Những tác động của kinh tế chia sẻ tới thị trường lao động và hàm ý giải pháp cho Việt Nam

pdf 12 trang Gia Huy 19/05/2022 2920
Bạn đang xem tài liệu "Những tác động của kinh tế chia sẻ tới thị trường lao động và hàm ý giải pháp cho Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_tac_dong_cua_kinh_te_chia_se_toi_thi_truong_lao_dong_v.pdf

Nội dung text: Những tác động của kinh tế chia sẻ tới thị trường lao động và hàm ý giải pháp cho Việt Nam

  1. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA KINH TẾ CHIA SẺ TỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ HÀM Ý GIẢI PHÁP CHO VIỆT NAM ThS. Vũ Thị Thúy Hằng1 Tóm tắt: Bài viết giới thiệu nền kinh tế chia sẻ từ góc độ của nhiều chuyên gia như Botsman, Rogers, Bardhi & Eckhardt, Belk, Gansky, Schor & Fitzmaurice, Dyal-Chand, Posen, Có thể thấy rằng nhờ vào sự chia sẻ của nền kinh tế, không còn nguồn lực bị lãng phí. Tài nguyên được tối đa hóa và tiêu dùng được giảm thiểu, thậm chí loại bỏ được tư hữu. Tác giả cũng liệt kê được các tác động của nền kinh tế chia sẻ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và xã hội như: Tận dụng tối đa các nguồn lực; Phát triển một nền văn hóa tiêu dùng bằng niềm tin, Đa dạng hóa vai trò cho các tổ chức và doanh nghiệp; Tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp truyền thống cung cấp sản phẩm dịch vụ cùng loại Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Tác giả thu thập dữ liệu thứ cấp từ các tạp chí, kỷ yếu hội thảo, sách tham khảo, chuyên khảo, báo cáo chuyên ngành đã được công bố và kế thừa các nghiên cứu về kinh tế chia sẻ của chính tác giả. Tác giả xử lý dữ liệu bằng phương pháp tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, so sánh, phân tích. Trên cơ sở các dữ liệu thứ cấp thu thập được và hướng nghiên cứu thị trường lao động theo quy luật cung cầu, tác giả phân tích và tổng hợp được bốn nhóm tác động chính của nền kinh tế chia sẻ tới thị trường lao động truyền thống là: i) Sự dịch chuyển về cơ cấu lao động; ii) Sự thay đổi thu nhập và tần suất lao động; iii) Sự tác động vào động lực làm việc; iv) Sự tác động vào chính sách lao động. Dựa trên phân tích những tác động, tác giả gợi ý ba nhóm giải pháp quản lý người lao động và các nền tảng chia sẻ tại Việt Nam: i) Tập trung vào các khu vực đông dân cư hoặc sử dụng cách tính giá linh hoạt; ii) Xếp hạng người lao động dựa trên sự tín nhiệm của người dùng và sự tuân thủ với các yêu cầu được đề nghị; iii) Quản lý các nền tảng thông qua tài khoản tại ngân hàng. Từ khóa: Kinh tế chia sẻ, Tác động của kinh tế chia sẻ tới thị trường lao động, Nền tảng trực tuyến, Người lao động Abstract: The article introduces the sharing economy from the perspective of many experts such as Botsman, Rogers, Bardhi & Eckhardt, Belk, Gansky, Schor & Fitzmaurice, Dyal-Chand, Posen, As can be seen, the sharing economy save wasted resources. These resources are maximized and these consumptions are minimized, even eliminating private ownership. The author also provides the impacts of the sharing economy on business and social such as Maximizing the use of resources; Developing a consumer culture by faith, Diversifying roles for organizations and businesses; Creating competitive pressure for traditional businesses The article uses qualitative research methods. The author collects secondary data from journals, proceedings, books, and specialized reports that have been published. The author inherits my own research. The author processes data by synthesizing, inductive, interpreting, comparing and analyzing methods. Based on the secondary data collected, the author analyzes and synthesizes four main groups of impacts 1 E-mail: hangtmdt@tmu.edu.vn, Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại.
  2. 526 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 of the sharing economy on the traditional labor market: i) The impact on labor structure ; ii) The impact on income and labor frequency; iii) The impact on work motivation; iv) The impact on labor policy. Based on the analysis of impacts, the author suggests three groups management solution of worker sharing platforms in Vietnam: i) Focus on densely populated areas or use flexible pricing methods; ii) Employee ratings based on user trust and compliance with proposed requirements; iii) Managing platforms through bank accounts. Keywords: Economic sharing; The impact of economy on labor market; Online platform; Employees. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trên thế giới, kinh tế chia sẻ là một chủ đề được nhiều chuyên gia quan tâm và đề cập trong các tài liệu, ấn phẩm khoa học. Kinh tế chia sẻ là một phần tất yếu của nền kinh tế số, là kết quả của ứng dụng đổi mới sáng tạo cho tăng năng suất của các ngành. Mô hình kinh tế chia sẻ tạo và tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, quá trình phân công sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ kéo theo sự tái phân bổ lao động và sự phụ thuộc lẫn nhau của thị trường lao động các quốc gia. Có thể thấy, thị trường lao động là một trong những kênh chính giúp hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Thứ nhất, những thay đổi về việc làm là kết quả của thay đổi cơ cấu kinh tế; Thứ hai, môi trường kinh doanh (nơi tạo ra doanh nghiệp mới và nuôi dưỡng sáng kiến) phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tạo việc làm và tăng năng suất của thị trường lao động; và cuối cùng, lao động gần như là tài sản duy nhất mà nước nghèo đang sở hữu. Đánh giá những tác động của nền kinh tế chia sẻ với thị trường lao động truyền thống sẽ phần nào xác định rõ những thay đổi của nền kinh tế ở giai đoạn đầu tiên. Bài viết tập trung giải quyết bốn vấn đề chính là: i) Giới thiệu về nền kinh tế chia sẻ và những tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và xã hội; ii) Thực trạng thị trường lao động truyền thống trên Thế giới và tại Việt Nam hiện nay; iii) Những tác động của nền kinh tế chia sẻ đến thị trường lao động truyền thống; iv) Hàm ý những chính sách cho thị trường lao động Việt Nam. Bài viết được bố cục thành ba phần và năm mục. Phần đầu tiên của bài viết sẽ giới thiệu về nền kinh tế chia sẻ, mô tả các tác động nền kinh tế chia sẻ tạo ra với doanh nghiệp và xã hội. Phần thứ hai, tác giả sẽ mô tả khái quát thị trường lao động trên thế giới và tại Việt Nam, sự tác động của nền kinh tế chia sẻ tới thị trường lao động nói chung, làm rõ những tương đồng và khác biệt giữa thị trường lao động trong nền kinh tế chia sẻ và thị trường lao động truyền thống. Phần cuối cùng rút ra những kết luận và hàm ý chính sách cho Việt Nam. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ KINH TẾ CHIA SẺ 2.1. Một số cách hiểu về Kinh tế chia sẻ Khi đề cập đến kinh tế chia sẻ, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế chia sẻ (sharing economy) hay còn gọi là tiêu dùng hợp tác (collaborative consumption) (Botsman, 2013; Botsman & Rogers, 2010a; Botsman & Rogers, 2010b), kinh tế truy cập (access-based consumption) (Bardhi & Eckhardt, 2012; Belk, 2014b), ‘the mesh’ (Gansky, 2010), tiêu dùng kết nối (connected consumption) (Dubois et al., 2014; Schor, 2014, 2015; Schor & Fitzmaurice, 2015). Theo Dyal-Chand (2015), kinh tế chia sẻ là hình thức các cá nhân chia sẻ tài sản thuộc sở hữu tư nhân, chia sẻ thông tin theo nhu cầu thị trường. Theo Miller (2016), kinh tế chia sẻ là mô hình kinh tế mà con người tạo ra và chia sẻ sản phẩm,
  3. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 527 dịch vụ, địa điểm, tài chính với những người khác. Bostman (2013) thì cho rằng kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh tế trung gian qua Internet (Internet mediated economic model), được xây dựng trên sự chia sẻ, trao đổi, giao dịch hoặc cho thuê sản phẩm và dịch vụ yêu cầu quyền sở hữu. Kinh tế chia sẻ tạo điều kiện cho quyền sở hữu cộng đồng, sản phẩm địa phương, sự cộng tác, doanh nghiệp quy mô nhỏ được hiện thực và sự tái sinh nền kinh tế, khuyến khích sự đổi mới, sự chia sẻ của cơ sở vật chất không sử dụng (Posen, 2015). Các sản phẩm theo hình thức chia sẻ trong nền kinh tế chủ yếu tập trung khai thác những nguồn lực sẵn có trong xã hội. Những nguồn lực này có thể không sử dụng hoặc đang sử dụng chưa hết công suất. Thông qua nền tảng thông tin, các nhà kinh doanh tiến hành phân bổ lại nguồn lực cho những người có nhu cầu. Chính vì vậy, sản phẩm này mang lại lợi ích khá lớn cho nhà đầu tư và cho cả người tiêu dùng. Cũng chính nhờ vào sự chia sẻ của nền kinh tế, mà không còn năng lực nhàn rỗi hay nguồn lực bị lãng phí. Tài nguyên được tối đa hóa và lãng phí không đáng kể, tiêu dùng được giảm thiểu, thậm chí loại bỏ được tư hữu (Vu Thi Thuy Hang, 2017). Khi bàn về kinh tế chia sẻ, Vu Thi Thuy Hang (2018) cho rằng có những tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xã hội nói chung như sau: - Đẩy nhanh sự lưu thông tài nguyên: kinh tế chia sẻ khuyến khích tài nguyên tuần hoàn và được sử dụng tới hết chu kỳ sống. - Tận dụng tối đa các nguồn lực: các sản phẩm theo hình thức chia sẻ trong nền kinh tế chủ yếu tập trung khai thác những nguồn lực sẵn có trong xã hội. Những nguồn lực này không sử dụng hoặc sử dụng chưa hết công suất. Tài nguyên được tối đa hóa và lãng phí không đáng kể, tiêu dùng được giảm thiểu, thậm chí loại bỏ được tư hữu. - Phát triển một nền văn hóa tiêu dùng bằng niềm tin: nền kinh tế chia sẻ nâng tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin, ngay cả giữa các đối thủ. - Đa dạng hóa vai trò cho các tổ chức và doanh nghiệp: trước kia, một doanh nghiệp chỉ nhận dạng là một nhà cung cấp dịch vụ hay nhà sản xuất. Với nền kinh tế này, vai trò của doanh nghiệp được mở rộng hơn, thậm chí trở thành những nhà cố vấn đáng tin cậy. Điều này giúp cho các tổ chức tiến gần với thị trường mục tiêu, hiểu hơn về khách hàng và thị trường của doanh nghiệp. - Giảm chi phí cho xã hội, giảm ô nhiễm môi trường: do tận dụng được nguồn tài nguyên có sẵn trong xã hội, các nhà kinh doanh không cần khai thác thêm nguồn tài nguyên mới, tiết kiệm được chi phí sản xuất. - Tăng lợi ích cho người tiêu dùng: dòng sản phẩm dịch vụ theo hình thức chia sẻ với chi phí thấp và chất lượng không kém các sản phẩm truyền thống. Do đó, người tiêu dùng có cơ hội thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu về số lượng mà còn mang lại trải nghiệm độc đáo, thú vị. - Tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp truyền thống cung cấp sản phẩm dịch vụ cùng loại: do tận dụng nguồn lực sẵn có đang lãng phí nên các nhà kinh doanh sản phẩm dịch vụ chia sẻ tiết kiệm khá nhiều chi phí, theo đó giá cung cấp dịch vụ cũng thấp đi. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. - Vấn đề về chính quyền: các sản phẩm dịch vụ theo hình thức chia sẻ không phải lúc nào cũng được các nhà quản lý chấp nhận, đôi khi có thể vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền địa phương.
  4. 528 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 - Vấn đề bảo mật: rủi ro này liên quan đến yếu tố tin cậy. Nếu một bên không giao hàng hoặc chấm dứt hợp đồng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cần được giải quyết. Thực tế việc sử dụng và chia sẻ thông tin trên Internet không chỉ là thông tin thanh toán mà còn liên quan thông tin cá nhân người dùng phải tiết lộ để được tham gia vào thị trường. - Vấn đề tranh chấp: rủi ro này cao hơn với các doanh nghiệp hoạt động như bên thứ ba hoặc trung gian trong các giao dịch của bên thứ hai. Các vấn đề liên quan đến hiệu lực bảo hiểm nếu cướp bóc hoặc các vấn đề hình sự xảy ra, khi đó vai trò của doanh nghiệp trung gian cần phải được làm rõ. 2.2. Tiếp cận thị trường lao động theo góc nhìn của kinh tế chia sẻ Thị trường lao động là sự trao đổi hàng hóa, sức lao động giữa những người sở hữu sức lao động và những người cần thuê sức lao động. Về cơ bản, thị trường lao động cũng chịu sự tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật độc quyền. Trong bài viết này, tác giả tiếp cận thị trường lao động theo quy luật cung cầu. Theo hướng nghiên cứu này, thị trường lao động được tạo thành từ ba bộ phận chính là cung, cầu của thị trường lao động và giá cả sức lao động (mức tiền công, tiền lương). Cung lao động là tập hợp những người có khả năng và có nhu cầu làm việc. Họ có thể đang có việc làm hay tạm thời không có việc làm hoặc đang đi tìm việc. Cầu lao động là lượng lao động mà người sử dụng lao động có thể được thuê ở mỗi mức giá có thể chấp nhận được. Cầu lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn tài nguyên, quy mô, trình độ công nghệ, cơ cấu ngành nghề của nền kinh tế, mức tiền công, phong tục tập quán, tôn giáo, Sự tác động qua lại giữa cung và cầu về lao động hình thành giá cả sức lao động. Giá cả sức lao động được thể hiện trực tiếp ở khoản thù lao mà người lao động được nhận. Theo hướng tiếp cận về cung, cầu, giá cả lao động, bài viết tập trung nghiên cứu các tác động của kinh tế chia sẻ tới thị trường lao động như sau: - Có sự dịch chuyển về cơ cấu lao động: kinh tế chia sẻ giúp mở rộng đối tượng tham gia lao động (sinh viên, người làm việc bán thời gian, nội trợ, người thất nghiệp), thay đổi cơ cấu về giới tính, độ tuổi tham gia lao động (tăng lao động nữ và tăng đối tượng lao động dưới 40 tuổi, lao động có trình độ học vấn cao, ). - Sự thay đổi thu nhập của người lao động: vì thời gian làm việc linh hoạt, khung giờ đa dạng, thu nhập của người lao động trong nền kinh tế chia sẻ cũng đến từ nhiều nguồn, từ nhiều nền tảng khác nhau. Lao động tại thị trường ảo có nhiều kỹ năng hơn, có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn so với thị trường truyền thống. - Sự tác động tới tần suất lao động: mức độ chuyển đổi công việc khác khi nền kinh tế chia sẻ xuất hiện và các công việc mới đang được tạo ra là rất đáng chú ý. Tuy nhiên, thời gian lao động thực hiện công việc định kỳ theo tuần, theo tháng hoặc sáu tháng một lần có sự phân hóa rõ ràng. - Sự tác động vào động lực làm việc: Các nền tảng chia sẻ linh hoạt thời gian, người lao động được tự do quyết định thời gian làm việc. - Sự tác động vào chính sách lao động: Các nền tảng hợp tác trực tuyến thường tự coi là trung gian giữa người dùng và người lao động. Một số nền tảng không chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động và đóng góp an sinh xã hội. Do đó, chính sách lao động của các nền tảng cũng khác biệt so với thị trường truyền thống.
  5. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 529 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính nhằm tìm hiểu sâu sắc về kinh tế chia sẻ và sự tác động của kinh tế chia sẻ với thị trường lao động. Đây là phương pháp nghiên cứu hướng đến ý nghĩa các khái niệm, định nghĩa, đặc điểm và sự mô tả đối tượng nghiên cứu. Về cơ bản, nghiên cứu định tính có tính chất diễn giải. Lý giải dữ liệu bao gồm việc mô tả bối cảnh, phân tích tình huống thành các chủ đề và diễn giải, rút ra kết luận, phát biểu thành bài học rút ra và đặt ra những câu hỏi sâu xa hơn (Wolcott, 1994). Bài viết sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu như sau: Phương pháp thu thập dữ liệu: tác giả sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ các bài viết tạp chí, kỷ yếu hội thảo, sách tham khảo, chuyên khảo, báo cáo chuyên ngành đã được công bố. Tác giả kế thừa các nghiên cứu về kinh tế chia sẻ của chính tác giả. Phương pháp xử lý dữ liệu và lý giải: từ những dữ liệu đã thu thập được, bằng phương pháp tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, so sánh, phân tích để xử lý dữ liệu phục vụ cho bài viết. 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1. Toàn cảnh thị trường lao động thế giới và Việt Nam hiện nay Theo International Labour Organization (2018), nền kinh tế thế giới duy trì tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức 5,5% trong năm 2018, giảm nhẹ so với 5,6% của năm 2017. Số liệu tích cực này có được là do dự báo kinh tế thế giới tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan từ năm ngoái. Tuy nhiên, ILO cũng cho rằng khi cách mạng công nghệ 4.0 hay sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng là một thách thức không nhỏ đối với cơ hội việc làm. Theo ông Guy Ryder – Giám đốc ILO, vấn đề cốt lõi nằm ở thực trạng dư thừa “việc làm thứ cấp”, trong đó người lao động không được ký hợp đồng lao động chính thức hoặc người làm thuê được hưởng rất ít hoặc thậm chí không được hưởng chế độ bảo trợ xã hội nào, không có thêm các điều khoản đãi ngộ trong hợp đồng lao động. Còn theo nhà kinh tế Stefan Kühn của ILO, tác giả phụ trách báo cáo trên, tại các quốc gia đang phát triển, tiến triển trong nỗ lực giảm bớt tình trạng có việc làm nhưng vẫn cực nghèo quá chậm, mức 114 triệu người trong những năm tới, ảnh hưởng tới 40% tổng số người có việc làm trong năm 2018. Theo số liệu của Tổ chức phi chính phủ Oxfam, có tới 82% số tài sản toàn cầu trong năm ngoái thuộc về người giàu, vốn chỉ chiếm 1% dân số thế giới. Trước thực trạng trên, Tổng Giám đốc ILO cho rằng việc nới rộng các lợi ích tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, cần thêm nhiều những nỗ lực để đảm bảo lợi nhuận kinh tế được phân bổ một cách công bằng. Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng lao động, thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết những điểm sáng nổi bật của thị trường lao động thời gian qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%. Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cũng ở mức thấp so với khu vực, trong đó tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị chỉ khoảng hơn 3%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Theo dự báo, từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng
  6. 530 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 1,28%/năm. Lực lượng lao động xã hội sẽ tăng từ gần 55 triệu người năm 2017 lên 62 triệu người vào năm 2025. Cũng theo Thứ trưởng Diệp, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự bùng nổ ứng dụng Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất và các mô hình kinh tế mới như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường lao động Việt Nam. Việt Nam có thể phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp. Trong bối cảnh như vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải chuẩn bị nhân lực, trang bị cho người lao động các kỹ năng mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ngoại ngữ, lao động chất lượng cao, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ, chú trọng công tác dự báo hướng nghiệp để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 4.2. Phân tích những tác động của kinh tế chia sẻ tới thị trường lao động Dữ liệu về quy mô và sự tăng trưởng của các lĩnh vực trong nền kinh tế chia sẻ cho đến nay là chưa đủ để cung cấp một số liệu tổng hợp trên toàn thế giới. Nguyên nhân là bởi nền kinh tế chia sẻ: i) Không có danh mục chính thức; ii) Không cung cấp nghề nghiệp toàn thời gian cho hầu hết những người tham gia; iii) Nền kinh tế chia sẻ nói chung chưa được ghi nhận và báo cáo (Coyle, 2016). Trên thực tế, nhiều người tham gia thị trường này không coi các hoạt động của họ là công việc chính thức. Trong mục này của bài viết, tác giả sử dụng dữ liệu từ nguồn thứ cấp từ các báo cáo chuyên ngành đã công bố, từ báo cáo của các nền tảng riêng lẻ như Uber, Grab, Airbnb, Now, ListMinut để phân tích những tác động của nền kinh tế này tới thị trường lao động. Căn cứ vào quy luật cung cầu, giá cả của thị trường lao động đã được đề cập trong lý thuyết, tác giả phân tích tác động của kinh tế chia sẻ theo các hướng nghiên cứu sau: 4.2.1. Sự dịch chuyển về cơ cấu lao động Sự ra đời của nền kinh tế hợp tác, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ in 3D, tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (Schwab, 2015). Rất nhiều người lo sợ nền kinh tế chia sẻ sẽ thay đổi cơ cấu lao động hiện nay. Theo các cuộc khảo sát được thực hiện ở Mỹ và Anh cho thấy, khoảng 29% người trưởng thành, đã làm việc ít nhất một lần trong nền kinh tế chia sẻ. Lao động trên các nền tảng chia sẻ thường hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau. Trung bình họ thường làm việc cho hai loại dịch vụ khác nhau trên một nền tảng hoặc hai nền tảng khác nhau (theo số liệu của Hoa Kỳ). Việc tham gia vào nền kinh tế chia sẻ tạo cơ hội cho một nhóm lao động cụ thể, những có thể là người sống cách xa thị trường lao động. Ví dụ, người thất nghiệp và sinh viên có thể được hưởng lợi từ việc làm không cố định thời gian thông qua các nền tảng. Trên thực tế, lao động trên các nền tảng chia sẻ trực tuyến thường trẻ hơn và một số quốc gia có người dân tộc thiểu số. Đối với những người trẻ tuổi và những người thất nghiệp, các nền tảng chia sẻ có thể cung cấp cơ hội để tích lũy kinh nghiệm. Theo một cuộc khảo sát của Hall & Krueger (2015) với 600 tài xế Uber ở Mỹ gần một nửa số tài xế Uber (49,2%) dưới 40 tuổi, trong khi độ tuổi này trong truyền thống là 28,4%. Các tài xế Uber (47,7%) cũng có trình độ học vấn cao hơn (có bằng Đại học) so với tài xế taxi thông thường (18,8%). Tỷ lệ lái xe Uber là phụ nữ là 13,8% so với tài xế thông thường là 8%. Tại Việt Nam, số lượng nhân sự của Grab là 450 người sau bốn năm có mặt tại thị trường và 135.450 nhân viên và đối tác, trong đó 87% tài xế là nam giới. Số lượng tài xế của Grab dưới
  7. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 531 40 tuổi chiếm gần 50%. Như vậy có thể thấy, lái xe cho các nền tảng chia sẻ nói chung, đặc biệt là các hãng taxi điện tử nói riêng là những người trẻ hơn, có trình độ học vấn cao hơn, số lượng phụ nữ cao hơn so với lái taxi thông thường. 4.2.2. Sự thay đổi thu nhập và tần suất lao động * Sự thay đổi thu nhập của người lao động Các nền tảng chia sẻ hoạt động hầu hết với tư cách đại lý, nghĩa là thành viên (người lao động/ người chia sẻ) không thuộc các nền tảng mà chỉ được nhận một khoản phí cho mỗi nhiệm vụ mà họ thực hiện. Hầu hết người lao động tham gia nền tảng đều làm việc với các khung giờ đa dạng. Tiền công họ nhận được chủ yếu dựa vào khả năng thực hiện dịch vụ. Hình 1: Thu nhập trên các nền tảng chia sẻ (€ mỗi giờ) Nguồn: Berg (2016), Eurostat (2016), De Groen et al. (2016) and Hall & Krueger (2015) Khi so sánh lao động trong nền kinh tế chia sẻ và lao động truyền thống có thể thấy: lao động tại thị trường ảo có nhiều kỹ năng hơn, có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn (dựa trên so sánh mức lương tối thiểu và thu nhập trung bình mỗi giờ theo CoContest ở Ý tổng hợp). Tuy nhiên, số liệu này chỉ có ý nghĩa tương đối. Vị trí và khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ lao động tại thị trường ảo. Giả thuyết là mức thù lao hàng giờ của ListMinut có thể đại diện cho mức tiền công của thị trường lao động chia sẻ. Có thể thấy mức thu nhập của thị trường trực tuyến và ngoại tuyến mỗi giờ khá tương đương nhau trong tất cả các lĩnh vực như Hình 2: Hình 2: Tổng thu nhập trung bình mỗi giờ theo danh mục của ListMinut Nguồn: De Groen, Maselli & Fabo (2016) Bảng trên thống kê thu nhập trung bình mỗi giờ cho 10 hoạt động chính với 2.394 nhiệm vụ được thực hiện trên nền tảng ListMinut trong khoảng thời gian từ tháng 12/2013 đến tháng
  8. 532 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 12/2015. Các danh mục ListMinut khớp hoặc gần nhất với các danh mục trong cơ sở dữ liệu của Wage Indicator. Thu nhập trung bình mỗi giờ của tài xế Uber (17,5$) cao hơn so với các tài xế taxi thông thường (10,94$) (De Groen, Maselli & Fabo - CBS, 2016). Theo báo cáo khác của Burston-Marsteller, Aspen Institute & Time (2015), 70% số lao động cho rằng kinh tế chia sẻ, đóng góp dưới 40% thu nhập của họ. 21% số lao động còn lại cho rằng các nền tảng chia sẻ đóng góp 40 đến 59% thu nhập. Gần 10% chỉ ra rằng 60% đến 100% thu nhập của họ đến từ các nền tảng chia sẻ. Chỉ 1% lao động cho biết họ có được tất cả thu nhập từ nền tảng chia sẻ. Theo Harris & Krueger (2015) ước tính ở Mỹ có khoảng 6 triệu lao động tạo nên nền kinh tế hợp tác, tương đương 0,4% tổng số việc làm. Tại Liên minh châu Âu, có khoảng 100.000 công nhân đang hoạt động trong nền kinh tế này. Hầu hết những công nhân này (khoảng 65.000) hoạt động thông qua Uber. * Sự tác động tới tần suất lao động Để tìm hiểu đầy đủ hơn về tác động của kinh tế chia sẻ đối với tần suất lao động, điều quan trọng là phải tính đến sự mất việc và mức độ chuyển sang các công việc thông thường khác khi nền kinh tế này xuất hiện. Tuy nhiên, hiện tại không có ước tính đáng tin cậy nào về các việc làm bị dịch chuyển, điều này gây khó khăn cho việc ước tính các công việc đang được tạo ra. Ví dụ, Uber tuyên bố rằng họ cạnh tranh với các dịch vụ taxi, nhưng trên thực tế, họ chủ yếu cạnh tranh với các chủ sở hữu xe hơi (Krugel, 2016). Mặc dù trước đây một số ý kiến cho rằng các tài xế taxi Uber đang thay thế các tài xế hiện tại, nhưng sau đó một số ý kiến khác lại cho rằng nền tảng này góp phần tạo ra nhiều việc làm thêm. Về cường độ lao động, có thể thấy các nền tảng hợp tác trực tuyến hầu hết được tổ chức thông qua các thành viên. Thành viên/ người lao động trên các nền tảng không phải là nhân viên của doanh nghiệp, nên các nền tảng không thể bắt buộc họ báo cáo công việc hàng ngày. Mặc dù phức tạp nhưng vẫn có một ước tính được đưa ra về số lượng lao động tích cực ở EU trong nền kinh tế hợp tác. Ước tính này dựa trên cách tiếp cận của Harris & Krueger (2015). Theo ước tính này, cường độ lao động của thành viên trên các nền tảng tương đối hạn chế. Trung bình khoảng 30% người lao động cung cấp dịch vụ một vài lần một năm, 30% khác cung cấp dịch vụ hàng tháng và 30% là hàng tuần. Chỉ khoảng 10% người lao động cung cấp dịch vụ của họ hàng ngày. Ở Anh, số liệu hơi khác ở Mỹ. Gần 2/3 số lao động qua các nền tảng cung cấp dịch vụ chia sẻ hai năm một lần hoặc ít hơn. Khoảng 1/10 số lao động cung cấp ít nhất một lần một tuần (xem Hình 3). Hình 3. Tần suất lao động trên các nền tảng chia sẻ Nguồn: Burston-Marsteller, Aspen Institute & Time (2015) and Huws & Joyce (2016)
  9. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 533 Hình (a) cho thấy tần suất lao động theo ngày, tuần, tháng, năm của các loại hình lao động Mỹ cung cấp trên nền tảng kinh tế chia sẻ. 3.000 đáp viên được khảo sát trực tuyến vào tháng 11 năm 2015 để ước tính cho toàn bộ dân số. Tỷ lệ sử dụng nền tảng chia sẻ để đi chung xe, dịch vụ phân phối, thuê căn hộ theo tháng nhiều hơn theo tuần và ngày. Khảo sát tại Anh (Hình (b)) được thực hiện vào tháng 1 năm 2016 với 2.238 câu trả lời. Có thể thấy tất cả các ngành được thực hiện trên nền tảng chia sẻ định kỳ theo tuần, sáu tháng một lần (biannual) hoặc ít hơn. 4.2.3. Sự tác động vào động lực làm việc Các nền tảng chia sẻ linh hoạt thời gian và kỹ năng cho người lao động. Người lao động có thể tự do quyết định khi nào cung cấp dịch vụ mà không cần bất kỳ nghĩa vụ nào. Theo nhiều nhân viên trên Amazon Mechanical Turk và CrowdFlower được khảo sát bởi Berg (2016), họ cho rằng khả năng làm việc tại nhà, thêm thu nhập hoặc được linh hoạt thời gian làm việc là những lý do quan trọng khi lựa chọn hình thức lao động này. Các số liệu ở (Hình 4) cho thấy năm động lực hàng đầu của người lao động phổ thông khi cung cấp dịch vụ trên nền tảng kinh tế chia sẻ là: thêm thu nhập, kiếm được nhiều tiền hơn, thích độc lập, thích sự linh hoạt của kinh tế chia sẻ, thích được làm chủ. Đối với lao động năng động và nhiều động lực (motivated worker) thì động lực chính của họ khi tham gia nền kinh tế chia sẻ là: nền tảng chia sẻ cung cấp nguồn thu thập chính (40% thu nhập hàng tháng của họ), không tìm thấy công việc tương tự ở thị trường truyền thống, thích sự linh hoạt, thích được độc lập và muốn được tự lên lịch trình của mình. Hình 4: Năm động lực hàng đầu của lực lượng lao động chia sẻ tại Mỹ Nguồn: Burston-Marsteller, Aspen Institute & TIME (2015) Hầu hết lao động trong thị trường chia sẻ đều được coi là những người làm việc tự do vì họ kiếm tiền từ mối quan hệ bên ngoài giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, thị trường lao động chia sẻ thường có hai nhóm lao động chính là freelancers và not employees. Theo một khảo sát khác tại Mỹ, những người muốn tham gia vào thị trường này vì 10% chỉ có thể làm việc tại nhà, 19% thích làm việc tại nhà, 8% không thể tìm được việc làm khác và 6% coi công việc này là hình thức giải trí (Berg, 2016). 4.2.4. Sự tác động vào chính sách lao động Các nền tảng hợp tác trực tuyến thường tự coi mình là trung gian giữa người dùng và người lao động chứ không phải là chủ lao động như thị trường truyền thống. Điều này có nghĩa rằng các
  10. 534 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 nền tảng không chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động và đóng góp an sinh xã hội. Chỉ có 15% số người tham gia khảo sát thị trường do TNS Sofres thực hiện ở Pháp báo cáo thu nhập có được thông qua nền kinh tế hợp tác, 15% dịch vụ không được khai báo ở các quốc gia như Thụy Điển và tới 70% ở Ý và Tây Ban Nha, thậm chí 90% ở Đức (Farvaque, 2013). Về phía người lao động, họ cho rằng nền tảng chỉ cung cấp nguồn thu nhập không thường xuyên ngoài thu nhập từ công việc chính. Vì họ đã được bảo vệ an sinh xã hội thông qua công việc chính nên nhiều trường hợp không khai báo thu nhập thông qua các nền tảng này. Hiện nay, tùy theo hệ thống thuế, an sinh xã hội giữa các quốc gia, tùy theo thu nhập, vị trí việc làm của người lao động thì số tiền đóng góp thuế và an sinh xã hội của người lao động sẽ khác nhau. Tám quốc gia có thành viên tham gia nền kinh tế chia sẻ cao nhất là Bỉ (BE), Đức (DE), Tây Ban Nha (ES), Pháp (FR), Ý (IT), Hà Lan (NL), Ba Lan (PL) và Vương quốc Anh (UK). Các quốc gia này đã nỗ lực xác định các yêu cầu tối thiểu của người lao động khi tham gia nền tảng hợp tác trực tuyến là cần phải đăng ký, cần quản lý thu nhập và thanh toán thuế, an sinh xã hội với cơ quan thuế/quỹ an sinh xã hội hoặc đăng ký công ty. Hình 5 cung cấp thông tin chi tiết: Hình 5: Các yêu cầu tối thiểu với lao động khi tham gia nền kinh tế chia sẻ Lưu ý: Tỷ giá của GBP và PLN được báo cáo số đặc biệt của CEPS tham chiếu theo tỷ giá hối đoái ngày 2/5/2016 Nguồn: CEPS Special Report No. 138/ June 2016 Tại ba quốc gia Bỉ, Đức và Ý, người lao động không cần phải đăng ký khi bắt đầu cung cấp dịch vụ thông qua các nền tảng kinh tế chia sẻ. Các nước còn lại trong hình trên đều phải đăng ký với cơ quan thuế/quỹ an sinh xã hội hoặc đăng ký với công ty. Ngoài Pháp thì các quốc gia khác đều miễn phí khi đăng ký tham gia. Việc đăng ký này khiến sự tham gia vào nền kinh tế chia sẻ trở nên có kiểm soát hơn. Các chi phí cần phải được ghi chép và hoạch toán (trừ Pháp). Một nửa số quốc gia được thống kê, người lao động chỉ cần trả thuế thu nhập cho thu nhập ròng của họ (ví dụ: Bỉ, Đức, Ý và Hà Lan). Một số quốc gia vẫn cần nộp đơn yêu cầu miễn thuế. Theo báo cáo, số tiền mà người lao động có thể kiếm được từ 1,439€ [BE] đến 8,652€ [DE] mỗi năm, từ 7.551€ [Anh] và 34.500€ [PL].
  11. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 535 5. KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý GIẢI PHÁP CHO VIỆT NAM Bài viết đã trả lời giải quyết bốn vấn đề chính từ mục Đặt vấn đề. Tuy nhiên, hầu hết các nền tảng chia sẻ vẫn còn đang trong giai đoạn tìm kiếm mô hình kinh doanh lý tưởng để kích thích tăng trưởng. Có thể sẽ còn những thay đổi đáng kể hơn nữa trong tương lai. Nghiên cứu này chỉ đánh giá sơ lược các yêu cầu đầu vào tại các quốc gia có lực lượng lao động chia sẻ lớn nhất trên thế giới. Bối cảnh trong nước cũng có nhiều thuận lợi đan xen với những khó khăn mới. Nền kinh tế tiếp tục mở cửa tạo điều kiện phát huy tốt hơn những thế mạnh trong nước nhưng cần khắc phục những hạn chế kìm hãm nhu cầu nội địa và, các tiêu chuẩn hàng hóa, tiêu chuẩn lao động, giải quyết việc làm nhưng yêu cầu phải bền vững, thể chế thị trường lao động tiếp tục cần hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ những phân tích trên, tác giả gợi mở các giải pháp quản lý các nền tảng chia sẻ và quản lý người lao động tham gia nền tảng chia sẻ tại Việt Nam như sau: - Sự tự do/ linh hoạt của người lao động sẽ làm giảm hiệu quả của nền tảng. Nghiên cứu trên nhiều trường hợp cho thấy hai yếu tố quan trọng để cung và cầu được đáp ứng trên nền tảng là giá cả và khoảng cách địa lý giữa người dùng và người lao động (De Groen và cộng sự, 2016; Cullen & Farronato, 2014). Để nâng cao tính hiệu quả, các nền tảng tại Việt Nam nên tập trung vào các khu vực đông dân cư hoặc sử dụng cách tính giá linh hoạt (dynamic pricing). Ví dụ. Uber sử dụng giá theo giờ cao điểm khi có nhiều nhu cầu hơn nguồn cung để khuyến khích các tài xế. Uber thúc đẩy các tài xế lao động vào giờ cao điểm bằng cách tính thu nhập dựa trên tính khả dụng của các chuyến đi. Tài xế cần nhận ít nhất 90% các chuyến đi được cung cấp, hoàn thành một chuyến/một giờ và kết nối với hệ thống ít nhất 50’ mỗi giờ cao điểm thì sẽ được trả đầy đủ thu nhập (Rosemblat & Stark, 2015). - Xếp hạng người lao động cũng là một trong các yếu tố quan trọng để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Cách xếp hạng tùy thuộc vào nền tảng hoặc dựa trên phản hồi của người dùng. Ví dụ, TaskRabbit yêu cầu người lao động chấp nhận ít nhất 75% lời đề nghị (offer) vào các thời điểm và cần hoàn thành ít nhất 85% nhiệm vụ, yêu cầu trả lời trong vòng 30’ khi nhận được đề nghị. Nếu không tuân thủ một trong các yêu cầu này, người lao động sẽ không được hiển thị trong kết quả tìm kiếm và có thể không được nhận lời đề nghị tiếp theo. Trên thực tế, 6% người lao động có xếp hạng cao nhất kiếm được khoảng 1/3 tổng doanh thu của toàn bộ nền tảng. Một số nền tảng, sử dụng phản hồi từ người dùng để xác định người lao động có nhận được ưu đãi hay không. Họ yêu cầu tài xế chấp nhận chuyên đi mà không biết trước điểm đến hoặc giá. Khi giá chuyến đi quá ít, các tài xế không có khả năng từ chối. Trong trường hợp, tài xế nhận của nền tảng, sau đó từ chối hành khách vì giá thấp, họ có nguy cơ bị hủy hợp đồng (Rosemblat & Stark, 2015). Việc xếp hạng có thể hạn chế khả năng tham gia vào nền kinh tế chia sẻ nhưng cũng là hình thức giám sát cần thiết để cung cấp một dịch vụ tốt hơn. - Để thúc đẩy, kiểm soát việc khai báo thu nhập cá nhân, Việt Nam có thể quản lý các nền tảng thông qua tài khoản tại ngân hàng, khuyến khích người dùng thanh toán cho người lao động của nền tảng qua thẻ. Thông tin thanh toán này có thể được sử dụng để xác định thu nhập thông qua các nền tảng chia sẻ của người lao động và lợi nhuận của các nền tảng để đánh thuế.
  12. 536 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Berg, J. (2016), “Income Security in the Collaborative Economy: Findings and Policy Lessons from a Survey of Crowdworkers”, Comparative Labor Law and Policy Journal, 37/3. [2] Burston-Marsteller (2015), “The Collaborative Economy Survey”, Aspen Institute and Time (www.burson- marsteller.com/ondemand-survey/). [3] Christoph Lutz, Gemma Newlands, Christian Fieseler, (2018), Emotional Labor in the Sharing Economy, Conference: Hawaii International Conference on System Sciences (HICSS), At Big Island Hawaii, Volume: 51. [4] Coyle, D. (2016), “The Sharing Economy in the UK” (www.sharingeconomyuk.com). [5] De Groen, W.P., I. Maselli and B. Fabo (2016), “The Digital Market for Local Services: A onenight stand for workers?”, CEPS Special Report No. 133, CEPS, Brussels, April. [6] Harris, S.D. and A.B. Krueger (2015), “A proposal for modernizing labor laws for twenty-first century work: The ‘independent worker’”, Discussion Paper 2015 – 10, The Hamilton Project, Brookings Institution, Washington, D.C. [7] Willem Pieter De Groen and Ilaria Maselli (2016), The Impact of the Collaborative Economy on the Labour Market, CEPS Special Report/June 2016. [8] Vũ Thị Thúy Hằng (2017), Giới thiệu về nền kinh tế chia sẻ và định hướng cho Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc gia Nâng cao năng lực quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. [9] Vu Thi Thuy Hang (2018), The criterias for assessing the sharing service capacity of transportation companies in Vietnam, The 5th 2018 International Conference on Business, Management and Accounting [10] Vu Thi Thuy Hang (2018), Research for Sharing economy business models and Suggestions for Vietnamese companies, Hội thảo quốc tế: Thương mại và phân phối. [11] World Employment and Social Outlook – Trends 2018 (2018), International Labour Organization, www.ilo.org