Tác động của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao mức sống dân cư ở Việt Nam

pdf 13 trang Gia Huy 18/05/2022 3790
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao mức sống dân cư ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_tang_truong_kinh_te_den_nang_cao_muc_song_dan_c.pdf

Nội dung text: Tác động của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao mức sống dân cư ở Việt Nam

  1. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ĐẾN NÂNG CAO MỨC SỐNG DÂN CƯ Ở VIỆT NAM THE IMPACT OF ECONOMIC GROWTH ON IMPROVING LIVING STANDARD IN VIETNAM Lê Huỳnh Mai Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lehuynhmai@neu.edu.vn TÓM TẮT Nâng cao mức sống dân cư là một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng và Nhà nước đặt ra khi xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu đó, bên cạnh việc đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả còn phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế có sự lan tỏa đến nâng cao mức sống dân cư. Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chi tiêu và nâng cao mức sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, mức lan tỏa từ tăng trưởng kinh tế đến nâng cao mức sống dân cư còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, các khu vực và các nhóm dân cư, mức thu nhập của người Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực, có sự chênh lệch khá lớn về thu nhập và chi tiêu của người dân thành thị và nông thôn, người dân ở các vùng miền khác nhau, người dân ở các nhóm thu nhập khác nhau. Từ đó, nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chưa lan tỏa tốt đến nâng cao mức sống của người dân Việt Nam Từ khóa: Tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống dân cư. ABSTRACT Improving living standard is one of the most important goals that the State and the Party emphasized when developing the economics growth model in Vietnam. In order to implement that goal, the economics development should have an impact on enhancing living standard besides ensuring the maintenance of rapid and effective economics growth. Recently, economics growth in Vietnam has contributed to increasing income, enhancing spending and improving living standards of the Vietnamese people. However, the lever of influence from economics growth to improving living standards in still insufficient and uneven among regions and groups of population by income. The personal income of Vietnamese is still low comparing to other countries of the same region, with a large gap in income and spending between rural and urban people, people of different region and income groups. Since then, the research shows several reasons behind the lack of influence of economics growth to the living standard of Vietnamese. Keywords: Economic growth, improving living standard. 1. Giới thiệu Trong quá trình phát triển kinh tế, việc đảm bảo duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi kèm với việc nâng cao và cải thiện dần mức sống dân cư (MSDC) là mong muốn của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó tăng trưởng kinh tế được coi là điều kiện cần để nâng cao mức sống dân cư. Ở Việt Nam, mục tiêu nâng cao mức sống dân cư luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng, coi đó là mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo điều kiện về vật chất để giải quyết các vấn đề về phúc lợi xã hội, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao mức sống dân cư. Ngược trở lại, khi đời sống được cải thiện, các cá nhân sẽ có điều kiện tốt hơn để nâng cao năng lực của bản thân, từ đó quay trở lại đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Kể từ sau đổi mới, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ tương đối cao và vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình. Đi cùng với quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đời sống của người dân cũng dần được cải thiện, mức sống dần được nâng lên. Tuy nhiên, nếu so với tốc độ tăng trưởng kinh tế thì mức sông dân cư gia tăng còn thấp và nhất là thiếu sự đồng đều giữa các nhóm dân cư, các vùng kinh tế. Do vậy, việc phân tích và đánh giá tác động của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao mức sống dân cư Việt Nam là hết sức cần thiết, là cơ sở để nghiên cứu tìm ra những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống cho người dân. 1106
  2. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết 2.1.1. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với nâng cao mức sống dân cư Tăng trưởng kinh tế thường được hiểu là sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm) và được thể hiện bằng quy mô và tốc độ tăng trưởng thông qua các thước đo GDP, GNI hay thu nhập bình quân đầu người. MSDC cũng có nhiều các định nghĩa khác khau. Theo Helen Clark, trích trong UNDP (2015) “Ngày nay, con người sống lâu hơn, nhiều trẻ em được đến trường và nhiều người được tiếp cận với nước sạch và các điều kiện vệ sinh cơ bản hơn. Thu nhập bình quân đầu người trên thế giới tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống, kết quả là mức sống của rất nhiều người được nâng cao”. Với cách hiểu đó, mức sống dân cư được quan niệm là các nhu cầu cần thiết của đời sống con người, thể hiện rõ nhất qua thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ nghèo. MSDC thường liên quan chặt chẽ với mức độ đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống của người dân, nhất là nhu cầu chi tiêu cho các hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Sau chiến tranh Thế giới thứ 2, khi nhiều các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của chiến tranh thì vực dậy và khôi phục lại nền kinh tế là mục tiêu hàng đầu của mọi quốc gia. Chính vì thế vào những thập niên đầu sau chiến tranh, các quốc gia đều nhấn mạnh đến tăng trưởng kinh tế, thậm chí còn đồng nhất giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế lúc này là mục tiêu cơ bản của mọi nền kinh tế. Nhờ vậy, trong giai đoạn này, nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, do chỉ chú trọng vào tăng trưởng kinh tế chứ chưa quan tâm nhiều đến việc nâng cao MSDC nên sự tăng trưởng cao đó hầu như mang lại rất ít lợi ích cho tầng lớp có thu nhập thấp trong xã hội, đặc biệt là những người nghèo, chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng. Ở nhiều các quốc gia ở châu Phi, châu Á, mức sống của người dân không những không được cải thiện mà còn có xu hướng giảm đi. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do những thành quả của tăng trưởng kinh tế không được sử dụng để cải thiện và nâng cao MSDC. Hầu hết các nguồn lực có được từ tăng trưởng được sử dụng để tái đầu tư nhằm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao hơn, hoặc được sử dụng cho củng cố tiềm lực an ninh, quốc phòng, nâng cao sức mạnh và danh tiếng của quốc gia và nhất là, nguồn lực đó không được phân phối một cách công bằng cho mọi tầng lớp dân cư. Nhận thấy được những bất cập này, từ những năm 70 của thế kỷ 20, các quốc gia trên thế giới bắt đầu thay đổi hướng đi của nền kinh tế, họ không còn chú trọng toàn bộ cho tăng trưởng kinh tế mà bắt đầu nhấn mạnh hơn vào chất lượng cuộc sống và các vấn đề về môi trường. Các quốc gia đang phát triển cũng quan tâm nhiều hơn đến giải quyết các vấn đề về nghèo đói và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Ngày nay, trong quá trình phát triển kinh tế, việc đảm bảo duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi kèm với việc nâng cao và cải thiện dần mức sống dân cư là mong muốn của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó tăng trưởng kinh tế được coi là điều kiện cần để nâng cao MSDC. Tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo điều kiện về vật chất để giải quyết các vấn đề về phúc lợi xã hội, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao mức sống dân cư. Ngược trở lại, khi đời sống được cải thiện, các cá nhân sẽ có điều kiện tốt hơn để nâng cao năng lực của bản thân, từ đó quay trở lại đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Ở Việt Nam, mục tiêu nâng cao mức sống dân cư luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng, coi đó là mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế nhằm hướng đến một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ và văn minh. 2.1.2. Các chỉ tiêu phản ánh mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với nâng cao mức sống dân cư Như đã đề cập ở trên, mức sống dân cư (MSDC) thể hiện chủ yếu qua việc đáp ứng và thỏa mãn các nhu cầu về chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của người dân, phản ánh thông qua mức và tốc độ tăng chi tiêu cho các nhu cầu đó (Atkinson A.B, 1989 và Dasho Karma Ura và cộng sự, 2011). Vì vậy, có 1107
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 thể đánh giá mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với nâng cao MSDC thông qua việc xem xét mối quan hệ giữa việc gia tăng thu nhập và gia tăng các khoản chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Trong phạm vi nghiên cứu này, bài viết đưa ra 2 chỉ tiêu để đánh giá là tốc độ tăng thu nhập và hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống dân cư. Tốc độ tăng thu nhập thực Tốc độ tăng thu nhập thực là chỉ tiêu tính toán sự gia tăng thu nhập của người dân sau khi đã loại bỏ đi ảnh hưởng của lạm phát. g thu nhập thực = gTNBQĐN - glạm phát Trong đó: gthu nhập thực: Tốc độ tăng thu nhập thực. gTNBQĐN: Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người (TNBQĐN). glạm phát: Tốc độ tăng lạm phát. Nếu tốc độ tăng thu nhập thực càng cao và càng gần với tốc độ tăng trưởng kinh tế, điều đó cho thấy thành quả của tăng trưởng kinh tế đã góp phần lan tỏa tốt đến gia tăng thu nhập thực cho dân cư, ảnh hưởng từ lạm phát là rất nhỏ và ngược lại. Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người ở đây được tính bằng tốc độ tăng GDP/người. Hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống dân cư Hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC = Trong đó: gchi tiêu: Tốc độ tăng chi tiêu. gthu nhập: Tốc độ tăng thu nhập. Trên quan điểm coi gia tăng chi tiêu là cơ sở để nâng cao mức sống dân cư thì cùng với thu nhập tăng lên, chi tiêu cũng phải tăng lên, tốc độ tăng chi tiêu sẽ nhận giá trị dương. Do đó, nếu hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC nhận giá trị âm thì chứng tỏ tăng trưởng kinh tế không có sức lan tỏa đến nâng cao MSDC. Ngược lại, nếu hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC nhận giá trị dương thì tăng trưởng kinh tế có sức lan tỏa tốt đến nâng cao MSDC, giá trị dương càng lớn thì mức độ lan tỏa càng cao. Ngoài ra, còn có thể so sánh giữa các chỉ tiêu GDP/người với TNBQĐN và các khoản chi tiêu của người dân cho cuộc sống, cho các nhu cầu thiết yếu của mình. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng cách tiếp cận dựa trên quan điểm phát triển kinh tế để tiến hành đánh giá và xem xét tác động của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao mức sống dân cư của Việt Nam thời gian qua. Phương pháp thu thập số liệu: Bài viết sử dụng các số liệu thu thập từ niên giám thống kế Việt Nam các năm và đặc biệt là các số liệu từ điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê các năm 2014, 2016. Phương pháp xử lý số liệu: Dựa trên các số liệu thu thập được, các chỉ tiêu phản ánh mức sống dân cư và tác động lan của tăng trưởng kinh tế đến mức sống dân cư được phân tích theo các nhóm: thành thị - nông thôn, theo vùng, theo 5 nhóm thu nhập để có cái nhìn toàn diện về MSDC và ảnh hưởng lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao mức sống dân cư của Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế vừa qua. 3. Kết quả và đánh giá 3.1. Kết quả Từ năm 2000 đến nay, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và ảnh hưởng của một số vấn đề như biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường, nên nhìn chung Việt Nam tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này chưa cao, từ đó cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng GDP/ng. 1108
  4. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Đơn vị tính: USD Hình 1: GDP/ng và tốc độ tăng GDP/ng của Việt Nam Nguồn: GDP/ng của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm với tốc độ tăng trung bình từ 4 - 6%/năm trong đó giai đoạn 2004 - 2007 đạt tốc độ tăng cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2013 khi Việt Nam đang gặp khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Có thể thấy GDP/ng của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, tăng từ 787,65 USD năm 2000 lên 1.770 USD năm 2016 (tăng 2,28 lần) và đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Điều này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức thu nhập này của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đơn vị tính: USD Hình 2: GDP/ng năm 2015 của các quốc gia Đông Nam Á (giá so sánh 2010) Nguồn: Thu nhập của Việt Nam hiện mới chỉ đứng thứ 7 trong nhóm các quốc gia trong khối Asean, chỉ cao hơn 3 nước là Lào, Myanmar và Campuchia và mức GDP/ng này hiện đang thấp hơn rất nhiều so với các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore Thu nhập còn thấp là do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn chưa cao, có một số năm tốc độ tăng trưởng giảm mạnh do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. (Minh Nhung, 2014). Mặc dù vậy, do GDP/ng của Việt Nam tăng đều nên TNBQĐN của Việt Nam thời gian qua cũng đã có sự gia tăng đáng kể. Đơn vị tính: USD (giá so sánh năm 2010) Hình 3: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 1109
  5. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 TNBQĐN của Việt Nam cũng duy trì được xu hướng tăng trưởng qua các năm. Năm 2002, TNBQĐN của Việt Nam đạt 508,79 USD thì đến năm 2016, mức thu nhập này là 1.332,53 USD, tăng 2,6 lần so với năm 2002. Nếu so sánh với GDP/ng thì TNBQĐN của Việt Nam đang tăng nhanh hơn, tuy nhiên xét về mặt giá trị thì có thể thấy TNBQĐN của Việt Nam còn thấp hơn khá nhiều so với GDP/ng. Hiện TNBQĐN của Việt Nam mới chỉ bằng khoảng 75% GDP/ng (năm 2016). Bên cạnh đó còn có sự chênh lệch khá lớn giữa TNBQĐN ở khu vực thành thị và nông thôn mặc dù khoảng cách chênh lệch này đang có xu hướng thu hẹp dần lại. Năm 2002, TNBQĐN ở thành thị cao gấp 2,26 lần so với khu vực nông thôn, nhưng đến năm 2016, khoảng cách này đã được rút ngắn lại chỉ còn 1,79 lần. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn để thu hẹp dần khoảng cách thu nhập và đời sống với thành thị. Khoảng cách chênh lệch TNBQĐN ở Việt Nam cũng khá lớn giữa các vùng kinh tế trong cả nước. Đơn vị tính: USD (giá so sánh năm 2010) Hình 4: TNBQĐN của Việt Nam theo vùng kinh tế Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 Các số liệu tính toán cho thấy, ở các vùng có tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước cũng là những vùng có TNBQĐN cao. Vùng tăng trưởng cao (gồm Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng) là vùng có mức TNBQĐN cao của cả nước, trong đó Đông Nam Bộ là vùng có TNBQĐN cao nhất. Đây là hai vùng có hai trung tâm kinh tế lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, vì vậy mức TNBQĐN của hai vùng này hiện đang có khoảng cách khá lớn so với các vùng còn lại. Vùng tăng trưởng thấp (Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên) là vùng có TNBQĐN thấp nhất. Đây cũng là khu vực có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại chưa thực sự thuận tiện, lại là nơi tập trung đông đồng bào các dân tộc nên việc phát triển kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mức TNBQĐN của bà con sinh sống tại đây. Vùng tăng trưởng trung bình (Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long) có mức TNBQĐN cao hơn nhưng nhỉnh hơn không đáng kể so với vùng tăng trưởng thấp. TNBQĐN cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa nhóm dân cư có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất. Đơn vị tính: USD (giá so sánh năm 2010) Hình 5: TNBQĐN của Việt Nam theo nhóm thu nhập Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 1110
  6. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 TNBQĐN của nhóm có thu nhập cao nhất có xu hướng tăng nhanh hơn nhóm có thu nhập thấp nhất. Chính vì thế, khoảng cách chênh lệch TNBQĐN của hai nhóm này đang ngày càng tăng. Năm 2002, chênh lệch TNBQĐN giữa nhóm có thu nhập cao nhất với nhóm có thu nhập thấp nhất là 8,1 lần nhưng đến năm 2010 đã tăng lên 9,2 lần và năm 2016 là 9,8 lần. Mức chênh lệch này cho thấy mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong quá trình phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của yếu tố lạm phát nên mặc dù TNBQĐN hàng năm đều tăng lên nhưng thu nhập thực của người dân không chắc đã được cải thiện. Hình 6: Tốc độ tăng thu nhập thực của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2016 Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng Cục Thống kê và Hình 6 cho thấy, không như tốc độ tăng GDP/người và tốc độ tăng TNBQĐN được duy trì tăng qua các năm, tốc độ tăng thu nhập thực của Việt Nam trong giai đoạn 2000 - 2016 có những năm sụt giảm rất mạnh do ảnh hưởng của lạm phát. Tốc độ tăng thu nhập thực đạt cao nhất vào năm 2000 với tốc độ 5,97% và có xu hướng giảm dần. Đặc biệt là từ năm 2004, khi tỷ lệ lạm phát của Việt Nam luôn ở mức cao thì thu nhập thực của Việt Nam không tăng mà còn có xu hướng giảm. Trong giai đoạn 2004 - 2006, mặc dù lạm phát tăng mạnh hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn được duy trì dưới 10%, thậm chí năm 2006 đã kìm hãm được tỷ lệ lạm phát xuống chỉ còn 6,6%. Tuy nhiên, cùng với đà suy thoái kinh tế thế giới, đồng USD mất giá, giá dầu thô tăng cao, giá cả lương thực và nguyên nhiên vật liệu tăng đột biến cộng với tác động của thiên tai, dịch bệnh đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bộc lộ những nhược điểm cố hữu của một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tạo ra một chuỗi các nguyên nhân gia tăng lạm phát (lạm phát tiền tệ, lạm phát cầu kéo, lạm phát do chi phí đẩy ). Tỷ lệ lạm phát trong hai năm 2007, 2008 tăng vượt lên ngưỡng 2 con số, đặc biệt năm 2008, tỷ lệ lạm phát lên tới 24,4%. Điều này đã kéo cho tốc độ tăng thu nhập thực của Việt Nam giảm mạnh, năm 2008 là -15,35% và duy trì sự bất ổn trong suốt giai đoạn 2008 - 2011. Từ năm 2013 đến nay, lạm phát dần được kiềm chế và kiểm soát tốt hơn, nhờ vậy tốc độ tăng thu nhập thực dần được cải thiện, quay trở lại đạt giá trị dương vào năm 2014. Như vậy, có thể thấy, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, thu nhập thực của người dân Việt Nam được cải thiện khá chậm, thậm chí trong giai đoạn từ 2005 - 2013, thu nhập thực còn giảm đi. Điều này cho thấy, tác động lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao thu nhập thực của người dân còn rất hạn chế. Phân tích hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống dân cư cũng cho thấy tính lan tỏa của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này cũng chưa cao và thiếu ổn định. Hình 7. Hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC Việt Nam Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC năm 2016 1111
  7. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Trong giai đoạn từ 2008 - 2016, hầu hết hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC của Việt Nam đều đạt giá trị dương, cho thấy tăng trưởng kinh tế có sự lan tỏa đến nâng cao MSDC, tuy nhiên, các giá trị dương đạt được này còn ở mức thấp, chủ yếu dưới 1, năm đạt được cao nhất là năm 2010 với giá trị 1,66. Riêng năm 2012, hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC nhận giá trị âm (-0,22). Năm 2012 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam khi sau cuộc khủng hoảng năm 2008, kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thô, nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, lương thực, thực phẩm trên thị trường tiếp tục tăng cao. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng của các chính sách kiềm chế lạm phát từ năm 2011, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên, nhiều doanh nghiệp tuyên bố giải thể, dừng hoạt động. Điều này tác động nhiều đến tâm lý chi tiêu của người dân. Theo công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson, năm 2011, 55% số người dân Việt Nam được khảo sát dành 5% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm thì qua năm 2012, hơn 50% người dân có xu hướng để dành từ 5 - 10% thu nhập hàng tháng, thậm chí, không ít người còn để dành đến 20% thu nhập (Lệ Chi, 2013). Tâm lý tăng mức tiết kiệm đã làm giảm tiêu dùng của người dân năm 2012, ảnh hưởng xấu đến việc nâng cao MSDC, nhất là đối với khu vực thành thị, nơi chịu tác động nhiều từ các bất ổn của nền kinh tế. Có thể thấy, bình thường, khu vực thành thị, với mức thu nhập cao hơn khu vực nông thôn thì lan tỏa từ tăng trưởng kinh tế đến nâng cao MSDC ở khu vực này cũng thường tốt hơn, nhưng khi có những biến động trong tăng trưởng kinh tế thì khu vực thành thị lại chịu tác động mạnh hơn. Năm 2012, hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC khu vực thành thị, giảm mạnh xuống -1,60 trong khi khu vực nông thôn vẫn đạt được giá trị dương 0,30. Hình 8: Hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC theo vùng kinh tế - xã hội Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC năm 2016 Xem xét hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC ở góc độ phân chia theo các vùng kinh tế cũng có thể thấy, Đông Nam Bộ là vùng có mức độ lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao MSDC cũng tốt nhất. Đây là khu vực có tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tốt nhất. Khi thu nhập cao hơn, họ có nhiều điều kiện về vật chất để thực hiện tốt hơn các chính sách của nhà nước liên quan đến đời sống dân cư. Bên cạnh đó, người dân vùng Đông Nam Bộ cũng có xu hướng thoải mái trong chi tiêu, chi tiêu mạnh cho các nhu cầu cá nhân vì thế góp phần cải thiện tốt hơn đời sống của người dân. Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu nhiều tác động khi có những biến động về kinh tế, lúc đó, sức lan tỏa của tăng trưởng đến nâng cao MSDC sẽ giảm rõ rệt làm cho hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC tốt nhất nhưng lại cũng biến động nhiều nhất. Tây Nguyên là vùng duy nhất hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC tuy vẫn nhận giá trị dương nhưng có biểu hiện giảm dần qua các năm, cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn có lan tỏa đến nâng cao MSDC nhưng sức lan tỏa đang ngày càng giảm. Các vùng còn lại, hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC không biến động nhiều và đều cho thấy tăng trưởng kinh tế có lan tỏa đến nâng cao MSDC. 1112
  8. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Bảng 1: Hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC theo nhóm thu nhập TT Các nhóm thu nhập 2008 2010 2012 2014 2016 1 Cả nước 0,85 2,04 -0,22 0,39 0,81 2 Nhóm 1 1,94 1,44 -2,51 0,38 0,46 3 Nhóm 2 1,74 1,78 0,67 0,52 0,30 4 Nhóm 3 0,90 1,75 0,70 0,46 0,36 5 Nhóm 4 0,63 2,02 0,19 0,49 0,47 6 Nhóm 5 0,69 -2,25 -0,25 0,24 0,70 Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC năm 2016 Phân chia theo nhóm thu nhập, hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC có xu hướng biến động mạnh ở nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất (nhóm 1) và nhóm dân cư có thu nhập cao nhất (nhóm 5) và năm 2012 là năm hệ số này có giá trị thấp nhất ở hầu hết các nhóm dân cư. Tuy nhiên hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC đang có xu hướng tăng dần ở nhóm dân cư có thu nhập cao (nhóm 4 và 5) và có xu hướng giảm dần ở nhóm dân cư có thu nhập thấp (nhóm 1 và 2). Như vậy, hệ số tăng trưởng vì nâng cao MSDC khi được xem xét từ 4 góc độ (chung cả nước, theo thành thị - nông thôn, theo phân vùng kinh tế - xã hội và theo các nhóm thu nhập) đều cho thấy những nhận định chung giống nhau: (1) Tăng trưởng kinh tế có lan tỏa đến nâng cao mức sống dân cư, tuy nhiên sức lan tỏa còn thấp. (2) Tăng trưởng kinh tế có sức lan tỏa cao hơn đến mức sống dân cư của các khu vực, các vùng và các nhóm dân cư có thu nhập cao, lan tỏa thấp hơn đến các đối tượng có thu nhập thấp. Với mức thu nhập còn thấp, người Việt Nam có xu hướng dành phần lớn nguồn thu nhập của mình cho việc chi tiêu. Thu nhập tăng lên thì theo xu hướng, tỷ trọng thu nhập dành cho chi tiêu sẽ giảm dần đi, tỷ lệ tích lũy có xu hướng tăng lên Đơn vị tính: USD (giá so sánh năm 2010) Hình 9: Mức thu nhập và chi tiêu bình quân của người Việt Nam Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 Hình 9 cho thấy, người dân thường dành khoảng 70-80% thu nhập của mình cho việc chi tiêu và tỷ trọng này đang có xu hướng giảm dần. Năm 2002, trung bình người dân dành 82,56% thu nhập của mình cho việc chi tiêu nhưng đến năm 2016, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 70,74%. Điều này cho thấy khi thu nhập tăng, với mức thu nhập phần nào đủ đảm bảo cuộc sống của mình, người dân sẽ có xu hướng tích lũy nhiều hơn để phòng thân hoặc tái đầu tư nâng cao thu nhập. 1113
  9. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Đơn vị tính: USD (giá so sánh năm 2010) Hình 10: Chi tiêu bình quân của người Việt Nam Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu điều tra mức sống dân cư của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 Tương tự như TNBQĐN, mức chi tiêu bình quân cũng có sự chênh lệch gần 2 lần giữa khu vực thành thị và nông thôn. Nhưng do thu nhập thấp hơn nên để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, người dân khu vực nông thôn vẫn dành một tỷ trọng lớn hơn trong thu nhập để sử dụng cho chi tiêu. Điều này cũng tương tự như khi xem xét các khoản chi tiêu cho đời sống của người Việt Nam phân theo vùng kinh tế. Đơn vị tính: USD (giá so sánh năm 2010) Hình 11: Chi tiêu bình quân của người Việt Nam theo phân vùng kinh tế Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 Khi thu nhập tăng lên, người dân cũng tăng mức chi tiêu bình quân, các vùng có tăng trưởng cao thì mức chi tiêu bình quân cũng tăng cao hơn. Với mức TNBQĐN cao nên vùng tăng trưởng cao (Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng) có mức chi tiêu cho đời sống cao hơn so với các vùng còn lại. Vùng tăng trưởng trung bình (Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long) và vùng tăng trưởng thấp (Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên) có mức chi tiêu cho đời sống chỉ bằng khoảng 2/3 vùng tăng trưởng cao và sự chênh lệch giữa các vùng trong nhóm là không đáng kể. Mặc dù mức chi tiêu bình quân tăng lên nhưng tỷ trọng thu nhập dành cho chi tiêu của các vùng đang có xu hướng giảm dần. Đơn vị tính: % Hình 12: Tỷ trọng thu nhập dành cho chi tiêu của người Việt Nam theo phân vùng kinh tế Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 1114
  10. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Khi thu nhập tăng lên, tỷ trọng thu nhập dành cho chi tiêu của các vùng đều có xu hướng giảm đi và vùng nào có tăng trưởng kinh tế tốt hơn thì vùng đó cũng có tỷ trọng thu nhập dành cho chi tiêu thấp hơn. Đông Nam Bộ là vùng có tăng trưởng cao nhất cũng đồng thời là vùng có tỷ trọng thu nhập dành cho chi tiêu thấp nhất, năm 2008, tỷ lệ này là 77,89% thì đến năm 2016 đã giảm còn 67,29%. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tăng trưởng thấp nhất thì tỷ trọng thu nhập dành cho chi tiêu cũng lớn nhất, năm 2008, tỷ lệ này là 84,93% thì đến năm 2016 tuy có giảm nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ lớn 81,41%. Việc vẫn còn phải dành phần lớn thu nhập để chi tiêu cho đời sống hàng ngày sẽ khiến người dân các vùng tăng trưởng thấp hạn chế về khả năng tích lũy cũng như các điều kiện để đảm bảo cải thiện thu nhập trong tương lai. Chi tiêu cho đời sống phân theo các nhóm thu nhập cũng cho thấy khoảng cách khá lớn giữa nhóm dân cư có thu nhập cao nhất và nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất, tuy nhiên khoảng cách này không lớn như khoảng cách về TNBQĐN. Đơn vị tính: USD (giá so sánh năm 2010) Hình 13: Chi tiêu đời sống của người Việt Nam theo nhóm thu nhập Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 Nếu như khoảng cách về thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất có xu hướng ngày càng gia tăng với mức độ chênh lệch lớn (hơn 9 lần) thì khoảng cách về chi tiêu giữa 2 nhóm thu nhập này lại có sự chênh lệch ít hơn, chỉ khoảng 4 lần và đang có xu hướng ngày càng thu hẹp lại. Năm 2002, khoảng cách chi tiêu đời sống giữa 2 nhóm này là 4,46 lần thì đến năm 2016 khoảng cách này đã rút xuống chỉ còn 3,76 lần. Chi tiêu đời sống chiếm phần lớn tỷ trọng trong tổng chi tiêu. Bình quân người dân Việt Nam dành khoảng 90% thu nhập của mình để chi tiêu đời sống, chỉ có 1 phần nhỏ chi cho các khoản chi khác. Trong chi tiêu đời sống, người Việt Nam cũng đã dành khoảng 50-55% khoản chi tiêu này để chi cho các nhu cầu thiết yếu của mình là ăn, uống, hút, phần còn lại để chi tiêu cho các nhu cầu đời sống khác. Hình 14: Tỷ trọng các khoản chi của người Việt Nam Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra MSDC của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 1115
  11. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Vì thu nhập thấp hơn nên người dân nông thôn đang phải chi một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho các nhu cầu thiết yếu (ăn, uống, hút) so với người dân khu vực thành thị. Năm 2016, người dân thành thị chỉ dành 54% mức chi tiêu của mình chi cho ăn, uống, hút, trong khi người dân nông thôn đang dành khoảng 64% chi tiêu cho nhu cầu này. Như vậy, người dân nông thôn sẽ chỉ có một phần nhỏ thu nhập để chi trả cho các khoản chi tiêu khác. Điều này kiến họ gặp khó khăn hơn trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Tương tự như vậy, người dân vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng đang chi khoảng 49% số tiền chi tiêu đời sống cho các khoản chi thiết yếu trong khi mức chi này ở các vùng khác là 53-54%. 3.2. Đánh giá 3.2.1. Những thành tựu đạt được Trong suốt hơn 15 năm qua, Việt Nam đã luôn duy trì được một tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định, nhờ đó đã đưa Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. TNBQĐN nhờ đó cũng tăng 2,28 lần (trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016), đưa Việt Nam trở thành một quốc gia trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế có sự lan tỏa đến nâng cao MSDC, nhờ vậy, MSDC đang từng bước được cải thiện, mức chi tiêu đời sống của người dân tăng đều qua các năm. Tỷ trọng chi tiêu trong tổng thu nhập của người dân có xu hướng giảm dần cho thấy người dân bên cạnh việc tăng chi tiêu đảm bảo đời sống đã bắt đầu gia tăng được tỷ lệ tích lũy của mình. Chênh lệch mức sống của người dân đang dần được cải thiện thể hiện qua chênh lệch khoảng cách trong chi tiêu giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng và giữa các nhóm thu nhập có xu hướng thu hẹp dần lại. 3.2.2. Hạn chế và nguyên nhân Thứ nhất, mức thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Điều này xuất phát do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 2000 đến nay đạt trung bình khoảng 6,74%. Theo Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2011), để GDP/ng của Việt Nam đạt được mốc 3.000 USD vào năm 2020, thì giai đoạn 2011-2020, Việt Nam phải duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm là 10% và duy trì ổn định tỷ lệ tăng dân số. Nhưng từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt trung bình 6%/năm. Bên cạnh đó khoảng cách giữa TNBQĐN thực sự của người dân so với GDP/ng còn khá xa (mới chỉ đạt 75%). Mức thu nhập thấp ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng nâng cao mức sống dân cư. Thứ hai, thu nhập danh nghĩa tăng nhưng thu nhập thực của người dân tăng chậm, riêng giai đoạn 2008 - 2014, thu nhập thực còn giảm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do những bất ổn của kinh tế thế giới giai đoạn này tác động xấu làm giảm khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, bên cạnh đó là tỷ lệ lạm phát cao trên 2 con số ảnh hưởng xấu đến khả năng cải thiện thu nhập của người dân. Thứ ba, chênh lệch khoảng cách thu nhập giữa thành thị, nông thôn, giữa các vùng kinh tế và các nhóm thu nhập còn lớn. Sự khác biệt về điều kiện phát triển kinh tế giữa thành thị với nông thôn, giữa các vùng kinh tế dẫn đến sự chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm đối tượng này. Đặc biệt, chênh lệch khoảng cách thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao nhất với nhóm có thu nhập thấp nhất ngày càng trở nên gay gắt hơn do sự chênh lệch về trình độ, về khả năng và điều kiện để cải thiện thu nhập giữa các nhóm dân cư. Những người có thu nhập thấp thường sinh sống ở nông thôn, ở những vùng kinh tế khó khăn và sống phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Đại bộ phận họ là những người có trình độ học vấn thấp, nhiều người thuộc vùng dân tộc thiểu số. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, tri thức, để cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống. Các chính sách của nhà nước mặc dù đã có quan tâm đến các đối tượng này nhưng quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập nên tác động của nó đến các đối tượng thụ hưởng còn thấp. Thứ tư, tác động lan tỏa từ tăng trưởng kinh tế đến nâng cao mức sống dân cư còn thấp, tăng trưởng kinh tế có sức lan tỏa cao hơn đến mức sống dân cư của các khu vực, các vùng và các nhóm dân cư có thu nhập cao, lan tỏa thấp hơn đến các đối tượng có thu nhập thấp. Do những ảnh hưởng xấu từ những bất ổn 1116
  12. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 kinh tế trong giai đoạn này nên người dân có xu hướng cắt giảm bớt các khoản chi tiêu cá nhân vì vậy khả năng cải thiện mức sống do đó cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, việc chưa giải quyết tốt vấn đề công bằng trong phân phối thu nhập và phúc lợi xã hội cũng làm cho tính lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến nâng cao MSDC của nhóm đối tượng có thu nhập thấp giảm dần đi. Thứ năm, do thu nhập thấp nên phần lớn thu nhập của người dân được sử dụng để chi tiêu cho đời sống, tỷ lệ tích lũy của người dân còn thấp. Hiện người dân Việt Nam đang dành khoảng 70-80% thu nhập của mình cho chi tiêu đời sống. Trong chi tiêu đời sống, hơn 50% mức chi tiêu là để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân như ăn, uống, hút. Phần chi tiêu cho các nhu cầu khác chỉ chiếm phần còn lại và với mức thu nhập còn thấp, phần chi tiêu này chưa đủ để thỏa mãn các nhu cầu của người dân. Thứ sáu, có sự chênh lệch khá lớn trong mức chi tiêu của người dân thành thị và nông thôn, người dân ở các vùng và người dân ở từng nhóm thu nhập khác nhau. Điều này xuất phát từ sự chênh lệch về thu nhập giữa các đối tượng này. Người dân ở nông thôn, các vùng khó khăn và có thu nhập thấp ít có cơ hội để nâng cao thu nhập nên họ cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cân đối, đảm bảo chi tiêu và cải thiện chất lượng cuộc sống. 4. Kết luận Từ các phân tích và đánh giá trên có thể thấy, để nâng cao mức sống dân cư thì điều đầu tiên và hết sức quan trọng là Việt Nam cần phải chú trọng đến tăng trưởng kinh tế, đảm bảo một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững là cơ sở nâng cao TNBQĐN. Bên cạnh đó, để đảm bảo cải thiện mức sống dân cư cho đại đa số người dân, Việt Nam cũng cần có những chính sách để đảm bảo sự phát triển kinh tế cân đối giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các chính sách phân phối lại thu nhập một cách hợp lý hơn nhằm giảm sự chênh lệch thu nhập giữa nông thôn với thành thị, giữa các vùng miền và giữa các nhóm thu nhập trong dân cư. Có như vậy, Việt Nam mới đảm bảo tính lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến việc nâng cao mức sống dân cư. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Atkinson A. B. (1989), “How should we measure poverty? Some conceptual issues”, Poverty and Social Security, pp.7-24, Harvester Wheatsheaf. [2] Dasho Karma Ura, Sabina Alkire, Tshoki Zangmo (2011), The Gross National Happiness Index of Bhutan: Method and Illustrative Results, The Centre for Bhutan Studies, Thimphu, Presented by Sabina Alkire, OPHI, Univ. of Oxford 12 October, 2011, OECD. [3] Karl Marx (1978), C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập - xuất bản lần thứ hai, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. [4] Lệ Chi (2013), Đàn ông ở Hà Nội xài hàng xa xỉ nhiều hơn ở TP HCM, báo VnExpress, truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2012 từ: nhieu-hon-tp-hcm-2723429.html [5] Minh Nhung (2014), GDP bình quân đầu người và vị thế đất nước, Báo Đầu tư Chứng khoán online, truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2014 từ: nguoi-va-vi-the-dat-nuoc-87309.html [6] Ngô Thắng Lợi, Trần Thị Vân Hoa (2015), Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, triển vọng đến năm 2020, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [7] Nguyễn Hồng Sơn, Trần Quang Tuyến (2014), “Nâng cao mức sống dân cư trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức đặt ra”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 30, số 1. 1117
  13. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 [8] Nguyễn Như Ý (1999), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [9] Nguyễn Trọng Đàm (2015), Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, địa chỉ . vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=24185, truy cập ngày 11/12/2015. [10] Tổng Cục Thống kê (2014), Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam 2014, NXB Thống kê. [11] Tổng Cục Thống kê (2016), Số liệu điều tra mức sống dân cư Việt Nam 2016, Tổng Cục Thống kê. [12] UNDP (2015), Báo cáo phát triển con người 2015. [13] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2011), Giảm nghèo ở Việt Nam: thành tựu và thách thức, NXB Thế giới, Hà Nội. 1118