghiệp (Worldbank, 2014). Môi trường thế chế tốt sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp tăng năng suất (Baumol, 1990). Do đó môi trường thể chế không tốt tạo cho doanh nghiệp động cơ để hấp thu những công nghệ không hiệu quả phục vụ cho quá trình sản xuất hơn là hấp thu công nghệ hiện đại cho việc sản xuất (Fredriksson và Svensson, 2003). Môi trường thể chế của Việt Nam có những mặt hạn chế nhất định làm cản trở hoạt động ĐMST của DNNVV. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức trung bình giai đoạn 2005-2013 là 37,3% và có xu hướng tăng theo thời gian. Đối với DNNVV thì sự hỗ trợ của chính phủ đóng vai trò quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động ĐMST. Tỷ lệ doanh nghiệp được hỗ trợ về mặt tài chính là không cao và có sự phân biệt về quy mô, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ tiếp cận hỗ trợ về mặt tài chính là rất thấp so với doanh nghiệp có quy mô vừa. Với hỗ trợ về mặt kỹ thuật (đào tạo nguồn nhân lực, chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại, chương trình xúc tiến công nghệ thương mại) thì tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật thấp hơn rất nhiều so với hỗ trợ về mặt tài chính
  11. 505 Chính sách thuế cho hoạt động R&D của doanh nghiệp phần nào đã ưu đãi với doanh nghiệp có R&D. Tuy nhiên quy định trong các văn bản luật pháp về thuế thể hiện nhiều bất cập cũng như sự không thống nhất giữa các văn bản. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận với các ưu đãi về thuế, sự thiếu đồng bộ giữa các quy định về thuế. Mô hình liên kết Viện nghiên cứu - Trường Đại học - Doanh nghiệp chưa hiệu quả. Đã có một số mô hình liên kết hoạt động R&D cho một số đối tượng doanh nghiệp nhất định nhưng chưa có nhiều hình thức khuyến khích hợp tác trong hoạt động R&D giữa cá nhân, tổ chức khoa học – công nghệ và doanh nghiệp. Chưa có những chính sách cụ thể trong chuyển giao công nghệ như quy định về khấu hao máy móc, thiết bị và nhà xưởng phục vụ các hoạt động R&D hay không có hướng dẫn hoặc rất khó để triển khai chính sách sử dụng trang thiết bị nghiên cứu phục vụ R&D. 5. GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CHO DOANH NGHIỆP Doanh nghiệp trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số với CMCN 4.0 cần sẵn sàng năng lực tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng để tiếp cận và thích ứng tốt. Để thúc đẩy ĐMST ở doanh nghiệp nhất thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bên, mà trước hết là sự vận động của bản thân doanh nghiệp với vai trò trung tâm, tiếp đến là các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cùng các thiết chế hỗ trợ khác (ngân hàng thương mại, các quỹ hỗ trợ), Các DNNVV cần nhận thức tầm quan trọng của hoạt động ĐMST đối với sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu về tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải chủ động nắm bắt các tín hiệu của thị trường, năng động và sáng tạo, hiểu rõ được tầm quan trọng của chuỗi giá trị sản phẩm; từ đó chủ động thu hút, huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tín dụng để hình thành sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hướng đến tạo ra và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa thiết thực, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Cụ thể: - DNNVV cần nâng cao năng lực học hỏi và năng lực hấp thu để có thể tiến hành ĐMST bằng cách đầu tư vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, đầu tư vào hoạt động R&D;
  12. 506 - Tăng cường mở rộng các mối quan hệ mạng lưới để tiếp cận các nguồn lực tri thức từ bên ngoài trong việc chuyển giao công nghệ; - Bản thân chủ doanh nghiệp cần nâng cao trình độ chuyên môn để có thể hấp thu những kiến thức từ môi trường bên ngoài để tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Kinh nghiệm của các nước cho thấy nhất thiết phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ với tư duy quản lí thông thoáng nhằm “cởi trói” cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các DNNVV, thúc đẩy ĐMST. Hành động trước hết là cần xây dựng và công bố quy hoạch ngành về ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ phải là người đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý. Tiếp đó, cần đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Chính sách của chính phủ cần tập trung vào các vấn đề chính sau: - Các chính sách nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận về tín dụng chính thức đặc biệt doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ; - Chính phủ nên tập trung vào các chính sách nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ của lực lượng lao động trong doanh nghiệp. Chương trình đào tạo nhân lực CNTT cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo CNTT gắn với các xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (IoT), AI, công nghệ robot, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng CNTT. - Chính phủ cần đưa ra chính sách nhằm giúp tăng năng lực quản lý và đề cao tinh thần doanh nghiệp để chủ doanh nghiệp nâng cao tầm nhìn dài hạn hơn thông qua đầu tư vào vào hoạt động đổi mới sáng tạo; - Chính phủ cần ban hành các chính sách giúp DNNVV tiếp cận các nguồn lực kiến thức từ phía bên ngoài bên ngoài thông qua kênh liên kết là trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp trong việc chia sẻ thông tin và chuyển giao công nghệ cho DNNVV; - Chính phủ cải thiện môi trường thể chế chính thức cụ thể là giảm tham nhũng trong khu vực công để tạo môi trường thể chế lành mạnh nhằm khuyến khích DNNVV đầu tư vào
  13. 507 hoạt động đổi mới sáng tạo bằng việc hấp thu những công nghệ hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất và khuyến khích các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp học hỏi công nghệ; - Thành lập nhiều khu công nghệ cao, khu công nghiệp và các ưu đãi để khuyến khích DNNVV tọa lạc tại các khu vực này nhằm tận dụng được lợi thế của tích tụ, tập trung ngành trong việc lan tỏa kiến thức công nghệ cũng như tận dụng nguồn lực và các yếu tố đầu vào khác trong quá trình sản xuất; - Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực Internet, hỗ trợ DNNVV ứng dụng công nghệ thông tin để có thể quảng bá sản phẩm của mình ở thị trường trong nước và quốc tế cũng như tiến hành các giao dịch thông qua Internet. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quyết định số 418/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01/04/2012 về phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011–2020 2. Bộ kế hoạch đầu tư và Ngân hàng thế giới (2016). Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Báo cáo tổng quan. 3. Nghị quyết số 20/2012/NQ-TW ngày 1/11/2012 nghị quyết hội nghị lần sáu Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 4. Alvarez, R., Bravo-Ortega, C., & Navarro, L. (2010). Innovation, R&D investment and productivity in Chile. 5. Baumol, W. J. (1990). Entrepreneurship: Productive, unproductive, and destructive. Journal of Business Venturing, 11(1), 3-22 6. Cohen, W. M., & Levinthal, D. A. (1990). Absorptive capacity: A new perspective on learning and innovation. Administrative science quarterly, 128-152. 7. Fredriksson, P. G., & Svensson, J. (2003). Political instability, corruption and policy formation: the case of environmental policy. Journal of public economics, 87(7), 1383-1405. 8. Hall, B. H., Lotti, F., & Mairesse, J. (2009). Innovation and productivity in SMEs: empirical evidence for Italy. Small Business Economics, 33(1), 13-34
  14. 508 9. Hallberg, K. (2000). A market-oriented strategy for small and medium scale enterprises (Vol. 63). World Bank Publications. 10. OECD (1997). The Oslo Manual: Proposed Guidelines for Collecting and Interpreting Technological Innovation Data. Paris: OECD. 11. Worlbank (2014). Science, Technology and Innovation in Vietnam. OECD Reviews of Innovation Policy 12. Oslo Manual, (2005). Guidlines for collecting and interpreting innovation data. Third Edition. OECD. 13. Phùn Xuân Nhạ và Lê Quân (2013), “Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, Số 4, 1-11. 14. Nguyễn Minh Ngọc (2018), “Một số rào cản trong việc thực hiện chính sách tài trợ cho hoạt động STI ở việt nam hiện nay”, Hội thảo khoa học Quốc gia: Rào cản trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Mã số ISBN: 978-604-922-658-8. 15. Nguyễn Hữu Huy Nhựt và cộng sự (2018), “Nhận diện rào cản đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”, Hội thảo khoa học Quốc gia: Rào cản trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Mã số ISBN: 978-604-922-658-8. 16. Trần Thị Kim Nhung (2018), “Cơ chế đẩy mạnh hoạt động R&D trong các doanh nghiệp và phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao: Thực trạng và giải pháp”, Hội thảo khoa học QG: Rào cản về thể chế đối với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tháng 6/2018, ISBN: 978-604-922-658-8, pp. 429-436