Tiếp biến văn hóa Việt - Hoa qua tín ngưỡng ngũ hành nương nương ở Nam Bộ

pdf 13 trang Hùng Dũng 05/01/2024 110
Bạn đang xem tài liệu "Tiếp biến văn hóa Việt - Hoa qua tín ngưỡng ngũ hành nương nương ở Nam Bộ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftiep_bien_van_hoa_viet_hoa_qua_tin_nguong_ngu_hanh_nuong_nuo.pdf

Nội dung text: Tiếp biến văn hóa Việt - Hoa qua tín ngưỡng ngũ hành nương nương ở Nam Bộ

  1. 22 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 TIẾP BIẾN VĂN HÓA VIỆT - HOA QUA TÍN NGƯỠNG NGŨ HÀNH NƯƠNG NƯƠNG Ở NAM BỘ Lê Công Lý* 1. Đề dẫn Cùng với nền văn hóa trọng nữ bản địa Đông Nam Á, tín ngưỡng nữ thần vốn rất phổ biến ở Việt Nam trước thời Bắc thuộc. Sau 1000 năm Bắc thuộc và cũng gần 1000 năm phong kiến với chủ trương trọng nam khinh nữ, tinh thần trọng nữ bản địa Việt Nam buộc phải thiên di vào Nam theo bước chân của các đoàn quân phục quốc bại trận, các thế lực phong kiến thất thế, các cuộc chinh phạt mở mang bờ cõi, các đợt lưu dân tỵ nạn chiến tranh và nhân mãn, quan lại bị biếm cách, tù phạm đào thoát hay phạm nhân bị lưu đày biệt xứ, v.v Phần lớn thành phần của các cuộc thiên di Nam tiến nói trên là những người yếu thế, ít chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nên khá gần gũi với truyền thống văn hóa bản địa mà trung tâm là tinh thần trọng nữ và tín ngưỡng nữ thần, đúng như nhận định của Trịnh Hoài Đức về dân Nam Kỳ lục tỉnh trong Gia Định thành thông chí: “Họ sùng đạo Phật, tin việc đồng bóng, kính trọng nữ thần, như: bà Chúa Ngọc, bà Chúa Động (tục gọi phụ nữ sang trọng bằng bà), bà Hỏa Tinh, bà Thủy Long, cô Hồng, cô Hạnh v.v ”.(1) Thành ra, số phận lịch sử của các đoàn Nam tiến đó được an bày thật thú vị: Đi đến vùng đất lạ thực chất lại chính là trở về cội nguồn văn hóa bản địa. Đặc biệt, càng đi về phía nam thì tính chất hội tụ văn hóa càng cao. Do đó, tín ngưỡng nữ thần của người Việt ở Nam Bộ cũng có nhiều nét khác biệt so với ở miền Bắc và Trung. Đồng thời, ngay ở địa bàn Nam Bộ thì “mật độ” của tín ngưỡng nữ thần cũng thay đổi theo không gian và thời gian. Có thể thấy rõ những điều đó qua tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương (五行 娘娘) ở Nam Bộ. Tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương là dạng tín ngưỡng thờ 5 vị nữ thần là: Kim Đức thánh phi (áo trắng), Mộc Đức thánh phi (áo xanh), Thủy Đức thánh phi (áo đen), Hỏa Đức thánh phi (áo đỏ), Thổ Đức thánh phi (áo vàng). Tuy thờ 5 vị như thế nhưng dân gian vẫn quan niệm như là một Bà, nên gọi là “Bà Ngũ Hành” (không ai gọi “Năm Bà Ngũ Hành” cả). * Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP HCM.
  2. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 23 Tín ngưỡng này có nguồn gốc từ triết lý Ngũ Hành ở Trung Quốc thời xa xưa, là dạng thức trừu tượng hóa 5 đặc tính của vũ trụ là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tuy nhiên, khi truyền sang Việt Nam thì tín ngưỡng này được cải biến theo tinh thần trọng nữ của Việt Nam: Nếu như bộ Năm các thần ở Trung Quốc luôn là nam thần (Ngũ phương ngũ thổ long thần, Ngũ nhạc sơn thần, thần Ngũ tự, v.v.) thì ở Việt Nam bộ Năm này lại là năm Bà. Do đó, trong bài viết này, từ đây trở đi, khi nói đến tín ngưỡng Ngũ Hành là nói đến tín ngưỡng thờ Ngũ Hành nương nương (5 vị nữ thần), tức Mẹ Ngũ Hành chứ không phải 5 vị nam thần theo tín ngưỡng Trung Quốc. 2. Tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở Nam Bộ Tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương có thể xem như là một trong những nét đặc trưng của văn hóa dân gian Nam Bộ. Thật vậy, ở miền Bắc xưa nay hầu như không thấy ai nhắc tới tín ngưỡng Ngũ Hành. Đến miền Trung, tín ngưỡng Ngũ Hành bắt đầu xuất hiện nhưng còn khá mờ nhạt, được xếp sau các vị nữ thần khác như: Thiên Y A Na, chúa Tiên, chúa Ngọc, v.v Trong các sách khảo về tín ngưỡng miền Trung như Tục thờ thần ở Huế,(2) Tín ngưỡng dân gian Huế,(3) Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi,(4) tín ngưỡng Ngũ Hành chỉ được nhắc đến có vài dòng. Riêng ở Quảng Nam, do có đông đảo người Hoa sinh sống (chủ yếu ở Hội An) nên tín ngưỡng Ngũ Hành có mạnh hơn chút ít, được đề cập đến trong cuốn Tín ngưỡng thờ nữ thần xứ Quảng(5) ba trang. Trong bài viết “Tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Thừa Thiên Huế” của Trần Đại Vinh chỉ thấy Ngũ Hành tiên nương được nhắc đến ở điện Hòn Chén, được phối tự bên trái của 3 vị nữ thần là Thiên Y A Na, Thủy Long thánh phi và Sơn Trung tiên phi.(6) Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, các vị Hỏa Đức tôn thần, Thổ Đức tôn thần, Mộc Đức tôn thần và Thủy Đức tôn thần được vua ban sắc phong tặng và gia tặng cho phép thờ tự khá sớm với hàng chục đạo sắc. Chẳng hạn: sắc vua Minh Mạng gia tặng cho Hỏa Đức tôn thần mỹ tự Ôn hậu Quang ứng Trung đẳng thần, cho phép thờ tự tại làng Uất Mậu, huyện Quảng Điền.(7) Tuy nhiên, hầu hết các đạo sắc này đều phong tặng/ gia tặng cho từng vị thần riêng biệt chứ không phải một nhóm thần Ngũ Hành. Cá biệt, có 3 sắc gia phong cho Ngũ Hành tôn thần(8) (không phải Ngũ Hành nương nương) nhưng các mỹ tự cho biết đây là thiên thần chứ không phải nữ thần. Mãi đến ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), trên địa bàn Thừa Thiên Huế lần đầu tiên mới xuất hiện sắc phong cho Ngũ Hành tiên nương (nữ thần) được
  3. 24 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 phép thờ tự tại làng Khuông Phò, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên với mỹ tự Tán hóa Mặc vận Thuận thành Hòa tự(9) Tư nguyên Trang huy Dực bảo Trung hưng Ngũ Hành tiên nương Thượng đẳng thần.(10) Đây là sắc phong đầu tiên xác định Ngũ Hành [tiên nương] này là nữ thần: Thay mỹ tự Túy mục (Thiên thần) vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) thành mỹ tự Trang huy (nữ thần). Điều này chứng tỏ, mãi cho tới trước năm 1924 tín ngưỡng Ngũ Hành tiên nương/ nương nương ở Thừa Thiên Huế vẫn không phổ biến. Trái lại, ở Nam Bộ, tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương rất phổ biến. Vị thần này được thờ tại các miễu/ miếu(11) Ngũ Hành. Sau đây là số liệu thống kê số lượng miễu thờ Bà Ngũ Hành trong sự so sánh với miễu thờ Bà Chúa Xứ ở một số địa phương tiêu biểu: Thành phố Hồ Chí Minh Theo thống kê của Báo cáo khoa học Tổng điều tra văn hóa phi vật thể ở TP HCM (2007- 2010)(12) thì: - Các quận nội thành (Từ quận 1 đến quận 12 và các quận Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức) có 200 miễu thờ Bà Ngũ Hành, 16 miễu thờ Bà Chúa Xứ. Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 12,5/1. - Các huyện ngoại thành (Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) có 48 miễu thờ Bà Ngũ Hành, 29 miễu thờ Bà Chúa Xứ.(13) Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 1,65/1. Tính chung theo báo cáo này thì toàn địa bàn TP HCM có 248 miễu thờ Bà Ngũ Hành, 45 miễu thờ Bà Chúa Xứ. Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 5,5/1. Tuy nhiên, theo cuốn Tín ngưỡng dân gian ở TP HCM (2008)(14) thì, nếu tính cả các miễu có phối tự Bà Ngũ Hành thì con số miễu có thờ Bà Ngũ Hành lên tới 288 ngôi, trong khi chỉ có 30 ngôi miễu có thờ Bà Chúa Xứ (kể cả chính tự và phối tự).(15) Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 9,6/1. Long An Theo số liệu thống kê 2005 - 2006 thì toàn tỉnh Long An có 259 miễu thờ Bà Ngũ Hành, 46 miễu thờ Bà Chúa Xứ.(16) Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 5,6/1. Bình Dương Theo cuốn Sơ khảo về tín ngưỡng và lễ hội dân gian truyền thống tỉnh Bình Dương(17) thì toàn tỉnh có 57 miễu thờ Bà Ngũ Hành (chưa kể các ngôi miễu nằm trong khuôn viên đình), 47 miễu Bà Chúa Xứ. Đến 2014, con số thống kê rõ ràng hơn: Toàn tỉnh có 137 miễu riêng thờ Ngũ Hành và 6 miễu phối thờ Ngũ Hành,(18) tổng cộng 143 ngôi miễu có thờ Bà Ngũ Hành. Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 3/1.
  4. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 25 Tiền Giang Toàn tỉnh có 12 miễu thờ Bà Ngũ Hành, 110 miễu thờ Bà Chúa Xứ.(19) Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 0,11/1. Trong cuốn Địa chí Tiền Giang, tập 2,(20) hai từ “Ngũ Hành” xuất hiện 14 lần trong khi hai từ “Chúa Xứ” xuất hiện tới 113 lần. Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 0,12/1. Bà Rịa - Vũng Tàu Toàn tỉnh có 11 miễu Bà Ngũ Hành, 3 miễu Bà Chúa Xứ.(21) Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 3,7/1. Đồng Tháp Toàn tỉnh có 14 miễu Bà Ngũ Hành, trong đó có 8 miễu ở Sa Đéc; 57 miễu Bà Chúa Xứ.(22) Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 0,25/1. Cà Mau Thống kê riêng địa bàn tiêu biểu là huyện Trần Văn Thời,(23) có 39 miễu thờ Bà Chúa Xứ, không có miễu Ngũ Hành.(24) Tỷ lệ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ là 0/39. Tóm lại, có thể hình dung thực trạng tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương trong mối tương quan với tín ngưỡng Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ hiện nay như sau: Bảng 1: Thực trạng tín ngưỡng Ngũ Hành trong mối tương quan với tín ngưỡng Bà Chúa Xứ tại một số địa phương ở Nam Bộ Số miễu Số miễu Tỷ lệ Tỉnh, thành phố Bà Ngũ Hành Bà Chúa Xứ Bà Ngũ Hành/ Bà Chúa Xứ TP HCM 288 30 9,6/1 Long An 259 46 5,6/1 Bình Dương 143 47 3/1 Tiền Giang 12 110 0,11/1 Bà Rịa - Vũng Tàu 11 3 3,7/1 Đồng Tháp 14 57 0,25/1 Huyện Trần Văn Thời 0 39 0/39 [TVT], Cà Mau Số liệu trên cho thấy mật độ phân bố các miễu/ miếu Ngũ Hành ở Nam Bộ không đồng đều: TP HCM, Long An, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu – theo thứ tự giảm dần – có số lượng miễu Ngũ Hành rất nhiều và gấp rất nhiều lần so với số miễu Bà Chúa Xứ. Ngược lại, Tiền Giang, Đồng Tháp và Cà Mau (huyện Trần Văn Thời) có số lượng miễu Bà Ngũ Hành rất ít trong khi số miễu Bà Chúa Xứ rất nhiều và gấp nhiều lần số miễu Ngũ Hành.
  5. 26 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 3. Tiếp biến văn hóa Việt - Hoa qua tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở Nam Bộ So với tín ngưỡng Bà Chúa Xứ, tín ngưỡng Ngũ Hành của người Việt ở Nam Bộ ra đời muộn màng hơn. Thật vậy, cuốn địa chí đầu tiên về vùng đất Nam Bộ là Gia Định thành thông chí (1820?) không hề nhắc đến Bà Ngũ Hành trong khi có nhắc đến các vị nữ thần khác: Núi Thần Mẫu thuộc trấn Biên Hòa, nằm sát bờ biển, trong động có miếu linh thờ thần nữ,(25) miếu Hỏa Tinh nằm bên cạnh chợ Điều Khiển (trấn Phiên An).(26) Sách Đại Nam nhất thống chí (1865-1882) cũng có ghi nhận về các vị nữ thần ở Nam Bộ như: Thiên Hậu (Chợ Lớn, tỉnh Gia Định), Bà Hỏa (thôn Phước Thành, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa) và hàng loạt tấm gương tiết phụ, liệt nữ được vua ban khen và cho phép thờ phụng ở Nam Bộ.(27) Thế nhưng, trong sách này cũng chưa thấy nhắc tới Ngũ Hành nương nương. Điều này chứng tỏ đương thời (thế kỷ XIX) ở Nam Bộ tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương chưa xuất hiện hoặc đã xuất hiện nhưng chưa phổ biến. Khảo sát địa bạ thời Minh Mạng (1836) thấy hầu hết các thôn đều được xác định tọa lạc tại một “xứ” cụ thể. Thí dụ: thôn Long Thuận ở xứ Đồng Môn, huyện Long Thành, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Theo quy chế nhà Nguyễn, khi lưu dân vào Nam khai hoang lập ấp thì cất một nhà vuông làm trụ sở hành chính của ấp và một ngôi miễu thờ Bà Chúa Xứ. Vị nữ thần này được quan niệm như vị tiền chủ của vùng đất, có chức năng phù hộ nhân dân trong ấp. Khi ấp phát triển thành thôn/ làng thì vị này có phạm vi ảnh hưởng trong cả cộng đồng thôn/ làng ấy. Bà Chúa Xứ thuộc tín ngưỡng của người Việt ở Nam Bộ, là sản phẩm được tiếp biến từ Bà Mẹ Xứ Sở (Néang Khmau/ Bà Đen; Néang Misar/ Bà Trắng) của người Khmer: Mẹ Xứ Sở (Khmer) + Tín ngưỡng Mẫu (Việt) → Bà Chúa Xứ/ Bà Đen Đến khi lưu dân người Hoa sang Việt Nam thì họ mang theo tín ngưỡng Ngũ phương thần dưới dạng nam thần và được văn hóa Việt tiếp biến thành Ông Địa, có công năng hẹp hơn (chỉ trong phạm vi một ngôi nhà). Ông Địa vừa mang nam tính của thần Ngũ phương(28) đã được hợp nhất từ Trung Quốc nhưng lại vừa mang yếu tố Mẫu của văn hóa Việt nên trở thành lưỡng tính: Tuy gọi là ông nhưng hình tướng giống như người mẹ có bầu sắp sinh và tâm tính được dân gian quan niệm cũng y hệt như phụ nữ:(29) Thần Ngũ phương (Hoa) + Tín ngưỡng Mẫu (Việt) → Ông Địa
  6. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 27 Nhưng khi tín ngưỡng thần Ngũ phương khế hợp với tín ngưỡng Bà Chúa Xứ sẽ cho ra một dạng tín ngưỡng khác vừa gắn với 5 phương đất đai lại vừa có chức năng cai quản một vùng đất: Ngũ Hành nương nương. Thần Ngũ phương (Hoa) + Bà Chúa Xứ (Việt) → Ngũ Hành nương nương Khảo sát địa bàn TP HCM thấy có đến 34 ngôi miễu Ngũ Hành nương nương nhưng lại mang tên của thôn(30) (ban đầu thôn ấp chỉ có miễu Bà Chúa Xứ nên chỉ có miễu Bà Chúa Xứ mang tên thôn). Rải rác ở Nam Bộ có nhiều ngôi miễu thờ chung Bà Chúa Xứ và Ngũ Hành nương nương. Có ngôi miễu thờ chung hai vị thần này bằng bài vị chữ Nho 主處五行, nghĩa là danh hiệu “Chúa Xứ” đứng trên, nhưng bên dưới lại chua thêm hai chữ Quốc ngữ “Ngũ Hành”.(31) Điều này chứng tỏ đây vốn là miễu Bà Chúa Xứ phối tự Bà Ngũ Hành, nhưng về sau người ta xem trọng Bà Ngũ Hành hơn nên gọi là “miễu Ngũ Hành”. Đặc biệt, tại miếu Tân Thành (miếu Ngũ Hành) ở số 1378, Võ Văn Kiệt, P 1, Q 6, TP HCM, phía trước có ngôi miễu nhỏ (khoảng 0,5m x 0,5m) đề 3 chữ Ngũ Phương Hành. Có lẽ đây là cách nói tổng hợp của Ngũ Phương và Ngũ Hành (xem hình 3). Như vậy, ở Nam Bộ, tín ngưỡng Bà Chúa Xứ có trước rồi sau đó mới xuất hiện tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương do tiếp biến từ tín ngưỡng thần Ngũ phương của người Hoa. Kết quả khảo sát cho thấy tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở Nam Bộ phát triển tỷ lệ thuận theo số lượng người Hoa ở tại địa bàn. Thật vậy, mặc dù người Hoa đến Nam Bộ khá sớm (từ năm 1679), nhưng số lượng không nhiều (đợt di dân năm 1679 chỉ có 3.000 người). Mãi đến năm 1884, dân số người Hoa ở Nam Bộ (đương thời gọi là Nam Kỳ lục tỉnh) chỉ có 40.000 người.(32) Do đó, lúc đầu ảnh hưởng văn hóa Hoa ở Nam Bộ yếu hơn ảnh hưởng của văn hóa Khmer, dẫn đến tín ngưỡng Bà Chúa Xứ chiếm ưu thế trên toàn Nam Bộ. Tuy nhiên, bước sang đầu thế kỷ XX, nhờ có sự thu hút của hoạt động thu mua lúa gạo xuất khẩu, số lượng người Hoa ở Nam Bộ tăng vọt lên tới 300.000 người (năm 1919),(33) trong đó chỉ tính riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn số người Hoa đã lên tới hơn 122.000 người.(34) Do đó, từ đầu thế kỷ XX trở đi, văn hóa Hoa mới thực sự có ảnh hưởng đáng kể đến người Việt ở Nam Bộ. Bởi vậy, đây cũng chính là giai đoạn bột phát của tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở Nam Bộ. Đồng thời, do người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn có mật độ cao nhất nên tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở vùng này cũng có mật độ cao nhất và thấp dần ở các tỉnh xung quanh. Do đó, đạo sắc phong đầu tiên của nhà Nguyễn (vua Duy Tân, 1911) dành cho Ngũ Hành nương nương ở Nam Bộ cũng thuộc về địa bàn Sài Gòn: miếu Ngũ Hành ở ấp Tân An, hộ Hòa Mỹ (nay thuộc Q 1, TP HCM) với mỹ tự Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần.(35)
  7. 28 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 Đặc biệt hơn nữa, làng Thạnh An, tổng An Phú Tân, hạt Bà Rịa (nay là xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM) theo tờ khai thần tích thần sắc vào năm 1938 thì không có đình làng mà chỉ có miễu thờ Ngũ Hành nương nương thay thế cho thần Thành Hoàng và ngôi đình: “Mấy làng không có thờ thần Thành Hoàng cũng phải thờ Bà trong năm vị Ngũ Hành . Lập làng không có Thần [Thành Hoàng] thì phải thờ Ngũ Hành”.(36) Ngoài ra, cũng phải kể đến trường hợp ngôi thờ Ngũ Hành nương nương ở ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP HCM lại được gọi là đình.(37) Những điều này cho thấy tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở Sài Gòn - TP HCM phổ biến đến mức nào. Có thể thấy rõ điều ấy qua sơ đồ sau: 350 300 250 200 150 100 50 0 TP. HCM Long An Bình Dương Tiền Giang Bà Rịa - Đồng Tháp H. TVT, Vũng Tàu Cà Mau Hình 1. Mật độ tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương tại một số địa phương ở Nam Bộ. Mật độ trên phản ảnh mức độ ảnh hưởng của văn hóa Hoa từ đầu thế kỷ XX đến nay. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là mức độ ảnh hưởng của văn hóa Khmer ở vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn là yếu, mà lý do là vì khi người Hoa ồ ạt đến vùng đất này thì văn hóa Khmer đã trở thành dĩ vãng. Điều đó thấy rõ ở vùng đất cực nam như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang: Người Hoa sinh sống ở vùng này cũng rất đông đảo, nhưng tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương (ảnh hưởng Hoa) vẫn rất hiếm so với tín ngưỡng Bà Chúa Xứ (ảnh hưởng Khmer). Lý do: Đây là địa bàn người Khmer hiện đang sinh sống nên ảnh hưởng của văn hóa Khmer chiếm ưu thế. Điều đó đã chỉ ra rằng, tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương là sản phẩm của quá trình tiếp biến văn hóa giữa lưu dân Việt (tín ngưỡng thờ Mẫu) và Hoa (tín ngưỡng Ngũ thần). 4. Sự lai tạp và biến đổi của tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở Nam Bộ Do mang thân phận lai tạp như vậy nên mức độ chính thống hóa của tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương rất thấp, bù lại là sự phức tạp của nó trong các dạng thức văn hóa dân gian như: sự cải biên, khế hợp với các dạng tín ngưỡng khác.
  8. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 29 Thực tế cho thấy ở Nam Bộ có hai dạng miễu Ngũ Hành nương nương: dạng miễu nằm bên ngoài khuôn viên đình làng và dạng miễu nằm trong khuôn viên đình làng. Ban đầu, Ngũ Hành nương nương vốn là tín ngưỡng dân gian nên tọa lạc riêng biệt so với đình làng. Nhưng sau đó, do nhu cầu “cúng kiếng” (hễ cúng thần ở đình thì phải kiếng các vị thần dân gian khác xung quanh) nên - cùng với miễu Bà Chúa Xứ - người ta di dời miễu Ngũ Hành về trước sân đình để tiện việc cúng kiếng và kiện toàn thiết chế tín ngưỡng của thôn làng. Loại miễu Ngũ Hành này do đó xem như đã bị chính thống hóa và mang một thân phận khác, hoàn toàn nằm trong vòng quản lý của các ông trong Ban Hội hương, được cúng lệ thuộc theo lịch cúng tế thần Thành Hoàng làng. Mỗi khi cúng Kỳ yên đình ngày xưa thường có tổ chức lễ Xây chầu - Đại bội. Trong lễ Đại bội gồm có các nghi: Nhất trụ, Nhị nghi (Xang nhật nguyệt), Tam tài, Tứ tượng, Ngũ hành (Đứng cái), Bát quái (Bát tiên) và Gia quan tấn tước (Ông Địa dâng liễn). Nghi Ngũ hành ở đây mang tính pha tạp, nửa theo tín ngưỡng Ngũ thần của Trung Quốc, nửa theo tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương của người Việt: gồm có 1 nam ở giữa (gọi là “đứng cái”) và 4 nữ ở xung quanh, hát chúc phúc chúc thọ cho Ban Quý tế và dân làng. Chỉ có những miễu Ngũ Hành còn lại (nằm ngoài khuôn viên đình) thì mới giữ được cốt cách dân gian của mình, có lịch cúng và ngày vía Bà riêng, thường do các bà lớn tuổi trong xóm phụ trách. Miễu Ngũ Hành có diện tích lớn nhỏ khác nhau, từ 0,5m2 đến vài chục m2. Tuy nhiên, phổ biến vẫn là các ngôi miễu nhỏ khoảng 1m2. Những ngôi miễu Ngũ Hành lớn, ngoài bàn thờ chính (Ngũ Hành nương nương) ở giữa thường có thêm Tả ban, Hữu ban và được phối tự nhiều vị khác như: Chúa Xứ, Địa Mẫu (Diêu Trì), Bồ tát Quán Thế Âm, Thổ Hình 2. Miễu Vạn Ban Ngũ Hành, xã Đông thần, chiến sĩ trận vong, thậm chí cả các Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. cô hồn, v.v và hàng loạt tranh tượng Ảnh: Lê Công Lý. thờ của các vị Phật, thần, thánh khác được người ta “gửi”(38) vào đây.(39) Chính vì vậy mà các ngôi miễu vốn nhỏ hẹp nhưng thường la liệt các loại tranh tượng và khám thờ các loại. Do các miễu Ngũ Hành sẵn
  9. 30 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 mang tính tổng hợp nên người ta mạnh dạn “gửi” các loại tượng thờ vào đây, tạo nên tình trạng hỗn tạp, nên thường gọi là miễu “Vạn Ban Ngũ Hành 萬般五行”. Ngoài ra, do tín lý Ngũ Hành mang tính triết học hơn là thực dụng nên thực tế hiện nay ở nhiều ngôi miễu Ngũ Hành, Ngũ Hành nương nương chỉ còn là bức phông nền phía sau để người ta thờ vị thần phía trước, thường được tách ra từ hệ thống này để làm vị thần chính tự như Bà Thủy(40) hay Bà Hỏa.(41) Cũng có trường hợp Bà Ngũ Hành làm bức phông nền phía sau cho Bà Cố Hỉ phía trước.(42) Nhưng phổ biến hơn là các miễu Ngũ Hành (có đề tên miễu như vậy) nhưng lại vừa thờ Ngũ Hành nương nương vừa thờ Địa Mẫu ở trên hay phía trước.(43) Có trường hợp trong miễu Ngũ Hành lại thờ tượng Địa Mẫu to hơn và đứng giữa 5 tượng Ngũ Hành.(44) Cá biệt có những ngôi miếu Ngũ Hành tuy vẫn còn ba chữ Nho “Ngũ Hành Miếu 五行廟” nhưng đã bị Bà Cố Hỉ “soán ngôi”.(45) Thậm chí có miếu Ngũ Hành đã bị thay tên thành “miếu Địa Mẫu” và thờ tượng Địa Mẫu to, nhưng phía sau lưng Địa Mẫu lại là thần vị Ngũ Hành nương nương và dưới chân Địa Mẫu có 5 tượng Ngũ Hành nhỏ.(46) Hình 3. Tân Thành Miếu (Miếu Ngũ Hành), số 1378, Võ Văn Kiệt, P 1, Q 6, TP HCM. Tuy mang tên là miếu Ngũ Hành nhưng phía trước lại thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm lớn và phía trên lại thờ Địa Mẫu. Đặc biệt có thêm miễu nhỏ đề 3 chữ “Ngũ Phương Hành” phía trước. Ảnh: Lê Công Lý. Như vậy, nếu như ở nhiều ngôi miễu trên địa bàn Nam Bộ, Bà Ngũ Hành “soán ngôi” của Bà Chúa Xứ chưa đầy 100 năm, thì đến những năm gần đây lại đến lượt Bà Ngũ Hành bị các Bà khác soán ngôi dần mà phổ biến nhất là Bà Địa Mẫu. 5. Thay lời kết Những hiện tượng nói trên cho thấy tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương ở Nam Bộ đang trên đà suy thoái do tính chất “hỗn hợp” của nó. Và hiện nay tín
  10. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 31 ngưỡng ngày đang có xu hướng “chuyên môn hóa” thành tín ngưỡng Bà Thủy, Bà Hỏa hay Địa Mẫu. Điều này cũng góp phần phản ảnh lối tư duy “chuyên môn hóa” của người dân Nam Bộ trong khuynh hướng thực dụng của xã hội hiện nay. Trong hệ thống Ngũ Hành nương nương, người ta thường kiêng sợ Bà Thủy và Bà Hỏa hơn (2 trong “tam tai”: gió, lửa, nước) nên hai Bà này thường được tách ra thờ riêng để phù hộ người dân tránh thủy tai và hỏa nạn. Đó là lý do vì sao miễu Bà Thủy thường xuất hiện ở vùng sông nước còn miễu Bà Hỏa thường ở sát chợ (dân chợ sợ nhất là hỏa hoạn). Có lẽ do đậm chất dân gian pha tạp như đã nói trên nên giới nho học và phong kiến nhà Nguyễn tỏ ra không đánh giá cao tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương. Trong khi các vị nữ thần như Thiên Y A Na, Tam vị Đàn nương được vua Nguyễn sắc phong và được thờ chính thức tại miếu Hội Đồng Định Tường và Vĩnh Long thì Ngũ Hành nương nương không có được ân huệ này. Dân gian cũng có câu “Bà Ngũ Hành dựa” để chỉ những người có tính khí bất thường. Mặc dù mang tính hỗn tạp và đang trên đà suy thoái như vậy, nhưng theo chúng tôi, trong số các nữ thần ở Nam Bộ, Ngũ Hành nương nương mới chính là dạng tín ngưỡng dân gian tiêu biểu nhất, vì nó phản ảnh đúng cốt cách của văn hóa dân gian vùng đất này: pha tạp, bao dung và nhanh biến đổi. L C L CHÚ THÍCH (1) Quyển 4. Phong tục chí - Phong tục toàn thành. (2) Huỳnh Đình Kết (1998), Nxb Thuận Hóa, Huế. (3) Trần Đại Vinh (2006), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. (4) Nguyễn Đăng Vũ (2016), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. (5) Nguyễn Xuân Hương (2011), Nxb Đà Nẵng. (6) Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135). 2017, tr.6. (7) Phan Thanh Hải - Lê Thị Toán chủ biên (2014), Sắc phong triều Nguyễn trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.49. (8) Tán hóa Mặc vận Thuận thành Điều tự Thượng đẳng thần, làng Xuân Hòa, huyện Hương Trà, ngày 27 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845); Tán hóa Mặc vận Thuận thành Điều tự Tư nguyên Thượng đẳng thần, làng Xuân Hòa, huyện Hương Trà, ngày 26 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845); Tán hóa Mặc vận Thuận thành Điều tự Tư nguyên Túy mục Thượng đẳng thần, làng Xuân Hòa, huyện Hương Trà, ngày 6 tháng 8 năm Tự Đức thứ 3 (1850). (9) Sắc gia tặng vào đời vua Thiệu Trị dùng mỹ tự Điều tự. (10) Phan Thanh Hải - Lê Thị Toán chủ biên, Sđd, tr.434. (11) “Miễu” và “miếu” ngày nay thường được dùng lẫn lộn nhau (dân gian thường dùng “miễu”, nhà nước thường dùng “miếu”). Hai từ này cùng chỉ ngôi nhà (có mái che, vách và cửa)
  11. 32 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 dùng để thờ thần. Tuy nhiên nơi thờ lớn và/ hoặc chính thống thì gọi là “miếu”, nơi thờ nhỏ và/ hoặc không chính thống (= dân gian) thì gọi là “miễu”. (12) Trần Văn Ánh chủ nhiệm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM. (13) Các số liệu do tác giả bài viết tổng hợp từ Báo cáo đã dẫn. (14) Võ Thanh Bằng chủ biên, Nxb Đại học quốc gia TP HCM. (15) Các số liệu do tác giả bài viết tổng hợp từ sách đã dẫn. (16) Theo Đỗ Văn Đồng (2012), Nông nho kể chuyện, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.124. (17) Sở Văn hóa Thông tin Bình Dương (1998), tr.50. (18) Theo Văn Thị Thùy Trang (2014), “Hiện trạng tín ngưỡng thờ nữ thần ở Bình Dương”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ - bản sắc và giá trị, Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức, Nxb Đại học quốc gia TP HCM, tr.127. (19) Nguyễn Thị Lệ Hằng (2014), “Yếu tố tích hợp trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tại miễu Hỏa Đức tinh quân ở Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ - bản sắc và giá trị, sđd, tr.573. (20) Trần Hoàng Diệu - Nguyễn Quang Ân chủ biên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam xb. (21) Theo Trương Ngọc Tường (2004), “Ngôi đình tại Bà Rịa - Vũng Tàu”, trong Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu, Báo cáo khoa học Di tích và lễ hội truyền thống Bà Rịa - Vũng Tàu. (22) Nhiều tác giả (2014), Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb Trẻ, TP HCM, tr.669, 672. (23) Đây là địa bàn tiêu biểu của tỉnh Cà Mau: có đủ ba tộc người Việt, Hoa, Khmer sinh sống; địa bàn vừa có rừng, vừa có ruộng, vừa có bờ biển. (24) Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP HCM (2013), Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau. (25) Quyển 2. Sơn xuyên chí - trấn Biên Hòa. (26) Quyển 6. Thành trì chí - trấn Phiên An. (27) Như: tiết phụ Hoàng Thị Nguyệt và Tống Thị Kỷ (huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa), Lý Thị Uyên và Đỗ Thị Trọng (huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa), Hồ Thị Phân (huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa); liệt nữ Nguyễn Thị Quý, Trương Thị Tình và Nguyễn Thị Bửu (huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định); liệt nữ Nguyễn Thị Liệu (huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường); liệt nữ Lê Thị Phú và Lê Thị Tánh (huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long); liệt nữ Dương Thị Ư (huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang), Nguyễn Thị Dung (huyện An Xuyên, tỉnh An Giang); liệt nữ Nguyễn Thị Nương (huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên). (28) Chính vì vậy mà tại các ngai thờ Ông Địa phổ biến ở Nam Bộ luôn có bài vị đề danh hiệu 五 方五土龍神 Ngũ phương ngũ thổ long thần. Đồng thời, tượng thờ Ông Địa luôn tạo tác theo motif Ông Địa cưỡi cọp màu vàng (màu của phương trung tâm trong hệ thống Ngũ phương ngũ thổ). (29) Chẳng hạn: hảo ngọt (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), hay làm nũng nhưng lại dễ bỏ qua, dễ động lòng. Xem chặp Địa Nàng để thấy rõ hơn tâm tính Ông Địa. (30) Theo Võ Thanh Bằng, sđd, tr.408 - 429. (31) Chẳng hạn: Miễu Chúa Xứ - Ngũ Hành ở ấp Tân Phú, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, Tiền Giang.
  12. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 33 (32) Theo Nguyễn Đình Phức (2013), “Vấn đề thống kê số lượng người Hoa ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (102). 2013. (33) Theo Nguyễn Đình Phức, bđd. (34) Theo Nguyễn Phan Quang (1998), Góp thêm tư liệu Sài Gòn - Gia Định từ 1859-1945, Nxb Trẻ, TP HCM, tr.50-53. (35) Theo Võ Thanh Bằng, sđd, tr.71. (36) “Thần tích thần sắc làng Thạnh An, tổng An Phú Tân, tỉnh Bà Rịa”, Hội Khảo cứu Phong tục Đông Dương (1938), Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội (1995), ký hiệu TTTS 17937. Cám ơn nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cung cấp tư liệu này. (37) Theo Võ Thanh Bằng, sđd, tr.428. (38) “Gửi” là cách nói tế nhị chỉ việc từ bỏ các tranh tượng thờ mà người ta không thể tùy tiện vứt đi chỗ khác. (39) Chẳng hạn miếu Ngũ Hành tại số KB.74, Huỳnh Tấn Phát, P Tân Thuận Tây, Q 7, TP HCM, ngoài Ngũ Hành nương nương ra còn thờ hàng loạt vị khác như: Ông Hoàng và 4 cô (gốc Bắc), cậu Tài - cậu Quý, Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Quan Thánh đế quân, Ông Địa - Thần Tài, v.v (40) Chẳng hạn: miếu Hòn Bà (P.2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); miễu Ngũ Hành, đường Số 3, khu Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. (41) Chẳng hạn miếu Bà Hỏa ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. (42) Chẳng hạn miễu Bà Cố, ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. (43) Chẳng hạn: Tân Thành Miếu (Miếu Ngũ Hành) tại số 1378, Võ Văn Kiệt, P 1, Q 6, TP HCM; miếu Ngũ Hành tại số KB.74, Huỳnh Tấn Phát, P Tân Thuận Tây, Q 7, TP HCM. (44) Chẳng hạn miễu Ngũ Hành Lịnh Bà ở ấp Tân Quới và miếu Ngũ Hành - Địa Mẫu ở ấp 4, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. (45) Chẳng hạn: Miếu Bà ở Khu vực Long Thạnh A, P Thốt Nốt, Q Thốt Nốt, TP Cần Thơ. (46) Chẳng hạn: Miếu Bà Cố - Địa Mẫu tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Văn Đồng (2012), Nông nho kể chuyện, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. 2. Hội Khảo cứu phong tục Đông Dương (1938), Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội (1995), Thần tích thần sắc làng Thạnh An, tổng An Phú Tân, tỉnh Bà Rịa, ký hiệu TTTS 17937. 3. Huỳnh Đình Kết (1998), Tục thờ thần ở Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế. 4. Nguyễn Đăng Vũ (2016), Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 5. Nguyễn Đình Phức (2013), “Vấn đề thống kê số lượng người Hoa ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4(102). 2013. 6. Nguyễn Phan Quang (1998), Góp thêm tư liệu Sài Gòn - Gia Định từ 1859-1945, Nxb Trẻ, TP HCM. 7. Nguyễn Xuân Hương (2011), Tín ngưỡng thờ nữ thần xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng. 8. Nhiều tác giả (2014), Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb Trẻ, TP HCM. 9. Nhiều tác giả (2014), Kỷ yếu hội thảo khoa học Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ - bản sắc và giá trị, Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín
  13. 34 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (137) . 2017 ngưỡng Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức, Nxb Đại học quốc gia TP HCM. 10. Phan Thanh Hải - Lê Thị Toán chủ biên (2014), Sắc phong triều Nguyễn trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế. 11. Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP HCM (2013), Báo cáo khoa học Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau. 12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1865-1882, tái bản 1959), Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt, Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia Giáo dục xb, Sài Gòn. 13. Sở Văn hóa Thông tin Bình Dương (1998), Sơ khảo về tín ngưỡng và lễ hội dân gian truyền thống tỉnh Bình Dương, Sở Văn hóa Thông tin Bình Dương xb. 14. Trần Đại Vinh (2006), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 15. Trần Đại Vinh (2017), “Tín ngưỡng thờ Mẫu và Chư vị ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135). 2017. 16. Trần Hoàng Diệu - Nguyễn Quang Ân chủ biên (2007), Địa chí Tiền Giang, tập 2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam xb. 17. Trần Văn Ánh chủ nhiệm (2007-2010), Tổng điều tra văn hóa phi vật thể ở TP HCM (2007- 2010), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM. 18. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Lý Việt Dũng, Nxb Đồng Nai. 19. Trương Ngọc Tường (2004), Ngôi đình tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trong Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu, Báo cáo khoa học Di tích và lễ hội truyền thống Bà Rịa - Vũng Tàu. 20. Võ Thanh Bằng chủ biên (2008), Tín ngưỡng dân gian ở TP HCM, Nxb Đại học quốc gia TP HCM. TÓM TẮT Thờ Ngũ Hành nương nương là dạng tín ngưỡng nữ thần đặc trưng của người Việt ở Nam Bộ. Tín ngưỡng này phổ biến ở Nam Bộ với mật độ rất khác nhau: cao nhất ở Sài Gòn – TP HCM và thấp dần ở các tỉnh xung quanh. Điều đó đã chỉ ra rằng, dạng tín ngưỡng này là sản phẩm của giao lưu văn hóa giữa lưu dân Việt, Hoa ở giai đoạn đầu. Do mang thân phận lai tạp như vậy nên mức độ chính thống hóa của tín ngưỡng Ngũ Hành nương nương rất thấp, bù lại là sự phức tạp của nó trong các dạng thức văn hóa dân gian như: sự cải biên, khế hợp với các dạng tín ngưỡng khác. Do đó, theo chúng tôi, đây chính là dạng tín ngưỡng dân gian tiêu biểu nhất ở Nam Bộ. ABSTRACT VIETNAMESE - CHINESE ACCULTURATION VIEWED FROM THE BELIEF OF WORSHIPPING NGŨ HÀNH NƯƠNG NƯƠNG IN THE SOUTH The worship of Ngũ Hành Nương Nương (Goddess of Five Elements) is the typical belief in the South. This belief is common in the South with very different densities: highest in Saigon - HCMC and lower in the surrounding provinces, which shows is a product that this form of belief of cultural exchange between the Vietnamese and the Chinese at an early stage. Because of its hybrid nature, the degree of legitimatization of the belief of Five Elements is very low, in the face of its complexity in folklore forms such as conversion and combination with other forms of religion. Therefore, in our opinion, this is the most typical folk belief in the South.