Chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ

pdf 9 trang Gia Huy 24/05/2022 1690
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchinh_sach_uu_dai_thue_doi_voi_doanh_nghiep_co_von_dau_tu_nu.pdf

Nội dung text: Chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ

  1. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM - NHỮNG VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP THÁO GỠ TS. Nguyễn Thị Thùy Dương1 Tóm tắt Để thu hút vốn đầu tư nói chung và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, Chính phủ đã sử dụng rất nhiều công cụ. Chính sách ưu đãi thuế của nhà nước cũng là một trong những công cụ như vậy. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có được sự gia tăng mạnh mẽ như ngày hôm nay là nhờ một phần quan trọng vào chính sách ưu đãi thuế. Bài báo này sẽ phân tích những hình thức ưu đãi thuế mà Việt Nam đang áp dụng, từ đó đánh giá những ưu nhược điểm của chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đề xuất kiến nghị. Từ khóa: ưu đãi thuế, chính sách ưu đãi thuế, doanh nghiệp FDI 1. Ưu đãi thuế và các hình thức ưu đãi thuế Ưu đãi thuế là việc cho phép người nộp thuế trong các trường hợp nhất định được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn mức thông thường khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Ưu đãi thuế là một công cụ chính sách của nhà nước nhằm thu hút đầu tư hoặc định hướng đầu tư, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Công cụ này thường được sử dụng khá phổ biến ở các nước đang phát triển. Các hình thức ưu đãi thuế rất đa dạng. Về mặt lý thuyết, các hình thức ưu đãi thuế có thể áp dụng cho tất cả các loại thuế nhưng trong thực tế thì chỉ phần lớn xuất hiện trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hình thức ưu đãi thuế chủ yếu gồm có: Giảm thuế suất Người nộp thuế thay vì phải nộp mức thuế suất phổ thông sẽ được nộp mức thấp hơn. Mức thuế suất thấp này sẽ được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc trong toàn bộ thời gian hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ: Trung Quốc quy định áp dụng mức thuế suất 20% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%, Thái Lan quy định doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng mức thuế suất 15% trong khi mức thuế suất phổ thông là 23%, Malaysia cũng quy định doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%. 1 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Email: duongnt2009@yahoo.com 511
  2. Miễn giảm thuế Người nộp thuế được giảm một phần hoặc toàn bộ số thuế phải nộp trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường hình thức này được áp dụng với thu nhập của các doanh nghiệp mới thành lập, đầu tư vào những lĩnh vực địa bàn được ưu đãi hoặc thu nhập của các nhà đầu tư được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần vào tổ chức kinh tế. Ví dụ: Thái Lan có chính sách miễn giảm thuế TNDN có thời hạn đối với ngành công nghiệp kỹ thuật, chế biến nông sản và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Malaysia có chính sách ưu đãi thuế TNDN nhằm thu hút FDI vào lĩnh vực chế tạo, các ngành công nghiệp tiên phong, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử. Singapore có chính sách ưu đãi thuế TNDN nhằm thu hút FDI vào các ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, thương mại, vận tải biển. Trung Quốc miễn giảm thuế cho các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, các liên doanh góp vốn cổ phần hoạt động tại các khu phát triển công nghệ mới và công nghệ cao, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng cảng, cầu tàu, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động trong các đặc khu kinh tế hoặc tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hàn Quốc cho phép miễn giảm thuế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đầu tư nhằm bảo vệ môi trường Miễn giảm thuế cũng có thể áp dụng với các sắc thuế gián thu như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Hoãn nộp thuế Người nộp thuế được quyền chậm nộp số thuế của mình trong một khoảng thời gian nhất định mà không phải chịu nộp phạt. Thời gian chậm nộp có thể kéo dài đến 2 năm tùy theo từng sắc thuế. Doanh nghiệp thường được phép chậm nộp thuế trong hai trường hợp. Thứ nhất là trường hợp khi một doanh nghiệp cụ thể gặp những thiên tai tai nạn bất ngờ xảy ra. Thứ hai là trường hợp chung áp dụng với nhiều doanh nghiệp khi nền kinh tế đang ở trong giai đoạn suy thoái, các doanh nghiệp gặp khó khăn chung về sản xuất kinh doanh nên cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Được khấu hao nhanh tài sản cố định Các phương pháp khấu hao tài sản cố định thường được sử dụng là: phương pháp trích khấu hao theo đường thẳng, phương pháp trích khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh, phương pháp trích khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm. Khấu hao nhanh thực chất là phương pháp trích khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh. Tài sản cố định tham gia vào hoạt động kinh doanh được trích khấu hao nhanh thông thường là máy móc, thiết bị, dụng cụ đo lường, thí nghiệm, thiết bị và phương tiện vận 512
  3. tải, dụng cụ quản lý Trích khấu hao nhanh cho phép doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ. Cho phép chuyển lỗ Ưu đãi thuế thông qua chính sách chuyển lỗ cũng được khá nhiều nước áp dụng, song phương thức và thời gian chuyển lỗ ở các nước cũng khá đa dạng. Hầu hết các nước chỉ cho phép doanh nghiệp được chuyển lỗ sang năm tiếp theo, song có nước khống chế, có nước không khống chế số năm được chuyển lỗ. Tuy nhiên, cũng có một số nước cho phép chuyển lỗ trở về trước. Điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn vì khi gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh có thể được hoàn thuế nộp năm trước. Tất nhiên, việc quản lý thuế sẽ trở nên khá phức tạp nên chỉ có thể áp dụng ở những nước có trình độ quản lý thuế tốt như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc và chỉ thực hiện với những điều kiện cụ thể. 2. Chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam được thể hiện ngay từ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 tại các Điều 38, 39, 40, 42, 44, 46, 47, 48. Đến Luật Đầu tư năm 2005 và sau đó là Luật Đầu tư năm 2014, các hình thức ưu đãi thuế đã được quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, nó còn thể hiện chi tiết trong các luật thuế, cụ thể như sau: Hình thức giảm thuế suất: Hiện nay, mức thuế suất phổ thông của thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% và 17%. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm đối với: (1) thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; (2) thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; (3) thu nhập của doanh nghiệp có dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất mà quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải 513
  4. ngân không quá 3 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm hoặc sử dụng thường xuyên trên 3.000 lao động. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với: (1) thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; (2) thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; (3) thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hưởng thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 10 năm đối với: (1) thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; (2) thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, sản xuất thép cao cấp, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản. Hình thức miễn giảm thuế: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được ưu đãi miễn giảm thuế chủ yếu với thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu. * Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao hoặc thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, Doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn Doanh nghiệp được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện khó khăn, khu công nghiệp, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới để 514
  5. sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản * Về thuế nhập khẩu: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu nếu: (1) nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện, sản phẩm hoàn chỉnh để gia công sản phẩm xuất khẩu hoặc để sản xuất hàng xuất khẩu; (2) nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng cho cả dự án mới và dự án mở rộng; (3) nhập khẩu hàng hóa chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được nhằm phục vụ trực tiếp cho giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ Hình thức hoãn nộp thuế: Hoãn nộp thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn do bối cảnh kinh tế suy thoái, hỗ trợ thị trường được thể hiện gần đây nhất trong Thông tư số 16/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu NSNN. Theo đó, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng trên 300 lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, dệt may và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà ở sẽ được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp quý I và 3 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh quý II và III năm 2013. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT phát sinh phải nộp ở quý I năm 2013. Hoãn nộp thuế khi doanh nghiệp gặp thiên tai tai nạn bất ngờ được quy định trong Nghị định số 12/2015/ND-CP. Thời gian hoãn nộp thuế không quá 2 năm trong trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền Hình thức khấu hao nhanh tài sản cố định: Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được trích khấu hao nhanh nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao xác định theo phương pháp đường thẳng để nhanh chóng đổi mới công nghệ đối với một số tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Khi thực hiện trích khấu hao nhanh, doanh nghiệp phải đảm bảo kinh doanh có lãi. Hình thức chuyển lỗ: doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. 515
  6. 3. Đánh giá về chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3.1. Những kết quả đạt được Thứ nhất, chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thu hút được một lượng lớn vốn FDI, qua đó đóng góp một phần không nhỏ cho thu NSNN. Bảng 1. Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Tổng vốn FDI Thu ngân sách từ doanh nghiệp có Năm đăng ký (triệu USD) vốn đầu tư nước ngoài (tỷ đồng) 2010 19886,8 64.915 2011 15.618,7 77.076 2012 16.348,0 82.546 2013 22.352,2 111.241 2014 21.921,7 117.200 2015 22.761,4 128.000 Nguồn: Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê Thứ hai, chính sách ưu đãi thuế đã hoàn thiện theo hướng đơn giản, rút gọn đối tượng được ưu đãi, chỉ tập trung vào một số ngành nhất định như những ngành ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế và bảo đảm một môi trường sống trong sạch là nhiệm vụ chung của cả xã hội. Vì vậy, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 212/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp với hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó dành khá nhiều ưu đãi thuế cho hoạt động bảo vệ môi trường là hết sức kịp thời, đáp ứng được những đòi hỏi của nền kinh tế. 3.2. Những hạn chế Thứ nhất, chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút nguồn vốn vào những địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, những ngành công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động còn chưa thực sự phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp FDI thường tập trung vào những nơi có cơ sở hạ tầng thuận lợi như: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng 516
  7. Nai, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Các tỉnh miền núi như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn thu hút nguồn vốn FDI rất hạn chế chiếm chưa đến 1% cả nước. Bảng 2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép ở một số địa phương (lũy kế các dự án còn hiệu lực đến hết năm 2014) Số dự án Tổng vốn đăng ký Số tuyệt đối Tỷ trọng Số tuyệt đối Tỷ trọng % (triệu USD) % Hà Nội 3.051 17,17 23.824,7 9,4 Hải Phòng 452 2,54 11.281,2 4,5 Hà Tĩnh 59 0,33 10.653,9 4,2 Bình Dương 2.513 14,14 20.086,4 7,9 Đồng Nai 1.241 6,98 21.645,4 8,6 Vũng Tàu 303 1,7 26.810,2 10,6 TP Hồ Chí Minh 5.271 29,67 38.275,8 15,14 Hà Giang 8,0 0,04 13,3 0,005 Cao Bằng 18,0 0,1 50,2 0,019 Bắc Kạn 7,0 0,04 17,9 0,007 Cả nước 17.768 100% 252.716 100% Nguồn: Tổng cục Thống kê Thứ hai, nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách ưu đãi thuế để trốn tránh thuế. Có những doanh nghiệp đáng lẽ không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thuế nhưng móc ngoặc, cấu kết với cò chạy thuế để phù phép thành đối tượng được hưởng ưu đãi, trốn số tiền thuế lên đến hàng chục tỷ. Có những doanh nghiệp lợi dụng ưu đãi thuế để chuyển giá giữa các công ty liên kết trong cùng một tập đoàn. Lại có những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hết thời gian ưu đãi thuế thì giải thể phá sản để thành lập doanh nghiệp mới với vỏ bọc mới nhằm tiếp tục hưởng ưu đãi thuế. Ở một số tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình, Gia Lai, báo cáo của Tổng cục thuế năm 2013 đã tiết lộ 100% số doanh nghiệp FDI có sai phạm về thuế. Kết quả thanh tra hơn 2.000 doanh nghiệp FDI trên cả nước có tới 1.123 doanh nghiệp vi phạm, truy thu 988 tỷ đồng. 517
  8. Thứ ba, ưu đãi thuế khiến ngân sách nhà nước bị thất thu một khoản tiền lớn làm ảnh hưởng tới cân đối ngân sách và đầu tư công. Mỗi năm, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp FDI làm ngân sách mất khoảng 20 triệu đô la Mỹ (Actionaid, 2015). Số tiền này bằng khoảng năm lần chi ngân sách cho giáo dục và ba lần chi ngân sách cho y tế năm 2012. Như vậy, một cách gián tiếp, chính sách ưu đãi thuế khiến Việt Nam phải đi vay nợ nhiều hơn, nợ công tăng và những rủi ro tiềm ẩn do khủng hoảng nợ công cũng có xu hướng tăng theo. Thứ tư, chính sách ưu đãi thuế đôi khi mâu thuẫn với những nguyên tắc hội nhập quốc tế. Việt Nam là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của tổ chức này là phải đảm bảo sự công bằng, không phân biệt đối xử, thể hiện ở quy chế tối huệ quốc và nguyên tắc đối xử quốc gia. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải được đối xử bình đẳng như nhau, không phân biệt doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thách thức đặt ra là rất lớn khi chính sách thuế vừa phải đáp ứng những yêu cầu của hội nhập, vừa phải thực hiện vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô. 4. Một số kiến nghị Thứ nhất, nên đơn giản các hình thức ưu đãi thuế. Cần xem xét bỏ hình thức miễn giảm thuế vì đây là hình thức mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường hay tận dụng để trốn tránh thuế. Chỉ nên tập trung vào hình thức cắt giảm thuế suất, mức thuế suất ưu đãi có thể giảm xuống 5% thay thế cho hình thức miễn thuế. Mức thuế suất này áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định hay áp dụng vĩnh viễn là tùy thuộc vào mức độ ưu đãi thuế. Vẫn tiếp tục lựa chọn những ngành nghề được hưởng ưu đãi là công nghệ cao, là bảo vệ môi trường nhưng không nên ưu đãi theo điều kiện phát triển của từng địa phương như hiện nay. Ngoài ra, cũng nên xem xét cắt giảm thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế GTGT nên bỏ mức thuế suất 5% và thống nhất một mức duy nhất là 8% để đảm bảo tính trung lập của thuế và không ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách. Thứ hai, cần đánh giá, dự báo một cách cụ thể và toàn diện tác động của những thay đổi trong chính sách ưu đãi thuế, ước tính các chi phí và lợi ích của ưu đãi thuế nhằm đảm bảo chính sách ưu đãi mang lại lợi ích toàn cục. Cần thận trọng khi cấp phép cho nguồn vốn đầu tư đến từ các thiên đường thuế. Thứ ba, cần tăng cường công tác thanh tra thuế các doanh nghiệp FDI theo phương thức quản lý rủi ro để hạn chế đến mức thấp nhất các tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi nhằm trốn thuế. Cần công khai những doanh nghiệp vi phạm pháp luật 518
  9. thuế lên trang thông tin của ngành thuế. Ngoài ra, nên tập trung cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài thay vì sử dụng chính sách ưu đãi thuế. Hợp tác và học tập kinh nghiệm các nước nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh về thuế. Ưu đãi thuế nhiều chưa chắc đã dẫn đến cải thiện được thứ hạng năng lực cạnh tranh thuế do Ngân hàng thế giới bình chọn hàng năm. Kinh nghiệm của các nước như Singapore và Malaysia cho thấy cải cách thủ tục hành chính thuế, cải cách các dịch vụ hành chính công mới là điều kiện tiên quyết để tăng cường năng lực cạnh tranh thuế. Tài liệu tham khảo 1. Actionaid (2015), policy brief, “cost of tax incentives and tax avoidance by FDIs to Vietnam”. 2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 78/2014/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp 3. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 96/2015/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. 4. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư số 67/2014/QH13. 5. Quốc hội (2012), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13. 6. Quốc hội (2016), Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13. 7. Tổng cục thống kê (2014), Niên giám Thống kê tóm tắt, Nxb Thống kê. 8. Tổng cục thuế (2013), Báo cáo thanh tra kiểm tra thuế các doanh nghiệp FDI. 519