Phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam trong khung cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 2890
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam trong khung cảnh cách mạng công nghiệp 4.0", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_nen_kinh_te_so_o_viet_nam_trong_khung_canh_cach_m.pdf

Nội dung text: Phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam trong khung cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

  1. 13 PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ SỐ Ở VIỆT NAM TRONG KHUNG CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 PGS.TS Hàn Viết Thuận Trường Đại học Kinh tế Quốc dân TÓM TẮT Trong những năm gần đây dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật, nền kinh tế thế giới đã chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số (Digital economy). Kinh tế số xuất hiện trong mọi lĩnh vực, trong toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế quốc dân của các quốc gia. Tại Bắc Mỹ và một số nước Tây Âu, nền kinh tế số chiếm khoảng 45%-50% GDP. Trong các nước OECD kinh tế số chiếm hơn 50% GDP, công nhân tri thức chiếm trên 60% lực lượng lao động. Các nhà khoa học ước tính đến khoảng năm 2030 các nước phát triển đều trở thành các nền kinh tế thông minh, kinh tế số. Bài viết này đề cập đến nền kinh tế số trên thế giới và ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển các trụ cột của nền kinh tế số trong khung cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Từ khóa: Cách mạng 4.0, Kinh tế số, CNTT&TT, Phát minh sáng chế, Giáo dục quốc dân, Đào tạo nguốn nhân lực kinh tế số 1. TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ NỀN KINH TẾ SỐ Từ thập kỷ 80 đến nay do tác động của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật, nền kinh tế thế giới đã trải qua giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số. Chưa bao giờ vai trò của tri thức, của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội lại trở nên quan trọng như ngày nay. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã dùng nhiều tên gọi khác nhau cho giai đoạn phát triển của nền kinh tế này như Kinh tế thông tin - Information economy (M.U. Porta, 1977), Kinh tế mạng - Network Economics (A. Nagurney, 2002), Kinh tế dựa vào tri thức - Knowledge based economy (B.Godin, 2006), Kinh tế mới - New economy (B.Godin, 2008). Kinh tế tri thức - Knowledge economy (Stehr,Nico; Mast, Jason L. 2012), Kinh tế số - Digital economy (S.G. Carmichael, 2016). Tuy có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng chúng đều có chung một nội hàm cơ bản nhất là "nền kinh tế dựa vào tri thức như động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đó là nền kinh tế trong đó kiến thức được lĩnh hội, sáng tạo, phổ biến và vận dụng để thúc đẩy phát triển trên nền tảng công nghệ số" [20].
  2. 14 Nền kinh tế số là tên gọi chung khá thông dụng hiện nay và được bàn luận đến một cách sôi nổi, nhất là từ khi có sự phổ cập rộng rãi của Internet và sự hình thành xa lộ thông tin toàn cầu. M.U Porat trong bài báo “The Information Economy: Definition and Measurement” (Kinh tế thông tin: định nghĩa và đo lường) (M.U Porat, 1977) đã đưa ra khái niệm kinh tế thông tin và sự đo lường hoạt động thông tin trong nền kinh tế quốc dân. Hoạt động thông tin được định nghĩa bao gồm những ngành nghề cụ thể có chức năng chính là sản xuất, xử lý, truyền đạt thông tin có giá trị kinh tế cao. Anna Nagurney tại Đại học Massachusets trong bài báo “Network Economics: An Introduction” (Kinh tế mạng: Nhập môn) (A. Nagurnay, 2002) đã chỉ ra rằng “Trong suốt chiều dài lịch sử, hệ thống các mạng kỹ thuật đã đóng vai trò là nền tảng để kết nối con người với nhau và liên kết các hoạt động của họ. Sự nghiên cứu về mạng, về bản chất phải theo qui mô liên ngành do mức độ rộng lớn của chúng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ như toán ứng dụng, khoa học máy tính, khoa học kỹ thuật với các ứng dụng đa dạng trong kinh tế, tài chính, và thậm chí cả sinh học” Người đầu tiên đưa ra thuật ngữ nền kinh tế kỹ thuật số là N. Negroponte vào năm 1994 trong bài báo Bits and Atoms (Bit và nguyên tử) N. Negroponte là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Massachusetts, là người đầu tiên đã nhấn mạnh một sự thay đổi cơ bản trong nền tảng của sản xuất xã hội. Đó là sự chuyển đổi từ chế biến nguyên tử sang xử lý bit và phác thảo ra những đặc điểm cơ bản của mô hình kinh doanh mới - thực tế ảo (Negroponte, 1994). Tiếp đó, nhà khoa học Don Tapscott trong bài báo “The Digital Economy: Promise and Peril in Age of Networked Intelligence” (Nền kinh tế kỹ thuật số: Hứa hẹn và thách thức trong kỷ nguyên kết nối mạng) đã mô tả kỷ nguyên của nền kinh tế kỹ thuật số như một hiện tượng cách mạng, kết hợp các hình thức phát triển mới của truyền thông, công nghệ máy tính, cũng như quảng bá thông tin theo thứ tự để tạo ra một hình thức tương tác toàn cầu trong xã hội và toàn thế giới (D. Tapscott, 1996). Anderson và Wladawsky-Berger trong bài báo “The 4 things it takes to succeed in the digital economy” (4 điều cần thiết để thành công trong kinh tế số) (Anderson L, Wladawsky-Berger I, 2016) đã nhận định “ các chuyển đổi kỹ thuật số đã đạt đến điểm bùng phát. Kỹ thuật số không chỉ là một phần của nền kinh tế mà bản thân nó đã trở thành một nền kinh tế “. Hai ông cũng chỉ ra 4 yếu tố đảm bảo sự thành công của nền kinh tế số là (1)- Đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, (2)- Thường xuyên cải tiến sản phẩm, (3)- Có
  3. 15 chiến lược phát triển trong một thế giới kết nối và (4)- Có sự đổi mới hợp tác trong kinh doanh. Giáo sư Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong tác phẩm “The Fourth Industrial Revolution” thì khẳng định rằng chúng ta đang bắt đầu một cuộc cách mạng về cơ bản thay đổi cuộc của chúng ta. Đó là cuộc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ông khẳng định: “Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã giải phóng con người khỏi sức mạnh cơ bắp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, được đặc trưng bởi một loạt các công nghệ mới đang hợp nhất thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học, tác động đến tất cả các ngành, đến các nền kinh tế và các ngành công nghiệp”(K.Schwab, 2017) Khía cạnh tiêu cực của nền kinh tế số cũng được các nhà khoa học đề cập đến. Don Tapscott và Alex Tapscott trong bài báo “The Impact of the Blockchain Goes Beyond Financial Services” (Tác động của Blockchain vượt ra ngoài các dịch vụ tài chính” đã lưu ý sự tồn tại của các mối đe dọa liên quan đến nền kinh tế số: trong khi nền kinh số tạo ra những cơ hội quan trọng cho các công ty, thì nó cũng tạo ra những thách thức về an ninh mạng và sự vi phạm sở hữu trí tuệ Nhà nghiên cứu người Nga S. Perinov ở Viện kinh tế và kỹ thuật Novosibirsk đưa ra khái niệm cơ chế kinh tế thứ ba trong bài báo “Internet Technologies for Society and Economy” (Công nghệ Internet cho xã hội và kinh tế)(S. Perinov, 2002). Ông cho rằng “Giai đoạn hiện tại của công nghệ Internet giúp triển khai rộng rãi hơn cái gọi là loại cơ chế kinh tế thứ ba, mà trước đây chỉ có thể hoạt động trong các nhóm nhỏ người. Hình thức điều chỉnh thứ ba này không sử dụng tín hiệu giá của thị trường hoặc các mệnh lệnh của hệ thống phân cấp, và do đó nó không thể được mô tả bởi các khái niệm kinh tế phổ biến. Do đó, các công cụ lý thuyết nên bổ sung thêm mô hình mạng lưới các qui định kinh tế xã hội mới. Điểm mấu chốt ở đây là khái niệm về sự tương tác thông tin giữa các tác nhân. Bằng cách mô tả thế giới kinh tế theo các tương tác thông tin, người ta có thể có mô hình thống nhất của một nền kinh tế nơi tất cả các loại cơ chế điều tiết cùng tồn tại và được coi là trường hợp cụ thể của một sơ đồ điều tiết chung” Vai trò của tương tác mạng cũng trong nền kinh tế hiện đại được đề cập đến trong các tác phẩm của PL Bernstein (1998), A. Nagurney, J. Loo, J. Đồng, D. Zhang (2002); Zhang, Dong và Nagurney (2003) và P. Nijkamp (2003) và nhiều nhà nghiên cứu khác. Ở Việt Nam, GS.TSKH Phan Đình Diệu- Viện trường đầu tiên của Viện khoa học tính toán và điều khiển (nay là Viện CNTT thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) là một trong những người đầu tiên công bố các nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong bài
  4. 16 “Kinh tế tri thức và con đường hội nhập của chúng ta” (Phan Đình Diệu, 2002) tác giả đã nhận định: “Trong thế kỷ 20, khoa học và công nghệ đã liên tục phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu có ý nghĩa cách mạng trong khắp các lĩnh vực. Những thành tựu khoa học to lớn đó đã cung cấp cho con người những nhận thức hoàn toàn mới về thế giới vật chất, về sự sống, và đặc biệt về chính hệ thống kinh tế và xã hội của loài người; đã làm cơ sở cho hàng loạt những phát minh công nghệ kỳ diệu đưa đến những cải tiến và đổi mới liên tục nền sản xuất của xã hội; và những cải cách cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý, những phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường trong từng quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu” GS. Đặng Hữu trong tác phẩm “Phát huy năng lực sáng tạo, xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia để hội nhập vào xu thế phát triển kinh tế tri thức toàn cầu” (Đặng Hữu, 2006) đã đưa ra các khái niệm về kinh tế tri thức và các đặc trưng cơ bản của nền kinh tế này. Các đặc trưng đó là: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất công nghệ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, ứng dụng CNTT rộng rãi trong mọi lãnh vực và thiết lập mạng thông tin đa phương tiện phủ khắp nước, các doanh nghiệp vừa cạnh tranh vừa hợp tác để phát triển, xã hội thông tin thúc đẩy sự dân chủ hoá, xã hội thông tin là một xã hội học tập vv GS.TSKH Hồ Tú Bảo trong bài “Kinh tế tri thức ở Việt Nam?” (Hồ Tú Bảo, 2010) đã đặt ra và lý giải hai câu hỏi: Kinh tế tri thức là gì? Việt Nam có cần kinh tế tri thức không và nếu có sẽ gặp những thách thức nào? Tác giả cho rằng “Kinh tế tri thức là con đường ta cần đi và đi càng sớm càng tốt. Có những nghiên cứu chỉ ra kinh tế tri thức đã xuất hiện ở Việt Nam qua sự phát triển CNTT&TT. Theo đuổi khoa học hiện đại và công nghệ cao là một cách ta cần làm trong kinh tế tri thức, nhưng không phải duy nhất” Tác giả cũng đưa ra các đặc trưng cơ bản của kinh tế tri thức bao gồm: (a)-tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là nguồn vốn cơ bản có vai trò quyết định của sản xuất, (b)- trong nền kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ (technological production) là hình thức sản xuất quan trọng nhất, tiêu biểu nhất, (c)- lao động tri thức chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất. Nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam đều khẳng định vai trò quan trọng và sự cần thiết của kinh tế số trên con đường phát triển và hội nhập của đất nước. 2. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ SỐ TRÊN THẾ GIỚI Ngân hàng thế giới [20] đã khẳng định: “Các công nghệ kỹ thuật số đang cho phép các quốc gia tăng tốc phát triển kinh tế xã hội, đưa người dân của họ đến gần hơn với các dịch vụ và cơ hội việc làm, và xây dựng một tương lai tốt hơn. Đổi mới kỹ thuật số đang thay đổi hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế bằng cách giới thiệu các mô hình kinh doanh
  5. 17 mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới và cuối cùng là những cách thức mới để tạo ra giá trị và việc làm. Hậu quả của quá trình chuyển đổi này đã được nhìn thấy: năm 2016 nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu chiếm 11,5 nghìn tỷ đô la, tương đương 15,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới - con số này sẽ đạt 25% trong chưa đầy một thập kỷ Sự ra đời và phát triển của kinh tế tri thức ở các quốc gia tiên tiến hiện nay (chủ yếu là các nước thuộc G20) là nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây được coi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ hiện đại như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tế ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, điện thoại di động, dữ liệu lớn (Bag Data) v.v. để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Do tính chất “số” của thời đại, trong nền kinh tế này, người ta không chỉ quan tâm đến thế giới thực (cái đang là) mà còn quan tâm đến thế giới có thể có (cái sẽ là). Trong nền kinh tế số, tồn tại nhiều “doanh nghiệp tri thức” (Knowledge Business), ở đó không còn ranh giới giữa khoa học và sản xuất, giữa phòng thí nghiệm và công xưởng. Người ta cùng một lúc đảm nhiệm việc nghiên cứu và sản xuất, đó là đôi ngũ công nhân tri thức (Knowledge Worker). Điển hình của hình thức doanh nghiệp này có thể kể đến như Microsoft, Nescape, Yahoo, Dell, Cisco. Đối với các doanh nghiệp này, việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ hiện đại góp phần tạo nên các khu công nghệ cao (High-Tech Park) mà Thung lũng Silicon (Silicon Valley, San Francisco) là một ví dụ điển hình. Ở đây có các trường đại học và các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Yahoo, Google, Apple Computer, Intel, Sisco Systems, eBay. Trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, sự xuất hiện của “Bitcoin” (tiền ảo) và “Blockchain” (chuỗi khối liên kết) giống như một phương tiện và cách thức thanh toán thương mại điện tử đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển của kinh tế số, giúp chống lại các rủi ro trong thay đổi dữ liệu (Data) và hiện tượng “Double spending” (chi tiêu gian lận - hai lần), góp phần nâng cao tính bảo mật của thông tin và các giao dịch thương mại trên mạng. Để nâng cao lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế số, nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tri thức, trong đó ưu tiên xây dựng các công viên khoa học hiện đại, các “ thành phố thông minh hay “ thành phố số” làm nòng cốt. 3. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ SỐ Ở VIỆT NAM Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh [3]. Năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người. Đến năm 2017, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng lên mức 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số. Dựa trên số liệu của tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam
  6. 18 hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Trong hệ sinh thái số, có ba thị trường nổi bật là viễn thông, CNTT và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp viễn thông, Internet ở Việt Nam đã phát triển vượt bậc và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội. Thương mại điện tử cũng tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường, hiện ở mức mức 5,2 tỷ USD. Theo nhận định của WBI [20], một quốc gia muốn chuyển sang nền kinh tế số cần hình thành bốn trụ cột chính là: (1)- Giáo dục quốc dân (2)- Phát minh sáng chế (3)- Cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông (4)- Hệ thống thể chế các chính sách kinh tế. Trụ cột thứ nhất: Phát triển nền giáo dục quốc dân Trong nền kinh tế số thì cái quan trọng nhất, quyết định nhất chính là yếu tố con người được đào tạo và có kỹ năng. Những con người đó chỉ có thể là sản phẩm của một nền giáo dục chuẩn mực và có chất lượng cao. Chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách. Đầu tư cho giáo dục từ ngân sách quốc gia cũng không ngừng tăng lên qua các năm. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn có một khoảng cách. Tỉ lệ sinh viên đại học, cao đẳng của Việt Nam chỉ đạt 16% so với mức trung bình là 38% của EAP. Tổ chức Global Education Digest 2012 [18] đã đưa ra các số liệu về kỳ vọng đời sống học đường đại học, tức là số năm học trung bình mà một thanh niên tuổi trong độ tuổi 17 có thể hy vọng theo học trong trường đại học trước khi bước vào cuộc đời lao động. Trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2004, kỳ vọng đời sống học đường đại học trên thế giới đã tăng từ 0,9 năm lên 1,1 năm. Tại các nước vùng Đông Á từ 0,7 năm lên 1,0 năm. Tại Trung Quốc tăng từ 0,3 năm lên 1,0 năm; Thái Lan từ 1,6 năm lên 2,1 năm trong khi ở Việt Nam chỉ số này vẫn giữ nguyên là 0,5 năm. Trong kinh tế học hiện đại, giáo dục cùng với tập hợp các yếu tố trên đây tạo nên một khái niệm, được gọi là năng suất yếu tố tổng hợp TFP (Total Factor Productivity)1. Bảng sau đây cho biết TFP của một số nước trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam [17]: 1TFP là một khái niệm mới dùng để đánh giá vai trò của sự tích lũy tri thức trong tăng trưởng kinh tế, bên cạnh các tích lũy truyền thống là vốn và lao động. Theo cách tiếp cận này, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nếu từ năm 1960 đến năm 2003, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc tăng 11 lần, đưa Hàn Quốc lên hàng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thì 72% sự tăng trưởng đó là do tích lũy tri thức, trong đó sự phát triển giáo dục đại học đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
  7. 19 Bảng 1- Bảng xếp hạng của Việt Nam theo năng suất yếu tố tổng hợp Stt Tên nước Chỉ số TFP 1 Indonesia 43% 2 Philippine 41% 3 Thái Lan 35% 4 Việt Nam 20% Ở Việt Nam, tiềm ẩn đằng sau những số liệu về sự tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng là những dấu hiệu đáng suy nghĩ về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tỷ lệ đóng góp của TFP chỉ còn khoảng 20% vào thời điểm năm 2010 trong khi chỉ số này của các nước trong khu vực là tương đối cao (35% ở Thái Lan, 41% ở Philippines, 43% ở Indonesia). Như vậy một giải pháp rất cấp thiết mà Việt Nam cần làm ngay là giải quyết tốt bài toán về phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu phát triển nền kinh tế của đất nước. Riêng trong lĩnh vực kinh tế số, thì Việt Nam rất cần một đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản và được định hướng nghề nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực này. Đây là vấn đề còn thiếu trong chương trình đào tạo của các trường đại học Việt Nam hiện nay Trụ cột thứ hai: Đẩy nhanh các phát minh sáng chế, các công bố quốc tế Trước năm 2010, số lượng các bằng phát minh sáng chế, các công bố quốc tế của Việt Nam được công bố trên các tạp chí chuyên môn có uy tín trên thế giới vẫn ở mức rất khiêm tốn so với số lượng người làm công tác khoa học và công nghệ. Hiện nay số lượng bằng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam, các công bố quốc tế đã tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, công bố ISI của Việt Nam năm 2019 đạt 7.705, tăng 1,3 lần so với năm 2018 (5.927 công bố). Theo thống kê của Scopus, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam ước đạt 11.461 công bố, tăng 1,3 lần so với năm 2018 (8.759 công bố). Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019 của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Mặc dù có sự phát triển về số lượng các phát minh sáng chế, nhưng số lượng chủ trì của các tổ chức, cá nhân Việt Nam còn ít, chỉ chiếm khoảng 20% còn chủ yếu vẫn là hợp tác với ngước ngoài, trong đó chủ yếu là từ các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức,
  8. 20 Thụy Sỹ, Pháp, Nhật Bản, Bỉ, Anh. Như vậy việc đẩy mạnh phát triển các phát minh sáng chế, các công bố quốc tế có chỉ số ISI và Scopus một cách trung thực nhằm tạo ra nội lực khoa học thực chất của các trường đại học và các viện nghiên cứu, có khả năng giải quyết các vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước chứ không phải chỉ là để chạy theo các bảng xếp hạng của nước ngoài, là một giải pháp cơ bản để phát triển trụ cột thứ hai trong nền kinh tế số của Việt Nam Trụ cột thứ ba: Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT&TT Đây là trụ cột mà Việt Nam có những tiến bộ nổi bật hơn cả. Hiện nay, cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet của Việt Nam được đánh giá là tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Về cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ trên nền tảng Internet trong khu vực Đông Nam Á, hiện nay Việt Nam chỉ kém Singapore và Malaysia. Thậm chí nhiều mặt còn hơn Thái Lan và Indonesia. Trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực ASEAN về xã hội thông tin và phát triển các ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông. Để có một cái nhìn tổng thể về sự phát triển của CNTT &TT Việt Nam, chúng ta hãy xem xét các chỉ số đánh giá của thế giới. Trong mấy năm gần đây, các tổ chức quốc tế như International Telecommunication Union, World Bank, World Economic Forum, UNDP, UNCTAD đã đưa ra các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của nền kinh tế tri thức của mỗi quốc gia. Các chỉ tiêu đó là: - Chỉ số kinh tế số DE (Digital Economic) - Chỉ số tri thức KI (Knowledge Index) - Chỉ số cơ hội CNTT ITC- OI (ITC Opportunity Index) - Chỉ số cơ hội số DOI (Digital Opportunity Index) - Chỉ số sẵn sàng kết nối NRI (Network Readiness Index) - Chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử ERI(E-Readiness Index)
  9. 21 Bảng 2- Bảng xếp hạng của Việt Nam theo các chỉ số sẵn sàng [3]: Stt Tên chỉ số Xếp hạng 1 KI (Knowledge Index ) 95 trên 132 nước xếp hạng 2 KEI (Knowledge Economic Index) 96 trên 132 nước xếp hạng 3 ICT-OI (ICT Opportunity Index) 111 trên 183 nước xếp hạng 4 DOI (Digital Opportunity Index) 126 trên 181 nước xếp hạng 5 NRI (Network Readiness Index) 85 trên 148 nước xếp hạng 6 ERI (E-Readiness Index) 65 trên 69 nước xếp hạng Qua số liệu của bảng trên đây có thể thấy mặc dù tốc độ phát triển của CNTT &TT Việt Nam đều tăng ở mức hai con số nhưng do điểm xuất phát rất thấp nên vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế tri thức thế giới vẫn còn ở mức trung bình. Vì thế một giải pháp cần thiết là tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT, phát triển các nội dung số trên nền tảng mạng INTERNET, phát triển các ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử Trụ cột thứ tư: Hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách kinh tế Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề hoàn thiện hệ thống các thể chế chính sách kinh tế nhằm nâng cao năng lực quản lý của nhà nước, của các Bộ ngành và các địa phương. Đề án cải cách hành chính đang được triển khai rộng rãi và được xác định là một khâu đột phá quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống quản lý của quốc gia. Giải pháp trong lĩnh vực này trước hết và căn bản nhất là phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý (thể chế, chính sách, luật pháp, bộ máy). Nói theo thuật ngữ thông tin, đây chính là phần mềm hệ thống để vận hành xã hội một cách trơn tru và hiệu quả nhất Thực tế đã chứng minh rằng người Việt Nam có thể nắm bắt và làm chủ nhanh chóng các tri thức mới và các công nghệ hiện đại. Chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam thuộc nhóm nước trung bình của thế giớii. Việc tiến hành cải cách quản lý, xây dựng một môi trường kinh tế xã hội lành mạnh là nền tảng để khuyến khích mọi sáng kiến cá nhân, phát huy mọi tài năng sáng tạo, đồng thời cũng là tiền đề để hạn chế và loại trừ dần những yếu tố tiêu cực đang lan tràn trong xã hội hiện nay Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình lập chính sách, phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật. Đồng thời phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ quản lý thật sự có tâm huyết với đất nước. Đó là những người luôn luôn tâm niệm rằng được phục vụ trong guồng máy nhà nước là một trách nhiệm công dân cao cả
  10. 22 chứ không phải chỉ là một cơ hội để mưu sinh hoặc để làm giàu cho bản thân và gia đình mình 4. KẾT LUẬN Trong khung cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nền kinh tế thế giới đã có những biến động to lớn, theo chiều hướng chuyển mạnh sang nền kinh tế số. Khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo sẽ còn tiếp tục tăng thêm. Đó là một thách thức nghiệt ngã đối với các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta. Phát triển nền giáo dục quốc gia, đẩy mạnh các phát minh sáng chế và các công bố quốc tế một cách thực chất, tiếp tục phát triển và ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, hoàn thiện các thể chế kinh tế và hệ thống quản lý, đó là các giải pháp phát triển nền kinh tế số của chúng ta trong khung cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Anderson and Wladawsky-Berger, The 4 things it takes to succeed in the digital economy, 2016 [2] Anna Nagurney, Network Economics: An Introduction, 2002 [3]. Bộ Thông tin và Truyền thông, 2019, Sách trắng CNTT Việt Nam, Hà Nội 2019 [4]. Carmichael, 2016, The Flash Report: The Global Digital Economy, Harvard Business Review, [5]. Chính phủ, 2010, Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” ban hành ngày 22 tháng 9 năm 2010 [6] Đặng Hữu, Phát huy năng lực sáng tạo, xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia để hội nhập vào xu thế phát triển kinh tế tri thức toàn cầu, 2006 [7] Don Tapscott, The Digital Economy: Promise and Peril in Age of Networked Intelligence, 1996 [8] Don Tapscott, Alex Tapscott, The Impact of the Blockchain Goes Beyond Financial Services, 2016 [9]. Godin, 2006, The Knowledge-Based Economy: Conceptual Framework or Buzzword? The Journal of Technology Transfer, January 2006, Volume 31, Issue 1, pp 17–30 [10]. Godin, 2008, The New economy : What the Concepts owes to the OECD Project on the History and Sociology of S&T Statistick, Working Paper N. 38
  11. 23 [11] Hồ Tú Bảo, Kinh tế tri thức ở Việt Nam?, 2010 [12] Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution, 2017 [13] N. Negroponte, Bits and Atoms, 1994 [14] Perinov. S , Internet Technologies for Society and Economy, 2002 [15] Phan Đình Diệu, Kinh tế tri thức và con đường hội nhập của chúng ta, 2002 [16] Porat M.U, The Information Economy:Definition and Measurement, 1977 [17]. Total Factor Productivity: A Short Biography, [18]. UNESCO, 2012, Global Education Digest 2012 › › Education › Global Education Digest 2012 [19]. Statistics - OECD [20]. World Bank, Building Knowledge Economies - ISBN: 0821369571, /BuildingKE book.pdf