Giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 1540
Bạn đang xem tài liệu "Giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiai_phap_phat_trien_kinh_te_viet_nam_trong_qua_trinh_hoi_nh.pdf

Nội dung text: Giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập

  1. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP VIETNAMESE ECONOMIC DEVELOPMENT SOLUTION IN THE INTEGRATION TS. Nguyễn Thanh Huyền Trường Đại học Thương Mại Tóm tắt Với việc tham gia 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó các FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những bước tiến dài trên con đường hội nhập, hợp tác và phát triển với kinh tế khu vực và thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra cho các nước những cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, do vậy, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể, đúng đắn và chủ động trong quá trình tham gia. Bài viết của tác giả tập trung đánh giá một cách khái quát về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ năm 1995 đến nay, nhìn nhận một cách tổng quát về những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình hội nhập, trên cơ sởđó tìm ra các biện pháp giúp Việt Nam có thểchủ động hơn trong quá trình hội nhậpkinh tế quốc tế sắp tới. Từ khoá: Hội nhập kinh tế quốc tế, Hiệp định thương mại tự do (FTA), kinh tế Việt Nam. Abstract Participatingin 12 Free Trade Agreements (FTA), in which the new generation FTAs have finished negotiating, including Vietnam - Europe Union and Trans-Pacific Partnership Agreement, Vietnam economy has experienced big steps in the integration, cooperation and development with regional and international economy. International integration process will create both opportunities and challenges for nations, therefore, we should have particular, appropriate and active solutions when taking part in this process. The article focuses on assessing the Vietnam’s integration progress from 1995 until now, gives an overview on the achievement and points out some existing problems in the integration process. On that basis, the article proposes some solutions to help Vietnam take more initiative in the process in the coming time. Key words: International economic integration, free trade agreement (FTA), Vietnam economy. 1. Hội nhập kinh tế quốc tế là gì? Đối với hầu hết chúng ta, thuật ngữ “Hội nhập quốc tế” đã từ lâu trở nên khá quen thuộc và phổ biến. Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau để đưa ra một khái niệm cụ thể về hội nhập quốc tế. Thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến không chỉ trong các văn kiện, chính sách mà còn được sử dụng thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, dù xem xét dưới giác độ nào thì hội nhập quốc tế cũng được hiểu một cách khái quát là quá 370
  2. trình các nước tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết với nhau dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc các tổ chức quốc tế [1]. Hội nhập quốc tế là sự hội nhập trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: Hội nhập về kinh tế, văn hoá xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng Trong đó, hội nhập kinh tế, theo quan niệm đơn giản nhất và phổ biến trên thế giới, là việc các nền kinh tế gắn kết lại với nhau. Theo cách hiểu này, hội nhập kinh tế đã diễn ra từ hàng ngàn năm nay và hội nhập kinh tế với quy mô toàn cầu đã diễn ra từ cách đây hai nghìn năm khi đế quốc La Mã xâm chiếm thế giới và mở mang mạng lưới giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong toàn bộ lãnh địa chiếm đóng rộng lớn của họ và áp đặt đồng tiền của họ cho toàn bộ các nơi. Hiểu theo một cách chặt chẽ hơn, hội nhập kinh tế quốc tế là việc gắn kết mang tính thể chế giữa các nền kinh tế lại với nhau. Khái niệm này được Béla Balassa đề xuất từ thập niên 1960 và được chấp nhận chủ yếu trong giới học thuật và lập chính sách. Nói rõ hơn, hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình chủ động thực hiện đồng thời hai việc: Một mặt, gắn nền kinh tế và thị trường từng nước với thị trường khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế quốc dân; Mặt khác, gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu. Như vậy, có thể hiểu:Hội nhập kinh tế quốc tế là sự gắn kết nền kinh tế của một quốc gia vào các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó các thành viên có quan hệ với nhau theo các nguyên tắc và quy định chung. Việc hội nhập kinh tế quốc tế đóng góp vai trò hết sức to lớn đối với các bên tham gia trong việc tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế, phân bổ nguồn lực xã hội, thay đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế 2. Khái quát về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với khu vực và thế giới. Sự kiện mở đầu cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là việc gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 và việc chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đánh dấu bước hội nhập toàn diện của Việt Nam với nền kinh tế thế giới. Thực tế cho thấy, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã rất tích cực và chủ động trong đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với các đối tác. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định FTA với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, điển hình như Hiệp định FTA Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là các FTA thế hệ mới với diện cam kết rộng và hợp tác sâu. Ngoài cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, các nước tham gia còn cam kết trên nhiều lĩnh vực khác. Với tư cách là thành viên của các tổ chức kinh tế quốc tế, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện một cách nghiêm túc những cam kết đã đề ra, đồng thời tích cực và chủ động tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của các tổ chức này. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam từ năm 1995 đến nay được đánh dấu bằng các mốc cụ thể sau: 371
  3. Khởi đầu là khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) được thiết lập bởi Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung vào năm 1996, Hiệp định khu vực đầu tư ASEAN (AIA) năm 1998 và sau này thay thế bằng Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA). Tiếp đến, khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), rồi khu vực tự do ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Úc, New Zealand lần lượt được thiết lập vào các năm tiếp theo. Ngày 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức mở ra vào ngày 31/12/2015. Sau hơn 20 năm tham gia Hiệp hội ASEAN (1995- 2016), Việt Nam đã không ngừng phát triển toàn diện, thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác khu vực giữa Việt Nam và các nước ASEAN, nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và thế giới, tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, tham gia các chương trình hợp tác Đối với APEC,Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC vào năm 1998, kể từđó cho đến nay, tất cả các chương trình hành động tập thể, các báo cáo chương trình hành động quốc gia hàng năm, kế hoạch thuận lợi hoá thương mại và đầu tư đều được chúng ta thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết của diễn đàn. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia điều hành một số nhóm công tác khá quan trọng như nhóm công tác về Y tế, về thương mại điện tử, về đối phó với tình trạng khẩn cấp Ngày 7/11/2006, Việt Nam chính thức được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kể từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, để đáp ứng được yêu cầu của các cam kết, Việt Nam đã tiến hành cải cách các chính sách thương mại cho phù hợp với xu thế minh bạch và tự do hoá. Trong các nội dung có liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp, sở hữu trí tuệ, trợ cấp thuỷ sản và các chương trình hỗ trợ của WTO là những nội dung có liên quan hết sức mật thiết đến chúng ta, Việt Nam đã tích cực tham gia các cuộc đàm phán, chuẩn bị rà soát, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia ký kết với tư cách độc lập không phải với tư cách là thành viên khối ASEAN với một số đối tác khác như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (2008), Hiệp định tự do Việt Nam - Chi Lê (2011). Chúng ta đang trong quá trình đàm phán khu thương mại tự do với một số đối tác như Liên minh Hải quan (bao gồm 3 nước là Nga, Belarus và Kazakhstan), Thổ Nhĩ Kỳ Gần đây nhất, Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). 3. Đánh giá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua 3.1. Những kết quả đạt được Trong thời gian qua, Việt Nam đã xúc tiến với những bước đi vững chắc và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nước ta đã mở rộng quan hệ kinh tế với hàng loạt quốc gia và khu vực, trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế, thương mại chủ chốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và hiệu quả hơn. Có thể kể đến một số kết quả sau đây: 372
  4. Thứ nhất, về tốc độ tăng trưởng GDP Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2016 được thể hiện ở biểu đồ 1 dưới đây: Biểu đồ 1. Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2006-2016 (Nguồn: Tổng cục Thống kê 2016) Nếu như tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1986 - 1990 chỉ đạt 4,4%/năm thì bình quân thời kỳ 1991 - 2011 đạt 7,34%/năm. Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,48% (là mức cao nhất trong vòng 11 năm trước đó). Do ảnh hưởng từ những biến động của nền kinh tế thế giới năm 2008, tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2011 - 2013 giảm xuống còn 5,6%, song đến năm 2013 nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi và đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt mức tăng 6,68%/năm, cao nhất trong 5 năm (từ năm 2011 đến năm 2015). Mặc dù, nếu so với Singapore và Hàn Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta còn thấp, nhưng so với các nước trong khối ASEAN, thì đây vẫn là kết quả đáng khích lệ sau 30 năm hội nhập. Thứ hai, về cơ cấu lao động Song song với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lực lượng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng giảm, trong khi lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng lên. Vào những năm 1990, đa số lực lượng lao động tập trung vào ngành nông nghiệp (khoảng 70%), thì đến năm 2016, con số này chỉ còn khoảng 41,9%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên trông thấy, thể hiện qua bảng sau: 373
  5. Bảng 1. Cơ cấu lao động của các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ĐVT: % Ngành Năm 2000 Năm 2005 Năm 2010 Năm 2016 Nông nghiệp 68,2 56 50 41,9 Công nghiệp và xây dựng 12,1 17,9 24 24,7 Dịch vụ 19,7 26,1 26 33,4 Tổng 100 100 100 100 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) Thứ ba, về kim ngạch xuất khẩu Việc chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trưởng cả về quy mô và cơ cấu. Cụ thể: - Kim ngạch xuất khẩu gia tăng Bảng 2. Quy mô xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 1986-2016 Kim ngạch xuất khẩu XK hàng hoá/GDP Năm (triệu USD) (%) 1986 789 18,9 2013 132.157,5 77,6 2016 349.200 90,8 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) Nhìn vào bảng 2 ta thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2013 có sự tăng vọt (kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng gấp 167,5 lần so với năm 1986) [3], và tiếp tục tăng trong năm 2016. Hơn nữa, sự đóng góp của xuất khẩu hàng hoá trong GDP cũng tăng cao. - Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự chuyển hướng tích cực Từ một nước được gọi là nhập siêu, Việt Nam đã tận dụng cơ hội khi tham gia hội nhập, dần dần cải thiện cán cân thương mại. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cơ sự chuyển biến theo hướng tích cực. Các mặt hàng xuất khẩu đã được phát triển trên phạm vi rộng hơn, từ thị phần chỉ có trên 33 nước và vùng lãnh thổ, đến năm 2013, Việt Nam đã có thị phần trên 220 nước và vùng lãnh thổ [1]. Năm 2012, Việt Nam đã xuất siêu hàng hoá 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 9 triệu USD, 10 tháng đầu năm 2014 xuất siêu 1,9 tỷ USD [2] và trong năm 2016, Việt Nam xuất siêu gần 2,7 tỷ USD. Mặt khác, việc xuất khẩu dịch vụ của chúng ta cũng đang trên đà phát triển với tốc độ cao, bình quân mỗi năm chúng ta tăng khoảng 12% [1]. Thứ tư, về kim ngạch nhập khẩu Kim ngạch nhập khẩu ở Việt Nam giai đoạn 1986-2016 cũng đạt được kết quả đáng chú ý. 374
  6. Bảng 3. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 1986-2016 ĐVT: Triệu USD Năm Kim ngạch nhập khẩu 1986 1866,4 1996 11.143,6 2013 131.300 2016 135.600 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) Sau 10 năm thực hiện đổi mới, vào năm 1996, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp hơn 9 lần so với năm 1986, và vẫn tiếp tục tăng ở các năm tiếp theo [3], đến năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 135.600 triệu USD, tăng 1,8% so với năm 2015. Thứ năm, về nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư thì tỷ trọng FDI/GDP của Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2016 đang tăng lên một cách đáng kể. Bảng 4. Tỷ trọng FDI/GDP qua các năm 1992-2016 ĐVT: % Năm Tỷ trọng FDI/GDP 1992 2 2000 12,7 2006 16,98 2011 18,97 2016 20 (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư ) Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được khơi thông nhanh chóng và tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam thông qua huy động nguồn vốn cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ; thúc đẩy quá trình chuyển đổi quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới Cũng theo số liệu tại bảng xếp hạng V1000-Top 1000 doanh nghiệp đóng thuế TNDN lớn nhất tại Việt Nam, có tới hơn 30% doanh nghiệp trong số này là các doanh nghiệp FDI với 20.000 tỷ đồng thuế thu nhập. Xuất khẩu của khu vực FDI cũng bắt đầu vượt khu vực trong nước, đóng góp tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước [1]. 3.2. Một số vấn đề còn tồn tại Sau 30 năm thực hiện quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ như đã kể trên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập đáng quan tâm, cụ thể như sau: Một là, chất lượng của các thể chế pháp luật kinh tế chưa cao, các chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng hết các cơ hội kinh tế do hội nhập kinh tế mang lại. 375
  7. Bảng 5. Chất lượng thể chế pháp lý kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1996-2015 Năm 1996 1998 2000 2002 2004 2006 2008 2010 2012 2013 2015 Tính hiệu quả của 0,47 -0,37 -0,44 -0,44 -0,44 -0,17 -0,17 -0,31 -0,29 -0,28 -0,3 chính quyền Chất lượng thực thi -0,53 -0,66 -0,72 -0,73 -0,54 -0,56 -0,58 -0,6 -0,68 -0,61 -0,6 chính sách Tuân thủ -0,4 -0,35 -0,34 -0,56 -0,48 -0,46 -0,42 -0,5 -0,5 -0,48 -0,47 luật pháp Khả năng kiểm soát -0,43 -0,4 -0,6 -0,56 -0,75 -0,74 -0,68 -0,59 -0,56 -0,53 -0,53 tham nhũng (Nguồn: Ngân hàng Thế giới) Qua bảng số liệu ta thấy, chất lượng thể chế pháp lý kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây ít có sự thay đổi, nếu so với 12 nước ở Đông Á cho thấy chất lượng thể chế của Việt Nam còn thấp, đứng gần cuối bảng trong các nước ở khu vực [4]. Bảng 6. Chất lượng thể chế pháp lý kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực năm 2015 Tính hiệu quả Chất lượng Nước/Lãnh Tuân thủ luật Khả năng kiểm STT của chính thực thi chính thổ pháp soát tham nhũng quyền sách 1 Campuchia -0,82 -0,35 -0,79 -0,91 2 Trung Quốc -0,03 -0,31 -0,26 -0,35 3 Hồng Kông 1,83 1,93 1,64 1,73 4 Indonesia -0,24 -0,20 -0,55 -0,62 5 Hàn Quốc 1,32 1,08 0,94 0,75 6 Lào -0,66 -0,75 -0,57 -0,70 7 Malaysia 1,10 0,71 0,49 0,45 8 Philippine 0,09 -0,07 -0,43 -0,40 9 Singapore 2,27 1,96 1,84 2,18 10 Đài Loan 1,19 1,14 1,10 0,88 11 Thái Lan 0,23 0,26 -0,10 -0,23 12 Việt Nam -0,3 -0,6 -0,47 -0,53 (Nguồn: Ngân hàng Thế giới) Với chất lượng thể chế pháp lý kinh tế như vậy, nếu Việt Nam không tăng cường cải thiện để đổi mới thì đây sẽ là một rào cản rất lớn đối với sự phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Thêm vào đó, còn phải kể đến sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật đã 376
  8. gây không ít cản trở cho việc phát triển kinh tế - xã hội, làm nản lòng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam. Hai là, mặc dù trong những năm qua, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể, song các ngành kinh tế và các doanh nghiệp mũi nhọn, mang tính trọng yếu để vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều. Nếu Việt Nam muốn vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới thì cần định vị rõ lĩnh vực và ngành hàng mũi nhọn cần tham gia là công nghiệp chế biến sâu và các sản phẩm công nghệ (không tập trung vào khai khoáng và sơ chế). Bởi vì, nếu chỉ dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô chưa qua chế biến chế tạo thì giá trị rất thấp, hơn nữa nguồn tài nguyên sẽ ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy, lực lượng doanh nghiệp có sẵn và sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực sản xuất còn rất khiêm tốn. Một thực trạng đáng buồn là phần lớn ngành hàng chế biến và chế tạo là do khối doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh. Từ năm 2012, mặc dù Việt Nam đã xuất siêu nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp 44,2% vào giá trị xuất khẩu, nên vẫn nhập siêu, trong khi khối doanh nghiệp FDI đóng góp 55,8% vào giá trị xuất khẩu và xuất siêu nên kéo theo kết quả chung là Việt Nam đã xuất siêu 5 năm liên tiếp[5]. Bảng 7. Số lượng và tỷ lệ các loại hình doanh nghiệp năm 2015 phân tổ theo quy mô lao và quy mô vốn DNNVV DN lớn Theo quy mô Theo quy mô Theo quy mô vốn Theo quy mô vốn Mục lao động lao động Tỷ lệ Tỷ lệ Tỷ lệ Tỷ lệ Số lượng Số lượng Số lượng Số lượng (%) (%) (%) (%) Tổng số 393.928 100 380.496 100 8.323 100 21.755 100 Nông, lâm nghiệp và thuỷ 3.197 0,81 3.113 0,81 111 1,33 195 0,89 sản Công nghiệp và 127.415 32,34 126.458 33,24 4.073 48,94 7.530 34,61 xây dựng Dịch vụ 263.316 66,85 250.925 65,95 4.139 49,73 14.030 64,50 (Nguồn Tổng cục Thống kê, 2015) Ba là,tăng trưởng kinh tế chưa có sự đóng góp nhiều bởi yếu tố liên quan đến năng suất lao động, mà chủ yếu dựa vào yếu tố tín dụng và lao động rẻ. Đối với bất kỳ quốc gia nào, để tăng trưởng kinh tế đều phải dựa vào các yếu tố: năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, vốn và lao động. Song, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng và nguồn nhân lực giá rẻ mà không dựa vào yếu tố tăng năng suất lao động. Nếu xét yếu tố năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay cho thấy, hiện Việt Nam có năng suất lao động gấp 2 lần Lào nhưng kém Singapore tới hơn 20 lần. 377
  9. Biểu đồ 2. Năng suất lao động của Việt Nam so với một số nước năm 2015 (Nguồn: Tổng cục Thống kê 2015) Tuy nhiên, nếu xét yếu tố vốn và lao động thì đây cũng không phải là nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay, bởi lẽ: - Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều thiếu vốn và khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có vốn tự có rất nhỏ, tỉ trọng vốn tự có trong tổng vốn kinh doanh thấp dẫn đến chi phí tài chính khá lớn, trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại khó tiếp cận nguồn vốn vay [5]. - Chất lượng nguồn lao động ở Việt Nam có giá rẻ do chất lượng lao động thấp. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy, phần lớn lực lượng lao động trong độ tuổi làm việc ở Việt Nam là lao động phổ thông, không qua đào tạo, chiếm tới 81% lực lượng lao động [5]. Như vậy, nếu không sớm có biện pháp khắc phục, nâng cao năng suất lao động thì tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam không sớm thì muộn sẽ không thể duy trì lâu dài. Bốn là, thủ tục hành chính trong thể chế pháp lý kinh tế thị trường theo định hướng XHCN của Việt Nam còn nhiều bất cập, gây cản trở cho sự phát triển chung. Theo nhận định tại “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020” việc cải cách hành chính so với tiến trình cải cách kinh tế còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới nên vẫn còn là vật cản đối với cải cách kinh tế. Ngoài ra, vấn đề thủ tục vẫn còn nhiều phức tạp, không nhất quán, rõ ràng. 4. Một số kiến nghị trong thời gian tới Nhờ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn, nếu khai thác, tận dụng được, có thể đưa nền kinh tế nước nhà nhanh chóng vươn lên, song hành cùng các cường quốc. Nhưng bên cạnh đó, cũng gặp không ít thách thức, trước các nút thắt, nếu không tháo gỡ kịp thời có thể sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào 378
  10. tình trạng khó khăn, nhiều ngành sản xuất có thể bị lụi bại, nhiều doanh nghiệp bị phá sản Từ những kết quả đạt được, cũng như những vấn đề còn tồn tại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam thời gian qua, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, để giúp nền kinh tế Việt Nam có thể hội nhập một cách chủ động và bền vững, đáp ứng mục tiêu vào năm 2020 về cơ bản đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, theo tôi cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau: - Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật để thực hiện đầy đủ các cam kết đã đề ra, duy trì môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo tính hiệu quả và sự ổn định cho kinh tế phát triển. Để cải thiện chất lượng văn bản pháp quy, Việt Nam nên quan tâm đến các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và các nước. Trước hết, việc thiết lập các văn bản phải: (i) Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi để tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động kinh tế; (ii) Thể hiện tính minh bạch thông qua cải thiện công tác tham vấn các cá nhân, tổ chức có liên quan cũng như xây dựng phương pháp tham vấn tốt hơn cho các bộ, ngành. Thực hiện công khai, minh bạch rộng rãi, phù hợp với chuẩn mực quốc tế tất cả các văn bản liên quan đến hoạt động kinh tế, đến đời sống người dân giống như các nước tiên tiến đã và đang thực hiện. Quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan; (iii) Thực hiện đồng bộ công tác đánh giá kết quả thực hiện và theo dõi tác động của chính sách. Nội dung đánh giá tập trung vào tính kinh tế, tính hiệu quả của chính sách; (iv) Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành chính sách nhằm nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, loại bỏ các quy định không cần thiết làm lãng phí nguồn lực quốc gia; (v) Tăng tường khả năng kiểm soát tham nhũng, muốn vậy cần: Xây dựng bộ nguyên tắc công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, các hoạt động có liên quan đến người dân và doanh nghiệp; Khuyến khích người dân thực hiện quyền giám sát góp phần ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với nạn tham nhũng; Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát. - Phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn để từng bước vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới. + Khơi thông nguồn vốn và kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Nhà nước và các tổ chức tín dụng nên có gói tín dụng cho chương trình “doanh nghiệp tham gia chế biến, chế tạo sâu”, giành nguồn vốn thích đáng cho các doanh nghiệp này và xác định ngành chế biến và chế tạo là mũi nhọn trong phát triển kinh tế mới. + Sửa đổi và loại bỏ những quy định không còn phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, trên cơ sở xây dựng các kế hoạch và định hướng điều chỉnh sản xuất trong dài hạn. - Tăng năng suất lao động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Muốn tăng năng suất lao động cần nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ. Cụ thể như sau: 379
  11. + Để phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam cần chú trọng tăng cường việc đào tạo gắn với kỹ năng thực hành, đặc biệt là nghề kỹ thuật viên sản xuất, quản lý dây chuyền sản xuất Các lao động nghề và kỹ thuật là trọng tâm và phải chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu lao động. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước và ý thức kỷ luật của lao động Việt Nam. + Cần tăng cường đổi mới công nghệ mang tính chiều sâu, tránh đầu tư tràn lan, khép kín, thiếu tính chuyên nghiệp. Thực hiện đầu tư nhỏ phân kỳ, giảm chi phí khấu hao theo thời gian, tránh dồn vào một thời điểm nhất định sẽ hạn chế năng lực tài chính của các doanh nghiệp. Công nghệ đầu tư sau thường cập nhật và tiên tiến hơn công nghệ cũ. Vì vậy, chia nhỏ dây chuyền để đầu tư sẽ có điều kiện tiếp cận công nghệ mới hơn là đầu tư lớn một lần. - Cải cách thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập Thực tế hiện nay cho thấy, thủ tục hành chính trong thể chế kinh tế ở nước ta còn nhiều bất cập, gây trở ngại cho sự phát triển chung của đất nước, vì vậy, cần thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Những yêu cầu của quá trình cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay của nước ta là: (i) Phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống thủ tục hành chính; (ii) Bảo đảm sự chặt chẽ của hệ thống thủ tục hành chính; (iii) Bảo đảm tính hợp lý của thủ tục hành chính; (iv) Bảo đảm tính khoa học của quy trình thực hiện các thủ tục hành chính đã ban hành; (v) Bảo đảm tính rõ ràng và công khai của các thủ tục hành chính; (vii) Dễ hiểu, dễ tiếp cận; (viii) Có tính khả thi; (ix) Bảo đảm tính ổn định cần thiết của quy trình thủ tục hành chính. Kết luận Tóm lại, hội nhập kinh tế quốc tế đã, đang và sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có chiến lược phát triển hợp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thì các doanh nghiệp trong nước sẽ dần mất đi thị phần và nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Thị Thanh Thuỷ và Bùi Đỗ Vân (2015),“Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam những giải pháp chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới”, Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. 2. Nguyễn Độ (2015),“Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới”, Tạp chí Tài chính số 1/2015. 3. Báo cáo và thống kê tài chính (2015), “Xuất, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ năm 2015”, tapchitaichinh.vn. 4. Trương Thị Thuỳ Dung (2015), “Đổi mới về thể chế kinh tế, khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. 5. Tạ Lợi (2015), “Định vị ngành hàng mũi nhọn để hỗ trợ vốn phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020”, Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. 380