Đánh giá lợi thế so sánh ngành da giày Việt Nam trong khu vực ASEAN thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị

pdf 8 trang Gia Huy 18/05/2022 3150
Bạn đang xem tài liệu "Đánh giá lợi thế so sánh ngành da giày Việt Nam trong khu vực ASEAN thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdanh_gia_loi_the_so_sanh_nganh_da_giay_viet_nam_trong_khu_vu.pdf

Nội dung text: Đánh giá lợi thế so sánh ngành da giày Việt Nam trong khu vực ASEAN thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng ĐÁNH GIÁ LỢI THẾ SO SÁNH NGÀNH DA GIÀY VIỆT NAM TRONG KHU VỰC ASEAN THÔNG QUA CHỈ SỐ LỢI THẾ SO SÁNH HIỂN THỊ TS. Lê Tuấn Lộc, ThS. Nguyễn Văn Nên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM loclt@uel.edu.vn, nennv@uel.edu.vn TÓM TẮT Nghiên cứu thực hiện phân tích lợi thế so sánh ngành da giày của Việt Nam và các nước trong khu vực Asean thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị. Kết quả cho thấy Việt Nam luôn dẫn đầu, chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày của tất cả các nước Asean và có khoảng cách rất xa với các nước còn lại trong khu vực. Về tổng thể, chỉ có 3 trong số 10 nước Asean có lợi thế so sánh trong ngành da giày. Tại thị trường Châu Âu, lợi thế so sánh của Việt Nam dẫn đầu cho đến năm 2013 và xếp sau Campuchia từ năm 2014. Tại thị trường Hoa Kỳ, chỉ số lợi thế so sánh Việt Nam luôn tăng đều qua các năm và giữ vị trí dẫn đầu trong khu vực. Tại thị trường này, vị trí của Campuchia đã có sự sụt giảm và không thể cạnh tranh với Việt Nam, chỉ số RCA ngành da giày của Việt Nam đã tăng hơn mười lần so với thị trường thế giới. Kết quả trên cho thấy, bên cạnh việc tiếp cận các thị trường mới như Hoa Kỳ, Việt Nam cũng cần chú ý và giữ vững thị phần, vị thế của mình tại thị trường truyền thống Châu Âu, đặc biệt là tận dụng sự mở của từ FTA với EU, ưu thế mà các nước đang có lợi thế so sánh hơn Việt Nam về ngành da giày trong khu vực không có được. Từ khóa: da giày, Việt Nam, lợi thế so sánh, Asean 1. Giới thiệu Ngành giày da của thế giới đang tiếp tục chuyển đổi việc sản xuất sang các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước có điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, nền chính trị ổn định, hòa bình. Khi gia nhập WTO, thuế quan được cắt giảm theo lộ trình và bãi bỏ, cùng với những chính sách khuyến khích xuất khẩu, sản xuất, Việt Nam trở thành điểm đến cho việc đầu tư của các nhà sản xuất giày da. Ngành công nghiệp da giày Việt Nam đã phát triển rất nhanh và được xem là một trong những ngành công nghiệp chính đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển. Không chỉ tăng trưởng cao về tốc độ, xuất khẩu da giày còn tăng trưởng mạnh tại các thị trường trọng điểm như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Braxin. Ngành da giày đã có được lợi thế so sánh nhất định trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam phát huy lợi thế giá rẻ trong lao động để phát triển ngành da giày theo hướng gia công trong giai đoạn gần đây đã gặp không ít khó khăn khi hội nhập kinh tế quốc tế đã làm tăng giá cả lao động tại Việt Nam. Đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt về nhân công giá rẻ của các nước trong khu vực Asean như Lào và Campuchia. Điều này đặt ra yêu cầu trong việc xác định cụ thể vị trí, lợi thế so sánh về ngành da giày của Việt Nam trong khu vực Asean, để từ đó có những điều chỉnh định hướng, chính sách phát triển cần thiết. 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu Các mô hình xác định lợi thế so sánh của quốc gia ở cấp độ ngành hay sản phẩm thông quan chỉ số lợi thế so sánh hiển thị đã được phát triển qua các nghiên cứu của Liesner (1958), Balassa (1965), White (1987), Greenaway và Milner (1993). Nhiều công trình nghiên cứu đã ứng dụng cơ sở lý thuyết và cách thức xác định chỉ số lợi thế so sánh của các nhà nghiên cứu nêu trên để nghiên cứu lợi thế so sánh của các quốc gia ở những nhóm ngành hay sản phẩm cụ thể, như là của Amir Mahmood (2004), Amita Batra & Zeba Khan 1
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng (2005), Widgren & Mika (2005), John Weiss (2005), Rukhsana Kalim (2013), Macleans Mzumara, Anna Chingarande & Roseline Karambakuwa (2012), Lalit Mohan Kathuria (2013), Saiful Islam, Parag Jafar Siddique (2014) Nghiên cứu này sẽ dựa trên công thức tính toán của Balassa (1965) [1] để tính toán chỉ số lợi thế so sánh hiện thị RCA (Revealed Comparative Advantage) đối với ngành da giày của Việt Nam và các nước khu vực Asean. RCA lớn hơn 1 cho thấy quốc gia có lợi thế so sánh, RCA càng lớn thì lợi thế so sánh càng cao và ngược lại. Chỉ số RCA được xác định như sau: Trong đó: : Chỉ số lợi thế so sánh của nước i đối với sản phẩm j : Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của nước i : Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước i : Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của thế giới : Tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới Bên cạnh đó, mô hình của White (1987) [5] là một sự mở rộng mô hình của Balassa. Phương pháp này được tính toán dựa trên nguồn cung xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu của một hàng hóa nhất định trong một quốc gia. Do đó, chỉ số của White phản ảnh được kết quả lợi thế so sánh ròng (trong khi mô hình của Balassa chỉ đề cập đến phần xuất khẩu). Chỉ số lợi thế so sánh theo mô hình này được tính như sau: Trong đó: : Chỉ số lợi thế so sánh của nước i đối với sản phẩm j , : Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm j của nước i , : Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của nước i : Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của thế giới : Tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới Theo cách tính toán này, nếu RCA1>1 và RCA2>0 thì chứng tỏ cả hai mô hình đều phản ảnh đúng thực tế và kết quả là quốc gia i có lợi thế so sánh về sản phẩm j. Tuy nhiên, nếu kết quả không giống nhau thì cả hai mô hình không có tính nhất quán và chưa thể kết luận là sản phẩm j của quốc gia có lợi thế so sánh hay không. Do đó, nghiên cứu này sẽ dựa trên công thức tính RCA - Balassa, đồng thời sẽ sử dụng công thức RCA - White kiểm chứng lại kết quả để từ đó có những nhận định, đánh giá phù hợp nhất với thực tế tại Việt Nam. Dữ liệu nghiên cứu được lấy từ kết quả xuất khẩu các mặc hàng da giày của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu da giày của thế giới và tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới 2
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng từ nguồn dữ liệu của UN Comtrade. Bộ dữ liệu sẽ được sử dụng để tính toán chỉ số RCA theo công thức của Balassa và White. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1. Tổng quan về tinh hình xuất khẩu da giày Việt Nam Về doanh nghiệp sản xuất, với 5128 doanh nghiệp đang hoạt động (số liệu thống kê cuối năm 2017 từ Lefaso), ngành da giày đang là một ngành xuất khẩu mũi nhọn, thu hút khoảng 1 triệu lao động. Ngành da giày đã mang lại công việc cho một số lượng lớn lao động phổ thông. Song song với các hoạt động thu hút khá lớn nguồn nhân lực thì doanh nghiệp còn tạo ra an sinh xã hội đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Về kim ngạch xuất khẩu, nhiều năm trở lại đây, ngành da giày Việt Nam liên tiếp đạt được những thành quả đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu. Ba năm trở lại đây ngành da giày đã đưa Việt Nam vào trong top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày. Riêng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, da giày Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Vị thế này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong 5 năm tới. Về thị trường xuất khẩu, liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Braxin là các đối tác lớn nhất nhập khẩu giầy dép của Việt Nam. Tổng kim ngạch cộng gộp hàng giày dép xuất sang 5 thị trường chiếm gần từ 75 -80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép của cả nước. Với định hướng phát triển dựa trên quan điểm tham gia vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, trong thời gian qua Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh phát triển công nghiệp ngành da giày, tập trung vào khâu có gia trị gia tăng tiếp theo mà Việt Nam có thể tham gia. Tuy nhiên, điểm yếu của ngành da giày Việt Nam là không phát triển sản xuất giày dép song song với phát triển công nghiệp hỗ trợ như một số nước khác. Cùng với đó là sự yếu kém về công nghệ, thiết bị và thiếu nguồn lực tài chính của doanh nghiệp đã làm cho công nghiệp hỗ trợ da giày Việt Nam không thể cất cánh, từ đó gây khó khăn cho sản xuất thành phẩm khi mà ngành công nghiệp da giày Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên gia công, nguyên phụ liệu chủ yếu phải nhập khẩu với gần 60% nguyên liệu. 3.2. Lợi thế so sánh ngành da giày Việt Nam và khu vực Asean trên thị trường thế giới So với các nước trong khu vực Asean, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày của Việt Nam luôn giữ vai trò thống trị quá các năm và đều tăng trưởng mạnh qua các năm. Riêng năm 2009 có sự sụt giảm do khủng hoảng toàn cầu nhưng đã có sự tăng trưởng mạnh trở lại vào những năm sau đó. Với kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu giày cả khu vực, có thể khẳng định không có một quốc gia nào trong khu vực có thể cạnh tranh được với Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu da giày. Điều này còn một lần nửa được khẳng định thông qua chỉ số lợi thế so sánh trong ngành da giày. Chỉ số RCA – Balassa và RCA – White đều cho thấy trong khu vực Asean, chỉ có 3 nước có lợi thế so sánh cao trong sản xuất và xuất khẩu trong ngành da giày là Việt Nam, Campuchia và Indonesia. Từ gian đoạn 2010-2013, Việt Nam đều có lợi thế so sánh rất cao và luôn dẫn đầu với khoảng cách xa với các nước còn lại. Chiến lược thu hút đầu tư FDI và tận dụng nguồn vốn nước ngoài để giải quyết việc làm đúng hướng đã tạo nên năng lực sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam dẫn đầu trong khu vực. Bảng 1: Chỉ số lợi thế so sánh ngành da giày các nước Asean trên thị trường thế giới Năm 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 RCA - Balassa Campuchia 4,95 6,32 6,00 5,73 12,39 12,45 12,86 13,34 Việt Nam 11,31 11,00 10,31 9,69 9,43 9,46 9,85 10,21 Indonesia 2,48 2,58 2,91 3,10 3,09 3,12 3,16 3,03 Lào 0,98 0,87 1,01 0,81 0,74 0,72 0,69 0,65 Myanmar 1,08 1,92 2,14 1,66 0,72 0,68 0,69 0,62 3
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng RCA - White Campuchia 4,33 5,55 5,09 4,88 11,28 11,33 11,41 12,58 Việt Nam 10,79 10,54 9,87 9,22 8,95 9,02 9,16 9,98 Indonesia 2,21 2,27 2,59 2,74 2,76 2,82 2,86 2,66 Lào 0,82 0,68 0,40 0,56 0,63 0,61 0,57 0,54 Myanmar 0,83 0,87 1,00 0,79 0,66 0,52 0,52 0,49 Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Trade map Tuy nhiên, dù có kim ngạch xuất khẩu cao tuyệt đối trong khu vực nhưng đến năm 2014, Việt Nam không thể cạnh tranh với Campuchia về lợi thế so sánh dựa trên chỉ số lợi thế so sánh hiển thị RCA. Kim ngạch xuất khẩu của Campuchia dù chỉ đứng thứ ba nhưng có xu hướng tăng nhanh hơn Việt Nam. Năm 2014 chứng kiến một sự tăng trưởng đột biến trong kim ngạch xuất khẩu da giày của Campuchia với tốc độ tăng 230%, trong khi Việt Nam chỉ tăng hơn 22%. Điều này làm cho Campuchia vươn lên dẫn đầu mười nước Asean về lợi thế so sánh trong sản xuất và xuất khẩu da giày từ giai đoạn 2014-2017. Hình 1 : Chỉ số RCA – Balassa ngành da giày Việt Nam, Campuchia và Indonesia Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Trade map Kết quả trên cho thấy, lợi thế so sánh của ngành da giày Việt Nam đã giảm dần trong giai đoạn 2010 – 2014 và có sự tăng nhẹ trong những năm gần đây nhưng vẫn còn thấp hơn so với giai đoạn trước. Trong khi đó, Campuhia đã có sự cải thiện rất rõ rệt vị trí của mình trong khu vực. Xu hướng chuyển dịch đầu tư FDI sang Campuchia của những thương hiệu gia công giày dép lớn vì khả năng cạnh tranh về lao động giá rẻ của Việt Nam trong thời gian gần đây giảm đã giúp Campuchia có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có những chiến lược mới trong phát triển ngành da giày, thay vì tập trung kêu gọi đầu tư vào các khâu gia công tạo ra giá trị gia tăng kém thì nên chú trọng đến các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, mà gần nhất là sản xuất các nguyên phụ liệu cho ngành. 3.3. Lợi thế so sánh ngành da giày Việt Nam và khu vực Asean tại Hoa Kỳ, EU Tại thị trường EU và Hoa Kỳ, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu khu vực về kim ngạch xuất khẩu da giày. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu vào hai thị trường này lần lượt chiếm 67% và 78% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Asean. Bảng 2: Tỷ trọng KNXK da giày Việt Nam trong tổng kim ngạch Asean Năm 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Vào thị trường thế giới 55% 57% 58% 58% 60% 61% 60% 62% Vào thị trường EU 62% 60% 61% 60% 62% 64% 64% 67% Vào thị trường Hoa Kỳ 67% 68% 69% 69% 71% 75% 76% 78% Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Trade map 4
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Tại thị trường EU, kết quả phân tích chỉ số RCA – Balassa và RCA – White cho thấy mức độ cạnh tranh đã gia tăng khi xuất hiện thêm Thái Lan là nước có lợi thế so sánh tại thị trường này. Cùng với xu hướng của thị trường thế giới, tại thị trường EU, lợi thế so sánh ngành da giày của Việt Nam cũng ở mức rất cao hơn các nước trong khu vực (ngoại trừ năm 2014 có sự phát triển vượt bậc của Campuchia). Tuy nhiên lợi thế so sánh của Việt Nam kại có xu hướng giảm, trong khi các nước lại có xu hướng tăng. Áp lực cạnh tranh sản xuất, xuất khẩu và định hướng phát triển của các nước trong khu vực đã nâng cao dần vị trí cạnh tranh trong ngành da giày tại thị trường EU trong những năm qua. Đó cũng là thách thức của Việt Nam khi mà EU là thị trường xuất khẩu da giày truyền thống và quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Bảng 3 : Chỉ số RCA hàng da giày các nước vào thị trường EU Năm 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 RCA - Balassa Việt Nam 25,85 22,94 20,89 18,49 18,13 18,10 17,95 17,71 Camphuchia 18,02 15,46 13,50 11,33 33,36 33,41 33,86 34,52 Indonesia 10,94 11,44 12,56 12,55 11,88 11,91 12,04 12,27 Thái Lan 2,17 2,04 1,40 1,43 1,38 1,36 1,42 1,41 RCA - White Việt Nam 25,80 22,84 20,79 18,37 18,02 17,98 17,82 17,64 Campuchia 18,00 15,42 13,49 11,25 32,27 32,85 33,14 33,25 Indionesia 10,84 11,34 12,48 12,44 11,77 11,81 11,96 12,07 Thái Lan 2,09 1,97 1,30 1,33 1,23 1,21 1,33 1,31 Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Trade map Đối với thị trường Hoa Kỳ, định hướng phát triển thương mại tự do và đẩy mạnh hợp tác với thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới của Việt nam đã mang lại kết quả khả quan cho công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành da giày nói riêng. Tại thị trường Hoa Kỳ, bốn nước Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Thái Lan tiếp tục là nhưng nước có chỉ số lợi thế so sánh lớn hơn 1 trong chỉ số RCA – Balassa và RCA - White. Về số liệu tuyệt đối, chỉ số lợi thế cạnh tranh da giày của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ luôn lớn hơn 100, nghĩa là chúng ta có lợi thế so sánh rất lớn tại thị trường này. Trong khu vực Asean, Việt Nam luôn giữ vai trò quán quân và tăng đều lợi thế so sánh qua các năm, kể cả sự phát triển vượt bậc của Campuchia vào năm 2014. Bảng 4: Chỉ số RCA hàng da giày các nước Asean vào thị trường Hoa Kỳ Năm 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 RCA - Balassa Mỹ Việt Nam 114,51 130,07 132,58 126,23 130,27 132,42 134,17 134,86 Camphuchia 9,83 14,26 15,33 19,96 62,56 70,25 72,36 76,38 Indonesia 45,6 50,24 69,26 74,39 75,32 76,12 77,91 77,96 Thái Lan 6,96 6,72 5,23 4,81 4,76 4,55 4,56 4,13 RCA - White Mỹ Việt Nam 113,5 129,04 131,87 125,24 129,07 129,42 133,72 133,81 Campuchia 9,5 14,26 15,33 19,95 62,53 68,85 71,12 75,69 Indionesia 45,56 50,13 69,15 74,3 75,2 75,89 76,11 76,07 5
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Thái Lan 6,95 6,71 5,22 4,79 4,74 4,51 4,50 4,06 Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Trade map 3.4. Đánh giá vị trí cạnh tranh của ngành da giày Việt Nam trong Asean từ chỉ số RCA Dựa trên chỉ số lợi thế so sánh hiển thị RCA – Balassa và được kiểm chứng lại bởi chỉ số RCA - White, có thể khẳng định Việt Nam đang có vị trí cạnh tranh rất lớn tại khu vực Asean trong ngành da giày. Thứ nhất, về kim ngạch xuất khẩu da giày, Việt Nam luôn dẫn đầu, chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành của tất cả các nước Asean và có khoảng cách rất xa với các nước còn lại trong khu vực trên phạm vi toàn thế giới hoặc những thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU. Thứ hai, về chỉ số lợi thế so sánh RCA trên phương diện toàn thế giới, chỉ có 3 trong số 10 nước Asean có lợi thế so sánh. Trong đó, da giày Việt Nam có lợi thế so sánh dẫn đầu các nước đến năm 2013 và luôn giữ khoảng cách khoảng 2,5 lần so với Campuchia và 3 lần so với Indonesia. Tuy nhiên, từ sau năm 2014, lợi thế so sánh của Việt Nam đã có đã xếp sau Campuchia do khả năng cạnh tranh về nguồn lao động giá rẻ tại Campuchia đã hút hút mạnh mẽ nhà đầu tư. Thứ ba, về chỉ số lợi thế so sánh RCA xét tại thị trường EU, xuất hiện thêm Thái Lan là nước có lợi thế so sánh. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh của Thái Lan là không đáng kể do mức lợi thế so sánh thấp. Tại thị trường Châu Âu, lợi thế so sánh của Việt Nam dẫn đầu khu vực cho đến năm 2013 và xếp sau Campuchia từ năm 2014. Thứ tư, về chỉ số lợi thế so sánh RCA xét tại thị trường Hoa Kỳ, mặc dù xuất hiện thêm Thái Lan là có lợi thế so sánh nhưng mức độ cạnh tranh cũng không đáng kể với chỉ số RCA rất thấp. Tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn giữ vai trò thống trị và tăng trưởng dều đặn về kim ngạch và lợi thế so sánh tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này. 4. Kết luận và gợi ý chính sách Đối với ngành hàng da giày, lợi thế so sánh của Việt Nam luôn ở mức rất cao và chỉ có 3 nước trong Asean có lợi thế trong lĩnh vực này. Tại thị trường thế giới, Mỹ, EU thì Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực về lợi thế so sánh trong sản xuất và xuất khẩu da giày (ngoại trừ sự vươn lên của Campuchia từ năm 2014, nhưng vẫn xếp sau Việt Nam tại thị trường Mỹ). Da giày là một ngành công nghiệp truyền thống của Việt Nam và chủ yếu tập trung vào khâu gia công cho thế giới, thu về giá trị gia tăng không cao. Với sự nổi lên của một số quốc gia trong khu vực với lợi thế nhân công giá rẻ (đặc biệt là Campuchia) thì từng bước phát triển ngành da giày thành ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, tự đứng vững trên thị trường thế giới mà không phụ thuộc vào gia công là hướng đi phù hợp cho Việt Nam. Theo đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày là bước đầu tiên và cần triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam. Điều này là bởi: một là, chúng ta chưa có những thương hiệu mạnh và các nhà phân phối trực tiếp trên thị trường thế giới nên chưa thể tiếp cận vào khâu này trong chuỗi giá trị; hai là, nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa rất hạn chế nên Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào gia công và vì gia công nên chưa thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, điều này tạo nên một vòng lẩn quẩn trong quá trình phát triển; ba là, các nước có lợi thế so sánh với Việt Nam trong ngành da giày là Campuchia, Indonesia không tham gia vào hiệp định CPTPP, chưa ký FTA với EU nên Việt Nam có thể được hưởng miễn giảm thuế vào các thị trường này và tăng vị trí cạnh tranh trong khu vực khi mà nguồn nguyên phụ liệu trong nước được đảm bảo để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Theo đó, các vấn đề mà Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới là: Thứ nhất, về quy hoạch, quỹ đất, hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp, xây dựng các khu, cụm công nghiệp (KCCN) tập trung dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành da giày hoặc dành riêng một phân khu trong KCCN tập trung cho yêu cầu này. Chính việc tập trung theo yếu tố “địa lý” này hình thành nên cụm liên kết ngành hay cụm ngành da giày, mà ở đó có đầy đủ các cơ sở sản xuất phụ liệu, linh kiện; các sàn giao dịch nguyên phụ liệu; các trung tâm kiểm định chất lượng; các trung tâm đào tạo nhân lực; các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thiết kế mẫu mốt Trong đó, cần ưu tiên ở 3 lĩnh 6
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vực: sản xuất phụ liệu, linh kiện, thiết kế phát triển sản phẩm và kiểm định chứng nhận sản phẩm. Việc tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực trên để gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm giày dép, da thuộc, chủ động cân đối nguyên phụ liệu trong sản xuất, tiết kiệm chi phí và chủ động về xuất xứ sản phẩm thông qua việc nội địa hóa sản phẩm ở mức độ cao. Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động pháp phát triển thị trường, kết nối cung cầu, tăng cường công tác xúc tiến thương mại thông qua chương trình xúc tiến thương mại, cũng như chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, để giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống (Hoa Kỳ, EU, Nhật) và phát triển thị trường mới (Trung Đông, Châu Phi), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả nước và nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội sản xuất – kinh doanh sản phẩm da giày. Thứ ba, phát triển khoa học công nghệ đặc thù cho ngành da giày, thành lập trung tâm đổi mới và phát triển KHCN ngành da giày để trợ giúp doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua nghiên cứu, đào tạo, thiết kế sản phẩm. Trung tâm đổi mới và phát triển KHCN sẽ tham mưu xây dựng hệ thống chất lượng liên quan đến linh phụ kiện, hệ thống tiêu chuẩn phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trên cơ sở xem xét đến các tiêu chuẩn quy định Việt Nam, quy định quốc tế cũng như các tiêu chuẩn sẵn có của các tập đoàn đa quốc gia. Cần xúc tiến thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày. Trung tâm này không chỉ làm cầu nối giữa Chính quyền với doanh nghiệp, mà còn giữa các doanh nghiệp với nhau, xúc tiến liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn; kết nối các nhà cung cấp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài , đặc biệt là với các doanh nghiệp FDI. Qua đó, các doanh nghiệp da giày Việt Nam có thể học hỏi công nghệ da giày của thế giới, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không học hỏi hay không nhận được chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI (mà nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam sản xuất theo phương thức gia công xuất khẩu). Thứ tư, hình thành cụm ngành da giày các vùng trọng điểm, trên các địa bàn trọng điểm phát triển khu vực phía Nam, miền Trung và phía Bắc phải xây dựng được cụm ngành da giày về lâu dài. Trong đó, yếu tố tập trung về “địa lý” là cần thiết để giúp nganh da giày phát triển có hiệu suất, từ đó tăng năng lực cạnh tranh của ngành. Các nội dung cần thực hiện để xây dựng cụm ngành da giày là: (i) Thu hút doanh nghiệp chủ đạo giữ vai trò là các doanh nghiệp dẫn dắt ngành để tạo tác động lan tỏa; (ii) phân tích thị trường và năng lực cạnh tranh để tập trung vào các sản phẩm định hướng, trên các phân khúc như: giày thể thao, giày vải; giày da nam, nữ các loại; giày thời trang cao cấp; giày y tế và một số giày đặc chủng. ; (iii) xây dựng khu, cụm công nghiệp tập trung là nơi được chọn để xây dựng mô hình cụm liên kết ngành da giày tại các vùng; (iv) Thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ và liên quan dựa trên các tiêu chí cụ thể để lựa chọn các doanh nghiệp tham gia cung cấp linh phụ kiện, nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp toàn cầu, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp định hướng xuất khẩu. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bela Balassa, Marcus Noland (1989), “Revealed Comparative Advantage in Japan and The United States”, Journal of International economic Integration 4-2 Autumn 1989, 8-22. e- jei.org/upload/1w100053.pdf [2] Greenaway, D. and C. Milner (1993), “Trade and Industrial Policy in Developing Countries: A Manual of Policy Analysis”, The Macmillan Press, esp. Part IV Evaluating Comparative Advantage, 181-208 [3] John Weiss (2005), “Export Growth and Industrial Policy: Lessons from the East Asian Miracle experience”, ADB Institute Discussion Paper, No. 26 [4] Khalid riaz and Hans G. P. Jansen (2012), “Spatial patterns of revealed comparative advantage of Pakistan’s agricultural exports”, Pakistan Economic and Social Review, Volume 50, No. 2 (Winter 7
  8. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 2012), pp. 97-120 [5] Nawaz Ahmad, Rukhsana Kalim (2013), “Changing Revealed Comparative Advantage of Textile and Clothing Sector of Pakistan: Pre and Post Quota Analysis”, Pakistan Journal of Commerce and Social Sciences, Vol. 7 (3), 520-544. [6] UtkuUtkuluand and Dilek Seymen, “Revealed Comparative Advantage and Competitiveness: Evidence for Turkey vis-à-visthe EU/15”, Dokuz Eylül University, Economics Department, İzmir. [7] Vollrath, T.L. (1991). “A Theoretical Evaluation of Alternative Trade Intensity Measure of Revealed Comparative Advantage”, Weltwirtschaftliches Archiv, 130, 265-79. 8