Chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc: Nghiên cứu thực nghiệm tại các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng

pdf 13 trang Gia Huy 18/05/2022 2010
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc: Nghiên cứu thực nghiệm tại các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchinh_sach_thuc_day_xuat_khau_nong_san_viet_nam_sang_trung_q.pdf

Nội dung text: Chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc: Nghiên cứu thực nghiệm tại các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng

  1. CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VIỆT NAM SANG TRUNG QUỐC: NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM TẠI CÁC CỬA KHẨU CỦA TỈNH CAO BẰNG 促进越南农产品销向中国的政策:在高平省各口岸的实验研究 TS. Nguyễn Hoàng Quy Học viện Hành chính quốc gia 国家行政学院博士 阮黄归 Tóm tắt Từ khi gia nhập WTO đến nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ và đã và đang là hoạt động thương mại mũi nhọn có lợi thế nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện nay hoạt động xuất khẩu thời gian qua đã có dấu hiệu trùng xuống, mặc dù tăng về số lượng kim ngạch xuất khẩu nhưng lợi nhuận giảm, tình trạng được mùa mất giá thường xuyên xảy ra, cung cầu thị trường không ổn định. Trung Quốc là một thị trường đầy tiềm năng và rất nhiều lợi thế của thị trường nông sản Việt Nam. Nghiên cứu các chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, cụ thể qua các cửa khẩu điển hình của tỉnh Cao Bằng, là rất cần thiết, góp phần phát triển ngành kinh tế nông nghiệp nói riêng, đất nước nói chung. Để biết thực trạng thực hiện các chính sách xuất khẩu nông sản hiện tại cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này, đó là: Xây dựng và hoàn thiện chính sách thuế xuất khẩu, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh mậu dịch biên giới, tăng cường công tác dự báo thị trường và điều chỉnh tỷ giá, tăng cường quản lý chất lượng nông sản, để xuất khẩu nông sản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Từ khóa: chính sách, xuất khẩu, thị trường Trung Quốc, Cao Bằng, Việt Nam 摘要 自从加入WTO以来,越南农产品的出口活动较为迅猛地发展,已经并正在成 为越南最有优势的前头贸易活动。然而,在目前经济一体化的趋势背景下,最近出口 活动已经有停滞不前的表现,虽然出口金额的数量有所增加,但利润减低,丰收却贬 值的现象经常出现,市场的供求不稳定 向中国出口农产品越南是具备很多优势和 充满潜能的。促进通过高平省各个口岸向中国出口农产品的政策的研究是非常需要的 事项,有助于国家经济和农业经济的发展,以了了解目前农产品出口政策的实施情况 以及解决农产品销往中国所存在的问题。本文提出促进向此市场的农产品出口活动的 若干措施,即:建设和完善出口税政策,完善促进农产品生产与出口政策,促进边界 贸易,增强市场预报工作和调整汇率;增强农产品质量管理,以农产品的出口活动在 今后时间又能够盛旺起来。 关键词:政策,出口,中国市场,高平,越南 565
  2. 1. Mở đầu Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng, xuất khẩu thúc đẩy phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Việt Nam đang là nước phát triển trung bình, kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp do đó hoạt động xuất khẩu nông sản đóng góp cho nền kinh tế là rất lớn. Những năm qua Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trong tốp những nước xuất khẩu nông sản ra thế giới với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, bằng chứng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản năm 2013 đạt 19,8 tỷ USD, năm 2014 đạt 30,87 tỷ USD, năm 2015 ước tính khoảng 32,3 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản của chúng ta chủ yếu tập trung vào các thị trường như khối các nước ASEAN, các nước EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và mới đây năm 2015 chúng ta có ký hợp động xuất khẩu gạo hàng triệu tấn với Philippines và Indonesia vào năm tới. Trong các thị trường xuất khẩu nông sản của nước ta, Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm, hiện chiếm tỉ trọng cao nhất. Theo số liệu thống kế trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này trên mức 8 tỉ USD, chiếm khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước. Rõ ràng, với thị trường có dân số hơn 1,3 tỉ người và có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và các điều kiện khác, Trung Quốc là thị trường rất lớn và là một thị trường trọng điểm đối với nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2015, hoạt động xuất khẩu nông sản của chúng ta sang thị trường này hiện gặp nhiều khó khăn, đáng kể là vào tháng 8 năm nay Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ khiến cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác. Bên cạnh đó là các nhà xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu nhiều thông tin và chưa nghiên cứu sâu về thị trường này vì vậy thường xuyên xảy ra hoàn cảnh được mùa mất giá, tác động thêm vào đó là sự thay đổi thường xuyên trong chính sách về hạn ngạch, hàng rào kỹ thuật về xuất nhập khẩu của nước này gây ra những khó khăn đáng kể. Trong bối cảnh trên, câu hỏi đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý nhà nước là xác định và triển khai những giải pháp đưa ra nhằm giải quyết những khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới? Tác động của các chính sách tới việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong thời gian qua ở mức độ nào? Để làm rõ thêm vấn đề này, bài viết nghiên cứu chuyên sâu về “Chính sách thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc: Nghiên cứu thực nghiệm tại cửa khẩu Cao Bằng”. 2. Cơ sở lý luận 2.1. Xu thế phát triển của chính sách thương mại quốc tế Trong 50 năm qua chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về tầm quan trọng của thương mại trong nền kinh tế thế giới. Vào những năm 1950, 1960 và 1970 chính sách thay thế nhập khẩu đã được sử dụng rộng rãi, nhưng dường nó mang lại ít thành công hơn so với chính sách định hướng xuất khẩu sử dụng nhiều hơn trong các nền kinh tế tăng trưởng cao của khu vực Đông Á. Đến năm 1980, các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển đã bắt đầu quay hướng tới các chính sách liên quan đến cơ chế thương mại cởi mở hơn. Cùng với những cải cách chính sách thương mại ở các nước đang phát triển là một thay đổi đáng kể về bản chất sự tham gia của họ trong thương mại quốc tế. Thể hiện sự cải cách trong chính sách thương mại mạnh mẽ nhất là vào năm 1994 tại Marrakech, 124 nền kinh tế đã ký kết tại 566
  3. vòng đàm phán Uruguay. Trong cùng năm đó, tại Bogor - Indonesia, các nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, đại diện cho gần một nửa trong số các nền kinh tế thế giới, đặt mục tiêu đạt được thương mại tự do tại Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nước công nghiệp và năm 2020 đối với các nước đang phát triển (Martin, 2001). Cũng theo Martin (2001) sự thay đổi chính sách thương mại và các rào cản thương mại đã có những thay đổi trong thời gian gần đây. Đặc biệt, các nước đang phát triển đã giảm các rào cản thương mại của họ, cơ cấu xuất khẩu cũng đã thay đổi cơ bản. Từ những năm 1980, các nước đang phát triển đã tăng lên đáng kể sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất hàng xuất khẩu, và tăng sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang các nước đang phát triển khác. Các chính sách bảo hộ cao tiếp theo là hầu hết các nước đang phát triển trước năm 1980 được thiết kế thường xuyên, để kích thích công nghiệp hóa. Tuy nhiên, một trong những tác động của chúng là hạn chế rất nhiều khả năng tham gia vào các bộ phận năng động hơn của thương mại quốc tế trong sản xuất và thương mại dịch vụ quốc gia. Sự phát triển về hàng rào thương mại ở các nước công nghiệp trong việc cắt giảm bảo hộ đạt được trong năm 1930 được tiến hành tại thời điểm thành lập của GATT vào năm 1947 và tiếp tục dưới các vòng đàm phán của GATT sau này để thành lập tổ chức thương mại thế giới WTO, là tổ chức mà Việt Nam tham gia năm 2007. Bên cạnh đó là việc giảm thuế quan và chính sách hạn chế xuất khẩu, các biện pháp chống bán phá giá. Nghiên cứu của Rodrik (2001) và Martin (2001) cũng chỉ ra những cách tiếp cận để có thể cải tổ chính sách thương mại bao gồm: Tiếp cận đơn phương, tiếp cận đa phương và tiếp cận khu vực. Và đây cũng chính là tiếp cận để phát triển chính sách thương mại của các quốc gia trên thế giới cho đến nay. Thật vậy, hiện nay các nước đang phát triển ngày càng tham gia nhiều vào các cuộc đàm phán thương mại khu vực và đa phương (Deardorff, 2000). Hướng về khu vực Châu Á một ví dụ điển hình là việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào đầu năm 2016. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được xem là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực. Khi tham gia vào AEC các nước thành viên phải ký hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Tuyên bố, những cam kết nhằm hướng tới mục tiêu của AEC đó là: Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, Một khu vực kinh tế cạnh tranh, Phát triển kinh tế cân bằng, Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu (Phương Dung, 2015). Tiếp đến là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans- Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, viết tắt TPP) vừa được các nước thông qua. Đây là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cũng như xu hướng về các hiệp định GATT và WTO, hiệp định TPP, và FTA được thành lập nhằm xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Bên cạnh đó là việc thỏa thuận thống nhất nhiều các luật lệ, quy tắc chung giữa các nước, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động (Phương Linh và Chí Hiếu, 2015). 2.2. Xuất khẩu hàng nông sản trong xu thế chung Tổng quan về xuất khẩu và nông sản xuất khẩu Xuất khẩu là hoạt động cơ bản của hoạt động ngoại thương, xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử phát triển của xã hội. Hoạt động xuất khẩu diễn ra trên mọi lĩnh vực, trong mọi điều kiện, diễn ra rất rộng về không gian và thời gian của nền kinh tế nhằm mục tiêu đem lại lợi ích cho quốc gia nói chung và các doanh nghiệp tham gia nói riêng. Qua đó có thể định nghĩa xuất khẩu là hoạt động buôn bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ giữa các quốc gia trên cơ sở 567
  4. dùng tiền tệ làm phương tiện trao đổi, nhằm tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước (Lương Đăng Ninh, 2004). Theo WTO hàng nông sản được chia làm hai 02 nhóm chính: nông sản và phi nông sản. Nông sản được xác định trong Hiệp định Nông nghiệp là tất cả các sản phẩm liệt kê từ Chương I đến XXIV (trừ cá và sản phẩm cá) và một số sản phẩm thuộc các chương khác trong Hệ thống thuế mã HS (Hệ thống hài hoà hoá mã số thuế). Còn lại tất cả các sản phẩm trong Hệ thống thuế mã HS gọi là sản phẩm phi nông nghiệp (còn được gọi là sản phẩm công nghiệp), (Hiệp định 213/WTO/VB Nông nghiệp). Ở Việt Nam, nông nghiệp bao gồm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), thuỷ sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp. Các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản lại được gộp vào lĩnh vực công nghiệp. Theo WTO thì nông sản lại bao gồm toàn bộ sản phẩm thuộc Chương 1 đến 24 (trừ cá và sản phẩm từ cá) và một số sản phẩm thuộc các chương khác trong Hệ thống thuế mã HS của Việt Nam và không bao gồm các sản phẩm thuộc lĩnh vực thuỷ sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp (Hiệp định Nông nghiệp, WTO). Xu hướng xuất khẩu hàng nông sản: Xu thế chung của thế giới là tự do thương mại và hội nhập ngày càng gần gũi hơn giữa các quốc gia, vấn đề toàn cầu hóa đã trở thành không thể ngăn cản. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc mạnh mẽ lẫn nhau giữa các quyết định của các nhà hoạch định chính sách của các nước. Nếu một số các quốc gia lớn quay lưng với các thị trường thế giới, sẽ gây ra tổn thương cho thương mại thế giới. Ngay cả ở cấp quốc gia, sự lựa chọn chính sách để quản lý các tương tác với kinh tế thế giới là không đơn giản (Martin, 2001; Đinh Văn Thành, 2010). Qua phân tích xu hướng thay đổi các chính sách thương mại của các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực trong đó có Việt Nam. Với xu hướng các nước ngày càng quan tâm và tham gia ký kết vào các hiệp định song phương, đa phương như hiệp định thương mại tự do FTA, TPP, tạo ra những chính sách thương mại cởi mở bên cạnh đó cũng có những thắt chặt về chính sách hơn, điều này đã mở ra những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ cho ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Có thể nói khi tham gia TPP, FTA chúng ta kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu nông sản sẽ tăng, tuy nhiên đây là cơ hội để nông sản Việt Nam nhận ra mình đang ở đâu khi mà chất lượng mặt hàng nông sản đang còn ở mức sơ chế. Trong khi tham gia TPP, FTA các bạn hàng lại cần những nông sản có chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng. Do đó, để có thể đứng vững trong sân chơi này, Nhà nước và các nhà hoạch định cần có những chính sách trong cải cách nền nông nghiệp nghèo nàn của chúng ta, đặc biệt cần xây dựng một khung chính sách thật hoàn hảo cho hoạt động xuất khẩu nông sản trong thời gian tới. 2.3. Các chính sách tác động đến hoạt động xuất khẩu nông sản Trong hoạt động quản lý nhà nước, Chính phủ và các cơ quan hữu quan điều tiết và quản lý hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng thông qua các chính sách cơ bản sau: Chính sách thuế xuất khẩu: Thuế xuất khẩu có vai trò rất quan trọng đối với mỗi quốc gia nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng, nó góp phần tăng ngân sách nhà nước. Ở góc độ kinh tế, thuế xuất khẩu làm thay đổi cán cân thương mại thông qua việc điều tiết xuất khẩu và nhập khẩu. Thuế xuất khẩu có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản, nếu thuế cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nông sản do làm tăng giá nông sản dẫn đến làm giảm lượng khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, nếu có những chính sách phù hợp về thuế thì thuế vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho các nước xuất khẩu. Từ những năm 50 cho đến nay, nhiều quốc gia trong khu vực, mới đây là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã cùng đứng 568
  5. ra tạo thành một liên minh thuế quan. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu nông sản của các nước trong và ngoài liên minh. Nó tạo ra chính sách bảo hộ và các hàng rào thương mại đối với các nước khác. Và nó như là một xu hướng trong việc hoạch định chính sách thuế quan hiện nay nhằm tự do hóa thương mại và bảo hộ thị trường nông sản của khu vực trước sự cạnh tranh của hàng hóa đến từ bên ngoài. Chính sách tỷ giá tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động của nền kinh tế như hoạt động xuất nhập khẩu, tài chính tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế Không ngoại lệ với thị trường xuất khẩu nông sản cũng rất nhạy cảm với chính sách tỷ giá. Tỷ giá thay đổi khiến cho hàng nông sản phải cạnh tranh gay gắt với hàng của các nước khác. Đặc biệt, trong năm 2015 chính sách tỷ giá của các nước luôn thay đổi bất thường như việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và tăng lãi suất của IMF. Chính sách quản lý chất lượng hàng nông sản xuất khẩu: Hiện nông sản Việt Nam thường ở mức độ sơ chế và kém chất lượng, trong khi các nước nhập khẩu ngày càng có những hàng rào tiêu chuẩn rất khắt khe Một phần do khoa học kỹ thuật còn hạn chế, trình độ lao động thấp cùng với đó là sự nhận thức kém và không chủ động thay đổi trong vấn đề chất lượng nông sản thời gian qua cho đến hiện tại nông sản Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho mình. Chính sách dự báo nhằm định hướng xuất khẩu có vai trò quan trọng giúp cơ quan nhà nước đưa ra các chính sách chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản dự báo giúp đưa ra chiến lược, quyết định kinh doanh hiệu quả. Do công tác dự báo cung cầu thị trường chưa tốt nên nông sản Việt Nam luôn gặp vấn nạn được mùa, mất giá. Do đó cần có những thay đổi trong thời gian tới. Chính sách tăng cường quản lý mậu dịch biên giới luôn là mối quan tâm đặc biệt của các địa bàn có biên giới như tỉnh Cao Bằng. Chính sách thực hiện tốt sẽ giải quyết được những bất cập trong thương mại vùng biên giới như phòng chống buôn lậu, ép giá, gian lận thương mại Các chính sách đòn bẩy nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu gồm nhóm chính sách tác động tới sản xuất nông sản trong nước và nhóm chính sách tác động tới tiêu thụ nông sản. Hiện nay, nông sản Việt Nam đang còn sản xuất theo tư duy số lượng hơn chất lượng, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản còn chậm, trình độ lao động còn thấp dẫn tới xuất khẩu nông sản thiếu bền vững. Xuất phát từ đó cần có những chính sách đòn bẩy như chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, lãi suất, trợ cấp, xúc tiến thương mại để phát triển sản xuất cũng như xuất khẩu nông sản. 3. Phương pháp nghiên cứu Tổng quan về thị trường Trung Quốc và tỉnh Cao Bằng - địa điểm thực hiện nghiên cứu Về thị trường nghiên cứu, được xác định là Trung Quốc, một quốc gia với hơn 1.3 tỷ dân, đây là thị trường lớn và tiềm năng nhất trên thế giới. Những năm qua, Trung Quốc thực hiện chính sách thương mại hóa cởi mở, tham gia nhiều tổ chức kinh tế chính trị trên thế giới. Một thuận lợi lớn nữa là hai nước có đường biên giới trải dài qua 7 tỉnh phía Bắc với nhiều cặp cửa khẩu, điểm thông quan, lối mở thông thương, tạo ra sự thuận lợi tự nhiên cho việc xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch. Do đó, đối với hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam, đây là một thị trường to lớn khổng lồ không chỉ là nông sản mà tất cả các ngành công nghiệp khác đều có thể thâm nhập. Với thị 569
  6. trường nông sản nói riêng Trung Quốc là thị trường tương đối dễ chịu. Mặc dù nước này có những thay đổi trong chính sách thương mại như áp dụng các rào cản thuế quan và phi thuế quan như hạn chế quyền thương mại và các rào cản kỹ thuật Nhưng hiện nay Trung Quốc đã giảm dần các rào cản này đặc biệt là sau khi gia nhập WTO và các tổ chức khác. Có thể nói Trung Quốc nhập hầu hết các sản phẩm nông sản của Việt Nam như cao su, sắn, gạo,tiêu, hoa quả và đây là thị trường cầu luôn lớn hơn cung. Như chúng ta biết, tỉnh Cao Bằng có hơn 332 km đường biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), có 3 cửa khẩu chính là Tà Lùng, Trà Lĩnh và Sóc Giang 3 cửa phụ (Bí Hà, Lý Vạn, Pò Peo). Hơn nữa còn có các chợ biên giới và hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Những năm qua, tỉnh Cao Bằng và Trung Quốc hợp tác thương mại đạt được kết quả rất lớn. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng từ 35,6 triệu USD năm 2004, tới trên 135,8 triệu USD vào năm 2008 và 163,9 triệu USD năm 2009. Với những đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lý và tầm nhìn dài hạn về thương mại giữa Cao Bằng và Trung Quốc trong thời gian tới, tác giả đã chọn tỉnh Cao Bằng là nơi tiến hành khảo sát điều tra thu thập dữ liệu thông tin cho nghiên cứu này. Thu thập và xử lý dữ liệu Các thông tin dữ liệu thứ cấp thông qua các tài liệu như sách, báo, các báo cáo về tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong những năm gần đây, bên cạnh có tham khảo các đề tài luận văn có liên quan đến chính sách xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Các dữ liệu thống kê được thu thập từ các báo cáo thường niên của các cơ quan trong lĩnh vực nông nghiệp như Sở Nông nghiệp Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp &PTNT và một số cơ quan, ban ngành khác. Để thu thập đầy đủ, chính xác và làm đa dạng các dữ liệu thông tin nhằm phục vụ phân tích thực trạng tình hình thực hiện các chính sách quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, đề tài thực hiện việc thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua việc phỏng vấn bằng bảng câu hỏi điều tra được thiết kế từ trước đối với 95 doanh nghiệp theo quy mô các loại được phân chia theo tỷ lệ ở hình 1. Với hình thức gửi bảng câu hỏi qua email từ danh sách các công ty đã xuất khẩu lưu tại các cửa khẩu Cao Bằng và có thể gọi điện thoại trực tiếp tới các công ty. Song song đó, điều tra bảng hỏi được tiến hành đối với đơn vị (doanh nghiệp và chủ hàng) tại một số cửa khẩu Cao Bằng. Hình 1: Mẫu khảo sát điều tra Các thông tin thứ cấp được tiến hành tổng hợp, chọn lọc thông tin có liên quan nhất để phục vụ nghiên cứu; các thông tin sơ cấp cũng được tổng hợp, phân loại và so sánh. Bài viết sử dụng các phương pháp phân tích thông tin như phương pháp thống kê mô tả, phương pháp 570
  7. so sánh, tổng hợp trong việc phân tích đánh giá thực trạng tác động của các chính sách của nhà nước tới việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong thời gian qua. 4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Thực trạng chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu Cao Bằng Để hiểu rõ những tác động của một số chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong thời gian qua ở Việt Nam, bài viết phân tích đánh giá thực trạng thực hiện một số chính sách xuất khẩu nông sản nước ta sang thị trường Trung Quốc như sau: Hình 2: Kết quả khảo sát điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Cao Bằng về chính sách xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc Về chính sách thuế xuất khẩu, kết quả điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua tỉnh Cao Bằng chỉ ra thực trạng có 21,05% nhận thấy thuế xuất khẩu tác động tích cực và rất tích cực, 21,05% doanh nghiệp cho rằng thuế xuất khẩu không có tác động tới tình hình xuất khẩu nông sản của họ. Có tới 57,89% doanh nghiệp cho là thuế xuất khẩu đã tác động tiêu cực tới xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong thời gian qua. Kết quả này cho thấy chính sách thuế xuất khẩu chưa thực sự đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp, ngược lại có tác động khá tiêu cực tới họ. Trong xu thế đó, Việt Nam thời gian qua cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách thuế đối với hàng nông sản. Đặc biệt là từ khi tham gia WTO đến nay, Việt Nam áp thuế 0% với các mặt hàng này đồng thời tăng bảo hộ đối với nhập khẩu nông sản. Cùng với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng thực hiện lộ trình giảm thuế xuất khẩu với Trung Quốc theo Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và thuế suất sẽ được giảm theo lộ trình từ năm 2004- 2008 của Chương trình thu hoạch sớm (EHP) và đến nay hầu như thuế suất nông sản nhập từ Trung Quốc về là 0%. Tiếp đến, năm 2015 Việt Nam tham gia TPP, trước đây mức thuế ở một số nước tham gia TPP cao đã gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam. Theo thỏa thuận của TPP, các nước tham gia TPP cam kết tạo sự tiếp cận thị trường đáng kể cho Việt Nam bằng cách giảm dần hầu hết các loại thuế và gần như được miễn. Khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu về 0% đã gây cạnh tranh giữa thị trường nông sản chúng ta với hàng nông sản giá rẻ của Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam. Hơn nữa khi 571
  8. được hỏi các doanh nghiệp cho rằng cơ quan thuế cập nhật chính sách thuế mới cho doanh nghiệp còn chậm, cơ quan thuế còn hạn chế trong việc hướng dẫn tuyên truyền nên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực thi. Tuy nhiên, nhìn chung với những chính sách thương mại tới nay, trong đó có thuế xuất khẩu nông sản chúng ta thấy Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định. Vậy, với những thay đổi trong thời gian tới kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ chủ động tiếp cận và nghiên cứu áp dụng các điều kiện về thuế này để xuất khẩu nông sản được tốt hơn. Về chính sách tỷ giá hối đoái, kết quả điều tra lấy ý kiến có 42,1% các doanh nghiệp cho rằng chính sách tỷ giá chưa thực sự giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình xuất khẩu, 26,32% doanh nghiệp không nhận thấy tác động của chính sách tỷ giá, và có 31,58% doanh nghiệp cho rằng chính sách tỷ giá hối đoái của Nhà nước có tác động lớn tới việc xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy năm 2008 suy giảm về kinh tế toàn cầu Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá đồng tiền Việt Nam so với đô la Mỹ nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Việc nới rộng biên độ tỷ giá giúp thúc đẩy xuất khẩu nông sản tốt hơn và cũng nhờ chính sách này mà xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc của Việt Nam trong thời kỳ này đã tăng trở lại, năm 2008 xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD đến năm 2009 đạt hơn 2 tỷ USD và đến 2010 ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tỷ giá và kết qua là xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt 5,85 tỷ USD. Tháng 8/2015, Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ một lần nữa làm lay động mạnh đến xuất khẩu nông sản sang nước này. Trước tình hình đó, ngày 12/8 Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ với mức điều chỉnh tăng từ +/-1% lên +/-2% điều này đã kịp thời để đáp lại việc phá giá đồng Nhân dân tệ xấp xỉ 2% của Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như những điều chỉnh liên tục về tỷ giá cũng chưa phát huy hết hiệu quả trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài trong đó có Trung Quốc. Phải kể đến một vài lý do là biến động của nền kinh tế thay đổi liên tục, các đồng tiền chính như USD và tiếp đến là Nhân dân tệ và một số đồng tiền ở các nước mà có hàng nông sản cạnh tranh với chúng ta đồng loạt phá giá, cùng với đó có phần hơi chậm trễ trong việc ứng biến của các cơ quan quản lý dẫn tới chính sách tỷ giá. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những chính sách về tỷ giá thích hợp hơn nữa để có thể thích ứng được sự thay đổi của đồng Nhân dân tệ và các đồng tiền khác nhằm tạo thế xuất khẩu nông sản và đem lại lợi nhuận. Về chính sách quản lý chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, kết quả khảo sát có 38,95% doanh nghiệp cho rằng trong thời gian qua chính sách quản lý nông sản đã tác động tốt và tích cực đối với xuất khẩu nông sản. 27,37% doanh nghiệp không thấy được tác động của các chính sách này và còn lại 33,68% doanh nghiệp cho rằng chính sách này tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của họ. Từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có những cải cách về chính sách quản lý chất lượng nông sản như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức rà soát trên 1100 tiêu chuẩn ngành, và rất nhiều các văn bản quy định khác về an toàn thực phẩm, chất lượng tiêu chuẩn. Tiếp tục bổ sung những chính sách nhằm đầu tư cho ngành sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao gần đây Chính phủ đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung chính sách về quản lý chất lượng nông sản đã phần nào ảnh hưởng tốt và đáp ứng được xuất khẩu nông sản 572
  9. trong thời gian qua. Tuy nhiên, năm 2015 là năm Việt Nam vừa ký FTA và tham gia TPP thì các quy định về quản lý chất lượng vẫn chưa được giải quyết, nông sản của chúng ta vẫn loay hoay tìm đầu ra vì chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu. Lí do là chúng ta chưa có chính sách phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh đó là thiếu sự nhận thức của chính người dân và doanh nghiệp về tác động của hội nhập trong thời kỳ thương mại tự do như hiện nay. Do đó cần có những hành động tổng hợp trong thời gian tới để nông sản Việt Nam tranh xa hiện tượng xuất khẩu nhiều nhưng lại thu lợi nhuận được ít hơn nước khác. Về chính sách dự báo nhằm định hướng xuất khẩu, kết quả điều tra cho thấy chỉ 17,09% doanh nghiệp cho rằng chính sách dự báo có tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu nông sản, 36,8% doanh nghiệp nhận xét chính sách này không có tác động gì và có tới 45,26% doanh nghiệp đánh giá chính sách này tác động không tốt và có phần tiêu cực cho việc xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp. Do công tác dự báo cung cầu thị trường chưa tốt nên nông sản Việt Nam luôn gặp vấn nạn được mùa, mất giá. Bằng chứng là đầu năm 2008 dự báo lúa gạo dư thừa, tới tháng 4 Chính phủ vội vã ra quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo. Cũng từ khâu dự báo yếu nên trong thời gian qua chúng ta thấy một số các mặt hàng nông sản như khoai lang, hành tím, dưa hấu luôn bị ép giá và ế ẩm. Bắt đầu từ năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Viện Chính sách và Chiến lược (IPSARD) về công tác dự báo hàng nông sản. Cho tới nay IPSARD đã có một bước phát triển mạnh mẽ và phối hợp với nhiều tổ chức nổi tiếng trên thế giới dự báo nông nghiệp hiện nay như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Viện Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Úc. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng nhìn chung công tác dự báo về xuất khẩu nông sản chưa thực sự tác động nhiều tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Về chính sách tăng cường quản lý mậu dịch biên giới, theo kết quả điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua tỉnh Cao Bằng, chỉ có 25,26% doanh nghiệp cho rằng chính sách này có tác động tốt tới hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, 52,63% doanh nghiệp đang còn nghi ngờ và chưa rõ về tác động của chính sách này, còn lại 22,11% doanh nghiệp cho rằng chính sách này ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu nông sản qua biên giới. Những năm qua Việt Nam và Trung Quốc đã ký rất nhiều các văn bản thỏa thuận về hoạt động thương mại biên giới như: Hiệp định mua bán vùng biên giới, Hiệp định về cơ sở hạ tầng giao thông biên giới, hiệp định hợp tác kinh tế biên giới, các Quy chế về việc tổ chức và quản lý chợ biên giới Việt - Trung, Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại hàng nông sản ngày 22/04/2013 Đối với tỉnh Cao Bằng đã ký kết hợp tác kinh tế biên giới cửa khẩu Long Bang - Trà Lĩnh, cửa khẩu Cao Bằng - Sùng Tả, Cao Bằng - Bách Sắc. Tuy nhiên, hiện nay, theo kết quả điều tra, tình trạng tại các cửa khẩu vẫn còn nhiều lo ngại như vấn đề kho bãi đang còn nhỏ hẹp, hàng nông sản để trong thời gian dài gây hao tổn và có thể mất trắng, hơn nữa các mặt hàng nông sản thường xuyên bị phía Trung Quốc ép giá, mua bán theo hình thức biên mậu đang còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro đây chính là những khó khăn của nhiều doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thời gian qua. Qua đó chúng ta thấy về cơ bản Việt Nam đã có những chính sách thương mại biên giới với Trung Quốc khá tốt. Tuy nhiên, vấn đề là các chính sách này chưa được triển khai đồng bộ, không phối hợp chặt chẽ, thực hiện chính sách mang tính đối phó, bị động, nhiều cửa khẩu bị ách tắc hàng hóa trong thời gian dài. Vì vậy, trong thời gian tới Nhà nước và các tỉnh biên giới trong đó có Cao Bằng nên tìm những giải pháp để hoàn thiện thêm chính sách này. 573
  10. Về các chính sách đòn bẩy nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu: thực tế cho thấy chính sách đòn bẩy của Nhà nước thời gian qua đã phần nào tác động đến xuất khẩu nông sản trong thời gian qua. Hơn nửa số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua tỉnh Cao Bằng (52,63%) tham gia điều tra cho rằng các chính sách đòn bẩy đã tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu, 22,11% doanh nghiệp chưa thấy tác động của các chính sách này và 25,26% doanh nghiệp nhận xét các chính sách này chưa mang lại thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản. Sau khủng hoảng 2008, đến năm 2009 Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu giành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp tại quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/04/2009 bằng việc hỗ trợ 100% và 4% lãi suất đối với các khoản vay ngắn, trung và dài hạn để các tổ chức, cá nhân mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Đến năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/NĐ- CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định số 54/2013/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng cho vay tín dụng xuất khẩu (các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu) và gia hạn thời gian tối đa cho vay từ 12 tháng lên 36 tháng đối với rau quả và thủy sản; Nghị định số 133/2013/NĐ-CP tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay được gia hạn tối đa 36 tháng đối với mặt hàng hạt điều và cà phê (ngoài rau quả và thủy sản). Gần đây, nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn ngày 25 tháng 10 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg. Quyết định này thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Tiếp đến Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 07 năm 2014 Về một số chính sách phát triển thủy sản, người dân được vay tiền với lãi suất 1% -2% năm. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ 7 lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và vay không tài sản bảo đảm đến 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng năm Nhà nước còn chi khoảng 10 tỉ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu nông sản. Qua đây, chúng ta thấy các chính sách đòn bẩy phần nào đã mang lại tích cực cho các doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản thời gian qua, tuy nhiên còn thiếu chính sách tín dụng hướng về nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng thị trường trong thời gian tới. 4.2. Đánh giá thành công và hạn chế Qua đánh giá tác động của việc thực hiện các chính sách xuất khẩu nông sản nói chung và chính sách xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc nói riêng ở trên, ta thấy. Những chính sách này đã có những thành công nhất định, như chính sách đòn bẩy trong đó có chính sách đầu tư, xúc tiến thương mại, chính sách hỗ trợ tín dụng tạo điều kiện sản xuất, tiêu thụ nông sản đã hoạt động khá hiệu quả. Chính sách về tỷ giá hối đoái cũng được thay đổi linh hoạt theo thị trường đồng USD và đồng Nhân dân tệ đem đi bớt nỗi lo cho xuất khẩu nông sản. Tiếp đó là chính sách thuế xuất khẩu và chính sách về quản lý chất lượng nông sản ngày càng được hoàn thiện trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi hiệp định ASEAN - Trung Quốc và các hiệp định FTA, TPP được kí kết. Chính sách quản lý mậu dịch biên giới cũng ngày được hoàn thiện, trong đó Cao Bằng là điểm sáng trong việc kí kết các thỏa thuận về chính sách này trong xuất khẩu nông sản sang các tỉnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài những thành công đó chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng đang còn 574
  11. rất nhiều những hạn chế, với xu thế hội nhập kinh tế và sự biến đổi thất thường của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ luôn có những chính sách bất ngờ trong khi đó chúng ta chưa có những biện pháp nhanh chóng giải quyết nó như việc thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái, chính sách quản lý chất lượng nông sản và chính sách thuế xuất khẩu. Ngoài ra, với các chính sách mậu biên và các chính sách đòn bẩy còn hạn chế trong đó có sự thiếu quản lý với mậu dịch biên giới và thiếu đầu tư cho xúc tiến xuất khẩu nông sản. Đây là những hạn chế mà chúng ta cần có những giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh hơn xuất khẩu nông sản ra thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. 5. Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc Trên cơ sở phân tích thực trạng và đánh giá trên đây, bài viết đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nói chung và qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng nói riêng. Cụ thể như sau: Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện chính sách thuế. Xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn trong đó một phần là do chính sách thuế còn tồn tại những hạn chế, đặc biệt khi chúng ta mới tham gia FTA, TPP gần đây, do đó cần có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, kinh doanh nông sản như: Khi xây dựng hoạch định chính sách thuế cần xem xét vấn đề về bảo hộ và thương mại hiện nay để xây dựng thuế xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với tình hình kinh tế. Tiếp tục hỗ trợ tối đa cho ngành nông sản vì đây là ngành chủ lực của Việt Nam tuy nhiên tránh bảo hộ tràn lan. Xây dựng thuế xuất khẩu nông sản cần có những ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính về thuế, sửa đổi, bổ sung phải kịp thời, tuyên truyền phổ biến để doanh nghiệp nắm bắt nhanh chóng. Thứ hai là đẩy mạnh mậu dịch biên giới. Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh mậu dịch biên giới nhằm giải quyết dứt điểm các hành vi gian lận thương mại, tránh ùn tắc hàng hóa, ép giá hàng và buôn lậu. Biện pháp đó là: Hai nước cần đẩy mạnh thường xuyên phối hợp, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong thời gian tới. Xây dựng, trao đổi về các quy định trong quản lý, giám sát thương mại giữa hai nước, đặc biệt nơi có nhiều cửa khẩu như Cao Bằng. Do hàng Việt Nam đang còn xuất theo đường tiểu ngạch gây ra hiện tượng ép giá, mất tiền cho đầu nậu vì vậy cần quy định hỗ trợ, ưu tiên xuất khẩu dạng hợp đồng theo con đường chính ngạch. Tiếp tục phối hợp, hội thảo thường xuyên thỏa thuận trong kí kết các hiệp định thương mại vùng biên giới trong thời gian tới. Thứ ba là tăng cường công tác dự báo thị trường. Thông tin cung cầu thị trường rất quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản do đó cần đẩy mạnh thông tin thị trường. Thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường Trung Quốc, ưu tiên nông sản. Các cơ quan nhà nước cần có dự báo và cập nhật nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước để làm căn cứ, định hướng quy hoạch, hướng dẫn sản xuất, tránh sản xuất tràn lan được mùa mất giá. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng như người dân cần phải chủ động, khôn ngoan, tỉnh táo trong quyết định sản xuất kinh doanh nông sản đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Tăng cường hợp tác với các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam bên nước bạn để thường xuyên cập nhật thông tin cho doanh nghiệp. Thứ tư là tăng cường quản lý chất lượng nông sản. Câu chuyện luôn nóng hổi về vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo tiêu chuẩn trong nước thời gian gần đây, đặc biệt khi 575
  12. việc hướng tới một nền sản xuất sạch ngày càng trở nên cấp bách. Do vậy, ngành nông cần xây dựng chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý phải tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát nhằm xử lý “mạnh tay” với các trường hợp sản xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm, lạm dụng hóa chất gây hại cho người tiêu dùng. Qua đó cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm nông sản xuất khẩu, có các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản xuất khẩu. Cùng với đó là chính những doanh nghiệp, những nông dân phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, chế biến của mình để những nông sản thực phẩm làm ra thực sự đảm bảo chất lượng và an toàn, giữ được hình ảnh và chỗ đứng của nông sản Việt trên thị trường thế giới. Thứ năm, cần hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Sản lượng nông sản của Việt Nam luôn rất cao nhưng nghịch đảo với chất lượng, do đó để có một ngành nông nghiệp bền vững cần tạo ra những nông sản có chất lượng, do đó cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn GAP, Global GAP. Để làm được điều này cần chính sách giải quyết vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, công ăn việc làm cho các dự án nông nghiệp này. Hỗ trợ nghiên cứu các cây, con có hiệu quả kinh tế đảm bảo chất lượng đối với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan. Dành các gói tín dụng cho xây dựng hệ thống nông nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại bằng cách xây dựng các trung tâm giao dịch thương mại, kho chứa và bảo quản hàng hóa tại cửa khẩu để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Có chính sách hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu cho các nông sản trong nước. Cuối cùng là bản thân các doanh nghiệp cần chủ động thâm nhập, cần tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm của mình; tổ chức thu mua và xuất khẩu với giá cả hợp lý giữ thị phần thị trường; và chủ động tiếp cận đầu tư khoa học kỹ thuật trong sản xuất của doanh nghiệp và tăng chất lượng nguồn nhân lực. 6. Kết luận Xuất khẩu nông sản ra thế giới nói chung và sang thị trường Trung Quốc nói riêng của Việt Nam hiện nay vẫn là bài toán làm các nhà chính sách luôn phải chú tâm suy nghĩ. Những năm qua chúng ta đã có những chính sách thúc đẩy từ sản xuất tới tiêu thụ nông sản và đã đạt được những thành công ngoài mong đợi. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hàng năm luôn tăng qua từng năm trong đó nông sản vào thị trường Trung Quốc và các nước khác trong và ngoài khu vực ngày càng được thâm nhập sâu hơn. Có thể nói chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản luôn được nước ta ưu tiên hàng đầu trong đó phải kể đến những cải cách quan trọng đó là chính sách giảm, miễn các hàng rào thuế quan, chính sách đầu tư cho phát triển sản xuất tiêu thụ nông sản, chính sách quản lý chất lượng nông sản và chính sách mậu biên giữa Việt Nam với các nước đặc biệt là biên giới Trung Quốc. Bên cạnh đó là sự ứng biến kịp thời với sự thay đổi chóng mặt của kinh tế toàn cầu như chính sách tỷ giá của Trung Quốc và Mỹ. Công tác dự báo thị trường thông tin cho doanh nghiệp cũng thường xuyên được cập nhật. Tuy nhiên, ngoài những kết quả thu được, chúng ta vẫn còn nhiều những hạn chế được nêu rất rõ ở các phần nghiên cứu trên trong việc thực hiện các chính sách thúc đẩy nông sản trong thời gian qua. Do đó, trong thời gian tới hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước cần có những cải cách thích hợp hơn đáp ứng hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Nghiên cứu này đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc nói riêng và sang các thị trường thế giới nói chung. Tuy nhiên, kết quả và giải pháp đưa ra còn hạn chế, vì vậy rất cần nhiều các nghiên cứu kỹ hơn, chuyên sâu hơn trong thời gian tới. 576
  13. Tài liệu tham khảo 1. Deardorff A. (2000), “International Provision of Trade Services, Trade, and Fragmentation”, Policy Research Working Paper 2548, World Bank, Washington DC. 2. Đinh Văn Thành (2010), Tăng cường năng lực tham gia của hàng nông sản vào chuỗi giá trị toàn cầu, NXB Công Thương - Hà Nội. 3. Kim Thoa (2015), “”UBND Tỉnh ban hành quy chế quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu mặt hàng gạo qua địa bàn tỉnh Cao Bằng”, 4. Lương Đăng Ninh (2004), Đổi mới quản lý Nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, NXB Khoa học xã hội - Hà Nội. 5. Martin Will (2001), Trade Policies, Developing Countries, and Globalization, Development Research Group, World Bank. 6. Phương Dung (2015), “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất”, Dân Trí, asean-viet-nam-la-mot-trong-nhung-nuoc-huong-loi-nhieu-nhat-20151123090228071.htm 7. Phương Linh, Chí Hiếu (2015), “Toàn văn Hiệp định TPP được công bố”, VnExpress, bo-3307540.html 8. Rodrik D. (1997), Has Globalization Gone too Far?, Institute for International Economics, Washington DC. 577