Giáo dục tài chính trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam hiện nay

pdf 5 trang Gia Huy 3360
Bạn đang xem tài liệu "Giáo dục tài chính trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_duc_tai_chinh_trong_phat_trien_tai_chinh_toan_dien_o_vi.pdf

Nội dung text: Giáo dục tài chính trong phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam hiện nay

  1. 3.2. GIÁO DỤC GIÁO DỤC TÀI CHÍNH TRONG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ThS. Lương Minh Hà Học viện Ngân hàng Tóm tắt Giáo dục tài chính được xem là một trong ba điều kiện nhằm phát triển tài chính toàn diện ở các quốc gia, bên cạnh sự phát triển các dịch vụ ngân hàng và chính sách tài chính vĩ mô. Ở góc độ phát triển tài chính toàn diện cá nhân tại Việt Nam hiện nay, so với các các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nước ta vẫn nằm trong số các quốc gia có mức phát triển dưới trung bình xét trên đa số các tiêu chí. Trong khi đó, giáo dục tài chính vẫn chưa thực sự được đảm bảo và chú trọng. Bài viết cung cấp một vài nét khái quát về thực trạng giáo dục tài chính những năm gần đây tại Việt Nam và gợi ý một vài hàm ý chính sách trên nền tảng thực tế đó. Từ khóa: tài chính toàn diện, giáo dục tài chính, financial inclusion, financial education Giáo dục tài chính và vai trò của giáo dục tài chính trong phát triển tài chính toàn diện trên thế giới Theo OECD (2005), giáo dục tài chính được hiểu là “một quá trình trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư cải thiện sự hiểu biết về các sản phẩm tài chính, các khái niệm và rủi ro tài chính, dựa trên những thông tin, hướng dẫn và tư vấn khác mà phát triển các kỹ năng, sự tự tin để nhận biết các rủi ro cũng như cơ hội tài chính, từ đó đưa ra các quyết định trên cơ sở đầy đủ thông tin, hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ, và hành động một cách hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng tài chính của mình”. Như vậy, có thể coi giáo dục tài chính đóng vai trò gián tiếp trong sự phát triển của tài chính toàn diện bền vững ở mỗi quốc gia, thông qua tăng cường hiểu biết của người dùng về các sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng như các vấn đề liên quan, giúp các cá nhân đưa ra quyết định phù hợp khi đứng trước các lựa chọn tài chính và đầu tư. Mặt khác, giáo dục tài chính tốt còn đóng góp trực tiếp vào sự tăng lên của số lượng người trưởng thành tiếp cận và sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính chính thức. Nghiên cứu về vai trò của giáo dục tài chính với tài chính toàn diện đã trở thành chủ đề được giới học thuật thể hiện sự quan tâm trong nhiều năm trở lại đây. Đa số các học giả đều đồng thuận với lập luận cho rằng, được giáo dục về tài chính ở các cấp độ khác nhau tác động lên sự phát triển của tài chính toàn diện theo ba cách: i) ít kiến thức về tính toán và tài chính sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro trong sử dụng dịch vụ tài chính trong tương lai, ii) không được đào tạo bài bản khi còn đi học sẽ làm giảm khả năng có thu nhập và công việc tốt trong tương lai dẫn tới khó có cơ hội hơn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính và iii) giáo dục có vai trò then chốt trong việc quyết định đối tượng nào sẽ tiếp cận loại hình dịch vụ tài chính nào (chính thức/phi chính thức). Trong số các nghiên cứu về giáo dục tài chính đối với tài chính toàn diện, nổi bật là các khảo cứu thực nghiệm của OECD. Năm 2013, dựa trên dữ liệu thu thập từ các quốc gia, OECD kết luận, việc thiếu kiến thức về sản phẩm, dịch vụ tài chính làm tăng rào cản của các cá nhân khi tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ chính thức, từ đó làm tăng số lượng người tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức đồng thời làm giảm khả năng cung ứng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đối với người dùng, qua đó cản trở sự phát triển của tài chính toàn diện. Vì thế, đến năm 2015 OECD nhận định, 59 quốc gia đã và đang xây dựng chiến lược giáo dục tài chính với 164
  2. tư cách là chiến lược quốc gia nhằm đóng góp vào sự phát triển tài chính toàn diện và đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế. Hơn nữa, con số này khi OECD tiến hành khảo sát năm 2012 chỉ là 32 nước, là một minh chứng về tầm quan trọng của giáo dục tài chính và nhận thức của các chính phủ đối với giáo dục tài chính nói chung. Trong số 59 quốc gia, có 11 nước đã thực hiện chiến lược giáo dục ở quy mô quốc gia, chiếm 17%; 23 nước mới triển khai giai đoạn đầu (35%); 25 nước đang xây dựng (38%) và 6 nước đang xây dựng (9%). Việt Nam không nằm trong số 59 quốc gia này. Hình 1: Tỷ lệ giữa các nhóm nước triển khai chương trình giáo dục tài chính toàn diện cấp quốc gia theo nghiên cứu của OECD (2015) Riêng tại khu vực Đông Nam Á, tính đến 2016, đã có 5 quốc gia thiết kế và triển khai các chiến lược giáo dục tài chính toàn diện. Trong số này, Malaysia và Singapore là những nước tích cực nhất, cả hai quốc gia đều thực hiện từ những năm 2003 và có điều chỉnh năm 2010, 2014. Indonesia đang triển khai từ 2013 còn Thái Lan và Philippines đang nghiên cứu triển khai. Hầu hết các quốc gia đều cho rằng đối tượng của giáo dục tài chính quốc gia là toàn dân, bên cạnh đó là một số nhóm ưu tiên khác như thanh thiếu niên, đối tượng dễ bị tổn thương (phụ nữ, người cao tuổi, trẻ vị thành niên, người thu nhập thấp, người tàn tật ). Từ việc xác định các nhóm đối tượng này, các chính phủ sẽ đưa ra mục tiêu tương ứng. Chẳng hạn, tại Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia đã phát động nhiều chương trình hướng tới phụ nữ, Canada, Malaysia, Indonesia, Mexico dành ưu tiên giáo dục tài chính cho người nhập cư, Thái Lan, Tây Ban Nha, Brazil, Ấn Độ tập trung các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hay Malaysia, Brazil, Canda, Trung Quốc, Hàn Quốc chú trọng người lao động, người có thu nhập thấp và người già Tại các quốc gia được OECD khảo sát, chủ trì thực hiện chiến lược giáo dục tài chính thường là Ngân hàng trung ương hoặc Bộ Tài chính. Một số quốc gia, Chính phủ thành lập riêng một ban chuyên trách về triển khai lĩnh vực này. Và vì được xác định là chiến lược cấp quốc gia nên việc triển khai luôn có sự phối hợp của nhiều cơ quan hữu quan như Ủy ban chứng khoán, Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương, Bộ Giáo dục, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và được trích quỹ riêng từ ngân sách của Chính phủ để duy trì các hoạt động. Đi kèm với đó là việc xã hội hóa từ dân cư và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế khác. Ở Châu Phi, nghiên cứu của Nomfundo Mzobe (2015) cũng nhấn mạnh, bên cạnh mức độ ổn định vĩ mô, GDP đầu người, giáo dục tài chính (ở cả hai cấp tiểu học và trung học) là yếu tố có tác động tích cực tới tài chính toàn diện khu vực này, nơi hiện đang có độ bao phủ tài chính thấp (chỉ khoảng 34% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng và có tới 14,8% người trên độ tuổi 15 không được đến trường). 165
  3. Giáo dục tài chính tại Việt Nam những năm gần đây Ở Việt Nam, đã bắt đầu ở đây đó có những chương trình giáo dục về tài chính cho một số tầng lớp, thành phần cụ thể. Chẳng hạn, theo khảo sát của OECD về phát triển tài chính toàn diện khu vực Đông Nam Á năm 2017, một chương trình giáo dục về kiến thức tài chính cho sinh viên có tên là Kỹ năng quản lý tiền thực hành đã được tổ chức thực hiện tại Việt Nam năm 2012, dưới sự phối hợp của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, tổ chức phát hành thẻ Visa quốc tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng được WB và các đối tác lựa chọn là một trong các quốc gia ưu tiên tập trung cho các nỗ lực về phổ cập tài chính trong sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính (UFA) đến năm 2020, với mục tiêu sẽ giúp cho 2 tỷ người hiện nay chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng được tiếp cận với các dịch vụ, sản phẩm tài chính chính thức. Bản thân các nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính nội địa (ngân hàng, công ty tài chính) và tổ chức phi lợi nhuận là những đối tượng chủ động trong việc cung cấp kiến thức tài chính cho khách hàng là các đối tượng khác nhau như học sinh, người tiêu dùng trưởng thành. Tài chính vi mô cũng được quan tâm hơn tại Việt Nam trong những năm gần đây. Công ty tư vấn và phát triển cộng đồng Bình Minh - một trong những chương trình tài chính vi mô ở khu vực bán chính thức đã hoạt động từ năm 2010 và đến nay đã có hơn 18.000 thành viên tham gia. Ngân sách của chương trình được tài trợ bởi một quỹ của Citi (Citi Foundation). Phương thức hoạt động của chương trình là đào tạo huấn luyện cho khách hàng tài chính vi mô ở địa phương, đặc biệt là phụ nữ có thu nhập thấp. Các đối tác đào tạo thường là Ngân hàng chính sách xã hội, Tổ chức tài chính vi mô ở Quảng Bình, Quỹ phát triển phụ nữ nghèo Hà Tĩnh. Nội dung các khóa học chủ yếu xoay quanh lập ngân sách, kế hoạch tiết kiện, quản lý nợ, các dịch vụ ngân hàng và đàm phán tài chính nhằm trang bị cho người học kiến thức để sử dụng tốt nhất các sản phẩm tài chính vi mô với kiến thức, kỹ năng và thái độ để thoát nghèo. Quỹ Citi cũng tài trợ một số quỹ khác và một số chương trình tài chính vi mô tại một số tỉnh nghèo của Việt Nam trị giá hàng tỷ đồng, hỗ trợ tài chính cho hàng nghìn khách hàng. Trong khi đó, HSBC Việt Nam đã cung cấp các khóa học online với 10 nội dung chủ đạo xoay quanh tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp năm 2012. Chương trình cũng thí điểm đào tạo “More than Money” cho học sinh tiểu học, hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận có tên là Tuổi trẻ thành đạt Việt Nam (Vietnam Junior Achievement). Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, những chương trình trên vẫn đang ở dạng thức rất sơ khai, quy mô khiêm tốn, chưa đồng bộ và theo một lộ trình cụ thể, thống nhất trên phạm vi toàn quốc để hướng tới hiểu biết của cộng đồng trên diện rộng. Mặc dù, đã có hàng loạt quốc gia xây dựng và triển khai các chiến lược giáo dục tài chính như một trong những giải pháp để phát triển tài chính toàn diện, Chính phủ Việt Nam vẫn tỏ ra khá thận trọng. Mới đây, bản dự thảo về Tài chính toàn diện Việt Nam dự kiến 2025 và tầm nhìn 2030 đã đề xuất một số giải pháp phát triển giáo dục và nhận thức của cộng đồng dân cư về tài chính và tài chính toàn diện. Các giải pháp này có thể được đánh giá là hành động thiết thực và nổi bật nhất của Chính phủ đối với chiến lược giáo dục tài chính toàn diện khi chính thức đặt vấn đề về nâng cao năng lực và kiến thức tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Vì thế, không quá khó để giải thích tại sao tính đến 2017, chỉ số phổ cập tài chính của Việt Nam chỉ đạt 21,28 điểm, xếp thứ 112/176 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng ở vị trí 22/37 tại khu vực châu Á. Trình độ và hiểu biết tài chính của nhóm sinh viên, các hộ gia đình đang ở mức thấp (TBNH, 23/3/2018). Thực tế, những hạn chế về tài chính của phần lớn người dân đã trực tiếp tạo ra những ảnh hưởng nhất định tới việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính của họ cũng như khả năng bao phủ của các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức. Và do đó, việc nghiên cứu và triển khai 166
  4. một chiến lược giáo dục tài chính cấp quốc gia càng tỏ rõ vai trò quan trọng, không chỉ với phát triển tài chính toàn diện mà còn góp phần đảm bảo ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững. Hàm ý chính sách Với đặc thù là một nước đang phát triển, thu nhập của đại đa số người dân còn ở mức thấp, hiểu biết về tài chính cá nhân hay mức độ bao trùm của các dịch vụ, sản phẩm tài chính còn khiêm tốn, giáo dục tài chính nổi lên như một phương thức để cải thiện các rào cản về tiếp cận dịch vụ tài chính cũng như đảm bảo quyền lợi, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng. Ở Dự thảo về phát triển tài chính toàn diện trong đó có giáo dục tài chính kế hoạch đến 2025 và tầm nhìn 2030, giáo dục tài chính được xem như một chiến lược hỗ trợ thúc đẩy tài chính toàn diện, bao gồm các nội dung sau: i) Xây dựng và triển khai những biện pháp tổng thể để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân, từ đó tăng khả năng sử dụng, đánh giá lợi ích, rủi ro của các sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức cung ứng để người tiêu dùng tài chính sáng suốt lựa chọn các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu thực tế của cá nhân. ii) Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược giáo dục tài chính quốc gia để nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân iii) Các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức xây dựng và triển khai các chương trình nhằm cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về lợi ích, chi phí, rủi ro cùng phương thức quản lý và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính; đồng thời công khai quy trình xử lý, khiếu nại, tranh chấp cho tất cả các đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ; iv) Đẩy mạnh các chương trình truyền thông phổ biến kiến thức tài chính cho mọi nhóm đối tượng v) Nâng cao kỹ năng tài chính đặc biệt là các công cụ quản trị rủi ro, bảo hiểm, cho thuê tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin và kiểm soát khí hậu cho người sản xuất nông nghiệp Đáng chú ý, tại Dự thảo lần này, giáo dục tài chính được xem như một yêu cầu cấp thiết và cần được thiết kế, xây dựng tầm cỡ quốc gia. Nếu Dự thảo được thông qua và các cơ quan liên quan tiến hành thực hiện chiến lược, sẽ có nhiều chương trình giáo dục về tài chính với các cấp độ khác nhau được triển khai tới các tầng lớp dân cư đa dạng, làm nền tảng đắc lực cho thúc đẩy tài chính toàn diện trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể hơn, cần làm rõ chiến lược giáo dục tài chính cho toàn dân bằng các đề án hướng đến những đối tượng khác nhau, chú trọng hướng đến người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, người lao động nghèo; lồng ghép chương trình phổ cập kiến thức tài chính với các chương trình an sinh xã hội. Thêm vào đó, giáo dục tài chính cần song hành với bảo vệ quyền lợi người sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính và đi kèm với các yếu tố mang tính địa phương, bản sắc văn hóa nhằm tăng cường tính gần gũi, dễ tiếp cận cho những đối tượng đặc biệt như dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Riêng bảo vệ quyền lợi cần có các văn bản pháp luật chính thức mới có thể góp phần hạn chế các rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra khi người dân sử dụng các dịch vụ, sản phẩm tài chính. Kết luận Việc khảo cứu các tài liệu gợi ý rằng xây dựng giáo dục toàn diện trở thành chiến lược cấp quốc gia đóng vai trò cấp thiết hàng đầu trong quá trình thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Giáo dục tài chính góp phần tăng cường hiểu biết của người tiêu dùng về các sản phẩm, dịch vụ tài chính và đưa ra các quyết định lựa chọn phù hợp; từ đây họ có thể tự bảo vệ bản thân và hạn chế tối đa có thể những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng các sản phẩm tài chính. Quá trình thực hiện chiến lược này cần sự phân công và phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, cơ quan hữu quan các cấp như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đem đến những giải pháp thống nhất và hiệu quả. 167
  5. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Dự thảo lần 3 về Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. 2. Mzobe, N. (2015). The role of education and financial inclusion in Africa: The case of selected African countries (Doctoral dissertation, Stellenbosch: Stellenbosch University). 3. ThS. Lê Phương Lan và ThS. Nguyễn Thị Hương Thanh, Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam - Ý nghĩa và sự cần thiết, Viện Chiến lược Ngân hàng, 12/10/2017. 4. OECD/INFE 2015 FINANCIAL LITERACY SURVEY. 5. OECD (2018). Financial inclusion and consumer empowerment in Southeast Asia. 6. Thời báo Ngân hàng, 23/3/2018, Thúc đẩy giáo dục tài chính tại Việt Nam, truy cập tại 7. Viện Chiến lược Ngân hàng, Sơ lược về Tài chính toàn diện, 2017. 168