Chiến lược giáo dục tài chính quốc gia - Công cụ thực hiện tài chính toàn diện

pdf 6 trang Gia Huy 24/05/2022 2710
Bạn đang xem tài liệu "Chiến lược giáo dục tài chính quốc gia - Công cụ thực hiện tài chính toàn diện", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchien_luoc_giao_duc_tai_chinh_quoc_gia_cong_cu_thuc_hien_tai.pdf

Nội dung text: Chiến lược giáo dục tài chính quốc gia - Công cụ thực hiện tài chính toàn diện

  1. CHIẾN LƯỢC GIÁO DỤC TÀI CHÍNH QUỐC GIA - CÔNG CỤ THỰC HIỆN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TS. Nguyễn Thế Anh Học viện Tài chính Tóm tắt Tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính - các giao dịch, thanh toán tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững (Ngân hàng thế giới, 2014). Tài chính toàn diện được triển khai thực hiện dựa trên 3 trụ cột: (i) Dịch vụ thanh toán và cơ sở hạ tầng tài chính; (ii) Đa dạng hóa kênh phân phối và mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính và (iii) Tăng cường hiểu biết về tài chính, bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy, để thực hiện tài chính toàn diện thì việc tăng cường hiểu biết tài chính là một trong những điều kiện căn bản. Người tiêu dùng tài chính sẽ có những hiểu biết tài chính rõ ràng hơn nếu được giáo dục tài chính toàn diện. Bài viết sau đây sẽ đi phân tích vai trò của giáo dục tài chính đối với tài chính toàn diện, xu hướng giáo dục tài chính trên thế giới, khái quát giáo dục tài chính ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị. Từ khóa: Tài chính toàn diện, chiến lược giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính, 1. Vai trò của giáo dục tài chính trong tài chính toàn diện Theo OECD (2005), giáo dục tài chính được hiểu là “một quá trình trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư cải thiện sự hiểu biết về các sản phẩm tài chính, các khái niệm và rủi ro tài chính, dựa trên những thông tin, hướng dẫn và tư vấn khác mà phát triển các kỹ năng, sự tự tin để nhận biết các rủi ro cũng như cơ hội tài chính, từ đó đưa ra các quyết định trên cơ sở đầy đủ thông tin, hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ, và hành động một cách hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng tài chính của mình.” Một điều tra về khả năng tiếp cận tài chính của người dân do OECD/INFE (2013) thực hiện với nhiều quốc gia đã kết luận, việc thiếu kiến thức về đặc điểm cũng như điều kiện sử dụng các loại sản phẩm/dịch vụ tài chính dẫn đến sự thiếu tự tin, có hành vi ngại tiếp cận và thái độ không tin tưởng đối với các sản phẩm/dịch vụ tài chính trên thị trường tài chính chính thức. Điều này tạo ra rào cản lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trên thị trường chính thức, gia tăng số lượng người khó tiếp cận sản phẩm ngân hàng, thúc đẩy sự xuất hiện các sản phẩm/dịch vụ tài chính phi chính thức (thị trường tài chính đen). Giáo dục tài chính có thể cung cấp những kiến thức cần thiết về sản phẩm/dịch vụ tài chính chính thức cho người dân, tạo niềm tin và sự tự tin để chủ động tiếp cận đến các sản phẩm, dịch vụ sẵn có trên thị trường chính thức, hạn chế sự mở rộng của thị trường tài chính phi chính thức, trực tiếp thúc đẩy tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, giáo dục tài chính còn hỗ trợ sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia. Cụ thể, khi được tăng cường hiểu biết tài chính, người tiêu dùng tài chính có khả năng so sánh và đánh giá chất lượng các loại hình sản phẩm tài chính khác nhau để lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với tình hình tài chính bản thân. Điều này đòi hỏi các tổ chức tài chính phải không ngừng cải tiến và sáng tạo các sản phẩm dịch vụ tài chính để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng tài chính, khiến thị trường tài chính không ngừng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển và hoàn thiện hơn. Hơn nữa, nhờ giáo dục tài chính, cá nhân/hộ 377
  2. gia đình sẽ có xu hướng tiết kiệm và quản lý ngân sách tốt hơn, giúp gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế. Thêm vào đó, giáo dục tài chính sẽ giúp cá nhân/hộ gia đình biết cách tự bảo vệ mình, biết phát hiện và thông báo cho cơ quan quản lý những sai phạm của các tổ chức trung gian tài chính. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động giám sát được dễ dàng hơn, giảm nhẹ nguồn lực của Nhà nước vào việc giám sát, kiểm tra và xử lý sai phạm, và trên hết là tạo một môi trường kinh tế - tài chính lành mạnh, bền vững làm cơ sở cho từng cá nhân, doanh nghiệp phát triển, cải thiện kinh tế, rồi từ đó lại tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, hình thành một vòng tròn phát triển bền vững với những bước tiến mới trong đời sống kinh tế - xã hội. Như vậy, thông qua giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính không chỉ góp phần trực tiếp gia tăng số lượng người trưởng thành tiếp cận và sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia như thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, tăng tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tài chính, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện cho mỗi quốc gia. 2. Triển khai Chiến lược giáo dục tài chính để thực hiện tài chính toàn diện - xu hướng của các nước trên thế giới Với vai trò trọng yếu của giáo dục tài chính đối với tài chính toàn diện và sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội trong mỗi quốc gia, các tổ chức quốc tế như OECD và WB cũng như nhiều quốc gia cam kết tăng cường tài chính toàn diện đều nhận định xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính là cần thiết. Người am hiểu việc quản lý tài chính của cá nhân có thể sẵn sàng trước những cú sốc xảy ra đối với bản thân và gia đình. Đối với mỗi quốc gia, việc phổ cập tài chính sẽ giúp phòng ngừa các rủi ro cho nền kinh tế. Chính vì vậy, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra vào năm 2008, nhiều nước trên thế giới ngày càng quan tâm đến việc phát triển năng lực hành vi tài chính cho người dân và xây dựng chiến lược phổ cập tài chính để nâng cao phúc lợi toàn xã hội. Theo kết quả khảo sát của OECD/INFE (2015) thì đã có 59 quốc gia đã, đang xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược giáo dục tài chính cho quốc gia của mình; 6 quốc gia khác bắt đầu có dự định xây dựng chiến lược giáo dục tài chính. Sự gia tăng mạnh mẽ của các quốc gia thực thi chiến lược giáo dục tài chính đã cho thấy việc xây dựng và triển khai chiến lược là hiệu quả để thực hiện trụ cột giáo dục tài chính trong tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia. Các khía cạnh thực hiện chiến lược tài chính ở các quốc gia trên thế giới như sau: - Đối tượng thực hiện: Chính phủ các quốc gia này đều xác định toàn dân là đối tượng mục tiêu của chiến lược giáo dục tài chính quốc gia, nhưng bên cạnh đó cũng xác định những nhóm đối tượng ưu tiên cụ thể. Trong 35 nước trả lời khảo sát của OECD/INFE năm 2012, có tới hơn một nửa (52%) cho biết mục tiêu giáo dục tài chính là tới toàn dân, 18% cho biết thêm rằng ngoài mục tiêu toàn dân, họ cũng tập trung vào một số nhóm đối tượng nhất định. Thế hệ trẻ thường là nhóm đối tượng ưu tiên của đa số các quốc gia thực thi Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, tiếp đó là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Đáng chú ý, đặc điểm chung trong chiến lược giáo dục tài chính của các quốc gia này là đều dựa trên các nhóm đối tượng mục tiêu để đưa ra các giải pháp cũng như các nội dung giáo dục tài chính phù hợp. 378
  3. Bảng 1: Mức độ triển khai chiến lược giáo dục tài chính quốc gia một số nước Số Mức độ thực hiện Nước lượng Đã thực hiện và đang đánh giá kết Australia, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Malaysia, Hà Lan, quả chiến lược đầu tiên hoặc đang 11 New Zealand, Singapore, Slovakia, Tây Ban Nha, triển khai chiến lược thứ hai Anh, Mỹ. Armenia, Bỉ; Brazil, Canada, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Ghana, Hồng Kông, Trung Quốc, Ấn Độ, Đã triển khai chiến lược (đầu tiên) 23 Indonesia, Cộng hòa Ailen, Israel, Hàn Quốc, Latvia; Mô - rô - cô, Nigeria, Bồ Đào Nha, Liên bang Nga, Slovenia; Nam Phi, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ. Argentina, Chi-lê, Trung Quốc, Colombia, Costa Rica, El Salvador, Pháp, Guatemala, Kenya, Kyrgyzstan, Đang xây dựng chiến lược quốc gia 25 Lebanon, Malawi, Mexico, Pakistan; Paraquay, Peru, (chưa triển khai) Phần Lan, Rumani, Audi Arabic, Serbia, Tanzania, Thái Lan, Uganda, Uruguay, Zambia. Bắt đầu cân nhắc chiến lược quốc 6 Áo, Macedonia, Philippines, Ukraine, Zimbabwe. gia (chưa triển khai) Nguồn: OECD/INEF, 2015. - Cơ quan chủ trì: Theo nghiên cứu của OECD, tổ chức đứng ra chủ trì, triển khai thực hiện chiến lược giáo dục tài chính thường là các cơ quan phụ trách về vấn đề tài chính như Ngân hàng Trung ương hoặc Bộ Tài chính. Ở Malaysia, Comlumbia, Bồ Đào Nha, Philippines là Ngân hàng Trung ương; ở Séc, Hà Lan là Bộ Tài chính Trong khi đó, ở Canada, Chính phủ thành lập riêng một ủy ban chuyên trách về giáo dục tài chính. Để triển khai thực hiện, cơ quan chủ trì yêu cầu sự phối hợp của nhiều cơ quan công quyền như Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Thống kê và Điều tra, Bộ Lao động xã hội, Ủy ban chứng khoán, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi - Kinh phí thực hiện: Các chính phủ thường xây dựng một quỹ riêng cho thực hiện chiến lược hoặc tập hợp từ nhiều nguồn như nguồn ngân sách nhà nước hay từ các các cơ quan công quyền (Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và các cơ quan lập pháp), nguồn ủng hộ từ khu vực tư nhân và các khu vực khác (NGOs, tổ chức quốc tế) 3. Thực trạng ở Việt Nam và các khuyến nghị Thực tế cho thấy, tăng cường giáo dục tài chính giúp cho mỗi người dân có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính như: tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm một cách thuận tiện, với chi phí hợp lý. Việc ngày càng có nhiều người dân am hiểu và sử dụng các dịch vụ tài chính sẽ thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, qua đó, góp phần vào việc giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của đất nước, thông qua đó các mục tiêu của tài chính toàn diện sẽ được thực hiện hiệu quả. Tuy vậy, thực tế về hiểu biết tài chính ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, thể hiện ở các khía cạnh sau: Thứ nhất, mức độ phổ cập tài chính rất thấp: Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (2015), Việt Nam đứng ở vị trí 22/37 quốc gia đang phát triển tại châu Á và xếp thứ 112/176 trên toàn thế giới, chỉ có 24% người trưởng thành tại Việt Nam được hỏi hiểu biết về tài chính. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ ra 51% người được khảo sát đã từng nghe và hiểu về các khoản vay cá nhân. Còn theo kết quả khảo sát học sinh, sinh viên ở độ 379
  4. tuổi từ 13 - 18 vào năm 2012-2013, chỉ có 17,2% trong số này biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí, 8,8% tiêu hết tiền và số còn lại không biết phải làm gì với tiền. Các cuộc điều tra nghiên cứu cũng cho thấy người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa đang đối mặt với thực trạng năng lực hiểu biết tài chính khá thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ người tiếp cận đến dịch vụ tài chính chính thức của Việt Nam rất thấp. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chỉ có 31% người dân có tài khoản tại tổ chức tín dụng, và với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì con số này còn thấp hơn (27%), khiến Việt Nam chỉ đứng 103/144 về mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính. Cuộc điều tra của Standard & Poor năm 2014 về mức độ hiểu biết tài chính cho thấy Việt Nam ở vị trí thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực (biểu đồ 1). Biểu đồ 1: Tỷ lệ người trưởng thành có hiểu biết tài chính một số nước châu Á Nguồn: OECD & ADBI, 2016. Thứ hai, hoạt động giáo dục tài chính còn nhiều bất cập: giáo dục tài chính chưa được tổ chức một cách thống nhất theo chiến lược quốc gia, với lộ trình dài hạn nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao hiểu biết về tài chính cho cộng đồng. Các khóa đào tạo, tập huấn về tài chính cá nhân trong cộng đồng vẫn còn quá ít. Việc giáo dục tài chính chưa được phổ biến tại các trường đại học, nếu có thì hoạt động này vẫn mang tính học thuật và hàn lâm quá cao, không đưa được các ví dụ đời thường vào chương trình, thiếu sự hợp tác có hiệu quả giữa các doanh nghiệp với các nhà nghiên cứu, các trường đại học Ở Việt Nam, trong những năm qua, đã xuất hiện một số chương trình thúc đẩy giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính do một số ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tư vấn tài chính triển khai. Đối tượng mà các chương trình này hướng đến cũng rất đa dạng, từ học sinh tiểu học, trung học, sinh viên đại học đến những người tiêu dùng tài chính. Hình thức tổ chức cũng rất đa dạng: lớp học ngoại khóa, gameshow; tọa đàm, video hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính và giới thiệu các dịch vụ tài chính - ngân hàng Nhìn chung, tất cả các chương trình giáo dục tài chính trên mà một số ngân hàng và công ty tài chính triển khai đều là những nội dung giáo dục tương đối mới mẻ, mang tính bổ trợ cao, có thể cung cấp nhiều kiến thức bổ ích để giúp người tham gia có cơ hội tiếp xúc và cải thiện nền tảng kiến thức tài chính, có ý niệm về việc lên kế hoạch tài chính cá nhân, đầu tư và tiết kiệm 380
  5. Tuy nhiên, với cách thức triển khai và đối tượng hướng tới, các chương trình giáo dục tài chính này vẫn có những mục tiêu riêng rẽ, tách biệt, chủ yếu tập trung vào vấn đề thương mại, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của tổ chức, qua đó góp phần nâng cao lợi nhuận, thị phần theo ngắn hạn chứ chưa mang tính chất một chương trình tầm cỡ quốc gia, được tổ chức quy mô và có lộ trình dài hạn phục vụ mục tiêu nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng. Bên cạnh các ngân hàng và công ty tư vấn tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là những cơ quan nhà nước đã triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận biết của người dân về lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Dù vậy, đây chỉ là những chương trình triển khai phục vụ mục tiêu nâng cao niềm tin công chúng, chủ yếu tuyên truyền về chính sách chứ chưa phải là các chương trình quốc gia về giáo dục tài chính cho người dân. Các hoạt động này tuy đã có định hướng nâng cao hiểu biết tài chính của người dân nhưng chưa có chương trình khảo sát đo lường hiểu biết tài chính của công chúng, hay tổ chức đào tạo, giáo dục tài chính, tư vấn như nhiều tổ chức trên thế giới đã thực hiện. Như vậy có thể thấy, thúc đẩy chiến lược giáo dục tài chính quốc gia là một giải pháp khả thi, lâu dài nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện nhưng việc triển khai thực hiện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, tác giả đưa ra một số khuyến nghị mang tính chất định hướng cho xây dựng và thực hiện chiến lược tài chính quốc gia sau đây: Một là, đưa giáo dục tài chính trở thành một chiến lược quốc gia. Để đảm bảo một trong ba trụ cột của tài chính toàn diện được thực hiện, vai trò của chiến lược giáo dục tài chính quốc gia là cần thiết. Giải pháp cụ thể: + Xây dựng những chính sách về phổ biến kiến thức tài chính, từ đó thiết lập và phát triển những chương trình hành động nhằm nâng cao kiến thức cần thiết cho người tiêu dùng tài chính; + Xây dựng cơ chế giám sát và phối hợp thực hiện chương trình giáo dục tài chính giữa các cơ quan có liên quan, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng chương trình giáo dục, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị khác thực hiện vai trò giám sát và phối hợp thực hiện; + Mở rộng đối tượng thụ hưởng các chương trình giáo dục tài chính, trong đó người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, người lao động nghèo là những đối tượng hiện nay chưa được chú ý; lồng ghép chương trình phổ cập kiến thức tài chính với các chương trình an sinh xã hội. Hai là, xây dựng các chương trình giáo dục tài chính. Các chương trình này là công cụ hỗ trợ hiệu quả và trực tiếp cho việc thực hiện Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế. Cụ thể: + Gắn giáo dục tài chính với việc phát triển, quảng bá và sử dụng thực tế của các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối tượng, đặc biệt là cư dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; + Lựa chọn phương thức truyền thông và quảng bá kiến thức tài chính và sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng; + Triển khai giáo dục tài chính từ nhiều phía: từ các chương trình cộng đồng đến sự tham gia của khu vực tư nhân và sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài. Tóm lại, giáo dục tài chính không phải là nội dung mới mẻ đối với nhiều quốc gia trên thế giới cũng như trọng khu vực. Các quốc gia đã thấy được tầm quan trọng của giáo dục tài chính bằng việc đưa giáo dục tài chính trở thành một chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người dân còn chưa nhận thức rõ sự cần thiết của hiểu biết tài chính nói riêng và giáo dục tài chính nói chung đối với đời sống bản thân, nền kinh tế và tài chính toàn diện. Vì vậy, việc nhận thức vai trò của giáo dục tài chính và thực hiện chiến lược giáo dục tài chính quốc gia là một trong những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. 381
  6. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. OECD (2015), National Strategies Financial Education Policy Handbook. 2. Schwab, K., Sala-i-Martin, X., & Brende, B. (2016), The Global Competitiveness Report 2015 - 2016 (vol 5.). 3. OECD (2005), Improving Financial Literacy: Analysis of issues and policies. 4. Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014), Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ. 5. Websites: 382