Vấn đề đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu nông sản qua biên giới sang thị trường Trung Quốc và vai trò của Cao Bằng

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 2820
Bạn đang xem tài liệu "Vấn đề đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu nông sản qua biên giới sang thị trường Trung Quốc và vai trò của Cao Bằng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvan_de_dat_ra_doi_voi_hoat_dong_xuat_khau_nong_san_qua_bien.pdf

Nội dung text: Vấn đề đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu nông sản qua biên giới sang thị trường Trung Quốc và vai trò của Cao Bằng

  1. VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN QUA BIÊN GIỚI SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC VÀ VAI TRÒ CỦA CAO BẰNG 农产品销向中国市场所遭受的问题以及高平省的作用 TS. Lê Hoàng Oanh Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương 太平洋及亚洲市场局博士 黎黄莺 Tóm tắt Cao Bằng là tỉnh biên giới phía Bắc có chung đường biên giới với Quảng Tây của Trung Quốc. Với ưu thế về vị trí địa lý, địa chính trị, Cao Bằng có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Quảng Tây cũng như từ đó vươn sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh/thành phố phía Tây Nam như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu Với mong muốn đem đến cái nhìn tổng quan về hoạt động xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là thông qua các tỉnh biên giới - những khó khăn tồn tại và nêu một số giải pháp để cải thiện. Từ khóa: xuất khẩu nông sản, biên giới, Trung Quốc, Cao Bằng 摘要 高平省是我国与中国广西接壤的北部省区。以便利的地理位置、政治条件,高 平省具有促进农产品销向广西并进入中国内地市场的优势,特别是四川、重庆、贵州 等西南市区。 本文致力于对越南农产品对华出口活动的概观,特别是通过边界省区对华出口 活动所遭受到的困难与改善措施。 关键词:农产品出口,边界,中国,高平省 1. Vài nét khái quát về quan hệ thương mại Việt - Trung và tình hình xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc 1.1. Vài nét khái quát quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là quốc gia láng giềng phía Bắc của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc (không kể Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao) nhiều năm nay luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như phát triển kinh tế của Việt Nam. Hai nước kể từ cuối thế kỷ thứ 10 đã bắt đầu có hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa. Từ năm 1010 đến năm 1400: quan hệ thương mại đã phát triển tương đối nhanh. Thương nhân 2 nước bắt đầu qua lại buôn bán, trao đổi hàng hóa gồm: nông, lâm, thổ sản (Việt Nam) 517
  2. và giấy, vải, tơ lụa (Trung Quốc). Đầu Thế kỷ 19, hoạt động buôn bán giữa 2 nước qua đường bộ và đường biển càng trở nên nhộn nhịp. Thời kỳ Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, quan hệ thương mại Việt - Trung bị Thực dân Pháp hạn chế một mặt nhằm ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc của ta, mặt khác tất cả những nguồn tài nguyên được khai thác đều bị vận chuyển về Pháp. Tháng 01 năm 1950, hai nước Việt - Trung chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quan hệ thương mại song phương. Giao đoạn từ 1954 - 1960, tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng 34 lần, đạt 5,9 triệu USD. Kể từ năm 1982 đến 1988, Trung Quốc lần lượt khai thông 10 điểm thông thương biên mậu tại khu vực biên giới giữa 2 nước. Cuối năm 1988, Chính phủ Việt Nam bắt đầu cho phép cư dân biên giới qua lại, trao đổi hàng hóa, hoạt động thương mại biên giới cũng theo đó phát triển nhanh chóng. Từ năm 1991-2004, thương mại song phương đã tăng từ 272 triệu USD lên 7,1 tỷ USD năm 2004. Trong giai đoạn 5 năm từ năm 2011 đến 2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 21%/năm. Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại số 1 của Việt Nam kể từ năm 2004 đến nay, hết năm 2014, Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong ASEAN (theo thống kê của phía Trung Quốc). Đồng thời, hết năm 2014, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Năm 2014, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung đã đạt 58,7 tỷ USD. Năm 2015, trao đổi thương mại Việt Nam - Trung Quốc dự kiến đạt 65,77 tỷ USD tăng 11,9% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến đạt 16,78 tỷ USD tăng 12,6% và nhập khẩu đạt 48,98 tỷ USD tăng 11,7%. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2015 dự kiến đạt khoảng 12,6% là mức tăng khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại và xuất hiện bất ổn nghiêm trọng về kinh tế vĩ mô (thị trường chứng khoán lao dốc, kim ngạch ngoại thương và dự trữ ngoại hối sụt giảm, các nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi thị trường Trung Quốc ). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể chia thành 03 nhóm hàng chính, cụ thể gồm: nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (chiếm khoảng 31% kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2015); nhóm hàng nguyên nhiên liệu và khoáng sản (chiếm 15%); nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu), trong đó năm 2015 xuất khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên liệu như dầu thô, than đá giảm mạnh theo chủ trương giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô của Chính phủ. Về nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng bình quân nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 2011 - 2015 ở mức gần 19,7%/năm. Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc là máy móc thiết bị, phụ tùng; hàng vải, sợi, bông và nguyên phụ liệu dệt may, da giày; sắt thép, sản phẩm sắt thép và kim loại; máy tính điện tử và linh kiện; nguyên nhiên liệu; phân bón hóa chất; công nghiệp chế biến 518
  3. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt - Trung giai đoạn 2011 - 2015 (ĐVT: USD) Nội dung Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Ước 2015 Xuất 35.718.752.788 41.172.590.589 50.213.705.094 58.773.566.445 65.769.139.170 nhập khẩu Xuất khẩu 11.125.034.081 12.387.816.626 13.259.368.352 14.905.643.525 16.784.575.256 Nhập khẩu 24.593.718.707 28.784.773.963 36.954.336.742 43.867.922.920 48.984.563.914 1.2. Tình hình xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc những năm gần đây Nhóm hàng nông sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống, quan trọng trong tổng thể quan hệ thương mại Việt - Trung. Giai đoạn 2011 - 2015, xuất khẩu của nhóm hàng này chiếm tỷ trọng bình quân gần 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, từ mức 3,7 tỷ USD năm 2011, dự kiến tăng lên gần 4,5 tỷ USD vào năm 2015. Tỷ trọng nhóm hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cơ bản duy trì như giai đoạn trước (từ 2006 - 2010). Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này ước đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2014 và chiếm tỷ trọng 26,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Các mặt hàng chủ yếu trong nhóm hàng này là cao su, sắn lát và các sản phẩm từ sắn, gạo và rau quả Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nêu trên sang Trung Quốc cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cùng loại của Việt Nam ra thế giới hay nói cách khác Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ chính của một số mặt hàng nông sản Việt Nam. Cụ thể: + Cao su: xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng bình quân 51% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam ra thế giới trong cả giai đoạn 2011 - 2015. Riêng cả năm 2015, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc ước đạt 522 nghìn tấn với kim ngạch đạt 724,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 49,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, sau đó mới đến Ấn Độ và Nhật Bản. Nước này tiêu thụ khoảng 4,8 triệu tấn trong năm 2014, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 39,1% tổng tiêu thụ trên thế giới và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 6,8 triệu tấn năm 2018. Trong đó một lượng lớn cao su thiên nhiên của Trung Quốc được nhập từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia với khối lượng nhập khẩu đạt 2,61 triệu tấn trong năm 2014, chiếm 54,8% tổng tiêu thụ trong năm 2014. + Sắn lát, tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn: xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng bình quân 88% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn lát và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam ra thế giới trong cả giai đoạn 2011 - 2015. Riêng cả năm 2015, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc ước đạt 3,7 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,32 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn lát và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong năm. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng sửa đổi mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn cho đến khi có văn bản mới. Mức thuế xuất khẩu mặt hàng sắn lát từ 5% về mức 0%, áp dụng từ ngày 05 tháng 9 năm 2015. 519
  4. Đây chính là cơ hội nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng sắn Việt Nam với sản phẩm của Thái Lan tại thị trường Trung Quốc. + Gạo: xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng bình quân 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 - 2015. Riêng năm 2015, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc ước đạt hơn 2,3 triệu tấn với kim ngạch đạt 945 triệu USD, chiếm tỷ trọng 34,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn năm 2015 và dự kiến 4,17 triệu tấn năm 20161. + Rau quả: xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng bình quân 34,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 - 2015. Riêng năm 2015, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc tăng đột biến ước đạt gần 1,2 tỷ USD tăng 172,5%, chiếm tỷ trọng 64,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm. + Hạt điều: xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng bình quân 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2015, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc ước đạt 320,9 triệu USD, tăng 2,4% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thế giới. Mặc dù còn gặp phải một số rào cản về chính sách quản lý và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc nhưng nông sản vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường với hơn 1,3 tỷ dân này. 2. Thương mại biên giới Việt - Trung 2.1. Tình hình thương mại biên giới Việt - Trung Năm 1955, hai nước đã ký kết Nghị định thư về thương mại tiểu ngạch biên giới, đến năm 1957, tiếp tục ký kết Nghị định thư về trao đổi hàng hóa biên giới. Từ năm 1982 đến 1988, Trung Quốc lần lượt khai thông 10 điểm thông thương biên mậu tại khu vực biên giới hai nước. Cuối năm 1988, Chính phủ Việt Nam bắt đầu cho cư dân biên giới qua lại, trao đổi hàng hóa, hoạt động thương mại biên giới theo đó cũng phát triển nhanh chóng. Đến năm 1998, Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt - Trung đã được ký kết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục thúc đẩy hoạt động thươngmại biên giới hai nước. Với đặc thù hơn 1.400 km đường biên giới trải dài từ các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, hoạt động thương mại biên giới nhiều năm qua luôn đóng một vai trò quan trọng trong bức tranh toàn thể về thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới (TMBG) Việt Nam - Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi, vùng cao biên giới phía bắc và luôn duy trì đà phát triển, góp phần đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng đạt 23%/năm trong giai đoạn 2006 - 2015, bằng 31% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc cùng giai đoạn. 1 Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ 520
  5. Theo báo cáo của các tỉnh biên giới, giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, từ gần 8 tỷ USD năm 2010 đã lên đến 17,22 tỷ USD năm 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,03 tỷ USD, giảm 0,2%; nhập khẩu đạt 2,27 tỷ USD, tăng 11,96%; tạm nhập 706,49 triệu USD, giảm 33,84%; tái xuất 2,8 tỷ USD, giảm 12%; chuyển khẩu đạt 6,31 tỷ USD, tăng 4,58%; kho ngoại quan đạt 2,01 tỷ USD, tăng 136,21%; trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đạt 78,74 triệu USD, tăng 10,18%, chiếm tỷ trọng khoảng 29% tổng kim ngạch thương mại song phương. 10 tháng năm 2015, tổng giá trị xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung đạt 19,7 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 4,8 tỷ USD tăng 10,8%; trao đổi hàng cư dân biên giới đạt 193,5 triệu USD tăng 194,5%; các phương thức tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan đạt 14,7 tỷ. Ước tính năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung đạt 24 tỷ USD, tăng khoảng 40% so với năm 2014, trong đó chủ yếu là các hình thức trao đổi hàng hóa khác như tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan. Kim ngạch nhập khẩu vẫn duy trì mức tăng cao trong khi xuất khẩu có sự sụt giảm đáng kể. SD, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2014. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi trong thương mại biên giới Việt - Trung gồm: hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là cao su, các sản phẩm từ cao su, hàng nông sản, sắn lát, tinh bột sắn, hoa quả tươi các loại, thóc gạo, thủy sản, gỗ ván bóc và quặng các loại ; nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, phân bón, than cốc, nguyên liệu thuốc lá, hoa quả tươi và thuốc nổ. 2.2. Một số vấn đề thách thức trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo hình thức thương mại biên giới a. Giá trị hàng nông sản xuất khẩu thấp Mặc dù trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu vào thị trường Trung Quốc đều có mức tăng trưởng cao và ổn định nhưng đã bộc lộ một số tồn tại sau: hầu hết sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm thô hoặc sản phẩm sơ chế giá bán thấp, sức cạnh tranh thấp do công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch còn rất lạc hậu, mẫu mã chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và không có thương hiệu. Sản xuất và xuất khẩu nông sản còn phân tán, thiếu tập trung Hầu hết hàng nông sản Việt Nam hiện nay chưa có thương hiệu, một phần nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ nên nhiều doanh nghiệp không đủ kinh phí để xây dựng thương hiệu, một phần là do nhận thức không đầy đủ về vai trò và giá trị của thương hiệu trong thương mại quốc tế. b. Cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện Hoạt động thương mại biên giới (trong đó có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc) là một cơ chế thương mại đặc biệt, đặc thù được quy định trong các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với đối tượng là hàng hóa chủ yếu thực hiện qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Nhưng sự khác biệt về chính sách và biện pháp quản lý giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều lúc gây khó khăn cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp và công tác quản lý của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu. 521
  6. c. Cơ sở hạ tầng bất cập Hiện tại, giữa Việt Nam và Trung Quốc có 6 cặp cửa khẩu quốc tế, 3 cặp cửa khẩu chính, 32 cặp cửa khẩu phụ, 21 lối mở và 2 điểm thông quan. Ngoài 7 cửa khẩu thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hầu hết các cửa khẩu khác đều có cơ sở hạ tầng yếu kém, đường đi đến cửa khẩu còn nhỏ hẹp và xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy việc vận chuyển hàng hóa nói chung, và nông sản nói riêng sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, kho bãi các cửa khẩu phụ (nơi xuất khẩu chủ yếu hàng nông sản) khu vực biên giới của hai nước không đáp ứng lượng phương tiện, hàng hóa quá lớn khi dồn vào cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, đặc biệt là hệ thống kho lạnh chưa được đầu tư. Thiết bị nâng, hạ, xếp dỡ, sang tải hàng hóa còn thiếu, đặc biệt là xếp dỡ hàng rời chủ yếu bằng thủ công là chính, làm giảm năng lực, cơ hội thông quan và ảnh hưởng lớn tới hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Hạ tầng thương mại tại các cửa khẩu phụ, lối mở chậm được cải thiện. d. Thông tin Một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức “đi chợ”, tức thương nhân bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở hàng lên biên giới khi vào vụ, khiến khả năng thông quan nhất thời không đáp ứng, giá cả bấp bênh, gây ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, làm thiệt hại kinh tế, dư luận bức xúc, gây áp lực cho các cơ quan quản lý. Doanh nghiệp chưa có chiến lược để khai thác thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nghiên cứu thị trường này, thiếu nhanh nhạy và năng động để nắm bắt kịp thời những cơ hội khi phía bạn có những điều chỉnh về chính sách xuất nhập khẩu. Thông tin về thương mại biên giới phục vụ công tác quản lý và điều hành còn thiếu, hạn chế, và nhiều khi không rõ ràng. Các sự việc bất thường liên quan đến thương mại biên giới xảy ra tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới cập nhật chưa kịp thời. Việc thu thập, xử lý, cung cấp thông tin để khuyến cáo cho các doanh nghiệp Việt Nam về sự thay đổi điều hành, quản lý biên mậu của phía Trung Quốc còn thiếu và chưa nhanh nhạy. đ. Vấn đề kiểm dịch Nhiều mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam gặp vướng mắc đối với các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm do phía Trung Quốc đưa ra như tiêu chuẩn chất lượng, nhiễm khuẩn đối với hoa quả, chè ; vấn đề xông hơi khử trùng đối với gạo; dịch bệnh đối với tôm sú e. Vấn đề về hạn ngạch nhập khẩu gạo của các địa phương biên giới của Trung Quốc Trung Quốc hiện áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu gạo bằng hạn ngạch, năm 2015, tổng lượng hạn ngạch nhập khẩu gạo do Chính phủ Trung Quốc cấp là 5,32 triệu tấn (gạo hạt dài 2,66 triệu tấn; gạo hạt tròn 2,66 triệu tấn), tỷ lệ hạn ngạch cấp cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước là 50:50. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương Trung Quốc có chung đường biên giới với Việt Nam (Quảng Tây và Vân Nam), lượng hạn ngạch do Chính phủ Trung Quốc cấp hàng năm thường không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ 522
  7. của các địa phương này. Riêng đối với Quảng Tây, hàng năm nhu cầu tiêu thụ lương thực nói chung của địa phương này khoảng 20 triệu tấn, trong đó sản lượng sản xuất của Quảng Tây là 15 triệu tấn và cần nhập khẩu 5 triệu tấn, bao gồm cả mặt hàng gạo. 3. Kiến nghị một số giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh của Cao Bằng trong xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới đất liền Việt - Trung 3.1. Tiềm năng phát triển thương mại Cao Bằng - Quảng Tây (Bách Sắc) Là tỉnh miền núi Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển thương mại biên giới với Trung Quốc với 333 km đường biên giới giáp với Quảng Tây, Trung Quốc, với 01 cửa khẩu quốc tế (Tà Lùng), 02 cửa khẩu chính (Trà Lĩnh, Sóc Giang), và nhiều cửa khẩu phụ, cặp chợ, điểm thông quan, lối mở biên giới. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã quy hoạch và đang xây dựng 3 Khu kinh tế cửa khẩu gồm Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang; trong đó quy hoạch thị trấn Tà Lùng với mục tiêu xây dựng hình thành một đô thị biên giới hiện đại, văn minh. Cùng với sự phát triển tốt đẹp trong tổng thể quan hệ song phương hai nước, tỉnh Cao Bằng cũng xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Ở cấp chính quyền địa phương, ngoài những hoạt động hợp tác trực tiếp giữa “Tỉnh” và “Khu”, hai bên thông qua cơ chế Hội nghị công tác liên hợp định kỳ giữa 04 tỉnh biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác giao lưu toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Trong đó hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đang tiếp tục thu được nhiều thành quả đáng khích lệ thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch do tỉnh Cao Bằng phối hợp với các địa phương của Quảng Tây phối hợp thực hiện, điển hình như Hội chợ thảo dược tại huyện Tịnh Tây (Bách Sắc), Hội chợ quốc tế Trung - Việt tại huyện Long Châu (Sùng Tả), Hội chợ thương mại quốc tế Cao Bằng; qua đó mở ra các cơ hội tìm kiếm đối tác hợp tác thương mại, đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giữa Cao Bằng và Quảng Tây đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, từ 37,4 triệu USD năm 2006 lên đến 509,7 triệu USD năm 2013. Năm 2014, trong 630 triệu USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Cao Bằng, giá trị xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Cao Bằng - Quảng Tây đạt 267,5 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 49,7 triệu USD, nhập khẩu 74,9 triệu USD; trao đổi hàng cư dân biên giới đạt 0,3 triệu USD; tạm nhập 118,6 triệu USD; tái xuất 7,7 triệu USD; kho ngoại quan đạt 16,4 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông lâm sản; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, hoa quả tươi, phân bón, hàng công nghiệp tiêu dùng. Năm 2014, giá trị trao đổi hàng hóa của Cao Bằng với Quảng Tây có sự sụt giảm tương đối mạnh do tác động của nhiều yếu tố, nhưng đang cho thấy sự phục hồi trong năm 2015 với kim ngạch đạt 302,7 triệu USD trong 10 tháng đầu năm. Ngoài những ưu đãi, cam kết đã được thực hiện thời gian qua trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương mà hai nước là thành viên như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), môi trường thương mại, đầu tư song phương thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm nhiều điều kiện thuận lợi khi hai bên tiếp tục tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác đa phương mới như bản nâng cấp ACFTA, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng như các FTA song phương, đa phương khác mà 523
  8. Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán trong năm 2015 như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Cao Bằng khi kết nối cùng Lạng Sơn trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội sẽ có ưu thế, cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là mặt hàng nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cùng với đó, hoạt động trao đổi thương mại biên giới Cao Bằng - Quảng Tây cũng như thông qua Quảng Tây vươn đến các tỉnh phía Tây và Tây Nam của Trung Quốc chắc chắn sẽ ngày càng thuận lợi, là cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai địa phương tiếp tục phát triển phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Bách Sắc là thành phố trực thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và cũng là địa phương tiếp giáp với tỉnh Cao Bằng của Việt Nam. Bách Sắc có dân số 3,78 triệu người và được coi là cửa ngõ giao thương quan trọng không chỉ của Quảng Tây, mà còn là cửa ngõ giao thương của cả khu vực Tây Nam, Trung Quốc. Về mạng lưới giao thông, hiện Bách Sắc đã cơ bản hình thành bố cục tổng thể gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy và hệ thống cửa khẩu, giữ vị thế quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN thông qua Việt Nam. Về nông nghiệp, Bách Sắc là địa phương cung cấp nhiều loại rau quả, hàng nông sản cho các tỉnh phía Bắc Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt cao tốc chuyên vận chuyển rau quả, nông sản từ Bách Sắc đi Bắc Kinh, đây sẽ là cơ hội tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ rau quả đặc sắc của Quảng Tây với Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung tâm khoa học công nghệ quốc gia nông nghiệp Bách Sắc đã cho ra đời nhiều loại giống cây, các phương pháp sản xuất mới với quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Cao Bằng với Bách Sắc, sẽ có nhiều tiềm năng cho hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao giá trị cho rau quả, hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, các Khu kinh tế cửa khẩu của Bách Sắc cũng đang được đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Hiện cửa khẩu Long Bang đã khởi công Dự án Trung tâm lưu thông hàng hóa thương mại quốc tế Vạn Sinh Long Quảng Tây với quy mô xây dựng 600.000m2, tổng vốn đầu tư 20 tỷ Nhân dân tệ. Dự kiến khi hoàn thành, mỗi năm lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực này khoảng 10 triệu tấn. Khu vực cửa khẩu Bình Mãng (Nà Po) - Sóc Giang (Hà Quảng) được đầu tư xây dựng thành khu liên hợp kinh tế từ năm 2008, gồm 4 khu: Khu dành cho người dân hai bên biên giới qua lại, thông thương; khu kiểm nghiệm, tập kết hàng hóa; khu dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu thương mại, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực biên giới phát triển. Thông qua các điều kiện hạ tầng thuận lợi này, hàng nông sản của Cao Bằng hoàn toàn có thể hướng tới thị trường Trung Quốc thông qua Bách Sắc. 3.2. Một số giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh của Cao Bằng trong xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới đất liền Việt - Trung a. Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa - Tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa và dịch vụ; nghiên cứu, rà soát, xây dựng quy hoạch các cặp chợ biên giới trên tuyến biên giới đất liền giữa Cao Bằng với Quảng Tây, để tạo cơ hội thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống các cặp chợ này và tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa qua biên giới. 524
  9. - Tập trung nguồn lực đẩy nhanh thành lập Khu trung chuyển hàng nông, lâm, thủy sản tại cửa khẩu Trà Lĩnh kết hợp với tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp tuyến đường Trà Lĩnh - Đồng Đăng, đưa Cao Bằng kết nối với Hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng thông qua tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, phát huy ưu thế của địa phương và giảm thiểu áp lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. b. Hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới - Hỗ trợ thủ tục thông quan tại cửa khẩu cho các doanh nghiệp được thuận tiện, nhanh chóng. Đồng thời tiếp tục trao đổi, vận động phía Bách Sắc (Quảng Tây) phối hợp kéo dài thời gian thông quan cho một số mặt hàng hoa quả xuất khẩu khi vào vụ thu hoạch, giảm thiểu hiện tượng ùn ứ, ách tắc tại khu vực cửa khẩu biên giới và tiếp tục nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nông sản xuất khẩu qua các đường mòn, lối mở biên giới. - Phối hợp với các cơ quan quản lý thương mại biên giới Bách Sắc (Quảng Tây) tích cực tham gia các cơ chế hợp tác thương mại biên giới song phương (Nhóm công tác thương mại biên giới Việt - Trung), đề xuất các kiến nghị chính sách phù hợp với đặc thù quan hệ giữa hai bên vào nội dung Hiệp định thay thế Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới năm 1998 trên cơ sở tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua địa bàn biên giới tỉnh Cao Bằng. - Xem xét thành lập Hiệp hội thương nhân hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản theo hình thức thương mại biên giới với Trung Quốc trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ nội bộ doanh nghiệp, tăng cường công tác điều phối, phân luồng hàng hóa, tuyên truyền, phổ biến thông tin phòng tránh tình trạng ách tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới khi vào vụ thu hoạch như tình trạng ách tắc dưa hấu tại Lạng Sơn. - Kết hợp chính sách quản lý của phía Trung Quốc và chủ trương của Chính phủ, điều phối hợp lý hàng tạm nhập, tái xuất sang Trung Quốc nhằm tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng nông sản qua các địa bàn tỉnh. - Tích cực tăng cường hợp tác, giao thương với Bách Sắc, qua đó đưa hàng xuất khẩu Việt Nam thâm nhập sâu vào Khu vực thị trường Tây Nam Trung Quốc, đồng thời kết hợp tận dụng hiệu quả tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn nhằm xây dựng chuỗi liên kết logistics tạo thuận lợi cho hàng nông sản xuất khẩu không chỉ của các tỉnh biên giới mà còn đối với các địa phương trên cả nước. - Hợp tác với phía Bách Sắc (Quảng Tây) đề xuất với Chính phủ hai nước xem xét thí điểm mô hình “Thông quan một điểm dừng” tại địa bàn, trước mắt tại cặp cửa khẩu quốc tế Tà Lùng - Thủy Khẩu. - Xây dựng kế hoạch, làm việc cụ thể với phía Bách Sắc nhằm tận dụng tuyến đường sắt cao tốc chuyên vận chuyển rau quả, nông sản từ Bách Sắc đi Bắc Kinh, góp phần đưa các mặt hàng rau quả Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào khu vực thị trường phía Bắc Trung Quốc. - Nghiên cứu, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế địa phương trên cơ sở phù hợp, nâng cao tính liên kết, tận dụng tốt các ưu đãi Chính phủ Trung Quốc dành cho Bách Sắc với vai trò là quê hương cách mạng tại Quy hoạch về chấn hưng Khu căn cứ cách mạng “tả hữu giang” ban hành tháng 02 năm 2015. Quy hoạch lấy Bách Sắc là hạt nhân đại diện cho các Khu căn cứ cách mạng cũ của Trung Quốc, trong đó chia làm 10 Chương với các chính 525
  10. sách ưu đãi phát triển trong các lĩnh vực cụ thể như cơ sở phát triển, yêu cầu tổng thể, bố cục không gian, xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành kinh tế có ưu thế đặc sắc, hợp tác mở cửa (trong đó có nội dung liên quan đến xây dựng Khu hợp tác kinh tế Bách Sắc (Quảng Tây) - Văn Sơn (Vân Nam), tăng cường hợp tác với các địa phương biên giới nước láng giềng, làm sâu sắc quan hệ hợp tác quốc tế ), kế hoạch thực hiện và các biện pháp an sinh xã hội. c. Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu - Trong ngành rau quả, công nghệ xử lý và bảo quản lạnh để kéo dài thời gian tươi lâu của sản phẩm hầu như chưa được thực hiện ở Việt Nam. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch hiện nay rất thiếu và lạc hậu. Do thiếu kho lạnh và phương tiện vận chuyển đạt yêu cầu nên tổn thất sau thu hoạch quá lớn, đến 25-30%, là một tác nhân đẩy giá thành rau quả Việt Nam lên cao nhất khu vực Đông Nam Á, làm giảm khả năng cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, Cao Bằng cần xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn liền với công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của Cao Bằng. Đồng thời, cần đầu tư hơn nữa vào quy trình đóng gói, gắn nhãn mác cho sản phẩm để đảm bảo sản phẩm được biết đến rộng rãi, được bảo quản tốt qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu cho một số mặt hàng nông sản. - Tăng cường xây dựng kế hoạch hợp tác, triển khai chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ với các địa phương sản xuất hoa quả như vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương, dưa hấu của các tỉnh miền trung, thanh long, chôm chôm khu vực phía Nam nhằm nâng cao chất lượng, tạo cơ chế ổn định cho các mặt hàng hoa quả này xuất khẩu sang Trung Quốc. d. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản xuất khẩu Không có thương hiệu là tình trạng phổ biến của nông sản xuất khẩu và là một nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam ra thế giới nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng. Do vậy, Cao Bằng cần chiến lược xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương hoặc tận dung ưu thế về địa lý thông tin, hiểu biết thị trường để kết hợp với một số địa phương chuyên sản xuất hàng nông sản có ưu thế xuất khẩu sang Trung Quốc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Có thể tham khảo kinh nghiệm chương trình Liên kết GAP Sông Tiền, gồm 51 thành viên đang tiến hành hoạch định chiến lược và xây dựng thương hiệu cho một số thành viên có sản phẩm tiềm năng, tập trung vào 5 loại cây chủ lực bao gồm: xoài, bưởi, dưa, thanh long, chuối. Ngoài ra, còn các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như xoài, bưởi, thanh long, cà phê, vải cần xây dựng thương hiệu để có chỗ đứng vững chắc và lâu dài tại thị trường Trung Quốc. e. Tăng cường công tác thông tin và xúc tiến thương mại - Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tham khảo mô hình tổ chức các hội chợ thương mại quốc tế định kỳ, luân phiên đã có tại các cửa khẩu của Việt Nam và Trung Quốc như Lào Cai - Hà Khẩu, Thanh Thủy - Thiên Bảo, Móng Cái - Đông Hưng, Đồng Đăng - Bằng Tường và nghiên cứu xây dựng các chương trình hội chợ mới tại các điểm Tà Lùng - Thủy Khẩu Đồng thời, tích cực phối hợp với Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây tăng cường công tác quảng bá thông tin, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Quảng Tây, Trung Quốc cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu hàng nông sản qua địa bàn tỉnh. 526
  11. - Ngoài ra, có thể phối hợp với Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây và kết hợp với doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn, quảng bá mặt hàng nông sản cụ thể của Việt Nam thông qua các hệ thống thương mại điện tử lớn của Trung Quốc (hiện đã dần trở thành phương thức mua sắm hàng hóa phổ biến của người tiêu dùng Trung Quốc). Ngày 10/10/2015, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh, Vân Nam đã phối hợp với Công ty hữu hạn quản lý sản phẩm nông nghiệp Hengguan Taida Vân Nam và Tập đoàn Alibaba (trang thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc www.taobao.com), công ty Tianmiao - Alibaba (www.tmall.com) tổ chức buổi lễ giới thiệu và quảng bá sản phẩm Bưởi da xanh của Bến Tre, Việt Nam với sự tham dự đưa tin, viết bài của khoảng 50 nhà báo đại diện các trang thông tin truyền thông về mua bán của Trung Quốc. Chỉ tính từ 0h00 đến 10h00 sáng ngày 10/10/2015, các đơn hàng (mua lẻ) trên trang mạng đã đạt 15.000 đơn hàng. Giá thành bán ra cho 02 quả bưởi (khoảng 1,4kg) là 178 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 625 nghìn VNĐ). Công ty Hengguan Taida Vân Nam cũng đã tiến hành thực hiện việc dán nhãn, đánh mã số truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả cho sản phẩm. Có thể thấy các mặt hàng hoa quả nói chung của Việt Nam và cụ thể như mặt hàng Bưởi da xanh nói trên ngày càng nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng Trung Quốc, năng lực cạnh tranh sản phẩm tại thị trường được cải thiện và nâng cao. Các địa phương Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu tương đối lớn các loại mặt hàng này. Đây chính là cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam tìm được chỗ đứng trên thị trường. - Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với phía Bách Sắc về thương mại biên giới như tình hình thị trường, doanh nghiệp, cơ chế chính sách quản lý, cung cầu hàng hóa, định hướng phát triển thương mại biên giới, thông quan, chất lượng, kiểm dịch, thanh toán, cửa khẩu KẾT LUẬN Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là qua các tỉnh biên giới, trong đó có Cao Bằng luôn là một bài toán khó đối với các đơn vị quản lý cũng như các cá nhân và pháp nhân tham gia. Tuy nhiên, với nhận thức đúng đắn và chiến lược hợp lý, chắc chắn sẽ có những đáp án đúng cho bài toán trên và sẽ góp phần tìm chỗ đứng cho mặt hàng xuất khẩu truyền thống quan trọng của Việt Nam, cải thiện thu nhập, đời sống cho người nông dân, cư dân biên giới và các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động buôn bán thương mại biên giới. Qua đó, sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường nhiều tiềm năng này, gia tăng giá trị xuất khẩu Việt Nam sang thị trường, cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước vốn đang bị nghiêng quá lớn về phía Trung Quốc./. 527