Phát triển kinh tế biển trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định

pdf 11 trang Gia Huy 2800
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển kinh tế biển trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_kinh_te_bien_trong_phat_trien_kinh_te_cua_tinh_bi.pdf

Nội dung text: Phát triển kinh tế biển trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định

  1. PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH MARINE ECONOMIC DEVELOPMENT IN BINH DINH PROVINCE ThS. NCS. Huỳnh Văn Đặng Trường Cao đẳng Thương mại Tóm tắt Bài viết nhằm đánh giá thực trạng phát triển và đóng góp của kinh tế biển của tỉnh Bình Định trong những năm qua, chỉ ra những thành công, hạn chế, nguyên nhân và vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Định. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Định thời gian tới. Từ khóa: Vai trò, kinh tế biển, Bình Định Abstract This paper aims to evaluate the current development and the contribution of marine economy of Binh Dinh province in recent years, point out its achievements, constraints, causes, and problems posed to the marine economy of Binh Dinh province. On that basis, the paper propose approaches and solutions to boost the development of Binh Dinh province’s marine economy in the future. Key words: Role, marine economy, Binh Dinh province, 1. Đặt vấn đề Hiện nay, phát triển kinh tế biển được xem là một vấn đề chiến lược của các quốc gia có biển trên thế giới. Với những lợi thế rất lớn, Việt Nam đang cố gắng tận dụng mọi nguồn lực để trở thành một trong những quốc gia mạnh về kinh tế biển, bởi kinh tế biển có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế. Tỉnh Bình Định có vị trí chiến lược không chỉ về kinh tế biển mà cả về an ninh quốc phòng. Bình Định là tỉnh có nhiều tiềm năng về mọi mặt, trong đó có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế biển. Với lợi thế về những ưu đãi của thiên nhiên biển, kinh tế biển đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khu vực và cả nước. Kinh tế biển khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và đang đặt ra yêu cầu tăng tốc độ phát triển để tương xứng với tiềm năng đang có của tỉnh. Thực hiện chủ trương chính sách phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Bình Định đã có nhiều nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đang gặp một số khó khăn. Kết quả nghiên cứu đã khái quát được tình hình phát triển kinh tế biển của tỉnh, chỉ ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân. Đưa ra các giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển của tỉnh Bình Định trong những năm tới. 711
  2. 2. Cơ sở lý luận về phát triển kinh tế biển Qua các cuộc hội thảo ở cấp quốc gia, chuyên ngành và các địa phương gần đây, như: “Hội thảo về tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản Việt Nam”; “Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực biển trong thời kỳ hội nhập quốc tế” cũng như các bài viết có giá trị học thuật và thực tiễn được đăng tải trên những tài liệu nghiên cứu về biển. Tôi nhận thấy và nhất trí với khái niệm kinh tế biển theo đúng tinh thần Nghị quyết 4 của TW khóa X đã đưa ra. Hiện nay trên bình diện quốc tế, các nước cũng chưa hoàn toàn đồng thuận về khái niệm kinh tế biển, vì mỗi quốc gia có biển khác nhau, ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau có cách nhìn khác nhau về kinh tế biển, vì vậy khái niệm kinh tế biển cũng bị phụ thuộc vào cách nhìn nhận và giá trị đóng góp của vùng biển đối với nền kinh tế quốc gia đó. Kinh tế biển hiểu một cách tổng quát nhất bao gồm toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế diễn ra trên đất liền, nhưng trực tiếp liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Kinh tế biển bao gồm: - Các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, chủ yếu bao gồm: (i) Kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển); (ii) Hải sản (đánh bắt và nuôi trồng hải sản); (iii) Khai thác dầu khí ngoài khơi; (iv) Du lịch biển; (v) Làm muối; (vi) Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; và (vii) Kinh tế đảo. - Các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên biển, mặc dù không diễn ra trên biển nhưng những hoạt động kinh tế này phải dựa vào yếu tố biển hoặc trực tiếp phục vụ các hoạt động kinh tế biển ở dải đất liền ven biển, bao gồm: (i) Đóng và sửa chữa tàu biển; (ii) Công nghiệp chế biến dầu, khí; (iii) Công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản; (iv) Cung cấp dịch vụ biển; (v) Thông tin liên lạc biển; (vi) Nghiên cứu khoa học - công nghệ biển; (vii) Đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; và (viii) Điều tra cơ bản về tài nguyên - môi trường biển. Từ định nghĩa về kinh tế biển như đã nêu cho chúng ta thấy đặc điểm của kinh tế biển khác so với một số ngành kinh tế khác đó là: - Kinh tế biển là một lĩnh vực kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Bao gồm nhiều ngành, nghề khác nhau, có quan hệ và tác động lẩn nhau. - Quá trình phát triển của kinh tế biển phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện về vị trí địa lý, tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển, thời tiết và khí hậu Kinh tế biển chịu sự tác động rất lớn của thiên nhiên, bão lũ. - Kinh tế biển là ngành kinh tế chủ yếu nhờ vào việc khai thác tài nguyên, khoáng sản là chính. Thí dụ như: khai thác dầu khí, đánh bắt thuỷ sản, du lịch - Kinh tế biển là ngành kinh tế mà ở đó mọi hoạt động chủ yếu diễn ra trên biển và ven biển. Do vậy, tác động rất lớn đến môi trường sinh thái biển. - Trong kinh tế biển doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò đầu tàu trong một số ngành trọng yếu của kinh tế biển như: tìm kiếm, khai thác, chế biến dầu khí; khai thác khoáng sản biển và ven biển; cảng biển Với vốn đầu tư lớn, sử dụng lao động và công nghệ chất lượng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, nhiệm vụ mở đường, hỗ trợ cho các ngành kinh tế phát triển, khai thác có hiệu quả tài nguyên biển. 712
  3. - Hoạt động kinh tế biển mang tính liên vùng, biểu hiện thông qua vận tải biển, khai thác đánh bắt thuỷ sản không chỉ dừng lại trong phạm vi vùng biển của địa phương mà diễn ra trên phạm vi thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bình Định là một tỉnh ven biển có những ưu thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và trên thế giới. Cùng với xu hướng gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền, sẽ bị cạn kiệt trong vài ba thập kỷ tới. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, các lĩnh vực kinh tế liên quan đến biển sẽ ngày càng có vai trò quan trọng. Hơn nữa, hướng phát triển ra biển còn là đòi hỏi bức thiết của chiến lược mở cửa và hội nhập kinh tế của Bình Định trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề đặt ra là, trong tình hình phát triển kinh tế biển của Bình Định chậm như hiện nay, nếu không bắt kịp xu thế chung, thì không chỉ hạn chế trong việc bảo vệ và khai thác lợi thế của biển mà còn lại càng hạn chế khi vươn ra biển quốc tế. Bình Định có biển, một nhân tố luôn xem như yếu tố địa lợi, chúng ta phải cần tăng cường hơn nữa những khả năng vươn ra biển và xác định đây là động lực quan trọng thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển. Trong bài viết này tác giả sử dụng số liệu trong Niên giám thống kê Bình Định và sử dụng các phương pháp thống kê và hạch toán tăng trưởng để phân tích. Thời gian nghiên cứu xem xét trong khoảng thời gian 2010-2015, đề xuất giải pháp và tầm nhìn đến năm 2020. 3. Thực trạng phát triển kinh tế biển của tỉnh Bình Định giai đoạn 2010-2015 Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Bình Định đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển và trên thực tế đã đạt được một số kết quả nhất định. Giá trị khai thác kinh tế biển ngày càng có xu hướng tăng lên, năm 2010 - 2015 tăng bình quân 5% so với các năm trước. Nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng biển từ năm 2010 đến nay, mỗi năm tăng lên khoảng 8%. Tốc độ tăng trưởng ở các khu kinh tế, khu công nghiệp ở vùng ven biển bình quân 6%/năm. [1] Đóng góp của kinh tế biển vào tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh Nhìn chung, từ năm 2010 đến nay các ngành kinh tế biển của Bình Định đã có đóng góp lớn cho kinh tế của tỉnh. Thể hiện ở tỷ trọng GDP của các ngành kinh tế biển trong GDP của tỉnh. Tỷ lệ đóng góp của các ngành kinh tế biển vào GDP của Bình Định tăng dần từ 19% năm 2010, đạt 21,4% năm 2015. Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Theo đó, kinh tế biển đóng góp khoảng 53- 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Căn cứ vào mục tiêu trên của cả nước, kinh tế biển của Bình Định còn phải phấn đấu rất nhiều. 713
  4. Tuy đóng góp về quy mô của kinh tế biển Bình Định còn khiêm tốn, nhưng kinh tế biển có mức tăng trưởng khá, các ngành đều có mức tăng cao hơn tăng trưởng GDP của Tỉnh. Mức tăng trưởng chung GDP cả nước trung bình thời kỳ 2010-2015 là 5,97%/năm, trong khi đó tăng trưởng trung bình GDP của tỉnh là 9,78%/năm. Có thể nói các ngành kinh tế biển đã góp phần tích cực vào tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao của kinh tế tỉnh Bình Định (Xem bảng 3.1). Bảng 3.1: Tốc độ phát triển kinh tế biển Bình Định (đơn vị:%) 2010 2011 2012 2013 2014 2015 Kinh tế biển 111,7 111,6 110,6 111,9 110,8 111,7 GDP Bình Định 110,2 109,8 108,4 110,8 109,9 109,6 Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bình Định (2015) Kinh tế biển có mức đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Bình Định tương đối khá, mức đóng góp cao nhất vào năm 2012 là 20,3%. Đóng góp của kinh tế biển (ĐGKTB) vào tăng trưởng kinh tế Bình Định thời kỳ 2010-2015 là 19,2% . Nhìn chung, đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế biển khá nhưng không có xu hướng tăng, chứng tỏ trong thời gian qua kinh tế biển chưa thực sự phát triển tốt hơn các ngành kinh tế khác của tỉnh (xem bảng 3.2) Bảng 3.2: Đóng góp của kinh tế biển vào tăng trưởng kinh tế Bình Định 2010 2011 2012 2013 2014 2015 GDPBss 1489 1661,8 1838,1 2008,7 2191,0 2386,4 ∆GDPB - 172,8 176,3 170,6 182,3 195,4 GDPss 9360,3 10320,9 11192,2 12077,6 13056,2 14054,5 ∆GDP - 960,6 867,3 885,4 978,6 998,3 ĐGKTB (%) - 18,0 20,3 19,3 18,6 19,6 Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bình Định (2015) Chú thích: GDPB - GDP kinh tế biển và GDPss - GDP giá so sánh 1994 (tỷ đồng), ĐGKTB- Đóng góp của kinh tế biển. Hiệu quả kinh tế biển Đánh giá về hiệu quả kinh tế của kinh tế biển Bình Định trong nghiên cứu này tác giả đánh giá ở hai khía cạnh: hiệu quả đầu tư và năng suất lao động - Hiệu quả đầu tư và phát triển kinh tế biển Để đánh giá hiệu quả của đầu tư, người ta thường sử dụng một số chỉ tiêu như: tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP (%) và hệ số ICOR. Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP (%) để đánh giá hiệu quả đầu tư của các ngành kinh tế biển. Về tỷ lệ đầu tư so với GDP của kinh tế biển có xu hướng cao hơn mức chung của kinh tế Bình Định, lý do là ngành vận tải kho bãi là ngành luôn đòi hỏi mức đầu tư cao. Cho nên, nếu xem xét ở khía cạnh này thì kinh tế biển chưa thực sự có hiệu quả hơn các ngành kinh tế khác của tỉnh (xem bảng 3.3) 714
  5. Bảng 3.3: Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP kinh tế biển và kinh tế Bình Định (đơn vị:%) 2010 2011 2012 2013 2014 2015 Kinh tế biển 36,98 38,0 38,9 39,2 41,1 45,8 ĐT/GDP Bình Định 38,2 38,7 40,5 42,1 44,5 48,2 ĐT/GDP Việt Nam 36,9 36,4 33,5 34,1 35,7 38,2 Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam (2013, tr.82) - Về năng suất lao động trong kinh tế biển của tỉnh Trong phạm vi của nghiên cứu, tác giả đánh giá năng suất lao động theo GDP thực tế. Nhìn chung, năng suất lao động (NSLĐ) của các ngành kinh tế biển đều cao hơn NSLĐ chung của kinh tế Bình Định. Năm 2010, NSLĐ của kinh tế biển là 42,3 triệu đồng, trong khi đó NSLĐ chung của kinh tế Bình Định là 31,9 triệu đồng. Năm 2015, NSLĐ của kinh tế biển là 56,43 triệu đồng, trong khi đó NSLĐ chung của kinh tế Bình Định là 49,5 triệu đồng (xem bảng 3.4) Bảng 3.4: Năng suất lao động kinh tế biển Bình Định (Đơn vị tính: triệu đồng) 2010 2011 2012 2013 2014 2015 Kinh tế biển 42,3 49,89 51,25 52,48 55,62 56,43 Kinh tế Bình Định 31,9 42,0 45,2 47,3 48,8 49,5 Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bình Định (2015) Đóng góp vào giải quyết việc làm Bình Định là tỉnh có tỷ trọng dân số nông thôn cao (năm 2015 là 69,19%), và thường xuyên thiếu việc làm, thì ngành thủy sản chính là ngành tạo ra nhiều việc làm cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng. Tỷ trọng của lao động trong các ngành kinh tế biển (LĐKTB) tăng dần từ 13,1% năm 2010 đã tăng lên 15,9% năm 2015. Đây cũng là một đóng góp quan trọng của kinh tế biển trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Từ đó sẽ tạo ra thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân (xem bảng 3.5). Bảng 3.5: Lao động trong các ngành kinh tế biển Bình Định (Đơn vị tính: người) 2010 2011 2012 2013 2014 2015 LĐKTB 111.000 116.433 122.487 130.326 139.579 151.024 TĐPT (%) 105,8 104,9 105,2 106,4 107,1 108,2 Tổng LĐ 847.200 877.600 875.700 892.400 910.700 952.800 TĐPT (%) 102,2 103,6 99,8 101,9 102,1 104,6 Tỷ lệ LĐKTB (%) 13,1 13,3 13,9 14,6 15,3 15,9 Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bình Định (2015) Mặt khác, tốc độ phát triển (TĐPT) lao động của kinh tế biển cũng đạt cao hơn tốc độ tăng lao động chung của Tỉnh. Giai đoạn 2010-2015, mức tăng lao động trung bình của kinh tế biển đạt 6,3%/năm, trong khi mức tăng của lao động chung của nền kinh tế Bình Định là 2,3%/năm. Do tốc độ tăng lao động của kinh tế biển khá cao, nên kinh tế biển còn là ngành có đóng góp quan trọng làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của Tỉnh. 715
  6. Đóng góp của Thủy sản vào xuất khẩu tỉnh Bình Định Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Bình Định. Giá trị và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản có xu hướng ngày càng tăng. Trung bình giai đoạn 2010-2015, giá trị xuất khẩu thủy sản chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu thủy sản của Bình Định tương đối cao so với các ngành khác và cũng cao hơn tỷ trọng của cả nước. Năm 2010 chiếm 9,08%, năm 2015 chiếm 12,0% kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh. Đây cũng là một đóng góp quan trọng của kinh tế biển vào sự phát triển kinh tế Bình Định (xem bảng 3.6). Bảng 3.6: Giá trị xuất khẩu thủy sản Bình Định (Đơn vị tính: triệu đô la Mỹ) 2010 2011 2012 2013 2014 2015 GTXK thủy sản 38,8 41,1 54,5 68,1 85,2 98,8 Tổng GTXK 427,2 488 556 633 721 821 Tỷ trọng (%) 9,08 8,4 9,8 10,8 11,8 12,0 Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bình Định (2015) 4. Những thành công, hạn chế và nguyên nhân trong phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Định 4.1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nổ lực của toàn quân, dân. Những năm qua ngành kinh tế biển của tỉnh Bình Định có phát triển về năng lực sản xuất, góp phần tăng trưởng nền kinh tế địa phương, chuyển biến về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cải thiện thu nhập và đời sống dân cư vùng ven biển. Trong những năm qua, Bình Định đã phát huy được lợi thế về biển nên các ngành kinh tế biển có những bước phát triển mạnh, vững chắc thể hiện ở một số điểm sau: Thứ nhất, GDP các ngành kinh tế biển chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, và có tốc độ tăng nhanh hơn GDP chung của tỉnh. Kinh tế biển cũng đã có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh. Thứ hai, Thu hút đầu tư vốn vào kinh tế biển với tỷ lệ đầu tư có xu hướng cao hơn mức chung của kinh tế Bình Định, ngành vận tải kho bãi là ngành luôn đòi hỏi mức đầu tư cao đã phát huy được lợi thế, nên có những bước phát triển tốt, cảng Quy Nhơn là một trong những cảng làm ăn đạt hiệu quả cao của cả nước. Thứ ba, Năng suất lao động của kinh tế biển đạt cao hơn năng suất lao động chung. Kinh tế biển đã tạo ra nhiều việc làm, tận dụng được lợi thế lao động dồi dào của tỉnh nhất là lao động ở khu vực nông thôn. Thứ tư, Ngành thủy sản đã trở thành mũi nhọn của kinh tế Bình Định, với tốc độ tăng khá, luôn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Bình Định và giải quyết việc làm thu hút nhiều lao động nông thôn và luôn là ngành có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh. Nguyên nhân Thứ nhất, đường lối đổi mới của Đảng ta đã thúc đẩy nền kinh tế của cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng tăng trưởng và phát triển, các ngành và lĩnh vực kinh tế được mở 716
  7. rộng trong đó có ngành kinh tế biển. Vị thế Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng trên trường quốc tế được nâng lên, hợp tác kinh tế quốc tế ngày càng được mở rộng. Thứ hai, Đảng và chính quyền địa phương đã phối hợp nhịp nhàng với các Bộ, Ngành Trung ương thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kịp thời triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các chính sách và pháp luật của nhà nước về chiến lược kinh tế biển. Trên cơ sở quan điểm và chiến lược kinh tế biển của Trung ương. Các cấp các ngành của tỉnh đã sớm quy hoạch và hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế biển, hoàn thiện các chính sách, cơ chế phù hợp cho kinh tế biển phát triển. Thứ ba, cơ sở hạ tầng vùng ven biển được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đúng mức. Số lượng doanh nghiệp đầu tư cho khai thác kinh tế biển ngày càng tăng về qui mô lẩn số lượng và được nhà nước quan tâm đầu tư các nguồn vốn kịp thời, nhà nước làm tốt vai trò cầu nối với các địa phương trong và ngoài nước về thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của các ngành trong kinh tế biển, nguyên liệu phục vụ cho việc khai thác, phát triển kinh tế biển. Thứ tư, trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến được kinh tế biển kịp thời đưa vào sử dụng, khai thác. Do vậy, năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao. Nhân dân trong tỉnh nói chung và nhân dân vùng ven biển nói riêng đã từng bước nhận thức được vai trò to lớn từ nguồn tài nguyên từ biển đem lại. Mặt khác, trình độ của cán bộ quản lý trong lĩnh vực kinh tế biển, chủ doanh nghiệp và người lao động hoạt động trong kinh tế biển từng bước được nâng lên. 4.2. Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân Bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ trong quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển còn có những khuyết điểm hạn chế sau đây: - Hạn chế về mặt nhận thức vai trò của kinh tế biển: Nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng của các cấp, các ngành và nhân dân chưa đầy đủ, nên chưa tích cực tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến biển; các cơ quan quản lý nhà nước về biển chưa làm tốt vai trò của mình, nhất là xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách. Từ đó, cơ chế, chính sách chưa đủ thông thoáng để mở cửa vùng biển trong tiến trình hội nhập, chưa đánh thức được tiềm năng thế mạnh của biển để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Chưa đầu tư đúng mức và kịp thời cho phát triển kinh tế biển. Đời sống của bộ phận nhân dân vùng ven biển còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập thấp từ nông nghiệp, nhiều nông dân đã tham gia khai thác hải sản và xem đây là phương kế sinh nhai cuối cùng dẫn đến số lượng người tham gia khai thác ở khu vực ven bờ tăng lên làm cho sản lượng khai thác trên một đơn vị cường lực giảm và nguồn lợi ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, công tác quản lý, bảo đảm trật tự an ninh xã hội trên biển và vùng ven biển còn nhiều sơ hở, hạn chế. Tệ buôn lậu trên biển với những thủ đoạn ngày càng tinh vi vẫn tiếp diễn chưa kiểm soát, ngăn chặn được. Những hành vi trái pháp luật trên biển vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, huỷ hoại môi trường sinh thái, làm giảm khả năng chống lụt, bão chống sóng gió cho địa khu vực ven biển, không đảm bảo sự phát triển bền vững. - Hạn chế về quy mô, chưa hợp lý về cơ cấu ngành nghề, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, kinh tế biển tỉnh Bình Định: Cho tới nay kinh tế biển vẫn còn đang phát 717
  8. triển dưới tiềm năng của nó. Việc khai thác tiềm năng biển vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển sản xuất thuỷ sản trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng thực tế. Quản lý khai thác, nuôi trồng chưa chặt chẻ, mạnh ai nấy làm chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu các cơ sở hậu cần dịch vụ ở các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Các ngư dân có tâm lý sản xuất hàng hoá nhỏ, chỉ thấy có lợi trước mắt. Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu, chưa có những cảng biển lớn, năng lực vận tải biển còn nhỏ bé, các tuyến đường ven biển chưa được xây dựng hoàn chỉnh, cơ chế quản lý còn nhiều vướng mắc chậm được tháo gỡ; chậm tổ chức lại sản xuất, chưa có những cơ sở nghiên cứu khoa học biển và dự báo thiên tai biển, có mô hình nhưng chậm nhân ra diện rộng; giá trị sản lượng thuỷ-hải sản tuy hàng năm đều tăng nhưng tốc độ vẫn còn chậm. Mức đóng góp của kinh tế biển trong GDP còn khiêm tốn, đóng góp vào tăng trưởng tăng chậm và chưa tương xứng với điều kiện của một tỉnh có bờ biển dài, nhân lực cho kinh tế biển dồi dào. Hiệu quả đầu tư của kinh tế biển còn thấp, thể hiện đầu tư vào kinh tế biển ở Bình Định chưa thật hiệu quả. Ngành du lịch của Bình Định phát triển còn chậm, chưa tìm ra được phương hướng khả quan cho sự phát triển. Nguyên nhân của hạn chế: Thứ nhất, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong nghị quyết chưa đồng bộ; thiếu những giải pháp, biện pháp hữu hiệu để đưa nền kinh tế vùng biển và ven biển của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Các ngành chức năng chậm cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng; trong tổ chức thực hiện, thiếu kiểm tra thường xuyên, chưa kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Thứ hai, huy động các nguồn lực, nhất là các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế vùng biển và ven biển còn ít và gặp nhiều khó khăn; triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm thiếu đồng bộ, tiến độ chậm, làm hạn chế nhất định đến tốc độ phát triển. Thứ ba, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế biển của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Do đó, công tác phát triển kinh tế tại vùng biển và ven biển chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở các ngành, lĩnh vực trọng yếu; một số cấp ủy viên phụ trách ngành, lĩnh vực và địa phương chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, một vài đồng chí chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thứ tư, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý, hạ tầng cơ sở kỹ thuật biển yếu kém, chưa đồng bộ Thứ năm, do vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông còn gặp nhiều khó khăn nên đã hạn chế cho địa phương về thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, thậm chí cả việc thu gom nguyên vật liệu cho chế biến sản phẩm và khó khăn trong cung cấp hàng hóa cho khu vực. Thứ sáu, tỉnh chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh và thực sự phù hợp cho phát triển kinh tế biển. Theo chúng tôi, Tỉnh chưa ý thức hết vai trò của kinh tế biển đối với phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các cơ chế chính sách phát triển kinh tế biển chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. 718
  9. Thứ bảy, tỉnh Bình Định chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển, nên chưa có những đầu tư lớn về vốn, công nghệ, nhân lực cho phát triển kinh tế biển. Tỉnh chưa có kinh nhiệm về kinh tế biển, nên chưa tạo ra được các đầu tầu trong phát triển kinh tế biển. 5. Một số giải pháp Thứ nhất, về tư duy và nhận thức. Tiếp tục đổi mới tư duy về biển và kinh tế biển, bao gồm những vấn đề gì, chúng như thế nào, để từ đó xác lập và thống nhất một tầm nhìn xa trông rộng, vững vàng tư tưởng vươn ra biển lớn, gắn kết đất liền với đại dương, để xây dựng và phát triển văn hóa biển - văn hóa hướng ra đại dương trong cả cộng đồng và mỗi con người nhằm phát triển một cách bền vững và ổn định. Thứ hai, về quy hoạch. Nhất thiết phải làm tốt công tác quy hoạch bảo đảm cho sự phát triển một cách chủ động. Nhưng tại sao vẫn còn tình trạng phân tán, thậm chí khép kín, biệt lập giữa các ngành trong tỉnh, dù hầu như tỉnh ven biển nào cũng định hướng, quy hoạch, phác thảo chương trình, mô hình riêng của mình về xây dựng cảng nước sâu, về nhà máy lọc dầu, về khu công nghiệp, về cầu cảng hàng không , trong khi rất cần một “nhạc trưởng” hay một trung tâm điều phối chung một cách tổng thể về năng lượng, về đất đai, về dân số, về môi trường, về đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng Và, để điều này không cản trở sức sáng tạo, phát huy năng lực, lợi thế của mỗi ngành, mỗi địa phương thì cần phải làm gì và làm như thế nào? Phát triển toàn diện, thống nhất nhưng có trọng tâm, trọng điểm là như thế nào? Những câu hỏi này rất cần có lời giải một cách khoa học, cụ thể. Thứ ba, về cơ chế phối hợp. Phải có cơ chế phối hợp tốt. Theo lẽ tự nhiên, sự liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước bằng những chương trình hành động cụ thể dựa trên từng lợi thế so sánh, trong tất cả các hướng chiến lược và kế hoạch của từng bước đi là việc tất yếu, là sự sống còn. Nhưng, vì sao lúc này, lúc khác các địa phương, các ngành vẫn hành động cục bộ, khép kín, mạnh ai nấy làm, thậm chí chưa thật sự bắt tay nhau để cùng tiến ra biển lớn? Vì sao như vậy và cần tiếp tục làm gì để dỡ bỏ những rào cản tâm lý địa phương và địa giới hành chính nhằm tăng cường sự phối hợp thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực từ Trung ương tới địa phương và sự ủng hộ của mỗi cộng đồng, của từng người dân? Ở tầm vĩ mô, đã tới lúc cần ban hành Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo chưa? Thứ tư, về cơ cấu, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của việc phát triển các ngành kinh tế biển. Thực tế triển khai Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 cho thấy, chúng ta đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn trong những ngành mũi nhọn: công nghiệp, tàu thủy, khai thác dầu khí trên biển, công nghệ lọc hóa dầu, kinh tế hải đảo, thông tin liên lạc biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển , trong khi quy mô đào tạo, các ngành nghề liên quan tới kinh tế biển còn rất hạn chế. Đây phải là công việc chung của chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp trong một cơ chế thống nhất, theo phương châm xã hội hóa mạnh mẽ, phát huy tính chủ động ngay từ cơ sở. 719
  10. Mặt khác, cần đổi mới chính sách liên kết, hợp tác vùng, địa phương trong việc bố trí cơ cấu ngành nghề, phân công lao động Đồng thời, lấy kinh tế biển làm động lực cho sự phát triển của tất cả các địa phương có biển, tạo việc làm thu hút mạnh lao động. Nhưng, lộ trình, bước đi, phương thức cụ thể ra sao?. Thứ năm, giải quyết hiệu quả vấn đề an sinh xã hội. An sinh xã hội cần được đặt ở vị trí ngang tầm vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và động lực đối với lộ trình hướng ra biển lớn hiệu quả và gìn giữ sự bình yên của đại dương theo hướng kết hợp hữu cơ kinh tế biển, đảo với kinh tế duyên hải; phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh. Đổi mới chính sách đầu tư, trước hết là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chính sách tín dụng, hỗ trợ giá cả một cách cụ thể, hiệu quả, để đồng bào diêm dân khắc phục khó khăn, nỗ lực sản xuất. Tiếp tục xây dựng chương trình phát triển du lịch - dịch vụ, nhất là du lịch ven biển, tăng cường hợp tác liên doanh ở mọi cấp độ, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, thu hút nhiều lao động, tạo thêm nhiều việc làm. Chú trọng phát triển công tác giáo dục - đào tạo, y tế cơ sở ở các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Tăng cường sự gắn bó giữa ngư dân, các tầng lớp cư dân vùng biển với các lực lượng vũ trang, trực tiếp là Bộ đội Biên phòng để giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tạo dựng thế trận lòng dân vững chắc bảo vệ vùng biển của Tổ quốc 6. Kết luận Bình Định là một tỉnh đã có lịch sử phát triển lâu dài luôn gắn liền với biển. Ngày nay, biển chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế- xã hội tỉnh, đáng chú ý là những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản và nguồn lực con người. Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, nhận thức tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển của tỉnh và của đất nước, tỉnh đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm khai thác các tiềm năng, các lợi thế của biển để phát triển kinh tế và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. So với thời kỳ trước, kinh tế biển của tỉnh trong giai đoạn đổi mới vừa qua đã có bước chuyến biến đáng kể. Cơ cấu ngành, nghề đang có sự thay đổi lớn. Ngoài các ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành, kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại. Việc khai thác nguồn lợi biển đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, nhất là cho xuất khẩu. Kinh tế biển đã được chú ý hơn và các công việc về biển đã làm được nhiều hơn (hoạch định biên giới trên biển, ban hành khung luật pháp, phát triển các hải đảo kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển) Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các lĩnh vực kinh tế biển còn kém phát triển ở nhiều mặt, việc quản lý và khai thác biển kém hiệu quả, gây lãng phí tiềm năng của biển Thế kỷ 21 được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng mạnh ra biển để phát triển, để hội đủ ba thế mạnh: mạnh về kinh tế biển; mạnh về khoa học biển; và mạnh về thực lực quản lý tổng hợp biển. Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng không phải là ngoại lệ, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X thông qua Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã cho thấy quyết tâm của Việt Nam đi theo xu hướng trên. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, 720
  11. nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Để thực hiện thắng lợi Chiến lược biển, cần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng cơ sở luật pháp và lực lượng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển; đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển; triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển; tiếp tục xây dựng đồng bộ khung khổ pháp lý về biển và hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển; xây dựng cơ quan quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả đối với mọi vấn đề liên quan đến biển; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển; phát triển nguồn nhân lực và phát triển một số tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực kinh tế biển. Riêng về phát triển kinh tế biển, cần tập trung vào một số định hướng biện pháp chính sau đây: - Huy động và phát huy tốt tất cả các nguồn lực để khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế nhiều mặt của biển, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về kinh tế biển, hướng mạnh về xuất khẩu, góp phần tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. - Tạo bước “nhảy vọt" trong phát triển kinh tế biển, kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo theo một chương trình liên kết có hiệu quả và hiệu lực cao. - Phát triển và hiện đại hoá có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thích hợp, có tính tới hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế. - Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh quốc gia, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng biển, ven biển và các hải đảo. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt [1] Cục Thống kê Bình Định (2015), Niên giám thống kê 2015, NXB Thống kê. Hà Nội; [2] [3] [4] www.thuysanvietnam.com.vn/binh-dinh-day-manh-phat-trien-kinh-te-bi ; [5] [6] www.thuysanvietnam.com.vn/binh-dinh-day-manh-phat-trien-kinh-te-bi ; Tiếng Anh [7] Mullins, P (1991), ‘Tourism Urbanisation’, International Journal of Urban and Regional Research,15, 326-342. [8] Scott, A.J (2001), ‘Globalization and the Rise of City-Regions’, European Planning Studies, 9, 813-826. [9] Thompson (1968), A Preface to Urban Economics, Baltimore, Johns Hopkins. 721