Phân tích các điều kiện phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 2410
Bạn đang xem tài liệu "Phân tích các điều kiện phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphan_tich_cac_dieu_kien_phat_trien_cao_bang_thanh_trung_tam.pdf

Nội dung text: Phân tích các điều kiện phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics

  1. PHÂN TÍCH CÁC ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN CAO BẰNG THÀNH TRUNG TÂM LOGISTICS 分析使高平省发展为物流中心的各种条件 ThS. Trần Thị Thu Hương Trường Đại học Thương mại 商业大学硕士 陈氏秋香 Tóm tắt Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thương mại đường biên giữa Việt Nam và khu vực ASEAN với thị trường Trung Quốc, nhu cầu về việc thiết lập các trung tâm logistics dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Bài viết này tập trung vào việc làm rõ ba vấn đề cơ bản: (1) tổng quan về trung tâm logistics; (2) phân tích những điều kiện phát triển Cao Bằng trở thành trung tâm logistics và (3) đưa ra một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình phát triển trung tâm logistics tại Cao Bằng. Từ khóa: Trung tâm logistics, Cao Bằng, phân tích, điều khiển 摘要 随着国际经济一体化进程以及越南和东盟与中国的边界经贸的发展,设立中越 陆上边界沿线物流中心的需求成为重要的任务。本文集中说明三个基本问题:(1)物 流中心的概观;(2)分析使高平省发展为物流中心的各种条件;(3)提出高平省物 流中心的发展过程中的一些注意事项。 关键词:分析,控制,物流 1. Khái quát về trung tâm logistics Khái niệm “trung tâm logistics” bắt đầu được đề cập ở Châu Âu vào giữa những năm 1960, khi trung tâm logistics đầu tiên trong khu vực Sogaris (Cộng hòa Pháp) được thành lập. Hiện nay, thuật ngữ “trung tâm logistics” được Europlastform (European Association of Freight Villages) định nghĩa như sau: “Trung tâm logistics là một khu vực địa lý tập trung, nơi diễn ra các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa ở phạm vi nội địa cũng như quốc tế, do nhiều chủ thể khác nhau thực hiện”. Các chủ thể này có thể là chủ sở hữu hoặc là người thuê sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị của trung tâm logistics (văn phòng, kho bãi, trung tâm phân phối, phương tiện xếp/dỡ hàng ). Tất cả các chủ thể phải được tiếp cận dễ dàng với cơ sở vật chất kỹ thuật của trung tâm logistics. Trung tâm logistics phải được thiết kế và đáp ứng dịch vụ kết nối giữa các phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cũng theo Europlastform, trung tâm logistics đảm nhiệm ba vai trò kinh tế - xã hội cơ bản là: sử dụng quỹ đất kinh doanh một cách hợp lý và hiệu quả; phát triển kinh tế và hạn chế ùn tắc giao thông. Một trung tâm logistics điển hình bao gồm các thành phần cơ bản như sau: 700
  2. - Kho bãi: Phục vụ việc phân loại, chất xếp, bảo quản, đóng gói, dán nhãn, giám định và phân phối hàng hóa. Thường có cả kho thông thường và kho lạnh, kho giữ ấm để phục vụ công tác lưu giữ và bảo quản nhiều loại hàng hóa đa dạng khác nhau. - Trung tâm phục vụ các phương tiện vận tải: Được trang bị các thiết bị xếp dỡ hàng hóa chuyên dụng, cho phép chuyển tải giữa các phương tiện khác nhau, phối hợp vận tải đa phương thức. Ở đây còn cung cấp dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng và bảo hành xe tải. - Trung tâm dịch vụ logistics hỗ trợ: Bao gồm các cơ sở vật chất kỹ thuật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng của mình như thông quan, hoàn thiện chứng từ, tư vấn, bảo hiểm - Trung tâm thông tin: Được trang bị các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và khai thác trung tâm logistics; đồng thời cung cấp hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp logistics vận hành hệ thống dịch vụ của mình và cho các khách hàng sử dụng dịch vụ logistics. - Khối văn phòng và các dịch vụ khác: Là nơi làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, biên phòng, cảng vụ, kiểm dịch. Ngoài ra còn có các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn Thiết lập trung tâm logistics là một quyết định lớn, phức tạp và không cho phép phạm sai lầm. Vì vậy, cần phải cân nhắc nhiều yếu tố có liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng vật chất kỹ thuật của một vùng rộng lớn. Để thiết lập và xây dựng một trung tâm logistics cần có các nhóm điều kiện cơ bản sau: - Điều kiện về vị trí: Đây là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất đối với trung tâm logistics. Trung tâm logistics cần phải được bố trí gần các đầu mối giao thông vận tải lớn, thuận tiện trong việc kết nối nhiều loại hình vận tải hàng hóa khác nhau và gần với các trung tâm kinh tế - thương mại lớn. Diện tích mặt bằng phải đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa hiện tại và tiềm năng, phải tính đến xu hướng phát triển lâu dài về kinh tế - xã hội. - Điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật: Nơi dự định xây dựng và phát triển trung tâm logistics phải có hạ tầng cơ sở giao thông đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; phải gần các đầu mối giao thông vận tải lớn như cảng biển, sân bay, ga đường sắt. Nếu sẵn có hệ thống kho bãi, phương tiện vận tải và trang thiết bị cho hoạt động phân phối và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại thì việc phát triển trung tâm logistics sẽ thuận lợi hơn. - Điều kiện về tài chính: Xây dựng một trung tâm logistics hiện đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn, cần phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như tài chính công, tư nhân cũng như các tổ chức tài chính quốc tế. - Nhu cầu về dịch vụ logistics: Logistics đóng vai trò là công cụ liên kết hoạt động kinh tế trong nội bộ một quốc gia cũng như toàn cầu thông qua việc tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất, kinh doanh từ khâu đầu vào đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Do đó cùng với sự phát triển kinh tế của các quốc gia và quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế đòi hỏi sự phát triển tương ứng của lĩnh vực dịch vụ logistics. Hay nói một cách khác để phát triển một trung tâm logistics đòi hỏi điều kiện về sự gia tăng nhu cầu dịch vụ logistics tại khu vực đó. - Các điều kiện khác: Nguồn nhân lực về logistics và quản lý, yếu tố an ninh, an toàn giao thông, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường 701
  3. 2. Phân tích các điều kiện phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics 2.1. Điều kiện về vị trí địa lý Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, có diện tích tự nhiên 6.690,72 km², chiếm 2,12% diện tích cả nước. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài 311 km, phía Tây giáp tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn, phía Đông Nam giáp tỉnh Lạng Sơn (Hình 1a). Với vị trí địa lý này, mặc dù Cao Bằng không nằm trực tiếp trên hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang Bách Sắc - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Hình 1b) nhưng Cao Bằng vẫn là một bộ phận của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ bao gồm miền Bắc Việt Nam và 3 tỉnh của Trung Quốc là Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam. Điều này cho thấy, Cao Bằng có thể tham gia kết nối nội vùng và cùng với các địa phương khác trong vùng Tây Bắc hình thành cực phát triển đối trọng và hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc. Không những thế, trong tương lai gần sự phát triển của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ sẽ không chỉ giới hạn trong khuôn khổ giữa hai quốc gia mà trở thành vùng kinh tế đa quốc gia. Bởi lẽ, từ vành đai này, cầu nối giữa các nước ASEAN khu vực ven biển Đông với vùng đồng bằng sông Châu Giang, vùng đồng bằng sông Dương Tử cũng như các tỉnh nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc sẽ được thông suốt, tạo cơ hội chưa từng có cho sự phát triển mạnh mẽ của tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Điều đó cho thấy Cao Bằng hoàn toàn có thể trở thành một cửa ngõ kết nối, góp phần mở rộng giao thương kinh tế, thương mại và du lịch giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, đặc biệt trong Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA). Ở cấp độ liên kết địa phương, Cao Bằng tiếp giáp với thành phố Bách Sắc của Trung Quốc với hơn 4,5 triệu người, thu ngân sách hàng năm trên 100.000 tỷ đồng. Bách Sắc cũng được xem là trung tâm nông nghiệp của Trung Quốc. Hàng ngày, từ thành phố Bách Sắc có chuyến tàu chuyên chở hàng nông sản đi Bắc Kinh. Do đó, Cao Bằng có thể phát triển trung tâm logistics để phục vụ xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu trong thời gian qua. Không những thế, Cao Bằng cũng kết nối với thành phố Trùng Khánh - một trong bốn trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc và là điểm trung chuyển hàng hóa của 6 tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc. Trước đây, hàng 702
  4. hóa từ thành phố Trùng Khánh vào thị trường nội địa của Trung Quốc hoặc xuất khẩu ra nước ngoài đều phải di chuyển một quãng đường rất xa. Vì vậy, các tỉnh miền Tây Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh cửa ngõ biên giới của Việt Nam như Cao Bằng để xuất nhập khẩu hàng hóa với các nước ASEAN một cách thuận lợi do sẽ rút ngắn được quãng đường vận chuyển đến trên 1.000 km. Tuyến đường nối từ Trùng Khánh đến Bách Sắc, qua Cao Bằng về Hải Phòng dài khoảng 320 km cũng là tuyến đường ngắn nhất, giúp đẩy nhanh tốc độ di chuyển hàng hóa đi hoặc đến Trùng Khánh. Một thuận lợi nữa là Cao Bằng và Trùng Khánh đã có đàm phán hợp tác 7 lĩnh vực, trong đó có 6 lĩnh vực kinh tế thương mại, đặc biệt là hợp tác kinh tế biên giới theo định hướng của Chính phủ hai bên. Đây là lợi thế để Cao Bằng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và logistics. Tất cả những phân tích trên cho thấy, Cao Bằng hội tụ đầy đủ những thuận lợi về vị trí địa lý để có thể trở thành một trung tâm logistics đóng vai trò kết nối không chỉ giữa Cao Bằng và các tỉnh miền Tây của Trung Quốc mà còn kết nối thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc và giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. 2.2. Điều kiện về hạ tầng cơ sở  Hạ tầng cửa khẩu: Cao Bằng là một trong những tỉnh có lợi thế trong phát triển thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc do có 1 cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (huyện Phục Hòa) và 3 cửa khẩu quốc gia là Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh), Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Lý Vạn (huyện Hạ Lang) cùng nhiều cửa khẩu phụ và cặp chợ biên giới. Trong những năm qua, Chính phủ và tỉnh Cao Bằng đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển hệ thống hạ tầng các cửa khẩu biên giới Cao Bằng. Từ năm 2011 đến nay, Cao Bằng đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư hạ tầng cơ sở với tổng trị giá là 518,8 tỷ đồng, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống cửa khẩu. Trong đó, cửa khẩu Trà Lĩnh đầu tư 175,7 tỷ đồng; cửa khẩu Tà Lùng 130,1 tỷ đồng; cửa khẩu Sóc Giang 11,5 tỷ đồng; các cửa khẩu còn lại đầu tư 201,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện đã có 6 doanh nghiệp đang cam kết đầu tư 570 tỷ đồng xây dựng kho bãi tại khu vực cửa khẩu. Trong đó, Công ty TNHH Thu Công, Công ty TNHH Việt Long đã hoàn thành xây dựng 2 kho chứa hàng khô với tổng diện tích hơn 1.350 m2. Công ty Thương mại quốc tế Quang Anh đang khẩn trương hoàn thành đầu tư bê tông 1,1 ha bãi tập kết hàng hoá, xây dựng kho lạnh diện tích hơn 2.300 m2, có khả năng chứa 120 container hàng đông lạnh; đồng thời, tiếp tục đầu tư bê tông 1,8 ha bãi tập kết hàng hóa khác, xây dựng 2 kho lạnh chứa hàng đông lạnh theo tiêu chuẩn châu Âu. Hơn thế nữa, ngày 11/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 20/2013/QĐ- TTg về việc thành lập Khu Kinh tế Cửa khẩu tỉnh Cao Bằng với mục tiêu khai thác lợi thế các cửa khẩu để mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Khu Kinh tế Cửa khẩu tỉnh Cao Bằng có tổng diện tích tự nhiên là 30.130,34 ha, bao gồm 37 xã và 3 thị trấn; được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: Khu cửa khẩu quốc tế, các khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác. Việc thành lập Khu Kinh tế Cửa khẩu tỉnh Cao Bằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cửa khẩu đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đúng tiêu chí và điều kiện “bao gồm các đơn vị hành chính liền kề, không tách biệt về không gian”. 703
  5.  Hạ tầng giao thông: Cao Bằng là một tỉnh có địa hình tương đối phức tạp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, do đó hạ tầng giao thông là hạn chế lớn nhất của Cao Bằng so với các tỉnh biên giới khác mặc dù khoảng cách địa lý từ Cao Bằng đến Hà Nội chỉ khoảng 300 km. Hệ thống giao thông hiện nay của Cao Bằng chỉ tập trung ở đường bộ. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Cao Bằng đã thực hiện chương trình phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với các dự án đã hoàn thành bao gồm: Đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 34; đường tỉnh 206, 211, 212, 208; các tuyến đường ra cửa khẩu và một số tuyến đường khác. Toàn tỉnh có 137 tuyến đường huyện với 1.261,5 km; đã mở mới được 435 km đường huyện, 285,7 km đường xã, 702 km đường thôn xóm, cải tạo nâng cấp 414 km đường huyện, 10,5 km đường xã; đường huyện nhựa hóa đạt 60%; cứng hóa mặt đường tuyến xã đạt 34,7%; cứng hóa đường thôn xóm đạt 41,7%; xây dựng mới được 8 cầu treo; xây mới và sửa chữa bê tông cốt thép, liên hợp, cầu tràn được 61 cầu. Đối với vận chuyển đường bộ quốc tế, tuyến vận tải hành khách và hàng hóa giữa Cao Bằng - Bách Sắc đã được thông xe vào ngày 18/7/2013. Tuyến đường này được đánh giá là rất quan trọng đối với sự hợp tác phát triển kinh tế giữa hai bên. Phía Trung Quốc coi đây này là cánh cửa thông thương với các nước ASEAN, còn phía Việt Nam cũng xem đây là cơ hội để xuất khẩu hàng hóa vào sâu nội địa Trung Quốc. Bên cạnh đó, tuyến vận tải đường bộ quốc tế Cao Bằng - Sùng Tả cũng đã được thông xe từ năm 2007. Hiện nay hai bên đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đưa 2 tuyến vận tải này vào khai thác có hiệu quả. Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường giao thông của tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, tỉnh sẽ nâng cấp toàn bộ tuyến đường QL3, QL4A, QL4C và đường tỉnh lộ 201. Về mặt chủ trương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý đầu tư tuyến đường cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và từ chợ Mới (Bắc Kạn) đến Cao Bằng. Nếu được triển khai sớm, sẽ mở ra cơ hội lớn cho Cao Bằng trong tương lai. Trong hợp tác xây dựng, thông tuyến vận tải đường bộ quốc tế, tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải của Việt Nam và Trung Quốc để trên cơ sở đó đề nghị Chính phủ hai nước nhất trí cho phép bổ sung tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ Tây Nam - Trung Quốc đến Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam) vào Hiệp định vận tải đường bộ quốc tế. Cũng theo quy hoạch này, sau 2020, Cao Bằng có thể xem xét khai thông luồng lạch trên sông Bằng Giang để đưa vào khai thác vận chuyển; đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng sân bay cách trung tâm thành phố khoảng 15 - 20km về phía Tây Nam, dự kiến tại xã Bình Dương. Quy mô đất dự kiến xây dựng sân bay là 250 ha, tương đương sân bay cấp III. Như vậy trong tương lai, Cao Bằng cũng sẽ phát triển đầy đủ các loại hình vận tải hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa trong nội vùng và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để cung ứng dịch vụ logistics.  Hạ tầng viễn thông: Trong giai đoạn 2010 - 2015, hạ tầng dịch vụ bưu chính - viễn thông của Cao Bằng từng bước được đầu tư xây dựng. Hiện nay, Cao Bằng đã xây dựng được 666 trạm thu phát sóng di động, 25 bưu cục, 155 điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xã, phường, thị trấn có sóng 704
  6. thông tin di động, truy cập được Internet; tỷ lệ điện thoại cố định và điện thoại di động đạt 97 máy/100 dân; 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện xây dựng được mạng LAN. 2.3. Điều kiện về tài chính Trong những năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện có khu kinh tế cửa khẩu huy động tổng hợp nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, vốn vay, nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu phí sử dụng bến bãi, huy động vốn của các nhà đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hệ thống hạ tầng cơ sở của tỉnh nói riêng. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh có bước tăng trưởng khá với tổng số vốn huy động được trên 34.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2005 - 2010, tăng bình quân 9,5%. Đặc biệt, Cao Bằng đã thu hút 49 dự án đầu tư (trong đó có 08 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký là 30,855 triệu USD và trên 3.123 tỷ đồng trong khu kinh tế cửa khẩu. Hiện nay, đã có 20 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng. Đây chính là những nguồn lực quan trọng để Cao Bằng đầu tư phát triển kinh tế cũng như phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng logistics. 2.4. Nhu cầu về dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Cao Bằng Nhu cầu về dịch vụ logistics tại Cao Bằng gia tăng mạnh trong những năm gần đây cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng nói riêng và kim ngạch xuất nhập khẩu không ngừng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa ASEAN và Trung Quốc nói chung. Đây là một trong những điều kiện quyết định đến yêu cầu cần phải phát triển Cao Bằng trở thành trung tâm logistics. Trước hết đối với Cao Bằng, trong giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 9,2%/năm. Đến năm 2015 tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế: nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 26,8% xuống 24,4%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 20,87% lên 22,3%; dịch vụ tăng từ 52,33% lên 53,3% so với năm 2010. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2015 đạt 6.643 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 15,6%. Các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, khách sạn, nhà hàng, siêu thị phát triển nhanh. Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,9 tỷ USD; tổng thu thuế xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu ước 834,4 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tạm nhập, tái xuất qua địa bàn tỉnh đạt hơn 3 tỷ đồng; tổng thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu hơn 615,2 tỷ đồng. Tạo điều kiện cho 2.464.162 lượt người và 131.059 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của tỉnh. Trên bình diện quốc gia, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất và nhập khẩu tăng đều qua các năm (Hình 2). Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 14,93 tỷ USD, tăng 12,03% so với năm 2013. Cũng trong năm qua, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc đạt 43,7 tỷ USD. Do đó, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (chỉ sau Hoa Kỳ) của Việt Nam trong những năm gần đây (Hình 3). 705
  7. 40 30 20 10 Hình 2: Kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn 2000 - 2014 (Đơn vị: tỷ USD) (Nguồn: UN Comtrade Database) Riêng đối với mặt hàng nông sản, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2013, xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,14 tỷ USD, chiếm 31,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc và 20,9% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Sang năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 8 tỉ USD, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng đang xây dựng Dự án đồng bộ tàu chuyên chở rau xanh, hoa quả Bách Sắc - Bắc Kinh - Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN. Tuy nhiên, do thiếu thông tin thị trường, hạn chế trong công nghệ sau thu hoạch và khả năng thông quan của các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn mà trong nhiều năm qua tình trạng hàng nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Việt Nam vào vụ thu hoạch vẫn chưa được khắc phục. Do đó, nếu phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics tập trung vào phục vụ mặt hàng nông sản xuất khẩu, kết nối trực tiếp với trung tâm nông sản Bách Sắc của Trung Quốc thì chắc chắn rằng những bất cập trên sẽ được giải quyết triệt để. Hình 3: Vị trí của trung Quốc trong cán cân thương mại của Việt Nam năm 2014 (tỷ USD) (Nguồn: UN Comtrade Database) 706
  8. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để thâm nhập và thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc nhờ chính sách tăng cường và mở rộng quy mô nhập khẩu của Trung Quốc và Bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản ký giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc tháng 4/2013. Đây sẽ là những tiền đề và cơ sở quan trọng để góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương và tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch cho hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một cách chính quy và bài bản. Bảng 1: Các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực ASEAN Đơn vị tính: Tỷ USD Giá trị Tỷ trọng (%) Đối tác XK NK Tổng XK NK Tổng ASEAN 329,7 278,6 608,3 25,5 22,5 24,1 Trung Quốc 150,4 216,1 366,5 11,6 17,5 14,5 EU-28 132,5 115,8 248,3 10,2 9,4 9,8 Nhật Bản 120,2 108,8 229,0 9,3 8,8 9,1 USA 122,4 90,0 212,4 9,5 7,3 8,4 Hàn Quốc 51,7 79,8 131,5 4,0 6,5 5,2 Đài Loan 39,5 68,8 108,3 3,1 5,6 4,3 Hồng Kông 85,3 14,1 99,4 6,6 1,1 3,9 Australia 45,3 25,0 70,3 3,5 2,0 2,8 Ấn Độ 43,3 24,4 67,7 3,4 2,0 2,7 Đối tác khác 172,2 214,7 386,9 13,3 17,4 15,3 Tổng cộng 1.292,6 1.236,2 2.528,9 100,0 100,0 100,0 (Nguồn: ASEAN Merchandise Trade Statistics Database) Ở phạm vi khu vực, hợp tác kinh tế thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua và trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và các nước ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc (sau EU và Mỹ). Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 150,4 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 216,1 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả khu vực ASEAN (Bảng 1). Trong thời gian tới, sự gần gũi về địa lý và tính bổ sung cho nhau lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN với Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Điều này sẽ kéo theo sự dịch chuyển đáng kể của dòng hàng hóa qua các cửa ngõ nối giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Vì vậy, nếu Cao Bằng - một trong những cửa ngõ quan trọng - phát triển thành một trung tâm logistics sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. 707
  9. 2.5. Các điều kiện khác Bên cạnh các điều kiện tiên quyết trên, Cao Bằng cũng hội tụ những điều kiện khác để có thể phát triển thành một trung tâm logistics đóng vai trò kết nối nội vùng Tây Bắc và giữa Việt Nam cũng như các nước ASEAN với Trung Quốc. Đó là: - Cao Bằng có quyết tâm chính trị: Các cấp lãnh đạo của tỉnh đều quyết tâm đưa Cao Bằng trở thành khu hợp tác kinh tế biên giới như chủ trương của hai chính phủ, đồng thời là trung tâm dịch vụ logistics toàn vùng sau này. Đây sẽ là một trong những bước đi đầu tiên góp phần cụ thể hóa, định vị Cao Bằng là trung tâm trung chuyển và chế biến hàng hóa, nhất là hàng nông sản và dịch vụ logistics; liên kết các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới của Trung Quốc; là điểm trung chuyển đường bộ quan trọng kết nối khu Tây Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. - Nguồn nhân lực: Với những quyết tâm trong công tác giáo dục, đào tạo, giai đoạn 2010 - 2015, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Cao Bằng đã được nâng lên đáng kể. Tính đến năm 2015, tỉnh đã tổ chức được 511 lớp với 26.707 lượt người tham gia đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 32,8%, trong đó đào tạo nghề 25,5%. Không những thế, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam trong vài năm trở lại đây cũng được bổ sung đáng kể do các nhà quản lý, doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này. Đồng thời nhiều trường đại học của Việt Nam cũng đã bước đầu đưa vào giảng dạy chính quy các học phần liên quan đến quản trị logistics và chuỗi cung ứng. 3. Một số vấn đề cần lưu ý khi phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics. Mặc dù đã hội tụ đủ yếu tố thuận lợi mang tính khách quan và chủ quan nhưng để phát triển thành công Cao Bằng thành trung tâm logistics, tỉnh cần lưu ý một số vấn đề như sau: - Phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics phải phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của tỉnh Cao Bằng nói riêng cũng như cả vùng Tây Bắc và Việt Nam nói chung. Trong đó, cần hết sức nhấn mạnh đến tính liên kết và khả năng hợp tác nội vùng, liên vùng nhằm tạo nên một không gian kinh tế thống nhất vùng Tây Bắc, hình thành đối trọng và hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc. - Nhà nước luôn đóngvai trò đặc biệt quan trọng trong tất cả các giai đoạn xây dựng và phát triển trung tâm logistics, từ việc nghiên cứu tính khả thi, phê duyệt dự án đến tham gia công tác điều hành, quản lý và giám sát hoạt động của trung tâm logistics. Do đó, tỉnh Cao Bằng cần chủ động khuyến nghị với Chính phủ trong việc phê duyệt dự án, cấp đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư tài chính, thuế, bảo lãnh Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tỉnh. - Để có thể phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics hiện đại và đóng góp thiết thực cho kinh tế địa phương, kinh tế vùng và hợp tác quốc tế, trước hết Cao Bằng cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng logistics bao bồm hạ tầng cửa khẩu, giao thông, kho tàng, bến bãi Đây chính là vấn đề yếu kém, khó khăn nhất của Cao Bằng. Do đó tỉnh cần có chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, cải cách thủ tục hành chính để thu hút nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào hạ tầng cơ sở logistics - một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, dài hạn và không được phép mắc sai lầm. 708
  10. - Trung tâm logistics tại Cao Bằng sau khi được đầu tư xây dựng chỉ có thể hoạt động hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực khi công suất của trung tâm logistics được khai thác một cách triệt để. Do đó, bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng, Cao Bằng cần có chiến lược thu hút dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ qua địa bàn tỉnh, từ đó tạo ra luồng hàng ổn định mà trung tâm logistics phục vụ thông qua việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu chế xuất. Khi đó, trung tâm logistics Cao Bằng sẽ là một hệ thống dịch vụ hoàn hảo, sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, loại bỏ các nút thắt hàng hóa trong chuỗi cung ứng. - Riêng đối với xuất khẩu hàng nông sản, Cao Bằng và Bách Sắc của Trung Quốc cũng như Chính phủ hai bên có thể xây dựng chiến lược hợp tác về hàng nông sản, tổ chức nghiên cứu những mặt hàng nông sản Việt Nam đã, đang và sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc; có kế hoạch đặt hàng theo nhu cầu. Thông qua tuyến đường này, Cao Bằng có thể liên hệ với các tỉnh Tây Nam Bộ, miền Nam Việt Nam để tổ chức cung cấp nông sản sang thị trường Trung Quốc trên cơ sở đơn đặt hàng đã ký kết. Khi đó lượng nông sản xuất khẩu qua Cao Bằng sẽ lớn hơn rất nhiều, đồng thời khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu trong thời gian qua. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi Cao Bằng phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; thay đổi phương thức kinh doanh, từ buôn bán hàng theo kiểu bạn hàng truyền thống, kinh doanh tiểu ngạch sang kinh doanh chính ngạch có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế, để giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Kết luận Phát triển các trung tâm logistics là một xu thế tất yếu tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập nhằm khai thác tốt lợi thế về vị trí địa lý và đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế hướng về xuất khẩu. Cao Bằng là một tỉnh hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi về địa bàn, mức độ đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, sự gia tăng về luồng chu chuyển hàng hóa cũng như quyết tâm và định hướng phát triển của lãnh đạo các cấp. Do đó, nếu khai thác tốt những lợi thế này và có giải pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả chắc chắn Cao Bằng sẽ trở thành một trung tâm logistics quan trọng, đóng vai trò là “cầu nối” giữa Việt Nam và khu vực ASEAN với thị trường Trung Quốc. Tài liệu tham khảo 1. Trần Sĩ Lâm (2010), Việt Nam cần có trung tâm logistics, Vietnam Logistics Review. 2. TS. Lục Thị Thu Hường (2011), Kinh nghiệm phát triển trung tâm logistics trên thế giới và khả năng vận dụng đối với Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế: Logistics đô thị bền vững, ĐHTM, Tháng 3/2011. 3. TS. Phạm Thị Tuệ (2011), Báo cáo kết quả chuyến đi khảo sát: Phát triển Cao Bằng thành trung tâm logistics, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế: Logistics đô thị bền vững, ĐHTM, Tháng 3/2011. 4. UBND tỉnh Cao Bằng (2012), Quyết định số 1864/QĐ-UBND ban hành ngày 30/11/2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại biên giới tỉnh Cao Bằng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. 709
  11. 5. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ban hành ngày 11/3/2014 về việc Thành lập Khu Kinh tế Cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. 6. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 512/QĐ-TTg ban hành ngày 11/4/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. 7. Tỉnh ủy Cao Bằng (2015), Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng Bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. 8. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 9. UN Comtrade Database, goods/?reporter=704&year=2014&flow=2 710