Giải pháp cho ngành du lịch khi Việt Nam tham gia TPP

pdf 10 trang Gia Huy 2600
Bạn đang xem tài liệu "Giải pháp cho ngành du lịch khi Việt Nam tham gia TPP", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiai_phap_cho_nganh_du_lich_khi_viet_nam_tham_gia_tpp.pdf

Nội dung text: Giải pháp cho ngành du lịch khi Việt Nam tham gia TPP

  1. GIẢI PHÁP CHO NGÀNH DU LỊCH KHI VIỆT NAM THAM GIA TPP SOLUTIONS FOR VIETNAM’S TOURISM SECTOR WHEN JOINING THE TPP TS. Trần Thị Bích Hằng Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Tham gia TPP khẳng định Việt Nam quyết tâm hội nhập sâu và rộng hơn về kinh tế, trong đó có ngành kinh tế du lịch.Với những thỏa thuận và cam kết giữa Việt Nam với 11 nước thành viên, TPP hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội và không ít thách thức đối với ngành du lịch nước ta. Bài viết tập trung phân tích các cơ hội và thách thức đối với ngành du lịch trong bối cảnh TPP sắp có hiệu lực; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm giúp cho ngành du lịch nước ta sẵn sàng đón nhận cơ hội cũng như đối phó với các thách thức đặt ra. Từ khóa: TPP, du lịch và TPP, du lịch Việt Nam Abstract Joining the TPP agreement affirms Vietnam’s determination to deeply and widely integrate in the global economy, including tourism sector. Given the commitments between Vietnam and 11 member countries, the TPP is expected to bring many opportunities but at the same time poses numerous challenges to Vietnam’s tourism industry. The article analyses opportunities and challenges for Vietnam’s tourism sector when the TPP takes effect, on this basis suggests some solutions to enable the industry to grasp opportunities and deal with challenges. Key words:theTPP, tourism and the TPP, Vietnam tourism 599
  2. ĐẶT VẤN ĐỀ Trải qua hơn 7 năm chính thức vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP), 12 nước thành viên đã tuyên bố kết thúc đàm phán TPP.Thỏa thuận thương mại tự do trong TPP là bước ngoặt thể hiện sự hợp tác và hội nhập sâu, rộng hơn của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới. Với riêng ngành kinh tế du lịch, TPP có liên quan gì?Liệu TPP có mang lại nhiều cơ hội và có các nguy cơ nào đối với ngành du lịch nước ta?Trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch phải làm gì để đón nhận cơ hội và đương đầu với các thách thức khi TPP chính thức có hiệu lực?Hàng loạt các câu hỏi đã và đang được đặt ra cho các cơ quan quản lý chức năng về du lịch cũng như các doanh nghiệp du lịch trong nước. Cho đến nay, cũng đã có một vài nghiên cứu bàn về các khía cạnh nói trên.Tuy nhiên, các nghiên cứu này mới chỉ dừng lại là những bài viết nhận định sơ lược về các cơ hội, thách thức và đề xuất một vài giải pháp ứng phó.Điển hình như các nghiên cứu của Nguyễn Minh Phong (2015), Hoa Quỳnh (2016), Có thể nói, tính toàn diện của các khía cạnh nêu trên chưa được đề cập và phân tích kỹ lưỡng trong bất cứ nghiên cứu nào.Chính vì vậy, nghiên cứu này sẽ mang lại cái nhìn toàn cảnh với những phân tích sâu sắc hơn về sự liên quan, cơ hội, thách thức và giải pháp đối với ngành du lịch nước ta khi tham gia TPP.Việc phân tích các cơ hội và thách thức cũng sẽ được nhìn nhận khách quan thông qua việc đánh giá đan xen điểm mạnh và điểm yếu của ngành du lịch nước ta. Bài viết sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây và các dữ liệu thông tin của các cơ quan quản lý chức năng. Bài viết cũng kết hợp phương pháp phân tích, diễn giải và suy luận để làm rõ vấn đề nghiên cứu. 1. TPP VÀ CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN CỦA TPP ĐẾN NGÀNH DU LỊCH NƯỚC TA 1.1. Khái quát chung về TPP TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia thành viên (Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam), được hình thành với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. TPP có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement –P4) đã được ký kết giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei vào ngày 3/6/2005 và có hiệu lực từ ngày 28/5/2006.Năm 2007, các nước thành viên P4 quyết định mở rộng phạm vi đàm phán và lần lượt qua các năm đã thu hút thêm 8 nước thành viên tham gia đàm phán. Trải qua nhiều vòng đàm phán, ngày 5/10/2015, 12 nước thành viên đã tuyên bố kết thúc đàm phán TPP.Kết quả đàm phán là một hiệp định chất lượng cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm nghèo tại các nước; và nâng cao minh bạch hóa, quản trị tốt cũng như bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường (Trung tâm WTO – VCCI). 600
  3. TPP được xem là một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới bởi 5 đặc điểm cơ bản sau đây (VOV.VNa, 2015): (1). Tiếp cận thị trường một cách toàn diện. Hiệp định TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên. (2). Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết. Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước. (3). Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại. Hiệp định TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. (4). Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại. Hiệp định TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại. Hiệp định bao gồm các cam kết nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ về Hiệp định, tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại và nêu lên những thách thức đáng chú ý tới chính phủ các nước thành viên. Hiệp định cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và nâng cao năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các Bên đều có thể đáp ứng được những cam kết trong Hiệp định và tận dụng được đầy đủ những lợi ích của Hiệp định. (5). Nền tảng cho hội nhập khu vực. Hiệp định TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á – Thái Bình Dương. TPP được kết cấu làm 30 chương điều chỉnh thương mại và các vấn đề liên quan tới thương mại, bắt đầu từ thương mại hàng hóa, tiếp tục là hải quan và thuận lợi hóa thương mại; vệ sinh kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; quy định về phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; các chương về “các vấn đề xuyên suốt” nhằm bảo đảm Hiệp định TPP đạt được tiềm năng của mình về phát triển, tính cạnh tranh và tính bao hàm; giải quyết tranh chấp; ngoại lệ và các điều khoản về thể chế. Ngoài ra, TPP còn bao gồm các lộ trình cam kết và phụ lục được quy định kèm theo liên quan tới thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ và nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh và phụ lục kèm trong chương về Doanh nghiệp Nhà nước. 1.2. Các nội dung liên quan chủ yếu của TPP đến ngành du lịch nước ta Trong nội dung đàm phán của TPP, hầu hết các vấn đề có liên quan đến ngành kinh tế du lịch hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp (xem hình 1.1). Trong đó đặc biệt phải kể đến các liên quan trực tiếp được thể hiện trong các chương 9, 12, 16, 19 và 20. 601
  4. Liên quan trực tiếp • Đầu tư • Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh Liên quan gián tiếp • Chính sách cạnh tranh • Thương mại hàng hóa • Lao động • Quản lý hải quan và thuận lợi hóa thương mại • Môi trường • Viễn thông • Thương mại điện tử • (Nguồn: Tác giả) Hình 1.1: Các nội dung liên quan chủ yếu của TPP đến ngành du lịch nước ta Tại chương 9 “Đầu tư” có cam kết về các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử. Nội dung này có liên quan trực tiếp đến chính sách đầu tư trong lĩnh vực du lịch và khai thác thị trường giữa các nhà kinh doanh du lịch trong và ngoài nước. Tại chương 12 “Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh” có cam kết về mở cửa thị trường khách kinh doanh giữa các quốc gia thành viên cho nhau.Nội dung này có liên quan trực tiếp đến việc quản lý các dòng khách du lịch nội khối, cụ thể là vấn đề giải quyết thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch MICE, khách du lịch thương nhân từ các quốc gia nội khối TPP đến Việt Nam. Tại chương 16 “Chính sách cạnh tranh” có đề cập đến vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong khu vực thông qua cam kết các quốc gia thành viên TPP duy trì hệ thống luật pháp cấm những hành vi kinh doanh phi cạnh tranh cũng như những hoạt động thương mại gian lận và lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nội dung này có liên quan trực tiếp đến áp lực cạnh tranh lành mạnh về sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực du lịch đối với các doanh nghiệp trong nước. Tại chương 19 “Lao động” có thừa nhận quyền cơ bản của người lao động như quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; và loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Bên cạnh đó, TPP cũng đề cập đến vấn đề quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Tất cả những nội dung này có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng lao động cũng như việc bảo đảm quyền của người lao động tại các doanh nghiệp du lịch nước ta. Tại chương 20 “Môi trường” có cam kết bảo vệ và bảo tồn môi trường, bao gồm cả việc giải quyết các thách thức về môi trường, ví dụ như ô nhiễm môi trường, buôn bán động vật hoang dã, khai thác trái phép, đánh bắt trái phép và bảo vệ môi trường biển. Các nội dung này có 602
  5. liên quan trực tiếp đến việc khai thác tài nguyên, định hướng loại hình dịch vụ cung cấp cho du khách gắn với phát triển bền vững và có trách nhiệm. Ngoài các liên quan trực tiếp nêu trên, TPP còn có liên quan gián tiếp đến ngành du lịch nước ta.Trước hết, sự hợp tác đa phương giữa các thành viên TPP sẽ tất yếu thắt chặt mối quan hệ ngoại giao trên nhiều lĩnh vực.Theo đó, các hoạt động hội đàm của bộ phận chính khách các thành viên nội khối sẽ gia tăng.Điều này sẽ liên quan gián tiếp đến hoạt động du lịch MICE. Bên cạnh đó, nhiều nội dung cam kết khác trong TPP cũng có liên quan gián tiếp đến ngành du lịch nước ta. Việc cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan để thúc đẩy gia tăng thương mại giữa các nước thành viên TPP trong chương 2 “Thương mại hàng hóa” hay cam kết minh bạch hóa các thủ tục hải quan để thuận lợi hóa thương mại trong chương 5 “Quản lý hải quan và thuận lợi hóa thương mại” cũng sẽ liên quan trực tiếp đến hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia thành viên TPP; và từ đó liên quan gián tiếp đến việc đi lại của nhóm thương nhân giữa các nước. Những cam kết về “Viễn thông”, “Thương mại điện tử”, “Hợp tác và nâng cao năng lực”, cũng có liên quan gián tiếp tới hạ tầng, công nghệ, năng lực cạnh tranh, của các doanh nghiệp du lịch nước ta. Tóm lại, nội dung cam kết trong TPP có liên quan nhiều mặt cả trên khía cạnh cầu, cung và các điều kiện môi trường du lịch của nước ta trong thời gian tới. 2. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TỪ TPP ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH NƯỚC TA Từ những liên quan của TPP cùng các điều kiện cụ thể của ngành du lịch nước ta, có thể nhận định một số cơ hội và thách thức chủ yếu mà TPP mang lại cho ngành du lịch như sau (xem hình 2.1): Cơ hội • Tạo động lực phát triển ngành du lịch • Thu hút khách quốc tế • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực • Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm • "Thanh lọc" doanh nghiệp và tổ chức lại thị trường Thách thức • Cạnh tranh • Chia sẻ thị phần • Sản phẩm • Tổ chức và quản lý lao động • Đầu tư hạ tầng vật chất và công nghệ 603
  6. (Nguồn: Tác giả) Hình 2.1: Cơ hội và thách thức từ TPP đối với ngành du lịch nước ta 2.1. Về cơ hội Tham gia TPP có thể mở ra cho ngành du lịch nước ta một số cơ hội rõ rệt như sau: Thứ nhất, TPP tạo động lực phát triển ngành du lịch nước ta.Du lịch được xem là ngành kinh tế tổng hợp và có tính liên ngành cao.Chính vì lẽ đó, triển vọng phát triển kinh tế nước ta khi tham gia TPP sẽ có tác động tích cực đến ngành kinh tế du lịch. Nhờ sự phát triển của nền sản xuất xã hội, các yếu tố đầu vào thuận lợi càng thúc đẩy cung du lịch phát triển và có điều kiện dễ dàng hơn trong thu hút và đáp ứng nhu cầu của cả khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa. Thứ hai, TPP tạo cơ hội cho ngành du lịch nước ta thu hút khách quốc tế, đặc biệt là nhóm khách du lịch MICE, khách du lịch thương nhân.Trong thời gian tới, khi hoạt động thương mại được thúc đẩy giữa các nước thành viên TPP, dòng khách thương nhân, khách tham gia hội nghị, hội thảo, đến từ các nước nội khối sẽ không ngừng gia tăng. Họ đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác, để phát triển kinh doanh và phát triển thị trường. Thực tế, đã nhiều năm nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không ngừng tăng lên. Năm 2015, con số này đã được giải ngân hơn 13,2 tỷ USD, tăng gần 18% so với năm 2014. Năm 2016, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra nhận định khi Việt Nam tham gia TPP, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ càng nhiều hơn bởi các nhà đầu tư hy vọng môi trường đầu tư an toàn, thân thiện sẽ giúp họ có nhiều thuận lợi trong sản xuất và xuất khẩu sang nước thứ ba để được hưởng thuế suất thấp (VOV.VNb, 2015). Bên cạnh đó, cam kết tạo thuận lợi về thông tin, phí, thời gian và thủ tục giải quyết việc nhập cảnh tạm thời cho khách kinh doanh nội khối TPP cũng càng thúc đẩy các dòng khách thương nhân, khách MICE đến Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành du lịch trong nước vì hiệu quả kinh doanh loại hình du lịch này là khá cao, do đối tượng khách đông, tập trung, mức chi tiêu lại cao và thời gian lưu trú thường kéo dài. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch trong nước có thể phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ phía các doanh nghiệp du lịch nước ngoài song lợi thế của các doanh nghiệp trong nước nằm ở môi trường kinh doanh quen thuộc hơn, văn hóa kinh doanh gần gũi hơn. Vì vậy, cơ hội thu hút khách và gia tăng kết quả kinh doanh đối với nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước cũng sẽ cao hơn. Thứ ba, TPP tạo cơ hội cho ngành du lịch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ sử dụng lượng lao động sống rất lớn. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam (2015), đến hết năm 2015, ngành du lịch có khoảng 555 ngàn lao động trực tiếp và 1.220,5 ngàn lao động gián tiếp. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 45% lao động có chuyên môn về du lịch và hơn 60% biết và sử dụng được các ngoại ngữ Anh (45%), Trung (5%), Pháp (4%), Nga (9%), tỷ lệ lao động biết và sử dụng các ngoại ngữ khác là rất ít. Tuy nhiên, lao động du lịch nước ta được đánh giá là chăm chỉ, có nhận thức và khả năng học hỏi tương đối tốt.Với những cam kết về lao động trong TPP, một mặt điều kiện môi trường làm việc trong doanh nghiệp du lịch sẽ được cải thiện, doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo tốt hơn về thời gian, sự an toàn 604
  7. và sức khỏe cho người lao động, Mặt khác, bản thân mỗi người lao động cũng chịu áp lực nâng cao nhận thức và chủ động trong cải thiện trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, và các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cũng sẽ phải tích cực thay đổi nội dung và chương trình đào tạo để đáp ứng tốt nhu cầu xã hội ngày càng cao. Nhờ vậy, ngành du lịch có cơ hội rất lớn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thứ tư, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững và có trách nhiệm.Phát triển du lịch thường gắn liền với môi trường sống tự nhiên và khai thác tài nguyên du lịch.Nhiều năm nay, hoạt động khai thác tài nguyên du lịch tại không ít điểm đến ở nước ta có sự tách rời hoặc chưa tương thích với bảo vệ và gìn giữ tài nguyên. Hiện tượng ô nhiễm môi trường, phá vỡ hệ động thực vật sinh thái, làm cạn kiệt động vật hoang dã đã và đang diễn ra ở nhiều cánh rừng, vườn quốc gia, biển đảo, của nước ta. Tuy nhiên, khi tham gia vào TPP, với việc siết chặt các yêu cầu về vệ sinh và môi trường sống, chống buôn bán động vật hoang dã, môi trường sống sẽ được cải thiện hơn, các doanh nghiệp du lịch sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc khai thác tài nguyên du lịch và lựa chọn phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp để phục vụ khách hàng. Như vậy, ngành du lịch trong nước sẽ có cơ hội phát triển bền vững và có trách nhiệm hơn, nhất là trong điều kiện Việt Nam nhiều năm liền đều được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới xếp hạng thấp trong khu vực châu Á và châu Phi. Thứ năm, TPP giúp cho ngành du lịch có cơ hội “thanh lọc” các doanh nghiệp du lịch và tổ chức lại thị trường kinh doanh du lịch.Như đã đề cập ở trên, TPP mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, đồng thời tạo cơ hội cho Việt Nam đón nhiều dòng khách quốc tế đến. Rõ ràng, trên thị trường du lịch của nước ta sẽ được tổ chức lại không chỉ về cầu du lịch mà còn tổ chức lại cung du lịch. Để cạnh tranh thu hút thị trường khách quốc tế có nhu cầu và khả năng thanh toán cao đòi hỏi các doanh nghiệp nhắm vào thị trường khách này phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường tính chuyên nghiệp trong phục vụ, để gia tăng khả năng cạnh tranh với cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.Bản thân các doanh nghiệp lựa chọn thị trường khách du lịch nội địa cũng củng cố lại công tác tổ chức và quản lý nguồn lực để không “thua ngay trên sân nhà”.Và tất yếu, ngành du lịch sẽ có cơ hội loại bỏ những doanh nghiệp du lịch yếu kém, không đủ sức tham gia cuộc đua đầy cam go với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn có nhiều lợi thế về trình độ quản lý, nguồn lực kinh doanh, 2.2. Về thách thức Bên cạnh những cơ hội kể trên, TPP có hiệu lực cũng là lúc ngành du lịch nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức: Thứ nhất, các doanh nghiệp du lịch sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.Với cam kết nới lỏng trong đầu tư, trong thời gian tới, thị trường Việt Nam dự báo sẽ đón nhận sự đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh du lịch từ nhiều quốc gia nội khối TPP.Hơn nữa, các thương hiệu lớn trên thế giới cũng sẽ không bỏ qua cơ hội “theo chân khách hàng” để mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng khách nội khối đến Việt Nam.Và như vậy, các doanh nghiệp du lịch trong nước không chỉ phải chạy đua với nhau mà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệpnước 605
  8. ngoài vốn có lợi thế về vốn, công nghệ, trình độ, khả năng nắm bắt tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng; Thứ hai, các doanh nghiệp du lịch nội địa sẽ phải chia sẻ thị phần với các nhà đầu tư kinh doanh du lịch thuộc các nước thành viên nội khối vào nước ta.Cuộc đua cạnh tranh giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước với các doanh nghiệp du lịch nước ngoài chưa biết kết quả ra sao. Song chắc chắn rằng các doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ phải chấp nhận chia sẻ thị phần khách du lịch quốc tế nếu không nắm bắt tốt tâm lý và thị hiếu của khách du lịch quốc tế, không cải thiện được các nguồn lực đầu vào và không nâng cao được trình độ tổ chức và quản lý. Mà thực tế, những yêu cầu nêu trên là khá khó với rất nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay. Thứ ba, các doanh nghiệp du lịch sẽ phải đối mặt với việc thay đổi quan điểm kinh doanh, chuyển từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả khai thác khách thông qua việc phải đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch MICE, du lịch thương nhân.Trên thị trường du lịch nước ta, hiện đã có một số doanh nghiệp nhắm vào thị trường kinh doanh du lịch MICE, du lịch thương nhân.Hầu hết, đây là những doanh nghiệp lữ hành lớn,có bề dày hoạt động lâu năm và những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, thuộc quản lý của các tập đoàn khách sạn lớn, có thương hiệu thế giới. Về cơ bản, các doanh nghiệp này đã có kinh nghiệm trong phục vụ đối tượng khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ.Tuy nhiên, đây cũng được xem là thách thức đối với các doanh nghiệp này, bởi đặc điểm thị trường khách nội khối có sự khác biệt về văn hóa, thói quen tiêu dùng, cũng sẽ chi phối nhu cầu dịch vụ cung cấp. Theo Tổng cục Du lịch (2015), những năm gần đây, tỷ lệ khách du lịch từ hầu hết các nước nội khối TPP còn thấp trong tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đáng kể chỉ có Nhật Bản (8,3%), Mỹ (5,7%), Malaysia (4,2%), Australia (4%).Như vậy, các doanh nghiệp nước ta vốn đã có kinh nghiệm cũng vẫn cần phải nghiên cứu thông tin thị trường để có những điều chỉnh phù hợp về sản phẩm nhằm cạnh tranh và phục vụ nhóm khách hàng nội khối TPP tốt nhất. Bên cạnh đó, khi thị trường khách MICE và khách thương nhân mở rộng hơn ở các quốc gia nội khối thì thị trường cung cũng cần phải phát triển hơn để đáp ứng quy mô và mật độ khách hàng gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa, các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường này cần phải chú trọng vào chất lượng dịch vụ thì mới có thể tiếp cận và cạnh tranh thu hút thị trường khách này. Thứ tư, các doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ đối mặt với thách thức phải thay đổi thói quen trong tổ chức và quản lý lao động.Có thể nói, những cam kết đặt ra về lao động trong TPP là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp du lịch nước ta hiện nay. Đã từ lâu, việc tổ chức và quản lý lao động tại nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước, đặc biệt là ở những doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, thuộc sở hữu tư nhân, còn nhiều bất cập. Hiện tượng sử dụng lao động vị thành niên, không đảm bảo điều kiện về môi trường, sức khỏe và an toàn trong lao động; thỏa ước tập thể chưa được thực hiện nghiêm túc, còn diễn ra khá phổ biến; việc đánh giá và đãi ngộ nhân lực còn chưa tương xứng; nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức gìn giữ và bảo vệ đội ngũ lao động. Vì vậy, khi tham gia TPP, các doanh nghiệp du lịch trong nước không chỉ phải từ bỏ thói quen sử dụng lao động “tùy tiện” mà còn phải tăng cường gìn giữ lao động chất lượng cao, tránh hiện tượng “chảy máu chất xám” sang các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thứ năm, các doanh nghiệp du lịch trong nước còn phải giải quyết tốt yêu cầu về vốn đầu tư vào hạ tầng vật chất và công nghệ. Thị trường khách MICE và khách thương nhân vốn là 606
  9. thị trường khách hàng cao cấp, họ không chỉ đòi hỏi ở chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống mà còn yêu cầu hạ tầng vật chất và công nghệ của các hãng lữ hành, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn phải đồng bộ, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin, hội họp với các dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ thư ký, dịch vụ pháp luật, dịch vụ thanh toán, phải thuận tiện, phù hợp với đặc thù chuyến đi kết hợp công việc của họ. Chính vì vậy, trong điều kiện môi trường cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp trong nước phải giải quyết tốt các yêu cầu về vốn đầu tư hạ tầng vật chất và công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng giao dịch, lựa chọn đăng ký dịch vụ và tiêu dùng dịch vụ trong chuyến đi. 3. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP NGÀNH DU LỊCH NƯỚC TA ĐÓN NHẬN CƠ HỘI VÀ ĐỐI PHÓ VỚI THÁCH THỨC TỪ TPP Theo thường lệ, sau khi kết thúc đàm phán, các nước thành viên sẽ có khoảng một năm rưỡi để tiến hành rà soát pháp lý chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và trình Nghị viện/ Quốc hội các nước thành viênthông qua.Như vậy, thời gian từ nay cho tới khi TPP có hiệu lực không còn nhiều. Do đó, ngành du lịch nói riêng và Chính phủ cùng các ban ngành hữu quan cũng như cộng đồng dân cư địa phương cần khẩn trương có những bước chuẩn bị cần thiết và gấp rút để du lịch nước ta sẵn sàng tham gia TPP. Việc chuẩn bị cần tập trung vào các vấn đề sau đây: 3.1. Đối với Chính phủ và các ban ngành hữu quan Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa về thông tin thị trường, về vai trò đầu mối liên kết giữa các ban ngành hữu quan với khách du lịch, về chính sách vốn, thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, cho các doanh nghiệp du lịch trong nước để tạo động lực thu hút khách du lịch quốc tế; Quốc hội cần xem xét, rà soát và sớm sửa đổi Luật Du lịch sao cho phù hợp với các cam kết trong TPP, đồng thời góp phần tạo lập môi trường pháp lý ổn định để thúc đẩy phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới; Các ban ngành hữu quan trong cả nước cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong tham gia phát triển ngành du lịch. Với chức năng quản lý nhà nước của mình, ngành Giáo dục cần có hỗ trợ về nguồn nhân lực du lịch, ngành Hải quan về giải quyết thủ tục nhập cảnh cho khách, ngành Công an cần có sự hỗ trợ về an ninh, an toàn đối với khách, để ngành Du lịch nước ta vững vàng trước áp lực cạnh tranh gay gắt sắp tới. 3.2. Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về TPP và tác động của TPP đến ngành du lịch cho các đối tượng có liên quan, để từ đó mỗi đối tượng đều biết, hiểu và tiến tới là chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện nguồn lực khi Việt Nam chính thức tham gia TPP; Định hướng rõ thị trường khách, loại hình du lịch MICE, du lịch thương nhân và sản phẩm du lịchcụ thể cho các thị trường khách này; đồng thời tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin về đặc điểm các thị trường kháchdu lịch MICE, khách du lịch thương nhân của các quốc gia nội khối TPP để các doanh nghiệp du lịch nước ta chủ động chuẩn bị tốt các điều kiệnkhai thác cơ hội dòng khách nội khối dịch chuyển vào nước ta; Tiếp tục định hướng và tư vấn quy hoạch, triển khai quy hoạch nhằm phát triển các điểm du lịch phù hợp cho khai thác loại hình du lịch MICE, du lịch thương nhân tương ứng với sự gia tăng cả về quy mô và mật độ khách; Tư vấn chuyên môn cho các địa phương trong thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp có khả năng tổ chức sự kiện hội họp với quy mô lớn và cung cấp dịch vụ chất lượng cao) nhằm thu hút khách, đặc biệt là thị trường khách có nhu cầu và sức chi trả cao; 607
  10. Tăng cường phát triển và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia nói chung và các điểm đến du lịch MICE nói riêng để thúc đẩy cơ hội đăng cai tổ chức các hội thảo, hội nghị trong nội khối cũng như góp phần thúc đẩy các thương nhân tìm đến đầu tư tại Việt Nam; Tăng cường phối kết hợp với các bộ ban ngành hữu quan như ngành Hải quan, Giao thông, Thương mại, Giáo dục, để nhận được sự hỗ trợ thiết thực và tích cực từ phía các cơ quan chức năng nhằm sẵn sàng đón nhận cơ hội và đương đầu với các thách thức khi TPP có hiệu lực; Tạo lập môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách; nghiên cứu phát triển đội ngũ “cảnh sát du lịch” hay thành lập “tòa án du lịch”, lắp đặt hệ thống camera an ninh du lịch tại các điểm du lịch trọng điểm để khách yên tâm đến Việt Nam. 3.3. Đối với các Hiệp hội ngành nghề du lịch Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, các Hiệp hội ngành nghề du lịch cần phải phát huy tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp du lịch địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong nước để có những chuẩn bị cần thiết khi TPP có hiệu lực. Trong phạm vi hoạt động của mình, các Hiệp hội ngành nghề du lịch cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn, giao lưu và chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp thành viên. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng hội nhập; Bên cạnh đó, Hiệp hội ngành nghề du lịch cũng cần làm tốt vai trò cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch MICE, du lịch thương nhân đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp du lịch nước ngoài, góp phần giúp ngành du lịch nước ta không bị “thua ngay trên sân nhà”. 3.4. Đối với các doanh nghiệp du lịch Định hướng rõ thị trường khách, hướng tới mục tiêu chất lượng và hiệu quả khai thác khách thay vì mục tiêu số lượng khách như trước đây; Nâng cao năng lực cạnh tranh vốn, nhân lực, công nghệ, bằng cách tận dụng các chính sách hỗ trợ đào tạo, huy động vốn từ phía Nhà nước; thay đổi thói quen trong quản lý và sử dụng nhân lực, chú trọng xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, thuận lợi cho người lao động; tăng cường tổ chức đào tạo và tạo điều kiện để người lao động nâng cao được trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp trong công việc; có chính sách đãi ngộ nhân lực hợp lý, tuân thủ các cam kết trong quan hệ lao động để thu hút và gìn giữ nhân tài; chủ động liên doanh, liên kết, mạnh dạn tái đầu tư, sáng suốt lựa chọn nguồn huy động tối ưu; đầu tư công nghệ có trọng điểm và lựa chọn hợp lý; Tăng cường liên kết tạo sản phẩm hấp dẫn, chú trọng các sản phẩm phục vụ phân đoạn thị trường khách MICE, khách thương nhân; các sản phẩm du lịch bền vững và có trách nhiệm. 3.5. Đối với cộng đồng dân cư địa phương Dân cư địa phương cũng là một thành tố tham gia và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động du lịch.Họ không chỉ góp vai là khách du lịch, tham gia cung cấp dịch vụ du lịch mà thái độ, hình ảnh, tình cảm, của họ còntác động trực tiếp đến hình ảnh du lịch quốc gia, điểm đến. Do đó: Mỗi địa phương cần tăng cường giáo dục ý thức, trách nhiệm cho người dân đối với hoạt động du lịch với các tư cách khác nhau; Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức lợi ích từ du lịch, tác động tích cực của TPP đến du lịch để thay đổi tư duy và hành động có trách nhiệm hơn với môi trường sống, với cộng đồng và với khách du lịch quốc tế. 608