Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

pdf 6 trang Gia Huy 4030
Bạn đang xem tài liệu "Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftrien_vong_thu_hut_fdi_cua_viet_nam_trong_boi_canh_chien_tra.pdf

Nội dung text: Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

  1. TRIỂN VỌNG THU HÚT FDI CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Chi1, TS. Đỗ Thị Kim Tiên2 Tóm tắt: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung bắt đầu từ đầu năm 2018 đến nay đã trải qua hơn 3 năm đối đầu căng thẳng. Cuộc chiến không khói súng này đã gây nên ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ đến nền kinh tế của hai nước Mỹ và Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Là một nền kinh tế có quan hệ hợp tác sâu rộng của cả Trung Quốc và Mỹ, đồng thời do vị trí địa lý đặc thù và nhiều nguyên nhân chủ quan khác, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cuộc chiến tranh thương mại này. Bài viết phân tích triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới trước tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Từ khóa: chiến tranh thương mại, FDI, Mỹ, Trung Quốc, triển vọng, Việt Nam OUTLOOK FOR VIETNAM’S FDI ATTRACTION IN THE CONTEXT OF THE US-CHINA TRADE WAR Summary: The US-China trade war that started in early 2018 has gone through more than 3 years of intense confrontation. This smokeless war has had a strong impact not only on the economies of the US and China, but also on many other economies around the world. As an economy with extensive cooperation relations with both China and the United States, and due to its unique geographical location and many other subjective reasons, Vietnam is one of the most affected economies from this trade war. The article analyzes the prospect of attracting FDI of Vietnam in the near future under the impact of the US-China trade war. Keywords: trade war, FDI, US, China, prospects, Vietnam 1. TOÀN CẢNH CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ- TRUNG Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung bùng nổ từ tháng 3/2018 bắt đầu từ việc Mỹ liên tiếp tuyên bố các biện pháp thuế quan nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kéo theo những tuyên bố và hành động đáp trả quyết liệt của Trung Quốc. Mặc dù đã trải qua qua nhiều cuộc đàm phán, song các nhà lãnh đạo đại diện Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cũng như đưa ra quyết định cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài hơn 3 năm qua. Kết thúc nhiệm kỳ của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước vẫn chưa đến hồi kết. Sau khi tổng thống Biden lên nắm quyền, giữa 2 nước đã diễn ra nhiều cuộc đối thoại với tần suất cao, song với thái độ cứng rắn từ lãnh đạo hai nước, cuộc chiến tranh thương mại này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc [4]. 1 Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Email: kimchidhkt36@gmail.com 2 Học viện Hành chính Quốc gia 325
  2. 326 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã gây nên những ảnh hưởng lớn, làm thay đổi tình hình phát triển kinh tế của 2 nước trong thời gian qua; đồng thời, với vị thế là hai nước dẫn đầu trong bản đồ kinh tế thế giới, cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước này cũng kéo theo những tác động mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là dòng chảy thương mại và tài chính trên thế giới. Đã có nhiều báo cáo về ảnh hưởng của các nước dưới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, trong đó nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong những nước được “hưởng lợi” nhiều nhất từ cuộc chiến tranh thương mại này. Những tăng trưởng khả quan về cán cân thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2018- 2020 phần nào chứng minh được điều này, tuy nhiên, sự “hưởng lợi” của Việt Nam trong thu hút FDI là điều cần xem xét lại. Vậy chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã tác động đến thu hút FDI của Việt Nam như thế nào? 2. ẢNH HƯỞNG CỦA CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ- TRUNG TỚI THU HÚT FDI CỦA VIỆT NAM 2.1. Ảnh hưởng tích cực Mỹ- Trung “đánh nhau” Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chính thức bắt đầu, sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã tăng lên theo từng năm. Sức hút của thị trường đầu tư Trung Quốc có thể lý giải bằng 4 nguyên nhân chính: (i) mức độ mở cửa của Trung Quốc với thế giới bên ngoài ngày càng sâu rộng, cung cấp một nền tảng tốt cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc; (ii) môi trường kinh doanh của Trung Quốc dần dần được cải thiện, hệ thống khung khổ luật pháp về đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng hoàn thiện, tính minh bạch của các chính sách trong nước đã được cải thiện đáng kể; (iii) sự tham gia tích cực của Trung Quốc vào mạng lưới thương mại tự do khu vực và quốc tế; (iv) Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn với sức hút của một đất nước 1,44 tỷ dân. Trong đó, một số đối tác đầu tư lớn của Trung Quốc có thể kể đến như Mỹ, Anh, Hồng Kông và một số quốc gia EU như Đức, Pháp, Hà Lan cùng nhiều quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại Mỹ- Trung xảy ra, những lợi thế này bị giảm dần tác dụng. Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã gây nên những bất ổn về thị trường và môi trường kinh doanh tại Trung Quốc, trong đó có thị trường chứng khoán, khiến các doanh nghiệp tại Trung Quốc khó thu hút được vốn đầu tư thông qua kênh này. Bên cạnh đó, các biện pháp phi thuế quan của Trung Quốc cũng khiến môi trường kinh doanh càng thêm bất ổn, khiến nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, gây ra xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các nước trong khu vực (chiến lược Trung Quốc +1). Các nhà đầu tư từ Mỹ nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài khác tại Trung Quốc nói chung có xu hướng chuyển hướng và mở rộng đầu tư sang các quốc gia khác để tăng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng hóa rủi ro và giảm chi phí lao động. Cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ đã đẩy các nhà đầu tư lựa chọn đặt nhà máy sản xuất ở một quốc gia khác, nơi có mức thuế quan thấp hơn, tránh việc xuất khẩu vào hai thị trường lớn Trung Quốc và Mỹ chịu ảnh hưởng. Cuộc chiến thương mại đang phát triển này sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đầu tư, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng thâm dụng lao động như quần áo, giày dép và điện tử [3]. Các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc phải tái cấu trúc chuỗi cung úng toàn cầu theo hướng giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 327 Trung Quốc và tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác trong khu vực. Xu hướng này sẽ là cơ hội lớn cho các nước trong khu vực tận dụng để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao Kết quả là giai đoạn 2018- 2019, tổng vốn FDI vào Trung Quốc từ một số đối tác đầu tư lớn đã giảm đáng kể. Một số đối tác có thể kể đến như: khu vực vốn đầu tư từ EU đã giảm từ 11.193,5 triệu USD năm 2018 xuống còn 8.073,6 triệu USD năm 2019, chủ yếu do giảm vốn đầu tư FDI từ Đức (giảm 2.016,23 triệu USD) và Pháp (giảm 217,7 triệu USD); FDI từ Anh giảm 1.624,59 triệu USD; mặc dù Mỹ là một trong hai “nhân vật chính” của cuộc chiến tranh thương mại, song mức giảm FDI từ Mỹ vào Trung Quốc có mức giảm không lớn, chỉ giảm 2,93 triệu USD [1]. Sự sụt giảm trong thu hút FDI của Trung Quốc từ những nền kinh tế này ngược lại là cơ hội cho những nền kinh tế khác. Việt Nam “hưởng lợi” Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung mang đến ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nền kinh tế khác do hiện nay thế giới đang trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi nền kinh tế đều trở thành một mắt xích trong mạng lưới kinh tế- tài chính toàn cầu. Bản thân Việt Nam cũng là một mắt xích của mạng lưới này, do đó chịu ảnh hưởng là việc không tránh khỏi. Mặt khác, cả Mỹ và Trung Quốc đều là một trong những đối tác vô cùng quan trọng của Việt Nam cả trên thị trường thương mại và đầu tư. Trung Quốc và Mỹ là hai trong số 10 nền kinh tế có tổng vốn FDI vào Việt Nam cao nhất, lần lượt chiếm 3,94% và 2,74% tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2018. Việt Nam cũng là nước láng giềng của Trung Quốc, hướng phát triển của Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng với nền kinh tế Trung Quốc những năm trước đây- dựa vào lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Việt Nam được dự đoán là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài sang các thị trường như Đông Nam Á và Ấn Độ. Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam cũng có thể là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, từ đó Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc đón đầu tư nước ngoài, thúc đẩy khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế là sau khi chiến tranh thương mại Mỹ- Trung diễn ra, nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, Anh, Nhật Bản và cả những nhà đầu tư Trung Quốc đã cân nhắc đến khả năng dịch chuyển đầu tư từ thị trường Trung Quốc sang thị trường Việt Nam. Trong những năm gần đây, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Bên cạnh những lợi thế truyền thống như vị trí địa lý chiến lược, lao động giá rẻ, nền chính trị hòa bình ổn định , Việt Nam hiện nay còn thu hút nhà đầu tư nước ngoài bởi môi trường đầu tư ngày càng năng động, cởi mở, có nhiều chính sách khuyến khích ưu đãi của chính quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc Việt Nam mới tham gia vào hai hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) sẽ giúp các nhà sản xuất tiếp cận tốt hơn các thị trường xuất khẩu lớn. Do đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến quan trọng của dòng FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Những kết quả trên phần nào được chứng minh thông qua kết quả hút FDI của Việt Nam. Giai đoạn 2018- 2020, thu hút FDI của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2018, thu hút FDI vào Việt Nam đạt 340,85 tỷ USD, đến năm 2019, tổng vốn FDI đạt 363,31 tỷ USD (tăng 22,46 tỷ
  4. 328 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI USD, tức tăng 6,59% so với năm 2018). Đến năm 2020, tổng vốn FDI tiếp tục tăng, đạt 384,04 tỷ USD (tăng 20,73 tỷ USD, tức tăng 5,71% so với năm 2019). Nhìn chung cả giai đoạn 2018- 2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 43,19 tỷ USD, tức tăng 12,67% [2] Bản thân Việt Nam vốn là môi trường đầu tư thu hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Dù không có cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến Việt Nam nhằm tận dụng các ưu đãi đó và căng thẳng thương mại chỉ là yếu tố thúc đẩy mạnh hơn quá trình này. 2.2. Ảnh hưởng tiêu cực Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung tạo cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam, song đi cùng với cơ hội này, thị trường Việt Nam phải bị động tiếp nhận không ít những ảnh hưởng tiêu cực. Xu hướng tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân quan trọng là nhằm tránh mức thuế quan nhập khẩu tới hai thị trường Trung Quốc và Mỹ thông qua việc gắn nhãn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Sự tăng lên trong thu hút đầu tư FDI mà nguyên nhân không xuất phát chủ yếu từ sức hút của môi trường đầu tư của quốc gia là sự tăng trưởng không bền vững. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể về thu hút FDI, trong đó có FDI từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Giai đoạn 2018- 2020, tổng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 5,05 tỷ USD, chiếm 12,67% tổng thu hút FDI tăng lên tại Việt Nam trong giai đoạn [2]. Tuy nhiên, ở một phương diện khác, sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng là vấn đề đáng lo ngại, bởi vì nhiều dự án FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam trước đây là các dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Nếu Việt Nam không đánh giá tốt giấy phép đầu tư, Việt Nam có nguy cơ tiếp nhận các khoản đầu tư kém về công nghệ và gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có những lo ngại về khả năng Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam là nhằm đạt được xuất xứ “Made in Vietnam”, tận dụng các FTA mới của Việt Nam để hưởng lợi về thuế và lệnh áp thuế từ Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt lên các doanh nghiệp ở Việt Nam tương tự như đối với Trung Quốc. Về cơ bản, các doanh nghiệp nước ngoài không hoàn toàn từ bỏ thị trường Trung Quốc- thị trường tiêu thụ quá lớn, trừ khi phía Trung Quốc có những chính sách gây bất lợi nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp sẽ chỉ đa dạng hóa địa điểm đầu tư để tránh những rủi ro tại thị trường này. Quá trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc về Việt Nam cũng không dễ dàng, do Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Những nước láng giềng gần Trung Quốc, có môi trường đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí hợp lý sẽ có nhiều lợi thế trong việc đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài Việt Nam, có nhiều quốc gia sẵn sàng mở cửa chào đón những doanh nghiệp này với nhiều ưu đãi, chẳng hạn như Ấn Độ, Thái Lan Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung cũng gióng hồi chuông cảnh báo về mối lo “suy thoái” đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong trường hợp xảy ra suy thoái kinh tế thế giới, sự sụt giảm trong thu hút FDI vào Việt Nam là không thể tránh khỏi.
  5. INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 329 3. TRIỂN VỌNG THU HÚT FDI VÀO VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI Mặc dù nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường Trung Quốc, song không thể phủ nhận Trung Quốc là một thị trường vô cùng quan trọng. Trung Quốc- đất nước 1,44 tỷ dân là thị trường tiêu thụ quan trọng và “tiềm năng” cho bất kỳ ngành nghề nào. Việc dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc không dễ dàng, bởi sức hấp dẫn của thị trường này là quá lớn. Hơn nữa, Trung Quốc là “công xưởng” của thế giới, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều nước trên thế giới, do đó việc rời bỏ Trung Quốc đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ phải tìm nguồn cung ứng khác, dẫn đến tăng chi phí sản xuất Song song với đó, chính bản thân Trung Quốc cũng muốn đón nhận dòng FDI- ngoại lực quan trọng đối với mọi quốc gia, bao gồm các quốc gia đang phát triển và phát triển, Trung Quốc sẽ không để bản thân trượt sâu trong tình trạng tháo rút đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian đầu diễn ra chiến tranh thương mại, song về lâu dài, sức hút của thị trường này cùng với những chính sách quyết liệt của chính phủ Trung Quốc sẽ sớm đưa thị trường đầu tư Trung Quốc sôi động trở lại. Nói cách khác, triển vọng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam, tranh thủ nguồn vốn đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chỉ có xu hướng tăng trong thời gian đầu, về lâu dài cơ hội này sẽ giảm dần. Mặt khác, chiến lược Trung Quốc+1 diễn ra không chỉ do những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Những năm gần đây, lợi thế trở thành “công xưởng” của thế giới của Trung Quốc đã không còn rõ ràng như trước đây, do mức lương bình quân của Trung Quốc đã tăng lên nhiều, Trung Quốc không còn lợi thế tuyệt đối về nguồn nhân lực giá rẻ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thay đổi chiến lược thu hút FDI những năm gần đây. Nhận thức được mặt tiêu cực của thu hút FDI, Trung Quốc không còn chủ trương thu hút FDI theo số lượng như trước đây, mà đã chuyển sang thu hút FDI chú trọng chất lượng, giảm dần các dự án FDI kém bền vững hay có tác động xấu tới môi trường. Do đó, những dự án và nguồn vốn FDI mà Việt Nam tranh thủ được từ những nhà đầu tư từ Trung Quốc trước đó chưa hẳn là những nguồn vốn có đóng góp tích cực tới sự phát triển của Việt Nam. Giai đoạn 2019-2020, đại dịch Covid bùng nổ đã ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới, GDP của nhiều quốc gia liên tục tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng (mặc dù tốc độ tăng trưởng không cao, đạt 2,91%), đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng lên. Do đó, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt với tình trạng nhiều lĩnh vực kinh tế lâm vào suy thoái, kéo theo sự luân chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng bị chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong và sau đại dịch Covid- 19. Như vậy, dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và một số thay đổi trong chiến lược phát triển của Trung Quốc và Mỹ những năm gần đây, triển vọng thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới vẫn rất khả quan, khi Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều quan trọng đối với Việt Nam lúc này là cần “nắm bắt thời cơ”, tận dụng nhanh lúc các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch vốn đầu tư khỏi Trung Quốc. Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thiện môi trường đầu tư trong nước: (i) hoàn thiện khung pháp lý
  6. 330 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; (ii) cải thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính; (iii) tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; (iv) tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và nền hòa bình, ổn định chính trị trong nước; (v) thực hiện các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam cần cẩn trọng hơn trong đánh giá dự án đầu tư, nâng cao cao năng lực đánh giá các đề xuất đầu tư nước ngoài để đáp ứng làn sóng đầu tư nước ngoài mới; việc thu hút FDI cần đảm bảo chất lượng, hướng tới thu hút FDI bền vững và FDI công nghệ cao, giảm thiểu những tác động tiêu cực trong thu hút FDI. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Niên giám thống kê Trung Quốc 2020 www.stats.gov.cn/tjsj/ndsj/2020/indexeh.htm 2. Niên giám thống kê Việt Nam 2020 3. Nguyễn Thị Xuân Thúy (2018). “Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và khả năng tác động đến công nghiệp, thương mại Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế& Phát triển số 255 tháng 9/2018. 4. US-China Relations in the Biden-Era: A Timeline (June 24, 2021)