Tham gia thị trường quốc tế: Ưu thế, thách thức và giải pháp đối với các DNNVV Việt Nam

pdf 17 trang Gia Huy 3000
Bạn đang xem tài liệu "Tham gia thị trường quốc tế: Ưu thế, thách thức và giải pháp đối với các DNNVV Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftham_gia_thi_truong_quoc_te_uu_the_thach_thuc_va_giai_phap_d.pdf

Nội dung text: Tham gia thị trường quốc tế: Ưu thế, thách thức và giải pháp đối với các DNNVV Việt Nam

  1. THAM GIA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ: ƯU THẾ, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI CÁC DNNVV VIỆT NAM PARTICIPATING IN INTERNATIONAL MARKET: ADVANTAGES, CHALLENGES AND SOLUTIONS FOR VIETNAM SMEs. PGS,TS. Nguyễn Hoàng Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Bài viết nghiên cứu các ưu thế và thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) Việt Nam khi tham gia thị trường quốc tế. Bài viết chỉ ra chín ưu thế đối với các DNNVV trong quá trình quốc tế hóa, bào gồm: (i) vốn đầu tư ban đầu ít, (ii) khả năng linh động trong phương thức kinh doanh, (iii) khả năng linh động trong thay đổi nguồn nguyên vật liệu, (iv) khả năng kinh động trong thay đổi công nghệ, (v) sử dụng ít lao động, (vi) ưu đãi của chính phủ, (vii) xu hướng toàn cầu hóa, (viii) sự khác biệt về văn hóa, và (ix) khả năng linh động trong ứng phó với thay đổi. Ngoài ra, bài viết chỉ ra mười thách thức cơ bản mà DNNVV gặp phải trong quá trình quốc tế hóa, bao gồm: (i) khả năng tài chính, (ii) hàng rào tài chính/thuế quan, (iii) rào cản phi tài chính/phi thuế quan, (iv) chất lượng nguồn nhân lực, (v) trình độ công nghệ, (vi) cạnh tranh, (vii) hiểu biết pháp lý, (viii) kênh phân phối, (ix) sự khác biệt về văn hóa, và (x) nguồn nguyên vật liệu. Các thách thức này đã hạn chế khả năng tiếp cận, đầu tư, và mở rộng của DNNVV khi tham gia thị trường quốc tế. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp đối với các DNNVV và các cơ quan nhà nước khi tham gia thị trường quốc tế trong thời gian tới. Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, quá trình quốc tế hóa, thách thức, Việt Nam, thị trường quốc tế. Abstract This paper focuses on the advantages and challenges for Vietnam SMEs when participating in the international market. The research results indicate that there are nine advantages for Vietnam SMEs in the internationalization process, including: (i) limited initial capital, (ii) business mode flexibility, (iii) material flexibility, (iv) technology flexibility, (v) limited labor number, (vi) government incentives, (vii) globalization trend, (viii) cultural difference, and (ix) flexibility in responding to changes. In addition, there are ten challenges faced by Vietnam SMEs in the internationalization process, including: (i) financial capacity, (ii) financial/tariff barriers, (iii) non-financial/non-tariff barriers, (iv) human resource quality, (v) technological level, (vi) competition, (vii) understanding of legal environment, (viii) distribution channel, (ix) differences in culture, and (x) material resources. These challenges have restricted Vietnam SMEs’ accessibility, investment and expansion in the international market. On the research findings, we propose some recommendations to Vietnam SMEs and the State agencies for overcoming these challenges in the coming time. Keywords: Small and medium enterprises (SMEs), internationalization, challenges, Vietnam, international market. 591
  2. 1. Mở đầu Đóng vai trò là thành phần kinh tế chủ yếu của hầu hết các quốc gia, DNNVV có vai trò to lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc phát triển DNNVV góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp lớn, đồng thời duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống, trong xu thế quốc tế hóa hiện nay. Bước sang một giai đoạn phát triển mới với tốc độ nhanh chóng và trải rộng trên tất cả các lĩnh vực, hội nhập nền kinh tế thế giới của Việt Nam đã tạo ra không ít cơ hội cho các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu thế, quá trình quốc tế hóa khiến các DNNVV đối mặt với các thách thức cũng như tình thế cạnh tranh khốc liệt hơn, đòi hỏi có sự thay đổi mạnh mẽ từ phía chính phủ và trong chính các DNNVV nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục. Ngoài ra, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới; và là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế như: Cộng đồng Pháp ngữ (1970), Liên hợp quốc (1977), Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương APEC (1998), Tổ chức thương mại thế giới WTO (2006) Việc Việt Nam gia nhập các sân chơi chung của thế giới đã đưa quá trình hội nhập của đất nước từ cấp độ khu vực và liên khu vực lên đến cấp độ toàn cầu. Điều này đã tác động không nhỏ tới quá trình quốc tế hóa của DNNVV Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài “Tham gia thị trường quốc tế: ưu thế, thách thức và giải pháp đối với các DNNVV Việt Nam”. Nghiên cứu tập trung tìm kiếm và phân tích các bằng chứng thực nghiệm về các ưu thế, thách thức cũng như thực trạng quá trình quốc tế hóa của DNNVV Việt Nam hiện nay. Căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá, bài viết đưa ra giải pháp đối với các DNNVV Việt Nam trong quá trình tham gia thị trường quốc tế. 2. Cơ sở lý luận Tổng quan DNNVV Hiện nay, trên thế giới, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về DNNVV tùy thuộc vào một số tiêu chuẩn nhất định như số lao động, doanh thu, vốn sản xuất, lợi nhuận, (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc - UNIDO). Theo nghiên cứu của Wang (2016), DNNVV là loại hình doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, và có số lượng lao động ít. Tại Việt Nam, định nghĩa về DNNVV mới nhất được ghi nhận trong Thông tư 16/2013/TT-BTC ban hành ngày 08/02/2013 của Bộ Tài Chính. Theo đó, DNNVV là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, bao gồm cả chi nhánh, đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán độc lập, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian năm và có doanh thu không quá 20 tỷ đồng. Tương tự như các loại hình DN khác tồn tại trong nền kinh tế, DNNVV có những đặc điểm riêng biệt với các doanh nghiệp lớn. Những đặc điểm này thể hiện ưu điểm và nhược điểm riêng trong quá trình hình thành và phát triển của DNNVV (Silvia và Mazzu, 592
  3. 2015). Cụ thể, DNNVV được đặc trưng bởi sáu ưu điểm so với các doanh nghiệp có quy mô lớn, đó là: (i) dễ dàng thành lập công ty với quy mô vốn, lao động, nhà xưởng khiêm tốn; (ii) năng động, thích ứng nhanh với những biến động của môi trường kinh doanh; (iii) tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tại địa phương và phát triển ngành nghề truyền thống; (iv) thâm dụng lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương; (v) dễ dàng trong thay thế, đổi mới công nghệ, hoạt động hiệu quả với chi phí cố định thấp; và (vi) sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực mới hoặc những lĩnh vực có mức độ rủi ro cao (Nguyễn Đình Hương, 2002). Tuy nhiên, DNNVV đối mặt với khá nhiều thách thức như: trình độ quản lý tổng thể và quản trị chức năng còn yếu, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, năng lực tài chính hạn chế, làm giảm sức cạnh tranh của DNNVV. Hơn nữa, DNNVV không có các ưu thế kinh tế theo quy mô và thường bị yếu thế trong các mối quan hệ với ngân hàng và các tổ chức khác (Piva và Vivarelli, 2007). Bên cạnh đó, hạn chế về thông tin, hạn chế về vốn và sự bảo hộ của nhà nước với các doanh nghiệp nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế năng lực cạnh tranh của DNNVV hiện nay. Quy trình quốc tế hóa doanh nghiệp Trước đây, trong thập niên 50 của thế kỉ XX, khái niệm “quốc tế hóa doanh nghiệp” bắt đầu xuất hiện và được hiểu đơn giản là khả năng vượt ra ngoài ranh giới quốc gia của các doanh nghiệp; tuy nhiên, thời điểm đó vẫn chưa có một định nghĩa chính thức nào về khái niệm này. Và gần đây nhất, Chaiporn (2016) đã đưa ra định nghĩa về quốc tế hóa doanh nghiệp, theo đó quốc tế hóa doanh nghiệp là quá trình doanh nghiệp thay đổi cách thức điều hành, sử dụng các nguồn lực (chiến lược, cơ cấu, nguồn lực, tài chính ) để hội nhập và thích nghi với môi trường quốc tế. Như vậy, có thể định nghĩa quốc tế hóa là một quá trình từ khi doanh nghiệp bắt đầu thay đổi về các mặt như chiến lược, cơ cấu, nguồn lực, chính sách, mục tiêu, để dần thích nghi đến khi thực sự tham gia vào môi trường kinh tế quốc tế (Quỳnh Trang, 2004). Trong các mô hình về quá trình quốc tế hóa, mô hình Uppsala là một trong các lý thuyết được bàn luận nhiều nhất và có ảnh hưởng đến nhiều nghiên cứu về quá trình hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, điển hình là các nhà nghiên cứu từ Đại học Uppsala, Thụy Điển (Johanson và Wiedersheim-Paul, 1975; Johanson và Vahlne, 1977). Dựa vào đó, các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã đề xuất một mô hình độc lập khác để giải thích quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp. Mô hình được đưa ra dựa trên nghiên cứu thực nghiệm về bốn doanh nghiệp sản xuất Thụy Điển và kế thừa các nghiên cứu trước đó. Hình 1: Mô hình Uppsala về hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Nguồn: Hollensen (2007) 593
  4. Mô hình Uppsala đưa ra bốn giai đoạn khác nhau của các doanh nghiệp khi gia nhập sâu và rộng vào thị trường quốc tế. Cụ thể: Giai đoạn 1: Không có hoạt động xuất khẩu thường xuyên. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp (DN) nói chung và các DNNVV nói riêng về cơ bản không có hoạt động nào nổi bật. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu xây dựng ý tưởng cũng như có kế hoạch chuẩn bị nguồn lực cho các giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2: Xuất khẩu thông qua văn phòng đại diện được thành lập ở nước ngoài. Trong giai này, các doanh nghiệp bắt đầu hướng sự tập trung vào việc xây dựng văn phòng đại diện và thăm dò các thị trường tại nước xuất khẩu. Các doanh nghiệp có xu hướng khai thác vào những thị trường quốc tế đã quen thuộc, có nhiều tương đồng thông qua việc khám phá các đặc điểm cụ thể như nền văn hóa, ngôn ngữ, thói quen, Giai đoạn 3: Xây dựng chi nhánh hoạt động độc lập tại nước ngoài. Các chi phí doanh nghiệp đã và đang bỏ ra bắt đầu được thu hồi bởi những lợi ích thù được từ quá trình quốc tế hóa. Các doanh nghiệp đã tích lũy được kinh nghiệm quản lí và sản xuất đáp ứng được nhu cầu hội nhập và xây dựng được một hệ thống kiến thức thị trường tương đối đầy đủ phục vụ cho hiệu quả hoạt động và chiến lược xuất khẩu. Giai đoạn 4: Xây dựng cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài. Đây là giai đoạn có nhiều sức ép về chi phí, nguồn lực cũng như các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp khi tạo lập hệ thống cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài. Trong giai đoạn này, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giảm sút nếu như không đáp ứng được các yêu cầu hoặc khi mức độ quốc tế hóa vượt quá ngưỡng tối ưu. Những ưu thế và thách thức đối với DNNVV khi quốc tế hóa Tương tự như các doanh nghiệp nói chung, để hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, DNNVV trải qua bốn giai đoạn cơ bản như mô hình Uppsala đã đề cập. Không thể phủ nhận rằng, trong tất cả các giai đoạn, DNNVV đều phải đối mặt với rất nhiều rào cản, khó khăn trong việc đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, mở rộng, và sản xuất để có được những thông tin thị trường (Niccolo và các cộng sự, 2016). Tổng hợp lại, xuất phát từ các đặc điểm như năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực; sự linh hoạt trong tổ chức, cũng như mức độ yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, các DNNVV có những ưu thế và thách thức khác nhau khi tham gia vào thị trường toàn cầu (Assaf và các cộng sự, 2012). Cụ thể: o Những ưu thế đối với DNNVV khi quốc tế hóa Thứ nhất, với vốn đầu tư ban đầu ít hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp lớn, các DNNVV dễ dàng hơn trong việc đầu tư ra nước ngoài, từ xuất khẩu đến đầu tư FDI. Mặt khác, nguồn vốn nhỏ giúp DNNVV dễ chấp nhận rủi ro, từ đó mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm mới, bởi nếu rủi ro xảy ra, số lượng vốn mất của các DNNVV cũng sẽ không quá lớn. Đặc điểm này giúp DNNVV có ưu thế vượt trội hơn khi thực hiện các giai đoạn của quá trình quốc tế hóa, đặc biệt là giai đoạn 3 và 4 (Xây dựng chi nhánh hoạt động độc lập tại nước ngoài và xây dựng cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài). Thứ hai, DNNVV có khả năng linh động và dễ dàng thay đổi phương thức kinh doanh hoặc thay đổi sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu thị trường trong nước cũng như 594
  5. quốc tế, đặc biệt đối với các DNNVV xuất khẩu. Ưu thế này giúp DNNVV tăng khả năng thích ứng và dễ dàng đáp ứng các yêu cầu khác nhau của thị trường. Trong giai đoạn 1 và 4, căn cứ vào kế hoạch tiếp cận thị trường quốc tế trong tương lai, ưu thế này sẽ giúp các DNNVV dễ dàng trong việc nghiên cứu, thay đổi mô hình, sản phầm, nhằm phù hợp với các yêu cầu của hoạt động sản xuất, xuất khẩu, và đầu tư trong tương lai (Charles và các cộng sự, 2016). Thứ ba, DNNVV có khả năng linh động cao trong thay đổi nguồn nguyên vật liệu. Ưu thế này giúp các DNNVV dễ dàng hơn trong việc lựa chọn, thay đổi, và nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng, số lượng cũng như giá cả nguồn nguyên vật liệu, góp phần nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Ưu thế này phát huy vai trò đặc biệt quan trọng khi các DNNVV phát triển tới giai đoạn 4 của quá trình quốc tế hóa - xây dựng cơ sở sản xuất tại nước ngoài. Thứ tư, khả năng linh động trong thay đổi công nghệ giúp DNNVV dễ dàng đổi mới công nghệ sản xuất và quản lí, từ đó dễ dàng thích nghi với các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường của thị trường quốc tế. Đây là thế mạnh rất lớn giúp các DNNVV có thể hoàn thành tốt các mục tiêu trong giai đoạn 4 của quá trình quốc tế hóa (Gospel, 2015). Thứ năm, số lượng lao động ít đã trở thành ưu thế giúp các DNNVV dễ dàng hơn trong tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động (Wang, 2016). Đặc biệt khi các DNNVV bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài trong giai đoạn 4, đây sẽ là ưu thế giúp DNNVV triển khai thuận lợi so với các DN lớn. Thứ sáu, xuất phát từ vai trò của các DNNVV đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia, các DNNVV đang là nhóm đối tượng doanh nghiệp được Chính phủ các nước tạo điều kiện tối đa trong các hoạt động phát triển. Hầu hết các văn bản, chính sách quản lí hiện hành đều được xây dựng theo hướng giảm thiểu chi phí, đơn giản thủ tục hành chính, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DNNVV Đặc biệt khi bước vào các giai đoạn xây dựng chi nhánh hoạt động độc lập tại nước ngoài; xây dựng cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài cũng như xuất khẩu thông qua văn phòng đại diện được thành lập ở nước ngoài, đây sẽ là ưu thế tạo thuận lợi cho các DNNVV đẩy mạnh, phát triển sản xuất và xuất khẩu. Thứ bảy, hiện nay, quốc tế hóa đang trở thành xu hướng chung của toàn thế giới. Việc các quốc gia mở rộng mối quan hệ thương mại đã tạo ưu thế cho các DNNVV trong việc tiếp cận các thị trường dưới sự cam kết và bảo lãnh giữa các quốc gia (Charles và các cộng sự, 2016). Ưu thế này sẽ mang lại lợi ích và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các DNVVN trong suốt các giai đoạn của quá trình quốc tế hóa, đặc biệt là giai đoạn đầu tiên khi các DNNVV bắt đầu nghiên cứu và khảo sát thị trường mới. Thứ tám, sự khác biệt về văn hóa giữa quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu cũng tạo nên ưu thế cho các DNNVV trong quá trình quốc tế hóa. So với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng quen thuộc tại một quốc gia, hàng hóa của DNNVV nhập khẩu tại quốc gia này sẽ có tính mới lạ hơn, đồng thời kích thích nhu cầu sử dụng của người dân bản địa từ mẫu mã, hình thức, kiểu dáng, và công dụng của sản phẩm. 595
  6. Thứ chín, DNNVV có ưu thế trong việc đón đầu những thay đổi về thể chế, chính sách quản lý kinh tế xã hội, hay ứng phó với các dao động, cũng như thay đổi về nhu cầu trên thị trường (Pangarkar và Hussain, 2013). Khả năng này giúp DNNVV có thể tìm kiếm những thị trường ngách và dễ dàng gia nhập thị trường. o Những thách thức đối với DNNVV khi quốc tế hóa Thứ nhất, yêu cầu về khả năng tài chính: Để tham gia quá trình quốc tế hóa, các DNNVV cần phải mở rộng nguồn vốn doanh nghiệp. Tuy nhiên, với quy mô nguồn vốn ban đầu nhỏ, lại thường bị yếu thế trong các mối quan hệ với ngân hàng, khả năng tài chính cũng như khả năng tiếp cận các nguồn vốn của DNNVV bị hạn chế. Đây là thách thức hàng đầu đối với các DNNVV trong quá trình quốc tế hóa. Đặc biệt, khi các DNNVV bước sang các giai đoạn 3 và 4 của quá trình quốc tế hóa (giai đoạn xây dựng chi nhánh và xây dựng cơ sở sản xuất tại nước ngoài), nhu cầu về vốn lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thứ hai, hàng rào tài chính/thuế quan: Trong quá trình quốc tế hóa, các DNNVV phải dối diện với thách thức từ rào cản tài chính của các quốc gia như sự ràng buộc về các quy tắc kinh tế, thương mại, tài chính - tiền tệ, đầu tư và phải chịu sức ép cạnh tranh bất bình đẳng. Ngay từ giai đoạn 2 của quá trình quốc tế hóa, thách thức này đã đòi hỏi các DNNVV cần có biện pháp giải quyết hiệu quả, tạo tiền đề thực hiện các giai đoạn sau. Thứ ba, thách thức rào cản phi tài chính/phi thuế quan: Các hàng rào phi thuế quan của các quốc gia đang là một trong những thách thức vô cùng lớn đối với các DNNVV, đặc biệt là các DN xuất khẩu trong quá trình quốc tế hóa (Gospel, 2015). Hàng rào phi thuế quan là những biện pháp phi thuế do chính phủ một số quốc gia đặt ra để bảo vệ hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu không vượt quá số lượng đã ấn định, giới hạn hàng nhập khẩu, cũng như chất lượng của hàng hóa. Các DNNVV phải đối mặt với thách thức này ngay từ giai đoạn xuất khẩu thông qua văn phòng đại diện. Thách thức này chỉ mất đi khi các DNNVV đạt thành công trong giai đoạn 4, xây dựng được cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài. Thứ tư, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm trình độ sản xuất và quản lý của đội ngũ lao động của DNNVV của quá trình hội nhập: Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi cao về chất lượng nguồn nhân lực trong việc quản lí, sản xuất, và phối hợp giữa các bộ phận của DNNVV, cũng như giữa các chi nhánh được đặt tại các nước khác nhau (Charles và các cộng sự, 2016). Trong suốt các giai đoạn của quá trình quốc tế hóa, thách thức này nổi lên như một vấn đề mấu chốt, ảnh hưởng trực tiếp, và xuyên suốt đến toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp. Thứ năm, yêu cầu về trình độ công nghệ: DNNVV luôn phải đối mặt với thách thức về trình độ công nghệ, kỹ thuật trong tất cả các giai đoạn của quá trình quốc tế hóa. Trước hết là về chất lượng các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt với các thị trường khó tính và nghiêm ngặt trong quản lí chất lượng sản phẩm như thị trường EU, Nhật, Mỹ, Thứ sáu, sự cạnh tranh với các DN khác: Trong quá trình quốc tế hoá, các DNNVV gặp phải các thách thức từ phía các DN hoạt động cùng ngành đã có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và hiểu biết rõ thị trường tại nước xuất khẩu đến. Cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện sâu hơn, rộng hơn, đặc biệt trong giai đoạn các 596
  7. DNNVV đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa bằng việc xây dựng các cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài. Thứ bảy, yêu cầu về hiểu biết pháp lý: Mỗi quốc gia có các quy định, thủ tục khác nhau về điều kiện kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để nắm chắc và hiểu rõ các quy định này không hề dễ dàng. Các DNNVV sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như không thực sự nắm bắt và hiểu được các quy định pháp lý liên quan tới hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu của nước xuất khẩu đến. Thứ tám, thách thức về kênh phân phối: Trong quá trình quốc tế hóa, DNNVV phải đối diện với không ít khó khăn liên quan đến kênh phân phối và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tại thị trường châu Âu, người dân chủ yếu mua sắm tại các siêu thị lớn; trong khi đó, tại thị trường Đông Nam Á, thói quen mua sắm này vẫn chưa được hình thành. Càng tới các giai đoạn sau của quá trình quốc tế hóa, các DNNVV cần đầu tư nghiên cứu kĩ lưỡng và có các giải pháp hợp lý nhằm giải quyết thách thức này. Thứ chín, sự khác biệt về văn hóa giữa quốc gia xuất và nhập khẩu: Sự khác biệt về văn hóa giữa quốc gia xuất và nhập khẩu vừa là ưu thế vừa là một trong các thách thức DNNVV gặp phải trong quá trình quốc tế hóa. Hàng hóa, dịch vụ của một quốc gia chính là sản phẩm của nền văn hóa (bao gồm: ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán và chuẩn mực đạo đức, ) (Wang, 2016). Mặt khác, quá trình quốc tế hóa chính là sự chuyển giao sản phẩm và dịch vụ được sản xuất từ nền văn hóa này cho những người ở nền văn hóa khác sử dụng. Sự khác biệt trong văn hóa sẽ tạo ra những khác biệt trong quan niệm, tư tưởng, suy nghĩ, và thói quen tiêu dùng sản phẩm của khách hàng. Thứ mười, thách thức về nguồn nguyên vật liệu: Thách thức về nguồn nguyên vật liệu sản xuất chỉ xuất hiện khi các DNNVV bước sang giai đoạn 4 - xây dựng cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài. Đối diện với thách thức này, các DNNVV phải tính toán thật kĩ lưỡng về chất lượng, số lượng, cũng như giá cả của nguồn nguyên vật liệu nhằm đảm bảo quá trình sản xuất được diễn ra thông suốt với chi phí hợp lý nhất. 3. Phương pháp nghiên cứu Nhằm đánh giá chính xác những ưu thế và thách thức trong quá trình quốc tế hóa của các DNNVV tại Việt Nam, đề tài sử dụng hai phương pháp nghiên cứu chính là phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp và phương pháp điều tra khảo sát bảng hỏi đối với các DNNVV đã và đang tham gia quá trình quốc tế hóa. Đối với phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp, các tài liệu được sử dụng bao gồm các tạp chí, giáo trình của các trường đại học, các đề tài nghiên cứu khoa học của các nhà kinh tế trong và ngoài nước, các bài báo đăng trên các tạp chí điện tử, các báo cáo về thực trạng hội nhập thị trường quốc tế của DNNVV Các tài liệu được tổng hợp, chọn lọc thông tin có liên quan nhất phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Để cung cấp thêm chứng cứ cho các diễn giải, tác giả tiến hành sử dụng phương pháp khảo sát điều tra thông qua bảng hỏi khảo sát các DNNVV đã và đang tham gia quá trình quốc tế hóa, cụ thể là các DNNVV xuất khẩu và/hoặc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Các câu hỏi xoay quanh chủ đề các ưu thế và thách thức của DNNVV trong quá trình quốc 597
  8. tế hóa doanh nghiệp. Về cách thức điều tra, bảng hỏi được phát ngẫu nhiên đến một số DNNVV đã và đang tham gia quá trình quốc tế hóa. Các phản hồi hợp lệ được xử lý và phân tích bằng phần mềm excel và SPSS. Bảng 1: Mẫu khảo sát điều tra đối với các DNNVV Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ Năm thành lập Loại hình 10 năm 20 17,31% Tổng 104 100% Tổng 104 100% Quy mô lao động Doanh Thu < 10 LĐ 21 20,19% < 1 tỷ 7 6,73% 10 - 49 LĐ 16 15,38% 1 - 5 tỷ 36 34,62% 50 - 99 LĐ 43 41,35% Từ 5 - 10 tỷ 35 33,65% 100-200 LĐ 24 23,08% Từ 10 - 20 tỷ 26 25,00% Tổng 104 100% Tổng 104 100% 4. Kết quả nghiên cứu Đánh giá thực trạng quốc tế hóa của DNNVV Việt Nam Sau 20 năm mở cửa hội nhập, Việt Nam đã và đang có quan hệ thương mại với rất nhiều đối tác trên thế giới, trong đó Việt Nam đã thiết lập quan hệ mật thiết với các nền kinh tế lớn của thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của các thị trường trên đã đạt con số trên 1 tỷ USD, trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Việc mở cửa giao thương với thế giới đã giúp Việt Nam nói chung và các DNNVV nói riêng có được nhiều thành tựu đáng kể trong quá trình quốc tế hóa doanh nghiệp. Mặc dù, các DNNVV Việt Nam đang có đà phát triển và hội nhập nhanh chóng; tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, 2016), các DNNVV tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình quốc tế hóa. Theo đó, các DNNVV Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự bất ổn của thị trường thương mại khi tham gia thị trường quốc tế. Với các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cẩu xảy ra liên tục đi kèm với chính sách thắt chặt tiền tệ của Việt Nam, các DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn tài nguyên dự trữ để đầu tư vào quá trình quốc tế hóa. Cụ thể: o Những thành tựu của quá trình quốc tế hóa DNNVV Việt Nam Trong những năm qua, DNNVV Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong quá trình hội nhập quốc tế. Số lượng DNNVV ngày càng tăng với quy mô vốn lớn 598
  9. dần, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã mang lại sự đa dạng cho hàng hóa trên thị trường, tạo nên sự sôi động và đáp ứng được nhu cầu của nhiều tầng lớp dân cư tại thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cơ chế mở cửa đã giúp các DNNVV tiếp cận với những thị trường quốc tế tiềm năng. Cụ thể, cho đến nay, cùng với quan hệ ngoại giao của Chính Phủ, DNNVV đã có quan hệ buôn bán với khá nhiều nước trên toàn thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, OPEC, ASEAN, (Nguyễn Đình Hương, 2002). Nhìn chung, trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng đều có sự gia tăng qua các năm. Theo báo cáo của Hiệp hội DNNVV, tính đến hết tháng 11 năm 2016, trị giá xuất khẩu của DNNVV chiếm 18% trong tổng số 159.942.106 nghìn USD trị giá xuất khẩu của các DN Việt Nam. Trong đó, các nước APEC luôn là thị trường xuất khẩu chủ yếu với trị giá xuất khẩu luôn ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, tại thị trường EU, các DNNVV trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu; thủy sản; da giày, cũng đã đạt được nhiều thành công trong việc tiếp cận mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, nhờ nâng cao công nghệ cũng như chất lượng nguồn nhân lực, các DNNVV Việt Nam đã xây dựng được hệ thống thị trường đầu ra rộng lớn hơn, các sản phẩm cũng dần có khả năng cạnh tranh với những hàng hóa cùng loại đồng thời khẳng định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. o Những hạn chế của quá trình quốc tế hóa DNNVV Việt Nam Bên cạnh những thành tựu mà các DNNVV Việt Nam đạt được, vẫn tồn tại một vài hạn chế nhất định trong quá trình quốc tế hóa. Cụ thể: Theo Hiệp hội DNNVV, với quy mô manh mún và nhỏ lẻ, DNNVV Việt Nam đang rất khó cạnh tranh trên trường quốc tế do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó nguồn vốn và năng lực quản lý là hạn chế chính của các DNNVV Việt Nam. Mặc dù trong những năm gần đây, chính phủ đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện cho DNNVV vay vốn nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn rất khó khăn. Hệ thống các quy định, điều kiện, thủ tục còn phiền hà, rắc rối, bên cạnh đó, công tác quản lý nội bộ và quản lý tài chính của các DNNVV cũng còn rất yếu kém; các báo cáo tài chính không minh bạch, thiếu độ tin cậy hay trình độ công nghệ và nguồn nhân lực yếu kém, là nguyên nhân khiến các DNNVV chưa tạo được niềm tin đối với ngân hàng trong việc vay vốn. Phần lớn DNNVV hiện nay có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, tay nghề công nhân điều khiển máy móc thấp, do đó chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm không cao, đồng thời gây thiệt hại cho tài nguyên môi trường và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng đổi mới công nghệ sản xuất, điều này đã làm giảm sức cạnh canh của các sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề nan giải đối với các DNNVV Việt Nam. Đội ngũ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay ngoài lực lượng doanh nhân trẻ với trình độ học vấn cao mới bổ sung thì chủ yếu vẫn là tầng lớp doanh nhân cũ không được đào tạo bài bản hoặc chuyển từ lĩnh vực kỹ thuật hoặc các lĩnh vực khác sang kinh doanh. Tuy trình độ lao động trong các doanh nghiệp đã được nâng cao nhưng do trình độ dân trí thấp nên nói chung vẫn còn ở mức cơ bản. Các ưu thế thúc đẩy DNNVV quốc tế hóa 599
  10. Cho đến nay, DNNVV Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành công trên con đường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Để đạt được những thành công này không thể không kể đến vai trò thúc đẩy của các ưu thế xuất phát từ đặc điểm của chính DNNVV cũng như từ môi trường bên ngoài. Các ưu thế đã giúp các DNNVV dễ dàng hơn trong việc khắc phục các hạn chế, cũng như giúp các DNNVV tiến nhanh hơn trong 4 giai đoạn của quá trình quốc tế hóa. Hình 1: Kết quả khảo sát các ưu thế thúc đẩy DNNVV quốc tế hóa Theo kết quả khảo sát điều tra, về cơ bản, tất cả DN tham gia đều nhận định rằng, các ưu thế có được của nhóm DNNVV có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình quốc tế hóa. Với 4,2/5 điểm trung bình, ưu thế trong sử dụng ít lao động (chỉ dưới 200 người) được các DNNVV đánh giá có vai trò rất lớn, đặc biệt khi họ phát triển tới giai đoạn 4 của quá trình quốc tế hóa, cũng như trong tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực. Khi các DNNVV bắt đầu có chi nhánh độc lập và xây dựng cơ sở sản xuất ở nước ngoài, nhu cầu bổ sung thêm nguồn nhân lực là nhu cầu thiết yếu, tuy nhiên, việc đưa người lao động từ Việt Nam sang nước ngoài không những gặp nhiều khó khăn trong thủ tục thị thực, cấp visa và lưu trú mà còn tốn một khoản tiền không hề nhỏ giúp người lao động tạo lập những điều kiện cuộc sống ban đầu. Chính vì vậy, các DNNVV buộc phải tuyển dụng thêm lao động nước ngoài.Việc sử dụng ít lao động giúp DNNVV hạn chế được những bất đồng trong văn hóa, ngôn ngữ cũng như ít thời gian trong việc đào tạo người mới. Bên cạnh sử dụng ít lao động, nguồn vốn hạn chế (dưới 50 tỷ) cũng được đánh giá là một trong các ưu thế vượt trội của DNNVV tại Việt Nam với 3,8 điểm trung bình. So với các tiêu chuẩn và điều kiện tại Việt Nam, tiêu chuẩn và điều kiện xuất khẩu sang thị trường quốc tế khắt khe hơn rất nhiều, điều này đã tăng nguy cơ rủi ro đối với các DNNVV Việt Nam. Ưu thế nguồn vốn nhỏ đã tạo động lực giúp DNNVV Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm, mẫu mã, thị trường mới, đặc biệt là các thị trường yêu cầu cao như EU, Hoa Kỳ, Với điểm trung bình 3,7, xu hướng quốc tế hóa hiện nay cũng được đánh giá là một trong những ưu thế tác động tích cực đến quá trình hội nhập của DNNVV. Việt Nam đã 600
  11. tham gia và hoàn tất đàm phám 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các nước trên thế giới. Các hiệp định này đã giúp các DNNVV Việt Nam mở rộng mối quan hệ với các nước dưới sự cam kết và bảo lãnh giữa Chính phủ Việt Nam và các quốc gia khác. Bên cạnh đó, các yếu tố thuộc về đặc điểm linh hoạt, dễ thay đổi các yếu tố như công nghệ, nguồn nguyên liệu, phương thức kinh doanh, và ứng phó với những sự thay đổi đột ngột của thị trường cũng được đánh giá ở mức tương đối cao với số điểm dao động từ 3,3 đến 4 điểm. Ưu thế này đã giúp các DNNVV tại Việt Nam dễ dàng hơn trong việc thay đổi để tìm ra hướng đi mới nhằm phù hợp với các thị trường cũng như các thay đổi đột ngột trong nhu cầu sử dụng hàng hóa. Góp mặt trong các yếu tố về ưu thế, sự ưu đãi của chính phủ Việt Nam cũng được các DNNVV đánh giá khá cao (3,6 điểm). Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong thế kỷ 21, Đảng và chính Phủ Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách mở cửa, xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng đầy đủ hơn, đồng bộ, đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, điển hình như: Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP; Nghị định 90/2001/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tựu chung lại, các ưu thế kể trên đã góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện giúp các DNNVV tại Việt Nam thực hiện thành công quá trình quốc tế hóa. Các thách thức đối với DNNVV quốc tế hóa Mặc dù có khá nhiều ưu thế nhưng trên con đường tiến ra với nền kinh tế thế giới, các DNNVV Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong suốt quá trình quốc tế hóa. Hình 2: Kết quả khảo sát các thách thức đối với DNNVV quốc tế hóa Theo kết quả khảo sát điều tra, hiện nay các DNNVV đang gặp phải rất nhiều thách thức khi tham gia vào quá trình quốc tế hóa, và đều ở mức cao. Trong các yếu tố đặt ra, nhóm yếu tố được đánh giá ở mức điểm cao nhất là thách thức từ các hàng rào tài chính và 601
  12. phi tài chính của các quốc gia với số điểm trung bình lần lượt là 4 và 4,2 điểm. Bên cạnh các quy định về các quy tắc kinh tế, thương mại, tài chính - tiền tệ, đầu tư trong nhóm rào cản tài chính hiện nay , các DNNVV hiện nay đang gặp rất nhiều rào cản phi thuế quan, đặc biệt từ các nền kinh tế phát triển, có thể kể đến như: Thị trường EU có hệ thống kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát; Hoa Kỳ có Luật hiện đại hóa thực phẩm; Luật trang trại, điều tra chống bán phá giá cá tra, Những rào cản này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại về kinh tế cho các DNNVV xuất khẩu. Đứng thứ hai trong các thách thức được đánh giá ở mức cao, sự cạnh tranh với các DN lớn và DN nước ngoài mà các DNNVV gặp phải được đánh giá 4,1 điểm. Ưu thế thị trường nội địa giảm đi, để duy trì và phát triển buộc các DNNVV phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước. Vì vậy các DNNVV sẽ phải tự đổi mới, nâng cao, hoàn thiện bản thân và tiến hành kinh doanh ở các thị trường mới để có thể cạnh tranh với các DN khác, đặc biệt là với sự am hiểu là kinh nghiệm kinh doanh của các DN bản địa. Các nhóm thách thức xuất phát từ những điểm yếu của DNNVV về sự thiếu hụt trong nguồn vốn, sự hạn chế trong chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ với số điểm được đánh giá lần lượt là 3,8;3,7; và 3,6 điểm. Hiện nay, cả nguồn vốn, chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ đều đang là những điểm yếu của DNNVV Việt Nam. Điển hình như theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 85% trong tổng số DNNVV hiện nay thực hiện lập kế hoạch dự báo nhu cầu dựa trên số lượng lao động cần thay thế, chỉ có khoảng 15% là dựa vào sự thay đổi về khoa học, công nghệ, nhu cầu sản phẩm và dịch vụ, quy mô vốn Điều này đã rất đến rất nhiều bất cập, mâu thuẫn trong quá trình quản lí và sản xuất, đặc biệt, khi các DNNVV Việt Nam đi tới giai đoạn 4: xây dựng cơ sở sản xuất trực tiếp tại nước ngoài, yếu tố nguồn nguyên vật liệu sản xuất đã nổi lên như một thách thức khá khó khăn đối với các DNNVV với 3,19 điểm đánh giá. Với điều kiện địa hình, thời tiết, giá thành sản phẩm tại nước ngoài khác khá nhiều so với điều kiện tại Việt Nam, việc các DNNVV có thể tìm ra một nguồn nguyên liệu thay vì phải nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam đòi hỏi các DNNVV cần phải có các kế hoạch, tính toán cụ thể, nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Một số yếu tố như kênh phân phối, sự khác biệt về văn hóa phong tục cũng như yêu cầu về hiểu biết pháp lí của nước xuất khẩu đến, cũng được đánh giá là những thách thức ảnh hưởng tới quá trình mở rộng thị trường ra nước ngoài của các DNNVV, đặc biệt là tại các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, nơi có chế độ chính trị, và văn hóa hoàn toàn khác biệt với văn hóa Việt Nam. 5. Giải pháp Để vượt qua các thách thức trong quá trình quốc tế hóa, Chính phủ Việt Nam cũng như chính các DNNVV cần có các giải pháp thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình pháp triển. Cụ thể: Đối với các DNNVV Thứ nhất, giải pháp mở rộng nguồn tài chính. 602
  13. Để mở rộng nguồn tài chính, các DNNVV cần nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn bằng cách thường xuyên cập nhật các chương trình, chính sách mới của nhà nước, của các ngân hàng. Đồng thời, các DNNVV cần xây dựng phương án sản xuất mang tính khả thi cao làm cơ sở vay vốn với các nội dung của phương án xoay quanh các vấn đề về mục tiêu cần đạt được, dự tính được kết quả kinh doanh, khả năng tiếp cận vốn, khả năng hoàn trả vốn, dự toán tổng kinh phí đầu tư, chí phí tài sản cố định, vốn lưu động, cách thức tổ chức quản lý sản xuất, lao động, đào tạo và kế hoạch dự trù cần đối thu chi và kế hoạch vay trả ngân hàng, Bên cạnh đó, để nâng cao uy tín DN, các DNNVV cần nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về hạch toán, kế toán và báo cáo đầy đủ trong các báo cáo tài chính hàng năm, tạo cơ sở để nhận được sự tín nhiệm từ nhà nước và các ngân hàng, giúp cho việc tiếp cận vốn vay của các DNNVV trở nên dễ dàng hơn. Thứ hai, giải pháp vượt qua các rào cản tài chính, phi tài chính. Các DNNVV khi tham gia thị trường nước ngoài cần phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu chi tiết trong hoạt động nghiên cứu kỹ thị trường và luật pháp của các nước sở tại đó, đặc biệt là phải nắm được các rào cản tài chính, phi tài chính và phải có sự phối kết hợp với Nhà nước. Các DNNVV cần tận dụng các chính sách ưu đãi của chính phủ để vượt qua rào cản tài chính, phi tài chính như chính sách cho vay với lãi suất thấp đối với các nhà xuất khẩu trong nước, chính sách rút ngắn thời hạn bảo hộ đối với các DNNVV xuất khẩu, Thứ ba, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các DNNVV cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học tập trong việc hỗ trợ kinh phí, thời gian, bố trí người làm thay để người lao động toàn tâm, toàn ý cho quá trình học tập. Trong lựa chọn hình thức đào tạo và phát triển, cần lên kế hoạch cụ thể trong đó xác định rõ mục tiêu, đối tượng, kinh phí và giảng viên. DNNVV cũng nên lựa chọn một số chương trình đào tạo phù hợp trên thị trường, cho cán bộ quản lý chủ chốt theo học, cũng như khuyến khích nhân viên tự học và học qua internet nhằm hạn chế ảnh hưởng tới thời gian làm việc. Đối với nguồn nhân lực quản lí, các DNNVV cần có khuyến khích họ tham gia các lớp bồi dưỡng, các khóa đào tạo quản trị, hay tham gia các buổi hội thảo của nhà nước nhằm nâng cao khả năng quản lí đồng thời nâng cao hiểu biết về các quy định, chính sách của pháp luật hiện hành. Mặt khác, các DNNVV cũng cần cần xây dựng văn hóa DN theo hướng tạo môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp, công nhận và khen thưởng nhân viên nhằm tạo động lực làm việc cho người lao động, góp phần thu hút được nhân viên giỏi. Thứ tư, giải pháp nâng cao trình độ công nghệ. Các DNNVV cần chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin và thay đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất bằng việc mạnh dạn tiếp cận đầu tư các công nghệ sản xuất mới, đồng thời loại bỏ các công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường, cải tiến quản lý sản xuất. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các DNNVV cần tích cực tạo dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp sản xuất máy móc trong và ngoài nước. Đồng thời tích cực cập nhật tình hình khoa học công nghệ tiên tiến thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoặc chính phù tổ chức. Ngoài ra, tích cực tham gia các hiệp hội doanh 603
  14. nghiệp cũng là một trong những giải pháp cho phép các DNNVV có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin về khoa học công nghệ trên thế giới. Thứ năm, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các DN nước ngoài. Để nâng cao sự cạnh tranh đối với các doanh nghiệp bản địa tại nước xuất khẩu đến, các DNNVV cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, hợp lý nhằm chủ động hơn trong việc xử lý được các vấn đề xảy ra, tận dụng được các cơ hội, lường trước được các khó khăn và thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của quá trình quốc tế hóa. Bên cạnh đó, các DNNVV cần phân tích kỹ và thiết lập một chiến lược kinh doanh dựa trên xu hướng nhu cầu của các thị trường và khả năng đáp ứng của bản thân DNNVV. Mỗi doanh nghiệp cần có một chiến lược kinh doanh riêng phù hợp với khả năng về vốn, trình độ và năng lực nguồn lao động cũng như các yêu cầu về thị trường của doanh nghiệp trong từng giai đoạn nhất định. Ngoài ra, để nâng cao khả năng cạnh trên trên nước bạn, các DNNVV cần nâng cao tính hợp tác, liên kết, để hình thành các hiệp hội ngành nghề để đảm bảo chỗ đững của sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ sáu, giải pháp về nguồn nguyên vật liệu. Để phục vụ cho quá trình xây dựng cơ sở sản xuất tại nước ngoài, các DNNVV cần xây dựng các kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc thay đổi nguồn nguyên liệu, theo hướng đảm bảo chất lượng, giá thành của sản phẩm. Bên cạnh đó, đối với các DNNVV chưa thể tìm được nguồn nguyên liệu phù hợp thay thế, chính Phủ cũng cần tạo điều kiện giảm thuế xuất khẩu với các nguyên liệu trong nước. Điều này sẽ giúp các DNNVV giảm được rất nhiều chi phí trong quá trình vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất tại nước ngoài. Thứ bảy, giải pháp hạn chế sự khác biệt về văn hóa và văn hóa tiêu dùng. Các DNNVV cần phải tập trung tối đa nguồn lực cho giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu thị trường của quá trình quốc tế hóa. Đồng thời, DNNVV cần đẩy mạnh hoạt động marketing và tìm kiếm thị trường nhằm thâm nhập và chiến lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Chiến lược marketing tốt sẽ giúp doanh nghiệp gần gũi hơn với người tiêu dùng và làm ra các sản phẩm tốt hơn thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, đem lại sự phát triển bền vững cho các DNNVV. Đối với chính phủ Thứ nhất, giải pháp mở rộng nguồn tài chính. Để nâng cao hiệu quả của các chính sách tài chính cho quá trình quốc tế hóa, chính phủ cần thực hiện một số giải pháp như: đẩy mạnh việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, giúp DNNVV có thể vay vốn khi gặp khó khăn về tài sản thế chấp. Đồng thời huy động và tìm kiếm các nguồn vốn cho Quỹ từ các nguồn trợ cấp hoặc giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài như JBIC, SNV, UNDP hoặc hợp tác với các tổ chức tài chính tín dụng quốc tế thực hiện các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Bên cạnh đó, nhà nước cần chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện giúp các DNNVV không có tài sản thế chấp có thể vay vốn tại các ngân hàng; đồng thời mở rộng hình thức tín dụng thuê mua giúp các DNNVV khắc phục khó khăn về vốn để đầu tư đổi mới công 604
  15. nghệ mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chính phủ cũng nên cân nhắc thay đổi các quy định về thuế xuất khẩu, khập khẩu nguyên liệu theo hướng tạo điều kiện giảm chi phí cho các DNNVV. Thứ hai, giải pháp vượt qua các rào cản tài chính, phi tài chính. Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp tự cấp trực tiếp hoặc cho vay với lãi suất thấp đối với các nhà xuất khẩu trong nước, đồng thời thực hiện một khoản cho vay ưu đãi với các bạn hàng nước ngoài để với điều kiện phải mua các sản phẩm do nước mình sản xuất ra. Chính phủ cũng cần xem xét rút ngăn thời hạn bảo hộ đối với các DNNVV xuất khẩu, bởi sự bảo hộ sẽ khiến các DN nói chung và DNNVV nói riêng không tích cực sử dụng và phát huy hết năng lực cạnh tranh để tạo ưu thế cạnh tranh thông qua giảm chi phí sản xuất, điều này sẽ khiến các DNNVV mất năng lực cạnh tranh khi thị trường mở cửa. Thứ ba, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cách DNNVV, chính phủ và các bộ ngành quản lý cần có một chiến lược nguồn nhân lực chủ động cho các DNNVV trên cơ sở các cơ cấu ngành nghề hiện có. Cụ thể bằng một số biện pháp như: mở rộng chương trình khởi sự doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc; thực hiện chính sách xã hội hóa công tác dạy nghề và nhà nước phải thống nhất quản lý tiêu chuẩn đào tạo. Đồng thời, chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng nâng cao tay nghề cho người lao động, cũng như sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đào tạo của nhà nước hoặc do các tổ chức quốc tế hỗ trợ thông qua việc lồng ghép các chương trình dự án để tránh lãng phí. Thứ tư, giải pháp nâng cao trình độ công nghệ. Nhằm khuyến khích các DNNVV sử dụng các công nghệ, dây chuyền sản xuất mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, bên cạnh các chính sách tài chính tín dụng,chính phủ và các bộ ngành cần xây dựng, hoàn thiện chính sách công nghệ để gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Cụ thể, các quy định, chính sách cần tập trung vào việc nâng cao sự hiểu biết của DNNVV về thông tin công nghệ, theo đó, nhà nước cần cung cấp đầy đủ thông tin về công nghệ tiến tiến, cũng như các thông tin trong việc nhập khẩu hoặc nhận chuyển giao các công nghệ quá lạc hậu. Đồng thời, chính phủ cần khuyến khích các DNNVV thực hiện khấu hao nhanh tài sản cố định, máy móc thiết bị như một khoản chiết khấu khi xác định thuế lợi tức để khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đầu tư vào máy móc mới nhằm đẩy nhanh năng lực công nghệ, cũng như cắt giảm cước phí công nghệ thông tin, đẩy mạnh sử dụng thư điện tử, thương mại điện tử nhằm giảm chi phí, tăng các cơ hội nắm bắt thông tin về thị trường công nghệ. Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho các DNNVV cũng như đổi mới các dịch vụ hành chính công; đổi mới cách thức xây dựng và ban hành chính sách đồng thời tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, để đảm bảo tính thực tiễn và thực thi của các quy định pháp luật, nhằm tạo ra môi trường pháp lí lành mạnh cho sự phát triển, hội nhập của các DNNVV. 605
  16. 6. Kết luận Trên cơ sở tiến hành phân tích đánh giá về những ưu thế và thách thức đối với sự phát triển của DNNVV Việt Nam trong quá trình quốc tế hóa, đề tài đã phân tích và tổng kết những vấn đề lý luận chung và ưu thế và những thách thức đối với quá trình quốc tế hóa của DNNVV tại Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong quá trình quốc tế hóa, các DNNVV có rất nhiều ưu thế như nguồn vốn ít, khả năng linh động cao trong phương thức kinh doanh, nguyên vật liệu, công nghệ, trong ứng phó với thay đổi của thể chế, chính sách quản lý kinh tế xã hội cũng như sử dụng ít lao động, Những ưu thế này đã hỗ trợ các DNNVV trong việc tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong tiến trình này, các DNNVV cũng gặp không ít những thách thức lớn như hàng rào thuế quan và phi phi thuế quan; yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực; về trình độ công nghệ; về nguồn tài chính của quá trình hội nhập; sự cạnh tranh với các DN trên thị trường quốc tế, đòi hỏi các DNNVV Việt Nam cần có những hướng đi chính xác, cũng như không ngừng nâng cao nội lực của DN mình. Để khắc phục tình trạng này, các DNNVV cần thực hiện các biện pháp đảm bảo mở rộng nguồn vốn kinh doanh có hiệu quả, đầu tư phát triển công nghệ, dây truyền sản xuất tiên tiến; nâng cao trình độ quản lý, lao động của nguồn lao động trong các DNNVV; tăng cường mở rộng các kênh thu thập thông tin nhằm nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ; cũng như bác biện pháp vượt qua các rào cản thuế quan và phi thuế quan do các quốc gia đặt ra. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ DNNVV phù hợp với tình hình kinh tế mới và định hướng mục tiêu phát triển của đất nước, tiến hành nâng cao hệ thống các tổ chức tài chính phục vụ cho nhu cầu về vốn của các DNNVV; đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin về khoa học công nghệ, khuyến khích hoạt động sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển sản xuất kinh doanh của DNNVV, , để có thể giúp các DNNVV dễ dàng vượt qua các thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO Assaf, A. G., Josiassen, A., Ratchford, B. T., Barros, C. P. (2012), “Internationalization and performance of retail firms: a Bayesian dynamic model”, Journal of Retailing, Vol. 88, No. 2, pp. 191-205. Bộ Tài chính (2013), Thông tư 16/2013/TT-BTC ngày 08/02/2013 Hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách nhà nước theo nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinhdoanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Chaiporn Vithessonthi (2016), “Capital investment, internationalization, and firm performance: Evidence from Southeast Asian countries”, Research in International Business and Finance, Volume 38, 2016. 606
  17. Charles Martineau, David Pastoriza (2016), “International involvement of established SMEs: A systematic review of antecedents, outcomes and moderators”, International Business Review, Volume 25, Issue 2. Gospel Onyema Oparaocha (2015), “SMEs and international entrepreneurship: An institutional network perspective”, International Business Review, Volume 24, Issue 5. Hollensen Svend (2007), Global Marketing: A Decision-Oriented Approach, Prentice Hall, 4 edition June 4, 2007. Johanson J., Vahlne J. E. (1977), “The internationalization process of the firm - a model of knowledge development and increasing foreign market commitment”, Journal of International Business Studies, Volume 8. Johanson Jan, Wiedersheim-Paul Finn (1975), “The internationalization of the firm: four Swedish cases”, Journal of management studies Vol. 12, No. 3, pp. 305-322. Nguyễn Đình Hương (2002), Giải pháp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia. Niccolo Pisani, Adrián Caldart, Jaël Hopma (2016), “SMEs formation of minority international joint ventures and level of internationalization: The moderating role of a global versus regional focus”, European Management Journal, In Press, Corrected Proof. Pangarkar Nitin, Hussain Sairah (2013), “The Internationalization of Singaporean Small and Medium-Size Enterprises: Drivers and Performance Outcomes”, Journal International Studies of Management & Organization, Volume 43, Issue 2. Piva M, VivarelliM (2007), “Is demand-pulled innovation equally important in different groups of firms?”, Cambridge Journal of Economics, Volume 31, Issue 5. Quỳnh Trang (2004), “Sẽ có thêm bà đỡ cho doanh nghiệp”, Báo Đầu tư, số 34. Silvia Angilella, Sebastiano Mazzù (2015), “The financing of innovative DNNVV: A multicriteria credit rating model”, European Journal of Operational Research, Volume 244, Issue 2. Tổng cục Thống kê Việt Nam: www. gso.gov.vn. Wang Yao (2016), “What are the biggest obstacles to growth of SMEs in developing countries? - An empirical evidence from an enterprise survey”, Borsa Istanbul Review, Volume 16, Issue 3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): www. vcci.com.vn. 607