Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An

pdf 7 trang Gia Huy 23/05/2022 1350
Bạn đang xem tài liệu "Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiai_phap_han_che_rui_ro_tin_dung_tai_ngan_hang_nong_nghiep.pdf

Nội dung text: Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 GIẢI PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM CHI NHÁNH HUYỆN TÂN THẠNH, TỈNH LONG AN Credit risk restricting solutions at the Vietnamese bank for Agriculture and Rural Development branch of Tan Thanh district, Long An province 1 Nguyễn Thị Trà My 1 Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, Long An, Việt Nam tramynguyen2020@gmail.com Tóm tắt — Hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và Agribank nói riêng đang trong quá trình hoàn thiện để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và quan trọng hơn là để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro. Đây là vấn đề lớn và phức tạp, là yêu cầu cấp bách trong quản lý kinh doanh ngân hàng hiện nay. Trong phạm vi nghiên cứu hẹp của tác giả, giới hạn trong phạm vi rủi ro tín dụng của Agribank Tân Thạnh trong giai đoạn 2018 - 2019, nghiên cứu đã tập trung giải quyết các vấn đề chủ yếu: (i) Tổng hợp những lý luận cơ bản về tín dụng và rủi ro tín dụng tại các NHTM hiện nay, nghiên cứu đã trình bày rõ những khái niệm, đặc điểm, phân loại, nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng; các chỉ tiêu đo lường, đánh giá rủi ro tín dụng cũng như các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng; (ii) Phân tích, đánh giá thực trạng rủi ro tín dụng của Agribank Tân Thạnh trong giai đoạn 2018 - 2019, các nguyên nhân rủi ro tín dụng cũng như các hạn chế còn tồn tại tại Agribank Tân Thạnh; và (iii) Đề ra những giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Agribank Tân Thạnh để nâng cao hiệu quả tín dụng và mang lại lợi nhuận cho Chi nhánh trong thời gian tới. Abstract — The Vietnamese banking system in general and Agribank in particular have been in the perfecting process to conform to international standards and, more importantly, to improve operational efficiency and reduce risks. This is a large and complex issue, an urgent requirement in the current banking business management. In the narrow research scope of the thesis topic, limited to the credit risk scope of Agribank Tan Thanh in the period of 2018 - 2019, the study has focused on solving major issues: (i) Synthesizing the basic theories about credit and credit risks at the current commercial banks, the study has clearly presented the concepts, characteristics, classification, and the causes of credit risks; measuring criteria, assessing credit risks as well as measures to limit credit risks; (ii) Analyzing and assessing the current credit risk situation of Agribank Tan Thanh in the period of 2018 - 2019, the causes of credit risks as well as the remaining limitations that exist at Agribank Tan Thanh; and (iii) Proposing solutions and recommendations to limit credit risks at Agribank Tan Thanh to improve credit efficiency and bring profits to the Branch in the coming time. Từ khóa — Rủi ro tín dụng, Agribank Tân Thạnh, Credit risk. 1. Giới thiệu Hoạt động kinh doanh ngân hàng vốn chứa đựng rất nhiều rủi ro như rủi ro thị trường, rủi ro tác nghiệp, rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, song rủi ro thường trực và có tác động lớn đến sự ổn định và phát triển của ngành ngân hàng là rủi ro tín dụng. Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm hạn chế rủi ro tín dụng luôn được các nhà quản trị, điều hành của các ngân hàng quan tâm. Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động tín dụng là hoạt động cơ bản của đa số ngân hàng, đem lại nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, vấn đề mà các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt là rủi ro tín dụng. Rủi ro tín dụng (RRTD) gây ra tổn thất về tài chính, giảm lợi nhuận thậm chí nếu nghiêm trọng hơn có thể làm cho ngân hàng phá sản, nó ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển ổn định, bền vững của mỗi tổ chức tín dụng, của hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế, thực tế đã chứng minh điều đó. Trong những năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống Ngân hàng Thương mại (NHTM) Việt Nam nói riêng hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Bên cạnh 56
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 những thuận lợi đạt được cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến động khôn lường của nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cũng không ngoại lệ, môi trường ngành ngân hàng chịu sự cạnh tranh gay gắt, tình hình nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng và nhiều nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Mặc dù, chất lượng quản trị rủi ro tín dụng Agribank Tân Thạnh đã được cải thiện đáng kể qua từng năm, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục giải quyết. Vì vậy việc nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng quản trị rủi ro tín dụng và đề xuất các giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao nhằm hạn chế rủi ro tín dụng, góp phần phát triển kinh doanh bền vững là một yêu cầu cấp thiết đối với Agribank Tân Thạnh. 2. Lý luận về rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng 2.1. Khái niệm về rủi ro tín dụng Khoản 01 Điều 3 Thông tư số 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, rủi ro tín dụng được định nghĩa như sau: “Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết”. 2.2. Nguyên nhân rủi ro tín dụng Nhóm nguyên nhân khách quan: Nguyên nhân khách quan gây tác động và ảnh hưởng trên bình diện rộng do sự biến động của môi trường kinh tế (nội địa, toàn cầu); những bất cập trong cơ chế, chính sách của nhà nước; hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng chưa hoàn thiện; những nguyên nhân bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, ). Nhóm nguyên nhân thuộc về người đi vay: Tình hình sản xuất kinh doanh thiếu ổn định; tình hình tài chính không tốt; công tác quản lý kinh doanh còn hạn chế; thái độ thiếu thiện chí và bất hợp tác của người đi vay; người đi vay sử dụng vốn sai mục đích, không có thiện chí trong việc trả nợ vay. Tình hình tài chính doanh nghiệp yếu, thiếu minh bạch. Quy mô nguồn vốn chủ sở hữu nhỏ bé, cơ cấu tài chính thiếu cân đối là đặc điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Công tác quản lý tài chính kế toán còn tùy tiện, thiếu đồng bộ, mang tính đối phó làm cho thông tin ngân hàng có được không chính xác, mang tính hình thức. Do đó, khi cán bộ ngân hàng lập các bản phân tích tài chính của doanh nghiệp dựa trên số liệu do các doanh nghiệp cung cấp thường thiếu tính thực tế và sai lệch nhiều, rủi ro xảy ra là lẽ đương nhiên. Nhóm nguyên nhân thuộc về ngân hàng cho vay: Chính sách tín dụng chưa hợp lý, chưa nêu cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động tín dụng, chưa xác định đúng quy mô và tốc độ tăng trưởng của tín dụng; chưa có chính sách khách hàng hợp lý. Chưa linh hoạt trong lãi suất và ưu đãi lãi suất, chưa đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp tín dụng, chưa có chiến lược cạnh tranh và marketing hợp lý. Quá cứng nhắc trong việc xác định và kiểm soát hạn mức tín dụng; quy trình cho vay có nhiều kẽ hở bị khách hàng lợi dụng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tín dụng còn hạn chế, đạo đức kinh doanh chưa tốt. 2.3. Sự cần thiết phải tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại RRTD là một trong những vấn đề mà tất cả các NHTM phải đương đầu. Phòng ngừa hạn chế RRTD là vấn đề khó khăn, phức tạp bởi lẽ RRTD mang tính tất yếu khách quan, luôn gắn liền với hoạt động tín dụng, đồng thời lại rất đa dạng phức tạp, RRTD thường khó kiểm soát và dẫn đến những thiệt hại, thất thoát về vốn và thu nhập của ngân hàng. Nếu như hoạt động phòng ngừa hạn chế RRTD được thực hiện tốt thì sẽ đem lại những lợi ích cho ngân hàng như: giảm chi phí, nâng cao được thu nhập, bảo toàn vốn cho NHTM, tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền và nhà đầu tư; tạo tiền đề để mở rộng thị trường và tăng uy tín, vị thế, hình ảnh, thị phần cho ngân hàng. 57
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 Hoạt động phòng ngừa hạn chế RRTD tốt sẽ đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế. Trong thời đại hiện nay, các định chế tài chính có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nếu như một NHTM gặp vấn đề thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các ngân hàng khác. Vì vậy, quản trị RRTD đem lại sự an toàn, ổn định cho thị trường. Do vốn chủ sở hữu của ngân hàng so với tổng giá trị tài sản là rất nhỏ nên chỉ cần một tỷ lệ nhỏ danh mục cho vay có vấn đề sẽ đẩy một ngân hàng tới nguy cơ phá sản. Đặc biệt, với những khoản vay của doanh nghiệp do thường có giá trị lớn nên tổn thất xảy ra nếu khoản vay không thu hồi được sẽ gây thiệt hại tới ngân hàng hết sức nặng nề. 3. Thực trạng rủi ro tín dụng tại Agribank Tân Thạnh giai đoạn 2017 – 2019 3.1. Nợ quá hạn trên tổng dư nợ Cho vay là nghiệp vụ sinh lời chủ yếu của Agribank Tân Thạnh, hiệu quả của hoạt động này có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của NH. Do đó, rủi ro tín dụng luôn là vấn đề quan tâm của NH. Bằng việc tìm kiếm những loại hình đầu tư vừa đảm bảo lợi nhuận vừa hạn chế được rủi ro, kết hợp với việc tuân thủ chặt chẽ quy trình cho vay mà tình hình nợ quá hạn của Agribank Tân Thạnh đã có những dấu hiệu khả quan trong những năm qua. Bảng I. Nợ quá hạn trên tổng dư nợ tại Agribank Tân Thạnh ĐVT: Triệu đồng, % Năm 2018/2017 Năm 2019/2018 Chỉ tiêu Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 +/- % +/- % Nợ quá hạn 9,591 23,200 14,797 13,609 141.9 (8,403) -36.2 Tổng dư nợ TD 1,154,282 1,219,563 1,306,517 65,281 5.7 86,954 7.1 Tỷ lệ nợ quá hạn 0.8% 1.9% 1.1% 1.1% 128.9 -0.77% -40.5 Nguồn: Agribank Tân Thạnh Bảng I cho thấy trong 3 năm tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ của Agribank Tân Thạnh đều đạt ở mức thấp và có xu hướng tăng nhẹ, từ 0.8% trong năm 2017 tăng lên 1.9% trong năm 2018 và giảm còn 1.1% năm 2019. Cụ thể, nợ quá hạn tăng 13,609 triệu đồng (năm 2018 so với 2017), điều này giúp Agribank Tân Thạnh có các chính sách quản lý nợ quá hạn chưa tốt năm 2018 nhưng đã khắc phục năm 2019, nợ quá hạn giảm 8,403 triệu đồng (năm 2019 so với 2018). Điều này cho thấy, chi nhánh vừa kiểm soát được nợ quá hạn phát sinh vừa thu hồi được nợ quá hạn năm 2019. Tuy nhiên từ năm 2017 đến năm 2019, nợ quá hạn lại có xu hướng tăng về tỷ lệ từ mức 0.8% lên 1.1%, nguyên nhân do giá cả nông sản giảm mạnh (đặc biệt là giá lúa) gây khó khăn trong việc trả nợ của khách hàng làm tăng rủi ro tín dụng. 3.2. Nợ xấu trên tổng dư nợ Bảng II. Nợ xấu trên tổng dư nợ tại Agribank Tân Thạnh ĐVT: Triệu đồng Năm 2018/2017 Năm 2019/2018 Chỉ tiêu Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 +/- % +/- % Nợ xấu 4,656 925 1,492 (3,731) -80.1 567 61.3 Tổng dư nợ TD 1,154,282 1,219,563 1,306,517 65,281 5.7 86,954 7.1 Tỷ lệ nợ xấu 0.40% 0.08% 0.11% -0.33% -81.2 0.04% 50.6 Nguồn: Agribank Tân Thạnh Qua bảng II cho thấy tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) trên tổng dư nợ có xu hướng giảm, năm 2017 là 0.4% giảm xuống còn 0.08% năm 2018 và tăng nhẹ lên 0.11% vào năm 2019. Qua đó cho thấy việc quản lý rủi ro của chi nhánh khá tốt, tỷ lệ xấu trong tổng dư nợ luôn ở mức dưới 0.5% Chi nhánh luôn đảm mức an toàn cho vay (dưới 3%). Điều này cũng phản ánh chất lượng cho vay, thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng được cải thiện và nâng cao. 58
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 3.3. Rủi ro tín dụng qua chỉ tiêu nợ nhóm 5 Bảng III. Tỷ lệ nợ nhóm 5 trên tổng dư nợ cho vay tại Agribank Tân Thạnh ĐVT: Triệu đồng Tiêu chí Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Số tiền 2,657 659 861 Số tiền tăng/giảm - (1,998) 202 Nợ nhóm 5 Tăng/giảm - -75.2% 30.7% Tổng dư nợ tín dụng 1,154,282 1,219,563 1,306,517 Nợ nhóm 5/ Tổng dư nợ TD 0.23% 0.05% 0.07% Nguồn: Agribank Tân Thạnh Số liệu bảng III cho thấy tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn tương đối cao, đến cuối năm 2017 chiếm 0.23% so với tổng dư nợ với số dư nợ 2,657 triệu đồng. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh xuống còn 0.07% so với tổng dư nợ với số dư nợ 861 triệu đồng. Khoản nợ này theo quy định hiện hành phải được trích lập dự phòng rủi ro 100% giá trị khoản nợ sau khi khấu trừ đi phần giá trị tài sản bảo đảm theo tỷ lệ. Nếu tài sản bảo đảm sụt giá hoặc khó chuyển nhượng trong thời gian ngắn thì khả năng tài chính của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do phải trích lập dự phòng rủi ro. 3.4. Rủi ro tín dụng qua các chỉ tiêu khác Vòng quay vốn tín dụng: Qua bảng IV cho thấy vòng quay vốn tín dụng trong giai đoạn này bình quân trên 1.2 vòng /năm. Điều này phản ánh tính hợp lý trong vòng quay vốn tín dụng phù hợp với chu kỳ luân chuyển vốn kinh doanh trong nền kinh tế của khách hàng vay. Trong những năm qua, dư nợ cho vay tại Agribank Tân Thạnh tăng trưởng mạnh, mà chủ yếu là dư nợ cho vay trung - dài hạn nên doanh số thu nợ của chi nhánh tăng. Do vậy, thời gian thu hồi nợ qua các năm nhanh, điều này không những giúp cho chi nhánh tăng thêm thu nhập mà còn hạn chế được rủi ro tín dụng. Bảng IV. Vòng quay vốn tín dụng tại Agribank Tân Thạnh ĐVT: Triệu đồng Chỉ tiêu Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Doanh số thu nợ 1,444,899 1,471,784 1,376,714 Dư nợ bình quân 1,070,296 1,186,923 1,263,040 Vòng quay vốn TD (vòng) 1.35 1.24 1.09 Nguồn: Agribank Tân Thạnh Hệ số thu nợ: Hệ số thu nợ của Agribank Tân Thạnh tương đối cao, nhìn chung trung bình trên 1.5 và có xu hướng tăng trong giai đoạn 2017 – 2019 từ 1.5 năm 2017 lên 1.61 năm 2019. Điều này thể hiện qua việc thu nợ tại chi nhánh đạt kết quả tốt, đây là một trong những việc làm góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng trong thời gian qua. Bảng V. Hệ số thu nợ của Agribank Tân Thạnh ĐVT: Triệu đồng Năm 2018/2017 Năm 2019/2018 Chỉ tiêu Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 +/- % +/- % Doanh số thu nợ 1,444,899 1,471,784 1,376,714 26,885 1.9% (95,070) -6.5 Doanh số cho vay 963,266 925,650 855,102 (37,616) -3.9 (70,549) -7.6 Hệ số thu nợ 1.50 1.59 1.61 0.09 6.0 0.02 1.3 Nguồn: Agribank Tân Thạnh 4. Đánh giá chung thực trạng rủi ro tín dụng tại Agribank Tân Thạnh giai đoạn 2017 - 2019 4.1. Những kết quả đạt được Chất lượng tín dụng tiếp tục duy trì ở mức độ an toàn với tỷ lệ nợ xấu qua các năm < 2%, điều này là do chi nhánh đã chú trọng củng cố, nâng cao, chất lượng tín dụng, xử lý nợ và dư nợ chủ yếu là dư nợ hộ sản xuất nên an toàn vốn hơn, các khoản nợ xấu phát sinh của những năm trước đã được xử lý cơ bản. 59
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 Song song với việc tăng cường dư nợ cho vay tốt và nâng cao chất lượng tín dụng, chi nhánh cũng rất quan tâm tới việc xử lý nợ quá hạn, tất cả các khoản nợ quá hạn đều được rà soát và phân tích những khó khăn để tìm ra các biện pháp xử lý cho phù hợp nhất. Chi nhánh đã thường xuyên kiểm soát gia tăng dư nợ cho vay trên cơ sở cân đối nguồn vốn gắn liền với việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình cho vay ở từng khâu. Thường xuyên đánh giá, phân tích thực trạng các khoản vay, đặc biệt là các khoản vay có tiềm ẩn rủi ro dẫn đến khả năng không thu được nợ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát sử dụng vốn vay đối với khách hàng, kiểm tra, chấn chỉnh hồ sơ vay, bảo đảm tiền vay, bảo lãnh ngân hàng. Thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho KH như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay của khách hàng cũ và mới. 4.2. Những mặt còn hạn chế Agribank Tân Thạnh chưa có hệ thống đánh giá rủi ro theo danh mục cho vay, tổng thể các khách hàng vay của chi nhánh, việc quản lý rủi ro chỉ quan tâm đến khía cạnh từng khách hàng, từng khoản vay. Điều đó dẫn đến rủi ro tiềm ẩn do danh mục đầu tư không cân đối. Công tác xử lý nợ và thu hồi nợ xấu còn chậm và thiếu tính kiên quyết. Tình hình khởi kiện và xử lý tài sản tại tòa án, thi hành án còn chậm. Tài sản đã cưỡng chế, kê biên, phát mãi qua trung tâm bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành. 5. Giải pháp quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank Tân Thạnh đến năm 2025 5.1. Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng đối với khách hàng Tổ chức thu thập thông tin cho vay cần thiết cho thẩm định: Đối với những khách hàng đặc biệt là doang nghiệp có thông tin biến động như: tình hình tài chính, tình hình vay vốn, tình hình SXKD qua các thời kỳ. Vì vậy Agribank Tân Thạnh phải có giải pháp linh hoạt để nâng cao chất lượng thu thập thông tin đáng tin cậy từ nhiều nguồn như: cơ quan Thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, CIC hoặc từ các ngân hàng khác, nhằm đánh giá, chọn ra những khách hàng thật sự đáng tin cậy trong quan hệ với TCTD có đủ điều kiện, có tiềm lực tài chính, có dự án đầu tư, phương án SXKD khả thi, hiệu quả và uy tín của bản thân khách hàng trên thị trường mới xem xét, quyết định cho vay vốn. Thực hiện nghiêm túc các bước trong quy trình cho vay: Thực hiện đúng các bước trong quy trình cho vay, kiểm tra thường xuyên quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, chấm điểm và xếp hạng khách hàng định kỳ, phân loại nợ theo các mức độ rủi ro, kiểm tra sau khi khách hàng vay, sẽ giúp cho ngân hàng giảm tổn thất khi gặp rủi ro, đánh giá đầy đủ, khách quan khả năng trả nợ vay và những rủi ro mà khách hàng có thể gặp để có những biện pháp đo lường trước khi rủi ro xảy ra. Nâng cao công tác thẩm định, đánh giá tài sản bảo đảm: Khi thẩm định bất kỳ phương án SXKD, dự án đầu tư thì cán bộ tín dụng cần xem xét tỷ trọng nguồn vốn của khách hàng khi vay, chứng minh nguồn gốc vốn tự có, năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động SXKD, tính toán dòng tiền của khách hàng, để tính toán khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn. Tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng: cán bộ tín dụng thường xuyên giám sát khách hàng sử dụng vốn vay, hoạt động SXKD, dự án đầu tư nhằm đảm bảo khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Ngoài ra, cán bộ tín dụng tăng cường giám sát trên hệ thống IPCAS để từ đó nhắc nhở khách hàng kỳ hạn trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng đúng như hợp đồng tín dụng. Nếu khách hàng gặp khó khăn thì cán bộ tín dụng dễ dàng nắm bắt kịp thời và hướng dẫn khách hàng cách giải quyết như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi để hạn chế tình trạng khách hàng không trả nợ sẽ gây ra rủi ro cho ngân hàng. 60
  6. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 5.2. Khai thác có hiệu quả thông tin trong hoạt động tín dụng Thu thập thông tin về khách hàng: Báo cáo tín dụng là căn cứ để cho phép các tổ chức tín dụng chia sẻ thông tin tín dụng khi có quyền bảo vệ thông tin cá nhân. Nó đảm bảo cho việc thu thập thông tin của các hãng thông tin tín dụng và bảo đảm công bằng, trung thực trong chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các báo cáo do khách hàng lập thường không qua kiểm toán, không có cơ quan chức năng xác định tính trung thực của báo cáo. Thu thập thông tin về thị trường: Khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng, bên cạnh việc khai thác thông tin về khách hàng, cán bộ tín dụng còn phải khai thác thông tin mang tính chất thị trường về sản phẩm khách hàng kinh doanh như dự đoán tình hình cung cầu, giá cả sản phẩm, tài sản đảm bảo, Chi nhánh nên đưa ra qui định về những thông tin bắt buộc phải có đối với những trường hợp phổ biến và yêu cầu cập nhật những thông tin này theo những kỳ hạn nhất định để có đánh giá chính xác nhất về khoản vay tại 1 thời điểm. Phân tích xử lý thông tin: Sau khi đã thu thập các nguồn thông tin cán bộ tín dụng phải sàng lọc nguồn thông tin đã thu thập để phân tích, đánh giá khách hàng, khả năng tài chính của khách hàng, khả năng trả nợ của vốn vay. Trên cơ sở đó ra quyết định cho vay hay từ chối cho vay, điều kiện cho vay nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Hoàn thiện công tác dự báo rủi ro tín dụng: Cán bộ tín dụng phải thường xuyên cập nhật những vấn đề mới, diễn biến mới của tình hình rủi ro tín dụng, các khuyến nghị từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý cấp trên trong quá trình dự báo rủi ro tín dụng và thực hiện các quyết định tín dụng. 5.3. Hoàn thiện chính sách xếp hạng tín dụng nội bộ Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là công cụ để Agribank Tân Thạnh thực hiện phân loại nợ, lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế và là cơ sở để hoàn thiện quy trình tín dụng, chính sách khách hàng, chính sách quản trị rủi ro tín dụng thống nhất trong toàn hệ thống. Hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ cũng cho phép lượng hóa rủi ro tín dụng, đưa ra các cảnh báo sớm và thực hiện trích dự phòng rủi ro tín dụng dựa trên mức xếp hạng của khách hàng. Chấm điểm tín dụng tại chi nhánh hiện nay là phương pháp đánh giá định lượng khách quan. Hệ thống chấm điểm tín dụng của Agribank Tân Thạnh tuy đã được xây dựng khá chi tiết và chính xác nhưng vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn cho cán bộ tín dụng khi áp dụng do nhiều nhân tố, trong đó chủ yếu là do số liệu cung cấp bởi khách hàng không chính xác. Để hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, cán bộ tín dụng tại Agribank Tân Thạnh cần phải kiểm soát chặt chẽ thông tin đầu vào vì thông tin đầu vào phải phản ánh trung thực và đáng tin cậy thì kết quả xếp hạng mới chính xác. 5.4. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngân hàng Tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo từng chuyên đề đã được Agribank lập kế hoạch hàng năm (trong đó chú trọng những đơn vị có nợ xấu cao, hay sai sót) nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh tại Hội sở và các chi nhánh trực thuộc. Đề cao cảnh báo, nâng cao chất lượng kiểm tra, tạo lập hồ sơ theo dõi riêng về những khoản vay lớn có vấn đề, những lĩnh vực hay sai sót. Đề cao trách nhiệm của cán bộ kiểm tra bằng việc lập nhật ký kiểm tra theo dõi kết quả của từng cán bộ nghiệp vụ (cán bộ đã kiểm tra những hồ sơ nào và phát hiện về những sai sót, sai phạm của từng món vay, yêu cầu chỉnh sửa, khắc phục những nội dung gì). Căn cứ những việc đã thực hiện của cán bộ kiểm tra để xét khen thưởng cuối năm. Khi kiểm tra nếu phát hiện có sai phạm xảy ra phải xử lý ngay và quy trách nhiệm rõ ràng, có biện pháp sửa sai hữu hiệu tránh tình trạng nể nang để bỏ qua sai phạm. Tổng hợp và báo cáo kịp thời kết quả sửa sai sau khi được các đoàn kiểm tra, kiểm toán, thanh tra của Agribank, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An, các đoàn liên ngành của tỉnh thông qua. Agribank Tân Thạnh và các chi nhánh trực thuộc báo cáo theo định kỳ về văn phòng đại diện; 61
  7. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 26 – Tháng 01/2021 ban kiểm tra, kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An, Ban Giám đốc, giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của cấp trên được thông suốt. 5.5. Nâng cao năng lực, trình độ và đạo đức của cán bộ tín dụng Phân công lại khối lượng công việc, không để tình trạng cán bộ tín dụng bị quá tải về khối lượng công việc hay khách hàng đang quản lý, thực hiện luân chuyển địa bàn của cán bộ tín dụng theo quy định của Agribank, không để cán bộ tín dụng phụ trách 1 địa bàn quá 3 năm nhằm hạn chế xảy ra tiêu cực. Tăng cường đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin đối với cán bộ tín dụng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức hội thi nghiệp vụ chuyên môn, các văn bản liên quan đến cho vay; đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ hàng tuần. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng: Cần có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cần thiết để cán bộ tín dụng am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời nhịp độ phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế thị trường, có khả năng sử dụng thành thạo các công nghệ ngân hàng hiện đại. Xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, làm việc tâm huyết với Agribank. Nếu trong Agribank Tân Thạnh có trường hợp cán bộ tín dụng vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì phải có những hình thức xử lý phải đủ mạnh, đủ khả năng răn đe để không tái diễn vi phạm, tránh tình trạng áp dụng hình thức kỷ luật mang tính hình thức, giảm tính nghiêm minh. Việc xử lý phải khách quan, đúng người, đúng trách nhiệm. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] C.M.Phương (2014), Ứng Dụng Chuẩn Mực Basel II trong Quản Trị Rủi Ro tín dụng tại Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Chi Nhánh Long An, 2014. [2] N.Đ.Dờn, Quản trị kinh doanh ngân hàng II. NXB Kinh tế TPHCM, 2016. [3] Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, Báo cáo kết quả hoạt động tín dụng giai đoạn 2017 – 2019. [4] Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Quyết định số 66/QĐ-HĐTV-KHDN Quy định cho vay đối với khách hàng trong hệ thống Agribank, 2017. [5] Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Quyết định số 226/QĐ-HĐTV-TD Quy chế cho vay đối với khách hàng trong hệ thống Agribank, 2017. [6] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, 2016. [7] Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, Thông tư 09/2017/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 19/2013TT-NHNN của thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, 2017. [8] Quốc hội Việt Nam, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 06 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, 2017. Ngày nhận: 09/08/2020 Ngày duyệt đăng: 14/01/2021 62