Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng chuỗi cung ứng số
Bạn đang xem tài liệu "Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng chuỗi cung ứng số", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- co_hoi_va_thach_thuc_doi_voi_cac_doanh_nghiep_viet_nam_khi_a.pdf
Nội dung text: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng chuỗi cung ứng số
- CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM KHI ÁP DỤNG CHUỖI CUNG ỨNG SỐ ThS. NCS. Trần Thị Thu Trang1 Tóm tắt: Trong những năm gần đây, thuật ngữ “chuỗi cung ứng số” đã manh nha xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng số vẫn còn nhiều điều mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt cho đến khi dịch Covid–19 bùng nổ đã cắt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại một số cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi. Điều này buộc các doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến chuỗi cung ứng số và các lợi thế của nó. Bài viết này nhằm mục đích nghiên cứu về bản chất của chuỗi cung ứng số, các đặc điểm nổi bật của chuỗi cung ứng số và một số cơ hội cũng như thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải khi áp dụng chuỗi cung ứng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Từ khóa: Chuỗi cung ứng số (DSC), doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội, thách thức. 1. KHÁI QUÁT VỀ CHUỖI CUNG ỨNG SỐ Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay trên thế giới đều tham gia và là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuỗi cung ứng truyền thống đã xuất hiện từ những năm 1980 khi mô tả về sự hợp tác của các hoạt động kinh doanh quan trọng nhằm vận chuyển hàng hóa từ người sản xuất, thu mua đầu vào đến người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng truyền thống có nhiều hạn chế do thiếu một số thiếu một số các đặc tính cơ bản để các doanh nghiệp kết nối và hoạt động có hiệu quả. Khi công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc chuyển đổi từ chuỗi cung ứng truyền thống sang chuỗi cung ứng số là một nhu cầu tất yếu. Chuỗi cung ứng số phá vỡ mọi rào cản giúp cho các hoạt động của chuỗi kết nối chặt chẽ hơn và trơn chu hơn. Chuỗi cung ứng truyền thống thường chỉ dựa vào sự kết hợp và trao đổi giữa chứng từ bằng giấy và các quy trình điện tử. Cơ cấu tổ chức thường được mô tả là phụ thuộc nhiều vào vị trí địa lý và phòng ban chức năng, gây cản trở đến việc chia sẻ thông tin và ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, chuỗi cung ứng số có khả năng truyền tải thông tin rộng hơn, có sự phối hợp và giao tiếp qua nền tảng số, từ đó tăng cường độ tin cậy, tính linh hoạt và sự hiệu quả (Raab & Griffin–Cryan, 2011). Bhargava (2013) cho rằng chuỗi cung ứng số là tập hợp của các hệ thống bao gồm phần cứng, phần mềm và mạng lưới giao tiếp, hỗ trợ các sự trao đổi giữa các tổ chức toàn cầu và sắp xếp các hoạt động của các đối tác trong chuỗi cung ứng. Các hoạt động này bao gồm mua sắm, sản xuất, vận chuyển và bán hàng (Bhargava, Ranchal, & Othmane, 2013). Theo Kinnett, chuỗi cung ứng số là một mạng lưới thông minh và hướng đến giá trị nhằm tạo ra các hình thái mới của doanh thu và giá trị kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo đòn bẩy tiếp cận với những phương pháp phân tích và công nghệ mới (Kinnett, 2015). Chuỗi cung ứng số đã tạo ra nhiều sự thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng truyền thống và ngành logistics, mở ra một con đường đổi mới sáng tạo toàn bộ. Phân tích báo cáo của A.T. Kearney định nghĩa chuỗi cung ứng số là công nghệ phù hợp nhất hỗ trợ và hòa hợp các quá trình cung ứng bao gồm hệ thống kho bãi và vận chuyển, nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID – Radio Frequency Identification), công nghệ chọn hàng nâng cao, hệ thống lập kế hoạch và sản xuất đổi mới để nhanh 1 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 363
- chóng loại bỏ các hao phí (Schmidt và cộng sự, 2015). Theo Rouse, chuỗi cung ứng số là một chuỗi cung ứng mà nền tảng được xây dựng trên năng lực website (Rouse, 2016). Nhiều chuỗi cung ứng sử dụng kết hợp chứng từ bằng giấy và quá trình được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin. Tuy nhiên, một chuỗi cung ứng số thực sự không chỉ đơn thuần là sự kết hợp này mà tận dụng toàn bộ sự kết nối, phối hợp hệ thống và năng lực sản xuất thông tin của những bộ phận thông minh. Như vậy, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tất cả các định nghĩa đó đều có một khái niệm chung. Đó là, chuỗi cung ứng số là một hệ thống công nghệ thông minh, phù hợp nhất dựa trên năng lực của việc lựa chọn thông tin trong khối dữ liệu đồ sộ, phối hợp và giao tiếp nhuẫn nhuyền giữa phần cứng, phần mềm và mạng lưới để hỗ trợ và hòa hợp các giao dịch giữa các doanh nghiệp bằng cách tạo ra dịch vụ có giá trị hơn, dễ truy cập hơn và giá cả hợp lý hơn với mục tiêu là đồng nhất, linh hoạt và hiệu quả. Nhận ra các tầm quan trọng của chuỗi cung ứng số trong việc duy trì và nâng cao lợi thế cốt lõi của doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh, các doanh nghiệp đã áp dụng chuỗi cung ứng số để giao dịch với các nhà cung ứng của mình nhằm hỗ trợ cho quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa và dịch vụ (Büyüközkan & Göçer, 2018). Trong chuỗi cung ứng số có rất nhiều công nghệ mới được áp dụng như tương tác thực tế ảo (Augmented Reality – AR), dữ liệu lớn (Big Data – BD), điện toán đám mây (Cloud Computing – CC), robot học (Robotics – R), cảm biến (Sensor Technology – ST) 2. ĐẶC ĐIỂM CỦA CHUỖI CUNG ỨNG SỐ Hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều có chuỗi cung ứng rất phát triển. Các doanh nghiệp này cạnh tranh với đối thủ trong ngành một phần nhờ vào chuỗi cung ứng của mình. Apple với chuỗi cung ứng của Ipad là một ví dụ điển hình. Việc thiết kế và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm được thực hiện ở Mỹ nơi Apple đóng trụ sở, sản xuất chất bán dẫn ở ba quốc gia khác nhau, tiến hành lắp ráp ở Trung Quốc và mua màn hình từ một số các quốc gia khác (Xu, 2014). Chuỗi cung ứng đã phát triển và chuyển hóa nhanh chóng. Ngày nay, chuỗi cung ứng yêu cầu khối lượng lớn các hoạt động phức tạp cần sự phối hợp và theo dõi sát sao. Vì vậy, số hóa đã góp phần vào sự phát triển của thế hệ chuỗi cung ứng mới, đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả. Chuỗi cung ứng số có các đặc điểm như: Tốc độ: Trong chuỗi cung ứng số, tốc độ được xác định bởi thời gian di chuyển hàng hóa từ các nhà cung cấp đến người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, các nhà cung ứng và cả khách hàng đều mong muốn nhận hàng trong thời gian càng ngắn càng tốt. Giao hàng nhanh đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng là một trong những đặc tính quan trọng nhất của chuỗi cung ứng số (G. Hanifan, 2014). Các phương pháp phân phối mới giúp giảm thời gian giao hàng của những nhà cung cấp xuống chỉ còn vài giờ. Một số các phương pháp dự báo nâng cao, như phân tích dự đoán về dữ liệu thị trường bên ngoài (xu hướng thị trường, thời tiết, chỉ số xây dựng) và nhu cầu bên trong để dự báo chính xác hơn về nhu cầu của khách hàng. Dự báo được thực hiện hàng tuần và thậm chí hàng ngày đối với các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng rất nhanh (Alicke, 2016). Sự linh hoạt: Số hóa chuỗi cung ứng nhấn mạnh sự cần thiết về tính linh hoạt của các doanh nghiệp nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường xung quanh. Tính linh hoạt đề cập đến cách thức các doanh nghiệp giải quyết vấn đề trong chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng số có khả năng cung cấp thông tin nhanh, liên tục và hiệu quả giúp dự đoán rủi ro trong kinh doanh. Kết quả là hạn chế tối thiểu sai sót trong chuỗi cung ứng (S. Schrauf, 2016). Sự kết nối toàn cầu: Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé. Các doanh nghiệp phải giải bài toán về việc giao hàng hóa và dịch vụ nhanh nhất đến các khách hàng toàn cầu. 364
- Chuỗi cung ứng số có thể giải quyết vấn đề trên thông qua việc thiết lập các trạm giao nhận toàn cầu, đảm bảo sự kết nối giữa các địa điểm khác nhau trên toàn thế giới (S. Schrauf, 2016). Tồn kho theo thực tế: Chuỗi cung ứng cung cấp các công cụ để đảm bảo hàng tồn kho vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít. Chuỗi cung ứng số dựa trên sự hỗ trợ của các thiết bị cảm biến và thiết bị công nghệ cao khiến việc quản trị kho bãi trở nên hiệu quả hơn và theo dõi lượng hàng tồn liên tục. Trong khi hành vi khách hàng thay đổi liên tục, cung cần phải đáp ứng cầu, khách hàng có thể đặt hàng bất kỳ lúc nào ở bất kỳ đâu. Vì vậy, hàng tồn kho cần phải theo dõi theo sát tình hình thực tế. Điều này không có nghĩa là lượng hàng tồn kho nên duy trì một mức cố định ở tất cả các điểm phân phối. Thực tế, xu hướng tiêu dùng và nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trong tương lai được chuỗi cung ứng số ghi nhận sớm nhằm đưa ra các quyết định. Chuỗi cung ứng số cung cấp các công cụ cần thiết này để phân tích dữ liệu (S. Schrauf, 2016). Thông minh: Các công nghệ thế hệ mới cung cấp các sản phẩm thông minh được hỗ trợ với đủ năng lực điện toán để việc ra quyết định và tự nghiên cứu có thể được thực hiện dựa trên toán học. Chuỗi cung ứng số bao gồm đặc điểm cho phép nâng cao khả năng ra quyết định, thực hiện tự động và khuyến khích cải tiến trong hoạt động (Bechtold, Lauenstein, Kern, & Bernhofer, 2014). Sự minh bạch: Trong chuỗi cung ứng, sự kết nối các hoạt động trong chuỗi được thực hiện dựa trên nhu cầu. Trong trường hợp thiếu sự minh bạch, chuỗi sẽ bị ngừng hoạt động. Chuỗi cung ứng số có thể giúp các doanh nghiệp hoạt động minh bạch và chuẩn bị tốt hơn với những sai sót bằng việc dự đoán, mô hình mạng lưới và tạo ra các trường hợp “nếu như” và điều chỉnh chuỗi khi điều kiện thay đổi (S. Schrauf, 2016). Tối ưu chi phí: Công nghệ số giúp giảm chi phí ở tất cả các hoạt động của chuỗi cung ứng. Chi phí ban đầu có thể tương đối cao khi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại nhất. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng số là giải pháp tối ưu về chi phí cho doanh nghiệp không chỉ bởi vì tối ưu hóa khả năng sử dụng công nghệ mà còn vì quy trình của chuỗi được xử lý với công nghệ số tạo ra các tối ưu chi phí cho doanh nghiệp (G. Hanifan, 2014). Tăng trưởng: Quy mô chuỗi cung ứng tăng hoặc giảm tùy theo từng điều kiện thường tạo ra khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Khi chuỗi cung ứng truyền thống được tích hợp với số hóa, tăng trưởng không còn là vấn đề lớn. Điều này giúp việc tối ưu hóa hoạt động và nhân bản quy trình trở nên đơn giản hơn, xác định và khắc phục sai sót dễ hơn (Bechtold, Lauenstein, Kern, & Bernhofer, 2014). Sáng tạo: Ưu điểm lớn của chuỗi cung ứng số là luôn dễ thích nghi với sự thay đổi. Khi thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng với công nghệ đột phá, chuỗi cung ứng luôn tìm cách để tích hợp những đổi mới này với quy trình hoạt động để duy trì cạnh tranh và đảm bảo sự trơn tru trong chuỗi. Công nghệ thay đổi rất nhanh và không thể tránh được vì đó là đặc điểm của đổi mới. Thông tin trở thành nền tảng đối với các doanh nghiệp thương mại, điều này không thay đổi trong hàng ngàn năm qua. Những người cho rằng dữ liệu lớn hiện nay chỉ là sự cải tiến so với xu hướng thông tin trong quá khứ đều hiểu nhầm giống như những người cho rằng một tấm bảng đá giống như máy tính bảng hay một bảng tính giống như siêu máy tính (Büyüközkan & Göçer, 2018). Chủ động: Chuỗi cung ứng số bao gồm các hành động chủ động để phòng ngừa sự gián đoạn tiềm ẩn. Điều này không chỉ giúp giải quyết vấn đề mà còn xác định trước các vấn đề tiềm ẩn thông qua nghiên cứu. Nó yêu cầu một khối lượng lớn kiến thức và kế hoạch để phối hợp giải quyết vấn đề. Chuỗi cung ứng số cung cấp các giải pháp chủ động để dự đoán các vấn đề trước khi chúng xảy ra, 365
- một hệ thống phân tích hiệu quả và thông minh để đáp ứng người tiêu dùng kỹ thuật số (Büyüközkan & Göçer, 2018). Thân thiện: Chuỗi cung ứng có ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Nếu chuỗi cung ứng số không chú trọng đầy đủ đến môi trường, nó có thể dẫn đến gián đoạn hoạt động kinh doanh do tác động tiêu cực từ báo chí, luật môi trường hoặc phản đối của cộng đồng. Tìm kiếm một chuỗi cung ứng truyền thống với các hoạt động thân thiện với môi trường trong từng giai đoạn là một nhiệm vụ khó khăn. Trong khi đó, chuỗi cung ứng số thế hệ mới có thể mở rộng khả năng thân thiện với môi trường (S. Schrauf, 2016). 3. CƠ HỘI ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM KHI ÁP DỤNG CHUỖI CUNG ỨNG SỐ Áp dụng chuỗi cung ứng số mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam không ít cơ hội để cải cách và phát triển. Cụ thể như: Thứ nhất, khi áp dụng số hóa chuỗi cung ứng, một số công nghệ mới đã và đang thay đổi cách làm việc truyền thống. Do đó, xu hướng tiêu dùng và kỳ vọng của khách hàng cũng sẽ thay đổi. Việc áp dụng chuỗi cung ứng số giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và phòng ngừa rủi ro tốt hơn. Trong tương lai, xu hướng trực tuyến cùng với mức độ chi tiết hóa ngày càng tăng dẫn đến kỳ vọng về dịch vụ càng tăng nhiều hơn. Bên cạnh đó, xu hướng cá nhân hóa và tùy chỉnh hóa cũng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và thay đổi liên tục trong danh mục SKU. Chuỗi cung ứng số với việc hỗ trợ trực tuyến minh bạch và khả năng dễ dàng truy cập đã tạo ra vô số lựa chọn liên quan đến việc mua sắm ở đâu và mua gì, thúc đẩy sự cạnh tranh của chuỗi cung ứng. Thứ hai, thực hiện số hóa chuỗi cung ứng giúp cho các nhà sản xuất vừa có thể đảm bảo hoạt động trong tương lai, vừa thúc đẩy năng suất, đồng thời đảm bảo an toàn cho nhân viên. Với việc giảm thiểu sai sót và rủi ro, nâng cao hiệu quả trên toàn bộ chuỗi, số hóa còn giúp doanh nghiệp và nhà sản xuất tiết kiệm chi phí trong thời gian dài. Thứ ba, việc số hóa chuỗi cung ứng không chỉ cung cấp cho doanh nghiệp một cái nhìn toàn diện hơn về những gì đang xảy ra trong chuỗi cung ứng, mà còn giúp các doanh nghiệp dự đoán chính xác hơn những thách thức và các giai đoạn thay đổi, cũng như góp phần vượt qua những cú sốc trong tương lai. Thứ tư, do tình hình dịch Covid–19 diễn biến phức tạp tại châu Âu, Hoa Kỳ khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước đã bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi số hóa chuỗi cung ứng. Điều này được kỳ vọng là một cú huých, để mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam chuyển mình theo xu hướng mới. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI (Hoàng, 2020). Thứ năm, chuỗi cung ứng số hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển các bộ kỹ năng, quy trình và công cụ ở đúng vị trí để thúc đẩy hiệu quả và hiệu lực của chuỗi cung ứng. Do đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa hệ thống và quy trình tốt hơn, xây dựng tính linh hoạt trong mô hình tổ chức. Đồng thời, các công nghệ như điện toán đám mây, điện toán xã hội, điện toán di động, Dữ liệu lớn và Internet of Things, sẽ được ngày càng nhiều công ty áp dụng để quản lý chuỗi cung ứng. Một trong những hiện tượng thú vị là sự phát triển của đám mây có thể giúp ích đáng kể cho những người mua nhỏ và nhà cung cấp nhỏ, những người bị lãng quên phần lớn trong nguồn cung ứng toàn cầu vì những lý do như thiếu nguồn lực và/hoặc thiếu chuyên môn để thuê ngoài trên toàn cầu (Alicke, 2016). 366
- 4. THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM KHI ÁP DỤNG CHUỖI CUNG ỨNG SỐ Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Cụ thể: Thứ nhất, một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là nhận thức của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Khi xây dựng chiến lược, nhiều doanh nghiệp vẫn đề cao tính hiệu quả, ưu tiên cân nhắc về các khoản chi phí và lợi nhuận để lập kế hoạch kinh doanh. Chính vì vậy, mục tiêu của các doanh nghiệp là chú trọng vào sản xuất tinh gọn và phân phối đúng lúc nhằm cắt giảm chi phí và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, khả năng phục hồi cũng là yếu tố mà các doanh nghiệp cần quan tâm để phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng lại dành được ít sự phân bổ về thời gian và nguồn lực. Do đó, số hóa chuỗi cung ứng là một trong những công cụ giúp nâng cao khả năng phục hồi của doanh nghiệp, không có nhiều cơ hội để như kỳ vọng. Thứ hai, do nguồn vốn hạn chế nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhận thấy rằng đầu tư vào lao động rẻ hơn so với đầu tư vào công nghệ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng thuê thêm nhân viên thay vì chuyển đổi số. Điều này cùng với việc thiếu chuyên môn trong việc tận dụng hiệu quả công nghệ, đã làm chậm lại quá trình số hóa chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Thứ ba, đa số các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia ở các công đoạn giản đơn như gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và tính bền vững không cao. Tính đến ngày 31/12/2019 chỉ có 15% doanh nghiệp trong nước bán hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI; 8,4% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp và 7,4% tham gia xuất khẩu gián tiếp thông qua các công ty trung gian trên tổng số hơn 750 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động (Tô, 2020). Sự liên kết của các doanh nghiệp trong chuỗi rất yếu và rời rạc, không đủ lớn để tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động chuyển dịch cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đáp ứng được các điều kiện khắt khe để có tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu truyền thống như điều kiện lao động, môi trường sản xuất và trách nhiệm xã hội chứ chưa nói đến các điều kiện về công nghệ và vốn đầu tư của chuỗi cung ứng số. Thứ tư, một số doanh nghiệp đã vội vàng và đầu tư không hiệu quả trong tất cả các khâu của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số. Khi còn hạn chế về nhân sự, nguồn vốn và khả năng quản lý thì doanh nghiệp cần dành thêm thời gian để đánh giá xem mình cần gì nhất và đang gặp phải vấn đề nào đáng quan ngại nhất để đưa ra cách xử lý mang tính ổn định và lâu dài. Hiện nay, một số các doanh nghiệp Việt Nam chạy theo xu hướng mà không hiểu bản chất của việc số hóa chuỗi cung ứng. Thứ năm, chuỗi cung ứng số còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện do đa số các công ty vẫn chia sẻ thông tin thông qua fax và điện thoại thay vì hệ thống dữ liệu trực tuyến. Điều này cho thấy vẫn có lỗ hổng lớn giữa những gì doanh nghiệp mong muốn đối với chuỗi cung ứng số và sự sẵn sàng tham gia của họ. Ngoài sự cường điệu rõ ràng xung quanh chuỗi cung ứng số, nó chủ yếu được tranh luận chỉ từ con mắt của khách hàng. Thứ sáu, để xây dựng chuỗi cung ứng số là việc tập hợp tất cả các dữ liệu cần thiết từ nhiều nguồn khác nhau và đảm bảo độ chính xác của thông tin cũng như phát triển hệ thống phần mềm và nền tảng số để có thể sử dụng dữ liệu vào mục đích quản lý và thực hiện chuỗi cung ứng (Xu, 2014). Do độ dài của chuỗi bao gồm các đối tác nội bộ và bên ngoài, nó sẽ bị chậm và dễ bị mắc lỗi. Tuy nhiên, khối lượng hàng tồn kho lớn có thể không đáp ứng được nhu cầu, hạ tầng logistics có thể bị thiếu và chất lượng hàng hóa khó kiểm soát. 367
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Alicke, K. (2016, October 27). Supply Chain 4.0 – the next–generation digital supply chain. Retrieved from McKinsey Company: –functions/operations/our– insights/supply–chain–40––the–next–generation–digital–supply–chain 2. Bechtold, J., Lauenstein, C., Kern, A., & Bernhofer, L. (2014). Industry 4.0–the Capgemini consulting view. Capgemnini Consulting, 31–33. 3. Bhargava, B., Ranchal, R., & Othmane, L. B. (2013). Secure information sharing in digital supply chains. 2013 3rd IEEE International Advance Computing Conference (IACC). Ghaziabad, India: Institute of Electrical and Electronics Engineers. 4. Büyüközkan, G., & Göçer, F. (2018). Digital Supply Chain: Literature review and a proposed framework. Computers in Industry, 157–177. 5. EarnsandYoung. (2016). Digital Supply Chain: It's all about that data. 6. G. Hanifan, A. S. (2014). The Digital Supply Network: A new paradigm for supply chain management. 7. Hoàng, T. (2020, 11 16). Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt? Retrieved from Thời báo Ngân hàng: –cung–ung–toan–cau–dut– gay–co–hoi–nao–cho–doanh–nghiep–viet–108752.html 8. Kinnett, J. (2015, October). Creating a Digital Supply Chain: Monsanto's Journey. Retrieved from Slideshare: –a–digital–supply–chain–monsantos–journey 9. Nabben, D. (2016, September 04). 12 Trends that are shaping the future of logistics. Retrieved from Digital Supply Chain: –Trends–that–are– shaping–the–future–of–logistics 10. Raab, M., & Griffin–Cryan, B. (2011). Digital Transformation of Supply Chains. Creating Value– When Digital Meets Physical, Capgemini Consulting. 11. Rouse, M. (2016, March 30). Digital Supply Chain. Retrieved from Search Manufacturing ERP.com: –chain?vgnextfmt=print 12. S. Schrauf, P. B. (2016, September 07). Industry 4.0: How Digitization Makes the Supply Chain More Efficient, Agile, and Customer–focused, Strategy. Retrieved from Strategy&: –more–efficient.html 13. Schmidt, B., Rutkowsky, S., Petersen, I., Klötzke, F., Wallenburg, C. M., & Einmahl, L. (2015). Digital supply chains: increasingly critical for competitive edge. European AT Kearney, WHU Logistics Study. 14. Tepper, N. (2016, April 12). Companies want digital supply chains, but many are slow to act. Retrieved from b2becommerceworld.com: –want–digital–supply–chains–many– are–slow–act 15. Tô, H. (2020, 10 26). Doanh nghiệp nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Retrieved from Nhân dân: –lam–an/doanh–nghiep–nho–tham–gia–chuoi–cung–ung–toan– cau–621892/ 16. Xu, J. (2014). Managing Digital Enterprise. Gold Coast, Australia: Atlantis Press. 368