Giải pháp đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn Sông Mã, tỉnh Sơn La

pdf 7 trang Gia Huy 18/05/2022 1510
Bạn đang xem tài liệu "Giải pháp đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn Sông Mã, tỉnh Sơn La", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiai_phap_day_manh_phat_trien_thuong_hieu_san_pham_nhan_song.pdf

Nội dung text: Giải pháp đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn Sông Mã, tỉnh Sơn La

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM NHÃN SÔNG MÃ, TỈNH SƠN LA Phạm Thị Vân Anh Khoa Kinh tế - Trường Đại học Tây Bắc Email: vananhpt@utb.edu.vn Tóm tắt: Cây nhãn là cây ăn quả chủ lực đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân huyện Sông Mã. Những năm vừa qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành của huyện, tỉnh, sự quyết tâm đồng lòng của lãnh đạo các hợp tác xã và người dân. Đến nay, sản phẩm Nhãn Sông Mã đã xây dựng được thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận. Tuy nhiên, để có chỗ đứng vững chắc, xuất khẩu bền vững được sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu chất lượng khắt khe, việc đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn là hết sức quan trọng và cần thiết. Qua nghiên cứu thực trạng phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, tác giả đã đề xuất được năm nhóm giải pháp cơ bản để đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn, từ đó góp phần phát triển kinh tế của huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Từ khoá: Nhãn Sông Mã, thương hiệu, xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sông Mã là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, cách trung tâm thành phố Sơn La 110 km, có diện tích đất tự nhiên là 163.922,3 ha [1]. Huyện Sông Mã nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, đất đai rộng lớn, màu mỡ, nguồn lao động dồi dào, khí hậu phù hợp cho phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: nhãn, xoài và các loại cây có múi, Cây nhãn được người dân từ tỉnh Hưng Yên đi xây dựng kinh tế mới mang lên trồng ở huyện Sông Mã từ những năm 1960. Ban đầu, cây nhãn được trồng mang tính chất tự phát, chủ yếu ở các bản ven 2 bờ Sông Mã thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, nơi có người dân Hưng Yên sinh sống. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, với lợi thế đất pha cát bồi từ dòng Sông Mã, khí hậu nóng ẩm rất thích hợp cho cây nhãn phát triển, người dân Sông Mã đã chú trọng đầu tư lựa chọn giống tốt, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên quả nhãn Sông Mã đã có sự khác biệt với nhãn nhiều nơi khác. Chất lượng quả to, vỏ mỏng, cùi dày, hạt nhỏ và đặc biệt ngọt dịu, thơm ngon được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Đến nay, huyện Sông Mã đã đạt diện tích hơn 7.000 ha nhãn, sản lượng khoảng 40.000 tấn [2], lớn hơn diện tích nhãn tỉnh Hưng Yên và trở thành vùng trồng lớn nhất cả nước. Bước đầu, thương hiệu Nhãn Sông Mã đã được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đón nhận. Thị trường xuất khẩu của Nhãn Sông Mã đã được mở rộng sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tuy nhiên, để Nhãn Sông Mã có chỗ đứng vững chắc, xuất khẩu bền vững được sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu chất lượng khắt khe như EU, việc phát triển bền vững thương hiệu là hết sức quan trọng và cần thiết. Khi thương hiệu mạnh, nhãn sẽ dễ dàng mở rộng được thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo cuộc sống cho người trồng nhãn, góp phần phát triển kinh tế của huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Tác giả tiếp cận vấn đề nghiên cứu dựa trên các lý thuyết về thương hiệu, lý thuyết về quản trị thương hiệu nói chung và phát triển thương hiệu nói riêng. Tiếp cận nghiên cứu từ thực tiễn tại các đối tượng cung ứng sản phẩm nhãn như các Hợp tác xã, các hộ nông dân trồng nhãn và đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Sông Mã. Cụ thể, đã điều tra khảo sát bằng Bảng hỏi đối với 10 đồng chí là lãnh đạo các HTX trồng nhãn và 30 hộ nông dân trồng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã từ ngày 10/7/2020 đến ngày 20/7/2020 để thu thập được các số liệu thực tế về thực trạng phát triển thương hiệu Nhãn Sông Mã. Dữ liệu sau khi thu thập được sẽ sử dụng các phương pháp: phân tích, tổng hợp, thống kê và so sánh để xử lý. Ngoài ra, tác giả đã đi thực tế tại địa phương để quan sát một số quá trình từ chăm bón, thu hoạch, chế biến nhãn, Để từ đó nhận định được đúng thực trạng phát triển thương hiệu sản phẩm Nhãn Sông Mã.
  2. Giải pháp đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn Sông Mã, tỉnh Sơn La 435 3. KHÁI QUÁT VỀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM Nghiên cứu thị trường, xác định Tổ chức xây dựng thương hiệu rõ đối tượng khách hàng mục bằng cách không ngừng nâng tiêu cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng Thiết kế định vị thương hiệu cho sản phẩm trong một chiến Nhà nước hỗ trợ để lược marketing tổng thể nhằm các thương hiệu Việt vào khách hàng mục tiêu Nam đứng vững trên Xây dựng mạng lưới phân phối thị trường trong nước đưa thương hiệu đến với người và quốc tế, thông qua: tiêu dùng - Cơ chế chính sách. - Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản thương hiệu. phẩm (hàng hoá/dịch vụ) - Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc Quảng bá thương hiệu, thông tin gia. sản phẩm, thuyết phục người tiêu dùng một cách có hiệu quả - Tăng cường cơ chế thực thi bảo hộ Thương hiệu thương hiệu, chống bền vững hàng nhái, hàng giả. Không ngừng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu Quảng cáo và chăm sóc người tiêu dùng khách hàng Tác động tích cực tới nhận thức của Khách hàng trong và ngoài nước. Tạo dựng một phong cách khác biệt của Thương hiệu Đối tượng tiêu dùng chấp nhận, gắn bó và phổ biến thương hiệu Sơ đồ 1. Mô hình xây dựng và phát triển thương hiệu (Nguồn: [7]) Khái niệm về thương hiệu đã xuất hiện cách đây hàng thế kỷ với ý nghĩa để phân biệt sản phẩm hàng hóa cùng loại giữa các nhà sản xuất. Ở Việt Nam, khái niệm thương hiệu thường được hiểu là nhãn hiệu hàng hóa. Nhưng trong thực tế, thuật ngữ thương hiệu được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Theo đó, nó có thể được hiểu là bất kỳ cái gì được gắn liền với sản phẩm hoặc dịch vụ để giúp nhận diện dễ dàng hơn và thậm chí tìm được sự khác biệt hóa so với các sản phẩm hàng hóa cùng loại khác.
  3. 436 Phạm Thị Vân Anh Những lợi ích mà thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp có thể kể đến như: thu hút, duy trì và gia tăng được lượng khách hàng trung thành, từ đó mở rộng thị phần và cho phép sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn. Khi đã phát triển mức độ trung thành của khách hàng đối với thương hiệu, doanh nghiệp có thể duy trì mức giá cao thay vì liên tục giảm giá để thu hút khách hàng. Thương hiệu cũng giúp tạo được sự bền vững về mặt vị thế cạnh tranh. Xây dựng, duy trì và phát triển được thương hiệu nổi tiếng là một phương thức phòng vệ hữu hiệu nhất của doanh nghiệp. Khi thương hiệu thành công sẽ ngăn cản các đối thủ cạnh tranh cũng như các thương hiệu khác xâm nhập vào thị trường hiện có của thương hiệu đó. Những lợi ích mà thương hiệu mang lại cho khách hàng, đó là: Thương hiệu xác định nguồn gốc sản phẩm hoặc nhà sản xuất của một sản phẩm và giúp khách hàng xác định nhà sản xuất cụ thể hoặc nhà phân phối nào phải chịu trách nhiệm. Là công cụ giúp khách hàng quyết định nhanh chóng việc mua sắm - họ không phải suy nghĩ nhiều hoặc tìm kiếm, xử lý nhiều thông tin để ra quyết định về tiêu dùng sản phẩm. Thương hiệu còn giúp khách hàng giảm bớt chi phí tìm kiếm sản phẩm, là hình thức tự khẳng định hình ảnh của người sử dụng. Tóm lại, thương hiệu giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc báo hiệu những đặc điểm và thuộc tính của sản phẩm tới người tiêu dùng, giúp họ giảm được rủi ro khi quyết định mua và sử dụng sản phẩm. Quy trình xây dựng và phát triển thương hiệu được thể hiện qua Sơ đồ 1. Xây dựng thương hiệu là một quá trình biến một tổ chức, sản phẩm, dịch vụ trở nên nổi tiếng hơn, được nhiều khách hàng biết đến hơn, tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng thông qua các yếu tố quan trọng như hình ảnh thương hiệu, chiến lược truyền thông thương hiệu. Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, xây dựng thương hiệu đã khó, phát triển nó - và hơn thế nữa - để luôn là thương hiệu mạnh, lại càng khó hơn rất nhiều. Thương hiệu cần phải được quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo uy tín và hình ảnh thương hiệu không ngừng được nâng cao. Muốn vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải: Xây dựng được mạng lưới phân phối đưa thương hiệu đến với người tiêu dùng; Không ngừng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; Tạo được sự khác biệt của sản phẩm, dịch vụ so với đối thủ cạnh tranh; Đẩy mạnh quảng cáo và chăm sóc khách hàng, giữ gìn mối quan hệ mật thiết với khách hàng, tạo nên ấn tượng tốt trong suy nghĩ của khách hàng với thương hiệu và tạo các rào cản nhất định để bảo hộ thương hiệu, tránh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, tránh sự nhầm lẫn, gây khó hiểu của các thương hiệu gần giống. 3. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM NHÃN SÔNG MÃ * Thực trạng về diện tích, sản lượng nhãn của huyện Sông Mã Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Sông Mã, tính đến tháng 6 năm 2020, diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn huyện là 9.706 ha [3]. Trong đó diện tích nhãn có 7.114 ha, chiếm 73 % - là cây ăn quả chủ lực của huyện [3]. Cây nhãn được trồng rải rác trên địa bàn 19 xã, thị trấn của huyện song diện tích nhãn lớn nhất tập trung chủ yếu ở các xã dọc Sông Mã như: Chiềng Khương, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Yên Hưng, Chiềng Sơ, Mường Lầm. 12% 15% [PERCENTAGE] Nhãn Xoài Khác Biểu đồ 1. Tỷ lệ diện tích cây ăn quả của huyện Sông Mã (tháng 6/2020) (Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Sông Mã)
  4. Giải pháp đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn Sông Mã, tỉnh Sơn La 437 Về sản lượng, nhãn quả tươi năm 2019 đạt gần 40.000 tấn (tăng gần 6.000 tấn so với năm 2016), sản lượng xoài đạt 1.976 tấn, cây ăn quả khác đạt 2.500 tấn [3]. [PERCENTAGE] [PERCENTAGE] [PERCENTAGE] Nhãn Xoài Cây ăn quả khác Biểu đồ 2. Tỷ lệ sản lượng cây ăn quả của huyện Sông Mã (tháng 12/2019) (Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Sông Mã) Như vậy, nhìn vào 2 biểu đồ trên, có thể thấy cây nhãn là loại cây có diện tích và sản lượng cao nhất trong các loại cây ăn quả của huyện Sông Mã - là cây ăn quả đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân của huyện. * Thực trạng về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Nhãn Sông Mã Về giống cây trồng và chất lượng nhãn: Thời điểm trước năm 2010, trên địa bàn huyện giống nhãn chủ yếu được trồng là nhãn cùi và nhãn nước có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên. Những năm sau đó, nhiều cây bị thoái hóa giống, quả nhỏ, chất lượng kém, khó chế biến và tiêu thụ, giá trị thu nhập thấp. Để giúp người dân từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu giống nhãn, thời vụ thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Năm 2010, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn THM - 1 nhãn chín muộn, giống nhãn PHM 99 - 11 và nhãn Hương chi, các mô hình trên đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Mô hình ghép nhãn chín muộn bắt đầu được nhân rộng trên địa bàn, đến nay diện tích nhãn ghép khoảng trên 4.500 ha (chiếm 63,3 %), năng suất bình quân 10 - 12 tấn/ha, giá nhãn bình quân 15.000 - 20.000 đồng/kg, giá trị thu nhập trên 200 triệu đồng/ha [4]. Do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho cây nhãn phát triển nên chất lượng nhãn quả tươi được người tiêu dùng đánh giá cao khi có hương vị thơm ngon, vỏ mỏng, cùi dày, hạt bé, độ ngọt cao (brix đạt 19+). Chất lượng long nhãn cũng được khẳng định qua màu sắc đẹp, giữ được vị ngọt thơm của nhãn, các HTX đa phần đều xuất bán được hết sản phẩm ngay sau khi kết thúc mùa nhãn [4]. Về quy trình sản xuất: Để sản phẩm quả đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu huyện Sông Mã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, thâm canh cây ăn quả theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Hướng dẫn nhân dân lựa chọn, đăng ký cơ sở tham gia sản xuất quả theo quy trình VietGAP. Tổ chức giám sát cho các hộ tham gia sản xuất quả nhãn theo quy trình VietGAP quy định bắt buộc trong sản xuất an toàn. Hiện nay các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Sông Mã đã từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản sản xuất nông nghiệp như áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP vào lĩnh vực trồng trọt, để sản xuất ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đến nay đã có 31/50 HTX sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích là 343,19 ha (chiếm gần 10 % tổng diện tích), sản lượng quả đạt trên 3 nghìn tấn [2]. Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây ăn quả theo nguyên tắc 4 đúng đảm bảo chất lượng an toàn hiệu quả, thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển đi xử lý, nhằm bảo vệ môi trường.
  5. 438 Phạm Thị Vân Anh Về hình thức tiêu thụ: Tiêu thụ chủ yếu là quả tươi chiếm khoảng 67 % tổng sản lượng ra thị trường trong nước và xuất khẩu; 33 % tổng sản lượng chế biến thành long nhãn [2]. Về bảo quản, chế biến quả: Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 600 cơ sở, hộ gia đình chế biến long nhãn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, chế biến theo mùa vụ. Trong đó, một số HTX và hộ gia đình đã áp dụng đưa công nghệ sấy long nhãn bằng lò hơi tiên tiến đảm bảo an toàn thực phẩm (chiếm khoảng 50 %) [2]. Về thị trường tiêu thụ: Theo báo cáo năm 2019 của Phòng Nông nghiệp huyện Sông Mã, nhãn được tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm khoảng 56 % (tương ứng với khoảng 22.160 tấn), xuất khẩu chiếm khoảng 11 % (tương ứng với khoảng 4.520 tấn), chế biến khoảng 33 % (tương ứng với khoảng 13.320 tấn) [3]. Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh phía Nam. Huyện đã có nhiều hoạt động liên kết với các Tập đoàn, các doanh nghiệp, chợ đầu mối nông sản giúp HTX tiêu thụ sản phẩm nhãn. Đã có nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: HTX Bảo Minh liên kết với Siêu thị VinCom Tập đoàn VinGOP, HTX Hoàng Tuấn đã đưa mặt hàng nông sản ứng dụng công nghệ cao của huyện tham gia Hội chợ thương mại Hà Nội, Lào Cai, Siêu thị Big C, Công ty TNHH Tâm Hữu Dũng, [4]. Thị trường nước ngoài chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, UAE, Mỹ, Campuchia. Đã đánh giá cấp 03 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang Úc diện tích 26,35 ha. Cấp mã vùng trồng sang thị trường khó tính được 9 mã với diện tích 42,5 ha, sản lượng trên 600 tấn. Cấp mã vùng trồng Trung Quốc được 16 mã với diện tích 951,4 ha. 11% 33% 56% Xuất khẩu Trong nước Chế biến Biểu đồ 3. Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm nhãn Sông Mã tại các thị trường (tháng 12/2019) (Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Sông Mã) Nhằm nâng cao giá trị cho cây nhãn, giới thiệu sản phẩm Nhãn Sông Mã đến với người tiêu dùng trong cả nước, năm 2016 và 2017 huyện Sông Mã đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã cho sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã - Sơn La”. Ngày 21/6/2017 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã”. Từ năm 2017 đến nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La, Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã, Sở Công thương, Phòng Nông nghiệp huyện đều phối hợp tổ chức hoạt động Ngày hội nhãn thường niên vào khoảng tháng 7 hàng năm nhằm xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm nhãn. Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu Nhãn Sông Mã đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của UBND huyện, sự phối hợp của các cơ quan ban ngành trong huyện, trong tỉnh, sự quyết tâm đồng lòng của lãnh đạo các hợp tác xã và người dân. Đến nay, Nhãn Sông Mã đã xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường và được nguời tiêu dùng đón nhận. Thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài được mở rộng dần qua các năm. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu nhãn Sông Mã còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: - Tỷ lệ hộ nông dân tham gia vào HTX chiếm khoảng 80%, số còn lại hoạt động tự do dẫn tới việc khó khăn trong kiểm soát chất lượng, giá bán sản phẩm nhãn [4].
  6. Giải pháp đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn Sông Mã, tỉnh Sơn La 439 - Sản lượng nhãn quả đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP mới chỉ triển khai được khoảng 10 % diện tích trồng nhãn. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Thời vụ thu hoạch tập trung chủ yếu vẫn vào cuối tháng 5 đến hết tháng 7. Giá nhãn đầu vụ rất cao từ mức khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi chính vụ chỉ xoay quanh tầm 10.000 - 15.000 đồng/kg, chưa thật sự đem lại hiệu quả kinh tế tốt [4]. - Khoảng cách địa lý từ Sông Mã - Sơn La tới các cảng biển và cảng hàng không còn quá lớn. Các kênh vận tải chính vẫn là đường bộ và đường thuỷ với hai hệ thống Sông Đà - Sông Mã dẫn tới chi phí vận chuyển cao, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. - Cơ sở sơ chế và chế biến nhãn quả tươi để xuất khẩu chưa có. Do nhãn thu hoạch mang tính thời vụ - không phải quanh năm nên nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư. Nhãn tươi xuất khẩu vẫn dưới dạng thô - thu hái tại vườn, còn khâu sơ chế, bảo quản để vận chuyển vẫn do phía mua đảm nhận nên giá bán không cao. - Sản phẩm từ nhãn còn chưa phong phú, mới chỉ có 2 loại là nhãn quả tươi và long nhãn [4]. - Hầu hết các Hợp tác xã vẫn chưa có bao bì, nhãn mác cho sản phẩm của mình. Toàn huyện duy nhất mới chỉ có HTX Bảo Minh là có bao bì, nhãn mác riêng và sản phẩm long nhãn của HTX đạt chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao [4]. 4. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM NHÃN SÔNG MÃ Sản phẩm Nhãn Sông Mã của tỉnh Sơn La đã xây dựng được thương hiệu, bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên để thương hiệu nhãn phát triển bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, thực sự là cây ăn quả chủ lực của huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, thời gian tới, cần chú trọng tới một số giải pháp sau: Thứ nhất, cần xác định chất lượng là yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chính vì vậy, cần triển khai thực hiện trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic, tới tất cả các hợp tác xã, các hộ nông dân. Sản phẩm đạt các tiêu chuẩn này sẽ tạo sự an tâm cho người tiêu dùng về chất lượng. Đây được coi như tấm vé thông hành để sản phẩm nhãn của huyện lưu hành trên toàn quốc và xuất khẩu. Cần tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của các tiêu chuẩn này. Khuyến khích các hộ nông dân chưa tham gia vào HTX tham gia vào HTX để việc quản lý chất lượng được đồng bộ, hiệu quả. Thứ hai, chú trọng nhiều hơn tới hoạt động chế biến nhãn quả tươi thành long nhãn. Đây là giải pháp giúp giải quyết vấn đề nhãn tươi không thể tiêu thụ hết ngay nếu sản lượng quá lớn hoặc gặp các rủi ro từ phía thu mua nhãn tươi, rủi ro do vận chuyển, thiên tai, dịch bệnh. Ví dụ như mùa nhãn năm 2020 vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa bị đình trệ, sản lượng nhãn tươi xuất khẩu giảm mạnh, việc chế biến nhãn tươi thành long nhãn vừa làm tăng giá trị sản phẩm lại giúp tránh được tình trạng nhãn hỏng, thối do không tiêu thụ hết. Khuyến khích các HTX, hộ sản xuất chế biến chuyển đổi công nghệ sấy long từ lò than sang lò hơi để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh bán nhãn quả tươi, long nhãn, các doanh nghiệp, HTX có thể nghiên cứu đa dạng hóa sang các sản phẩm khác như: nước ép nhãn, nhãn sấy dẻo nguyên quả, Thứ ba, hỗ trợ, khuyến khích các HTX làm bao bì cho sản phẩm của mình, thể hiện được sự chuyên nghiệp, khẳng định được chất lượng, để người tiêu dùng an tâm hơn khi mua sản phẩm. Dần dần từng bước xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhãn quả tươi và long nhãn. Đẩy mạnh sản xuất quả nhãn theo hướng trái vụ, rải vụ nhằm đẩy mạnh kéo dài mùa vụ thu hoạch, giảm được tình trạng rớt giá vào giữa vụ. Thứ tư, thúc đẩy phát triển mạng lưới bán hàng, quảng cáo, đưa thương hiệu và sản phẩm đến với khách hàng. Nhấn mạnh vào sự khác biệt về hương vị thơm ngon của nhãn Sông Mã do điều kiện thổ nhưỡng đem lại mà nơi khác ít có được. Bên cạnh thúc đẩy và tìm kiếm thị trường xuất khẩu, cần chú trọng tới thị trường tiêu thụ trong nước, đảm bảo mức tiêu thụ ổn định, giảm thiểu được rủi ro. Thứ năm, huyện cần tiếp tục quảng bá xây dựng thương hiệu, tổ chức nhiều hơn các hoạt động kết nối xúc tiến thương mại cho nông sản để thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cần thiết phải có ít nhất một cơ sở chế biến quả tươi, ít nhất một hệ thống kho lạnh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. 5. KẾT LUẬN Trong nền kinh tế thị trường, sự thành công hay thất bại của một sản phẩm hay doanh nghiệp phụ thuộc vào quá trình xây dựng và phát triển của chính thương hiệu sản phẩm/doanh nghiệp đó. Xây dựng được thương hiệu chỉ là bước khởi đầu, còn phát triển thương hiệu bền vững là cả một quá trình lâu dài đầy khó khăn và thách thức. Qua nghiên cứu thực trạng phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, tác giả đã đề
  7. 440 Phạm Thị Vân Anh xuất được năm nhóm giải pháp cơ bản để đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn. Hy vọng đây sẽ là những giải pháp thiết thực, có giá trị để trong tương lai không xa, sản phẩm Nhãn Sông Mã sẽ trở thành một thương hiệu trái cây mạnh của tỉnh Sơn La - vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản các năm 2017, 2018, 2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La. [2]. Báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã các năm 2017, 2018, 2019, 2020, Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã. [3]. Báo cáo diện tích, sản lượng nhãn các năm 2017, 2018, 2019, Phòng Nông nghiệp huyện Sông Mã. [4]. Báo cáo khảo sát điều tra Hợp tác xã, hộ nông dân trồng nhãn (tháng 7/2020), ThS. Phạm Thị Vân Anh, Khoa Kinh tế, Đại học Tây Bắc. [5]. Phạm Thị Lan Hương (2014), Quản trị thương hiệu, Nhà xuất bản Tài chính. [6]. Trần Đình Lý (2012), Xây dựng và phát triển thương hiệu xoài cát Hoà Lộc - Cái Bè - Tiền Giang, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Huế. [7]. Lê Xuân Tùng (2005), Xây dựng và phát triển thương hiệu, NXB Lao động - Xã hội. SOLUTIONS TO PROMOTE THE DEVELOPMENT OF LONGAN BRAND IN SONG MA, SON LA Pham Thi Van Anh Faculty of Ecomomics- Taybac University Email: vananhpt@utb.edu.vn Abstract: Longan is the main fruit tree providing a great source of income for people in Song Ma district. Due to the attention of authorities at all levels, departments of the district and province, the unanimous determination of the leaders of cooperatives and the people in in recent years, Longans from Song Ma have built a brand and well received by domestic and foreign consumers. However, in order to obtain a firm foothold and export the products sustainably to markets, especially those with strict quality requirements, the promotion of branding the products is very important and necessary. Through researching the current status of brand development of longans in Song Ma district, Son La province, the author has proposed five groups of basic solutions to promote the development of longan brand, contributing to the economy development of Song Ma district in particular and Son La province in general. Keywords: Song Ma’s longan, branding, brand developping.