Cấu trúc của hệ thống tiền tệ toàn cầu

pdf 24 trang Gia Huy 24/05/2022 1730
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Cấu trúc của hệ thống tiền tệ toàn cầu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfcau_truc_cua_he_thong_tien_te_toan_cau.pdf

Nội dung text: Cấu trúc của hệ thống tiền tệ toàn cầu

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM 3. 1Lê Đạt Chí* Trần Thị Hải Lý* Đinh Thị Thu Hồng* Tóm tắt Hệ thống tiền tệ toàn cầu đang có những thay đổi mạnh mẽ, thể hiện qua việc gia tăng hoạt động thương mại đa tiền tệ, những nền tảng công nghệ mới cho tiền mã hóa. Những điều này đang dần trở thành mối thách thức đối với hệ thống tiền tệ hiện hành, dưới sự thống trị của đồng USD (còn được gọi là hệ thống Petrodollar). Nhìn lại lịch sử hệ thống tiền tệ toàn cầu, theo thời gian một hệ thống tiền tệ sẽ được thay thế bởi hệ thống mới nhằm giải quyết những nút thắt hay sự kém hiệu quả của hệ thống hiện tại. Gần đây, các chuyên gia kinh tế đề cập tới ba lỗ hổng lớn của hệ thống Petrodollar, bao gồm thâm hụt thương mại của Mỹ dai dẳng, gây ra sự mất cân bằng một cách dài hạn; sự khuyến khích chủ nghĩa trọng thương, do đó kích thích các hành động thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại; các tài sản và các khoản nợ ở các quốc gia bên ngoài nước Mỹ được định giá bằng đồng USD, đưa đến sự mạnh lên/yếu đi của USD, tương tự như sự thắt chặt/nới lỏng định lượng ở các quốc gia đó, đồng nghĩa với việc các quốc gia này mất đi tính độc lập trong chính sách tiền tệ của mình. Những lỗ hổng này đang bị thách thức từ chính bản thân chính sách tiền tệ và tài khóa của Mỹ giai đoạn hậu Covid, cũng như sự trỗi dậy của các nền kinh tế lớn. Chính vì vậy, có lẽ đã đến lúc thế giới cần hệ thống tiền tệ mới để có thể hạn chế tính không hiệu quả của hệ thống hiện tại thông qua cơ chế tự điều chỉnh hoặc phát triển hệ thống hoàn toàn mới thay thế khác. Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự sụp đổ của hệ thống hiện tại, nhưng đã có những thay đổi trong sự vận hành của hệ thống. Những thay đổi đó một mặt biểu hiện qua vai trò của đồng USD trong thương mại quốc tế, nhất là trong việc định giá năng lượng, đang được thay thế dần bằng những tiền tệ khác; mặt khác thể hiện ở sự chuyển 1 *Trường Đại học Kinh tế TP. HCM | Email liên hệ: chitcdn@ueh.edu.vn 33
  2. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM dịch trong vai trò của tiền tệ pháp định sang tiền mã hóa. Tiền mã hóa đang tạo ra những lợi ích tích cực nhất định trong thúc đẩy thương mại quốc tế, và cũng tạo ra những thách thức rất lớn trong vai trò quản lý tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Từ khóa: Hệ thống tiền tệ, hệ thống Petrodollar, tiền mã hóa. 1. Giới thiệu Lịch sử hệ thống tiền tệ toàn cầu luôn có những thay đổi khi hệ thống hiện tại gây ra những hỗn loạn kinh tế bên trong. Một hệ thống tiền tệ toàn cầu có thể tồn tại lâu dài nhưng không phải là vô hạn. Cùng với thời gian, khi trung tâm quyền lực toàn cầu thay đổi, khi các nút thắt và sự không hiệu quả trong hệ thống bộc lộ và gia tăng đến mức không bền vững, dẫn đến mức độ rối loạn ngày càng tăng, hệ thống hiện tại dần dần hoặc đột ngột được sắp xếp lại, hoặc bị thay thế bởi một hệ thống khác. Thật thú vị yếu tố bên ngoài không phải là mối đe dọa cốt yếu đối với sự sụp đổ trật tự hiện có của hệ thống, mà là những lỗ hổng bên trong chính hệ thống đó, cùng với việc hệ thống không được kiểm soát hiệu quả. Cuối cùng, lỗ hổng và sự không hiệu quả đó tích lũy đủ lớn để có thể hạ gục hệ thống. Một khi điều đó xảy ra, cần có sự sắp xếp lại hệ thống tiền tệ toàn cầu bởi chế độ đã tạo dựng nên nó, hoặc bởi một chế độ mới thay thế. Ngày nay, hệ thống tiền tệ toàn cầu vốn được thống trị bởi đồng USD thông qua chế độ tiền tệ Petrodollar do Mỹ kiểm soát đang bị thách thức. Trong đó, Trung Quốc và Nga đang là 2 quốc gia chính thách thức hệ thống hiện tại khi đang cố gắng tìm kiếm một thị phần trong thanh toán toàn cầu. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho thấy tỷ trọng đồng USD trong hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn ở mức 40-60%, không thay đổi kể từ năm 2018 đến nay, và mặc dù tỷ trọng đồng Yuan vẫn còn quá nhỏ bé trong hệ thống này. Tuy nhiên, xu hướng như thế sẽ khó có thể duy trì trong thời gian tới. Nhờ việc kiểm soát hệ thống tiền tệ Petrodollar trong 5 thập niên qua, Mỹ đã sử dụng đồng USD như là công cụ để làm cho mình giữ vai trò là chính phủ độc tôn, để gây ảnh hưởng lên các nền kinh tế khác, và làm nghèo đại bộ phận dân số của các quốc gia Điều này đang dẫn đến những lời kêu gọi ngày càng tăng về việc thay thế hệ thống tiền tệ quốc tế do đồng USD thống trị bằng một trật tự đa nguyên mới, dựa trên sự kết hợp của các loại tiền tệ bao gồm Euro, Sterling, Yen, Yuan và Ruble; thậm chí là loại tiền kỹ thuật số, trong bối cảnh xu hướng tiền tệ kỹ thuật số đang phát triển lớn mạnh. Hệ thống tiền tệ kỹ thuật số đang được xây dựng trên 2 nền tảng công nghệ, tập trung và phi tập trung. Nền tảng công nghệ tập trung điển hình như tiền tệ kỹ thuật số nhân dân tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc. Nền tảng công nghệ phi tập trung như 34
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Libra/Diem của Facebook. Giá trị tiền tệ kỹ thuật số hiện đã đạt trên 1,7 nghìn tỷ USD. Quan trọng hơn, điều tạo nên giá trị cho tiền kỹ thuật số lại chính là mạng lưới nó tạo ra. Những chuyển biến này đưa đến câu hỏi lớn về hệ thống tiền tệ toàn cầu ngày nay và tương lai của nó. Bài viết này sẽ giúp làm rõ một phần câu hỏi này thông qua việc mô tả lại lịch sử của hệ thống tiền tệ toàn cầu, kể từ chế độ tiền tệ chính chức đầu tiên (chế độ bản vị vàng) ra đời, qua đó xem xét liệu hệ thống tiền tệ hiện tại đã gây ra những hỗn loạn bên trong nó đủ lớn để có thể bị tái cấu trúc, hay thay thế bởi một hệ thống mới khác tương tự như những gì đã từng xảy ra cho các chế độ tiền tệ trước đây hay chưa. Hoặc, hệ thống mới liệu có phải đã và đang hình thành để định hình lại hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Kết cấu của bài viết được cấu trúc như sau: phần 2, bài viết sẽ điểm lại lịch sử hệ thống tiền tệ toàn cầu. Sau đó bài viết sẽ đề cập đến những tồn tại của hệ thống tiền tệ hiện nay. Phần 3 sẽ phân tích sự xói mòn của hệ thống Petrodollar, và cuối cùng bài viết mở ra câu hỏi thảo luận mở là liệu hệ thống tiền tệ tiếp theo sẽ như thế nào? 2. Nhìn lại hệ thống tiền tệ toàn cầu Thay vì thương mại quốc tế và tỷ giá hối đoái vận hành dựa trên mớ hỗn độn, hệ thống tiền tệ ra đời giúp chúng vận hành theo cấu trúc nhất định. Trong lịch sử, hệ thống tiền tệ thế giới được xây dựng và thực thi bởi các cường quốc và thường tồn tại trong thời kỳ nhất định. Nói cách khác, ở bất kỳ thời điểm nào, một đế chế hoặc tập hợp các quốc gia hùng mạnh hợp tác với nhau để thiết lập trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc về cách thức hoạt động của thương mại quốc tế và cách thức định giá chúng. Tuy nhiên, vốn dĩ luôn có thể xảy ra sự rối loạn kinh tế trong bất kỳ hệ thống nào khi trật tự của hệ thống trở nên hỗn loạn. Một hệ thống tiền tệ toàn cầu có thể tồn tại lâu dài, nhưng không vĩnh viễn. Theo thời gian, trung tâm quyền lực toàn cầu thay đổi, và các nút thắt hay sự không hoàn hảo trong hệ thống phát triển đến mức không bền vững, dẫn đến mức độ rối loạn ngày càng tăng. Trớ trêu thay, sự sụp đổ trật tự hiện có thường không phải do các mối đe dọa từ bên ngoài, mà do những lỗ hổng chính trong hệ thống không được kiểm soát, cuối cùng đã mở rộng đủ lớn để làm sụp đổ nó. Đến lúc đó hệ thống hiện hành dần dần hoặc đột ngột được sắp xếp lại thành hệ thống khác, hoặc hệ thống mới được phát triển để thay thế nó. Việc sắp xếp lại hoặc thay thế này được thực hiện hoặc bởi cùng một chế độ cầm quyền, hoặc bởi một chế độ mới thay thế. Điển hình, trong 80 thập niên vừa qua, thế giới đã đi từ hệ thống bản vị vàng, hệ thống Bretton Woods, đến hệ thống Petrodollar. Mỗi hệ thống bộc lộ những khiếm khuyết chủ yếu từ bên trong, không phải từ lực nào bên ngoài, và mỗi khi hệ thống này chuyển sang hệ thống khác, sự mất giá tiền tệ đáng kể và phổ biến đã xảy ra. 35
  4. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM 2.1. Bản vị vàng (trước năm 1944) Trong phần lớn sự tồn tại của hoạt động kinh tế của con người, các nền kinh tế dựa trên hoạt động thương mại. Lông thú đã từng được dùng để đổi lấy hàu, dầu ô liu được dùng để đổi lấy gia vị, lao động đổi lấy bánh mì Sau đó, với sự phát triển của hoạt động khai thác các kim loại quý như vàng và bạc, những kim loại này đã được coi là tiền. Với kim loại quý, con người ta có thể chuyển một loại hàng hóa cụ thể (như lông thú, dầu ô liu ) thành loại hàng hóa có tính phổ biến (như vàng và bạc - những vật chất có tính quý hiếm, tồn tại lâu dài và có thể được chia thành các đơn vị nhỏ đo lường được), để mua bất cứ thứ gì sau này khi người ta cần. Từ đó, tiền giấy đã được bổ sung vào như là một công cụ thuận lợi hơn dựa trên lượng vàng cơ sở. Bản thân vàng có thể được giữ an toàn trong các hầm chứa, và các tờ giấy đại diện cho một phần vàng đó có thể được sử dụng để làm phương tiện trao đổi. Đôi khi những tờ tiền giấy này được phát hành bởi các ngân hàng tư nhân, nhưng thường chúng được phát hành bởi các chính phủ. Theo nghĩa này, các chính phủ sẽ phát hành tiền giấy được đảm bảo bằng vàng đang được cất giữ trong các kho tiền vàng của NHTW. Từ thời điểm đó, nhân loại chứng kiến sự gia tăng các loại tiền dự trữ toàn cầu, đề cập đến các loại tiền giấy hoặc kim loại quý của các đế chế thương mại hoặc quân sự như đế chế La Mã, Hà Lan, Vương quốc Anh, Mỹ. Vào cuối những năm 1800 - đầu những năm 1900, Vương quốc Anh có loại tiền tệ được công nhận trên toàn cầu, tồn tại song song với hệ thống nhiều loại tiền tệ khác được đảm bảo bằng vàng. Theo hệ thống bản vị vàng, khi một quốc gia bắt đầu liên tục nhập siêu thì vàng bị chảy vàng ra khỏi quốc gia và có nguy cơ trì trệ kinh tế trong nước. Tuy nhiên, cuối cùng trạng thái này thường sẽ tự điều chỉnh, bởi suy thoái kinh tế sẽ làm mất giá tiền tệ của họ, điều này sẽ làm xuất khẩu của nước đó trở nên cạnh tranh hơn và nhập khẩu đắt đỏ hơn, vì thế cán cân thương mại của họ được điều chỉnh lại. Vào cuối giai đoạn tồn tại của hệ thống này, tất cả quốc gia lớn đều phá giá mạnh đồng tiền của họ và thiết lập lại lượng vàng quy đổi. Hình 1 cho thấy sự phá giá tiền tệ mạnh mẽ bởi các quốc gia. 36
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Hình 1: Thay đổi trong giá trị của các đồng tiền tệ chủ yếu so với vàng (%) (cố định tại năm 1929) Nguồn: Bullionstar, “It’s Time to Look More Carefully at “Monetary Policy 3 (MP3)” and “Modern Monetary Theory (MMT)”, tại policy-3-mp3-modern-ray-dalio/ 2.2. Hệ thống Bretton Woods (1944-1971) Vào những năm 1930, chính phủ Mỹ đã coi việc sở hữu vàng là bất hợp pháp và buộc người dân phải bán vàng cho chính phủ. Đồng thời, Mỹ được hưởng lợi từ thặng dư thương mại sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, qua đó giúp Mỹ gia tăng giá trị tài sản dự trữ. Trong khi đó, các nước đồng minh và các quốc gia bị chiến tranh chọn Mỹ như là nơi an toàn để lưu giữ vàng cho mình. Vào thời điểm đó, hệ thống Bretton Woods được thành lập. Hệ thống này hoạt động như sau: Mỹ bảo đảm cho đồng USD bằng vàng, và hàng loạt quốc gia khác cố định đồng tiền của họ theo đồng USD. Nhiều quốc gia nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ như là một dạng tài sản thế chấp dự trữ “tốt tương tự” như dự trữ vàng. Đồng USD không được (không cho phép) người dân Mỹ quy đổi thành vàng, nhưng lại được các chính phủ nước ngoài quy đổi thành vàng. Với hệ thống Bretton Woods, Mỹ đã đạt được chốt chặn trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Các loại tiền tệ của các đế chế trước đây không có được lợi thế đó nên không thể là tiền tệ “dự trữ toàn cầu” thực sự, mà chỉ là loại tiền tệ “được công nhận rộng rãi và thống trị”. Tuy nhiên, chỉ sau 1 thập niên (vào khoảng năm 1955), hệ thống Bretton Woods bắt đầu rạn nứt. Mỹ bắt đầu thâm hụt tài khóa lớn và trải qua mức lạm phát tăng nhẹ. Mỹ bắt đầu thấy dự trữ vàng của mình bị thu hẹp (Hình 2), khi các quốc gia khác bắt đầu nghi ngờ về sự đảm bảo của đồng USD, họ bắt đầu đổi USD để lấy lại vàng thay vì yên tâm nắm giữ USD. 37
  6. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Hình 2: Biểu đồ dự trữ vàng của Mỹ (tấn) Nguồn: Bullionstar, tại Reserves.png Trên thực tế, những con số trong Hình 3 cho thấy rằng ngay từ khi thành lập, hệ thống tiền tệ này đã có những biểu hiện của sự không ổn định. Mỹ tham gia hệ thống với lượng vàng nắm giữ lớn hơn nợ nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng cách đó nhanh chóng bắt đầu thu hẹp trong vài năm đầu tiên. Vào cuối những năm 1950, các khoản nợ phải trả bên ngoài của Mỹ đã vượt quá dự trữ vàng của họ. Vào giữa những năm 1960, tổng các khoản nợ bên ngoài của Mỹ phải trả cho các chính phủ nước ngoài đã vượt quá dự trữ vàng đang có, đây là điểm giao nhau (crossover point) thực sự khiến hệ thống trở nên rắc rối, và hệ thống này cuối cùng đã bị sụp đổ vào năm 1971. Hệ thống có một lỗ hổng cơ bản không được giải quyết đã làm nó hoạt động không thực sự bền vững như khi nó được thiết kế. Không có cách nào để Mỹ có thể duy trì đủ lượng vàng đảm bảo cho tiền tệ của họ cho mục đích sử dụng trong nước, đồng thời đủ đảm bảo cho mở rộng sử dụng trên phạm vi toàn cầu. Robert Triffin (1959, 1960), đã cảnh báo vấn đề này trước Quốc hội và chính giới kinh doanh, gọi là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Triffin. Triffin chỉ ra rằng, các quốc gia mà tiền tệ của họ đóng vai trò dự trữ toàn cầu, phần còn lại của thế giới muốn nắm giữ tiền tệ đó, do đó quốc gia có tiền tệ dự trữ phải sẵn sàng cung ứng ra toàn cầu lượng tiền lớn để đáp ứng nhu cầu dự trữ ngoại hối, dẫn đến cán cân thương của quốc gia có tiền tệ dự trữ toàn cầu bị thâm hụt dai dẳng. 38
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Hình 3: Những khoản nợ phải trả đối với các tổ chức nước ngoài và dự trữ vàng của Mỹ (tỷ USD), 1944-1971 Nguồn: “Triffin: dilemma or myth?”, BIS Working Papers No 684, tại John Keynes (1943) cũng đã nhìn thấy vấn đề trước khi nó xảy ra và đề xuất một hệ thống thay thế gọi là Bancor. Đây là hệ thống vốn dĩ cân bằng hơn, với cơ chế dàn xếp trung lập thay vì tập trung mọi thứ vào đơn vị tiền tệ của một quốc gia duy nhất. Tuy nhiên, hệ thống Bretton Woods đã thắng thế. Ý tưởng Bancor chỉ được IMF thực thi sau đó, vào năm 1969, gọi là SDR (Special Drawing Rights). Cuối cùng, vào năm 1971 Tổng thống Nixon đã chấm dứt khả năng chuyển đổi của USD sang vàng, do đó kết thúc hệ thống Bretton Woods. Tất cả loại tiền tệ chính, bao gồm đồng USD, đã bị mất giá nghiêm trọng so với vàng. 2.3. Hệ thống Petrodollar (từ năm 1974-nay) Bắt đầu từ năm 1971, sau khi hệ thống Bretton Woods bị phá vỡ, các loại tiền tệ trên thế giới đều trở thành tiền tệ pháp định, và hệ thống tiền tệ toàn cầu trở nên ít trật tự hơn. Tiền tệ pháp định là hệ thống tiền tệ, theo đó bản thân tiền tệ không có giá trị nội tại, chỉ là tờ giấy, đồng xu kim loại rẻ, hoặc các bit thông tin kỹ thuật số. Vậy tại sao chúng lại có giá trị? Câu trả lời là bởi đơn giản chính phủ tuyên bố nó có giá trị (như thể hiện bởi tên gọi của nó - tiền pháp định) và nó là tiền tệ được yêu cầu sử dụng trong hoạt động thanh toán, bao gồm cả trong việc nộp thuế. Một loại tiền pháp định có thể gặp phải các vấn đề khi cố gắng sử dụng nó ở bên ngoài biên giới quốc gia phát hành. Tại sao các doanh nghiệp và chính phủ các nước chấp nhận các mẫu giấy do chính phủ nước ngoài phát hành mà phía phát hành có thể in thêm liên tục, nhưng không có bất kỳ sự đảm bảo nào để làm phương tiện thanh toán cho hàng hóa và 39
  8. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM dịch vụ có giá trị của họ? Nếu không có sự đảm bảo thực sự, nó có giá trị gì? Tại sao bạn lại bán dầu cho người nước ngoài để nhận về những tờ giấy không có gì làm đảm bảo? Vào đầu những năm 1970, đã có nhiều cuộc xung đột địa chính trị, phải kể đến như chiến tranh Yom Kippur và lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC. Tuy nhiên, vào năm 1974 Mỹ và Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận (Nakhleh, 1975), từ đó hệ thống Petrodollar ra đời. Đây được xem là cách thông minh để làm hệ thống tiền tệ pháp định toàn cầu hoạt động trật tự và hiệu quả hơn. Với hệ thống Petrodollar, Saudi Arabia (và các nước khác trong khối OPEC) định giá và bán dầu của họ bằng đồng USD, đổi lại họ nhận được sự bảo hộ và hợp tác của Mỹ (Nunan, 2004). Bất kỳ quốc gia nào muốn có dầu, quốc gia đó cần có khả năng kiếm được USD để thanh toán. Vì vậy, dù đồng USD hoàn toàn là tờ giấy ngoại lai, nhưng các nước không sản xuất dầu cũng phải bán nhiều mặt hàng xuất khẩu của họ bằng USD để có thể có đủ USD mua dầu từ các nước sản xuất dầu. Tất cả quốc gia này cũng đều tích trữ USD dư thừa làm dự trữ ngoại hối, đồng thời đầu tư dự trữ vào trái phiếu Kho bạc Mỹ để kiếm một số tiền lãi. Đổi lại, Mỹ sử dụng lực lượng hải quân của mình để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển toàn cầu, bảo tồn nguyên trạng địa chính trị bằng các hành động quân sự hoặc đe dọa khi cần thiết. Ngoài ra, về cơ bản, Mỹ phải thâm hụt thương mại dai dẳng với phần còn lại của thế giới, để có đủ USD đưa vào hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, nhiều USD trong số đó được quay lại để mua trái phiếu Kho bạc Mỹ và được lưu trữ dưới dạng dự trữ ngoại hối. Có nghĩa phần lớn thâm hụt ngân sách liên bang được tài trợ bởi các chính phủ nước ngoài, trong khi các quốc gia phát triển khác lại chủ yếu dựa vào tài trợ trong nước. Điều này dẫn đến khối lượng thương mại toàn cầu tính bằng USD không cân xứng so với quy mô của nền kinh tế Mỹ, nghĩa là đồng USD được đảm bảo bằng dầu nhưng không được neo vào dầu theo một tỷ lệ xác định. Hình 4 cho thấy, dù Mỹ chỉ đại diện cho khoảng 11% thương mại và 24% GDP toàn cầu vào đầu năm 2018, tỷ trọng của đồng USD trong hoạt động kinh tế toàn cầu cao hơn nhiều, ở mức 40-60% tùy thuộc việc nó được dùng cho thanh toán quốc tế, các khoản vay quốc tế, hay dự trữ ngoại hối. Và khoảng chênh lệch này thể hiện vị thế của đồng USD như là tiền tệ dự trữ toàn cầu và là tiền tệ quan trọng để định giá năng lượng toàn cầu. 40
  9. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Hình 4: Vị thế của đồng USD trong thương mại và dự trữ quốc tế (%) Nguồn: Bloomberg, Data: Bank for International Settlements, International Monetary Fund, Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, and European Central Bank calculations. 3. Những tồn tại của hệ thống tiền tệ toàn cầu hiện nay 3.1. Gây ra sự thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ Lỗ hổng cố hữu của hệ thống Petrodollar cũng giống như lỗ hổng cố hữu của hệ thống Bretton Woods, Mỹ phải duy trì thâm hụt thương mại dai dẳng (Hình 5), đặc biệt mức độ thâm hụt thương mại 2 thập niên vừa qua của Mỹ rất lớn. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại Mỹ không thể kéo dài viễn viễn, nói cách khác nó có thể tồn tại trong nhiều thập niên nhưng không thể kéo dài vô hạn. Hình 5: Thâm hụt thương mại của Mỹ từ sau sự ra đời của hệ thống Petrodollar (tỷ USD) Nguồn: US balance on goods and services (quarterly). Về mặt lý thuyết, khi một quốc gia thâm hụt thương mại, họ phải phá giá tiền tệ đủ lớn để hàng hóa xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn và hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn. Tuy nhiên, do hệ thống Petrodollar tạo ra nhu cầu quốc tế liên tục cao đối với đồng USD, 41
  10. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM khiến thâm hụt thương mại của Mỹ không bao giờ được điều chỉnh và tự cân bằng. Thâm hụt thương mại duy trì liên tục bởi cấu trúc của hệ thống tiền tệ toàn cầu, điều này tạo ra sự mất cân bằng vĩnh viễn, và cuối cùng sau thời gian đủ dài, đã làm xói mòn hệ thống (Charlotte and Larry, 2003). Trong khi đó, cũng chính thâm hụt thương mại của Mỹ đã mang lại lợi ích từ thặng dư thương mại cho nhiều quốc gia. Nhật Bản thặng dư thương mại trong suốt thập niên 1980 và 1990. Đức cũng thặng dư thương mại trong giai đoạn cuối thập niên 1990 và thập niên 2000, nhất là khi đồng Euro ra đời thặng dư thương mại của Đức càng gia tăng. Cuối thập niên 2000 và 2010, Trung Quốc cũng đạt được thặng dư thương mại lớn. Những quốc gia có thặng dư thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp từ Mỹ đã có được cơ hội để quốc tế hóa tiền giấy của họ. Nhật Bản sử dụng lượng dự trữ ngoại hối từ đồng USD để nâng đỡ cho đồng Yên trong việc gia nhập danh sách các loại tiền tệ thanh toán quốc tế. Trong khi đó, Đức dùng dự trữ ngoại hối từ đồng USD để đầu tư và cho vay đối với các quốc gia châu Âu. Qua đó Đức trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất trong khối này. Trung Quốc sau gần 10 năm thặng dư thương mại, đã sử dụng lượng dự trữ ngoại hối để cho vay nhằm xây dựng nên con đường tơ lụa như là một trong những cách thức để Trung Quốc chi phối các quốc gia khác. Mục đích của các quốc gia khi thặng dư thương mại đều muốn quốc tế hóa đồng tiền của mình. Vấn đề là, các đồng tiền này cũng dựa trên lượng dự trữ có được từ đồng USD. Nghĩa là USD vẫn là đồng tiền đảm bảo cho một đồng tiền khác thực hiện việc quốc tế hóa tiền tệ và tham gia hệ thống tiền tệ toàn cầu. 3.2. Tạo động cơ thao túng tiền tệ ở các quốc gia khác Một lỗ hổng khác trong hệ thống Petrodollar là hệ thống này khuyến khích chủ nghĩa trọng thương. Điều này có nghĩa hệ thống tiền tệ này khuyến khích các đối tác thương mại khác nhau tối đa hóa xuất khẩu, trong khi đó giảm thiểu nhập khẩu bằng cách thao túng tiền tệ của họ đến mức đủ yếu. Do tiền tệ các quốc gia với chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, nhiều quốc gia cố gắng giữ cho đồng tiền của mình yếu đi, để họ có được cán cân thương mại dương với Mỹ và các đối tác thương mại khác. Dĩ nhiên, họ không muốn đồng tiền của mình yếu đến mức công dân của họ không thể nhập khẩu hàng hóa, nhưng họ muốn đồng tiền của mình đủ yếu để xuất khẩu của quốc gia mình có tính cạnh tranh và sức nhập khẩu không mạnh, qua đó có thể điều chỉnh thặng dư thương mại. Điều này cho phép một quốc gia nhanh chóng xây dựng ngành sản xuất công nghiệp, tích lũy USD và dự trữ ngoại hối. Với tư cách là đơn vị tiền tệ dự trữ toàn cầu, Mỹ về cơ bản đã bị loại khỏi tùy chọn này, với cán cân thương mại bị thâm hụt dai dẳng (Hình 5). 42
  11. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Bởi vì tỷ giá hối đoái được thả nổi tự do kể từ năm 1971 trong hệ thống đồng USD, đồng tiền này có thể mạnh lên hoặc suy yếu so với các đồng tiền khác một cách đáng kể và các cặp tiền tệ khác có thể mạnh hoặc suy yếu so với nhau. Đồng USD thực sự đã có 2 lần giảm giá mạnh đến 40% so với một rổ các loại tiền tệ chính khác trong hệ thống tiền tệ hiện tại, tuy nhiên việc sụt giảm này vẫn không làm mất vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu. Là một đồng USD giảm giá trong hệ thống Petrodollar không có nghĩa là sự kết thúc của một hệ thống tiền tệ. Hình 6 cho thấy chỉ số USD từ đầu những năm 1970 khi hệ thống Petrodollar bắt đầu. Biểu đồ đang hiển thị 3 chu kỳ chính mà chỉ số USD đã trải qua. Hình 6: Diễn biến chỉ số đồng USD so với rổ tiền tệ tham gia hệ thống tiền tệ toàn cầu Nguồn: StockCharts.com 3.3. Làm giảm tính độc lập chính sách tiền tệ của các quốc gia Vấn đề thứ 3 là hệ thống tiền tệ ngày nay đã tác động đến tính độc lập tiền tệ của các nước, khi gần như toàn hệ thống đã neo chặt vào đồng USD (có khoảng 40 nghìn tỷ USD các khoản nợ định danh bằng đồng tiền này). Các chính phủ và tổ chức ngoài nước Mỹ cũng có khoản nợ bằng USD trị giá 13 nghìn tỷ, và cũng có nhiều tài sản định danh bằng đồng USD trị giá 42 nghìn tỷ (số liệu từ BIS, IMF và US BEA). Các khoản nợ và tài sản này được tích tụ trong nhiều thập niên do các quốc gia này thặng dư thương mại với Mỹ. Các khoản nợ định danh bằng đồng USD thể hiện cho nhu cầu ổn định về nguồn USD để thanh toán. Do vậy, khi xảy ra suy thoái kinh tế, hoặc khi thương mại toàn cầu bằng đồng USD chậm lại, có khả năng xảy ra một sự thiếu hụt đồng USD bên ngoài Mỹ. Điều này xảy ra vào tháng 3-2020 khi đại dịch Covid-19 làm giảm mạnh thương mại toàn cầu và sự sụt giảm của giá dầu. Như vậy, đồng USD được đảm bảo bởi cả dầu, thương mại và các khoản nợ bằng USD, và đó là một hiệu ứng mạng lưới củng cố cho nhau một cách mạnh mẽ. 43
  12. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Khi đồng USD mạnh tương đối so với đồng nội tệ ở các thị trường mới nổi, nó sẽ đóng vai trò như là một dạng thắt chặt định lượng đối với quốc gia đó, vì các khoản nợ định danh bằng đồng USD tính trên tiền tệ của của quốc gia đó sẽ tăng so với tài sản và dòng tiền của họ, điều này có thể vô cùng nghiêm trọng trong các giai đoạn suy thoái kinh tế. Ngược lại, khi đồng USD yếu, nó sẽ đóng vai trò như là một dạng nới lỏng định lượng. Điều này tạo nên sự lệ thuộc trong chính sách tiền tệ của các quốc gia vào Mỹ. 4. Sự xói mòn của hệ thống Petrodollar Vai trò của đồng USD của hệ thống Petrodollar hiện tại đối mặt với sự suy giảm trong vai trò tiền tệ dữ trữ toàn cầu. 4.1. Thu hẹp tỷ trọng GDP toàn cầu của Mỹ Sau Thế chiến II, Mỹ chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Vào thời điểm hệ thống Bretton woods kết thúc và hệ thống Petrodollar bắt đầu, Mỹ vẫn chiếm 35% GDP toàn cầu. Kể từ đó, GDP của Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 20-25% GDP toàn cầu (Hình 7). Hình 7: Tỷ trọng GDP của Mỹ so với toàn cầu (%) Nguồn: US GDP as % of World GDP, tại Đó là GDP danh nghĩa (tức được định giá bằng USD), vì vậy nó được gắn một phần với sức mạnh của đồng USD. Nếu đồng USD có chu kỳ giảm khác, con số này có thể giảm xuống còn 20%. Và dựa trên sức mua tương đương, Mỹ chỉ chiếm 15% GDP toàn cầu. Điều đó vẫn khá tốt đối với một quốc gia có 4% dân số thế giới, nhưng thực sự không đủ để duy trì hệ thống đồng Petrodollar vô thời hạn. 44
  13. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Thị trường năng lượng toàn cầu, và rộng hơn là thương mại quốc tế, hiện quá lớn để được định giá chủ yếu bằng tiền tệ của duy nhất một quốc gia, nhất là quốc gia chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP toàn cầu. Hãy tưởng tượng nếu cả thế giới cố gắng định giá năng lượng chỉ bằng franc Thụy Sĩ, đơn giản sẽ không đủ lượng tiền này để làm được việc đó. Hệ thống Petrodollar tất nhiên không phải ở thái cực này, vì Mỹ lớn hơn nhiều so với Thụy Sĩ. Nhưng vấn đề là khi nền kinh tế Mỹ chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ trong GDP toàn cầu theo thời gian, việc cung cấp đủ USD cho cả thế giới định giá toàn bộ năng lượng bằng USD càng trở nên không thể. Không có quốc gia hoặc nhóm tiền tệ nào đủ lớn để làm điều đó một mình. Không phải Mỹ, không phải Trung Quốc, không phải Liên minh châu Âu và cũng không thể là Nhật Bản. Mỹ đã có thể làm được điều đó trong nhiều thập niên sau hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, khi thế giới ngày càng phát triển và trở nên đa cực hơn theo thời gian, không có quốc gia riêng lẻ nào đại diện cho tỷ trọng độc quyền trong GDP toàn cầu như Mỹ từng làm, bản thân hệ thống tiền tệ toàn cầu cũng đòi hỏi sự phân quyền nhiều hơn để hoạt động hiệu quả. 4.2. Thương mại quốc tế đa tiền tệ Hình 8: Ngày nay, Trung Quốc trả cho xuất khẩu Nga nhiều Euro hơn USD Nguồn: Ngân hàng trung ương Nga Sáu năm trước, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc dựa trên 98% là bằng USD. Tính đến đầu năm 2020, tỷ lệ này chỉ 33% dựa trên USD, 50% dựa trên Euro và 17% bằng tiền tệ của chính họ. Và quan trọng, hàng hóa xuất khẩu của Nga chủ yếu dựa vào năng lượng và hàng hóa, vốn là trọng tâm của hệ thống Petrodollar. 45
  14. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Tương tự, xuất khẩu của Nga sang Châu Âu cũng ngày càng tăng cường sử dụng đồng Euro. 6 năm trước, xuất khẩu của Nga sang châu Âu có 69% tính theo đồng USD và 18% tính theo đồng Euro. Giờ đây, họ dựa trên 44% USD và 43% Euro. Đó cũng là lý do Mỹ luôn phản đối và gây trở ngại cho dự án Nord Stream 2. Thêm vào đó, vào năm 2019 Nga cũng đã đạt được kết quả tương tự với Ấn Độ, theo đó Ấn Độ đồng ý không sử dụng đồng USD trong các thỏa thuận quốc phòng khổng lồ với Nga, đưa đến một sự sụt giảm đáng kể. Xuất khẩu của Nga sang Ấn Độ bằng USD chỉ còn chiếm 20% so với mức gần như tuyệt đối trong những năm trước đó. Hình 9: Tỷ phần USD, EURO và RUBLE trong hoạt động xuất khẩu Nga - Ấn Độ Nguồn: Ngân hàng trung ương Nga Tuy nhiên, khi các cường quốc lớn như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ bắt đầu định giá những thứ bên ngoài hệ thống dựa vào đồng USD và sử dụng tiền tệ của họ cho thương mại, bao gồm cả năng lượng trong một số trường hợp, Mỹ không thể can thiệp quân sự, thay vào đó chỉ có thể can thiệp thông qua các biện pháp trừng phạt, hoặc tranh chấp thương mại, hoặc các hình thức gây áp lực địa chính trị khác. Gần đây nhất có lẽ phải kể đến các lần đe dọa trừng phạt của Mỹ đối với các công ty liên quan đến đường ống Nord Stream 2 từ Nga đến Đức. Nếu đường ống này được hoàn thành, nó sẽ củng cố hệ thống cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu. Cơ quan hành pháp lẫn cơ quan lập pháp của Mỹ dường như rất khá chú tâm vào dự án này. Một thí dụ điển hình khác là lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, trong khi châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc đều có quan hệ thương mại với Iran, và các quốc gia này đều là những nhà nhập khẩu năng lượng lớn, trong khi Iran là nhà sản xuất năng lượng. 46
  15. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Châu Âu đã tạo ra INSTEX (The Instrument in Support of Trade Exchanges) vào năm 2019, một phương tiện chuyên dụng để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Phương tiện này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giao dịch bên ngoài hệ thống SWIFT (The Society of Worldwide Interbank Financial Telecommunication) và bên ngoài hệ thống USD. INSTEX đã được thử nghiệm thành công, nhưng chưa được sử dụng. Tương tự, Ấn Độ từ lâu đã có quan hệ thương mại với Iran, bất chấp 2 quốc gia này có sự khác biệt về tôn giáo/văn hóa, điều thường gây ra các vấn đề giữa Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan và tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir. Tuy nhiên, quan hệ đối tác thương mại Iran-Ấn Độ đã bị hạn chế vào năm 2020 do sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và sự bùng phát của COVID-19. Trung Quốc cũng có một số quan hệ đối tác năng lượng chiến lược và các thỏa thuận thương mại với Iran, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ cùng với đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình thương mại giữa họ. 4.3. Nước Mỹ nắm giữ trái phiếu của chính mình Bất thường tiếp theo đó là nước Mỹ dường như đang nắm giữ các khoản nợ của chính mình. Hình 10 cho thấy, tính đến năm 2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sở hữu nhiều trái phiếu Kho bạc hơn tất cả NHTW nước ngoài cộng lại. Đây không phải là cách hoạt động bình thường của đơn vị tiền tệ đóng vai trò là “dự trữ toàn cầu”. Trường hợp này được ví như đầu bếp nhà hàng ăn món ăn do chính mình nấu nhiều hơn so với thực khách. Trong vòng 1 năm, Fed đã tăng mạnh sở hữu trái phiếu Kho bạc Mỹ, từ khoảng một nửa giá trị trái phiếu Kho bạc được nắm giữ bởi các NHTW nước ngoài cộng lại, lên thậm chí nhiều hơn con số đó. Hình 10: Giá trị nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ trên toàn cầu (tỷ USD) Nguồn: Bianco Research 47
  16. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Như đã mô tả trước đây, các quốc gia chỉ có thể tiếp tục mua trái phiếu Kho bạc nếu điều kiện thanh khoản của đồng USD toàn cầu vẫn tốt. Đồng USD mạnh sẽ hạn chế sự tích lũy của nước ngoài vào trái phiếu Kho bạc. Ngoài ra, bất kỳ tác động nào đối với thương mại. Chẳng hạn, đại dịch và sự gián đoạn hoạt động kinh tế liên quan làm giảm nhu cầu dầu và khối lượng xuất nhập khẩu, đều đe dọa toàn bộ hệ thống đó. 4.4. Tăng thâm hụt ngân sách và nợ công hậu Covid-19 Covid-19 có thể góp phần làm xói mòn thêm hệ quả của hệ thống Petrodollar kéo dài. Sự bùng phát bất ngờ của COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới với những tác động lên nền kinh tế có thể quan sát được, thông qua việc thị trường tài chính hỗn loạn, lượng lao động thất nghiệp và yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp gia tăng và nhiều cửa hàng, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. COVID-19 làm nguồn thu từ thuế cho ngân sách giảm xuống bởi nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, tăng trưởng kinh tế chậm đi, trong khi gánh nặng của chính phủ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe lại tăng lên đáng kể. Lúc này sẽ có nhu cầu lớn hơn về các gói kích thích tài khóa từ chính phủ Mỹ để giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, thâm hụt ngân sách vì thế sẽ tăng đột biến trong thời gian ngắn (Hình 11, Hình 12). Hình 11: Thâm hụt ngân sách Mỹ (tỷ USD) Thâm hụt ngân sách Mỹ 1981-2021 (Tỷ USD) $9,000 $8,000 Debt Increase Deficit $7,000 $6,000 $5,000 $4,000 $3,000 $2,000 $1,000 $0 ($1,000) 1999 2005 1981 1982 1983 1984 1985 1986 1987 1988 1989 1990 1991 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 2000 2001 2002 2003 2004 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2021C 2020C Nguồn: “US Budget Deficit by Year Compared to GDP, Debt Increase, and Events”, tại Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đã được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 11-3-2021, là một trong những gói cứu trợ lớn thứ 2 sau nhiều thập niên, kỳ vọng giúp nước Mỹ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, gói cứu trợ càng lớn đồng nghĩa với nợ công của Mỹ càng tăng cao. Thâm hụt ngân sách dự báo cho năm 2020 trước khi xảy ra Covid-19 ở mức 1.083 tỷ USD, vào khoảng 4,8% GDP. Tuy nhiên Covid đã đẩy mức thâm hụt lên tỷ lệ 48
  17. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM cao kỷ lục, tới khoảng 3.700 tỷ USD (17,8% GDP). Năm 2021, mức thâm hụt ước tính cho kịch bản không xảy ra đại dịch chưa tới 1.000 tỷ USD, nhưng dịch bệnh đã đưa con số dự báo thâm hụt lên 2.100 tỷ USD. Tuy kế hoạch giải cứu trị giá 1.900 tỷ USD được mong đợi thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế, nhưng tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, quy mô lớn của gói giải cứu này cho thấy sự trì hoãn trong việc quay lại lập trường tài khóa phù hợp với việc giữ ổn định tỷ lệ nợ chính phủ. Hậu quả, triển vọng ổn định hóa nợ còn xấu hơn so với thời điểm Fitch xếp hạng nợ chủ quyền của Mỹ là ‘AAA’ trong báo cáo Triển vọng tiêu cực vào tháng 7-2020. Nợ chính phủ Mỹ tăng xấp xỉ 4 nghìn tỷ USD - từ 21,5 tỷ USD cuối năm 2018 lên 26,4 ở cuối quý II-2020, chưa kể gói cứu trợ khổng lồ được thông qua gần đây. Tỷ lệ nợ/GDP cũng tăng mạnh, lên tới 136% vào cuối quý II-2020, như là kết quả từ việc thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng. IMF cũng cảnh báo việc vay nợ nhiều hơn có thể dẫn đến bất ổn kinh tế và tài chính. Hình 12: Thâm hụt ngân sách của Mỹ trên GDP (%) Thâm hụt ngân sách/GDP của Mỹ từ 1981-2021 (%) 20.00% 15.00% 10.00% 5.00% 0.00% 1981 2006 2019 1982 1983 1984 1985 1986 1987 1988 1989 1990 1991 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2020C 2021C -5.00% Nguồn: “US Budget Deficit by Year Compared to GDP, Debt Increase, and Events”, tại Hậu Covid đang đẩy nhanh việc tích lũy nợ của chính phủ Mỹ. Khi nợ trở nên đầm đìa và Fed không thể hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, là lúc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm nhu cầu đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ. Điều này có thể gây áp lực giảm giá đối với đồng USD. Khi đồng USD giảm giá, nhà đầu tư nước ngoài nhận lại được một đồng tiền có giá trị ít hơn, khiến nhu cầu đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ tiếp tục giảm. Đến lúc đó, Mỹ có thể sẽ phải chấp nhận vay nợ với lãi suất cao hơn để giữ cho các nhà đầu tư không rời bỏ chứng khoán Kho bạc Mỹ. Liệu kịch bản như vậy có xảy ra khi Mỹ khác với các quốc gia khác, đó là đồng USD vẫn đang chi phối hoạt động thanh toán và dự trữ 49
  18. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM quốc tế? Liệu một loại tiền số nào đó có là giải pháp cho việc giảm sự phụ thuộc vào USD như hiện nay? Hình 13: Nợ chính phủ Mỹ từ 1929-2020 (Tỷ USD) $30,000 $25,000 $20,000 $15,000 $10,000 $5,000 $0 1998 1932 1935 1938 1941 1944 1947 1950 1953 1956 1959 1962 1965 1968 1971 1974 1977 1980 1983 1986 1989 1992 1995 2001 2004 2007 2010 2013 2016 2019 1929 Nguồn: “US National Debt by Year Compared to GDP and Major Events”, tại Hình 14: Tỷ lệ nợ chính phủ Mỹ/GDP 1929-2020 (%) 160% 140% 120% 100% 80% 60% 40% 20% 0% 1962 1968 1932 1935 1938 1941 1944 1947 1950 1953 1956 1959 1965 1971 1974 1977 1980 1983 1986 1989 1992 1995 1998 2001 2004 2007 2010 2013 2016 2019 1929 Nguồn: “US National Debt by Year Compared to GDP and Major Events”, tại 50
  19. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM 5. Hệ thống tiền tệ tiếp theo sẽ như thế nào? Hệ thống tiền tệ tiếp theo sẽ như thế nào là câu hỏi mở bài viết này gợi ra để thảo luận, chứ chưa thể có được câu trả lời. Tuy vậy, hiện các nhà kinh tế đã đưa ra nhiều đề xuất. Một điều chắc chắn là, dù nó diễn ra dưới hình thức nào, hệ thống tiền tệ tương lai sẽ không còn hoàn toàn bị ràng buộc vào bất kỳ đơn vị tiền tệ nào của một quốc gia độc tôn nào, vì không có quốc gia nào đủ lớn cho điều đó. Có thể kể đến một số đề xuất hiện nay: Định giá năng lượng phi tập trung; Bancor toàn cầu kỹ thuật số; Bancor khu vực kỹ thuật số; tiêu chuẩn vàng; Bitcoin Vấn đề đặt ra là liệu Mỹ có từ bỏ hệ thống hiện nay để tự điều chỉnh sang một hệ thống mới hay không. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) tạo ra các tùy chọn mới cho thanh toán quốc tế phi tập trung, được liên kết với một loại tiền tệ pháp định cụ thể, hoặc một giỏ tiền tệ pháp định được tính theo thuật toán nhất định. Đây là phần mềm ứng dụng vào hệ thống ngân hàng toàn cầu hiện tương đối lạc hậu; có khả năng là phương tiện giao dịch có tính thanh khoản cao hơn nhiều. Năm 2020, các nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới, như BHP, Vale và Rio Tinto, đều đã hoàn thành việc bán quặng sắt trên blockchain cho các công ty Trung Quốc. Các ngân hàng Singapore cũng tham gia các giao dịch như thế. Singapore cũng đã thử nghiệm các giao dịch blockchain với Sberbank của Nga. Công nghệ có thể dẫn đến tất cả loại kênh thanh toán mới. Việc tham gia của các chính phủ, tổ chức có uy tín trong chuỗi này có thể tạo ra các stablecoin đa tiền tệ trong khu vực, tức tạo ra các Bancor khu vực cho mục đích thương mại quốc tế, có thể có khả năng sử dụng công nghệ tương tự trên quy mô lớn hơn. Ngay tại Mỹ, Facebook cùng nhiều thành viên khác của thị trường đã thành lập nên Hiệp hội Libra (nay đổi tên thành Diem). Số vốn góp ban đầu cho mỗi hội viên 10 triệu USD với 100 hội viên. Việc mở rộng hay thu hẹp hội viên do hiệp hội quyết định nhằm giữ giá trị ổn định của đồng Libra/Diem. Số lượng tiền mã hóa Diem mới được phát hành dựa trên sự bảo chứng bằng rổ các tài sản thực có độ biến động thấp là các trái phiếu Kho bạc của một số nước lớn như Mỹ, EU, Anh, Nhật Bản được lưu trữ ở những ngân hàng và tổ chức uy tín nhằm bảo chứng cho giá trị của Diem. Điều này khá giống với chế độ bản vị vàng trước đây nhưng bản chất vận hành dựa trên nhu cầu nắm giữ danh mục trái phiếu Kho bạc để ổn định giá trị của Diem. Đồng thời, hệ thống tiền tệ này hoạt động theo cách phi tập trung hóa giao dịch, không phải phi tập trung hóa việc tạo ra tiền. Do đó vai trò tạo ra tiền tệ danh nghĩa vẫn thuộc về phía NHTW. Ngoài những lợi ích từ hệ thống, từ công năng giao dịch tiền tệ kỹ thuật số còn giúp thay đổi cách thức nắm giữ tiền pháp định có chức năng dùng cho thanh toán thương mại toàn cầu. 51
  20. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Hình 15: Mô hình hoạt động của Diem Lưu trữ ở ngân hàng và tổ chức Hiệp hội Diem Danh mục uy tín Tiền mã hóa trái phiếu (Diem DIEM Kho bạc Asociation) Gián tiếp Thanh sở hữu Nền kinh tế toán, bán Cung cấp cho (cá nhân, các hội viên doanh nghiệp) Nguồn: Tác giả Với hệ thống tiền tệ này, các cá nhân và doanh nghiệp nắm giữ Diem như nắm giữ danh mục được đảm bảo bởi các khoản nợ của các chính phủ, không bị những ràng buộc truyền thống. Luật định và các quy định trong mỗi nước thường bảo vệ đồng tiền pháp định, vì thế đã hạn chế hoặc ngăn cấm việc cá nhân, doanh nghiệp có thể sử dụng tiền để đầu tư trái phiếu Kho bạc các nước khác. Mô hình hoạt động của Diem sẽ làm thay đổi cách nắm giữ tài sản này. Đồng thời, việc nắm giữ các tài sản này lại được sử dụng để làm phương tiện thanh toán ngoài chức năng cất trữ giá trị như khoản đầu tư. Giờ đây, trên thị trường tài chính lại xuất hiện thêm người mua mới là các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp ngoài các thành viên truyền thống được đề cập ở phần trên. Vấn đề lúc này, chính phủ mỗi nước sẽ ngăn cấm công dân của họ sử dụng tiền tệ của nước khác, nhưng liệu có thể ngăn cấm công dân nắm giữ Diem khi hệ thống này giao dịch phi tập trung? Điều gì xảy ra khi trong nước lại có thể sử dụng đồng Diem để thanh toán cho nhau ngoài chức năng tiền tệ toàn cầu/khu vực? Mỗi một nước sẽ phải thay đổi chính sách để chống vàng hóa, USD hóa và giờ sẽ là Diem hóa. 52
  21. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Hình 16: Mô hình xuất hiện người mua mới trái phiếu Kho bạc Mua, nắm Bán cho giữ các T- Người mua Kho bạc Hiệp hội DIEM Bond Ngân hàng mới của các trung ương (Diem chính phủ Asociation) Gián tiếp sở hữu Cá nhân, doanh Tiền mã hóa nghiệp nước DIEM ngoài nắm giữ Nguồn: Tác giả Đánh giá tiềm năng – Quan điểm cá nhân Tiềm năng phát triển trong tương lai của đồng tiền mã hóa Diem vô cùng to lớn bởi 5 lý do: Thứ nhất, cộng đồng các thành viên trực thuộc hiệp hội Diem là những tổ chức hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và có thể ứng dụng tiền mã hóa một cách trực tiếp trong lĩnh vực của họ, nên điều đó sẽ tạo ra bước đầu vững chắc để lôi kéo thêm nhiều tổ chức khác vào mạng lưới Diem Blockchain. Các tổ chức này cũng vận động hành lang tạo các mối quan hệ giúp kết nối Diem với các NHTW lớn trên toàn cầu. Thứ hai, Diem sử dụng cơ chế của blockchain nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật giao dịch và tiết kiệm chi phí cho người dùng. Thứ ba, Diem có ngôn ngữ lập trình riêng gắn liền với nguồn mở Diem Blockchain nhằm giúp các lập trình viên, nhà phát triển tạo ra các ứng dụng dựa trên hợp đồng thông minh một cách dễ dàng. Thứ tư, Diem được bảo chứng bằng những loại tài sản ổn định với độ biến động thấp, giúp làm giảm rủi ro tỷ giá; tạo ra sự khác biệt của Diem so với các đồng tiền mã hóa truyền thống. Cuối cùng, cộng đồng người sử dụng Facebook đông đảo là cơ sở để tạo ra mạng lưới người dùng lớn ngay từ đầu đối với đồng Diem. Mặc dù Diem có nhiều mặt tích cực và hứa hẹn sẽ trở thành đồng tiền mã hóa được kì vọng trong cộng đồng tiền mã hóa. Thế nhưng vẫn có nhiều vấn đề còn đang gặp phải và Diem mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Thứ nhất, dù cơ chế cung tiền của Diem được quyết định bởi một hội đồng độc lập, tuy nhiên khó có thể kiểm soát được liệu rằng có xuất hiện lợi ích nhóm trong các quyết định đối với đồng Diem hay không? Điều này rất đáng quan ngại, mặc dù Facebook cố gắng thuyết phục mọi người rằng Diem sẽ ngày càng có thêm nhiều thành viên và đảm bảo tính dân chủ và phi tập trung, nhưng thực sự hiệp hội sẽ rất cần cơ chế minh bạch để hoạt động và cần có cơ chế kiểm tra, giám sát bởi các tổ chức tài chính và lập pháp quốc tế. 53
  22. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Trở ngại thứ 2 đến từ hệ thống luật pháp, bởi luật pháp ở các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển, chưa thể kịp thời đáp ứng ngay bước phát triển đối với các đồng tiền này; vì vậy bước đầu đồng Diem sẽ chỉ thí điểm giao dịch nội bộ trong các thành viên. Thứ 3, Diem chưa thỏa mãn được kỳ vọng của cộng đồng nhằm tạo ra hệ thống tiền tệ tốt hơn nhằm phi tập trung hóa khả năng tạo ra tiền mặt gây lạm phát và suy thoái kinh tế. Để có thể sử dụng được đồng Diem người mua vẫn phải dùng tiền pháp định để đổi lấy tiền Diem và cơ chế cung tiền thông qua nhà phân phối, vẫn tạo ra sự hoài nghi về khả năng mức giá trị bị thổi phồng của đồng tiền này. Thứ 4, bất kỳ hệ thống hay phần mềm nào cũng có lỗ hổng, liệu rằng hạ tầng Diem Blockchain và ngôn ngữ lập trình mới có thực sự hoàn hảo và không thể bị khai thác bởi tin tặc hay không? Thứ 5, sự ra đời của Diem sẽ nhận sự đáp trả từ phía các ngân hàng thương mại toàn cầu như thế nào khi nguồn lợi thu được từ cung cấp các dịch vụ thanh toán là vô cùng lớn, cũng như việc huy động tiền trong nền kinh tế để cho vay và đầu tư giờ đã bị thay thế? Cuối cùng, chế độ bản vị vàng đã từng sụp đổ, liệu rằng sự bảo chứng bằng các chứng khoán có độ biến động thấp tại các NHTW trên khắp toàn cầu có an toàn? Quả thực chúng ta có thể thấy Diem sẽ có thể giúp thế giới tốt đẹp hơn bằng cách phi tập trung hóa các giao dịch, các nền tảng công nghệ và mang lại muôn vàn những lợi ích khác cho người dùng với mức phí phải chăng. Thế nhưng, Diem có đi đến mục đích cuối cùng hay không là một câu chuyện dài. Mặc dù vậy, tất cả chủ thể trong nền kinh tế và các chính phủ cần phải chuẩn bị sẵn kịch bản cho sự thành công của đồng Diem, hay một loại tiền mã hóa nào đó được chấp nhận sẽ làm thay đổi cách thế giới vận hành hiện nay. 6. Kết luận Thế giới đã và đang trải qua các thời kỳ trật tự và rối loạn về địa chính trị, cùng với đó là việc xây dựng và xói mòn tiếp theo của hệ thống tiền tệ toàn cầu. Lúc đầu, lợi ích bá chủ từ quốc gia có tiền tệ dự trữ lớn hơn chi phí, nhưng ngay khi lợi ích tương đối ổn định trong khi cái giá phải trả gia tăng nhanh chóng hệ thống trở nên không còn bền vững. Ngoài ra, một hệ thống được xây dựng cách đây nhiều thập kỷ khi Mỹ đóng góp tới 35% GDP toàn cầu, giờ đây sẽ không còn hoạt động tốt khi Mỹ chỉ còn chiếm 20% GDP toàn cầu. Vấn đề không phải là quân đội Mỹ lớn đến mức nào để giữ vị thế bá chủ; vấn đề là liệu hệ thống tiền tệ toàn cầu hiện tại có còn khả thi và liệu hệ thống đó còn hỗ trợ lợi ích của Mỹ hay không. Nói một cách đơn giản, có một sự hỗn loạn kinh tế tự nhiên liên quan đến tình trạng tiền tệ dự trữ toàn cầu, bởi những lỗ hổng cố hữu trong hệ thống tiếp tục cộng gộp cho đến khi chúng đạt đến điểm phá vỡ. Tất nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là xác định trước điểm phá vỡ đó diễn ra lúc nào. Một sự thay đổi trong hệ thống tiền tệ toàn cầu không 54
  23. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM nhất thiết có nghĩa những điều tồi tệ đối với Mỹ (thực sự, Anh đã có một thời kỳ bùng nổ kinh tế trong những năm sau chiến tranh, sau khi nước này mất vị thế tiền tệ dự trữ), nhưng nó có nghĩa thực hiện một sự đánh đổi giữa lợi ích quốc tế và lợi ích trong nước, và điều chỉnh lại thương mại khi cần thiết để đạt được sự cân bằng mong muốn. Quan điểm của bài viết là trong tương lai, hệ thống tiền tệ toàn cầu sẽ dần trở nên phi tập trung hơn. Theo đó, các hệ thống thanh toán có thể được tiến hành thông qua những dàn xếp tiền tệ luân phiên giữa các đối tác thương mại, hoặc thông qua các đồng tiền tệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần phải bàn luận thêm liên quan đến các triển vọng này. Tài liệu tham khảo Charlotte Denny and Larry Elliott, ‘IMF warns trade gap could bring down dollar’, September 19 2003, The Guardian, Keynes, John Maynard. (1943), "Proposals for an International Clearing Union", H.M.S.O. London, 30 November. Nakhleh, Emile A. (1975), "United States and Saudi Arabia: a policy analysis." Nunan, C. (2004), Petrodollar or Petroeuro? A new source of global conflict. Triffin, Robert. (1959), "The international monetary positions of United States.". Pp: 417-426. Triffin, Robert. (1960), Gold and the Dollar Crisis: The Future of Convertibility, New Haven: Yale University Press. Bullionstar, tại Reserves.png Bullionstar, “It’s Time to Look More Carefully at “Monetary Policy 3 (MP3)” and “Modern Monetary Theory (MMT)”, tại carefully-monetary-policy-3-mp3-modern-ray-dalio/ The Fraying of the US Global Currency Reserve System, Lyn Alden Investment Strategy, tại “Triffin: dilemma or myth?”, BIS Working Papers No 684, tại US National Debt by Year Compared to GDP and Major Events, tại 3306287 US Budget Deficit by Year Compared to GDP, Debt Increase, and Events, tại US Stimulus Will Boost Growth at a Cost of Higher Deficits, Debt, higher-deficits-debt-09-03-2021 55
  24. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM US Budget Deficit by Year Compared to GDP, Debt Increase, and Events, tại US GDP as % of World GDP, tại US Stimulus Will Boost Growth at a Cost of Higher Deficits, Debt, higher-deficits-debt-09-03-2021 US balance on goods and services (quarterly) 56