Ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng

pdf 10 trang Gia Huy 18/05/2022 2250
Bạn đang xem tài liệu "Ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfung_dung_thuong_mai_dien_tu_de_day_manh_xuat_khau_cua_tinh_c.pdf

Nội dung text: Ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng

  1. ỨNG DỤNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐỂ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU CỦA TỈNH CAO BẰNG 应用电子贸易以推动高平省的出口活动 PGS,.TS Đàm Gia Mạnh Trường Đại học Thương mại 商业大学博士.副教授 谈佳孟 Tóm tắt Những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Cao Bằng có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu, trước sức ép rất lớn từ việc mở cửa thị trường, để duy trì và mở rộng hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản của tỉnh Cao Bằng, việc tham gia thương mại điện tử để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu là cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển. Ngày nay, khi các nhà nhập khẩu trên thế giới đang thường xuyên tìm kiếm bạn hàng thông qua Internet, thì Internet đã trở thành công cụ hữu ích trong việc tìm kiếm đối tác và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, sử dụng Internet và thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong kinh doanh hiện nay. Bài viết phân tích vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động xuất khẩu, đánh giá thực trạng ứng dụng thương mại điện tử tại tỉnh Cao Bằng và trong các đơn vị xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng thời gian tới. Từ khoá: Cao Bằng, đẩy mạnh, thương mại điện tử, xuất khẩu. 摘要 这些年来,高平省的进出口总额增幅显著。然而,在全球贸易竞争的背 景下,遭受市场对外开放的压力,为了维持并扩大出口活动,特别是高平省农产品的 出口活动,参加电子贸易以提高企业,特别是出口企业的竞争力,成为企业存在与发 展的急迫事项。 当今,世界进口商经常通过因特网寻找合作伙伴,使因特网成为企业寻找伙伴 和经营利润的有效工具。因此,因特网和电子贸易的应用是当前商务的必要趋向。本 文分析电子贸易在出口活动中所起的作用,评价高平省及其企业对电子贸易的应用状 况。从而,提出应用电子贸易以推动高平省在今后时间的出口活动的若干措施。 关键词:高平省,推动,电子贸易,出口 690
  2. 1. Mở đầu Hiện nay, hàng hóa nông sản của Việt Nam phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc bởi hai nước có đường biên giới trải dài qua 7 tỉnh với nhiều cặp cửa khẩu, điểm thông quan, lối mở thông thương, tạo ra sự thuận lợi tự nhiên cho việc xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch. Nhưng lợi thế này chưa được khai thác hết. Giao dịch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ tập trung ở một số cửa khẩu quen thuộc, chủ yếu theo tập quán thương mại biên giới, thiếu tính ổn định, thiếu sự ràng buộc giữa các bên theo thông lệ quốc tế dẫn đến rủi ro cao [4]. Cao Bằng có đường biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 333 km, có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, 3 cặp cửa khẩu chính (Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn) và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở trên biên giới, tạo ra nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu. Những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Cao Bằng khá ấn tượng (Năm 2009, mới đạt 300 triệu USD, đến năm 2014 con số này lên tới 1,5 tỷ USD) [7]. Tuy nhiên, để công tác xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản của Cao Bằng phát triển, ngoài việc giải quyết các bất cập trong công tác quản lý, dự báo và định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước; các cơ chế chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, nông sản hợp lý nhằm hạn chế phát sinh thiệt hại cho nông dân; đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản sau thu hoạch thì các doanh nghiệp và thương nhân cũng cần thay đổi phương thức kinh doanh, từ buôn bán hàng theo kiểu bạn hàng truyền thống kinh doanh tiểu ngạch sang phương thức kinh doanh chính ngạch có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế, để giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Trước sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế toàn cầu, để duy trì và mở rộng hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã biết cùng liên kết với các doanh nghiệp trên thị trường khác để phát triển các sản phẩm hoặc công nghệ sản xuất mới; đồng thời đã bước đầu ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Trong bối cảnh hiện nay, khi các nhà nhập khẩu trên thế giới đang thường xuyên tìm kiếm bạn hàng thông qua Internet, thì Internet đã trở thành công cụ tìm kiếm đối tác và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Sử dụng Internet là xu hướng tất yếu trong kinh doanh hiện nay. Ở nước ta, bên cạnh các kênh giao thương truyền thống, nhiều doanh nghiệp đã tập trung dùng TMĐT để quảng bá, xúc tiến xuất khẩu. Ngoài hiệu quả quảng bá, xúc tiến xuất khẩu, kênh này còn mang lại hiệu quả về mặt chi phí và rất phù hợp với tiềm lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Có thể nói rằng TMĐT đã trở thành cầu nối để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu online, vì vậy, việc tham gia TMĐT để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong đó có các doanh nghiệp của tỉnh Cao Bằng. 2. Vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu Hoạt động kinh doanh xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng có các công đoạn chính là quảng cáo, xúc tiến giới thiệu sản phẩm; lựa chọn đối tác; giao dịch đàm phán và ký kết hợp đồng. Trong hoạt động này, các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Trong bối cảnh hiện nay, để duy trì và mở rộng hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp thường tập trung cho hai chiến lược chính là: (1) Đảm bảo chất lượng và tiến độ các đơn hàng với các khách hàng hiện tại, và (2) Luôn duy trì hoạt động 691
  3. xúc tiến, marketing để có thêm các nguồn khách hàng mới. Trong đó việc mở rộng thêm nguồn khách hàng mới luôn là thách thức lớn đối với mọi doanh nghiệp, xét cả về yếu tố thời gian và chi phí. Trên thực tế, trong hoạt động xuất nhập khẩu có sự bất cập là cả 2 phía xuất và nhập đều gặp trở ngại trong việc tìm đối tác; để có thể gặp gỡ được đối tác mong đợi, cả 2 phía đều mất thời gian và chi phí tương đối lớn. Theo thống kê của Aberdeen Group [2], theo cách làm truyền thống, các nhà nhập khẩu thường mất phần lớn thời gian để tìm kiếm đối tác, cụ thể là: 52% thời gian được dành cho việc tìm kiếm và xác định nhà cung cấp phù hợp, Một chu kỳ tìm kiếm nguồn cung ứng với các khâu: Tìm kiếm/Nghiên cứu; Đánh giá; Đàm phán; Giao dịch như vậy thường mất trung bình từ 3,3 đến 4,2 tháng. Hiện nay, nhờ TMĐT, với những ưu điểm nổi trội của phương thức này trong việc tối ưu hoá quá trình sản xuất kinh doanh và đặc biệt là trong việc tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường, các nhà xuất, nhập khẩu đã rút ngắn được thời gian tìm kiếm đối tác xuống rất nhiều, qua đó tiết kiệm chi phí và thời gian trong giao thương. Nói khác đi, quá trình tìm kiếm nguồn cung ứng truyền thống đã hoàn toàn biến đổi sau khi Internet và TMĐT trở nên phổ biến. Do đó, để tiếp cận được nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp ngày nay cần đặc biệt lưu tâm đến việc quảng bá và tiếp cận đối tác qua Internet, ứng dụng TMĐT một cách triệt để. Những năm trở lại đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước Trung Đông và châu Phi có bước tiến đáng kể, một phần là nhờ các doanh nghiệp đã tiếp cận đối tác thông qua TMĐT. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần nắm bắt thông tin và nhu cầu của các đối tác chủ động hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu cao nhất của đối tác, nâng khả năng hợp tác thành công và hiệu quả của doanh nghiệp. Đồng thời, để tạo cơ hội xuất khẩu cho những doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu, tham gia vào TMĐT là một nhu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập nền kinh tế quốc tế như hiện nay . Nhu cầu tìm kiếm thông tin của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, rất nhiều nhưng hiện có rất ít trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan một cách kịp thời và đầy đủ. Theo đánh giá của các doanh nghiệp được khảo sát bởi Bộ Công Thương trong những năm vừa qua [1], có trên 50% doanh nghiệp cho thấy tham gia sàn giao dịch TMĐT đạt hiệu quả cao và rất cao. Chỉ có dưới 10% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả thấp hoặc rất thấp. Các doanh nghiệp cũng cho biết chi phí đầu tư cho TMĐT chỉ chiếm khoảng 5% tổng đầu tư nhưng doanh thu qua đó chiếm trên 30% tổng doanh thu. Trong các năm gần đây, doanh nghiệp cho biết doanh thu từ TMĐT đang tăng dần lên, có trên 60% doanh nghiệp đánh giá TMĐT đã giúp tăng doanh thu của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: trong giai đoạn hiện nay, "các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam cần thiết và nên sử dụng kênh TMĐT để thể hiện năng lực xuất khẩu của mình” (Hội thảo “Cơ hội xuất khẩu đến thị trường APEC và châu Phi qua TMĐT”). 3. Thực trạng và một số vấn đề đặt ra cho ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng Trong những năm qua, cùng với cả nước hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có nhiều khởi sắc. Theo Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh [5], thực hiện Quyết định số 2181/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển 692
  4. thương mại điện tử tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015, TMĐT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Có thể đánh giá chung về tình hình ứng dụng TMĐT tại tỉnh Cao Bằng hiện nay và một số vấn đề đặt ra cho việc ứng dụng TMĐT để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu qua tỉnh Cao Bằng thời gian tới như sau: Thứ nhất. Về nhận thức, mức độ sẵn sàng cho ứng dụng TMĐT Ứng dụng TMĐT đã trở thành nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp xuất khẩu qua Cao Bằng. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đều khẳng định ứng dụng TMĐT có tầm quan trọng và cần thiết. Nhận thức về vị trí, vai trò cũng như những lợi ích của TMĐT đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay của cán bộ, công chức, của cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng cao Đến nay, hầu hết các cơ quan của nhà nước, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai ứng dụng được nhiều phần mềm và kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. UBND tỉnh xây dựng Cổng Thông tin điện tử; hầu hết các Sở, Ngành đã xây dựng được Trang thông tin điện tử riêng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh trên internet và triển khai ứng dụng TMĐT một cách hiệu quả Lĩnh vực viễn thông, interrnet trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt tốc độ phát triển, cơ sở hạ tầng mạng lưới rộng khắp trên toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và internet có chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú đa dạng phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp Điều đó đã tạo tiền đề cho việc phát triển CNTT và thúc đẩy TMĐT phát triển mạnh trong thời gian tới. Một số doanh nghiệp đã có bộ phận chuyên trách về CNTT và TMĐT. Hầu hết nhân viên của các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng máy tính trong công việc. Đây là một điều kiện tốt để doanh nghiệp có thể ứng dụng hiệu quả TMĐT. Mục đích sử dụng Internet của các doanh nghiệp xuất khẩu khá đa dạng, bao gồm hầu hết các khả năng của Internet. Nhiều doanh nghiệp đã có mạng LAN, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa kết nối Internet. Thứ hai. Về tình hình ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp xuất khẩu Số liệu khảo sát mức độ ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho thấy các đơn vị, doanh nghiệp tham gia mua bán, trao đổi trên mạng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Các doanh nghiệp đã từng bước tiếp cận với việc quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình trên mạng internet. Qua TMĐT, các doanh nghiệp đã có nhiều cơ hội quảng bá thương hiệu của mình được sâu rộng hơn, cả trong và ngoài nước. Các hình thức mua bán, trao đổi qua internet đã từng bước phát triển và dần trở nên quen thuộc đối với các doanh nghiệp và một bộ phận người tiêu dùng ở tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, hiện nay số doanh nghiệp đã hoặc đang có dự án hay chiến lược về phát triển và ứng dụng TMĐT chưa nhiều. Một số doanh nghiệp đã tham gia các sàn giao dịch TMĐT. Đây là một hướng đi đúng trong ứng dụng TMĐT hiện nay, khi số người sử dụng Internet trong giao thương còn ít. Vẫn còn một số doanh nghiệp chưa có website riêng. Với các doanh nghiệp có website thì chủ yếu sử dụng để quảng bá, giới thiệu về doanh nghiệp và để giới thiệu về sản phẩm 693
  5. dịch vụ, số doanh nghiệp sử dụng website để giao dịch TMĐT còn ít. Các website của doanh nghiệp xuất khẩu đều hướng tới khách hàng là doanh nghiệp, chưa chú ý đến các đối tượng khách hàng khác. Trong giao dịch với các đối tác: gần 100% doanh nghiệp sử dụng email. Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng chủ yếu email, fax và điện thoại để nhận đơn đặt hàng. Số doanh nghiệp sử dụng website để nhận đơn đặt hàng còn thấp. Đây cũng là một vấn đề cần quan tâm trong ứng dụng TMĐT. Hình thức giao hàng trực tuyến mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, thể hiện ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp xuất khẩu hiện còn ở mức rất thấp. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến còn nhiều trở ngại đối với doanh nghiệp. Thứ ba. Về hiệu quả ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp xuất khẩu Số liệu điều tra của Bộ Công Thương [1] cho thấy 80% số doanh nghiệp dành tỷ lệ trên 5% tổng chi phí hoạt động thường niên đầu tư cho TMĐT. Chỉ 20% doanh nghiệp đầu tư cho TMĐT trên 15%, nhưng lại có đến trên 60% số doanh nghiệp có doanh thu từ TMĐT trên tổng doanh thu trên 15% và có trên 60% tăng trưởng doanh thu qua kênh TMĐT so với năm trước. Có thể coi đây là một minh chứng cho hiệu quả của ứng dụng TMĐT. Trong việc triển khai ứng dụng TMĐT hiện nay, không có trở ngại nào lớn đối với doanh nghiệp, nhưng mọi tiêu chí liên quan đều gặp trở ngại. Như vậy, để có thể ứng dụng TMĐT cần phải triển khai đồng thời nhiều biện pháp. Bảng 1 dưới đây là kết quả cụ thể từ cuộc điều tra về tác dụng của chiến lược ứng dụng TMĐT đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Bảng 1. Tác dụng của ứng dụng TMĐT đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (Mức 4 là mức hiệu quả cao nhất) Mở rộng Tăng Thu hút Xây dựng Tăng Giảm Tăng khả kênh tiếp hiệu quả Mức KH mới hình ảnh doanh chi phí năng cạnh xúc KH hoạt (%) DN (%) số (%) (%) tranh (%) (%) động (%) 0 3,23 0,00 3,23 6,45 3,23 6,45 3,23 1 9,68 12,90 9,68 9,68 6,45 6,45 16,13 2 19,35 9,68 3,23 29,03 41,94 19,35 12,90 3 25,81 32,26 35,48 12,90 22,58 35,48 22,58 4 41,94 38,71 41,94 32,26 19,35 22,58 35,48 Bảng trên cho thấy: Mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng hiện có và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp là 2 tiêu chí được các doanh nghiệp cho là có hiệu quả cao trong ứng dụng TMĐT. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Tuy nhiên, phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế như [5]: (1) Nguồn nhân lực dành cho TMĐT tại các doanh nghiệp còn hạn 694
  6. chế; hầu hết doanh nghiệp chưa có người chuyên trách về CNTT và TMĐT, chủ yếu là kiêm nhiệm. Mặt khác, việc triển khai ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển của chung của tỉnh. Mặc dù các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều giải pháp trong hệ thống thanh toán, quản lý doanh nghiệp và các dịch vụ trong TMĐT, nhưng nhìn chung việc triển khai ứng dụng CNTT và TMĐT còn ở mức độ thấp. (2) Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán, phương thức thanh toán. (3) An toàn bảo mật thông tin khi kinh doanh trên môi trường mạng là một vấn đề gây trở ngại lớn đối với doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại, chưa chủ động tìm ra những giải pháp an ninh cho toàn mạng nói chung hay TMĐT nói riêng. (4) Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT và TMĐT mặc dù được thường xuyên, nhưng nội dung vẫn còn chưa đáp ứng được hết yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của tình hình mới. Tóm lại, có thể nhận định về tình hình thực tế ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp của tỉnh Cao Bằng hiện nay là: Hầu hết các doanh nghiệp đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của triển khai ứng dụng TMĐT và đã từng phần ứng dụng TMĐT, nhưng để lựa chọn được một mô hình và bước đi phù hợp cho việc ứng dụng thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp cho việc ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng hiện là vấn đề bức thiết. 4. Một số giải pháp ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp của tỉnh Cao Bằng để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu Trong quá trình ứng dụng TMĐT, một mặt, các doanh nghiệp nên dùng các site TMĐT uy tín, có thương hiệu, đã phát triển chuyên nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đầu tư cho nhân sự và dịch vụ thực hiện e-marketing để quảng bá và xúc tiến thương mại tốt hơn; đồng thời, trong xúc tiến thương mại doanh nghiệp nên có xu hướng kết hợp giữa online và offline (truyền thống) để tối ưu hóa hoạt động quảng bá. Trên thực tế, việc triển khai TMĐT cho doanh nghiệp rất khó có thể rập khuôn theo các mô hình có sẵn mà phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, loại hình kinh doanh, trình độ đội ngũ, cơ sở vật chất, khả năng tài chính. Mỗi doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu và tự lựa chọn cho mình các mô hình phù hợp để có thể ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả. 4.1. Lựa chọn mô hình TMĐT cho các doanh nghiệp xuất khẩu Để tham gia TMĐT phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn: dùng công cụ tìm kiếm; thiết kế website riêng; tham gia các site của Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ; đặc biệt là tham gia các sàn TMĐT B2B có uy tín. Đánh giá theo từng kênh TMĐT khác nhau, chúng ta thấy: - Dùng công cụ tìm kiếm để quảng bá cho hoạt động của doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp có nhiều người truy cập, do đó có thể có thêm đối tác. Tuy nhiên, đây không phải là kênh có nhiều dữ liệu về nhà nhập khẩu và cũng không tạo nên vị thế nhà cung cấp uy tín cho doanh nghiệp. Mặt khác, kênh này không có hỗ trợ trực tuyến nên không là môi trường thuận lợi cho việc giao dịch. - Thiết kế website riêng: Với website riêng, doanh nghiệp có thể có được một kênh xúc tiến thương mại quan trọng nhưng để thu hút được nhiều người sử dụng cần phải có nhiều 695
  7. biện pháp đi kèm. Mặt khác để tạo được một website hiệu quả doanh nghiệp còn cần phải có một đội ngũ CNTT tốt, chấp nhận chi phí để quảng bá và duy trì website, mặt khác, việc hỗ trợ kinh doanh trực tuyến qua website riêng cũng là một vấn đề không nhỏ. - Tham gia các site của chính phủ, các tổ chức hỗ trợ, các danh bạ: Các site của các tổ chức hỗ trợ, của chính phủ có ưu điểm là có thể mang lại uy tín cho doanh nghiệp nhưng lại có nhược điểm là ít có sự hỗ trợ quảng bá và kinh doanh cho doanh nghiệp. - Tham gia các sàn TMĐT B2B uy tín: Sàn giao dịch TMĐT là môi trường giao thương mở, chi phí thấp, ít bị chi phối bởi quy mô doanh nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội mới so với thương mại truyền thống. Tham gia sàn giao dịch TMĐT là một hình thức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường có hiệu quả với chi phí rất thấp. Một sàn TMĐT B2B uy tín sẽ giúp cho doanh nghiệp có được tất cả các yếu tố để thành công. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia: xu hướng các doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT ngày càng phổ biến bởi có nhiều tiện ích: mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng hiện có; thu hút khách hàng mới; xây dựng hình ảnh doanh nghiệp; tăng lợi nhuận và giảm chi phí kinh doanh, Mô hình kinh doanh sàn TMĐT B2B đang phát triển tại Việt Nam. Ngoài đăng tải cơ hội kinh doanh mua bán hàng hóa và dịch vụ, các sàn giao dịch đã cung cấp các hỗ trợ khác như đấu giá, đấu thầu trực tuyến, các bản tin điện tử, tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, hầu như chưa có sàn nào có tiện ích hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, tiến hành đàm phán tiến tới giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và trợ giúp sau bán hàng. Nhằm tận dụng các ưu điểm của phương thức sàn giao dịch TMĐT trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng nói riêng cần tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT có uy tín trong nước cũng như trên thế giới. TMĐT vừa có khả năng là một đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển nhanh trong bối cảnh hội nhập, nhưng cũng rất có thể trở thành một bãi lầy tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Để có thể ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả, doanh nghiệp trước hết cần nhận thức được vai trò của TMĐT, sau nữa, cần thực thi đồng bộ các giải pháp ứng dụng. Trong quá trình đó, có thể dựa vào chính mình nếu thấy đủ khả năng, còn tốt hơn cả là trong giai đoạn đầu nên sử dụng đội ngũ cố vấn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần cân nhắc giữa lợi ích sẽ nhận được và chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra. 4.2. Một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng thời gian tới Thứ nhất. Đẩy mạnh định vị hình ảnh của doanh nghiệp và website của doanh nghiệp trên thị trường TMĐT mục tiêu Định vị thị trường TMĐT đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải quyết định khuyếch trương bao nhiêu điểm khác biệt và những điểm khác biệt nào dành được cho tập khách hàng điện tử mục tiêu. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, giải pháp có thể khả thi và phải phấn đấu đạt tới đối với các chào hàng điện tử trên website của doanh nghiệp trên mỗi loại thị trường TMĐT mục tiêu là: định vị theo mức đầy đủ, ổn định cơ cấu mặt hàng; hàng thật; hàng hiệu; cấu trúc dịch vụ và giá tương thích với loại hình tổ chức bán; ưu thế chất lượng/giá, theo bản sắc văn minh thương mại và hình ảnh tín nhiệm doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng. Theo 696
  8. hướng này, mỗi doanh nghiệp căn cứ vị thế hiện tại và mục tiêu đạt tới để quyết định khuyếch trương điểm khác biệt nào để phát triển định vị thương hiệu cho doanh nghiệp mình. Để việc định vị trực tuyến trở nên sắc bén, các doanh nghiệp cần tập trung nỗ lực vào một số hoạt động chính là: tạo ra một hình ảnh cụ thể cho cơ cấu mặt hàng bán và thương hiệu cửa hàng trong tâm trí khách hàng mục tiêu, lựa chọn vị thế mức độ thỏa mãn và cân đối với mục tiêu lợi nhuận, sự khác biệt và nổi trội trong cung ứng giá trị gia tăng cho khách hàng trên thị trường TMĐT mục tiêu. Các công cụ chính cần được sử dụng để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm bao gồm: cung cấp thông tin hữu ích, chính xác, phù hợp và cập nhật thường xuyên; hình thức thiết kế mang tính mỹ thuật cao và hỗ trợ quảng bá thương hiệu; dễ sử dụng; kết hợp được yếu tố nội dung và thương mại; thu hút lưu lượng giao dịch cao và được ghé thăm thường xuyên; tính tương tác cao; xử lý thông tin và đáp ứng nhanh yêu cầu người xem qua email; có chức năng phong phú: giao dịch và thanh toán trực tuyến; công bố chính sách thương mại, giá cả, dịch vụ rõ ràng; an toàn, bảo mật và thích ứng với các điều kiện kỹ thuật khác nhau. Thứ hai. Một số giải pháp xây dựng website cho doanh nghiệp xuất khẩu Các doanh nghiệp xuất khẩu Cao Bằng cần tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng của website TMĐT của doanh nghiệp. Trên cơ sở xác định các mục tiêu kinh doanh cho website, xác định cấu trúc và các chức năng cần thiết của hệ thống cần phải có và xác định các yêu cầu thông tin cần phải có để thực hiện các chức năng đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét sẽ tự thiết kế hay đi thuê, và nếu đi thuê ngoài thì chi phí đầu tư và nâng cấp là bao nhiêu? Sau khi xác định các chức năng của hệ thống, các nhà lập trình sẽ xác định cấu trúc logic và cấu trúc vật lý của website. Khi xây dựng website, phải xác định kiến trúc website. Kiến trúc hệ thống website bao gồm việc lựa chọn phần mềm, phần cứng và phân bổ các nhiệm vụ trong hệ thống thông tin nhằm đạt được các chức năng của hệ thống nêu trên. Các doanh nghiệp xuất khẩu nên lựa chọn kiến trúc của website là kiến trúc nhiều lớp: Gồm một web server liên kết với các lớp trung gian bao gồm các server ứng dụng thực hiện một nhiệm vụ nào đó, mỗi server ứng dụng sử dụng một hoặc nhiều máy chủ. Một số giải pháp cụ thể: 1. Trên trang chủ chỉ nên đưa ra duy nhất một sản phẩm. 2. Bổ sung độ tín nhiệm vào nội dung giới thiệu và nâng cao lòng tin của mọi người với website. Sử dụng nhiều ngôn ngữ (trong đó có Trung Quốc) cho website. 3. Tập trung vào những khách ghé thăm, những khách hàng mới chứ không phải bản thân doanh nghiệp. . 4. Tạo ra tính cấp bách trong thông tin bán hàng và thuyết phục người đọc rằng họ cần mua ngay. 5. Nâng cao sự hấp dẫn của sản phẩm qua hình ảnh. Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng một kế hoạch chào hàng trực tuyến chi tiết và cập nhật theo từng đoạn thị trường điện tử mục tiêu mà doanh nghiệp đã xây dựng. Thứ ba. Phát triển truyền thông marketing và xúc tiến TMĐT Để phát triển ứng dụng TMĐT, các doanh nghiệp xuất khẩu của Cao Bằng cần nhận rõ tầm quan trọng và tác dụng to lớn của hoạt động truyền thông marketing và xúc tiến TMĐT và cần có một bộ phận chuyên trách đảm nhiệm các công việc chuyên môn này nhằm xác lập 697
  9. được một giải pháp xúc tiến TMĐT hỗn hợp bao gồm nhiều hình thức, phương pháp, phương tiện, phạm vi, tầm cỡ khác nhau được thực hiện theo chương trình, kế hoạch và có một ngân quỹ thích hợp. Các mục tiêu của truyền thông marketing và xúc tiến TMĐT phải xuất phát và phù hợp với mục tiêu chiến lược bán hàng trực tuyến và bán hàng hỗn hợp phù hợp với phương thức TMĐT B2B, từ đó sẽ phân công triển khai cho từng công cụ xúc tiến TMĐT theo liều lượng, thứ tự và cường độ phối hợp khác nhau. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp giữa chiến dịch marketing online với offline để ngân sách marketing được sử dụng tối ưu nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Để quảng cáo có hiệu quả, các doanh nghiệp xuất khẩu của Cao Bằng nên tập trung ứng dụng các công cụ quảng cáo trực tuyến phối hợp với các công cụ quảng cáo truyền thống. Ví dụ, trong các quảng cáo trên báo, tạp chí, nên đưa địa chỉ website của doanh nghiệp vào đó. Quảng cáo banner là một trong các hình thức quảng cáo điện tử phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng có các dạng quảng cáo khác như quảng cáo trung gian, quảng cáo động, quảng cáo qua email, quảng cáo qua các công cụ tìm kiếm, đăng ký vào các cổng thông tin TMĐT, Kỹ thuật truyền thông marketing TMĐT đòi hỏi những kỹ năng và phương thức triển khai tương đối phức tạp. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Cao Bằng có thể tận dụng các nguồn lực thuê ngoài để đảm bảo tính hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo trực tuyến. 5. Kết luận Với những ưu điểm nổi trội của TMĐT, việc tham gia TMĐT để nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển. Đối với tỉnh Cao Bằng, với thị trường xuất khẩu liền kề rất lớn là Trung Quốc, việc nhanh chóng ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp xuất khẩu lại càng cần thiết. Triển khai ứng dụng TMĐT khó có thể rập khuôn theo các mô hình có sẵn, mà tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể triển khai ứng dụng TMĐT một cách có hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp một mặt, phải gắn hoạt động TMĐT với việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp, mặt khác, cần tìm hiểu, quan sát các mô hình thành công và cân nhắc, tính toán những điều kiện cụ thể của doanh nghiệp mình để tìm ra phương thức thích hợp. Từ đó xác định bước đi cho việc triển khai ứng dụng một cách hợp lý, mang lại hiệu quả cao. Những bước đi này bao gồm cả chiến lược hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, thay đổi tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, cải tiến lề lối làm việc, Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Cao Bằng, từ kinh nghiệm của các nước đã ứng dụng TMĐT có hiệu quả, trong điều kiện, để có thể ứng dụng thành công TMĐT nhằm phát triển xuất khẩu mà cụ thể là, để có thể thuận tiện cho việc tìm đối tác của các nhà nhập khẩu, một chiến lược TMĐT phù hợp cho doanh nghiệp xuất khẩu của Cao Bằng hiện nay là: đầu tiên, nên tham gia vào một site TMĐT uy tín, sau đó, doanh nghiệp có thể xây dựng website riêng để tạo thương hiệu, đồng thời sử dụng quảng bá qua công cụ tìm kiếm khi doanh nghiệp đã có kinh nghiệm triển khai TMĐT và có đội ngũ nhân lực TMĐT tốt. TMĐT được phát triển trên nền tảng CNTT, vì vậy việc có được các kỹ năng kinh doanh trực tuyến cũng là việc mà các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT cần quan tâm đầu tư cùng với việc đầu tư cho các phần mềm chuyên dụng như quản lý tài nguyên doanh nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý khách hàng, 698
  10. Tài liệu tham khảo [1] Bộ Công Thương, Báo cáo thương mại điện tử. [2] Brian A. Wong, 2008, Empowering SMEs Worldwide: The Alibaba Story, WSIS follow-up and implementation: Action Line Facilitation meeting "E-business“. [3] Faramarz Damanpour, E-business and E-comerce Evulation: Perspective and Strategy, NXB James Madíon University, USA, 2007. [4] [5] [6] [7] 699