Cú sốc vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 và “căn bệnh hà lan” đối với nền kinh tế Việt Nam

pdf 8 trang Gia Huy 18/05/2022 2410
Bạn đang xem tài liệu "Cú sốc vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 và “căn bệnh hà lan” đối với nền kinh tế Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfcu_soc_von_dau_tu_nuoc_ngoai_giai_doan_2006_2010_va_can_benh.pdf

Nội dung text: Cú sốc vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 và “căn bệnh hà lan” đối với nền kinh tế Việt Nam

  1. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" CÚ SỐC VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2006-2010 VÀ “CĂN BỆNH HÀ LAN” ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM TS. Nguyễn Thị Thủy và TS. Nguyễn Trung Kiên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá là nguồn lực quan trọng đối với việc phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Tuy vậy vốn đầu tư nước ngoài vẫn có thể mang lại tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Bài viết này phân tích tác động của cú sốc vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 đối với nền kinh tế Việt Nam. Kết quả phân tích cho thấy lượng ngoại tệ vào Việt Nam gia tăng đột biến đã gây ra “Căn bệnh Hà Lan” đối với nền kinh tế Việt Nam: tăng tỷ giá thực, thay đổi cơ cấu kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu. Nghiên cứu đồng thời đề xuất các hàm ý cho việc quản lý điều hành của Chính phủ. 1. Giới thiệu Trong năm 2007 và đầu năm 2008, lượng ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam có sự gia tăng đột biến. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng từ khoảng 4 tỷ lên 8 tỷ trong năm 2007 và lên 11,5 tỷ năm 2008. Sau đó, lượng vốn FDI thực hiện khoảng trên 10 tỷ/năm. Vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (FII) ước tính trong năm 2007 là 5,7 tỷ USD (theo báo cáo của ngân hàng ANZ) trong khi tổng vốn đầu tư gián tiếp cả giai đoạn 2001 đến 2006 là 12 tỷ. Sự gia tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài thường được nhìn nhận có tác động tích cực cho nền kinh tế, chẳng hạn nguồn vốn bổ sung, nguồn chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng tìm thấy các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của một quốc gia khi có lượng ngoại tệ gia tăng đột ngột, được gọi tên là “Căn bệnh Hà Lan”. Vậy lượng ngoại tệ vào Việt Nam gia tăng đột biến có gây ra “Căn bệnh Hà Lan” đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này? Dựa vào trải nghiệm của Hà Lan vào những năm 1960, các học thuyết về Căn bệnh Hà Lan “Dutch disease” được xây dựng vào đầu những năm 1980 (Corden and Neary, 1982). Căn bệnh Hà Lan đề cập đến tác động của việc phát hiện nguồn tài nguyên hoặc giá tài nguyên thiên nhiên gia tăng đột biến dẫn đến tăng tỷ giá thực, phân bổ lại hoạt động sản xuất, giảm công nghiệp hóa (“de-industrialization”) nền kinh tế và giảm xuất khẩu. Quá trình tác động này cũng xảy ra tương tự khi có sự gia tăng đột biến đầu tư nước ngoài, trợ cấp hoặc chuyển tiền. Việc phát hiện nguồn tài nguyên/tăng giá tài nguyên hay dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đột ngột đều có điểm chung là tạo ra cú sốc về dòng ngoại tệ vào một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Tác động đầu tiên trong Căn bệnh Hà Lan là tăng cung ngoại tệ dẫn đến đồng nội tệ tăng giá trị thực. Dòng tiền gia tăng đồng thời dẫn đến nhu cầu các sản phẩm thương mại và sản phẩm phi thương mại (bao gồm cả dịch vụ) gia tăng. Nếu là nền kinh tế có qui mô nhỏ (ví dụ như Việt Nam) giá cả của sản phẩm thương mại được quyết định bởi thị trường thế giới trong khi các sản phẩm phi thương mại được quyết định bởi thị trường trong nước. Kết quả là giá cả hàng hóa phi thương mại tăng lên tương đối so với hàng hóa thương mại. Vì vậy có sự gia tăng mạnh hoạt động đầu tư ở lĩnh vực sản xuất sản phẩm phi thương mại. Đầu tư gia tăng khiến cho chi phí đầu vào cũng gia tăng (như nhân công). Do giá cả cả sản phẩm thương mại được quyết định bởi thị trường thế giới nên lợi nhuận trong lĩnh vực sản phẩm thương mại giảm sút và vì vậy hoạt động đầu tư để sản xuất các sản phẩm thương mại giảm. Cùng với đồng nội tệ tăng giá, hoạt động xuất khẩu sẽ giảm xuống. Do vậy, Căn bệnh Hà Lan tác động đến việc “phân bổ lại hoạt động sản xuất”, kìm hãm quá trình công nghiệp hóa “ giảm công nghiệp hóa” và giảm xuất khẩu. 415
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Vậy những hiện tượng này có xảy ra với nền kinh tế Việt Nam và đã xảy ra như thế nào cần được phân tích và đánh giá nhằm đưa ra các hàm ý chính sách. Trước tiên, bài viết trình bày sự gia tăng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ năm 2006, đặc biệt là sự gia tăng đột ngột trong hai năm 2007 và 2008. Dựa vào đó, bài viết sẽ phân tích tác động của luồng vốn đầu tư nước ngoài đến thay đổi của tỷ giá thực, đến sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế, và đến hoạt động xuất khẩu ròng. Kết thúc bài viết là phần kết luận và hàm ý chính sách cho việc điều hành của Chính phủ. 2. Tình hình vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2007-2008 Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Lượng vốn đăng ký và giải ngân FDI năm 2007 và 2008 tăng vọt so với năm 2006. Lượng vốn FDI đăng ký năm 2007 và 2008 tương ứng là 21 tỷ USD và 72 tỷ USD, tăng 78% và 500% so với 2006. Vốn giải ngân cũng gia tăng 96% và 181% tương ứng 8 tỷ và 11,5 tỷ USD so với năm 2006. Trong khi đó, trước năm 2005, lượng vốn FDI giải ngân trung bình gần 2 tỷ mỗi năm. Cụ thể dòng vốn FDI đến năm 2011 được chia thành 4 giai đoạn (Đặng Đức Thành, 2012). Giai đoạn trước năm 1990s, lượng vốn FDI không đáng kể. Giai đoạn tiếp theo là từ năm 1991 đến 1997 là những năm diễn ra làn sóng FDI thứ nhất, lượng vốn đăng ký là hơn 33 tỷ USD và vốn thực hiện là hơn 12 tỷ USD. Giai đoạn 1998-2004 có sự suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực. Sau đó là giai đoạn tăng trưởng trở lại, mà đỉnh cao là những năm 2007-2008. Dòng vốn đầu tư gián tiếp có quy mô nhỏ hơn nhưng biến động tương đối mạnh hơn. Vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam bắt đầu những năm 1990 dưới hình thức là các quỹ mạo hiểm với số vốn khoảng 400 triệu USD. Do số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa còn ít và tác động của quá trình khủng hoảng khu vực giai đoạn 1997-2002, lượng vốn bị rút dần ra khỏi Việt Nam. Từ 2003 đến nay, dòng vốn FII vào Việt Nam hồi phục và tăng dần qua các năm và tăng đột biến vào năm 2006- 2007. Trong 6 năm tử 2001 đến 2006, vốn FII đạt khoảng 12 tỷ USD và năm 2007 đạt khoảng 5,7 tỷ USD. Từ năm 2008, luồng vốn FII có dấu hiệu chững lại và một phần được rút ra. Trong năm 2010, nguồn vốn FII vào Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, năm 2011 đạt mức 1 tỷ USD. Bảng 1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giai đoạn 2006-2011 Năm Vốn đăng ký Vốn thực hiện Giá trị Tỷ lệ tăng Giá trị Tỷ lệ tăng (tr. USD) so với 2006 (%) (tr. USD) so với 2006 (%) 2006 12.044 - 4.100 - 2007 21.348 77,8 8.030 95,9 2008 71.726 497.5 11.500 180,5 2009 23.107 92,5 10.000 143,9 2010 19.764 64,6 11.000 168,3 2011 14.696 22,4 11.000 168,3 Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Như vậy trong những năm cuối của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, dòng ngoại tệ tương đối lớn đổ vào Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn FDI. Luồng vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cả FDI và FII chiếm tỷ trọng là 25% GDP của Việt Nam năm 2007 (Pincus, 2009). 416
  3. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" 3. Cú sốc dòng vốn đầu tư nước ngoài và Căn bệnh Hà Lan 3.1. Tăng tỷ giá thực Tình hình tỷ giá thực của Việt Nam giai đoạn 1995-2010 Chính phủ Việt Nam trong những năm qua tập trung vào việc ổn định tỷ giá danh nghĩa USD/VND (USD là đồng tiền giao dịch quốc tế chủ yếu ở Việt Nam) bằng cách cố định có điều chỉnh tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên tỷ giá thực (real exchange rate) mới là chỉ tiêu đo lường sức cạnh tranh của quốc gia so với các nước khác đồng thời là một chỉ số hữu ích để hiểu rõ dòng dịch chuyển thương mại và thu nhập của một quốc gia. Bởi vì tỷ giá thực đo lường chi phí hàng hóa nước ngoài so với chi phí của hàng hóa trong nước trong khi tỷ giá danh nghĩa (nominal exchange rate) không tính đến mức chênh lệch lạm phát của các quốc gia. Với cơ chế neo VND vào USD có điều chỉnh, tỷ giá danh nghĩa USD/VND tương đối ổn định và giảm dần trong giai đoạn 1995-2012. Tỷ giá các đồng tiền khác với VND được xác định dựa trên tỷ giá tính chéo từ đồng USD và các ngoại tệ khác và vì vậy biến động tương đối mạnh theo thị trường thế giới. Tuy nhiên do USD là đồng tiền giao dịch thương mại chủ yếu ở Việt Nam nên tỷ giá USD/VND ổn định đã góp phần giảm thiểu tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế, giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm được rủi ro ngoại hối trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp này đều sử dụng USD làm đồng tiền thanh toán và doanh nghiệp chưa quen sử dụng các công cụ trên thị trường ngoại hối để giảm rủi ro. Căn cứ vào các nghiên cứu trước (Athukorala & Warr 2002; Warr 1986), tỷ giá thực thường được tính bằng công thức như sau: Trong đó, RER là tỷ giá thực (real exchange rate). NER là chỉ số tổng hợp tỷ giá danh nghĩa được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền, trong đó quyền số chính là tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đến 20 đối tác thương mại chính trong thời kỳ khảo sát. Tỷ giá danh nghĩa giữa VND với đồng tiền của các đối tác thương mại được xác định dựa vào World Bank Indicator. Dữ liệu xuất khẩu được xác định dựa vào Cơ sở dữ liệu thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (COMTRADE). PW là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm của các đối tác thương mại chính, được khai thác từ cơ sở dữ liệu C.E.I.C Asian, 2012. PD là chỉ số giá tiêu dùng hàng năm của Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố. Biểu đồ 1. Tỷ giá thực (RER), Tỷ giá danh nghĩa (NER) và tỷ giá danh nghĩa VND/USD của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2010 (1995=100) Chú thích: Xu thế tăng (giảm) các chỉ số trên đồ thị biểu thị sự tăng giá (giảm giá) của VND. Nguồn: Tính toán của các tác giả dựa vào các cơ sở dữ liệu được mô tả trong bài viết. Số liệu có thể được các tác giả cung cấp khi có yêu cầu. 417
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Trong khi đó, sự biến động của tỷ giá thực trong giai đoạn này có thể được phân thành hai giai đoạn. Trước năm 2007, tỷ giá thực (mốc năm 1995) giảm dần trong giai đoạn 1995-2004 và có xu hướng tăng trở lại nhưng vẫn nhỏ hơn 1. Tuy nhiên từ năm 2007, tỷ giá thực tăng mạnh vượt lên đến 1.17 vào cuối năm 2008. Như vậy tỷ giá thực RER và tỷ giá danh nghĩa NER có cùng xu hướng biến động cho đến 2004 và bắt đầu khác nhau trong giai đoạn 2006-2010. Trong giai đoạn trước năm 2004, chính phủ đã điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa dựa trên mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và các nước khác, nhất là với Mỹ. Tuy nhiên, sau năm 2004, chênh lệch giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa bắt đầu cách xa dần. Về mặt danh nghĩa, VND giảm giá liên tục nhưng về giá trị thực, VND tăng khoảng 15-25% trong những năm 2006-2010. Tác động của vốn đầu tư nước ngoài đến tỷ giá thực Tỷ giá thực trong giai đoạn 2006-2010 gia tăng có thể có nguyên nhân chủ yếu là do dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả FDI và FII) gia tăng như đã phân tích ở trên. Trong cơ chế tỷ giá cố định, dòng ngoại tệ gia tăng sẽ làm tăng tỷ giá thực. Tuy nhiên với cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái cố định có điều chỉnh, tỷ giá thực thay đổi như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn phụ thuộc vào mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa và khả năng của chính phủ duy trì tỷ giá danh nghĩa mục tiêu. Trong giai đoạn này, chính phủ Việt Nam điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa giảm dần và điều tiết thị trường ngoại tệ bằng các công cụ hành chính và tăng/giảm dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, mặc dù tỷ giá danh nghĩa giảm xuống nhưng mức giảm thấp hơn so với mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và các quốc gia khác, và vì vậy tỷ giá thực có xu hướng ngày càng tăng. Trong bối cảnh cán cân vãng lai liên tục thâm hụt, cán cân vốn luôn thặng dư trong giai đoạn 2006-2010 là điều kiện tiên quyết để chính phủ có thể duy trì tỷ giá danh nghĩa tương đối ổn định, dẫn đến tỷ giá thực ngày càng tăng. Tuy nhiên có thể thấy rằng, lo sợ về tốc độ lạm phát cao trong giai đoạn 2008-2010, cùng với sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, dòng ngoại tệ ròng từ nước ngoài sau năm 2008 giảm xuống và có dấu hiệu chững lại, tác động của nó đến tỷ giá thực giảm đi mức độ nghiêm trọng của nó. Biểu đồ 2. Tài khoản vốn (ròng) và điều chỉnh sai sót theo quý (tr.USD) FDI ròng FII Khác Điều chỉnh sai sót Nguồn: Pham và Riedel (2012) 418
  5. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" 3.2. Dịch chuyển cơ cấu kinh tế Trong khi tác động đến cơ cấu nền kinh tế được mô tả trong căn bệnh Hà Lan là do hiệu ứng “tăng của cải/ sự thịnh vượng”, nghĩa là do cư dân giàu có hơn đồng nghĩa với tiêu dùng nhiều hơn và dẫn đến nền kinh tế dịch chuyển sang hướng tăng tỷ trọng sản xuất lĩnh vực sản phẩm phi thương mại như đã phân tích ở trên. Ở Việt Nam, cách thức tác động của vốn đầu tư nước ngoài đến cơ cấu nền kinh tế có sự đa dạng hơn. Luồng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2006-2010 phân bổ vào lĩnh vực sản phẩm phi thương mại nhiều hơn là lĩnh vực sản phẩm thương mại. Bảng 2. Tỷ trọng nguồn vốn đăng ký FDI theo ngành (%) Ngành (%) 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 Chế biến, chế tạo 73.8 73.7 70.4 68.9 51.0 45.2 17.1 Khách sạn và bất động 18.4 13.1 10.1 24.6 42.5 39.9 76.2 sản Các ngành khác 7.9 13.2 19.4 6.5 6.5 14.9 6.7 Tất cả các ngành (%) 100.0 100.0 100.0 100.0 100.0 100.0 100.0 (Tr. USD) 1,899.7 4,222.2 6,839.8 12,003.8 21,347.8 64,011.0 23,107.3 Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư. Có thể thấy rằng luồng vốn FDI trước năm 2005 tập trung vào lĩnh vực sản xuất những sản phẩm thâm dụng lao động cao cho xuất khẩu như may mặc, đồ gỗ, da giày Khoảng 70% FDI tập trung và các ngành chế biến, chế tạo-sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Ngược lại, trong giai đoạn năm 2006-2009, chỉ còn khoảng 40% vốn FDI tập trung vào các ngành sản xuất, với tỷ trọng vốn FDI giảm mạnh từ 70% năm 2005 còn 17% năm 2009. Ngoài ra, dòng vốn FII vào thị trường chứng khoán tăng mạnh cùng với sự lạc quan quá mức của người dân do trong đó một trong các nguyên nhân quan trọng là sự gia tăng đột biến của vốn đầu tư nước ngoài đã tạo nên bong bóng trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2006-2008. Gia tăng tích lũy tài sản từ bong bóng của thị trường chứng khoán của một bộ phận nhỏ dân số sau đó lại góp phần tạo ra bong bóng trên thị trường bất động sản giai đoạn 2008-2010. Một bộ phận dân số có những khoản tiền lớn bất ngờ gia tăng giá chứng khoán, bất động sản, từ giải tỏa đền bù dất đai đã tăng chi tiêu và tạo hiệu ứng tiêu dùng giống như hiện tượng được mô tả trong căn bệnh Hà Lan. Tất cả những quá trình này tạo ra sự dịch chuyển mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Việt Nam. Bảng 3. Tỷ trọng bình quân vốn đầu tư dài hạn và cố định ở Việt Nam, 2000-2009 (%) Ngành 2000-05 2006-09 Nông nghiệp 4.0 1.9 Khai khoáng 7.1 5.2 Sản xuất 32.2 24.0 Xây dựng và dịch vụ công cộng 16.3 14.4 Tài chính và bất động sản 19.1 34.6 Dịch vụ khác 21.2 19.9 Toàn bộ nền kinh tế 100 100.0 Nguồn: Tổng hợp từ Điều tra doanh nghiệp của Tổng cục thống kê 2000-2009. Bảng 3 chỉ rõ sự sụt giảm tỷ trọng đầu tư vào ngành sản xuất sản phẩm có hàm lượng lao động cao. Hầu hết các công ty đều mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bất động sản, xây dựng và khách sạn. Như vậy đã có sự dịch chuyển vốn đầu tư từ những ngành sản 419
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG xuất thâm dụng lao động, phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, và thủy sản sang các ngành phi thương mại, như dịch vụ, bất động sản. 3.3. Ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Một trong những hiện tượng trong Căn bệnh Hà Lan chính ra giảm xuất khẩu do tỷ giá thực gia tăng và có chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành phi thương mại. Lợi nhuận ngành sản xuất sản phẩm phi thương mại trở nên hấp dẫn trong khi lợi nhuận của ngành sản xuất sản phẩm thương mại giảm sút do tỷ giá thực tăng và chi phí đầu vào cũng gia tăng. Cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt trong hơn 15 năm qua (trừ năm 2012). Sự gia tăng đột ngột của dòng vốn FDI gắn liền với sự thâm hụt ngày càng lớn của cán cân thương mại. Xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu) của Việt Nam giai đoạn 2002-2006 biến động từ khoảng 3 đến 5 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu ròng biến động từ 10 tỷ đến 18 tỷ USD trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2007-201. Bảng 4. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2000-2012 (triệu usd) Năm Tổng kim ngạch XNK Xuất khẩu Nhập Khẩu Xuất khẩu ròng 2000 30,119 14,483 15,637 -1,154 2001 31,247 15,029 16,218 -1,189 2002 36,452 16,706 19,746 -3,040 2003 45,405 20,149 25,256 -5,106 2004 58,454 26,485 31,969 -5,484 2005 69,208 32,447 36,761 -4,314 2006 84,717 39,826 44,891 -5,065 2007 111,326 48,561 62,765 -14,203 2008 143,399 62,685 80,714 -18,029 2009 127,045 57,096 69,949 -12,853 2010 157,075 72,237 84,839 -12,602 2011 203,656 96,906 106,750 -9,844 2012 228,310 114,529 113,780 749 Nguồn: Niêm giám thống kê Điểm nổi bật của hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam giai đoạn 2000-2012 là kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới. Mức độ thâm hụt cán cân thương mại cao hơn trong giai đoạn 2007-2011 là do tốc độ tăng nhập khẩu mạnh hơn tốc độ tăng xuất khẩu. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã gia tăng mạnh việc nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu khi tiến hành triển khai các dự án đầu tư trong giai đoạn này. Ngoài ra, sự giàu có nhanh chóng của một bộ phận dân số cũng khiến cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng xa xỉ tăng mạnh. Như vậy, có thể nói gia tăng vốn đầu tư nước ngoài mặc dù làm tăng thâm hụt cán cân thương mại, giảm tỷ trọng đầu tư vào sản phẩm thương mại, nhưng không giảm giá trị tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chính là điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI cao hơn các doanh nghiệp trong nước dẫn đến tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI từ 24,4% năm 2001 và 34,5% năm 2005 lên 63% năm 2012. Chính sự đóng góp mạnh mẽ của khu vực FDI vào hoạt động xuất khẩu khiến cho kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng tốt trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công, lắp ráp, chỉ sử dụng nguồn lao động giá rẻ ở Việt Nam, nên đóng góp của khối các doanh nghiệp FDI vào GDP thấp. Các dự án 420
  7. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" FDI lớn hầu hết lại theo hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài khiến cơ hội học hỏi công nghệ, trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam cũng hầu như khó thực hiện (ý kiến của Trần Văn Thọ, 2014; Bùi Trinh, 2014). Ngoài ra, vì phần lớn hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hiện đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp gia công và lắp ráp FDI chứ không phải dựa vào nội lực, hoạt động xuất khẩu có thể phát triển thiếu bền vững trong dài hạn. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác để tìm kiếm nguồn nhân lực giá rẻ khi nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn khiến cho chi phí lao động gia tăng. Hiện tượng dịch chuyển này đã và đang xảy ra với Trung Quốc, Malaysia, và các nước đang phát triển khác. Trong khi đó, tác động tiêu cực trực tiếp cần được nhìn nhận đó chính là giảm sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam, yếu thế hơn về công nghệ, kinh nghiệm và năng lực kinh doanh quốc tế đã thua công ty nước ngoài ngay cả trong một số lĩnh vực xuất khẩu truyền thống như thủy sản, nông sản, và sản phẩm gỗ. Ngoài ra, tỷ giá thực tăng làm xói mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Do vậy các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư từ những năm trước, nên trong ngắn hạn không thể điều chỉnh sản lượng sản xuất nhanh chóng. Việc điều chỉnh sản lượng sản xuất thường chỉ xảy ra sau khoảng thời gian dài hơn khi các doanh nghiệp giảm lợi nhuận hoặc rơi vào khó khăn. Có thể thấy rằng, tuy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhưng lợi nhuận của một số ngành xuất khẩu như da giày, thủy sản có xu hướng giảm sút trong thời gian qua. Như vậy, có thể thấy rằng tuy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua vẫn tăng trưởng cao, việc gia tăng đột ngột vốn đầu tư nước ngoài đã tác động tiêu cực hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam, đặc biệt là giảm sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và tăng trưởng hoạt động xuất khẩu có thể thiếu bền vững vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp gia công và lắp ráp nước ngoài. 4. Kết luận và hàm ý chính sách Luồng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là luồng vốn FDI thường được nhìn nhận đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vào thời điểm chỉ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, luồng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đột ngột, cộng với sự lạc quan quá mức của các nhà đầu tư trong nước, đã gây nên “căn bệnh Hà Lan” đối với nền kinh tế Việt Nam. Căn bệnh Hà Lan ở Việt Nam làm gia tăng tỷ giá thực, thay đổi cơ cấu kinh tế như gia tăng tỷ trọng các lĩnh vực sản phẩm phi thương mại, góp phần tạo ra bóng bóng chứng khoán, bong bóng bất động sản làm méo mó nền kinh tế, làm giảm sức cạnh tranh và lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trong một số lĩnh vực, khuyến khích các doanh nghiệp FDI sản xuất các sản phẩm hàm lượng nhập khẩu cao thay vì tìm kiếm từ các ngành hỗ trợ trong nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngay sau đó đã góp phần giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như sự hưng phấn của nhà đầu tư trong nước và vì vậy làm giảm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, khác với hiện tượng khai thác và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, một phần dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đầu tư vào hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu nên nó lại có tác động tích cực là góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những năm qua. Nhưng nhìn chung, những tác động tiêu cực lớn hơn những tác động tích cực đem lại. Từ việc phân tích tác động của sự gia tăng đột ngột dòng vốn đầu tư nước ngoài đến nền kinh tế trong trong thời kỳ 2006-2010, nghiên cứu này đề xuất các hàm ý chính sách cho hoạt động điều hành của Chính phủ như sau: Thứ nhất, cần có chính sách quản lý luồng vốn đầu tư nước ngoài. Quản lý ở đây không có nghĩa là ngăn chặn hay gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài mà cần lộ trình để không tạo các cú sốc về dòng ngoại tệ. Quan trọng hơn có chính sách khuyến khích vốn FDI vào những ngành nghề sản xuất, đặc biệt là sản xuất những mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế. 421
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Thứ hai, chính phủ cần có đối sách thích hợp trong trường hợp có cú sốc dòng ngoại tệ. Trong giai đoạn qua, chính phủ đã đối phó với sự biến động dòng ngoại tệ băng cách mua/bán ngoại tệ để tăng/giảm dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên khi lượng ngoại tệ gia tăng đột biến, chính phủ đã dùng VND mua ngoại tệ mà không dùng biện pháp trung hòa khiến lượng cung VND tăng lên làm lạm phát gia tăng và bong bóng bất động sản hay chứng khoán càng thêm trầm trọng. Thứ ba cần giảm dần tỷ giá danh nghĩa để giảm tỷ giá thực. Hiện nay chính phủ đã tăng tần suất và biên độ điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa theo hướng linh hoạt hơn nhưng tỷ giá thực vẫn còn tương đối cao. Mặc dù có nhiều quan ngại rằng nếu giảm giá VND danh nghĩa có thể gây ra các tác động tiêu cực như hiện tượng đô la hóa nền kinh tế, tăng giá nhập khẩu khiến cho chi phí của các hàng hóa xuất khẩu có hàm lượng nhập khẩu cao tăng tương ứng, hoặc giảm tỷ giá danh nghĩa lại kéo lạm phát gia tăng, tuy nhiên dần nới lỏng cơ chế quản lý tỷ giá và điều chỉnh theo hướng giảm tỷ giá là thực sự cần thiết để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phát triển. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Athukorala, Pc & Warr, PG (2002), 'Vulnerability to a currency crisis: lessons from the Asian experience', The World Economy, vol. 25, no. 1, pp. 33-57. [2] Corden W.M. and Neary J.P. (1982), "Booming Sector and De-industrialisation in a Small Open Economy," The Economic Journal, 92, 825-848. [3] Pham T. T. T. and Riedel J., (2012), On the conduct of monetary policy in Vietnam, Asian Pacific economic literature, 26, 34-45. [4] Pincus J., (2009), Vietnam Sustaining growth in difficult time, Asean Economic Bulletin, 26, 11-24. [5] “Việt Nam biệt đãi FDI: Giảm của cải quốc gia” posted on baodatviet website on 7/08/2014, downloadable at “ ” [6] “Trần Văn Thọ: Chiến lược FDI có giúp Việt Nam cất cánh?” posted on baodatviet website on 02/08/2014 downloadable at “ luoc-fdi-co-giup-viet-nam-cat-canh-3051867/” [7] Nói thẳng: Đừng để FDI làm thui chột đầu tư trong nước posted on baodatviet website on 27/06/2014 downloadable at “ fdi-lam-thui-chot-dau-tu-trong-nuoc-3044219/” [8] Đăng Đức Thành, (2013), Huy động vốn đầu tư nước ngoài: Thực trạng và một số kiến nghị. Posted on centralinvest website on 17/01/2013, downloadable at “ ” [9] Warr, PG (1986), 'Indonesia's other Dutch disease: economic effects of the petroleum boom', in JP Neary & S Van Wijnbergen (eds), Natural resources and the macroeconomy, Basil Blackwell, Oxford, pp. 288-320. 422