Xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam - EU

pdf 14 trang Gia Huy 18/05/2022 2200
Bạn đang xem tài liệu "Xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam - EU", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfxuat_khau_ben_vung_nong_san_viet_nam_trong_boi_canh_tham_gia.pdf

Nội dung text: Xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam - EU

  1. XUẤT KHẨU BỀN VỮNG NÔNG SẢN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH THAM GIA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI VIỆT NAM - EU SUSTAINABLE EXPORT OF VIETNAMESE AGRICULTURAL PRODUCTS IN THE BACKGROUND OF THE NEW GENERATION OF FREE TRADE AGREEMENT VIETNAM - EU TS. Vũ Thị Thanh Huyền TS. Nguyễn Thị Thu Hiền Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Trong những năm vừa qua, xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục có sự gia tăng về giá trị xuất khẩu, một số sản phẩm có vị thế lớn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế do phần lớn là xuất thô, giá trị gia tăng của hàng nông sản xuất khẩu còn thấp, sản xuất còn chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao năng suất, thu nhập, cho người nông dân. EU được coi là thị trường trọng điểm thứ hai của nông sản xuất khẩu Việt Nam, trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có rất nhiều nông sản có lợi thế. Trong bối cảnh tham gia EVFTA, xuất khẩu nông sản Việt Nam theo hướng bền vững sẽ đứng trước nhiều cơ hội, cũng như các thách thức lớn. Bằng các phương pháp nghiên cứu như thống kê, tổng hợp, so sánh, phương pháp phân tích SWOT, nhóm tác giả sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia EVFTA, từ đó, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản một cách bền vững trong thời gian tới. Từ khóa: Xuất khẩu bền vững, nông sản, EVFTA Abstract In recent years, Vietnam's agricultural exports continue to have an increase in export value, some products have a large position in the international market. However, Vietnam's agricultural exports still have some limitations due to the fact that most of them are raw exports, the added value of exported agricultural products is low, the production has not paid enough attention to environmental protection and improve productivity, income, for farmers. EU is considered as the second key market of Vietnam's agricultural exports, there are many advantages of agricultural products in the list of Vietnam's exports to the EU market. In the context of joining EVFTA, Vietnam's export of agricultural products in a sustainable manner will face many opportunities, as well as great challenges. By research methods such as statistics, synthesis, comparison, SWOT analysis method, the authors will clarify issues related to sustainable export of Vietnam's agricultural products in the context of joining EVFTA, Since then, propose solutions to promote sustainable export of agricultural products in the coming time. Keywords: sustainable exports, agricultural products, EVFTA 543
  2. 1. Đặt vấn đề EU hiện là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, EVFTA được thực thi sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Cụ thể, EVFTA có nội dung chủ yếu là xóa bỏ hàng rào thuế quan; với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ có thuế suất bằng 0%. Trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều nông sản có lợi thế. Việt Nam có năng lực xuất khẩu mạnh mẽ vào châu Âu ở nhóm hàng thủy sản, trái cây (cả tươi lẫn chế biến). Là thị trường trọng điểm thứ 2 của xuất khẩu nông sản Việt Nam, EU có đến 27 quốc gia thành viên, trong đó chúng ta đã đưa nông sản đến 17 nước, đều là những nơi có tiêu chuẩn rất cao. Khi EVFTA được phê chuẩn, đã có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ, trong đó gồm nhiều sản phẩm truyền thống. Điều này nâng tầm cho nông sản Việt Nam bằng tính truyền thống, đặc thù, đặc sản. 2. Một số cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Một số cơ sở lý thuyết về Xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững Trong thời gian gần đây, vấn đề phát triển bền vững các ngành và lĩnh vực thu hút sự quan tâm của hầu hết các quốc gia và các nhà nghiên cứu. Khái niệm "phát triển bền vững" được chính thức phổ biến rộng rãi trên thế giới từ sau báo cáo Brundtland (1987) của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED), nay gọi là Ủy ban Brundtland. Theo đó, "Phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển hài hòa cả về 3 mặt Kinh tế - Xã hội - Môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của thế hệ hiện tại, nhưng không làm tổn hại, gây trở ngại đến khả nưng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng cuộc sống của các thế hệ trong tương lai". Từ lý thuyết về Phát triển bền vững, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề bền vững về thương mại nói chung và Xuất khẩu bền vững nói riêng. Chẳng hạn, nghiên cứu của Bill Vorley và các cộng sự đã chỉ ra rằng, thương mại bền vững diễn ra khi trao đổi hàng hóa và dịch vụ quốc tế mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường tích cực, phản ánh bốn tiêu chí cốt lõi của phát triển bền vững: (1) Tạo ra giá trị kinh tế; (2) Làm giảm nghèo đói và bất bình đẳng; (3) Tái tạo cơ sở tài nguyên môi trường; và (4) Được thực hiện trong một hệ thống quản trị mở và có trách nhiệm. Cũng theo nghiên cứu, một hệ thống thương mại bền vững: (1) bao gồm các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội trong các hiệp định thương mại quốc tế hoặc (2) kết hợp trực tiếp chi phí xã hội và môi trường vào hoạt động giao dịch. Một số nghiên cứu khác có liên quan như: Nghiên cứu của Guoqiang Long (2010) về chiến lược thương mại bền vững của Trung Quốc tìm cách giúp xác định các đặc điểm chiến lược thương mại bền vững cho Trung Quốc giúp đóng góp cho môi trường, cải thiện kinh tế xã hội, chủ yếu ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Còn nghiên cứu của Feifei Wu và Xinyu Yan (2018) lại chỉ ra rằng chất lượng của thể chế trong nước có tác động đến xuất khẩu bền vững của Trung Quốc. Nghiên cứu của Adriane A. Farias Santos L. de Queiroz 544
  3. và các cộng sự (2014) tập trung vào nghiên cứu các hành động bền vững của các công ty xuất khẩu ở các nước đang phát triển. András Inotai (2013) lại nghiên cứu về sự phát triển bền vững dựa trên chiến lược định hướng xuất khẩu; Nghiên cứu của Melise Jaud và các cộng sự (2013) về ảnh hưởng của phát triển tài chính đến xuất khẩu bền vững; Ở trong nước, nghiên cứu của Hồ Trung Thanh (2009) tập trung phân tích về xuất khẩu bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo tác giả, xuất khẩu bền vững là sự duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao và ổn định, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu ngày càng được nâng cao, góp phần tăng trưởng và ổn định kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Còn trong nghiên cứu của Nguyễn Hồng Cử (2010) về phát triển nông sản xuất khẩu theo hướng bền vững, tác giả đưa ra 5 quan điểm: (1) đáp ứng được yêu cầu chung của phát triển bền vững (PTBV), hài hòa giữa 3 mặt của PTBV, (2) đáp ứng những yêu cầu cơ bản của phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, (3) phù hợp với đặc điểm của vùng diễn ra hoạt động sản xuất nông sản xuất khẩu, (4) phù hợp với đường lối phát triển kinh tế của nhà nước, (5) phù hợp với bồi cảnh và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; Như vậy, từ một số quan điểm đưa ra ở trên, có thể hiểu rằng, Xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng theo quan điểm phát triển bền vững không phải là tìm cách tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bằng mọi giá mà sự tăng trưởng xuất khẩu đó phải luôn bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Nội dung của xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững, theo Nguyễn Hồng Cử (2010) có thể bao gồm các khía cạnh như sau:  Bền vững về kinh tế: duy trì hoặc gia tăng lợi ích kinh tế xã hội tổng thể trong dài hạn, tập trung chủ yếu vào việc tạo ra lợi ích ròng bền vững trong sản xuất nông sản xuất khẩu và phân phối hợp lý lợi ích giữa các thành viên tham gia sản xuất nông sản xuất khẩu. Một số chỉ tiêu có thể đo lường bao gồm: tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm nông sản xuất khẩu.  Bền vững về môi trường sinh thái: giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu nông sản và bảo vệ môi trường, tránh làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.  Bền vững về mặt xã hội: duy trì và nâng cao phúc lợi kinh tế, xã hội cho người dân trong hệ thống sản xuất nông sản xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 2.2. Giới thiệu về hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA và các cam kết liên quan đến xuất khẩu nông sản Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 1/12/2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Ngày 26/6/2018, một bước đi mới của EVFTA được 545
  4. thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. Hai Hiệp định đã được ký kết vào 30/6/2019. Ngày 12/2/2020: Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA. Trong tiến trình phê chuẩn 2 Hiệp định này, về thủ tục nội bộ của EU, sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hiệp định EVFTA cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua, EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Liên quan đến cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của EU, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 9,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, (bao gồm số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Bảng 1. Tổng hợp cam kết mở cửa của EU với một số nhóm hàng nông sản của Việt Nam Cam kết Cam kết thuế quan của EU dành cho Việt Nam Gạo Áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan, lượng nhập khẩu trong hạn ngạch được hưởng mức thuế 0%. Tổng hạn ngạch là 80.000 tấn, cụ thể: - Gạo chưa xay xát: lượng hạn ngạch là 20.000 tấn - Gạo xay xát: lượng hạn ngạch là 30.000 tấn - Gạo thơm: lượng hạn ngạch là 30.000 tấn Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm, và các sản phẩm từ gạo sau 3-5 năm. Cà phê Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực Đường Áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức là 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa trên 80% đường Mật ong tự Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực nhiên Sản phẩm rau Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi 546
  5. Các hàng nông Một số sản phẩm được áp dụng cam kết về hạn ngạch thuế quan của sản khác EU dành cho Việt Nam: - Trứng gia cầm đã qua chế biến: 500 tấn - Tỏi: 400 tấn - Ngô ngọt: 5.000 tấn - Tinh bột sắn: 30.000 tấn - Nấm: 350 tấn - Cồn etylic: 1.000 tấn - Một số sản phẩm hóa chất (manitol, sorbitol, dextrins, ): 2.000 tấn Nguồn: Trung tâm WTO, 2020 Bên cạnh đó, EVFTA bao gồm một chương khá toàn diện về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm một số nội dung quan trọng như: - Cam kết thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), các Công ước của ILO (không chỉ các Công ước cơ bản), các Hiệp định Đa phương về Môi trường mà mỗi Bên đã ký kết/gia nhập; - Cam kết gia nhập/ký kết các Công ước cơ bản của ILO mà mỗi Bên chưa tham gia; - Cam kết sẽ không vì mục tiêu thu hút thương mại và đầu tư mà giảm bớt các yêu cầu hoặc phương hại tới việc thực thi hiệu quả các luật về môi trường và lao động trong nước; - Thúc đẩy Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp, có dẫn chiếu tới các thông lệ quốc tế về vấn đề này; - Một điều khoản về biến đổi khí hậu và các cam kết bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học (bao gồm động thực vật hoang dã), rừng (bao gồm khai thác gỗ bất hợp pháp), và đánh bắt cá; 2.3. Phương pháp nghiên cứu và nguồn số liệu Phương pháp nghiên cứu: Để xem xét thực trạng xuất khẩu nông sản trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu bao gồm các phương pháp như thống kê tổng hợp, phân tích so sánh, đối chiếu; phương pháp phân tích SWOT để phân tích khái quát thực trạng hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam; từ đó, đưa ra các đánh giá về cơ hội và thách thức của ngành nông sản trong bối cảnh tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA. Nguồn số liệu được sử dụng trong bài viết bao gồm các số liệu thứ cấp lấy chủ yếu từ nguồn Tổng cục Thống kê. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam 4.1.1. Bền vững về kinh tế Về giá trị xuất khẩu 547
  6. Từ năm 2010 đến nay, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn ở mức cao, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và GDP của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng từ 10,6 tỷ USD năm 2010 lên 18,7 tỷ USD năm 2018 (tăng trưởng bình quân 7,9%/năm). Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong bối cảnh thương mại nông sản thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp với những biến động khó lường, quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn trở nên căng thẳng, chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại, xuất khẩu nông sản vẫn duy trì được kết quả tích cực trong năm 2018. Hình 1. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019 Trong số các mặt hàng nông sản, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh và đều qua các năm như hạt điều, nhóm hàng rau quả, cà phê, cao su, riêng mặt hàng gạo có tăng trưởng âm trong giai đoạn 2012 - 2016 và tăng trở lại vào giai đoạn 2016 - 2018. Bảng 2. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản chính của Việt Nam Đơn vị: Triệu đô la Mỹ 2010 2014 2015 2016 2017 2018 Hàng rau, hoa, quả 460,3 1.489,0 1.839,3 2.460,9 3.507,5 3.805,6 Hạt tiêu 421,5 1.201,9 1.259,9 1.429,2 1.118,0 758,9 Cà phê 1.851,4 3.557,4 2.671,0 3.336,6 3.500,6 3.536,4 Cao su 2.386,2 1.780,8 1.531,5 1.669,7 2.249,8 2.091,1 Gạo 3.249,5 2.935,2 2.796,3 2.159,0 2.633,5 3.060,2 Hạt điều nhân 1.136,9 1.993,6 2.397,6 2.841,5 3.515,3 3.364,3 Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019 548
  7. Xét về giá trị nông sản xuất khẩu, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đã tăng mạnh trong năm 2017 và có xu hướng giảm trong năm 2018. Điều này cho thấy sự thiếu bền vững trong giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ba mặt hàng có giá xuất khẩu tăng là gạo (giá xuất khẩu trung bình đạt 501,0 USD/tấn, tăng 10,7%), chè (giá xuất khẩu trung bình đạt 1.710,7 USD/tấn, tăng 5,0%) và sắn và các sản phẩm từ sắn (giá xuất khẩu trung bình đạt 394,9 USD/tấn, tăng 49,8%). Về vị thế xuất khẩu: Nhiều mặt hàng nông sản chính của Việt Nam có vị thế xuất khẩu lớn trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2017, mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng vị trí thứ ba trên thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, cơ cấu gạo xuất khẩu đã có bước chuyển biến tích cực khi tỷ lệ gạo thơm, gạo chất lượng đang tăng cao. Theo Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu năm 2017 của Bộ Công thương năm 2018, cơ cấu gạo thơm chiếm tỷ trọng cao nhất (29,2%), gạo trắng cao cấp chiếm tới 24,3%, gạo nếp 23,5%; gạo trắng trung bình, gạo trắng phẩm cấp thấp và gạo đồ có lượng xuất khẩu giảm. Thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Philipines, Indonesia và Malaysia. Thị trường gạo của Việt Nam vẫn là các quốc gia truyền thống và tập trung vào gạo phẩm cấp trung bình phù hợp với nhu cầu của các thị trường cấp thấp, việc thâm nhập các thị trường khó tính còn nhiều hạn chế về yêu cầu chất lượng và chủng loại. Đối với sản phẩm cà phê xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là hạt cà phê xanh chưa rang, chiếm tới hơn 90 % tổng giá trị xuất khẩu, hay nói cách khác là xuất khẩu thô. Nhằm góp phần tái cơ cấu ngành cà phê Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng “Đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020” với mục tiêu xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững với các sản phẩm đa dạng, chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, theo đó, ngành cà phê Việt Nam phấn đấu nâng tỷ lệ cà phê chế biến (hòa tan và rang xay) đạt 25% sản lượng. Bên cạnh đó, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, trong thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung. Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam là Đức, Hoa Kỳ. Rau quả là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây và cũng là mặt hàng mà Việt Nam đã có nhiều thành công trong mở rộng thị trường. Đây là ngành hàng có tăng trưởng nổi bật nhất trong nhóm các mặt hàng nông sản. Trong khi các ngành hàng khác gặp khó khăn do sụt giảm lượng và giá xuất khẩu thì ngành hàng này liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại rau quả của Việt Nam, tiếp theo là Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản với mức tăng trưởng cao. Trong thời gian qua, nhiều loại trái cây Việt Nam đã thâm nhập được và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường “có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng” như nhãn, vải thiều, thanh long vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị 549
  8. trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore Bên cạnh đó, một số mặt hàng như tiêu, điều xếp vị trí thứ nhất về giá trị xuất khẩu trên toàn thế giới, cho thấy nỗ lực của nông sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới. Bảng 3. Vị thế xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản chính của Việt Nam 2017 Tên hàng Khối lượng vị trí trên thế Giá trị vị trí trên thế Nghìn tấn giới Triệu USD giới 5820.51 Gạo 3 2634.59 3 Cao su 3.75 34 11.55 38 Cà phê 1466.20 2 3101.43 2 Điều 409.93 5 3482.61 1 Hồ tiêu 217.52 2 1130.96 1 Rau 615.69 22 Quả 6167.44 5 Nguồn: UNCOMTRADE, 2019 3.1.2.Bền vững về môi trường sinh thái Theo World Bank (2016), sự phát triển theo chiều rộng và chiều sâu của nông nghiệp Việt Nam trong vài thập kỹ qua đã khiến cho môi trường bị ảnh hưởng nặng nề. Một phần n hiện tượng này liên quan đến thực tế sử dụng quá nhiều vật tư đầu vào và sử dụng lãng phí nước như đã nêu trên. Môi trường xuống cấp dưới nhiều hình thức tại các vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Ví dụ, mở rộng nuôi tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã dẫn đến phá hủy rừng ngập mặn trên diện rộng và gây ra ô nhiễm nguồn nước. Theo hình thức nuôi thâm canh, nông dân thường sử dụng quá nhiều hóa chất và thuốc kháng sinh cho các đầm nuôi tôm với mật độ quá cao. Chất thải từ các đầm tôm cũng chứa một lượng lớn chất thải hữu cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngọt lân cận và các vùng nước ven biển. Mở rộng canh tác cà phê và cao su tại Tây Nguyên cũng đóng góp nhiều vào việc phá hủy rừng, làm mất đa dạng sinh học và làm cạn kiệt nguồn nước ngầm. Chăn nuôi phát triển nhanh nhưng cũng đóng góp nhiều vào ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính (GHG). Thâm canh lúa làm thoái hóa đất, ô nhiễm nước, tổn hại tới đa dạng sinh học và tăng phát thải khí nhà kính. Bảng 3 tóm tắt các điểm nóng về nông nghiệp-môi trường tại Việt Nam-các loại hàng hóa, địa bàn và cảnh quan đang bị đe dọa bởi các vấn đề môi trường ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. 550
  9. Bảng 4. Các điểm nóng về nông nghiệp - môi trường Việt Nam Nguồn: World Bank, 2016 Cũng theo nghiên cứu của World Bank(2016), nguyên nhân khiến cho tác động của môi trường đến nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng là do thất bại từ chính sách và quản lý của Nhà nước; thất bại thị trường và sự thiếu hụt kiến thức và thông tin. Định hướng chính sách đã khuyến khích mở rộng diện tích, tăng thâm canh, tăng cường sử dụng vật tư và các yếu tố khác nhằm nâng cao năng lực sản xuất, Nhà nước tìm cách bảo vệ nông dân nhưng lại không quan tâm bảo vệ môi trường. Về phía người sản xuất lại không phải trả đầy đủ khoản chi phí tài nguyên mà họ sử dụng. Bên cạnh đó, kiến thức về nông nghiệp xanh tại Việt Nam đang dần hình thành nhưng vẫn con hạn chế. 3.1.3. Bền vững về xã hội Trong những năm vừa qua, ngành sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành thu hút phần lớn số lao động làm việc trong nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2018, tỷ trọng lao động đang làm việc trong ngành sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tới 37,7%. Tuy nhiên, nông nghiệp chỉ đóng góp 14,48% vào GDP. Điều này dẫn đến tình trạng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, tuy vậy, tốc độ tăng NSLĐ lại ổn định và cao nhất, kể cả trong giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô 2009 - 2013. Đến năm 2018, NSLĐ ngành nông nghiệp theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ. Trong các nước ASEAN, NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Ma-lai-xi-a gấp 11,9 lần mức NSLĐ của Việt Nam; In-đô-nê-xi-a gấp 2,4 lần; Thái Lan gấp 2,1 lần và Phi-li-pin gấp 1,8 lần (Tổng cục Thống kê, 2019). Những yếu tố góp phần làm giảm mức tăng năng suất nông nghiệp gồm thiếu đầu tư và nghiên cứu cùng hệ thống đổi mới sáng tạo kém phát triển. (World Bank, 2016) 3.2. Phân tích SWOT về xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA Như vậy, từ những phân tích khái quát về thực trạng tình hình xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam, có thể thấy rằng, trong những năm vừa qua, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt được một số thành tựu bao gồm: (1) Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng lên, một số nông sản có vị thế xuất khẩu hàng đầu trên thị trường thế giới; Thị trường xuất khẩu nông sản tiếp tục đa dạng; 551
  10. (2) Bước đầu đã có sự cải thiện trong quá trình sản xuất nông sản theo hướng sản xuất sạch, bền vững; (3) Năng suất lao động của ngành thấp nhưng tốc độ tăng NSLĐ ổn định và cao nhất. Các hạn chế trong quá trình sản xuất nông sản xuất khẩu theo hướng bền vững bao gồm: (1) Giá trị xuất khẩu hàng nông sản còn thấp, giá trị gia tăng thấp, tỷ trọng sản phẩm nông sản xuất thô còn lớn, thị trường xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, việc gia nhập các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, còn gặp nhiều khó khăn. (2) Sản xuất nông nghiệp còn chú trọng nhiều đến mở rộng quy mô để tăng cường xuất khẩu, chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường; (3) Năng suất lao động thấp, dẫn đến đời sống người nông dân chậm được cải thiện. Từ những thành tựu và hạn chế trên cũng dẫn đến những cơ hội và thách thức của xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững của Việt Nam khi tham gia EVFTA, cụ thể là: Về cơ hội: Một là, cơ hội mở rộng thị trường, thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua EVFTA, nông sản có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường EU với khoảng 500 triệu dân; các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận, tiến hành trao đổi mua bán với những thị trường khác có thỏa thuận thương mại tự do với EU, từ đó, tạo điều kiện để tăng giá trị xuất khẩu và thu nhập cho người sản xuất. Hai là, cơ hội tiếp cận được nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại để thúc đẩy sản xuất nông sản sạch và bền vững. Ngày càng có nhiều công ty của EU chọn Việt Nam làm điểm đến để đầu tư. Chi phí lao động ở châu Âu là khá cao, khác nhiều so với chi phí lao động của Việt Nam. Chính điều này khiến cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu là không cao. Ngược lại, cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp Việt Nam lại khá hấp dẫn, các lợi thế của Việt Nam khá đa dạng, chất lượng lao động tốt hơn cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn so với những nước khác trong khu vực. Hợp tác giữa châu Âu và Việt Nam cũng mang lại nhiều lợi ích, giúp các công ty Việt Nam tiếp cận tri thức, công nghệ của châu Âu đồng thời đem lại cho các công ty châu Âu một cơ sở sản xuất đáng tin cậy, hiệu quả về mặt chi phí tại châu Á. Ba là, cơ hội tự hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định của EU. Việc EVFTA được ký kết sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi thương mại để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi. Những cam kết trong các lĩnh vực như phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBTs), các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPSS) đã có những tác động nhất định tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua, được cho là sẽ có những tác động tích cực hơn, đem lại những lợi ích đáng kể cho xuất khẩu theo hướng bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. 552
  11. Những thách thức đặt ra Cơ hội rõ ràng là rất lớn, song Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi xuất khẩu nông sản một cách bền vững sang thị trường EU. Một là, về sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm ngoại nhập đặc biệt là những sản phẩm có xuất xứ từ châu Âu đang ngày một gia tăng trong thời gian gần đây. Khi rào cản thuế quan được gỡ bỏ, hàng châu Âu sẽ dễ dàng thâm nhập nhập thị trường Việt Nam, lúc này các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp sức ép lớn từ phía các doanh nghiệp châu Âu. Hai là, về nắm bắt thông tin của doanh nghiệp liên quan EVFTA. Thực tế hiện nay, sự hiểu biết của DN Việt Nam về EVFTA còn hạn chế. Hiện có tới 77% DN không biết, hoặc lần đầu nghe nói tới Hiệp định này, trong đó, các DN xuất khẩu nông sản không phải là ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp thực tế chưa tận dụng đầy đủ được các lợi ích thuế quan do không biết các FTA, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ còn phức tạp, đặc biệt là phần lớn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ. Ba là, về đáp ứng đòi hỏi khắt khe liên quan quy tắc xuất xứ. Hiệp định EVFTA hướng tới xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ. Đây có thể là một cản trở đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA. Bốn là, về việc tuân thủ những quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Bên cạnh quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) cũng sẽ tạo ra những khó khăn, cản trở nhất định tới hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Những quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ và các yêu cầu chứng nhận chất lượng tự nguyện, về trách nhiệm môi trường của rất nhiều tổ chức tại châu Âu cũng là những khó khăn lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. 4. Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia Evfta Để tận dụng cơ hội, ứng phó với những thách thức mà EVFTA mang lại, các giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới như sau: Về phía doanh nghiệp nông sản: Thứ nhất là, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn 553
  12. lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Thứ hai là, tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch giá trị cao vào thị trường EU. Bên cạnh đó, tái cơ cấu một số ngành hàng, nổi lên là các sản phẩm trái cây Ngành nông nghiệp tần cái cơ cấu theo hướng gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo giá trị lao động gắn liền với sản phẩm xuất khẩu. Thứ ba là, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Bên cạnh đó, người nông dân và các doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy phát triển thương hiệu. Không chỉ thương hiệu quốc gia mà còn là thương hiệu ngành hàng, đồng bộ trên cả 3 trục sản phẩm gồm cấp quốc gia, cấp tỉnh và OCOP. Thứ bốn là, cần tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước tiên, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP. Ngoài ra, năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam. Khi đó, phải phát triển các sản phẩm đồ hộp, có thể bảo quản dài ngày đối với cả trái cây lẫn thủy sản. Sau khi có sản phẩm, một vấn đề nữa là phân phối sâu rộng vào thị trường EU. Để làm được điều này, cần kết nối với các kênh phân phối lớn, hiện đại ở khu vực này. Từ các nhà buôn lớn, nhà nhập khẩu lớn đó mới duy trì được kim ngạch xuất khẩu nông sản. Qua đó cũng giải quyết được vấn đề bán hàng qua trung gian, khiến người nông dân bị thương lái trục lợi, ép giá. Từ phía Nhà nước: Cần phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thoả mãn yêu cầu về xuất xứ; Hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về lao động, môi trường; Phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng tương đến xây dựng nông nghiệp hữu cơ. Để khắc phục các trở ngại về năng lực cạnh tranh và phát triển nông nghiệp bền vững trong quá trình chuyển đổi và trong dài hạn cần thực hiện những cải cách sâu rộng trong toàn nền kinh tế, nhất là trong những vấn đề liên quan đến đất đai (quyền sở hữu/nắm giữ, sử dụng), các chính sách, thể chế liên quan đến khoa học, công nghệ, các mô hình phân cấp quản lý, phối hợp hoạt động của Nhà nước. 5. Kết luận Như vậy, có thể thấy rằng, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm xuất khẩu, thu hút đầu tư và công nghệ sản xuất hiện đại để đấy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững trong bối cảnh tham gia EVFTA. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, một mặt, xuất phát từ những hạn chế trong nội tại quá trình phát triển của ngành nông nghiệp, mặt khác, do những thách thức khách quan từ những cam kết ngày càng khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường, Do vậy, để có tận dụng được các cơ hội từ EVFTA, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía các Doanh nghiệp, người sản xuất cũng như toàn thể bộ máy Quản lý Nhà nước. 554
  13. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Adriane A. Farias Santos L. de Queiroz và các cộng sự (2014), 'Sustainable practices at the exporting agribusiness industry', 21st Euroma Conference: Operations Management in an Innovation Economy, truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2020, . 2. András Inotai (2013), Sustainable Growth Based on Export-Oriented Economic Strategy The Bulgarian Case in an International Comparison, truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2020, . 3. Bộ Công thương (2018), Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2017, NXB Công Thương, Hà Nội. 4. Bộ Công thương (2019), Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2018, NXB Công Thương, Hà Nội. 5. Nguyễn Hồng Cử (2010), Phát triển nông sản xuất khẩu theo hướng bền vững ở Tây Nguyên, Luận án tiến sỹ kinh tế, Đà Nẵng. 6. Hoàng Văn Cương (2019), Tác động của các Hiệp định thương mại thế hệ mới đến vấn đề lao động, việc làm ở Việt Nam, Hà Nội. 7. Melise Jaud, Madina Kukenova, Martin Strieborny (2013), 'Financial Development and Sustainable Exports: Evidence from Firm-Product Data', truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2020, 8. Nguyễn Trọng Khương, Trương Thị Thu Trang (2017), 'Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam', Báo điện tử Nghiên cứu Lập pháp, truy cập ngày 01 tháng 3 năm 2020, . 9. Guoqiang Long (2010), China’s Sustainable Trade Strategy: An overview, truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2020, . 10. Anh Thư (2020), 'Cơ hội và thách thức với nông sản Việt Nam từ EVFTA', Tạp chí tài chính điện tử, truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2020', . 11. Tạp chí Cộng sản điện tử (2012), 'Phát triển xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững', Tạp chí tài chính điện tử, truy cập ngày 01 tháng 03 năm 2020, 12. Hồ Trung Thanh (2009), Xuất khẩu bền vững ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, luận án tiến sỹ, Hà Nội. 13. Tổng cục Thống kê (2019), Niêm giám thống kê 2018, NXB Thống kê. 14. Trung tâm WTO (2019), Tóm lược Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). 555
  14. 15. K.Vân (2020), EVFTA được thông qua: 'Nông sản Việt rộng cửa vào thị trường EU', Báo dân sinh điện tử, truy cập ngày 05 tháng 03 năm 2020, 16. Bill Vorley, Dilys Roe, Steve Bass, A sectoral analysis for the proposed sustainable trade and Innovation centre, International institute for Environment and Development, Lonodon, truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2020, 17. World Bank (2016), Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào, NXB Hồng Đức, tr. 21 - 41. 18. Feifei Wu, Xinyu Yan (2018), 'Institutional Quality and Sustainable Development of Industries’ Exports: Evidence from China', Sustainability 2018, 10, 4173; doi:10.3390/su10114173. Ghi chú: Bài viết là một phần của đề tài cấp Nhà nước “Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại"” mã số ĐTĐLXH.02/20, GS.TS. Đinh Văn Sơn làm chủ nhiệm. 556