Áp chế tài chính đã kiềm chế sự phát triển của thị trường tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển như thế nào – thực trạng tại Việt Nam

pdf 7 trang Gia Huy 1890
Bạn đang xem tài liệu "Áp chế tài chính đã kiềm chế sự phát triển của thị trường tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển như thế nào – thực trạng tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfap_che_tai_chinh_da_kiem_che_su_phat_trien_cua_thi_truong_ta.pdf

Nội dung text: Áp chế tài chính đã kiềm chế sự phát triển của thị trường tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển như thế nào – thực trạng tại Việt Nam

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG ÁP CHẾ TÀI CHÍNH ĐÃ KIỀM CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH Ở CÁC NỀN KINH TẾ ĐANG PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO – THỰC TRẠNG TẠI VIỆT NAM ThS. Nguyễn Quang Minh Nhi Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Những áp chế tài chính của Chính phủ được biết đến như là những quy định, luật lệ và các hạn chế khác về thị trường mà nền kinh tế phải tuân theo. Những áp chế này một mặt đã ngăn trở sự phát huy toàn bộ các chức năng của các định chế tài chính trung gian trong nền kinh tế. Mặt khác, các nhà kinh tế học cũng cho rằng các áp chế về tài chính sẽ làm giảm sự phát triển của thị trường tài chính bởi vì những quy định này làm việc phân phối các nguồn lực trở nên kém hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều Chính phủ cho rằng những biện pháp này là cần thiết để đảm bảo tính thanh khoản và ổn định của nền kinh tế. Với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, liệu những áp chế tài chính này còn phát huy được vai trò của nó như mong muốn hay đang kiềm chế sự phát triển của thị trường tài chính ở những quốc gia này? Bài viết nhằm tổng hợp lý thuyết về các công cụ áp chế tài chính mà các chính phủ thường sử dụng, xem xét các nghiên cứu thực nghiệm ở các nước đang phát triển đồng thời đánh giá tác động của những biện pháp này tại thị trường Việt Nam hiện nay. Từ khóa: áp chế tài chính, các nước đang phát triển, thị trường tài chính. 1. Đặt vấn đề Từ năm 1973, Shaw đã cho rằng các nước đang phát triển đã để lộ ra rằng sự can thiệp của nhà nước đang hạn chế sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính. Những áp chế tài chính của Chính phủ một mặt đã làm hạn chế sự phát huy toàn bộ các chức năng của các trung gian tài chính, mặt khác làm cho sự phân phối các nguồn lực trở nên kém hiệu quả. Các Chính phủ cũ thông qua nhiều cách thức khác nhau áp đặt lên thị trường tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và kiềm hãm sự phát triển của thị trường này. Có thể kể đến sáu phương pháp thường được chính phủ ở các nước này áp dụng như đặt trần đối với lãi suất huy động, tăng dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng, hạn chế các đối tượng cho vay, nắm giữ quyền kiểm soát ở các ngân hàng, hạn chế việc tham gia vào ngành công nghiệp tài chính và kiểm soát dòng vốn (Beim & Calomiris 2001). Bài viết này với mục đích xem xét tác động của những biện pháp mà chính phủ thường áp dụng lên sự phát triển của thị trường tài chính và những nghiên cứu thực nghiệm của nhiều tác giả thực hiện ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng xem xét vai trò của các biện pháp áp chế tài chính tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây cũng như các biến đổi hay thay thế của những phương pháp này trong điều kiện mới. 2. Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm Áp đặt trần lãi suất đối với nguồn vốn huy động là cách thức mà nhiều chính phủ đã áp dụng từ những năm ba mươi. Biện pháp này đảm bảo cho sự tăng trưởng ổn định của hệ thống ngân hàng thông qua việc giảm bớt sự cạnh tranh. Hơn nữa, một khi các ngân hàng không chịu áp lực từ chi phí phải trả trên nguồn vốn huy động thì cũng sẽ giảm bớt những khoản cho vay rủi ro cao, từ đó giảm rủi ro cho ngân hàng. Việc đặt ra lãi suất huy động trần cũng giống như là một sự kiểm soát về giá và nó đem lại cho ngân hàng một mức “tô kinh tế” (economic rents) nhất định do sự không hoàn hảo của thị trường. Khoản tô này không chỉ làm giảm tỷ suất sinh lợi thực tế những người tiết kiệm nhận được mà còn làm giảm các khoản cho vay hiện tại và vì vậy có thể làm tăng lãi suất cho vay đối với những cá nhân vay nợ. Hơn nữa, một khi lạm phát cao sẽ dẫn đến lãi suất thực tế nhận 308
  2. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" được thấp và có thể âm làm giảm mong muốn tiết kiệm trong công chúng. Voridis (1993) nghiên cứu ảnh hưởng của trần lãi suất đến đầu tư của khu vực tư nhân ở Hy Lạp từ năm 1960 đến 1985 đã cho thấy rằng lãi suất cho vay và mức độ đầu tư của khu vực tư có mối quan hệ nghịch chiều. Điều này giúp ông kết luận rằng kết quả từ của việc áp đặt trần lãi suất là hạn chế tín dụng sẽ có tác động tiêu cực lên đầu tư (Voridis 1993). Như vậy phương thức này của chính phủ đã góp phần kìm hãm sự phát triển của thị trường tài chính ở các quốc gia này. Phương pháp thứ hai là ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng. Thông thường chính phủ sử dụng phương pháp này nhằm đảm bảo an toàn trong khi xảy ra khủng hoảng tài chính thường kéo theo việc rút tiền ồ ạt và để giảm chi phí các khoản nợ cho chính phủ (Beim & Calomiris 2001). Tháng 10 năm 2008, giám đốc ngân hàng trung ương Brazil đã báo cáo rằng đất nước này đang thực hiện dự trữ ở mức độ cao để đảm bảo rằng các ngân hàng có sự an toàn nhất định về tính thanh khoản và điều này là bắt buộc gửi ở ngân hàng trung ương. Việc ban bố mức độ cao về dự trữ của Brazil xuất hiện từ khủng hoảng tài chính bắt đầu vào khoảng năm 2008/2009, khi đó yêu cầu dự trữ bắt buộc được xem như một nhân tố quan trọng để kiểm soát rủi ro về tính thanh khoản. Tuy nhiên, việc áp dụng mức dự trữ bắt buộc cao cũng có mặt trái của nó. Một khi khoản dự trữ này quá lớn sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực nghiêm trọng tới hệ thống tài chính. Phương thức này được xem như một khoản thuế chìm mà các ngân hàng buộc phải gánh chịu, làm hạn chế việc các ngân hàng này tăng các khoản cho vay và đầu tư vào các tài sản khác. Khi có sự xuất hiện của khoản thuế ngầm này có nghĩa là các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng và/hoặc trả cho những người gửi tiết kiệm một mức lãi suất thấp hơn để bù đắp lại chi phí cho việc nắm giữ nguồn dự trữ không có lãi suất hoặc lãi suất rất thấp ở ngân hàng trung ương. Cùng với đó là nguồn quỹ dành cho đầu tư của thị trường tài chính cũng sẽ giảm bởi yêu cầu dự trữ cao (Roubini & Sala 1992). Nói cách khác, nguồn vốn sẵn có bị chuyển khỏi những đối tượng đi vay tiềm năng khác và chính phủ xem hệ thống ngân hàng trở thành một nguồn tài trợ, ưu tiên cho những đối tượng vay khác. Từ đó, hạn chế sự phát triển tự do của thị trường tài chính ở các quốc gia đang phát triển này. Công cụ thứ ba là việc chính phủ kiểm soát tín dụng ở các ngân hàng bằng cách chuyển các nguồn vốn ở các ngân hàng này cho những doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc những doanh nghiệp được ưu tiên và kết quả là làm giảm nguồn vốn dành cho khu vực tư nhân. Cách thức này mang lại lợi ích cho chính phủ từ việc sử dụng các quỹ tiết kiệm của người dân để tài trợ cho những thiếu hụt trong ngân sách và các dự án đầu tư (Beim & Calomiris 2001). Kết quả là chính phủ đã bắt buộc các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các ngành công nghiệp được xem là quan trọng trong chính sách công nghiệp hóa trong khi các ngành khác đáng được cho vay lại không được hỗ trợ vốn kịp thời. Công cụ áp chế tài chính này được xem là một lựa chọn tốt hơn so với việc sử dụng quá trình cân đối ngân sách của khu vực công. Ngoài ra, chính sách phân bổ tín dụng trực tiếp này không chỉ củng cố sức mạnh cá nhân của các quan chức chính phủ mà còn trở thành một nguồn chi ngân sách ngầm (Beim & Calomiris 2001). Thất bại trong chính sách trợ cấp tín dụng trực tiếp cho ngành nông nghiệp ở Nicaragua cuối những năm 80 đầu 90 là một ví dụ điển hình. Hệ thống tài chính ở nước này đã mất hoàn toàn vai trò thị trường vốn của nó trong thời gian này bởi những trợ cấp quá đáng của chính phủ cho nông nghiệp dẫn đến sự tồn tại của một số lượng lớn doanh nghiệp và nông trại không hiệu quả. Các hoạt động ở các nông trại bị biến đổi nhằm được hưởng trợ cấp tín dụng của chính phủ. Do đó, chính sách trợ cấp tín dụng trực tiếp trở thành một khoản chi ngân sách cho tiêu dùng hơn là một khoản đầu tư thực có hiệu quả. Một cách khác có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính là việc chính phủ sở hữu hoặc kiểm soát hoạt động của các ngân hàng. Bằng cách này, chính phủ có thể can thiệp vào các nghiệp vụ quản lý và hoạt động của ngân hàng, tạo ra một nguồn quỹ có sẵn với chi phí thấp cho các doanh nghiệp nhà nước bởi vì các công ty này không chịu sự cạnh tranh với khu vực tư. Điều dĩ nhiên là 309
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG chính sách tín dụng như vậy sẽ dẫn đến sự phân phối nguồn vốn kém hiệu quả và sự thất bại của hệ thống các định chế tài chính trung gian là điều không thể tránh khỏi. Nghiên cứu của La Porta và các cộng sự (2002) cho rằng “sự sở hữu của nhà nước và khi điều kiện khác không đổi thì sự phân phối các nguồn lực mang mục đích chính trị sẽ làm chậm lại sự phát triển về tài chính”. Bằng việc nghiên cứu số liệu từ năm 1960 đến năm 1995, ông cũng tin rằng việc gia tăng mức độ sở hữu của nhà nước đối với ngân hàng sẽ làm giảm sự phát triển tài chính ở thời kỳ tiếp theo với các điều kiện khác không đổi (La Porta và các cộng sự 2002). Bên cạnh đó, bài báo của Cooray (2011) phân tích 71 nền kinh tế khác nhau cũng chỉ ra mối quan hệ nghịch chiều giữa sở hữu nhà nước trong hệ thống ngân hàng và tính hiệu quả của lĩnh vực tài chính, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp. Chính phủ cũng có thể làm cho hệ thống tài chính kém phát triển bởi các biện pháp gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước muốn tham gia vào ngành tài chính và hạn chế các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh ở nước mình hoặc mua lại các định chế tài chính trong nước. Chính sách này không chỉ làm giảm sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính mà còn ngăn cản sự phát triển của thị trường chứng khoán. Cooray (2011) tin rằng sự can thiệp của chính phủ càng tăng càng làm giảm sự cạnh tranh và vì vậy dẫn đến làm giảm hiệu quả của hệ thống tài chính. Hơn nữa, các rào cản của chính phủ có thể gây khó khăn cho hoạt động của thị trường chứng khoán trong nước bởi việc thiếu nguồn vốn cho các ngân hàng và làm tăng các chi phí về thông tin, chi phí giao dịch có liên quan. Ngoài ra, Rajan và Zingales (1996) cho rằng những chi phí phát sinh từ việc thị trường tài chính kém phát triển sẽ tác động khác nhau lên các doanh nghiệp hiện hành so với các công ty mới, giữa các công ty lớn so với công ty quy mô nhỏ, v.v Vì vậy, những chi phí này làm hạn chế việc sử dụng nguồn tài trợ từ thị trường chứng khoán. Hai tác giả này cũng tin rằng các quy định của chính phủ quyết định sự phát triển của thị trường tài chính bởi vì một thị trường phát triển tốt được thể hiện qua một trong những lợi thế so sánh của các ngành công nghiệp là việc sử dụng phần lớn các nguồn tài trợ bên ngoài doanh nghiệp (Rajan and Zingales 1996). Cuối cùng, các biện pháp kiểm soát dòng vốn của chính phủ cũng làm hạn chế sự phát triển của hệ thống tài chính. Đối với các thị trường mới nổi nơi mà có rất nhiều các cơ hội đầu tư thì các doanh nghiệp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế sẽ có lợi thế giảm được chi phí tài chính (Beim & Calomiris 2001). Bởi vậy, nghiên cứu của Lipschitz và các cộng sự (2002) ở các quốc gia đang chuyển đổi ở Đông và Trung Âu (CEE) tin rằng “việc kiểm soát vốn có thể làm sai lệch sự phân bổ các nguồn lực liên thời gian và có thể được sử dụng như là một lời biện giải cho việc nới lỏng sự trừng phạt liên quan đến kinh tế vĩ mô”. Mặt khác, nghiên cứu cũng cho rằng những hạn chế về dòng vốn có thể cung cấp sự bảo đảm tạm thời cho các nền kinh tế mới nổi trước các dòng vốn khó kiểm soát như các khoản vay liên ngân hàng và các danh mục đầu tư” (Lipschitz và các cộng sự 2002). Điều này có nghĩa là mặc dù việc kiểm soát dòng vốn có thể làm suy yếu sự phát triển về tài chính nhưng những chính sách này cũng là cách thức để bảo vệ thị trường mới nổi trước các mặt trái tiềm tàng như sự tăng trưởng quá nhanh không bền vững và sự sụp đổ của tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, Siong (2009) đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa dòng vốn và sự phát triển về mặt tài chính ở các quốc gia đang phát triển. Nói cách khác, ông cho rằng sự phát triển tài chính bị ảnh hưởng một cách tích cực bởi việc nới lỏng các tài khoản về vốn và thương mại (Siong 2009). Hơn nữa, Petris (2012) đề xuất rằng các quốc gia càng phát triển càng có xu hướng cởi bỏ những biện pháp kiểm soát về dòng vốn bởi vì nghiên cứu của ông cho rằng có một mối quan hệ ngược chiều giữa việc duy trì kiểm soát vốn và chỉ tiêu thu nhập trên vốn. 3. Thực trạng các áp chế tài chính ở Việt Nam hiện nay Trong các biện pháp áp chế tài chính, công cụ kiểm soát về lãi suất được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nhóm nghiên cứu của chương trình Fulbright đã xem xét tác động của các công cụ áp chế tài chính từ những năm 80 đến nay ở Việt Nam kết luận rằng 310
  4. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" những kiểm soát chặt chẽ về lãi suất thường dẫn đến tình trạng lãi suất thực âm, ảnh hưởng đến sự phát triển của tài chính và mức độ sâu của nó (financial deepening). Trong những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các quy định về áp trần lãi suất huy động đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam nhằm hạn chế việc tăng trưởng tín dụng và giải quyết sự cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại. Cụ thể các quy định của Chính phủ từ năm 2011 đến nay được liệt kê trong bảng 1. Bảng 1. Các quy định về trần lãi suất huy động bằng tiền VND kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do Ngân hàng nhà nước quy định từ tháng 3 năm 2011 Văn bản điều chỉnh Mức lãi suất quy định Thông tư 02/2011 ngày 3 tháng 3 năm 2011 14% Thông tư 30/2011 ngày 28/9 năm 2011 6% với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và 14% với thời hạn trên 12 tháng Thông tư 05/2012 ngày 12/3 năm 2012 5%, 13% Thông tư 08/2012 ngày 10/4/2012 4%, 12% Thông tư 17/2012 ngày 25/5/2012 3%, 11% Thông tư 19/2012 ngày 8/6/2012 2%, 9% dưới 12 tháng Thông tư số 15/2013/TT-NHNN ngày 27/06/ 2013 7% với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng Quyết định số 498/QĐ-NHNN ngày 17/3/2014 6% với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam Tuy vậy, các biện pháp này cộng với lạm phát cao dẫn tới lãi suất thực âm trong một thời gian dài. Cũng trong khoản thời gian 2011/2012, thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm cộng với thị trường vàng và ngoại hối bị quản lý chặt chẽ, người dân chỉ còn một lựa chọn là gửi tiết kiệm ngân hàng mặc dù lãi suất thực âm. Do đó, dân chúng phải chịu mức thuế lạm phát và thuế áp chế một thời gian dài khiến mức huy động giảm sút sau thời gian đó (Vũ Quốc Huy 2012). Sang năm 2013, với các biện pháp nhằm giảm lạm phát khiến cho lãi suất thực bắt đầu dương. Đồng thời, ngân hàng nhà nước cũng ban hành các văn bản nhằm hạ dần trần lãi suất đối với tiền gửi huy động nhằm hạ lãi suất cho vay, kích thích cho việc tăng trưởng tín dụng trở lại ở các ngân hàng. Tóm lại, tuy rằng áp đặt trần lãi suất được sử dụng phổ biến và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn nhưng công cụ này cũng góp phần vào việc cải thiện tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng tín dụng quá nóng ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Hình 1. Lãi suất tiền gửi trung bình và tỷ lệ lạm phát từ năm 2008 đến 2013 Nguồn: stoxplus và ngân hàng nhà nước 311
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Bên cạnh đó, dự trữ bắt buộc được sử dụng ở Việt Nam như là công cụ để đảm bảo tính thanh khoản ở các ngân hàng và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, công cụ này không thể phát huy hiệu quả như mong muốn vì tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng ở các ngân hàng trong khi mức dự trữ bắt buộc lại quá thấp, đặc biệt là trong thời gian năm 2011/2012. Với tình hình lạm phát tăng trong giai đoạn đó thì ngân hàng trung ương phải hút tiền từ các tổ chức tín dụng về thông qua công cụ dự trữ bắt buộc. Tuy vậy, nguyên nhân của việc giữ mức dự trữ bắt buộc thấp là do các ngân hàng đang thiếu thanh khoản nên một khi tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. Do đó, công cụ dự trữ bắt buộc ở Việt Nam vẫn chưa phát huy được vai trò của nó. Do đó, từ tháng 9 năm 2011 đến nay, ngân hàng nhà nước đã không sử dụng đến công cụ dự trữ bắt buộc mà sử dụng các công cụ linh hoạt khác nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống và góp phần giảm lạm phát. Hình 2 – Tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi VND tại các tổ chức tài chính (trừ ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn) từ năm 2007 đến 2011 Nguồn: GAFIN/SBV Ở Việt Nam hiện nay, kể từ sau khi gia nhập WTO, việc trợ cấp tín dụng trực tiếp từ Nhà nước sẽ không được phép, do đó sẽ xuất hiện sự khủng hoảng về vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước vốn sống chủ yếu từ nguồn tài trợ của chính phủ. Sau đó, các doanh nghiệp này được nâng cấp lên thành tập đoàn kinh tế và kinh doanh đa ngành giúp giải quyết tình trạng này. Với mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp sẽ có nguồn tài trợ mới từ các công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các ngân hàng thuộc sở hữu của các tập đoàn kinh tế này thay cho tín dụng trực tiếp của Nhà nước. Tuy nhiên, mặc dù thừa vốn nhưng lại không được sử dụng hiệu quả đã đẩy các tập đoàn kinh tế lâm vào tình cảnh khó khăn. (Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014) Về phần sở hữu nhà nước trong ngành tài chính, ở nước ta hiện còn bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Vietinbank, Agribank, BIDV và Vietcombank với phần trăm vốn thuộc sở hữu nhà nước là rất lớn (trên 65% ở cả 4 ngân hàng). Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu ở những ngân hàng này lại chiếm tỷ lệ cao, chứng tỏ sự tồn tại của những món cho vay kém hiệu quả, cá biệt có trường hợp như Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chiếm tới 1/4 nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu cho thấy một phần kém hiệu quả trong quản trị hoạt động ở những ngân hàng này, đặc biệt là ở khâu cung cấp tín dụng. So sánh với các ngân hàng thương mại cổ phần khác trên thị trường như ACB, Sacombank, Eximbank và MBbank có thể thấy rằng nợ xấu cũng là tình trạng chung ở các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Các biện pháp được đưa ra như 312
  6. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" tái cấu trúc ngân hàng hay thành lập công ty mua bán nợ xấu trở nên cấp bách trong thời điểm hiện nay để giải quyết tình trạng này. Hình 3 – Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của 8 ngân hàng lớn tính đến 31/12/2013 Nguồn: theo công bố của các ngân hàng Từ khi Việt Nam gia nhập WTO cho đến nay, các rào cản về việc gia nhập vào thị trường tài chính trong nước đã được cởi bỏ rất nhiều. Thực tế tính đến năm 2013, tại thị trường Việt Nam đã có 5 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 48 chi nhánh ngân hàng nhà nước, 8 Công ty cho thuê tài chính và 56 văn phòng đại diện. Mặc dù thị phần của những ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính còn khá khiêm tốn nhưng các tổ chức này có vị trí quan trọng trong hệ thống tài chính của Việt Nam. Ngoài ra, sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài là mối đe dọa cho các ngân hàng trong nước bởi lẽ với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm quản trị ngân hàng tiên tiến, các ngân hàng này dễ dàng thực hiện chiến lược mở rộng quy mô thông qua mua bán, sáp nhập và thâu tóm các ngân hàng trong nước. Do đó, các ngân hàng trong nước chỉ có thể tự bảo vệ bằng cách nâng cao năng lực của chính mình trước áp lực từ các tổ chức tài chính nước ngoài. 4. Kết luận Như vậy, những sự can thiệp của chính phủ ở những thị trường mới nổi được xem như là cách khai thác của cải từ khu vực tư nhân hoặc các doanh nghiệp không được hỗ trợ sang các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển dưới hai hình thức là thuế và tô. Sự can thiệp này được thực hiện dưới nhiều cách thức như đặt trần lãi suất huy động, nâng dự trữ bắt buộc, chính sách tín dụng ngân hàng trực tiếp, sở hữu các ngân hàng, hạn chế gia nhập vào thị trường tài chính trong nước hay kiểm soát dòng vốn. Trên thực tế đã có khá nhiều những nghiên cứu thực nghiệm ở nhiều quốc gia xem xét tác động của những sự áp chế này lên sự phát triển của thị trường tài chính trong nước. Một điều dễ nhận thấy rằng mặc dù các biện pháp này mang lại lợi ích cho chính phủ nhưng chúng cũng gây thiệt hại đến khu vực tư nhân và làm sự phân bổ các nguồn lực trở nên kém hiệu quả. Bên cạnh đó, thực trạng ở Việt Nam cũng cho thấy việc áp dụng một cách cứng nhắc các biện pháp áp chế tài chính sẽ kiềm hãm sự phát triển tự do của thị trường. Do đó, việc sử dụng linh hoạt, thay đổi hay nới lỏng của những công cụ này trong điều kiện mới của thị trường là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tài chính phát huy hết vai trò và hiệu quả của nó. Vì vậy, có thể nói rằng, để nền kinh tế phát triển thì Chính phủ nên nới lỏng các quy định áp đặt về tài chính. Các chính phủ hiện nay chỉ nên sử dụng các biện pháp này như là cách thức để bảo vệ nền kinh tế thoát khỏi các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa mà thôi. 313
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Báo cáo tài chính năm 2013 của Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank. [2] Ủy ban kinh tế (2014) Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014. [3] Vũ, Q., H. (2012) „Áp chế tài chính: Những biểu hiện trong chính sách lãi suất năm 2011 đến nay và những hệ lụy‟. [4] Beim, D., và Calomiris, C. (2001) Emerging financial markets. Boston: McGraw-Hill. [5] Cooray, A. (2011) 'The Role of the Government in Financial Sector Development'. Economic Modelling 28 (3), 928-938. [6] La Porta, R., Lopez-De-Silanes, F., và Shleifer, A. (2002) 'Government Ownership of Banks'. The Journal of Finance 57 (1), 265-301. [7] Lipschitz, L., Lane, T. và Mourmouras, A. (2002) 'Capital Flows to Transition Economies: Master or Servant?'. Working Paper, IMF. [8] McKinnon, R.I. (1973) Money and Capital in Economic Development. Washington D.C.: The Brookings Institution. [9] Petriș , S. (2012) 'Controls on Capital Movements'. Economic Science Series. [10] Rajan, R. G., và Zingales, L. (1996) 'Financial Dependence and Growth'. Working Paper, National Bureau of Economic Research. [11] Shaw, E. (1973) Financial Deepening in Economic Development. Oxford: University Press. [12] Siong, H. L. (2009) 'Trade Openness, Capital Flows and Financial Development in Developing Economies'. International Economic Journal 23 (3), 409-426. [13] Stiglitz, J. (2000) 'Capital market liberalization, economic growth, and instability'. World Development, 28(6), 1075–1086. [14] Voridis, H. (1993) Ceilings on interest rates and investment : the example of Greece. Cambridge: MIT Press. 314