Ảnh hưởng của tiêu chuẩn SPS đến xuất khẩu nông sản Việt Nam

pdf 10 trang Gia Huy 18/05/2022 1920
Bạn đang xem tài liệu "Ảnh hưởng của tiêu chuẩn SPS đến xuất khẩu nông sản Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfanh_huong_cua_tieu_chuan_sps_den_xuat_khau_nong_san_viet_nam.pdf

Nội dung text: Ảnh hưởng của tiêu chuẩn SPS đến xuất khẩu nông sản Việt Nam

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng ẢNH HƯỞNG CỦA TIÊU CHUẨN SPS ĐẾN XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VIỆT NAM ThS. Nguyễn Anh Tuấn, CN. Đặng Trần Ngọc Thương Trường Đại học Kinh tế- Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích và thảo luận những ảnh hưởng của An toàn vệ sinh và Kiểm dịch thực vật (Sanitary and Phytosanitary- viết tắt là SPS) đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam, cụ thể là mặt hàng rau quả và trái cây. Trong những năm qua, dưới tác động của tiến hình hội nhập kinh tế, các rào cản thuế quan đã được cắt giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các rào cản phi thuế quan đang được các nước sử dụng một cách tinh vi hơn, và vẫn đang là rào cản rất lớn đối với hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển, đặc biệt là hàng nông sản. Đo lường ảnh hưởng của những rào cản phi thuế quan này, từ đó đánh giá tác động của chúng đến hoạt động xuất khẩu trở nên quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Sử dụng mô hình Trọng lực (Gravity model), tác giả sẽ phân tích tác động của SPS, cụ thể là Tiêu chuẩn Giới hạn chất cặn tối đa (Maximum Residue Limit- MRL) của thuốc trừ sâu Chlorpiryfos, đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam đến mười thị trường xuất khẩu chính. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân tích ảnh hưởng của một số nhân tố khác đến xuất khẩu rau quả như GDP và dân số của nước nhập khẩu, sản lượng rau quả của Việt Nam hoặc khoảng cách địa lý. Kết quả phân tích chỉ ra rằng SPS thực sự có tác động đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam; và đó là điều mà chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm. Từ khóa: SPS , Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, MRL, Chlorpiryfos, biện pháp phi thuế quan, mô hình trọng lực DANH MỤC VIẾT TẮT GATT General Agreement on Tariffs and Trade : Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch UNCTAD United Nations Conference on Trade and Development: Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển SPS Sanitary and Phytosanitary agreement: Hiệp định An toàn vệ sinh và Kiểm dịch thực vật TBT Technical barrier to Trade: Rào cản kỹ thuật đối với Thương mại NTBs Non-tariff barriers: Rào cản Phi thuế quan NTMs Non-tariff measures: Biện pháp Phi thuế quan SITC Standard International Trade Classification: Phân loại Thương mại quốc tế tiêu chuẩn WTO World Trade Organization: Tổ chức Thương mại thế giới OECD Organization for Economic Co-operation and Development: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế AVEs Ad Valorem Equivalent: Thuế quan tuyệt đối AFTA ASEAN Free Trade Area: Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN FTA Free Trade Area : Khu vực mậu dịch tự do CEPII Centre d'Etudes Prospectives et d'Informations Internationales : Trung tâm Nghiên cứu Triển vọng và Thông tin quốc tế FAO Food and Agricultural Organization: Tổ chức Nông lương thế giới MRL Maximum Residue Limit: Giới hạn chất cặn tối đa 59
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng OLS Ordinary least-squares: Bình phương nhỏ nhất thông thường 1. Giới thiệu Sở hữu điều kiện khí hậu nhiệt đới phù hợp và các vùng đồng bằng màu mỡ, Việt Nam nắm giữ lợi thế lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2016, giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù có tiềm năng lớn và tăng trưởng nhanh như vậy, nông sản Việt Nam vẫn chỉ chiếm một thị phần khá khiêm tốn trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ hay EU. Khi so sánh với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Mexico, rau quả và trái cây Việt Nam kém hơn về chất lượng hay bao bì, hay gặp các vấn đề đối với hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó cũng kém cạnh tranh hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các rào cản thuế quan đã được dỡ bỏ đáng kể, sự chú ý được chuyển hướng sang các rào cản phi thuế quan (non-tariff barriers- NTB), đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật như các quy định an toàn thực phẩm, SPS hoặc các tiêu chuẩn về chất lượng và thành phần của sản phẩm. Những biện pháp kỹ thuật này được coi như là những trở ngại tiềm tàng cho hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Thực tế thì, những quốc gia đang phát triển như Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong việc đáp ứng được các yêu cầu SPS từ các nước phát triển. Để vượt qua được những rào cản này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có hiểu biết nhất định và nhận thức đúng đắn về tác động của các rào cản này đến hoạt động xuất khẩu của họ. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng cần dựa vào các nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp. Trong bối cảnh chưa có một nghiên cứu nào được tiến hành để đánh giá tác động của SPS, dựa theo Giới hạn chất cặn tối đa, đến xuất khẩu nông sản, tác giả có tham vọng có thể chỉ ra tác động của SPS đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam, mà cụ thể là các mặt hàng rau quả và trái cây, dựa trên Phân loại Thương mại quốc tế tiêu chuẩn (Standard International Trade Classification (SITC)). Trong hệ thống phân loại này, rau và quả được xếp vào nhóm SITC05 (xem bảng dưới để biết chi tiết các mặt hàng được đưa vào nghiên cứu). Tác động của SPS sẽ được tính toán dựa trên dữ liệu từ mười thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2015. Bảng 1.1 Nhóm SITC05 trong bảng phân loại của SITC Mã hàng hóa Tên sản phẩm 054 Rau tươi, làm lạnh, đông lạnh và bảo quản đơn giản (bao gồm các sản phẩm họ đậu sấy khô); củ, quả hạch và các loại rau ăn được khác- tươi hoặc sấy khô 056 Rau, củ và quả hạch được chế biến hoặc bảo quản mà chưa được đề cập ở mục khác 057 Trái cây và các loại hạt (không bao gồm hạt có dầu) tươi và sấy khô 058 Trái cây được bảo quản và được chế biến (không bao gồm nước trái cây) 059 Nước trái cây (bao gồm rượu nho chưa lên men) và nước rau củ, không lên men và không chứa các loại rượu mùi, có thêm đường hoặc các chất làm ngọt hoặc không thêm Nguồn: SITC 2. Cơ sở lý thuyết 2.1. Khái niệm 2.1.1. Các biện pháp phi thuế quan Các biện pháp phi thuế quan là một cơ chế hoặc một chính sách được sử dụng bên cạnh việc áp dụng thuế quan thông thường, có thể tạo ra tác động kinh tế tiềm tàng đến thương mại quốc tế, làm thay đổi lượng hàng hóa được trao đổi, hoặc giá, hoặc cả hai1. 2.1.2. Các thỏa thuận SPS 1 UNCTAD/DITC/TAB/2009/3 60
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Henson, Loader và cộng sự (2000) định nghĩa rằng SPS là một bộ phận của các biện pháp kỹ thuật. Trong khi đó, UNCTAD định nghĩa rằng SPS là những biện pháp được áp dụng để bảo vệ con người và động vật khỏi nguy cơ xuất phát từ các chất phụ gia, chất gây ô nhiễm, chất độc hoặc dịch bệnh; để bảo vệ động và thực vật khỏi các loại côn trùng, dịch bệnh, các sinh vật gây bệnh; để ngăn chặn hoặc hạn chế những tổn thất cho một quốc gia từ việc các loài côn trùng xâm nhập, phát triển và lan rộng; và để bảo vệ đa dạng sinh học. Biện pháp pháp lý để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng được cho phép ở các quốc gia tham gia vào thỏa thuận SPS, miễn là các biện pháp này được dựa trên nền tảng khoa học và không được dựng nên để gây trở ngại hoạt động thương mại. Tuy nhiên, các quốc gia tham gia thỏa thuận cũng được yêu cầu là phải nhận thức rằng, những biện pháp được các quốc gia thành viên khác áp dụng có thể có sự khác biệt về hình thức nhưng đều có mức độ bảo vệ tương đương. 2.2. Các phương pháp luận đánh giá ảnh hưởng của SPS 2.2.1. Mô hình trọng lực Hiện nay có một số mô hình được sử dụng để phân tích dòng thương mại như mô hình Giá- Cái nêm (Price-wedge method), Cách tiếp cận tồn kho (Inventory-based approach) hay Cách tiếp cận khảo sát. Tuy nhiên những mô hình này đều có một số hạn chế nhất định, trong khi mô hình Trọng lực chứng minh được ưu điểm của mình trong thời gian gần đây và được sử dụng khá phổ biến. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ đề cập đến mô hình Trọng lực. Khái niệm trọng lực được lấy ra từ Định luật Newton về vạn vật hấp dẫn. Theo định luật này, lực hút giữa hai vật thể sẽ tỉ lệ thuận với trọng lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với khoảng cách giữa chung. Dựa trên khái niệm này, Tinbergen và Bos (1962) đã phát triển một mô hình tương tự để biểu thị các nhân tố quyết định dòng chảy thương mại giữa hai quốc gia. Phương trình trọng lực Trong đó Fij = dòng chảy thương mại giữa hai nước i và j Mi = quy mô của nền kinh tế i đo bằng GDP Mj = quy mô của nền kinh tế j đo bằng GDP Dij = khoảng cách địa lý giữa nước i và j Các nhân tố chủ chốt khác như quá khứ thuộc địa, ngôn ngữ chung, đường biên giới hay việc tham gia các khối thương mại có thể được thêm vào để làm tăng sức mạnh dự báo của mô hình 2.3. Cơ sở lý thuyết Những năm gần đây, mô hình trọng lực được áp dụng rộng rãi để phân tích thương mại song phương giữa các quốc gia. Trong giới nghiên cứu thương mại quốc tế, người tiên phong trong việc áp dụng mô hình trọng lực để phân tích thương mại song phương là Tinbergen (1962)- một nhà phân tích kinh tế người Hà Lan. Tinbergen đã xây dựng mô hình trong đó biến phụ thuộc là dòng thương mại từ quốc gia A đến quốc gia B, và các biến độc lập bao gồm GDP và khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia. Nghiên cứu của ông đã chỉ ra rằng GDP có tác động dương trong khi khoảng cách có tác động âm đến thương mại. Nó chứng mình các quốc gia có quy mô kinh tế càng lớn và càng gần gũi về mặt địa lý thì sẽ trao đổi với nhau nhiều hơn. Sau đó, những nhà nghiên cứu khác như Chan-Hyun Sohn (2005) đã dùng mô hình này để phân tích dòng thương mại của Hàn Quốc, Ranajoy và Tathagata (2006) đã phân tích chiều hướng thương mại của Ấn Độ hay Alberto (2009) dã đánh giá sự tương thích của mô hình này trong việc lý giải các hoạt động xuất khẩu của Nam Phi. 61
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Rahman (2009) đã sử dụng ba phương trình (Xuất khẩu, Nhập khẩu, Tổng nhập khẩu) để nghiên cứu dòng thương mại giữa Bangladesh và các nước đối tác chính. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng dòng thương mại của Bangladesh chịu tác động của GDP. Trong khi đó, Erdem và Nazlioglu (2008) đã nghiên cứu các nhân tố tác động đến xuất khẩu nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào EU trong giai đoạn 1996-2001 và kết luận được rằng khoảng cách địa lý có tác động âm đến giá trị xuất khẩu. Mô hình trọng lực cũng đã được dùng để đánh giá tác động của tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến dòng thương mại. Wei, Huang et al. (2012) đã nghiên cứu xuất khẩu chè của Trung Quốc trong giai đoạn 1996-2009. Điểm mới trong nghiên cứu này là sự xuất hiện của biến giả- tiêu chuẩn an toàn thực phẩm- trong mô hình trọng lực dùng để đánh giá tác động của biến này đến xuất khẩu chè của Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thực sự có tác động đến xuất khẩu, mặc dù không có nhiều ý nghĩa do các thị trường khác nhau có những tiêu chuẩn khác nhau. Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi Wilson và cộng sự (2003) trong đó sử dụng mô hình trọng lực để đánh giá tác động của các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc đến hoạt động buôn bán thịt bò; và nghiên cứu đã cho thấy tiêu chuẩn về lượng Tetracyline trong thịt có tác động âm rất lớn đến việc buôn bán thịt bò trên thế giới. Otsuki và cộng sự (2001) đã dự đoán ảnh hưởng của những tiêu chuẩn aflatoxin mới đến xuất khẩu thực phẩm của Nam Phi; và nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc áp dụng những tiêu chuẩn mới đã có tác động âm đến xuất khẩu ngũ cốc, trái cây và hạt sấy khô của Nam Phi và thị trường EU. Otsuki và cộng sự (2001) đã sử dụng mô hình hiệu ứng cố định (fixed effects model) đối với nước nhập khẩu, trong khi đó, Anders và Caswell (2008) đã chọn mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên (random effects method). Các nhà nghiên cứu này đã cho rằng mô hình hiệu ứng cố định bỏ qua tất cả các biến cố định theo thời gian (time-invariant variables), ví dụ như khoảng cách địa lý giữa các quốc gia, và do đó nó không phù hợp để nghiên cứu thương mại song phương. Sun và cộng sự (2005) đánh giá tác động của giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt của Nhật Bản lên xuất khẩu rau của Trung Quốc và đã đưa ra kết luận rằng việc Nhật Bản áp dụng tiêu chuẩn Chlorpyrifos chặt chẽ hơn đã tác động âm đến xuất khẩu rau của Trung Quốc vào Nhật Bản. Trong nghiên cứu này, Sun và cộng sự đã sử dụng tiêu chuẩn MRL về thuốc bảo vệ thực vật như là một biến để đánh giá tác động của nó đến xuất khẩu Chen, Yang và cộng sự (2008) đã sử dụng mô hình trọng lực để đo lường tác động của các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến xuất khẩu nông sản của Trung Quốc. Họ sử dụng mô hình hiệu ứng cố định để giải quyết vấn đề rằng mô hình của họ có thể bị chủ quan do họ đã phớt lờ đi giá liên quan. Mô hình được xây dựng như bên dưới. Chen cùng cộng sự sử dụng tiêu chuẩn MRL về thuốc bảo vệ thực vật, cụ thể ở đây là Chlorpyrifos, để tính toán ảnh hưởng của tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến xuất khẩu nông sản của Trung Quốc. ln EXkij = βj + β1 ln OPTik + β2 ln GDPj + β3 ln DISTij (2) + β4 ln MRLk j + β5 ln TRFjk + εk ij. Sau rất nhiều nghiên cứu được tiến hành bằng mô hình trọng lực, nó đã dần được hoàn thiện bằng nhiều biến mới như: dân số, tỉ giá, GDP đầu người trung bình, lịch sử, ngôn ngữ, biên giới chung, WTO (có cùng là thành viên hay không), tiêu chuẩn an toàn thực phẩm,etc. 3. Tổng quan về xuất khẩu nông sản của Việt Nam 3.1. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam Rau và quả là những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2016 và cũng là nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt được thành công rực rỡ trong việc mở rộng thị trường. Năm 2016, doanh thu từ xuất khẩu rau và trái cây đạt 2.46 tỷ USD, tăng 33.6% so với năm 2015. Trong khi những mặt hàng khác trong nhóm nông sản có sụt giảm cả về lượng và giá, mặt hàng rau và trái cây vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian qua (năm 2014 tỉ lệ tăng trưởng là 28.4% trong khi năm 2015 tăng 23.7%). Vào năm 2015, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam với mức tăng trưởng 62
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 45.8% so với năm trước, đạt 1.74 tỉ USD, theo sau là Mỹ với tỉ lệ tăng trưởng là 44.2%, đạt 84.5 triệu USD; doanh số vào thị trường EU tăng 22.1% so với 2014 and đạt mốc 93.2 triệu USD; và ASEAN tăng 14.3% lên 133.7 triệu USD. Trong vài năm gần đây, nhiều loại rau quả Việt Nam đã đặt chân vào nhiều thị trường “khó tính” và tiếp tục mở rộng thị phần. Bảng 0.1 Giá trị xuất khẩu rau và trái cây Việt Nam Năm 2012 2013 2014 2015 Giá trị xuất khẩu 2,866 2,874 3,872 4,631 (triệu USD) Tỉ lệ tăng trưởng 15.3% 0,27% 34.7% 19.6% Nguồn: UNCOMTRADE Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cho viết nhu cầu thế giới về các mặt hàng rau và trái cây trong giai đoạn 2011-2015 tăng trung bình 3.6% mỗi năm, trong khi tỉ lệ tăng sản lượng sản xuất mỗi năm chỉ vào khoảng 2.6%. Sự gia tăng dân số cùng với việc thu nhập và mức sống được cải thiện đã tạo ra một lượng cầu khổng lồ đối với trái cây tươi và rau. Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nhà xuất khẩu rau và trái cây chính, thứ hạng đã được cải thiện từ 1 đến 3 bậc trong vài năm qua (thị phần của Việt Nam tăng từ 2.1% lên 2.4%). Những đối thủ cạnh tranh chính của chúng ta trong xuất khẩu rau và trái cây là Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Mặc dù có những tín hiệu tích cực như vậy, nhìn chung nền nông nghiệp nói chung và hoạt động xuất khẩu rau quả nói riêng của Việt Nam vẫn còn chưa xứng với tiềm năng. Việc canh tác rau và trái cây ở Việt Nam vẫn chủ yếu diễn ra dưới phương thức truyền thống, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau và trái cây vẫn còn rất hạn chế. 3.2. Tác động kinh tế của biện pháp SPS Theo thống kê của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (The United Nations Industrial Development Organization (UNIDO)), trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2013, 4 thị trường lớn: Australia, Mỹ, Nhật Bản và EU đã từ chối nhập khẩu 483 lô hàng rau và trái cây Việt Nam, gây tổn thất hơn 1 tỷ USD. Nguyên nhân của việc các sản phẩm của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào các thị trường này là do tồn dư thuốc kháng sinh, kim loại nặng, các loại vi khuẩn gây ô nhiễm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hệ thống kiểm soát vệ sinh thực phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước này. Theo thống kế của Eurofin2, trong ba tháng đầu năm năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 183 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2013, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam đã tăng đáng kể từ 5.500 tấn lên 12.000 tấn. Đến năm 2016, lượng nhập khẩu đã đạt 100.000 tấn và không có dấu hiệu sụt giảm. Eurofin đã thông tin rằng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô kiểm soát nhằm mục đích gia tăng năng suất đã khiến cho dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vượt qua tiêu chuẩn MRL của châu Âu và Mỹ. Việc nông sản bị trả ngược trở về, bị cảnh báo trên thị trường thế giới sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nói chung và thương hiệu nông sản Việt Nam nói riêng. 4. Phân tích định lượng 4.1. Chuyên biệt hóa mô hình và nguồn dữ liệu Trong bài viết này, tác giả sử dụng phương trình đã được Chen, Yang và cộng sự (2008) sử dụng, với một vài điều chỉnh. Chen, Yang và cộng sự đã đo lường ảnh hưởng của tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của một số thị trường lớn đến xuất khẩu của Trung Quốc, sử dụng tiêu chuẩn MRL, cụ thể là dư lượng Chlorpyrifos, đối với rau quả và thủy sản. Trong số những công trình nghiên cứu gần gũi với thực tế Việt Nam mà tác giả đang muốn tìm hiểu, bài nghiên cứu của Chen, Yang và cộng sự tỏ ra phù hợp nhất. Các 2 Eurofins Scientific is a leading international group of laboratories providing a unique range of analytical testing services to the pharmaceutical, food, environmental and consumer products industries and to governments. 63
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng biến quan trọng của mô hình đều được giữ lại như GDPj (GDP nước nhập khẩu), Outputi (sản lượng của nước xuất khẩu), Distance (khoảng cách địa lý giữa hai nước xuất và nhập khẩu) Bên cạnh đó, có 1 số biến mới được thêm vào, như Population (dân số) hoặc MRL. Trong nhiều trường hợp, SPS có thế được đo lường bằng một biến giả, biểu thị sự có hoặc không có SPS tại nước nhập khẩu. Trong bài này, SPS được đo bằng tiêu chuẩn MRL cụ thể, ở đây là dư lượng Clorpiryfos tối đa cho phép tại nước nhập khẩu. Phương trình cuối cùng là: ln EXkijt = βj + β1 ln OPTikt + β2 ln GDPjt + β3 ln POPjt + β4 ln DISTij (2) + β5 ln MRLkjt + β6 ln TRFjkt +εkij. Trong đó k là mặt hàng, i là nước xuất khẩu (Việt Nam), j là nước nhập khẩu (10 nước đối tác chính của Việt Nam) và t là thời gian Biến phụ thuộc EXkijt là giá trị xuất khẩu mặt hàng k từ nươc xuất khẩu i (Việt Nam) đến nước j trong năm t. Biến độc lập OPT là lượng nông sản k của Việt Nam sản xuất ra trong năm t; GDP là GDP của nước j trong năm t; POP là dân số nước nhập khẩu trong năm t; DISTij là khoảng cách từ Việt Nam đến nước j; MRL là Giới hạn Dư lượng tối đa của chất Clorpyrifos; TRF là thuế quan nhập khẩu áp cho mặt hàng k. Giá trị xuất khẩu Việc phân loại các mặt hàng để đánh giá dựa trên Phân loại Thương mại quốc tế tiêu chuẩn (SITC) bản 05. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2015 dựa theo dữ liệu của UNCOMTRADE. Bảng 0.2 Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào mười thị trường chính năm 2015 Quốc gia Giá trị (triệu USD) Tỉ lệ (%) Trung Quốc 1,468 31.7 Mỹ 811.2 17.5 EU 696.6 15.0 Australia 135.3 2.9 Nhật Bản 109.9 2.4 Hàn Quốc 103,2 2.2 Thái Lan 97.6 2.1 Malaysia 43.07 0.9 Singapore 33.03 0.7 New Zealand 21.3 0.45 Nguồn: UNCOMTRADE MRL Tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là biến chủ chốt của nghiên cứu này. Trong bài này, tác giả sẽ phân tích dựa trên tiêu chuẩn về dư lượng Clorpyrifos áp dụng cho rau và trái cây nhập khẩu. Clorpyrifos được sử dụng rộng rãi trên thế giới để ngăn chặn các loại côn trùng gây hại trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc trong khu dân cư. Các loại nông sản thường được phun loại thuốc này gồm có bông vải, bắp, hạnh nhân, các loại cây ăn trái như táo, chuối, cam. Phơi nhiễm Clorpyrifos có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính. 64
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Sức khỏe của nạn nhân sẽ bị tổn hại vĩnh viễn, và trẻ em bị phơi nhiễm với Clorpyrifos có thể bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Dữ liệu về giới hạn dư lượng Clorpyrifos được thu thập từ kho dữ liệu CODEX của FAO. Giá trị của giới hạn dư lượng Clorpyrifos là giá trị trung bình của tiêu chuẩn áp dụng cho từng mặt hàng thuộc nhóm SITC-05. Đôi khi, do có hạn chế về dữ liệu, tác giả cố gắng thu thập dữ liệu từ nguồn chính phủ nước nhập khẩu. Biến này dự kiến có tác động dương, do giá trị dư lượng Clorpyrifos cho phép càng nhỏ thì tiêu chuẩn càng chặt, và xuất khẩu sẽ giảm xuống. Ngược lại, giá trị MRL càng lớn có nghĩa là tiêu chuẩn càng lỏng lẻo, và xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn. Bảng 0.3 Nguồn dữ liệu Biến Nguồn dữ liệu Export value UNCOMTRADE database ( Outputi Food and Agriculture of United Nations (FAO) GDPj World bank database Populationj World Bank database Distance CEPII database Tariff Trade Analysis Information System (TRAINS) MRL CODEX database Bảng 0.4 Tác động kỳ vọng của các biến Biến Kỳ vọng Outputi + GDPj + Populationj + Distance - Tariff - MRL + 4.2. Phương pháp luận Trong bài này, tác giả sử dụng mô hình OLS. Dữ liệu sẽ được chạy bằng phần mềm Stata- một phần mềm được sử dụng rất phổ biến trong nghiên cứu kinh tế trong thời gian gần đây. 4.3. Kết quả Bảng 0.5 Kết quả hồi quy (1) (2) (3) VARIABLES lnEV lnEV lnEV lnGDPj 0.734 0.386 0.443 (0.0323) (0.0936) (0.114) lnYi 2.237 2.562 2.499 (0.257) (0.206) (0.208) 65
  8. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng lnD2 -0.000166 -0.373 -0.350 (0.0926) (0.0812) (0.0902) lnPOPj 0.451 0.373 (0.0999) (0.122) lnTR -0.0712* -0.0843 (0.0398) (0.0419) lnMRL 0.415* (0.245) Constant -32.49 -35.15 -33.88 (4.438) (3.868) (3.765) Observations 160 158 158 R-squared 0.774 0.802 0.806 Robust standard errors in parentheses p<0.01, p<0.05, * p<0.1 Kết quả hồi quy thể hiện tương quan tốt. Hệ số hồi quy tương tự như kỳ vọng. Trong cột đầu tiên là mô hình trọng lực cơ bản với giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam và ba biến trọng lực: GDP nước nhập khẩu, sản lượng sản xuất của Việt Nam và khoảng cách địa lý. Tất cả các biến đều có tác động như kỳ vọng. Trong khi GDP nước nhập khẩu, sản lượng sản xuất của Việt Nam có tác động dương, trong khi khoảng cách địa lý tác động âm nhưng không đáng kể. Độ tin cậy của mô hình này là 77%. Trong cột thứ hai, có hai biến được thêm vào là dân số nước nhập khẩu và thuế quan nhập khẩu. Mô hình này cũng thể hiện như kỳ vọng, dân số có tác động dương trong khi thuế quan nhập khẩu tác động âm. Cột thứ ba là mô hình đầy đủ với sự có mặt của biến MRL. GDP của nước nhập khẩu có tác động dương đến xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam. Cụ thể, khi GDP của nước nhập tăng 1%, trung bình xuất khẩu của Việt Nam vào nước đó sẽ tăng 0.44%. Quy mô nền kinh tế nước nhập khẩu tăng lên sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu rau và trái cây lớn hơn, do đó, nó sẽ có tác động làm gia tăng lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đó. Kết quả này không chỉ tương tự như kỳ vọng, mà cũng tương tự như nhiều nghiên cứu trước đó. Biến sản lượng sản xuất của Việt Nam cho kết quả dương và có ý nghĩa. Điều này chỉ ra rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng nếu như năng lực sản xuất trong nước tăng. Cụ thể là, nếu sản lượng rau quả của Việt Nam tăng 1%, xuất khẩu sẽ tăng thêm 2.5%. Biến dân số của nước nhập khẩu có tác động dương đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Khi dân số tăng 1%, xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 0.37%. Điều này là dễ hiểu khi dân số của nước nhập khẩu càng tăng thì nhu cầu đối với rau quả, trong đó có rau quả Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Các biến khoảng cách địa lý và thuế quan nhập khẩu có tác động âm. Điều này phù hợp với kỳ vọng của tác giả, cũng như phù hợp với hiểu biết thông thường của chúng ta. Khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia càng lớn, xuất khẩu càng gặp nhiều khó khăn và do đó, doanh số sẽ bị ảnh hưởng. Tương tự, mức thuế quan càng cao, giá rau quả Việt Nam nhập khẩu vào thị trường đó sẽ càng đắt đỏ, và cầu đối với chúng sẽ giảm đi. Biển quan trọng nhất trong mô hình là biến MRL, cụ thể là tiêu chuẩn Chlorpyrifos. Biến này có tác động dương, tức là khi tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật càng nhỏ đi, đồng nghĩa với tiêu chuẩn càng thắt chặt, xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ giảm đi. Kết quả hồi quy cho thấy khi tiêu chuẩn 66
  9. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Chlorpyrifos MRL giảm 1%, xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam sẽ giảm 0.45%. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng cũng như những nghiên cứu trước đó về tác động của tiêu chuẩn MRL. 5. Thảo luận Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng GDP và dân số nước nhập khẩu càng lớn thì xuất khẩu vào thị trường đó sẽ lớn. Điều này là dễ hiểu, và cũng gợi ý cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam rằng, cần tập trung khai thác các thị trường lớn, với GDP lớn và/hoặc dân số đông. Bên cạnh đó, sản lượng nông nghiệp của Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, chính phủ Việt Nam cũng cần có những biện pháp duy trì và mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, giảm tỉ lệ hao hụt trong quá trình thu hoạch và bảo quản. Ở chiều ngược lại, khoảng cách địa lý và thuế quan nhập khẩu có tác động âm đối với xuất khẩu. Điều này hàm ý rằng các thị trường gần Việt Nam có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp cần tận dụng, khai thác các thị trường lân cận, đặc biệt là các thị trường lân cận với GDP và dân số lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thuế quan cũng có tác động âm, nhưng trong bối cảnh ngày nay, khi Việt Nam ngày càng ký kết và gia nhập nhiều khu vực mậu dịch tự do, đặc biệt gần đây là việc phê chuẩn CPTPP, thuế quan sẽ ngày càng ít quan trọng đối với các nhà xuất khẩu. Yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu này là tiêu chuẩn Clorpyrifos MRL. Nghiên cứu này một lần nữa đã khẳng định rằng tiêu chuẩn này thực sự có tác động âm đối với xuất khẩu của Việt Nam. Để vượt qua được những rắc rối với vấn đề này, Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp và chính phủ. Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch, hướng dẫn cho nông dân canh tác nông nghiệp mà không sử dụng tràn lan các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Chính phủ cũng cần đóng vai trò trong việc giám sát, kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất bị cấm. Từ phía doanh nghiệp, họ có thể đầu tư cho các dự án nông nghiệp sạch và trực tiếp xuất khẩu những sản phẩm đó, thay vì phụ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài và không kiểm soát được chất lượng. 6. Kết luận Trong bài báo này, tác giả đã đánh giá tác động của thỏa thuận SPS đến giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Bài báo tập trung vào rau và trái cây bởi vì đây là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế, và có tiềm năng xuất khẩu lớn. Hơn thế nữa, đây cũng là nhóm mặt hàng mà trong thời gian qua, các nước đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam đã từ chối nhiều lô hàng do không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, và điều này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Phân tích đã chỉ ra rằng, tiêu chuẩn SPS, cụ thể trong trường hợp này là Chlorpyrifos MRL thực sự có tác động âm, gây giảm xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ngoài ra, bài báo cũng phân tích ảnh hưởng của một số yếu tố khác đến xuất khẩu như GDP của nước nhập khẩu, dân số nước nhập khẩu hay sản lượng sản xuất nông nghiệp trong nước. Những kết quả này có thể gợị ý một số hàm ý về chính sách và biện pháp cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tương lai TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Beghin, J. C. và Bureau J.-C. (2001). "Quantitative policy analysis of sanitary, phytosanitary and technical barriers to trade." Économie internationale(3): 107-130. [2] Bora, B. và cộng sự. (2002). Quantification of non-tariff measures, United Nations Publications. [3] Bradford, S. (2003). "Paying the price: final goods protection in OECD countries." Review of Economics and Statistics 85(1): 24-37. [4] Chen, C. và cộng sự (2008). "Measuring the effect of food safety standards on China’s agricultural exports." Review of World Economics 144(1): 83-106. [5] De Frahan, B. H. và M. Vancauteren (2006). "Harmonisation of food regulations and trade in the Single Market: evidence from disaggregated data." European Review of Agricultural Economics 33(3): 337- 67
  10. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 360. [6] Deardorff, A. V. và R. M. Stern (1998). Measurement of nontariff barriers, University of Michigan Press. [7] Disdier, A.-C. (2008). "Trade Effects of SPS and TBT Measures on Tropical and Diversification Products." ICTSD Programme on Agricultural Trade and Sustainable Development. [8] Erdem, E. và Nazlioglu S. (2008). Gravity Model of Turkish Agricultural Exports to the European Union. International Trade and Finance Association Conference Papers, bepress. [9] Fontagné, L. và cộng sự (2005). "An Assessment of Environmentally‐related Non‐tariff Measures." The World Economy 28(10): 1417-1439. [10] Harrigan, J. (1993). "OECD imports and trade barriers in 1983." Journal of international Economics 35(1-2): 91-111. [11] Henson, S., et al. (2000). Impact of sanitary and phytosanitary measures on developing countries, University of Reading, Department of Agricultural & Food Economics. [12] Leamer, E. E. (1990). "Latin America as a target of trade barriers erected by the major developed countries in 1983." Journal of Development Economics 32(2): 337-368. [13] Moenius, J. (2004). "Information versus product adaptation: The role of standards in trade." Available at SSRN 608022. [14] Nogues, J. J. và cộng sự (1986). "The extent of nontariff barriers to industrial countries' imports." The World Bank Economic Review 1(1): 181-199. [15] Olarreaga, M. và cộng sự. (2006). "Estimating trade restrictiveness indices." [16] Otsuki, T. và cộng sự (2001). "Saving two in a billion:: quantifying the trade effect of European food safety standards on African exports." Food policy 26(5): 495-514. [17] Rahman, M. M. (2009). "The determinants of Bangladesh’s imports: A gravity model analysis under panel data." [18] Sevela, M. (2002). "Gravity-type model of Czech agricultural export." ZEMEDELSKA EKONOMIKA-PRAHA- 48(10): 463-466. [19] Tinbergen, J. và H. Bos (1962). "Mathematical models of economic growth." [20] Wei, G. và cộng sự (2012). "The impacts of food safety standards on China's tea exports." China Economic Review 23(2): 253-264. [21] Yue, C. và cộng sự (2006). "Tariff equivalent of technical barriers to trade with imperfect substitution and trade costs." American Journal of Agricultural Economics 88(4): 947-960. 68