Hàm ý một số giải pháp phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam thời hội nhập
Bạn đang xem tài liệu "Hàm ý một số giải pháp phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam thời hội nhập", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- ham_y_mot_so_giai_phap_phat_trien_doanh_nghiep_xa_hoi_o_viet.pdf
Nội dung text: Hàm ý một số giải pháp phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam thời hội nhập
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 HÀM Ý MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP XÃ HỘI Ở VIỆT NAM THỜI HỘI NHẬP IMPLICATIONS SOME DEVELOPMENTS FOR LEGAL DEVELOPMENT SOCIAL ENTERPRISE IN VIETNAM IN THE INTEGRATION TS. Trần Minh Đức ĐH Thủ Dầu Một Email: ductm@dmu.edu.vn Tóm tắt Doanh nghiệp xã hội có nhiều ưu thế tiềm năng, bắt nguồn từ bản chất không lợi nhuận và mục tiêu xã hội bền vững của mô hình này. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp xã hội phát triển trên quan điểm Nhà nước cần hợp tác và chia sẻ trách nhiệm cung cấp phúc lợi xã hội với các doanh nghiệp xã hội để đạt hiệu quả cao hơn. Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế nước ta hiện nay, và trước các vấn đề xã hội, môi trường ngày càng trở nên phức tạp, việc kế thừa kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trong phát triển doanh nghiệp xã hội là rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Dùng phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính để phân tích bản chất, vai trò và ý nghĩa của mô hình doanh nghiệp xã hội, bài viết đưa ra một số kiến nghị và giải pháp để phát triển các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, hoạt động, xã hội Abstract Social enterprise there are many potential advantages, derived from non-profit nature and sustainable social goals of this model. On the world, many countries have had incentive policies, promote social enterprise development on the point of view the state should cooperate and shared responsibility provide social welfare with social enterprises to achieve higher efficiency. In the context of integration the economy of our country today, and before social issues, the environment is becoming increasingly complex, the inheritance of experience from advanced countries in social enterprise development is essential for comprehensive development and sustainable country.Use quantitative research methods and qualitative to analyze the nature, role and meaning of social enterprise model, the article makes a number of recommendations and solution to develop social enterprises in Vietnam in the current period. Keywords: enterprise, social enterprise, work, society 1. Đặt vấn đề Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là một mô hình tổ chức có 3 đặc điểm then chốt là: Đặt mục tiêu, sứ mệnh xã hội (XH) lên hàng đầu, ngay từ khi thành lập; Sử dụng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như một phương tiện để đạt mục tiêu XH đó; Tái phân bổ phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trở lại cho tổ chức, cộng đồng, và mục tiêu XH. Trong giai đoạn trước Đổi mới, Việt Nam đã có một số mô hình có thể được coi là các DNXH, đó là các Hợp tác xã (HTX) tạo việc làm cho người khuyết tật, Sau 1986, đường lối Đổi mới và chính sách mở cửa của Đảng, Nhà nước đã thực sự tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều thành phần kinh tế, các tổ chức từ thiện, phát triển cộng đồng trong và ngoài nước. Từ giữa những năm 1990, một số DNXH thực thụ đã bắt đầu xuất hiện như Trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO tại Hà Nội, Mai Handicrafts tại thành phố Hồ Chí Minh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 2012, tr 19)(1), Tuy nhiên, nhận thức XH vẫn tách bạch rõ ràng giữa hai loại hình DN vì lợi nhuận và Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) không vì lợi nhuận, do đó các DNXH chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô hạn chế. Từ năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, dòng vốn tài trợ có xu hướng giảm, không ít Tổ chức phi chính phủ (NGO) đã chuyển đổi thành DNXH để tìm hướng đi mới cho mình. Cũng từ đây, các khái niệm về DNXH đã được một số tổ chức, như Hội đồng Anh, Tổ chức hỗ trợ 582
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 sáng kiến vì cộng đồng (CSIP), giới thiệu và tuyên truyền rộng rãi ở Việt Nam. Hàng chục DNXH mới đã được CSIP “ươm tạo” thông qua quy trình tuyển chọn, công nhận và hỗ trợ của trung tâm. Hiện nay, theo ước tính số lượng các tổ chức có tiềm năng để trở thành DNXH ở Việt Nam đã lên tới 165.000 tổ chức các loại (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 2015)(2). Đó là chưa kể đến các cơ sở ngoài công lập phi lợi nhuận, các DNNN cung cấp dịch vụ công ích, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập được Nhà nước khuyến khích chuyển đổi hoạt động sang mô hình DN để nâng cao hiệu quả, đều có thể áp dụng mô hình DNXH. Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển loại hình DNXH cho thấy, Chính phủ Anh đặt DNXH trong một chiến lược tổng thể thúc đẩy sự phát triển và tham gia của khu vực Thứ ba, bao gồm cả các Tổ chức NGO, thiện nguyện, cộng đồng và nhóm tình nguyện. Về thể chế, Chính phủ Anh thành lập bộ phận chuyên trách về DNXH (SEnU) thuộc Văn phòng khu vực Thứ ba, đặt dưới Văn phòng Nội các. Ở Mỹ, Chính phủ liên bang lại thành lập Văn phòng Sáng kiến XH và sự tham gia của công dân hoạt động như một Tổ chức phi lợi nhuận (NPO), và cũng tạo lập một loại hình DN mới - Công ty lợi nhuận thấp (L3C) cho các DNXH. Ở châu Á, Chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật Phát triển DNXH từ năm 2007 và thiết lập Ủy ban hỗ trợ DNXH trực thuộc Bộ Lao động để điều phối các chương trình khuyến khích, hỗ trợ DNXH. Mối quan tâm lớn nhất của Hàn Quốc đối với DNXH là hiệu quả tạo việc làm đặc biệt trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Chính phủ Thái Lan cũng thành lập Ủy ban khuyến khích DNXH thuộc Văn phòng Thủ tướng từ năm 2009, Văn phòng Thái về DNXH trực tiếp nghiên cứu, lập chính sách phát triển DNXH từ năm 2010. Chiến lược phát triển, Nghị định về DNXH đã được ban hành năm 2010 - 2011. Chính phủ Singapore thành lập Phòng DNXH đặt trong Bộ Phát triển cộng đồng, Thanh niên và Thể thao từ năm 2006, đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của DNXH trong việc giúp Chính phủ tạo việc làm cho nhóm cộng đồng yếu thế. Trong khi đó, các DNXH ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề nhận thức về DNXH còn hạn chế, chưa được định danh một cách chính thức từ phía nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh và gắn kết cộng đồng, cũng như một hệ thống các tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối, Việt Nam đến nay tuy đã bước qua giai đoạn phát triển mới, nhưng vẫn nằm trong nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp. Đất nước còn nghèo, trong khi đó quá trình tăng trưởng kinh tế lại đặt ra rất nhiều vấn đề XH - môi trường mới nảy sinh. Ước tính đến nay có khoảng 22,5 triệu người (25% dân số) thuộc diện đối tượng cần hỗ trợ (Bộ Lao động – Thương binh và XH, 2018)(3), bao gồm: Hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người mãn hạn tù, người bị nhiễm HIV/AIDS, người già neo đơn, Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác như bạo lực XH, lối sống không lành mạnh, stress của dân đô thị, giáo dục và y tế đều ở tình trạng quá tải, bất hợp lý, thực phẩm không an toàn, xử lý rác thải, ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn văn hóa, Rõ ràng, đã đến lúc để Việt Nam cần coi các DNXH như những đối tác chia sẻ gánh nặng, giúp Chính phủ thực hiện các mục tiêu XH. Việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khung khổ pháp lý, chính thức công nhận, và đề ra các chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ các DNXH, cũng như thể chế thực hiện các chính sách đó là vô cùng cần thiết. 2. Đặc điểm và vai trò của DNXH 2.1. Một số quan niệm về DNXH Cho đến thời gian gần đây, khi một số tổ chức trung gian phát triển DNXH như CSIP và Trung tâm Phát triển DNXH Tia Sáng (Spark) ra đời, khái niệm DNXH mới chính thức được giới thiệu vào Việt Nam một cách rộng rãi. Chính phủ Anh định nghĩa: “DNXH là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu XH, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu” (About Social Enterprise, 2002)(4). Cách định nghĩa này rất toàn diện, bám sát những đặc điểm cơ bản của DNXH. Một là, kinh doanh cần được hiểu như một mô hình, phương án, giải pháp có và thông qua hoạt động kinh doanh hơn là ràng buộc DNXH vào hình thức công ty xơ cứng, vốn suy cho cùng cũng chỉ là công cụ tổ chức. 583
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Hai là, mục tiêu XH được đặt ra như một sứ mệnh cơ bản và trước tiên của việc thành lập tổ chức đó. DNXH phải là tổ chức được lập ra vì mục tiêu XH. Ba là, về nguyên tắc lợi nhuận được tái phân phối lại cho tổ chức hoặc cộng đồng, không phải cho cá nhân. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa: “DNXH là những tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau vận dụng tinh thần doanh nhân nhằm theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu XH và kinh tế. DNXH thường cung cấp các dịch vụ XH và việc làm cho các nhóm yếu thế ở cả thành thị và nông thôn. Ngoài ra, DNXH còn cung cấp các dịch vụ cộng đồng, trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, môi trường”. CSIP của Việt Nam đưa ra quan điểm: “DNXH là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các doanh nhân XH (DNhXH) dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể. DNXH lấy lợi ích XH làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu XH, môi trường và mục tiêu kinh tế”. Có thể nói, khái niệm của CSIP về DNXH là rất rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức này tuyển chọn, ươm tạo và phát triển phong trào DNXH vốn còn rất non trẻ ở Việt Nam. Trước hết, CSIP gắn DNhXH với DNXH để nhấn mạnh vai trò của người sáng lập tổ chức là những người kết hợp hài hòa được sáng kiến XH và tinh thần doanh nhân. Thứ hai, DNXH có thể đang hoặc sẽ hoạt động dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau, vốn phù hợp với thực trạng phong phú của khu vực XH dân sự (XHDS) ở Việt Nam, trong đó nổi bật là vai trò đổi mới của NGOs, đồng thời mở ra khả năng chuyển đổi thành DNXH từ các mô hình tổ chức khác như Quỹ tín dụng vi mô, Quỹ từ thiện, HTX thậm chí có thể bao gồm các một số loại hình từ Tổ chức XH, Tổ chức sự nghiệp, DN dịch vụ công ích của khu vực nhà nước. Thứ ba, các tiêu chí chủ đạo để xác định DNXH trong khái niệm của CSIP dường như tiếp thu trường phái định nghĩa của OECD khi yêu cầu DNXH phải theo đuổi đồng thời cả hai mục tiêu XH (chủ đạo) và kinh tế. Ngoài ra còn có những khái niệm tuy chưa toàn diện nhưng đã làm nổi bật bản chất của DNXH. Mạng Wikipedia định nghĩa: “DNXH là một tổ chức áp dụng các chiến lược kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu từ thiện, DNXH có thể là một tổ chức vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận”. Ông Bambang Ismawan - người sáng lập một trong các tổ chức tín dụng vi mô lớn nhất của Indonesia - Quỹ Bina Swadaya (từ năm 1967) cho rằng: “DNXH là việc đạt được sự phát triển/ mục tiêu XH (social development) bằng cách sử dụng giải pháp kinh doanh (entrepreneurship solution)”. Rõ ràng, cả hai định nghĩa này đều nhấn mạnh mối quan hệ “phương tiện - cứu cánh” giữa chiến lược/ giải pháp kinh doanh và mục tiêu/ giải pháp XH trong mô hình DNXH. Nói cách khác, việc vận dụng giải pháp kinh doanh như một công cụ để đưa đến một giải pháp XH cụ thể chính là bản chất của DNXH. 2.2. Đặc điểm cơ bản của DNXH Từ các quan niệm, định nghĩa phong phú về DNXH, tùy thuộc trình độ phát triển của mỗi nước và khu vực, cũng như đặc thù và ưu tiên của từng tổ chức, có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản của DNXH được thừa nhận rộng rãi như sau: - DNXH phải có hoạt động kinh doanh. Chính hoạt động kinh doanh là nét đặc thù cũng như thế mạnh của DNXH so với các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các quỹ từ thiện chỉ đơn thuần nhận tài trợ và thực hiện các chương trình XH. Do đó, giải pháp kinh doanh là một nửa không thể thiếu của mô hình DNXH. Khác với các Quỹ từ thiện có thể kêu gọi lòng hảo tâm để nhà tài trợ đóng góp hoặc mua sản phẩm gây quỹ cho tổ chức. Nói đúng hơn, DNXH phải vượt lên trên các quỹ từ thiện truyền thống. Họ phải là người cung cấp các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ với chất lượng tốt và ở mức giá cạnh tranh so với thị trường. Đây là cái khó của các DNXH, và chính điều đó lý giải tại sao DNXH luôn gắn chặt với các sáng kiến XH, bởi giải pháp kinh doanh của DNXH phải có tính “sáng kiến XH” mới có thể đem đến mục tiêu XH dưới hình thức kinh doanh. 584
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Hoạt động DNXH Mục tiêu Kinh doanh XH Hình 1. Thuộc tính đặc trưng của DNXH Nguồn: Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Việc cạnh tranh bình đẳng và công bằng, tuy là một thử thách lớn, nhưng lại đem lại cho DNXH vị thế độc lập và tự chủ trong tổ chức và hoạt động của mình, đây là điều mà NGOs và Quỹ từ thiện không thể có. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh có thể không bù đắp tất cả chi phí cho mục tiêu XH, nhưng ít nhất việc bù đắp một phần, thường là từ 50-70% nguồn vốn, sẽ giúp DNXH độc lập hơn trong quan hệ với các nhà tài trợ để theo đuổi sứ mệnh XH của riêng mình và quan trọng hơn là tạo điều kiện để DNXH mở rộng được quy mô các hoạt động XH của họ. - DNXH phải đặt mục tiêu XH lên hàng đầu. DNXH phải lấy mục tiêu XH làm sứ mệnh hoạt động tối thượng ngay từ khi thành lập. Đây là điểm đặc biệt so với DN truyền thống. Khác biệt này thể hiện ở chỗ các DN truyền thống sử dụng việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng hay tìm đến các giải pháp XH như một công cụ nhằm đạt được lợi nhuận cho chủ sở hữu của DN. Ngược lại, DNXH sử dụng hình thức kinh doanh như một công cụ để đạt được các mục tiêu XH của mình. Rõ ràng, hai quy trình cũng như cách tiếp cận này tương phản nhau về bản chất. Do đó, DNXH có thể có lợi nhuận, thậm chí cần lợi nhuận để phục vụ mục tiêu XH, nhưng không vì lợi nhuận mà vì XH. - Lợi nhuận DNXH phải được tái phân phối trở lại cho hoạt động của tổ chức hoặc cho cộng đồng. Thực chất, hai đặc điểm ở trên về hoạt động kinh doanh và mục tiêu XH là những nét cơ bản nhất về DNXH. Yêu cầu tái phân phối lợi nhuận chỉ là tiêu chí để giúp phân định rõ đặc điểm vì lợi nhuận hay vì XH mà thôi. Nguyên tắc cơ bản của DNXH là không được phân phối lợi nhuận cho cá nhân. DNXH không thể được coi là một con đường làm giàu. Muốn làm giàu cá nhân phải tìm kiếm ở mô hình kinh doanh truyền thống. - DNXH phải có sự tham gia của cộng đồng hoặc các bên liên quan, các bên hưởng lợi. Điều này cho phép DNXH có tính tự chủ cao. Đây là trường hợp của các HTX hoạt động theo mô hình DNXH rất hiệu quả ở một số nước phát triển. Trên thực tế, hầu hết các DNXH đều có cấu trúc quản lý cởi mở và dân chủ. Yêu cầu gắn kết với cộng đồng, các bên hưởng lợi và một số lượng đối tác đông đảo, trong khi mục đích XH được đặt ở vị trí tối cao, khiến các DNXH sẵn sàng chia sẻ quyền lực của mình với tất cả các bên liên quan. Tại không ít DNXH, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng sáng lập viên đã áp dụng nguyên tắc “mỗi thành viên - một phiếu bầu/ quyền biểu quyết như nhau” trong mọi quyết định của tổ chức, mà không dựa vào tỷ lệ góp vốn của họ. - DNXH phải phục vụ nhu cầu của Nhóm đáy XH. Đây là đối tượng những người nghèo và yếu thế nhất trong XH. Và vì chiếm số đông nhất nhưng ở dưới đáy cùng của XH nên được gọi là Nhóm đáy. Đáng chú ý, nhóm đối tượng bị lề hóa, bao gồm người dân ở vùng sâu vùng xa, người khuyết tật, người bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em đường phố, thất học, phạm nhân mãn hạn tù, tuy không hoàn toàn nằm trong Nhóm đáy nhưng có tỷ lệ và nguy cơ cao rơi vào Nhóm đáy, do đó cũng là một địa bàn trọng yếu của các DNXH. Trong khi khu vực nhà nước không kham nổi gánh nặng phúc lợi XH của Nhóm đáy, khu vực DN tư nhân lại bỏ qua nhóm này, vì vậy DNXH đóng vai trò rất quan trọng để lấp đầy khoảng trống mà nhà nước và thị trường để lại. Chỉ có các DXNH mới có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho đối tượng Nhóm đáy ở mức giá rẻ. 585
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 2.3. Vai trò của DNXH Không ít lý thuyết đã chỉ ra được ý nghĩa sâu xa và vai trò rộng lớn của các DNXH đối với XH trong tương lai. Các tác giả Roger L. Martin và Sally Osberg (2007), là thành viên hội đồng quản trị và CEO của Skoll Foundation đã đưa ra một ma trận nổi tiếng về DNXH, theo đó, ba loại hình hoạt động XH được sắp xếp dựa trên cách thức tác động trực tiếp hay gián tiếp và hiệu quả cuối cùng là giải quyết được vấn đề XH một cách bền vững: (1) DNXH cung cấp phúc lợi XH, từ thiện: Được thực hiện trực tiếp bởi các tổ chức NGO và các nhà hảo tâm, họ góp phần giải quyết các vấn nạn XH một cách trực tiếp. Nhưng kết quả là chỉ cải thiện được vấn đề đó ở một mức độ nhất định mà thôi. Chúng vẫn tồn tại, hay nói cách khác, đó là “điểm cân bằng” mà XH buộc phải thỏa hiệp khi chưa thể đưa đến một sự thay đổi căn bản. Chẳng hạn như, một dự án từ thiện có thể trợ giúp được rất nhiều bệnh nhân nghèo, vốn là điều rất đáng quý bởi có thể trực tiếp giảm nhẹ khó khăn của những bệnh nhân đó và gia đình, cũng như XH. Tuy nhiên, họ lại không thể làm giảm được số lượng bệnh nhân mới đến viện. Hay nói cách khác, họ không giải quyết được vấn đề một cách căn bản, từ gốc; (2) Các phong trào XH được thực hiện bởi các nhà hoạt động XH: Có thể lấy ví dụ như cuộc đấu tranh của Mục sư Luther King cho quyền bình đẳng của người da đen hay cuộc vận động Trách nhiệm XH của DN (CSR), Các phong trào này có tác động rộng khắp, giải quyết vấn đề XH một cách bền vững, đưa đến một “điểm cân bằng” mới được XH chấp nhận. Mặc dù vậy, khả năng phát triển các phong trào XH như vậy là rất ít về số lượng, lại đòi hỏi thời gian, điều kiện thuận lợi từ môi trường kinh tế - xã hội (KTXH) bên ngoài, và đặc biệt chỉ được thực hiện một cách gián tiếp qua những người chịu ảnh hưởng (trong trường hợp CSR là các DN) để từ đó tạo ra sự thay đổi; (3) DNXH có thể giải quyết vấn đề XH trực tiếp và bền vững: Cũng cung cấp phúc lợi XH như NGO nhưng DNXH có ưu thế rõ ràng ở khả năng phát triển quy mô và nhân rộng. Nhà hàng KOTO ở Hà Nội hiện đang phát triển theo hướng nhân rộng mô hình của mình ra các địa phương khác ở Việt Nam và cả nước ngoài, đồng thời khuyến khích các thế hệ F2, F3 là các học viên đã tốt nghiệp từ KOTO tiếp tục thực hiện các mô hình như KOTO (điển hình là Nhà hàng Pots & Pans đã được mở tại Hà Nội do một cựu học viên của KOTO thành lập). Quan trọng hơn là cách giải quyết của DNXH luôn hướng đến các giải pháp cơ bản, sinh kế bền vững, do đó hiệu quả XH đạt được có ý nghĩa sâu sắc hơn. Về lý thuyết, nếu DNXH phổ biến được giải pháp y tế dự phòng thông qua cải thiện lối sống của người dân thì số lượng bệnh nhân K sẽ giảm, chứ không tăng. Ma trận nói trên của Roger L. Martin và Sally Osberg so sánh các loại hình hoạt động XH tinh túy, điển hình. Trên thực tế, ranh giới giữa chúng không phải lúc nào cũng rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, qua đây giúp chúng ta thấy rằng DNXH có những ưu điểm nằm ngay trong cách tiếp cận cũng như bản chất của mô hình này. Nếu những thế mạnh đó được phát huy, DNXH sẽ mang lại những hiệu quả XH vô cùng sâu rộng. 3. Sự phát triển DNXH ở Việt Nam 3.1. Các giai đoạn phát triển DNXH Dù chưa được công nhận chính thức, nhưng các hoạt động sử dụng kinh doanh như một công cụ để phục vụ cho lợi ích cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng yếu thế ở Việt Nam đã xuất hiện từ khá lâu. Cơ quan quản lý kinh tế Việt Nam (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, 2012)(5) chia quá trình phát triển DNXH ở Việt Nam thành ba giai đoạn chính sau: (1) Giai đoạn trước năm 1986: Trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nhà nước là chủ thể duy nhất có trách nhiệm đảm bảo các dịch vụ XH được phân phối tới người dân. Sự hình thành và hoạt động của các tổ chức chính trị XH như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn chặt với hệ thống quản lý nhà nước (QLNN) và là nơi duy nhất qua đó cá nhân có thể tham gia vào hoạt động cộng đồng. Trong thời kỳ này, các loại hình tổ chức XH độc lập với nhà nước như NGOs không được phép hoạt động ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập 586
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 thể được công nhận là hai thành phần kinh tế chủ đạo của đất nước. Trong bối cảnh ấy, HTX là hình thức tổ chức phù hợp duy nhất được thành lập để đáp ứng một số nhu cầu đặc biệt của xã viên theo tinh thần cộng đồng, hợp tác, chia sẻ và cùng hưởng lợi. HTX được coi là một tổ chức thuộc sở hữu cộng đồng, đồng thời là một đơn vị kinh tế độc lập. Về mặt chính sách, nhà nước cũng có nhiều chính sách khuyến khích sự phát triển của HTX ngay từ những năm đầu xây dựng CNXH ở Miền Bắc. Đến năm 1987, số lượng các HTX trên cả nước lên tới gần 74000, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng. Trong số các HTX ra đời trong giai đoạn này, một số không nhỏ được thành lập để tạo việc làm, hỗ trợ cuộc sống cho những đối tượng yếu thế của XH, chủ yếu là người khuyết tật. Hầu hết các HTX của người khuyết tật hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, như mây tre, đan thêu, may mặc, bởi đây được coi là những việc làm phù hợp với sức khỏe và điều kiện lao động của họ. (2) Giai đoạn từ năm 1986 - 2010: Mặc dù DNXH đã manh nha xuất hiện dưới hình thức HTX từ lâu, nhưng các hoat động kinh doanh vì mục tiêu XH với đầy đủ các đặc điểm cơ bản của mô hình DNXH chỉ bắt đầu phát triển kể từ khi chính sách Đổi Mới được thực hiện vào năm 1986. Nhờ đó, vai trò chủ động của cá nhân và cộng đồng trong việc cung cấp và trao đổi các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân đã được công nhận và phát triển. Chính sách mở cửa cũng dẫn đến sự tăng trưởng ngoạn mục của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trợ giúp phát triển quốc tế (ODA). Các hoạt động này không những đem lại nguồn vốn lớn phục vụ cho công cuộc phát triển, mà việc giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm và tri thức phát triển XH cũng đã mang lại những mô hình và cách làm mới mà Việt Nam có thể tiếp thu. Sau khi lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ vào năm 1994, hàng trăm các tổ chức nhân đạo phát triển quốc tế đã vào Việt Nam, mang theo một nguồn viện trợ nhân đạo không hoàn lại và vốn ODA rất lớn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2005 - 2010, tổng số vốn ODA cam kết cho Việt Nam là 31 tỷ USD Mỹ. Đây là giai đoạn nhà nước có nhiều chính sách cởi mở, tạo lập khung khổ pháp lý cho sự phát triển các tổ chức kinh tế và XH ngoài nhà nước. Nghị định số 71/1998/NĐ-CP về quy chế dân chủ ở cơ sở và các văn bản pháp qui ra đời năm 1998 lần đầu tiên chính thức khuyến khích sự tham gia của các tổ chức XH và công dân trong quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện chính sách tại cộng đồng. Vai trò của các tổ chức cộng đồng được đặc biệt chú trọng trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho cộng đồng như quản lý tài nguyên nước, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế ban đầu, giáo dục phổ cập, bảo vệ môi trường. Nhà nước đặc biệt chú trọng và khuyến khích sự hợp tác giữa NGOs trong nước, nước ngoài và chính quyền địa phương. Các chính sách này đã giúp các tổ chức và DN phát triển cộng đồng thực sự nở rộ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có hàng nghìn tổ chức có tính cộng đồng như nhà văn hóa, câu lạc bộ và mảng phụ trách hoạt động kinh doanh thuộc các tổ chức chính trị - XH quần chúng (ví dụ: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người tàn tật, ) và hàng nghìn đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng cung cấp phúc lợi XH của nhà nước (mang lại các dịch vụ công cộng như quản lý chất thải, nguồn nước, ). Các tổ chức này đều có một số đặc điểm của DNXH và có khả năng chuyển thành DNXH. (3) Giai đoạn từ 2010 đến nay: Việc Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình thấp là một cơ hội phát triển mới cho dân tộc. Điều đó có nghĩa nguồn vốn trong nền kinh tế Việt Nam đã dồi dào và chủ động hơn trước, tình trạng nghèo đói đã được cải thiện đáng kể trong số đông dân cư. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến việc thay đổi chính sách hỗ trợ nhân đạo và phát triển XH của các quốc gia và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến sự ra đi của một số tổ chức phát triển song phương như SIDA, Ford Foundation; hoặc việc giảm dần nguồn tài trợ ODA từ Việt Nam để chuyển sang các nước nghèo hơn. Trong bối cảnh đó, CSIP cùng các đối tác như Hội đồng Anh, Spark đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu DNXH như một hướng giải quyết mới, một mô hình tổ chức thay thế phù hợp với bối cảnh chuyển đổi hiện nay. Thế mạnh của DNXH là áp dụng mô hình kinh doanh dựa trên những nguyên tắc và động lực của thị trường để giải quyết chính những thất bại của thị trường và các vấn đề XH. Sau khi khái niệm DNXH được giới thiệu vào Việt Nam trong vài năm gần đây và được khuyến khích, hỗ trợ bởi các tổ chức trung gian đóng vai trò phát triển DNXH như CSIP và Spark, nhiều cá nhân đã khởi nghiệp bằng cách thành lập các DNXH, có thể hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau (NGO hoặc Công ty TNHH, Công ty cổ phần). Các DNXH này 587
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 đều có một số đặc điểm chung là: Được thành lập và lãnh đạo bởi DNhXH; Có tính tự chủ cao; Đưa ra các giải pháp XH có tính sáng tạo; Mục tiêu XH, môi trường là chủ đạo, được thể hiện xuyên suốt và minh bạch; Có tính cạnh tranh và định hướng thị trường cao; Tối ưu nhưng không tối đa lợi nhuận; Đa phần lợi nhuận thu được dùng để tái đầu tư và mở rộng tác động, không phải để chia cho nhà đầu tư; Sở hữu tập thể và cộng đồng, dân chủ và có sự tham gia của những người cùng chia sẻ nhu cầu và mục đích; Chấp nhận rủi ro cao, Như vậy có thể nhìn nhận, dù chưa được nhiều người biết đến nhưng DNXH ở Việt Nam cũng đã hình thành và đi vào hoạt động từ khá sớm và tự thân đảm đương được những sứ mệnh rất nhân văn, thiết thực. Nếu như trước Đổi mới (1986), DNXH chủ yếu gắn với sở hữu tập thể, hoạt động dưới hình thức các HTX phục vụ nhu cầu của nhóm cộng đồng yếu thế thì đến giai đoạn từ 1986-2010, DNXH gắn với các NGO và nguồn vốn tài trợ chủ yếu từ các tổ chức nước ngoài. Giai đoạn 2010 đến nay, từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, DNXH hoạt động theo nguyên tắc thị trường; nguồn vốn chuyển dịch từ tài trợ bên ngoài sang nguồn thu từ nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, 3.2. Cấu trúc của khu vực DNXH Những thông tin về cơ cấu thành phần của phong trào DNXH Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào Nghiên cứu khảo sát thiết lập danh bạ DNXH Việt Nam do CSIP, Hội đồng Anh và Spark tổ chức thực hiện năm 2011. Dựa vào bộ dữ liệu của 167 DNXH tham gia khảo sát từ 25 tỉnh thành, nghiên cứu cho thấy, đa số các DNXH tập trung ở Hà Nội (41%) và thành phố Hồ Chí Minh (13%). Phạm vi tác động của DNXH ở 38 tỉnh còn lại là không đáng kể, do nhận thức và hỗ trợ phát triển ở mức thấp. Về hình thức tổ chức và địa vị pháp lý, các DNXH hoạt động dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khá đa dạng, từ DN thông thường đến câu lạc bộ và hiệp hội. Về lĩnh vực hoạt động, báo cáo Nghiên cứu chỉ ra rằng, 68% số DNXH theo cách nào đó hướng tới việc đóng góp cho xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập thông qua giáo dục, đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng, thiết bị và kiến thức. Ngoài ra, có tới 48% DNXH còn có mục tiêu liên quan đến môi trường, chẳng hạn như cung cấp sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, hoạt động theo cách thức thân thiện với môi trường và tăng cường nhận thức trong cộng đồng về vấn đề môi trường. Những số liệu về DNXH Việt Nam cho đến nay tuy chưa đầy đủ, nhưng có thể mang lại những chứng cứ nhất định cho niềm tin vào tiềm năng và sự phát triển của nó trong tương lai. Nằm trong vùng có điều kiện địa kinh tế thuận lợi, phong trào DNXH Việt Nam đang được tiếp sức bởi phong trào DNXH trên thế giới nói chung và trong khu vực Đông Nam Á nói riêng. Một làn sóng đầu tư vào các DNXH khu vực Đông Nam Á, cùng với việc một số chính phủ trong khu vực đã đưa ra các chính sách thúc đẩy DNXH là những cơ hội mà phong trào DNXH Việt Nam cần nắm bắt kịp thời vì sự phát triển của chính mình và vì sự đóng góp vào sự phát triển KTXH chung của cả nước. 3.3. Các loại hình tổ chức DNXH Trong thực tiễn chính sách khuyến khích và hỗ trợ DNXH ở nước ngoài cũng như Việt Nam, khái niệm DNXH thường được xác định rất cởi mở, chủ yếu chỉ chú trọng yếu tố hiệu quả tác động XH. Đơn cử như cách định nghĩa của Skoll Foundation (2010): “DNXH là một cách tiếp cận sáng tạo, có định hướng thị trường để giải quyết những nguyên nhân cơ bản của những vấn đề XH và môi trường gay gắt nhất. Nó tạo ra những thay đổi có hệ thống và đưa ra những giải pháp bền vững”. Chính vì vậy, DNXH có thể được tìm thấy trong nhiều loại hình tổ chức và có địa vị pháp lý rất đa dạng. Đáng chú ý, DNXH đều có thể xuất hiện trong khu vực công, tư nhân và XHDS. Nhận diện và phân tích một số loại hình tổ chức chủ yếu của các DNXH và cả những tổ chức có tiềm năng trở thành DNXH tại Việt Nam, chúng ta thấy có 6 loại hình DNXH gồm: Tổ chức NGO; DNXH thuần túy; Hỗn hợp giữa DN và tổ chức phi lợi nhuận; Các cơ sở ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục); Các DN nhà nước cung cấp dịch vụ công ích; Các tổ chức sự nghiệp có thu, tổ chức XH của nhà nước (hiệp hội, viện nghiên cứu, bênh viện, trường học, ). 588
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Tựu trung, DNXH ở Việt Nam hiện nay hoạt động dưới nhiều loại hình thức tổ chức pháp lý khác nhau. Đến nay chưa có số liệu chính xác về DNXH ở mỗi loại hình, tuy nhiên theo khảo sát của Hội đồng Anh, ước đến năm 2014 Việt Nam có 211 DNXH hoạt động, chưa kể có khoảng 165.000 các tổ chức khác có một số đặc tính hoạt động như DNXH. Các mô hình DNXH như Reaching Out, Kymviet, Thương Thương Handmade, Blind Link, Tò he, góp phần giải quyết vấn đề lao động cho người khuyết tật, đã thực sự truyền cảm hứng ra cộng đồng bởi những người thủ lĩnh tốt bụng và can đảm. Đây là một con số đáng kể cả về số lượng và những tác động có thể mang lại cho cộng đồng. Như vậy, ngoài điểm khác biệt lớn nhất nằm ở thành phần sở hữu, DNXH hoàn toàn có thể là một mô hình hấp dẫn để các đơn vị sự nghiệp, tổ chức KH&CN chuyển đổi theo, trở thành các DNXH nhà nước. 4. Làm gì để phát triển DNXH ở Việt Nam 4.1. Những khó khăn phát triển DNXH DNXH ở Việt Nam ngày càng khẳng định những đóng góp thiết thực cho kinh tế, góp phần thực hiện an sinh XH, tuy vậy quá trình hoạt động và phát triển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập: - DNXH ở Việt Nam hiện nay còn là một khái niệm mới. Luật DN năm 2014 là văn bản pháp luật mới nhất có nêu các tiêu chí để xác định DNXH tại Điều 10 nhưng lại chưa đưa ra định nghĩa về DNXH là gì. Điều này dẫn đến hệ quả thường gặp là sự hoài nghi của các bên về bản chất và mục đích của DNXH. Nhận thức trong cộng đồng hiện nay vẫn tồn tại sự phân biệt giữa các hoạt động thương mại, vì mục đích lợi nhuận và các hoạt động XH, phi lợi nhuận. Việc nhầm lẫn các DNXH với các tổ chức từ thiện, nhân đạo hoặc các chương trình XH truyền thống có thể dẫn tới tâm lý phụ thuộc hoặc sức ỳ từ cộng đồng, trong khi các đối tác chưa sẵn sàng chấp nhận sự cải tiến về phương thức hoạt động mới có động lực kinh tế. Ngược lại, DNXH cũng có thể bị hiểu sai và hoài nghi về mục tiêu XH khi vận hành dưới hình thức DN với các hoạt động tạo doanh thu, lợi nhuận. Nhiều DNXH, sau khi đăng ký dưới hình thức công ty (chuyển đổi từ quỹ, trung tâm) thấy nguồn tài trợ sụt giảm, vì các nhà tài trợ cho rằng tổ chức lập công ty là đã có đủ tiền và bắt đầu chuyển hướng thương mại hóa, do đó không tài trợ nữa. Việc thiếu đi sự tin tưởng và chấp nhận của cộng đồng tạo ra những rào cản nhất định cho các DNXH khi làm việc với các bên liên quan, làm gia tăng các chi phí về thời gian, nguồn lực và chi phí cơ hội và hạn chế khả năng tạo tác động tích cực, bền vững. Tình trạng gặp khó khăn, thái độ thiếu nhiệt tình trong quá trình hợp tác với các cơ quan chính quyền địa phương là rất phổ biến đối với các DNXH. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, việc thiếu một định nghĩa chính thức với các qui định cụ thể về tiêu chí xem xét và công nhận các tổ chức, DN là DNXH đã ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực này. - Việt Nam hiện chưa có một văn bản pháp quy điều chỉnh các hoạt động của DNXH. Các loại hình tổ chức pháp lý cho DNXH hiện nay về cơ bản được chia làm hai nhóm chính là: DN hoạt động theo Luật DN và Tổ chức NGO hoạt động theo một số văn bản dưới luật điều chỉnh các loại hình tổ chức tự nguyện của nhân dân, các hội, các quỹ từ thiện, quỹ XH, các tổ chức KH&CN, Việc lựa chọn đi theo một khung pháp lý nhất định là DN hoặc Tổ chức NGO cho một thực thể tổ chức mang đặc tính “hỗn hợp” của DNXH gây nên nhiều trở ngại trong quá trình thành lập, vận hành và phát triển của các DNXH, còn nhiều quy định chồng chéo gây rất nhiều khó khăn cho một cá nhân, một nhóm muốn thành lập một tổ chức XH ở Việt Nam. Có nhiều loại hình tổ chức XH khác nhau với tên gọi khác nhau, do các cơ quan chủ quản cấp phép khác nhau. - Việt Nam hiện chưa có một khung pháp lý về quản lý tài chính cho các loại hình tổ chức XH khác nhau. Đến nay Nhà nước chỉ có quy định quản lý tài chính riêng biệt dành cho hai loại hình là các Quỹ XH, Quỹ từ thiện (Quyết định 10/2008/QĐ-BTC)(6) và các Cơ sở bảo trợ XH (Nghị định 68/2008/NĐ-CP; Thông tư 07/2009/BLĐTBXH)(7), còn các loại hình tổ chức khác đều không có quy định điều chỉnh riêng. Trong khi đó các tổ chức XH, NGO hiện nay vẫn được phép thực hiện các hoạt động có thu và các hoạt động này chịu thuế theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, các hướng dẫn về thuế đối với các tổ chức này không rõ ràng, và cơ quan QLNN về thuế cũng không có hướng dẫn cụ thể. Các DNXH là NGOs do đó lúng túng trong việc xây dựng cơ chế quản lý tài chính nội bộ và báo cáo, đồng thời không ít tổ chức bị xử phạt hành chính do nộp thiếu thuế vì không biết, không hiểu và 589
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 cũng không có hướng dẫn rõ ràng, nhất quán từ các cơ quan hữu quan. Đối với DNXH hoạt động theo Luật DN hoặc Luật HTX, do đặc thù của DNXH là sự kết hợp giữa các hoạt động XH và kinh doanh tạo nguồn thu nên có rất nhiều các khoản chi phí của DN không phải là các khoản chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN. Đến nay, địa vị pháp lý của DNXH chủ yếu được quy định tại Điều 10 Luật DN năm 2014 và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP, nhưng các các quy định về tiêu chí đánh giá, cơ chế xét duyệt, thủ tục để nhận ưu đãi cũng còn rườm rà, phức tạp, khó hiểu, khả năng thực thi phụ thuộc vào nhận thức về DNXH của cơ quan thực thi pháp luật, trong khi nhận thức về loại hình DNXH tại nhiều cơ quan, địa phương còn rất mơ hồ. DNXH chưa được công nhận chính thức bằng một Nghị định hoặc một Luật riêng biệt nên bản thân các cơ quan pháp luật cũng không hiểu và lúng túng trong việc xử lý hoặc hướng dẫn thủ tục nhận ưu đãi cho DN, ; - DNXH đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn XH. Các DNXH ở Việt Nam còn khá non trẻ, được thành lập chủ yếu từ những ý tưởng mang tính cá nhân có sứ mệnh phục vụ XH nên vốn đầu tư ban đầu đa phần là vốn tự đóng góp của các thành viên sáng lập với quy mô nhỏ. Đánh giá về chỉ số phát triển DNXH tại Việt Nam, nghiên cứu Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam năm 2015 chỉ ra, số DN hoạt động theo mô hình DNXH ở Việt Nam hiện nay là 1,1%, trong đó số DN đang trong giai đoạn khởi nghiệp (dưới 3 năm hoạt động) có tỷ lệ là 0,7% và số DN đang trong giai đoạn phát triển ổn định là 0,5%, chỉ số này còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam có hơn 60% DNXH hoạt động phải tự bỏ vốn để thực hiện khởi sự kinh doanh, trong khi ở các nước phát triển thì chỉ số này thấp hơn ở mức 30 - 40% (GEM Việt Nam, 2015)(8). DNXH có đặc thù là không vì mục tiêu lợi nhuận, lại kinh doanh trên các thị trường có rủi ro cao, lợi suất tài chính thấp nên không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thương mại, do đó khả năng tiếp cận huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại kể cả nguồn vốn khởi sự hoặc vốn cho phát triển kinh doanh là rất hạn chế. Các DNXH rất khó huy động nguồn vốn vay ngân hàng vì họ thường không có tài sản, nhà xưởng thế chấp do phần lớn DNXH hoạt động ở quy mô nhỏ; Lãi suất cho vay của ngân hàng cao hơn nhiều so với khả năng sinh lời của DNXH; Thời gian hoàn vốn kéo dài hơn các dự án thông thường. Trong khi đó thị trường vốn cho DNXH Việt Nam hiện chưa phát triển, thể hiện ở việc thiếu vốn và thiếu các hình thức và kênh cấp vốn phù hợp với DNXH phát triển ở các giai đoạn khác nhau và trong các lĩnh vực khác nhau, ; - DNXH Việt Nam khó khăn về nguồn nhân lực, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh. Trong bối cảnh thị trường nguồn nhân lực hiện nay, việc tìm kiếm một nhân sự quản lý tốt là vấn đề đau đầu của các tổ chức, DN nói chung, và đối với DNXH còn khó khăn hơn vì nhân sự quản lý cho DNXH đòi hỏi phải là người thấu hiểu và chia sẻ sứ mệnh và giá trị XH của DN, có năng lực quản lý tốt, và kết hợp được những kiến thức kỹ năng quản lý kinh doanh và công tác XH. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn nhân lực phổ thông được đào tạo ra từ các trường đại học đều là những nhân sự đào tạo chuyên biệt cho lĩnh vực thương mại, kinh doanh, tài chính hoặc phát triển XH. Các nội dung định hướng về DNXH chưa được đưa vào giáo dục tại các trường đại học, nhận thức của giới trẻ về DNXH còn hạn chế nên khả năng thu hút nguồn nhân lực trẻ có được nền tảng đào tạo tốt về DNXH của Việt Nam hiện nay là chưa cao, 4.2. Giải pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển các DNXH Để khuyến khích, thúc đẩy DNXH tại Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và quy mô, một số giải pháp chính sách sau đây chúng tôi đưa ra có thể được xem xét thực hiện: - Cần đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các phương tiện đại chúng cho đến những người ủng hộ, để truyền tải, phổ biến và giải thích khái niệm và các vấn đề liên quan đến DNXH; Phổ biến kiến thức về DNXH các phong trào sinh viên để giới trẻ mơ ước khởi nghiệp bằng DNXH; Trao giải thưởng, vinh danh các DNhXH thành công và phát triển DNXH ở quy mô lớn; Tổ chức các Cuộc thi tìm kiếm sáng kiến DNXH để tìm ra những DNhXH và dự án tiềm năng, được tài trợ vốn khởi nghiệp trong thời gian đầu, ; - Cần có chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các DNXH. Để phát triển nguồn tài chính bền vững hỗ trợ DNXH, cần phải thành lập Quỹ phát triển DNXH. Quỹ sẽ được tài trợ bằng ngân sách nhà 590
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 nước (NSNN) trên cơ sở trích một tỷ lệ nhất định từ các khoản thu Thuế tiêu thụ đặc biệt. Không chỉ giới hạn bởi nguồn NSNN, Quỹ còn mở rộng khả năng hợp tác, nhận tài trợ từ các tổ chức thiện nguyện và nhà đầu tư XH trong và ngoài nước; Miễn, giảm thuế cho các DNXH trong một số lĩnh vực Nhà nước cần khuyến khích, ; - Cần thực hiện việc chuẩn hóa, xếp loại, đánh giá các DNXH theo một hệ tiêu chí nhất quán. Đây là khâu quan trọng, nhưng cũng là khó nhất đối với cơ quan Nhà nước, bởi vì không có tiêu chí thống nhất sẽ dẫn đến bất bình đẳng, lách luật, xung đột lợi ích; những tác động XH và động cơ không vì lợi nhuận sẽ rất khó để có thể đo lường, ; - Cần hỗ trợ về nâng cao năng lực, đào tạo các kỹ năng quản lý DN, tài chính, nhân sự, tiếp thị cho các DNXH. Nhà nước cần khuyến khích nhà đầu tư XH, thành lập Hiệp hội các DNXH tại Việt Nam, tham vấn sâu sắc các tổ chức này trong quá trình làm chính sách liên quan đến DNXH. Bên cạnh đó cần phát triển các chương trình đào tạo về DNXH ở cấp đại học và cao học về DNXH, triển khai mô hình Vườn ươm DNXH tại các trường đại học, - Cần thực hiện đấu thầu công khai, cạnh tranh để các DNXH có thể tham gia cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công ích, như xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế cộng đồng, sinh kế bền vững; Ban hành các chính sách quy định các cơ quan nhà nước, tổ chức thuộc khu vực công phải ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ của DNXH khi thực hiện mua sắm công hoặc thuê ngoài; Xây dựng mặt bằng cho các DNXH thuê với giá rẻ để làm văn phòng, nơi đào tạo, thực tập, bán hàng; Phát triển các loại hình HTX, tổ chức tài chính vi mô theo hướng đảm bảo dân chủ, công bằng trong tổ chức quản lý và phân phối lợi nhuận cho cộng đồng, ; - Cần tạo điều kiện kết nối giữa các DNXH với nhà đầu tư. Các DNXH cần được tạo điều kiện giao lưu hợp tác, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tham gia các đoàn công tác nước ngoài cấp cao, tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, đăng ký danh bạ, thông tin dữ liệu xúc tiến quảng bá thương mại ở nước ngoài, 4.3. Kiến nghị cơ chế, chính sách để phát triển DNXH Dựa trên nhưng vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của DNXH trong thời gian qua, chúng tôi đưa ra một số gợi mở về cơ chế, chính sách để phát triển DNXH: Một là, Nhà nước cần có những chính sách khai thác, phát huy những hiệu quả, tác động XH mà DNXH mang lại. Cần nhận thức rằng, nhà nước giúp DNXH phát triển để DNXH giúp lại nhà nước thực hiện các mục tiêu XH, theo đó Nhà nước phải quản lý một cách hiệu quả các “tài sản có” của mình, đó là nguồn nhân lực, vốn đầu tư tài chính, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên và khung khổ chính sách, pháp luật và các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, bao gồm: Gắn kết XH, phúc lợi XH, công bằng XH, vốn có thể được đo lường và thể hiện thông qua kết quả Chỉ số Phát triển con người (HDI) và Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, người dân sẽ được hưởng thụ thành quả của đất nước, dưới 2 dạng “cổ phần tài chính” và “cổ phần XH”, ; Hai là, DNXH cần đặt sứ mệnh XH lên hàng đầu. Đây là điểm then chốt phân biệt DNXH với các tổ chức khác, và cũng chính là lý do để Nhà nước cần phát huy vai trò của DNXH. Hình thức kinh doanh chỉ là giải pháp, phương tiện của DNXH mà thôi. Tuy nhiên, mục tiêu XH rất khó đo lường, đánh giá. Nếu các tiêu chí về DNXH không được làm rõ, rất dễ xảy ra tình trạng các DN thông thường lách luật, tự nhận mình là DNXH để được nhận chính sách ưu đãi của Nhà nước. Do đó, cần phải dựa vào tỷ lệ tái phân phối lợi nhuận cho tổ chức và mục tiêu XH để có thể xác định một cách tương đối rõ ràng, minh bạch về mức độ cam kết của tổ chức đối với mô hình DNXH. Chúng ta có thể học tập Thái Lan, khi họ đưa ra quy định tỷ lệ tái phân phối lợi nhuận phải đạt trên 50%, và đánh giá theo nhiều cấp độ tương ứng. Bối cảnh XH và kinh tế Việt Nam có thể nhận thức DNXH là mô hình tổ chức vận dụng sáng tạo các hoạt động kinh doanh, nguyên tắc và động lực của thị trường để giải quyết những vấn đề XH cụ thể, một cách bền vững; DNXH là những tổ chức được thành lập nhằm theo đuổi các giải pháp sáng tạo và bền vững về XH và môi trường, dưới hình thức kinh doanh; Phần lớn lợi nhuận được tái đầu tư để mở rộng quy mô của tổ chức và các mục tiêu XH, ; 591
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Ba là, cần có cơ quan thực hiện QLNN, thúc đẩy, hỗ trợ DNXH phát triển. Về tổ chức quản lý hành chính, có thể thành lập một bộ phận hoặc cơ quan cấp nhà nước chịu trách nhiệm về QLNN, khuyến khích, hỗ trợ các DNXH phát triển. Một sự lựa chọn khác là có thể thành lập một Tổ chức độc lập trong cơ cấu của một Tổ chức chính trị - XH Nhà nước để thực hiện các chương trình hỗ trợ DNXH. Đây chính là bài học kinh nghiệm từ Thái Lan. Và để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, cơ quan chuyên trách về DNXH nên thực hiện các chương trình hỗ trợ DNXH thông qua một bên thứ 3 là các tổ chức trung gian phát triển DNXH dưới hình thức đấu thầu cạnh tranh, thuê ngoài, hoặc đặt hàng, trong khi cơ quan nhà nước giữ vai trò giám sát, theo dõi và đánh giá, ; Bốn là, cần xem DNXH là mô hình tổ chức có thể áp dụng cho nhiều loại hình tổ chức từ NGO cho đến DN thông thường. Mặc dù, trong quá trình thể chế hóa lĩnh vực này, chúng ta có thể bổ sung một loại hình DN riêng biệt cho DNXH, nhưng các DNXH không bị ràng buộc phải đăng ký hoặc chuyển đổi sang hình thức pháp lý này. Kinh nghiệm của Anh và Thái Lan trong lĩnh vực này là rất đáng tham khảo. Trên thực tế, một số tổ chức sau nhiều năm nỗ lực tách DNXH ra khỏi khu vực NGO nhưng cuối cùng cũng phải thừa nhận DNXH có thể hoạt động trên nền tảng NGO Năm là, cần có một văn bản pháp quy định danh loại hình và các tiêu chí của DNXH. Trước hết, một khung khố pháp lý cần được xây dựng dành riêng cho DNXH và hoạt động của các DNXH. Đây vừa là những viên gạch đầu tiên trong quá trình thể chế hóa DNXH vừa là bước thăm dò, chuẩn bị cho khả năng luật hóa lĩnh vực này ở giai đoạn sau, khi khối DNXH đã có sự phát triển lớn mạnh và cung cấp cơ sở thực tiễn dồi dào hơn. DNXH tại Việt Nam phải được định nghĩa một cách rõ ràng, thống nhất. Các tiêu chí thể hiện đặc điểm bắt buộc và linh hoạt của DNXH cũng cần được xác định rõ ràng. Thông qua đó, các vấn đề định vị DNXH thuộc khu vực tư nhân hay nhà nước, thuộc NGO hay DN, hoặc cả hai; khả năng chuyển đổi của các tổ chức khác cũng sẽ được giải quyết. Đây chính là sự thừa nhận chính thức của nhà nước đối với các DNXH, điều mà các DNXH đang mong đợi bấy lâu nay. Sáu là, DNXH có thể thuộc thành phần sở hữu Nhà nước. Thực chất, nếu chúng ta có một loại hình pháp lý riêng biệt cho DNXH (tương tự như ở Anh) thì các DNNN công ích, đơn vị sự nghiệp, tổ chức KH&CN (vốn đã được khuyến khích thành lập DN) có thể chuyển đổi và đăng ký dưới hình thức DNXH đó. Mặc dù vậy, một trong những hướng giải quyết khả thi có thể là Nhà nước nên thường xuyên mở rộng các cơ hội để các DNXH tham gia đấu thầu, được đặt hàng, thuê ngoài, cạnh tranh bình đẳng và công khai minh bạch với các tổ chức của nhà nước để thực hiện các chương trình phúc lợi XH, dịch vụ công ích của nhà nước. Hiện chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này, nhưng hiệu lực thực thi còn rất hạn chế 5. Kết luận Do còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên đến nay trên cả nước mới chỉ có trên 200 DN hoạt động đúng theo mô hình DNXH, nhưng trên thực tế con số này có thể lớn hơn rất nhiều do còn rất nhiều các tổ chức khác có một số đặc tính hoạt động như DNXH. Điều này cho thấy do chúng ta chưa có một phương pháp luận toàn diện dành riêng cho DNXH, hệ quả là ở rất nhiều nơi, các hoạt động cạnh tranh của DN diễn ra hỗn loạn, thiếu một hệ thống quản lý và quy chuẩn có hiệu quả; chất lượng dịch vụ kém và suy giảm lòng tin của XH đối với cả vai trò của Nhà nước cũng như thị trường. Ở một khía cạnh khác, trong thực tiễn việc triển khai các chính sách chuyển đối một số đơn vị sự nghiệp, tổ chức KH&CN hoạt động theo hình thức DN, mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ công ích thời gian qua hầu như chưa có tiến bộ đáng kể. Rõ ràng, nếu chỉ dựa vào hai khu vực nhà nước và tư nhân là không đủ để lấp đầy các nhu cầu và giải quyết những vấn đề của XH. Đó là chưa kể đến tình trạng khó khăn kinh tế, yêu cầu tái cơ cấu, giảm nợ công, tài khóa thắt chặt hiện nay của Nhà nước, trong khi xu hướng vốn từ các Chính phủ, Tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam ngày càng giảm dần. Trong bối cảnh này, chúng ta thấy vai trò của các tổ chức XH, phát triển cộng đồng nói chung và đặc biệt sự nổi lên của mô hình DNXH rất phù hợp để có thể bù đắp cho khoảng trống đó. DNXH là một mô hình hỗn hợp, sử dụng hoạt động kinh doanh để đạt được các mục tiêu XH, họ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Trên thực tế, các DNXH là 592
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 những tác nhân thúc đẩy đổi mới, sáng kiến cho XH. Họ đi vào những thị trường chưa ai đi, thậm chí sáng tạo nên sản phẩm mới, tạo lập một thị trường mới, hoặc đáp ứng nhu cầu của những nhóm đối tượng thường bị bỏ quên trong XH, hay giải quyết những vấn đề XH - môi trường nảy sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Các DNhXH là những người có mối quan tâm XH cao, đặc biệt họ phải vượt lên rất nhiều khó khăn, trở ngại để có thể duy trì được mô hình DNXH dung hòa giữa các mục tiêu XH bền vững và thử thách khắc nghiệt của thị trường. Có thể nói, DNXH chính là một “miếng ghép” còn thiếu trong bức tranh đã có chỗ đứng của các DN nhà nước, DN tư nhân, và NGOs trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay. Mỗi khu vực nói trên có ưu thế riêng và vai trò đặc thù của mình, tuy nhiên, DNXH có thể được xem như một giải pháp hay công cụ để bổ trợ cho những điểm yếu của các khu vực còn lại như việc phát huy các sáng kiến XH, huy động nguồn lực tiềm tàng cả về trí tuệ và vật chất trong dân, tính hiệu quả, bền vững của giải pháp XH, Đã đến lúc, Nhà nước cần có một sự công nhận chính thức dành cho mô hình DNXH và vai trò của các DNhXH. Các cơ chế, chính sách cần sớm được xây dựng để tạo lập khung khổ pháp lý ổn định cho hoạt động của các DNXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến XH được dễ dàng triển khai hơn trong thực tế, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ tinh thần DNXH ở Việt Nam./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, (2018), “Báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội”. GEM Việt Nam, (2015), Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam năm 2014. 2. Kerlin & Pollak, (2006), “Nonfrofit commercial revenue: Areplacement for decling government grants and private contribution”. 3. Martin, Roger L., and Sally Osberg, (2007), "Social Entrepreneurship: The Case for Definition". State of Social Enterprise in Singapore, management report- prepared by Lien Foundation, August, (2007). 4. Social enterprise in South Korea, (2011). 5. Social enterprise in South Korea, (2015), History and Diversity, Eric BIDET (Associate Professor, Le Mans University, France) and EUM Hyung-Sik (PhD candidate, Liege University, Belgium). 6. The Young Foundation and NESTA, Growing Social Venture, (2011). 7. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2012), “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam - Khái niệm, bối cảnh và chính sách”. CÁC GHI CHÚ (1)Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2012), “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam - Khái niệm”, bối cảnh và chính sách, tr 19. (2)Doanh nghiệp xã hội: “Những chồi mới của vườn kinh tế Việt”. nhung-choi-moi-cua-vuon-kinh-te-viet-95455.html (3)Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, (2018), Báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội. (4)About Social Enterprise. (5)Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2012), Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam - Khái niệm, bối cảnh và chính sách. (6)Quyết định 10/2008/QĐ-BTC ngày 12/2/2008 của Bộ Tài chính về việcban hành quy chế quản lý tài chính Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện. (7)Nghị định 68/2008/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Thông tư 07/2009/BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội. (8)GEM Việt Nam, (2015), Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam, 2014. 593