Khởi nghiệp sáng tạo khoa học công nghệ của giới trẻ Việt Nam: Khó khăn, thách thức và những cơ hội

pdf 4 trang Gia Huy 18/05/2022 1810
Bạn đang xem tài liệu "Khởi nghiệp sáng tạo khoa học công nghệ của giới trẻ Việt Nam: Khó khăn, thách thức và những cơ hội", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoi_nghiep_sang_tao_khoa_hoc_cong_nghe_cua_gioi_tre_viet_na.pdf

Nội dung text: Khởi nghiệp sáng tạo khoa học công nghệ của giới trẻ Việt Nam: Khó khăn, thách thức và những cơ hội

  1. KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA GIỚI TRẺ VIỆT NAM: KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC VÀ NHỮNG CƠ HỘI Nguyễn Phúc Lợi, Nguyễn Nhƣ Thi Khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Công Nghệ TP. Hồ Chí Minh, HUTECH TÓM TẮT Bài nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích và tìm ra những nguyên nhân và lợi thế dẫn đến xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của giới trẻ hiện nay, đồng thời đi sâu vào tìm hiểu những vấn đề mà các start up sẽ gặp phải trên con đường của họ, những thách thức mà họ sẽ phải vượt qua và những cơ hội tiềm ẩn có thể giúp họ phát triển thành công dự án của mình. Bên cạnh đó còn chỉ ra sự quan tâm sâu sắc của nhà nước và nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không những thế sẽ giúp thúc đẩy cơn sóng khởi nghiệp sáng tạo trở nên lớn mạnh hơn, để xu hướng này lan tỏa ra cả một thế hệ thanh niên hiện nay và cả mai sau. Từ khóa: Khởi nghiệp, nhà nước, start up, xu hướng. 1. VỀ KHỎI NGHIỆP SÁNG TẠO Khởi nghiệp – Startup là bạn có ý định tự mình có một công việc kinh doanh riêng, bạn muốn tự mình làm và quản lý tự kiếm thu nhập cho mình. Bạn cung cấp và phát triển một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, mua bán lại một sản phẩm hay cửa hàng đang hoạt động hoặc hoạt động sinh lợi nào đó. Khởi nghiệp cũng có nghĩa là bạn tạo ra giá trị có lợi cho người cho xã hội hoặc nhóm khởi nghiệp, cho các cổ đông của công ty, cho người lao động, cho cộng đồng và nhà nước. Khởi nghiệp bằng việc thành lập doanh nghiệp sẽ tạo tăng trưởng kinh tế và dưới một góc độ nào đó sẽ tham gia vào việc phát triển kinh tế và xã hội. Chưa khi nào phong trào khởi nghiệp sáng tạo (startup) của tuổi trẻ lại sôi nổi, mạnh mẽ, mang tính thời sự và lan tỏa rộng khắp như hiện nay. Startup cũng không đơn thuần là khởi nghiệp, lập nghiệp, mà là sự đổi mới, sáng tạo, khát vọng vươn lên, làm giàu của tuổi trẻ. Startup thực sự đang góp phần thay đổi tư duy nhận thức về nghề nghiệp, việc làm của thanh niên. Hiện nay, khởi nghiệp đã và đang là vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước, đặc biệt đối với thanh niên. Năm 2016, Chính phủ đã chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp và đang triển khai những chính sách lớn để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp. Riêng đối với người trẻ, việc khởi nghiệp không chỉ có ý nghĩa với mỗi người mà nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai của đất nước. Khởi nghiệp có thể bắt nguồn từ mọi mặt của đời sống, giúp phát triển, sửa chữa, hay tìm ra hướng đi mới cho những vấn đề mà người trẻ quan tâm, những sáng kiến mà họ vừa nghĩ đến. Đồng thời thể hiện sự hăng hái, nhiệt huyết của tuổi trẻ mà bấy lâu nay chúng ta chưa được chứng kiến rõ nét đến vậy. Ở những start up đó chúng ta thấy được mong muốn mở ra một con đường mới cho thế hệ của họ lẫn thế hệ mai sau, để rồi từ đó phát triển lớn mạnh hơn thứ mà họ đã từng ấp ủ trong lòng. Thế nhưng vẫn còn đó những thách thức, khó khăn mà chúng ta cần phải đối diện, vượt qua và đi kèm với chúng là những cơ hội mà ta có thể tận dụng trong thời đại kinh tế hội nhập và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. 490
  2. 2. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC 2.1 Cơ hội Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam cũng đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Vào thời điểm hiện tại, đây là con đường ngắn nhất để tạo nên những bước phát triển đột phá, từ đó rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng đã chỉ ra những chỗ yếu kém của nước chúng ta khi trình độ khoa học công nghệ, hệ sinh thái, năng suất lao động, an sinh xã hội thua kém nước bạn rất là nhiều. Đồng thời nhờ sự phát triển mạnh mẽ của internet ở Việt Nam những năm gần đây, đã thu hút rất nhiều start up khai sinh và phát triển doanh nghiệp của bản thân mình. Đơn cử có thể kể đến những đơn vị cung cấp dịch vụ y tế nổi trội như Công ty Cổ phần ViCare, Công ty Cổ phần Công nghệ Plasma Việt Nam, mediThank và Gachvang.com và Zita.vn là 2 startup đến từ lĩnh vực dịch vụ bất động sản. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước hiện nay cũng rất chú trọng đến khởi nghiệp. Chủ trương năm quốc gia khởi nghiệp dựa trên khai thác công nghệ, đổi mới sáng tạo được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ lựa chọn rất phù hợp với sự quan tâm của xã hội, tạo cảm hứng cho những thanh niên quan tâm đến khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp đã có sự chuyển động tích cực từ các bộ, ban, ngành, đến các địa phương, đặc biệt là tổ chức Ðoàn thanh niên đã có nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo v.v Đồng thời, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN), phát huy vai trò của doanh nhân, DN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Điển hình như: – Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. – Kết luận số 64 - KL/TW ngày 9/12/2010 của Ban Bí thư về kết quả thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. – Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) cũng nhấn mạnh việc phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN khoa học và công nghệ (KHCN): “Hình thành các tập thể nghiên cứu đáp ứng yêu cầu giải quyết các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia. Phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng từ các trường đại học, viện nghiên cứu để làm hạt nhân hình thành các DN KHCN” và “Đẩy mạnh phát triển các DN KHCN; hỗ trợ các DN thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển”. Khẳng định lại đường lối, chủ trương trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục nêu rõ: Khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh. Có chính sách thúc đẩy phát triển các DN Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, nhiều văn bản Luật đã được ban hành, có tác động trực tiếp đến hoạt động khởi nghiệp và phát triển KHCN như: Luật KHCN (2000, được sửa đổi năm 2013); Luật Sở hữu trí tuệ (2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009); Luật Chuyển giao công nghệ (2006); Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (2006); Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (2007) và Luật Đo lường (2011); Luật Công nghệ cao (2008). Đồng thời, trong hơn 10 năm qua, Nhà nước đã có một số quỹ hỗ trợ việc đưa ra thị trường các kết quả nghiên cứu phát triển của các tổ chức nhà nước và tư nhân, như Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia Nafosted, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia Natif có những đóng góp ý nghĩa cho việc hình thành các doanh nghiệp mới từ việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay cũng có nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp không thuộc loại đầu tư rủi ro của nước ngoài và tổ chức quốc tế, với phương pháp tiếp cận và hình thức thực thi khác nhau, từ hỗ trợ kết nối kinh doanh song phương, như chương trình B2B của Chính phủ Đan Mạch, đến hỗ trợ về đào tạo 491
  3. nhân lực cho khởi nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu như của Chính phủ Anh hay Israel, đến cung cấp tài chính không hoàn lại như chương trình IPP của Chính phủ Phần Lan, hay Quỹ Đổi mới sáng tạo dành cho người thu nhập thấp VIIP của Ngân hàng Thế giới Bên cạnh đó là các chương trình kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, tiêu biểu nhất là Shark Tank, hoặc các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trên cả nước. Với sự triển khai mạnh mẽ các cơ chế, chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường đầu tư mạo hiểm hấp dẫn (Top 3 Đông Nam Á) với những ưu thế nổi trội sau: – Việt Nam thuận lợi hơn nhiều so với nhiều nước ASEAN, bởi lĩnh vực internet và điện thoại di động phát triển tương đối nhanh, trong khi dân số trẻ, thiên hướng tiêu dùng cao, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ mới. – Các chỉ tiêu kinh doanh, tài chính của các DN KHCN đạt kết quả khá tốt. Một số DN KHCN được các tổ chức chứng nhận chất lượng quốc tế có uy tín cấp chứng chỉ công nhận có đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ. – Nhiều DN KHCN đã quan tâm đến việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KHCN và sản phẩm do mình tạo ra 2.2 Thách thức Tuy nhiên, phát triển DN khởi nghiệp trong lĩnh vực KHCN trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KHCN, năng lực nghiên cứu triển khai cũng như khả năng chuyển giao công nghệ của các tổ chức KHCN còn nhiều hạn chế. Cụ thể như: – Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại các tổ chức KHCN cũng chưa được triển khai đúng mức. Kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và của DN. – Tiến độ triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm. Các tổ chức trung gian của thị trường KHCN mới được thành lập một cách manh mún, rời rạc, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nhân lực và cơ sở vật chất, do đó chưa thực sự hỗ trợ được các hoạt động chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ một cách hiệu quả. – Hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách về hỗ trợ đổi mới ứng dụng công nghệ nói chung và về DN KHCN nói riêng còn chưa toàn diện và hiệu quả. – Hệ thống pháp luật quy định về DN KHCN còn chưa được hoàn thiện. Do chưa có sự thống nhất giữa các quy định về DN KHCN trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực KHCN, đất đai, thuế, tín dụng cũng như chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành khiến việc triển khai các quy định pháp luật trong thực tế còn gặp nhiều vướng mắc. Mặt khác, các DN kinh doanh hiệu quả chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực giống nông nghiệp, chế biến dược liệu. Trong khi đó, số DN trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ sinh học và một số lĩnh vực công nghệ cao khác đăng ký ít hoặc chưa công nhận, cấp phép hoặc ít có nhu cầu. 2.3 Những tồn tại kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp – Một là, phần lớn các nền tảng cơ bản cho phát triển DN KHCN cũng như đầu tư mạo hiểm, phát triển hệ thống ươm tạo công nghệ và DN KHCN (còn gọi là Hệ sinh thái khởi nghiệp) vẫn còn yếu kém. Nhiều yếu tố liên quan còn rất yếu như sự chấp nhận rủi ro, mức độ quốc tế hóa, kỹ năng khởi nghiệp, khả năng cạnh tranh, cơ hội khởi nghiệp, khả năng nhận biết và nắm bắt cơ hội (các yếu tố này dưới mức trung bình thế giới và khu vực). 492
  4. – Hai là, trên thực tế nhiều ý tưởng kinh doanh của các công ty khởi nghiệp bị cho là cóp nhặt từ một số các mô hình kinh doanh đã thành công ở nước ngoài, song không được phân tích, địa phương hóa hay sáng tạo để bảo đảm thành công ở Việt Nam. – Ba là, DN Việt Nam có cơ cấu nhân sự, trình độ quản trị DN, nhất là các chuẩn mực tài chính, kế toán yếu kém, mang tính gia đình trị, không minh bạch và không đáng tin cậy đối với nhà đầu tư. – Bốn là, một số DN có thể có ý tưởng kinh doanh, công nghệ tốt nhưng lại thiếu kỹ năng quản trị kinh doanh bài bản; các dự án muốn thu hút vốn đầu tư mạo hiểm không được trình bày thuyết phục, nhất là bằng tiếng Anh. 3. GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT – Nhanh chóng thành lập các Quỹ hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước dành riêng cho DN khởi nghiệp như: Quỹ Đầu tư tác động, Quỹ Sáng kiến giai đoạn đầu, Quỹ đầu tư mạo hiểm theo ngành nghề và các quỹ đầu tư rủi ro. Hoạt động về gọi vốn của các Quỹ cũng cần đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, không dừng lại ở những phương thức truyền thống như tín dụng ưu đãi, mà mở rộng ra các phương thức mới như phát hành trái phiếu DN, gọi vốn cộng đồng, Quỹ đầu tư mạo hiểm. – Xây dựng Quỹ đầu tư cho DN khởi nghiệp theo mô hình hợp tác công - tư thuộc Chính phủ nhằm mục đích kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các thành phần xã hội cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng. Quỹ đầu tư này sẽ được đăng ký hoạt động theo mô hình Công ty đầu tư tài chính và ủy thác đầu tư. Phần lợi nhuận tạo ra từ nguồn đầu tư của Nhà nước và các nhà tài trợ sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN khởi nghiệp cũng như đầu tư trực tiếp cho DN khởi nghiệp tiềm năng. – Về chính sách đào tạo doanh nhân, phát triển nguồn nhân lực cũng cần tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa, hiện đại hóa các mô hình đào tạo doanh nhân; Liên kết mạng lưới các học viện, cơ sở đào tạo doanh nhân nhằm chung tay xây dựng thế hệ doanh nhân tài năng; Xây dựng mạng lưới kết nối doanh nhân để các doanh nhân khởi nghiệp có cơ hội được giao lưu, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức thực tế. – Đồng thời, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong nước và nước ngoài, đặc biệt là thợ kỹ thuật, trình độ công nghệ cao; Đẩy mạnh công tác tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hạ tầng khởi nghiệp, nhất là chiến lược khởi nghiệp, quản trị khởi nghiệp, hoạch định ngân sách khởi nghiệp. 4. KẾT LUẬN Khởi nghiệp sáng tạo hiện rất cần thiết cho xã hội hiện nay, vì việc khởi nghiệp giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đồng thời giúp phát triển hệ thống kinh tế của nước ta trong thời kì đổi mới. Do đó, Nhà nước và Nhân dân chúng ta cần phải quan tâm sâu sắc hơn về vấn đề này, bên cạnh đó, cần lan rộng việc khởi nghiệp ra các vùng Tổ quốc, để đưa Việt Nam trở thành một đất nước hiện đại và giàu mạnh hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] trao-doi/trao-doi-binh-luan/doi-moi-co-che-chinh-sach-ho-tro- doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-khoi-nghiep-113129.html; [2] [3] nien-khoi-nghiep-51378.aspx; [4] Kết luận số 64 - KL/TW ngày 9/12/2010 của Ban Bí thư về kết quả thực hiện Nghị quyết số 14- NQ/TW (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; [5] Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; 493