Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại tổ chức tín dụng theo pháp luật bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới

pdf 10 trang Gia Huy 23/05/2022 2220
Bạn đang xem tài liệu "Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại tổ chức tín dụng theo pháp luật bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfbao_ve_quyen_loi_nguoi_gui_tien_tai_to_chuc_tin_dung_theo_ph.pdf

Nội dung text: Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại tổ chức tín dụng theo pháp luật bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới

  1. BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG THEO PHÁP LUẬT BẢO HIỂM TIỀN GỬI Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI TS. Phạm Thị Thuý Liễu, TS. Hồ Thị Hải13 - Trường Đại học Vinh Tóm tắt: Trong xu thế phát triển mạnh của các loại hình dịch vụ tài chính, đặc biệt là tài chính cá nhân hiện nay thì vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, chỉ khi người tiêu dùng tài chính được bảo vệ an toàn thì mới có niềm tin vào khu vực tài chính chính thức, đóng góp vào sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường tài chính. Trong các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại các ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi là một phương thức ra đời sớm và có những hiệu quả nhất định. Bài viết nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tài chính thông qua cơ chế bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng bằng phương thức bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật ở Việt Nam; so sánh đối chiếu với một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật bảo hiểm tiền gửi về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam hiện nay. Từ khoá: Người tiêu dùng tài chính, Người gửi tiền; Tổ chức tín dụng; Bảo hiểm tiền gửi. Abstract: With recent rapid development of financial services, especially personal financial services, the need to protect financial customers’ interest becomes critical. Customers’ trust in financial services is the root of a healthy and stable financial market. Deposit insurance is one of the earliest and most effective tools to protect depositors in financial and credit institutions. The study focuses on the protection of depositor through assessment of current state of law and enforcement in Vietnam related to protection of depositors and deposit insurance in financial and credit institutions. The study also compares current state of law and enforcement of Vietnam with some other nations’ states. The author proposes new solutions to improve the effectiveness of law and enforcement of law related to protection of depositor and deposit insurance in financial and credit institutions in Vietnam today. Keywords: Financial Consumers, Depositors; Credit institutions; Deposit insurance. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong các nghiệp vụ ngân hàng thì huy động vốn từ tiền gửi của khách hàng luôn là nghiệp vụ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD). Khách hàng - người gửi tiền được hiểu một cách đơn giản là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu có nhu cầu thực hiện việc gửi tiền vào TCTD nhằm đáp ứng các mục đích của mình. Về bản chất, người gửi 13 Email: phamthuylieu@gmail.com và hothihaikt31c@gmail.com Điện thoại: 0983529456; 0976715872 158
  2. tiền chính là người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, theo đó người gửi tiền là chủ thể sử dụng dịch vụ gửi giữ tài sản của TCTD không phải vì mục đích cung cấp lại để tìm kiếm lợi nhuận. Trong quan hệ gửi tiền, tình trạng bất cân xứng về thông tin giữa người gửi tiền và TCTD diễn ra khá phổ biến khi người gửi tiền thường không nắm rõ quy định pháp luật và cơ chế hoạt động của TCTD. Trong khi đó, TCTD có trình độ hiểu biết pháp luật, nắm giữ đầy đủ thông tin nên có đủ cơ chế bảo vệ mình, có kinh nghiệm khi xảy ra trường hợp tranh chấp với khách hàng. Bên cạnh đó, khác với hoạt động vay tiền tại TCTD, khách hàng cần tài sản bảo đảm cho khoản vay của mình để chứng minh năng lực tài chính và khả năng trả nợ. Trong khi đó, trong hoạt động nhận tiền gửi, người gửi tiền không nắm giữ tài sản bảo đảm của TCTD, do đó khi xảy ra tranh chấp hoặc rủi ro thì người gửi tiền dễ rơi vào vị thế yếu hơn so với TCTD. Ngoài ra, quan hệ nhận tiền gửi giữa TCTD và người gửi tiền thường không được ghi nhận trong các hợp đồng cụ thể và chặt chẽ. Trên thực tế, khi khách hàng có nhu cầu gửi tiền, họ sẽ đến quầy giao dịch, điền thông tin trên mẫu biểu có sẵn của TCTD. Sau khi hoàn thành thủ tục, khách hàng sẽ nhận được sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm, được coi như một hình thức ghi nhận giao dịch gửi tiền giữa người gửi tiền và TCTD. Như vậy, đa số người gửi tiền không được đàm phán, thương thảo các điều khoản có lợi cho mình mà phải thực hiện theo các điều khoản có sẵn của TCTD, trong khi đó các điều khoản này thông thường chủ yếu bảo vệ quyền lợi cho TCTD. Từ những luận điểm trên cho thấy, người gửi tiền luôn có những bất lợi pháp lý hơn so với TCTD, do đó việc xây dựng và áp dụng các phương thức bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại các TCTD luôn là vấn đề quan trọng trong hoạt động tài chính, ngân hàng hiện nay. 1. Bảo hiểm tiền gửi – Phương thức hữu hiệu bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng Dưới góc độ quan hệ gửi giữ tài sản, đa số người gửi tiền quan tâm đến nhóm quyền về bảo vệ, bảo đảm an toàn tiền gửi của mình tại TCTD. Các phương thức để đảm bảo an toàn cho tiền gửi, bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền tại TCTD bao gồm: - Áp dụng chính sách lãi suất, do mục tiêu quan trọng nhất của các ngân hàng trung ương của các quốc gia trên thế giới là ồn định giá trị đồng tiền của quốc gia, trong đó lãi suất là một trong các công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Lãi suất huy động tại các TCTD là một bộ phận của lãi suất, cũng là công cụ chính để các ngân hàng tạo lợi thế cạnh tranh trong nghiệp vụ huy động của mình. Ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam áp dụng chính sách quản lý trần lãi suất huy động nhằm ngăn chặn cuộc chạy đua về lãi suất của các ngân hàng và giảm lãi suất cho vay trên thị trường. - Dự trữ bắt buộc, là số tiền mà các TCTD phải duy trì trên tài khoản thanh toán tại ngân hàng trung ương. Dự trữ bắt buộc được xác định trên cơ sở số dư tiền gửi huy động bình quân của từng loại tiền gửi phải dự trữ bắt buộc tại Hội sở chính và các chi nhánh của TCTD trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc và tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng được ngân hàng trung ương xác định trong từng thời kỳ. - Cung cấp và bảo mật thông tin, đây là chính sách các TCTD phải công khai các dịch vụ và chế độ ưu đãi với người gửi tiền nhưng đồng thời phải bảo vệ và giữ bí mật những thông tin về khách hàng. 159
  3. - Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), là cam kết công khai của tổ chức bảo hiểm tiền gửi về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có tham gia bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức này bị mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động. Trong các phương thức kể trên, BHTG là phương thức được thực hiện bởi định chế tài chính độc lập. Lịch sử phát triển ngân hàng trên thế giới cho thấy hoạt động BHTG công khai được thực hiện từ rất sớm tại Mỹ vào năm 1829 nhằm đối phó với tình trạng đổ vỡ mang tính chất định kỳ của các ngân hàng vào thế kỷ XIX. Hoạt động này nằm trong chương trình bảo hiểm trách nhiệm ngân hàng nói chung và mục đích của nó là bảo vệ cộng đồng khi có ngân hàng đổ bể và bảo vệ người gửi tiền cá thể, người giữ các công cụ huy động tiền gửi cá thể. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 100 quốc gia thành lập hệ thống BHTG với các mô hình hoạt động khác nhau14. BHTG được xem như là một phương thức hữu hiệu bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền bởi mục tiêu của BHTG là bảo vệ người gửi tiền, mà trên hết là những người gửi tiền nhỏ, ít hiểu biết về tài chính. BHTG có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguời gửi tiền, nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Vì thế, việc sử dụng công cụ BHTG là vấn đề đuợc nhiều Chính phủ quan tâm, theo đó hầu hết các Chính phủ đều tìm cách sử dụng BHTG như là một công cụ tài chính hữu hiệu để bảo vệ nguời gửi tiền trước nguy cơ phá sản của TCTD. 2. Thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới về cơ chế bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng 2.1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi Trên thế giới, hệ thống BHTG được cấu trúc theo nhiều hình thức khác nhau, tổ chức BHTG có thể là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước độc lập, hoặc có thể là một tổ chức do các ngân hàng thương mại góp vốn thành lập và quản lý hoặc là một đơn vị thuộc NHTW hoặc cơ quan giám sát. Ví dụ: Theo khảo sát tại 79 hệ thống BHTG thì có 70 tổ chức là pháp nhân độc lập (trong đó có 53 tổ chức thuộc chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước, 17 tổ chức do các ngân hàng góp vốn thành lập) và có 9 tổ chức là đơn vị trực thuộc NHTW, cơ quan chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền. Hầu hết các tổ chức BHTG đều được cấu trúc là thể chế độc lập thuộc chính phủ hoặc doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Mặc dù mô hình tổ chức này đòi hỏi được đầu tư nhiều hơn các mô hình khác nhưng cho phép tổ chức BHTG thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền. Mô hình tổ chức khác cho cơ quan BHTG là tổ chức phi lợi nhuận do các ngân hàng góp vốn thành lập (ví dụ: Pháp, Brazil, Argentina ). Mặc dù là tổ chức do các ngân hàng góp vốn và thành lập nhưng thông thường nhiệm vụ của các tổ chức này cũng được quy định trong luật15. Ở Việt Nam, BHTG Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính nhà nước được giao thực hiện chính sách công về BHTG, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định 14 Ngô Quang Huy (2020), Pháp luật về bảo hiểm tiền gửi từ thực tiễn bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Tr.29 15 Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Trung tâm thông tin khoa học. 2009. Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả. 160
  4. của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Với vai trò là góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD; sự ổn định về chính trị, an ninh và trật tự xã hội, tiền đề cho ổn định và phát triển kinh tế. 2.2 Loại tiền gửi, phí bảo hiểm tiền gửi, hạn mức tiền gửi được bảo hiểm - Về loại tiền gửi được bảo hiểm: Pháp luật về BHTG của Việt Nam quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Quy định về tiền gửi được bảo hiểm là cơ sở pháp lý để triển khai việc chi trả, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền một cách hiệu quả, minh bạch và thống nhất. Việc quy định người gửi tiền nào hay loại tiền gửi nào được bảo hiểm phụ thuộc vào chính sách của từng hệ thống BHTG. Một số hệ thống BHTG trên thế giới chỉ quan tâm tới loại tiền gửi được bảo hiểm mà không quan tâm người gửi tiền nào được bảo hiểm. Hầu hết các hệ thống BHTG trên thế giới đều không BHTG của các cơ quan chính phủ, tiền gửi bất hợp pháp, tiền gửi của các tổ chức tài chính, các công ty lớn và tiền gửi của người trong nội bộ của các ngân hàng tham gia BHTG vì họ cho rằng đây đều là những đối tượng có khả năng tiếp cận và nắm được thông tin về tình hình hoạt động và quản lý của các tổ chức mà họ gửi tiền. Ví dụ: Hàn Quốc nêu rõ sự hợp tác đa phương chặt chẽ giữa các tổ chức trong mạng an toàn tài chính “Chính phủ Hàn Quốc và các cơ quan giám sát tài chính phải thông báo cho KDIC những diễn biến chính như việc tạm ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép của tổ chức tài chính ”. Hay trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, sự ra đời của Luật cải cách phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng tài chính (Dodd-Frank) đã cho FDIC quyền xử lý một số tổ chức tài chính phi ngân hàng. Mô hình hoạt động của tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro tại Mỹ được xem là rất thành công 16. Để tránh những cách hiểu không thống nhất về loại tiền gửi được bảo hiểm, đa số các hệ thống BHTG thường chỉ ra những loại tiền gửi không được bảo hiểm. Thông thường các quốc gia không bảo hiểm đối với các loại tiền gửi sau: Tiền gửi ngoại tệ; Tiền gửi liên ngân hàng; Chứng chỉ tiền gửi không ghi danh. Bên cạnh đó, một số hệ thống BHTG thường nêu cụ thể tiền gửi trên loại tài khoản tiền gửi nào được bảo hiểm trong đó có bao gồm cả tiền gửi ký quỹ, ký cược của cá nhân và tiền gửi trên tài khoản đồng chủ tài khoản. Quy định như vậy sẽ thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, đặc biệt là trong giai đoạn hoạt động ngân hàng đang phát triển, ra đời nhiều hình thức huy động mới, chưa thể định danh tại thời điểm qui định về tiền gửi được bảo hiểm. Hơn nữa, đối với tiền gửi cá nhân trên tài khoản đồng chủ tài khoản cần có qui định cụ thể về hạn mức chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp này. - Về phí bảo hiểm tiền gửi: Phí BHTG là khoản tiền mà tổ chức tham gia BHTG phải nộp cho tổ chức BHTG để bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG. Mục đích của thu phí là để hình thành nguồn quỹ có sẵn giúp xử lý kịp thời đổ vỡ TCTD và thực hiện mục tiêu bảo vệ người gửi tiền. Hiện nay, trên thế giới có hai hệ thống phí BHTG được áp dụng là hệ thống phí đồng hạng 16 Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Trung tâm thông tin khoa học. 2009. Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả. 161
  5. và hệ thống phí trên cơ sở rủi ro (phí phân biệt). Ở một số quốc gia, mức phí đồng hạng phần lớn được áp dụng trong giai đoạn đầu thành lập, nhưng sau một thời gian ngắn hoạt động khi tổ chức BHTG tích luỹ đủ nguồn vốn quỹ mục tiêu, kinh nghiệm và có khả năng đánh giá, xếp loại các tổ chức tham gia BHTG một cách phù hợp thì sẽ tổ chức thu phí theo mức độ rủi ro, ví dụ: Canada, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Mỹ, Đài Loan, Thuỵ Điển, Singapore hoặc một số quốc gia, dựa trên xếp hạng phí của tổ chức BHTG, ngân hàng tự tính phí và trả cho tổ chức BHTG trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Phương pháp thu phí đồng hạng bộc lộ một số bất cập, như: mang tính “cào bằng”, không khuyến khích, thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức nhận tiền gửi, không đảm bảo nguyên tắc thị trường (TCTD nào rủi ro cao thì phải đóng phí cao và ngược lại). Điều đó sẽ dẫn tới hệ quả không đảm bảo công bằng giữa các TCTD, không tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD và không tạo động lực cho các TCTD cố gắng nỗ lực cải thiện hoạt động và nâng cao tính minh bạch cho tổ chức và tăng cường khả năng thích nghi cũng như cạnh tranh trên thị trường 17 Ở Việt Nam, Luật BHTG năm 2012 không quy định khung phí và mức phí cứng mà quy định mức phí cụ thể đối với các tổ chức tham gia BHTG dựa trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro và phân loại của các tổ chức này. Tuy nhiên, thực tiễn BHTGVN vẫn đang áp dụng mức phí đồng hạng đối với các tổ chức tham gia BHTG, theo đó mức phí đồng hạng được áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG là 0,15% trên tổng số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Việc tổ chức BHTGVN vẫn đang tiếp tục áp dụng mức phí đồng hạng đã bộc lộ những hạn chế và không đảm bảo đúng quy luật thị trường là tổ chức nào hoạt động rủi ro cao thì phải đóng phí nhiều và ngược lại; đồng thời không đảm bảo tính công bằng và không khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG tích cực cải thiện và hoạt động an toàn lành mạnh để được hưởng mức phí BHTG thấp. Có thể nói, áp dụng cách tính phí đồng hạng như hiện nay, BHTGVN chỉ quan sát được số dư tiền gửi bình quân chứ không đánh giá được tiềm lực tài chính cũng như nguy cơ có thể xảy ra rủi ro trong quá trình hoạt động của từng tổ chức mà điều này trên thực tế có khoảng cách rất lớn giữa các chủ thể tài chính khác nhau. Với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam về cả số lượng lẫn chất lượng trong thời gian vừa qua thì áp dụng phương pháp tính và thu phí đồng hạng như hiện nay là không còn phù hợp. Xu hướng trên thế giới chuyển đổi từ mô hình phí đồng hạng sang mô hình phí theo mức độ rủi ro (phí phân biệt) đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, đó là kinh nghiệm để Việt Nam cho phép tổ chức BHTGVN xây dựng kế hoạch để lựa chọn mô hình này. 2.3. Cơ chế hoạt động bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền - Về tổ chức tham gia BHTG BHTG ở Việt Nam được áp dụng bắt buộc đối với TCTD và tổ chức không phải là TCTD được thực hiện một số hoạt động ngân hàng để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Theo Điều 6, Luật BHTG năm 2012 và Điều 4, Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ thì tổ chức tham gia BHTG là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm: Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức nhận tiền gửi khác theo quy định của pháp luật. 17 Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Trung tâm thông tin khoa học. 2009. Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả. 162
  6. Các tổ chức tham gia BHTG trước khi nhận tiền gửi của khách hàng phải nộp hồ sơ tham gia BHTG cho tổ chức BHTG Việt Nam, trên cơ sở đó BHTGVN sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ; trường hợp hồ sơ tham gia BHTG đủ điều kiện thì tổ chức tham gia BHTG sẽ được cấp chứng nhận BHTG. Bên cạnh đó, tổ chức tham gia BHTG “phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi” để chứng minh tổ chức nhận tiền gửi đã tham gia BHTG và được bảo hiểm cho các khoản tiền gửi theo quy định của pháp luật. - Về người được BHTG: Ở Việt Nam, khoản 2 Điều 4 Luật BHTG năm 2012 đã quy định: “Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi”. Như vậy, Luật BHTG năm 2012 quy định chỉ bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm cho tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy là bởi vì việc bảo hiểm cho tiền gửi của tổ chức không phù hợp với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin; đồng thời tiền gửi của tổ chức thường mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm. Với quy định này thì chính sách BHTG hướng tới mục tiêu bảo vệ đối tượng người gửi tiền là cá nhân, bởi lẽ đối tượng này tuy chiếm đa số nhưng số dư tiền gửi là thấp nên không tạo ra áp lực lớn cho việc chi trả của tổ chức BHTG đối với người gửi tiền. Quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo thông qua các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN như kiểm tra, giám sát định kỳ tháng, quý, năm đối với tổ chức tham gia BHTG Việt Nam. Thông qua đó có thể phát hiện sớm các vi phạm quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng để báo cáo, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời. Ngoài ra, trong tiến trình thúc đẩy tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD năm 2017 đã giao nhiệm vụ cho BHTGVN tham gia sâu, rộng hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Nhiệm vụ này bao gồm mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; phối hợp với BKS đặc biệt và các cơ quan có liên quan đánh giá phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt. Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi bằng VNĐ của cá nhân tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG trên toàn quốc, bao gồm: NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng HTX, QTDND và tổ chức tài chính vi mô 18. BHTG là quy định bắt buộc đối với các TCTD nhận tiền gửi, tuy nhiên, người gửi tiền không phải nộp phí BHTG, phí này do tổ chức nhận tiền gửi đóng cho BHTGVN theo quy định. Khi tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, phá sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm. BHTGVN thay mặt Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chi trả cho người gửi tiền trong hạn mức BHTG. Hạn mức BHTG được xác định trên cơ sở năng lực tài chính của tổ chức BHTG, thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, quy mô tiền gửi và thông lệ quốc tế . - Về thời hạn chi trả 18 Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Tài liệu tham khảo xây dựng. 163
  7. Phần lớn pháp luật các nước quy định cụ thể khung thời gian tối đa tổ chức BHTG phải thực hiện việc chi trả nhưng chi tiết có sự khác nhau. Đài Loan không quy định cụ thể ngày chi trả nhưng có khuyến nghị chi trả trong 3 ngày kể từ khi xảy ra đổ vỡ. Khung thời gian chi trả từ nhanh nhất có thể ở Mỹ (trước ngày làm việc đầu tiên của tuần kế tiếp sau tuyên bố đóng cửa vào thứ sáu tuần trước), rất nhanh ở Đài Loan (3 ngày làm việc), rất kịp thời ở Canada (tối đa 14 ngày hoàn tất chi trả đầy đủ và 5 ngày để chi trả tạm thời một phần) hay Hồng Kông (14 ngày), Nga (13 ngày), Mexico (7 ngày), đến không chậm hơn 6 tháng (Bahamas) và rất lâu (1 năm) ở Đức hay Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Anh, thời gian chi trả chậm nhất 90 ngày được rút xuống 20 ngày làm việc kể từ 1/1/2011 sau vụ đổ vỡ Northern Rock và mục tiêu chi trả mới được đặt ra là 7 ngày làm việc.19 Ở Việt Nam, thời hạn chi trả bảo hiểm là 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, BHTGVN có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG. Số tiền gửi của người gửi tiền được bảo hiểm bao gồm cả tiền gốc và lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì phần vượt quá sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện chi trả, thời gian thực tế trung bình là 30 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền gửi được bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện nay BHTGVN mới chỉ thực hiện chi trả cho các QTDND với quy mô nhỏ chứ chưa có Ngân hàng thương mại nào ở Việt Nam xảy ra đổ vỡ, mất khả năng thanh toán dẫn đến việc BHTGVN phải thực hiện chi trả; quá trình giải quyết chưa có ý kiến phản ánh gì về thủ tục chi trả, do vậy thời gian theo quy định hiện nay là tương đối phù hợp. - Về hạn mức chi trả bảo hiểm. Chi trả là chức năng cơ bản của mọi hệ thống BHTG, nội dung này được quy định cụ thể trong luật BHTG của các nước, từ trách nhiệm và nghĩa vụ chi trả của tổ chức BHTG đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ chi trả, yêu cầu chi trả, hình thức, quy trình, loại tiền, tiếp cận thông tin phục vụ chi trả Nhìn chung, pháp luật các nước đều quy định đến vấn đề này, trong đó nhấn mạnh việc chi trả BHTG là trách nhiệm của tổ chức BHTG, ngoại trừ một số ít trường hợp như Đức, không có bất kỳ chính sách nào quy định nghĩa vụ chi trả cho người gửi tiền bởi lẽ nó chỉ bảo vệ cho các tổ chức thành viên khỏi nguy cơ phá sản và thanh lý Có thể nói, chính sách hạn mức trả tiền bảo hiểm được coi là công cụ cốt lõi để thực hiện chính sách BHTG, nó có tác động rất lớn đến sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng thông qua yếu tố kỷ luật thị trường. Hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp phải đồng thời thỏa mãn hai yếu tố: (i) Hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ, hiểu biết hạn chế; (ii) Hạn mức phải đủ thấp để những người gửi tiền lớn không chạy theo các hành vi rủi ro, chạy đua tìm kiếm ngân hàng trả lãi suất cao nhất mặc dù bản thân người gửi tiền biết ngân hàng đó có rủi ro cao hơn. Theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế, hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm được cho phần lớn người gửi tiền, nhưng phải bảo đảm có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Về hình thức, thời hạn và cách thức chi trả BHTG, pháp luật các nước đều quy định khá chi tiết và linh hoạt. Chẳng hạn, tại Mỹ, tăng hạn mức từ $100.000 lên $250.000 là một biện pháp cải cách chính sách BHTG quan 19 Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (2008), Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an sinh xã hội, Chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu. 164
  8. trọng, đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của người gửi tiền. Hình thức chi trả được quy định linh hoạt trong luật BHTG. Luật công ty BHTG Canada và Đài Loan cho phép tổ chức BHTG chi trả trực tiếp bằng tiền mặt, chuyển nhượng, chuyển khoản Tổ chức BHTG tại Canada được tự quyết định thực hiện chi trả hơn một lần. Gần đây, Luật BHTG sửa đổi của Philippines (Luật công số 10846) có hiệu lực vào tháng 5/2016 nêu rõ: “Người gửi tiền sẽ nhanh chóng nhận được tiền chi trả khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng” bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vì Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) có thể thực hiện chi trả mà chưa cần trừ ngay nợ của người gửi tiền. PDIC đảm bảo chi trả kịp thời cho người gửi tiền căn cứ trên chứng từ tiền gửi chứ không chỉ theo hồ sơ của ngân hàng 20. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định số tiền gửi tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 75 triệu đồng Việt Nam (theo Quyết định số 21/2017/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ). Với hạn mức này, BHTGVN có khả năng bảo vệ phần lớn người gửi tiền, khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế. Phần vượt hạn mức, người gửi tiền sẽ được nhận trong quá trình xử lý tổ chức tham gia BHTG. Đến nay, BHTGVN đã chi trả cho 1.828 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân, với tổng số tiền 26.778 triệu đồng. Việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền kịp thời, đúng quy định, góp phần nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Người gửi tiền còn được BHTGVN bảo vệ gián tiếp gắn với “vòng đời” của tổ chức tham gia BHTG từ lúc được thành lập cho đến khi rút khỏi thị trường thông qua các nghiệp vụ BHTG khác nhằm góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, so với các quốc gia trên thế giới, hạn mức chi trả của BHTGVN vẫn còn thấp. Theo số liệu thống kê, năm 2018, hạn mức BHTG (theo đô la Mỹ) của Việt Nam thấp thứ 5/18 tổ chức BHTG trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia trả lời khảo sát, chỉ cao hơn Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Cộng hòa Kyrgyz. Tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (99,83%), Mông Cổ (99,80%), Đài Loan (98,30%), Malaysia (98,00%), Singapore (91,00%). Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, hạn mức BHTG trên thế giới dao động ở mức từ dưới 1.000 đô la Mỹ đến 300.000 đô la Mỹ. Một số tổ chức BHTG áp dụng bảo hiểm toàn bộ. Tính đến hết năm 2018, hạn mức BHTG trung bình là 70.000 đô la Mỹ cho mỗi cá nhân tại mỗi tổ chức tín dụng và đã tăng đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam nằm trong số những nước có hạn mức BHTG thấp nhất thế giới (thấp thứ 15/113 tổ chức trên thế giới tham gia trả lời khảo sát). 21. Như vậy có thể thấy, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay là tương đối thấp. Điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền. Vì vậy, để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào chính sách BHTG nói riêng và hệ thống tài chính ngân hàng nói chung, từ đó thu hút tiền gửi của người dân, BHTGVN nên xem xét đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt 20 Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Trung tâm thông tin khoa học (2009), Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả 21 Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Trung tâm thông tin khoa học (2009), Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả 165
  9. Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% QTDND và tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI. 3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại TCTD Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung những nội dung tại Luật BHTG nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Trong quá trình tham gia kiểm soát đặc biệt tại tổ chức tham gia BHTG (đặc biệt là ở một số QTDND), BHTGVN gặp một số trường hợp gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ để được chi trả tiền bảo hiểm; chia, tách một khoản tiền gửi trên hạn mức thành nhiều khoản tiền gửi của nhiều người để được nhận tiền bảo hiểm nhiều hơn Việc kiểm soát và ngăn chặn hành vi gian lận để nhằm “trục lợi” tiền BHTG của BHTGVN trong trường hợp chia, tách, chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm gặp khó khăn do chưa có quy định về vấn đề này. Do vậy, để hạn chế hành vi gian lận nhằm “trục lợi” BHTG, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng như của tổ chức BHTG thì nội dung về gian lận nhằm “trục lợi” BHTG cần được quy định tại văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh về hoạt động BHTG là Luật BHTG. Bên cạnh đó, để đáp ứng việc chi trả ngay trong trường hợp BHTGVN phải chi trả cho các tổ chức tham gia BHTG có quy mô lớn hoặc phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại nhiều tổ chức tham gia BHTG cùng lúc, thì việc BHTGVN chỉ tiếp nhận hồ sơ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của các TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ chưa đủ mạnh để thực hiện hiệu quả chính sách BHTG. Trong trường hợp này, BHTGVN cần thêm các nguồn hỗ trợ khác để đảm bảo khả năng chi trả, góp phần bảo vệ tốt hơn. Thứ hai, nâng cao vai trò của BHTGVN trong việc tái cấu trúc các TCTD yếu kém. Theo quy định hiện hành của pháp luật, BHTGVN được tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém, trước mắt tập trung đối với hệ thống QTDND, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của cá nhân gửi tiền với giải pháp hỗ trợ là tăng cường năng lực tài chính cho BHTG Việt Nam. Luật BHTG sửa đổi, bổ sung cần theo hướng để BHTGVN có vai trò độc lập hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và kiểm soát rủi ro của các TCTD; tăng cường năng lực tài chính cho BHTG Việt Nam; giúp Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực từ BHTG vào việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại TCTD yếu kém, gắn liền với xử lý nợ xấu; nâng cao hạn mức chi trả BHTG phù hợp với yêu cầu thực tế, qua đó nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống các TCTD. Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHTG đến các chủ thể của quan hệ nhận tiền gửi. Truyền thông là một nhân tố thiết yếu trong hoạt động của tổ chức BHTG. Chiến lược truyền thông, các quy trình thông tin đến công chúng, hay đơn giản như thông cáo báo chí, các thông báo chính thức kịp thời đến người gửi tiền có thể đảm bảo họ có hiểu biết đúng đắn và yên tâm gửi tiền tại các TCTD. Trái lại, việc thông tin không rõ ràng, minh bạch trong trường hợp xảy ra đổ vỡ hoặc có nguy cơ khủng hoảng hệ thống có thể khiến công chúng nhầm lẫn, mơ hồ và do đó, có thể khiến tình trạng này trầm trọng hơn. Trong giai đoạn ổn định, tổ chức BHTGVN cần đảm bảo rằng thông tin về các vấn đề cơ bản như hạn mức, quỹ BHTG, quy trình chi trả được công bố công khai, rộng rãi. Chính sách truyền thông về BHTG có thể được triển khai thông qua 166
  10. các chương trình quảng bá, các phương tiện truyền thông đại chúng, giáo dục tài chính sao cho phù hợp với đối tượng mục tiêu của tổ chức BHTG. KẾT LUẬN Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại tổ chức tín dụng là hoạt động quan trong chính sách phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, giúp ổn định nền tài chính và định hướng phát triển. Trong bài viết, nhóm tác giả đã làm rõ các nội dung về người tiêu dùng, người tiêu dùng tài chính, người gửi tiền trong quan hệ gửi tiền để phân tích địa vị pháp lý của người người gửi tiền và các phương thức đảm bảo an toàn, bảo vệ cho người gửi tiền. Bài viết đã phân tích vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, cơ chế chính sách và quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền ở Việt Nam. Thông qua việc nghiên cứu thực trạng hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có sự đối sánh với quy định pháp luật và thực trạng của một số quốc gia trên thế giới để từ đó đưa những nhận định, đánh giá về quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thực trạng pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Tài liệu tham khảo xây dựng. TS. Nguyễn Đức Kiên, 2017, Nâng cao vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, số 36 Bản tin của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Ngô Quang Huy, 2020, Pháp luật về bảo hiểm tiền gửi từ thực tiễn bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Luận án tiến sĩ. Quốc hội, 2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi. Quốc hội, 2010, Luật các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung 2017. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Trung tâm thông tin khoa học. 2009. Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả. Website: Website: cach-tiep-can-cua-mot-so-he-thong-phap-luat-tren-the-gioi.html Website: nuoc-tren-the-gioi-324424.html 167