Tự do hóa thương mại và triển vọng về công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

pdf 7 trang Gia Huy 18/05/2022 2730
Bạn đang xem tài liệu "Tự do hóa thương mại và triển vọng về công nghiệp văn hóa ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftu_do_hoa_thuong_mai_va_trien_vong_ve_cong_nghiep_van_hoa_o.pdf

Nội dung text: Tự do hóa thương mại và triển vọng về công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI VÀ TRIỂN VỌNG VỀ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở VIỆT NAM CULTURAL INDUSTRY IN THE CONTEXT OF TRADE LIBERALIZATION: PROSPECTS FOR VIETNAM Dương Trường Phúc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh duongtruongphuc@gmail.com TÓM TẮT Hội nhập khu vực và toàn cầu đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam. Quá trình này diễn ra trên nền tự do hóa thương mại biểu hiện thông qua việc Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương. Nền kinh tế quốc gia phát triển một phần nhờ vào các hiệp định đầy tham vọng đó. Với những lợi ích to lớn mà thương mại tự do mang lại, việc xác định ngành kinh tế có lợi thế là cần thiết. Bên cạnh những ngành kinh tế truyền thống đã có vị trí vững vàng trong chuỗi giá trị sản xuất, bài viết cũng đề cập đến triển vọng cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua phân tích những đặc điểm của ngành. Mặc dù cần chiến lược dài hạn để ứng phó với những thách thức của toàn cầu hóa nhưng vẫn có cơ sở để kỳ vọng về sự phát triển của ngành này trong tương lai. Từ khóa: tự do hóa thương mại, công nghiệp văn hóa, hiệp định thương mại, thuê ngoài ABSTRACT Regional and global integration has played an important role in the transition of Vietnam's economy. This process has taken place on the basis of trade liberalization, expressed through the signing of a series of multilateral and bilateral free trade agreements. Vietnam’s economy developed in part thanks to those ambitious trade agreements. With the great benefits that free trade brings, it is necessary to identify advantage economic sectors. Besides the traditional economic sectors that have been a strong position in the value chain, the paper also addresses the prospects of developing cultural industries through analyzing its characteristics. Although a long-term strategy is needed to cope with the challenges of globalization, there is a basis to expect future development of this industry. Keywords: trade liberalization, cultural industry, trade agreement, outsourcing 1. Giới thiệu Toàn cầu hóa thể hiện như một sự thay đổi cơ bản của các thể chế nhân loại trong thời đại ngày nay (Tsai 2007). Những dòng chảy và kết nối nhanh chóng hàng hóa, dịch vụ, vốn, con người, văn hóa vượt ra khỏi biên giới quốc gia đã xác định các đặc điểm cơ bản của xã hội hiện đại (Guillén 2001). Tuy vậy, những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của con người vẫn chưa được giải quyết dẫn đến sự song tồn hai trường phái tranh luận về ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến phúc lợi quốc gia và công dân. 1/ Trường phái ủng hộ: Thông qua những nghiên cứu thực nghiệm dựa trên dữ liệu thu thập trong nhiều năm đã ghi nhận toàn cầu hóa là hoạt động công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển. Mặc dù giai đoạn đầu thu nhập có sự phân hóa nhưng dần về sau sẽ hội tụ đồng nghĩa với giảm bất bình đẳng thu nhập (Firebaugh & Goesling 2004). 2/ Trường phái phê phán: Làn sóng toàn cầu hóa hiện nay gia tăng có thể gây hại cho người nghèo, đặc biệt là những người ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, mặc dù nhiều lý thuyết kinh tế dự đoán rằng thương mại làm tăng thu nhập trung bình, nhưng cũng nhấn mạnh những hậu quả của phân phối không công bằng (Owen & Wu 2007). 70
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Toàn cầu hóa, với những lợi ích nhất định vẫn song hành cùng những tiêu cực không tránh khỏi. Tuy vậy, làn sóng này là tất yếu, buộc các nước phải tham gia. Kẻ thẳng thì thịnh vượng, kẻ thua cuộc tiếp tục sa lầy trong nghèo đói. Toàn cầu hóa thúc đẩy các nước hội nhập kinh tế lẫn nhau tạo ra thị trường thương mại toàn cầu. Những năm 1980, xuất hiện những bi quan về thương mại toàn cầu, dự báo sự lặp lại điều tồi tệ của cuộc khủng hoảng kinh tế thập niên 1930. Tuy vậy, những điều xảy ra sau đó gần như thách thức toàn bộ những bi quan có vẻ hơi thái quá nếu không muốn nói sai lầm. Những năm 1990 và 2000 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại toàn cầu với sự ra đời của Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO) và hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngày nay, sự phụ thuộc và liên kết kinh tế giữa các nước khiến cho việc ký kết những hiệp định thương mại phổ biến hơn bao giờ hết. Bên cạnh sự phổ biến của FTA, một hình ảnh đơn giản khác cũng định hình thương mại toàn cầu trong những thập niên qua-container. Những chiếc thùng đồng nhất này có thể dễ dàng dịch chuyển giữa các phương tiện vận tải như xe tải, xe lửa, tàu biển và được niêm phong tại nhà máy nên thiệt hại do hành vi trộm cắp giảm mạnh, do đó làm giảm thiểu rõ rệt chi phí bảo hiểm. Từ lúc ra đời cho đến nay, giá trị của việc đóng hàng bằng container rất khó lượng hóa vì cùng lúc đó là sự suy giảm của các hàng rào thuế quan giữa các nước tham gia thương mại tự do. Một so sánh giữa hiệp định thương mại và container thấy rằng container thúc đẩy toàn cầu hóa nhiều hơn các hiệp định thương mại trong 50 năm cộng lại. Từ khi mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Một số hiệp định thương mại dưới đây là kết quả của việc Việt Nam nỗ lực không ngừng thực hiện điều đó (Xin xem bảng). Bảng 1. Một số Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang ký kết tham gia Tên hiệp định Năm Tình trạng Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) 1995 Có hiệu lực Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) 2004 Có hiệu lực Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) 2006 Có hiệu lực Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) 2008 Có hiệu lực Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA) 2009 Có hiệu lực Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) 2009 Có hiệu lực Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (JVEPA) 2008 Có hiệu lực Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Chile (VCFTA) 2011 Có hiệu lực Hiệp định Thương mại Việt-Lào 2015 Đang đàm phám Hiệp định Thương mại Tự do Việt-Hàn (KVFTA) 2015 Đang đàm phám Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu 2015 Đang đàm phám Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) 2015 Đang đàm phám Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 2018 Đang đàm phám Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) Đang đàm phám Nguồn: Tổng hợp của tác giả Các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết/đàm phán không chỉ bao gồm các vấn đề truyền thống như tiếp cận thị trường, dịch vụ thương mại và đầu tư mà còn bao gồm các lĩnh vực mới không được đề cập hoặc đề cập sâu sơn so với các hiệp định đã ký kết trong khung 71
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng khổ của WTO. Hơn nữa, các hiệp định mới thiết lập chuẩn mực quốc tế sẽ có tác động mạnh đối với các chính sách và thể chế trong nước của Việt Nam so với các hiệp định thương mại tự do trong quá khứ. Bài viết được chia làm hai phần. Phần đầu xem xét, tổng hợp chung những tác động ở cả khía cạnh cơ hội cũng như thách thức mà bối cảnh tự do hóa thương mại mang đến cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Phần sau dựa trên nền tảng của toàn cầu hóa, của tự do hóa thương mại thay vì tập trung vào các ngành kinh tế thượng nguồn như dệt may, sản xuất nông sản, bài viết lựa chọn phân tích công nghiệp văn hóa để nhìn nhận những triển vọng phát triển ở Việt Nam. 2. Nội dung 2.1. Tự do hóa thương mại: cơ hội song hành với thách thức Nền kinh tế toàn cầu ngày nay chứng kiến sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế các nước. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại đó, việc ký kết các hiệp định thương mại song phương hay đa phương ngày càng phổ biến, trở thành biểu hiện chính của hội nhập kinh tế quốc tế. Việc tham gia trở thành thành viên của hiệp định thương mại, các quốc gia được dự đoán chịu tác động tĩnh (static effect) và tác động động (dynamic effect). Sự đan xen của hai tác động này biểu hiện trong các cơ hội tạo thương mại (trade creation) và dịch chuyển thương mại (trade diversion). Tác động từ việc tạo thương mại (cái mới) và dịch chuyển thương mại (cái cũ với đối tác mới) sẽ gia tăng quan hệ thương mại giữa các nước thành viên tham gia FTA. Trong ngắn hạn, FTA có thể mang đến một số lợi ích/cơ hội cho Việt Nam nhưng còn trong dài hạn thì chưa chắc chắn. Lợi ích/cơ hội là rất lớn nhưng rủi ro đi kèm là không thể xem nhẹ, nếu các cam kết không được thực hiện một cách cẩn trọng, nhiều lợi ích tiềm tàng của các hiệp định có thể bị bỏ qua. Tuy vậy, những lợi ích/cơ hội mà FTA mang lại sẽ hướng Việt Nam trở thành một nền kinh tế cạnh tranh và sáng tạo hơn vượt cả phạm vi khu vực Đông Nam Á. Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển: Về kinh tế, tự do hóa thương mại đặt tình thế các quốc gia cần có chiến lược phát triển kinh tế hợp lý, hướng nguồn lực đến các ngành có lợi thế so sánh và cạnh tranh hấp dẫn trên thị trường hàng hóa thế giới. Về xã hội, thương mại tự do toàn cầu mang đến cơ hội lớn nhất để cải thiện phúc lợi của những công dân nghèo nhất của thế giới, thậm chí còn có thể làm tăng gấp đôi thu nhập trung bình tại những khu vực nghèo nhất trên thế giới trong 15 năm tới (Lomborg 2016). Hơn nữa, toàn cầu hóa kinh tế được chứng minh là sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em và kéo dài tuổi thọ, nhờ tăng thu nhập và thông tin tốt hơn (Owen & Wu 2007). Về môi trường, theo một nghiên cứu học thuật thì “thương mại tự do tốt cho môi trường” (Antweiler et al. 2001). Sự thật là cứ mỗi 10,0% tăng trưởng sản xuất dẫn tới 2,5–5,0% ô nhiễm thì thu nhập cao hơn từ sản lượng này sẽ thúc đẩy những công nghệ tốt hơn và các quy định nghiêm ngặt hơn, và như vậy lại làm giảm ô nhiễm 12,5–15,0%. Tổng cộng, cứ mỗi 10% thu nhập tăng lên sẽ dẫn đến giảm 10% ô nhiễm (Frankel & Rose 2005). Do đó, tham gia vào thị trường thương mại hoàn toàn được kỳ vọng có thể giúp quốc gia tăng trưởng và phát triển. Mở rộng thị trường và cạnh tranh: Các hiệp định thương mại tự do khi ký kết buộc các thành viên phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước thành viên nhằm mở rộng sản xuất và gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, sự cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà cũng tạo ra động lực và sức ép để những doanh nghiệp này đổi mới hoạt động sản xuất trước sự tấn công từ doanh nghiệp nước ngoài. Việc tham gia FTA tạo ra thị trường lớn hơn đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội đầu tư từ các nước trong FTA nói riêng và ngoài FTA nói chung. Thúc đẩy cải cách trong nước: Hội nhập kinh tế bằng tham gia thương mại tự do được nhìn nhận có liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng thể chế của một xã hội, tạo thành yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế (Rodrik et al. 2004). Trong một FTA có sự tham gia giữa nước phát triển và đang phát triển. Một trong những khác biệt giữa hai nhóm nước này trong hệ quy chiếu thương mại tự do đến từ sự hoàn thiện thể chế nhà nước và pháp luật dành cho môi trường kinh tế-chính trị. Đồng thuận và đòi hỏi một chuẩn mực và tiêu chí chung là mục tiêu các nước hướng đến nhưng phần nhiều các nước đang phát triển khó khăn trong việc 72
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đáp ứng những yêu cầu từ đối tác là các nước phát triển. Trong sân chơi thương mại, các nước có vị thế lớn tham gia vào FTA còn nhằm mục tiêu thúc đẩy cải cách ở các nước đối tác hoặc định ra “quy tắc” trong sân chơi này. Thúc đẩy an ninh kinh tế: Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 bắt đầu tại Thái Lan, nơi không phải là trung tâm tài chính quốc tế, lan rộng toàn cầu đã dấy lên một hồi cảnh tỉnh về sự hợp tác lỏng lẻo và yếu kém về thể chế giữa các nước vô hình chung đẩy khủng hoảng dâng cao. Thời đại toàn cầu hóa thúc đẩy hơn nữa hợp tác dựa trên những bước đi thích hợp và FTA là lựa chọn hàng đầu cho những hợp tác song phương và đa phương, làm nền tảng để tăng cường những hợp tác sâu rộng hơn nữa. Tăng cường vị thế quốc gia: Hơn 2/3 các quốc gia trên Thế giới là những nước có diện tích nhỏ và dân số ít. Phần lớn những quốc gia này chẳng những không có ảnh hưởng đến tình hình thế giới mà còn đối diện nguy cơ gạt ra bên lề của dòng chảy phát triển. Chính vì lẽ đó, xu thế về chủ nghĩa khu vực nổi lên như cách thức nâng cao vị thế và làm nổi bật sự hiện diện của những nước này trên bản đồ thế giới. Nếu cùng nhau thành lập một tổ chức khu vực, các nước này dễ dàng tìm thấy sự chú ý của các nhà đầu tư, đó thực sự là bước đi đầu quan trong cho tiến trình nâng tầm quốc gia. Thế nhưng mà, Thực tế là xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu cộng với những hạn chế về quy tắc xuất xứ của một số hiệp định thương mại tự do có thể khiến cho Việt Nam bị hạn chế trong việc tối đa hóa lợi ích của thương mại tự do. Việt Nam cũng phải đối mặt với khả năng hạn chế trong việc tiếp thu và tiếp nhận các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn do thiếu các doanh nghiệp được kết nối toàn cầu tham gia vào chuỗi giá trị cao, chi phí hậu cần (logistics cost) cao, cơ sở hạ tầng đường bộ, điện, cảng, và dịch vụ hậu cần yếu kém. Môi trường hậu WTO là bằng chứng cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đặc biệt trong các lĩnh vực chế tạo và lắp ráp được đẩy mạnh chỉ vài năm sau khi ký kết hiệp định. Điều quan trọng là các vấn đề đằng sau biên giới. Những thách thức đó bao gồm nhu cầu cần cải thiện khả năng kết nối để hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu và giảm chi phí thương mại. Đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động là một thách thức nữa khi triển khai hiệp định thương mại. Hầu hết các yêu cầu về kỹ năng lao động chỉ ở mức thấp hoặc trung bình, thường là nữ giới, qua đó tạo việc làm cho một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là lực lượng lao động ở nông thôn, hỗ trợ chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp. 2.2. Công nghiệp văn hóa/sáng tạo: những triển vọng nào cho Việt Nam? Với Việt Nam, ngành dệt may và sản xuất nông sản (gạo, cà phê, thủy sản) được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định thương mại tự do mặc dù khả năng tận dụng các lợi ích này có thể bị suy giảm bởi một thực tế là các ngành này đều tập trung vào các phân đoạn với giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs), dựa vào lao động tay nghề thấp với chi phí rẻ. Sự chuyển hướng về nhận thức tạo ra của cải và sức mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa cho thấy kinh tế tri thức và sáng tạo đang dần tạo ra những sức mạnh to lớn. Một trong những trọng tâm của khu vực kinh tế này là công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo hay công nghiệp sáng tạo văn hóa. Khái niệm công nghiệp văn hóa xuất hiện lần đầu tại Hoa Kỳ và được xây dựng, hoàn thiện tiếp tục bởi các học giả Tây phương. Đến cuối thế kỷ XX, khi nền văn hóa đại chúng phổ biến rộng rãi thì cũng là lúc công nghiệp văn hóa được nhận thức đầy đủ hơn về lý thuyết và thực tiễn thông qua sự kiện tháng IV/1998 của Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động văn hóa tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển (Đoàn Minh Huấn & Nguyễn Ngọc Hà 2014). Ở các nước Anh, New Zealand, Singapore sử dụng khái niệm “công nghiệp sáng tạo” (creative industries) và xem ngành kinh tế này có tiềm năng tạo ra của cải dựa trên những hoạt động sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu cá nhân do vậy trở thành một phần trong chính sách kinh tế quốc gia. Ở Australia, Đài Loan sử dụng khái niệm “công nghiệp văn hóa và sáng tạo” (cultural and creative industries) với hàm ý nhấn 73
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng mạnh sự sáng tạo trong ngành công nghiệp văn hóa vì tự do sáng tạo là bản chất của văn hóa, nghệ thuật. Mặc dù có sự khác biệt, nhưng dù ở góc độ nào, khái niệm về công nghiệp văn hóa đều bao hàm các yếu tố: công nghiệp, sáng tạo, khai thác từ phi vật thể và văn hóa, bảo vệ bằng luật và thể hiện dưới dạng sản phẩm hay dịch vụ (Trương Thị Kim Chuyên et al. 2016). Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa ra đời và gắn liền với sự phát triển của nền văn hóa đại chúng, dần sản xuất theo phương thức của ngành công nghiệp truyền thống kết hợp với văn hóa nghệ thuật có sự tham gia của công nghệ. Sự sáng tạo, tính năng động trong kinh doanh kết hợp với tiến bộ của công nghệ tạo nên giá trị và thương hiệu cũng như mức độ phổ biến của các sản phẩm công nghiệp văn hóa (Trương Thị Kim Chuyên et al. 2016). Công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với những đặc trưng như sản xuất theo cụm, mạng lưới liên kết, thị trường và lao động, chính thể địa bàn đang có tầm quan trọng trong nền kinh tế quốc dân cũng như mẫu hình của ngành kinh tế hiện đại. Phương thức sản xuất: Sự hợp tác trong các hợp phần cấu thành của các ngành công nghiệp văn hóa thường không bền vững bởi vì các nhà sản xuất luôn không ngừng tìm kiếm sự mới lạ từ lực lượng lao động sáng tạo (Gil & Spiller 2007). Do vậy, sản xuất theo cụm (cluster) được sắp xếp nhằm tận dụng lợi thế của tính tích tụ kinh tế theo khối tập trung (agglomeration economy). Bên cạnh đó, cụm sản xuất đóng vai trò cực tăng trưởng việc làm, thu hút nhiều lao động địa phương có xu hướng lan tỏa và giảm dần theo khoảng cách đi lại (Trương Thị Kim Chuyên et al. 2016). Các nhóm công việc từ các cụm tạo thành mắc xích trong chuỗi mạng lưới hội tụ trên địa bàn cụ thể không chỉ làm giảm chi phí giao dịch mà còn tăng sự phụ thuộc phi thương mại lẫn nhau. Điều này đảm bảo được yếu tố lợi nhuận, kích thích sáng tạo và phần nào đó kiến tạo nên những sản phẩm mới không ngừng. Mạng lưới liên kết: Những mối liên kết trong ngành công nghiệp văn hóa là những mối liên kết có tính linh hoạt cao. Mối liên kết này có tính chất tạm thời được thực hiện giữa các công ty đảm nhận những vai trò khác nhau trong chuỗi sản xuất dự án sáng tạo nhất định. Đặc trưng của ngành cho thấy trao đổi thông tin không qua cơ chế mặt đối mặt (face to face) có thể dẫn đến tình trạng bán tính bán nghi bởi thông tin không chỉ truyền đạt theo cách thông thường mà còn phải điều chỉnh dựa trên thái độ, phong cách, cử chỉ Vì vậy việc thuê ngoài (outsourcing) thường khó được thực hiện ở những hợp phần có giá trị cao đặc biệt trong các giao dịch đòi hỏi yếu tố khả kiến (Wenting 2008). Thị trường, lao động và đào tạo: Các đô thị lớn và cực lớn thường là nơi tích tụ mức độ cao các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia có chức năng tạo ra việc làm và nơi sinh sống cho giới sáng tạo. Lực lượng lao động này có thể là nhân viên của một công ty hoặc nhiều công ty, làm việc trong nhóm đa dạng để kích thích sáng tạo cá nhân và tập thể. Đồng thời lao động trong ngành này cũng đối mặt với rủi ro hệ thống do thị hiếu và thị trường biến động thường xuyên. Do vậy, để tránh né rủi ro, lao động trong ngành công nghiệp văn hóa thường dành thời gian đáng kể ở bên ngoài nơi làm việc để thiết lập các chiến lược nhằm duy trì lợi thế trong thị trường lao động địa phương (Scott 1998). Chính vì thế, công nghiệp văn hóa luôn được hỗ trợ bởi hệ thống hạ tầng tương ứng và cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, cung ứng lao động phù hợp nhu cầu địa phương. Chính thể địa bàn: Ở địa điểm cụ thể của hoạt động công nghiệp văn hóa, mối quan hệ giữa các lĩnh vực là khó tách rời. Đồng thời, mật độ dân số cao gắn liền với công nghiệp văn hóa ngày càng được ưa chuộng bởi nhân viên trẻ, độc thân và sáng tạo (Watson et al. 2009). Nếu trước đây, tính địa bàn gắn chặt với các sản phẩm công nghiệp văn hóa thể hiện thông qua việc khó dịch chuyển sản phẩm hoặc thuê ngoài các công đoạn sản xuất thì ngày nay với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ truyền thông đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong quá trình lưu chuyển trên thế giới thách thức lại yếu tố địa lý. Thông qua cách tiếp cận này, các công ty xuyên/đa quốc gia (TNCs/MNCs) có xu hướng thiết lập các chi nhánh hoặc thuê ngoài gia công một số công đoạn bởi các nhà sáng tạo ở nước khác với chi phí thấp hơn. Việc phát triển công nghiệp văn hóa ở các nước đang phát triển như Việt Nam đòi hỏi một chiến lược lâu dài và phải đối mặt với những thách thức của toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, các FTA mới có tiềm năng 74
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng mang lại ưu đãi cho việc sáng tạo giá trị và nâng cấp các ngành công nghiệp văn hóa trong nước thông qua (i) thu hút FDI và các tác động lan tỏa; (ii) ngành sản xuất trong nước nâng cấp từ sự chủ động tham gia vào GVCs, và sau đó, sự tham gia vào GVCs sẽ chuyển thành phát triển bền vững; và (iii) tái cấu trúc chuỗi giá trị trong nước nhằm tăng cường giá trị gia tăng nội địa và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Do đó, từ những tác động của FTA cũng như đặc điểm của ngành công nghiệp văn hóa đã phân tích vẫn nhận thấy những triển vọng to lớn cho việc phát triển ngành ở các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Huế 3. Kết luận Toàn cầu hóa biểu hiện thông qua tự do hóa thương mại, ký kết hiệp định thương mại tự do đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển. Những cơ hội/lợi ích to lớn mà FTA mang lại song hành với những thách thức có nguồn gốc nội tại và ngoại sinh đòi hỏi các quốc gia cần có chiến lược thích hợp để tận dụng và ứng phó. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, việc xác định ngành chủ lực để tận dụng tốt nhất những cơ hội luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia như Việt Nam. Bên cạnh những ngành chủ lực có vị trí vững vàng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia thì việc nhìn nhận những triển vọng cho ngành mới như công nghiệp văn hóa là cần thiết. Những cụm ngành công nghiệp văn hóa có hợp phần và hoạt động khác nhau. Trong đó, một số hợp phần tập trung ở chính thể địa bàn, gắn liền với giới sáng tạo với những mối quan hệ phi thương mại hóa. Điều này vừa tạo nên tính đặc trưng vừa tạo nên tính cạnh tranh của ngành. Và trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, khả năng thuê ngoài đã cải thiện rất nhiều so với trước được nhiều TNC áp dụng tạo ra những dòng chảy đầu tư trực tiếp (FDI) và giản tiếp (FII) đến những nước đang phát triển. Điều đó, gợi mở về việc tận dụng những dòng vốn này để tăng trưởng việc làm cũng như học hỏi kinh nghiệm, phương thức sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa thông qua giao tiếp đa văn hóa của các chủ thể tham gia vào quá trình thuê ngoài để cùng với tác động của FTA phát triển vượt bậc công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong một tương lai không xa./. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Antweiler, W., Copeland, B.R. & Taylor, M.S., 2001. Is free trade good for the environment? American Economic Review, 91(4), pp.877–908. [2] Đoàn Minh Huấn & Nguyễn Ngọc Hà, 2014. Công nghiệp văn hóa. Tạp chí Lý luận chính trị, 12, pp.1– 8. [3] Firebaugh, G. & Goesling, B., 2004. Accounting for the recent decline in global income inequality. American Journal of Sociology, 110(2), pp.283–312. [4] Frankel, J.A. & Rose, A.K., 2005. Is trade good or bad for the environment? Sorting out the causality. Review of Economics and Statistics, 87(1), pp.85–91. [5] Gil, R. & Spiller, P.T., 2007. The organizational dimensions of creativity: Motion picture production. California Management Review, 50(1), pp.243–260. [6] Guillén, M.F., 2001. Is globalization civilizing, destructive or feeble? A critique of five key debates in the social science literature. Annual Review of Sociology, 27(1), pp.235–260. [7] Lomborg, B., 2016. The Free-Trade Miracle. Project Syndicate. Available at: [Accessed February 12, 2019]. [8] Owen, A.L. & Wu, S., 2007. Is trade good for your health? Review of International Economics, 15(4), pp.660–682. [9] Rodrik, D., Subramanian, A. & Trebbi, F., 2004. Institutions rule: The primacy of institutions over geography and integration in economic development. Journal of economic growth, 9(2), pp.131–165. [10] Scott, A.J., 1998. Multimedia and digital visual effects: An emerging local labor market. Monthly Labor 75
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Review, 121(3), pp.30–38. [11] Trương Thị Kim Chuyên, Châu Ngọc Thái & Hồ Kim Thi, 2016. Công nghiệp văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa: Những gì có thể và không thể dịch chuyển. Tạp chí Văn hóa và nguồn lực, 3(7), pp.1–12. [12] Tsai, M.C., 2007. Does globali zation affect human well-being? Social Indicators Research, 81(1), pp.103–126. [13] Watson, A., Hoyler, M. & Mager, C., 2009. Spaces and networks of musical creativity in the city. Geography Compass, 3(2), pp.856–878. [14] Wenting, R., 2008. The Evolution of a Creative Industry: The industrial dynamics and spatial evolution of the global fashion design industry, Utrecht University, Geomedia. 76