Hiện trạng và giải pháp phát triển sản xuất – kinh doanh gà thảo dược: Nghiên cứu trường hợp tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ
Bạn đang xem tài liệu "Hiện trạng và giải pháp phát triển sản xuất – kinh doanh gà thảo dược: Nghiên cứu trường hợp tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- hien_trang_va_giai_phap_phat_trien_san_xuat_kinh_doanh_ga_th.pdf
Nội dung text: Hiện trạng và giải pháp phát triển sản xuất – kinh doanh gà thảo dược: Nghiên cứu trường hợp tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT – KINH DOANH GÀ THẢO DƯỢC: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỔ HỢP TÁC CHĂN NUÔI GÀ THẢO DƯỢC PHONG MỸ REALITY AND SOLUTIONS FOR DEVELOPING HERB-FED CHICKEN PRODUCTION AND MARKETING: A CASE STUDY OF PHONG MY HERB-FED CHIKEN COOPERATIVE GROUP ThS. Nguyễn Trường Thi, ThS. Nguyễn Thị Thanh Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum ThS. Trần Cảnh Thắng Trường Đại học Queensland, Australia ThS. Đỗ Cao Anh Trường Đại học Nông Lâm Huế Email: ntthi@kontum.udn.vn Tóm tắt Nghiên cứu được tiến hành để xác định các thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp để phát triển sản xuất – kinh doanh gà thảo dược của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù có những thuận lợi về điều kiện đất đai, thương hiệu, nhu cầu thị trường; những hạn chế về cơ sở chăn nuôi, đăng kí chứng nhận an toàn thực phẩm, kỹ năng quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường đã cản trở khả năng mở rộng quy mô chăn nuôi và thị trường sản phẩm gà thảo dược của Tổ hợp tác. Một số giải pháp được đề xuất để khai thác tối đa lợi thế và khắc phục các khó khăn nêu trên bao gồm: quy hoạch vùng sản xuất và cải thiện cơ sở sản xuất; đăng kí nhãn hiệu và chứng nhận an toàn thực phẩm; lập kế hoạch và tổ chức sản xuất và kinh doanh đồng bộ; ban hành chính sách về giá; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và phân phối sản phẩm; và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gà thảo dược. Từ khóa: gà thảo dược, chăn nuôi, nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm, Phong Mỹ. Abstract The research was conducted to identify advantages and obstcles of herb-fed chicken production and marketing, as well as providing solutions for the development of Phong My herb-fed chicken cooperative group. The results of this research show that the cooperative group has advantages in terms of large farming area, popular brand name, huge market demand; while its obstacles are regarding poor chicken house and husbandry facilities, the lack of food safety certificate, weak marketing skill of group members. In order to expand the production and marketing of herb-fed chicken products; the cooperative group should improve husbandry conditions, register brand name and food safety certificate, have a reasonable production plan for all members, issues price regulation for products and customers, enhance marketing activities, and develop slaughtering services. Key words: herb-fed chicken, livestock, market demand, food safety, Phong My. 1. Đặt vấn đề Chăn nuôi gà đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với kinh tế nông nghiệp cũng như cung cấp thực phẩm cho con người. Ở Việt Nam, tổng đàn gà và sản lượng thịt gà liên tục tăng trong những năm gần đây, mặc dù vậy mỗi năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu một số lượng lớn thịt gà và gà sống để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt gà cực lớn của thị trường trong nước (Agromonitor, 2018). Một trong những vấn đề của thịt gà trên thị trường là tình trạng tồn dư quá nhiều kháng sinh và chất kích thích sinh trưởng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đây là kết của việc lạm dụng các chất cấm của người chăn nuôi nhằm đối phó với tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng cũng như rút ngắn thời gian chăn nuôi (Alloui, Agabou, & Alloui, 2014; Nakayama et al., 2017). 648
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà để nâng cao sức đề kháng cho gà, thay thế kháng sinh và chất kích thích sinh trưởng hiện đang là một giải pháp tiềm năng cho sản xuất gà an toàn tại Việt Nam hiện nay (Thi & Thanh, 2018). Nhiều loại thảo dược đã được chứng minh là có tác động tích cực đến khả năng sinh trưởng, chất lượng thịt và sức khoẻ của gà thịt (Dhama et al., 2015; Kính et al., 2016). Mô hình chăn nuôi gà thảo dược do đó đã được phát triển trong ở một số địa phương trong thời gian gần đây nhằm cung cấp sản phẩm thịt gà an toàn cho người tiêu dùng. Hiện nay, thịt gà thảo dược trên thị trường đang nhận được sự quan tâm của nhiều khách hang và đang có giá bán cao hơn đáng kể so với gà được nuôi truyền thống (Anh, 2017). Do đó, việc xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất và thị trường cho gà thảo dược là vấn đề cần đang được quan tâm để tạo được lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm này trên thị trường. Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ là đơn vị sản xuất và kinh doanh gà thảo dược tại Thừa Thiên Huế. Tổ được thành lập năm 2016 từ một số hộ dân chăn nuôi gà người dân tộc Pahy tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Sau hơn hai năm hoạt động, Tổ đã ổn định sản xuất và cung cấp hàng ngàn gà thảo dược cho khách hàng tại Thừa Thiên Huế và một số tỉnh lân cận thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau. Hiện tại, sản phẩm gà thảo dược của Tổ hợp tác được nhiều nhóm khách hàng đón nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên những hạn chế về quy trình sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm đang là cản trở để mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh của Tổ hợp tác. Xuất phát từ tình hình thực tế đó thực tế đó, nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá hiện trạng và giải pháp phát triển sản xuất và thị trường cho sản phẩm gà thảo dược, thông qua nghiên cứu trường hợp Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu có 03 mục tiêu cụ thể sau: - Đánh giá tổng quan về hiện trạng và tiềm năng phát triển sản phẩm gà thảo dược tại Việt Nam; - Phân tích hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm gà thảo dược của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ; - Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh cho sản phẩm gà thảo dược của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ. 2. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu xã hội học, bao gồm tổng quan tài liệu, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Phương pháp thực hiện được trình bày cụ thể như sau: Nghiên cứu tài liệu thứ cấp: Phương pháp này được dùng để đánh giá thực trạng sản xuất và tiềm năng phát triển chăn nuôi gà thảo dược ở Việt Nam, cũng như hiện trạng sản xuất và kinh doanh gà thảo dược của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược. Các nghiên cứu liên quan và các nguồn số liệu thứ cấp của Tổng cục thống kê được xem xét để xác định hiện trạng sản xuất, tiêu thụ và tiềm năng phát triển của chăn nuôi gà thảo dược trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, các tài liệu thứ cấp ở cấp địa phương như đề xuất sáng kiến cộng đồng về phát triển mô hình chăn nuôi gà thảo dược tại xã Phong Mỹ; báo cáo phát triển Kinh tế - Xã hội của địa phương; báo cáo, quy chế hoạt động, kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh của Tổ hợp tác được xem xét để đánh giá hiện trạng sản xuất kinh doanh của Tổ và đề xuất các giải pháp sản xuất, kinh doanh phù hợp cho Tổ hợp tác trong tương lai. Phỏng vấn sâu: Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn sâu 15 người bằng bảng hỏi bán cấu trúc để xác định hiện trạng sản xuất – kinh doanh; thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong việc mở rộng sản xuất – kinh doanh sản phẩm gà thảo dược của Tổ hợp tác. Đối tượng phỏng vấn sâu bao gồm: 01 Tổ trưởng và 02 thành viên của Tổ; 01 chủ tịch Uỷ ban nhân dân, 01 chủ tịch Hội phụ nữ, 01 chủ tịch hội nông dân, 01 Cán bộ thú y, 01 Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và 02 người dân ngoài tổ trong xã; 01 chi cục thú y tỉnh, và 04 đại lý thu mua và khách hàng. Về nội dung, tùy theo đối tượng để đặt các câu hỏi phù hợp. Cụ thể, với lãnh đạo huyện và xã, tập trung tham vấn về mức độ phù hợp của mô hình gà thảo dược và các hỗ trợ của địa phương trong việc phát triển chăn nuôi gà thảo dược trên địa 649
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 bàn. Với thành viên nhóm, sử dụng các câu hỏi về thuận lợi và khó khăn của hộ khi thực hiện mô hình, khả năng mở rộng quy mô mô hình, các đề xuất để phát triển sản xuất – kinh doanh gà thảo dược tại địa phương. Đối với khách hàng, sử dụng các câu hỏi khai thác nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và yêu cầu của họ đối với mặt hàng này. Đối với Chi cục Thú y, đặt câu hỏi về các thủ tục pháp lý đối với việc phát triển các sản phẩm của Tổ. Thảo luận nhóm: Nghiên cứu đã thực hiện 02 thảo luận nhóm với Ban quản lý và các thành viên của Tổ hợp tác nuôi gà thảo dược (nhóm 1) và lãnh đạo địa phương có liên quan đến hoạt động của Tổ hợp tác (nhóm 2). Mỗi nhóm gồm 10 người tham gia thảo luận các nội dung về thuận lợi, khó khăn và giải pháp phát triển sản xuất – kinh doanh gà thảo dược của Tổ hợp tác. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Hiện trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thịt gà và gà thảo dược tại Việt Nam Tổng đàn và sản lượng thịt gà của cả nước theo số liệu điều tra của Tổng cục thống kê được trình bày ở Bảng 1. Có thể thấy rằng, tổng đàn và sản lượng thịt gà của Việt Nam tăng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên tỷ trọng sản lượng gà lông màu (gà nuôi tại nông hộ) lại giảm mạnh. Cụ thể, tổng đàn gà của Việt Nam năm 2017 có hơn 295 triệu con, cung cấp khoảng 786 ngàn tấn thịt gà. Tổng đàn gà năm 2017 tăng 6.5% so với năm 2016. Trong khi đó sản lượng thịt gà cung cấp cho thị trường tăng 32% trong giai đoạn từ năm 2013 – 2017. Tỷ trọng thịt gà lông màu chiếm 49,6% tổng sản lượng thịt gà năm 2017, giảm 8,4% so với năm 2015. Bảng 1. Sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng cả nước từ năm 2014 – 2017 Năm 2013 2014 2015 2016 2017 Tổng đàn (triệu con) - - - 277,189 295,209 Sản lượng thịt gà (tấn) 536,0005 677,059 700,879 740,726 786,354 Tỷ trọng thịt gà màu/tổng đàn (%) 52.3 50.7 58.5 56.8 50.4 Nguồn: GSO (2018) Mặc dù sản lượng thịt gà ở trong nước liên tục tăng, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 100 ngàn tấn thịt gà đã qua chế biến và số lượng lớn gà sống mỗi năm. Ở chiều ngược lại, gà lông màu được xuất khẩu qua đường tiểu ngach sang các nước lân cận như Campuchia, Lào và Trung Quốc là khá lớn (Agromonitor, 2018). Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển sản xuất gà trong nước là vô cùng lớn. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến là tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và giá cả thị trường thường xuyên biến động. Dịch bệnh trong chăn nuôi là điều khó tránh khỏi, nhất là với tình trạng chăn nuôi nông hộ phổ biến ở Việt Nam dẫn đến việc quản lý và kiểm soát dịch gặp rất nhiều khó khăn. Có thể nói rằng dịch bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi, khiến cho người chăn nuôi và các nhà phân phối bị điêu đứng. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến bất ổn trong sản xuất kinh doanh gà chính là thị trường tiêu thụ. Đối với thị trường trong nước, mặc dù là lợi thế sân nhà nhưng giá thịt gà của Việt Nam khá cao, giá thịt các giống gà địa phương dao động từ 100.000 – 120.000 VNĐ/kg, giá thịt gà công nghiệp từ 50.000 – 80.000 VNĐ/kg, trong khi đó giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ giá chỉ tầm 25.000 VNĐ/kg (Việt Báo, 2018). Rõ ràng, nếu cạnh tranh về giá thì thịt gà nội địa đang bị thịt gà nhập khẩu lấn át ngay thị trường nội địa. Quy trình phân phối thịt gà trong nước thông qua vai trò các tiểu thương. Người nông dân bán sản phẩm cho các lái buôn, từ lái buôn gà sẽ chuyển đến các nhà hàng, siêu thị hoặc bán trực tiếp tại chợ cho người tiêu dùng. Ngoài việc chịu thiệt vì bị thương lái đẩy giá, người tiêu dùng còn lo ngại đến vấn đề an toàn thực phẩm. Các sản phẩm thịt gà bày bán ở chợ tồn dư chất cấm như hormon và kháng sinh khá nhiều, trong khi gần như 100% sản phẩm bày bán ở chợ không có truy xuất nguồn gốc (Nakayama et al., 2017). Trong khi đa số thịt gà trên thị trường đang có rất nhiều vấn đề, nhu cầu sử 650
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 dụng thịt gà có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt và an toàn của khách hàng ngày càng nhiều. Đây có thể xem là cơ hội tốt để phát triển các mô hình sản xuất – kinh doanh gà sạch và an toàn trong bối cảnh hiện nay. Gần đây, tại một số địa phương đã xuất hiện một số mô hình nuôi gà thảo dược nhằm cung cấp sản phẩm gà thịt an toàn thông qua việc sử dụng các loại thảo dược để thay kháng sinh và chất kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thảo dược hoàn toàn có khả năng thay thế các chất cấm nói trên mà vẫn đảm bảo tốc độ sinh trưởng, kiểm soát dịch bệnh và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi (Dhama et al., 2015; Kính et al., 2016; Thi & Thanh, 2018). Khách hàng vì thế cũng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm từ gà thảo dược, do vậy, hiện nay gà thảo dược không những được khách hàng ưa chuộng mà còn đang có giá bán cao hơn so với gà được nuôi truyền thống (Anh, 2017). Tuy nhiên, việc tạo thương hiệu cho sản phẩm gà thảo dược cũng như truy xuất nguồn gốc cũng là vấn đề cần được quan tâm để các sản phẩm này tạo được lợi thế cạnh tranh trong thị trường. 3.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ gà thảo dược của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ 3.2.1. Mô hình Tổ chức và Hoạt động của Tổ hợp tác Tổ hợp tác nuôi gà thảo dược được thành lập năm 2016 từ một sáng kiến cộng đồng với mục tiêu kết nối và nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh của các hộ chăn nuôi gà tại địa phương. Thời gian mới thành lập, Tổ hợp tác nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các chuyên gia trong việc tư vấn xây dựng quy mô hình tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực quản lý, sản xuất và kinh doanh cho các thành viên. Sau hơn 02 năm thành lập và hoạt động, Ban quản lý và các thành viên liên tục nâng cấp và hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động để cải thiện công tác quản lý và vận hành của Tổ hợp tác. Mô hình tổ chức: Mô hình tổ chức của Tổ hợp tác được trình bày cụ thể ở Hình 1. Hiện tại Tổ có tất cả 7 thành viên chính thức, trong đó có 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phhó, 01 Kế toán kiêm Thủ quỹ và 04 Tổ viên. Tất cả các thành viên đều có hoạt động chăn nuôi gà thảo dược. Hình 1. Sơ đồ tổ chức tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ Mô hình hoạt động: Tổ hợp tác là đơn vị kết nối và hỗ trợ các thành viên trong công tác chăn nuôi và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm gà thảo dược. Chức năng cchính của Tổ hợp tác llà giúp các thành viên hợp tác với nhau để xây dựng kế hoạch chăn nuôi hợp lý, thống nhất quy trình chăn nuôi đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủ động đầu vào, tìm kiếm và kết nối thị trường cho sản phẩm gà thảo dược. Các thành viên tổ chức nuôi và bán các sản phẩm của hộ dựa trên vai trò kết nối và hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất và thị trường của Tổ hợp tác. Tổ hoạt động dựa trên Quy chế được xây dựng bởi các thành viên. Quy chế hiện hành của Tổ bao gồm (i) nội quy hoạt động của Tổ, (ii) nhiệm vụ và quyền lợi của các thành viên trong Ban quản lý và Tổ viên. Các quyết định về những hoạt động chung của Tổ hợp tác được thảo luận và thông qua tại các cuộc họp của Tổ. Kế hoạch hoạt động thường được Ban quản lý Tổ dự thảo, sau đó được tất cả các thành viên thảo luận, hoàn thiện và thông qua. Tuy nhiên, mô hình Tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác còn thiếu một số nội dung cơ bản để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững trong các hoạt động của Tổ như: quy định về kết nạp và khai trừ 651
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 thành viên, thời gian hợp đồng và điều kiện chấm dứt hợp tác, cơ chế giải quyết tranh chấp. Tài sản chung và đóng góp tài chính của các thành viên đối với Tổ hợp tác còn rất hạn chế, đây là yếu tố làm giảm tính bền vững của tổ chức và cam kết của các thành viên. Quy định về tài chính và phân chia lợi tức của Tổ hợp tác cũng chưa được hoàn thiện, điều này có thể gây ra các mâu thuẫn không đáng có trong công tác quản lý tài chính giữa Ban quản lý và các Tổ viên. Đây có thể là yếu tố gây trở ngại lớn đối với hoạt động của Tổ trong thời gian qua. 3.2.2. Tình hình sản xuất và kinh doanh Một số đặc điểm về tình hình sản xuất và kinh doanh của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ được mô tả ở Bảng 2. Về cơ bản, hoạt động của Tổ chủ yếu tập trung vào nuôi và bán sản phẩm gà thảo dược ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ cho khách hàng tại địa phương và các thành phố lân cận. Bảng 2. Mô tả về hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ Hạng mục Mô tả Gà thảo dược, Sản phẩm Đặc điểm: giống gà Ri; thịt thơm, ngọt, dai; Thời gian nuôi: tối thiểu 4 tháng Quy mô sản xuất 100 – 300 con/thành viên/lứa Số lượng gà xuất bán ∼ 5,000 con/năm Doanh thu ∼ 700,000 triệu/năm Số lượng thành viên 7 hộ người dân tộc Pahy tại xã Phong Mỹ Kỹ thuật chăn nuôi Quy trình chăn nuôi gà thảo dược theo tiêu chuẩn VietGahp Khách mua lẻ tại địa phương, thương lái, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch Khách hàng và siêu thị Nguồn: tổng hợp báo cáo hoạt động của Tổ và kết quả phỏng vấn hộ chăn nuôi Tình hình sản xuất: Tất cả các thành viên của Tổ đang nuôi gà trong vườn nhà hoặc sườn đồi cạnh nhà để tận dụng diện tích vườn đồi của hộ. Mỗi gia đình chỉ nuôi từ 100 – 300 con/lứa và nuôi từ 2-3 lứa/năm. Trung bình mỗi hộ có hơn 0,2 ha diện tích vườn đồi có thể sử dụng để làm vườn thả gà. Tuy nhiên, các khu vườn này nằm trong khu dân cư, gần đường chính nên công tác kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Chuồng trại chủ yếu đang tạm bợ với diện tích từ 10 – 40 m2. Máng ăn và máng uống chỉ được trang bị cho gà con trong chuồng úm, sau đó gà được cho ăn trên nền đất hay xi măng. Quy trình nuôi hiện đang được áp dụng quy trình chăn nuôi gà thảo dược theo tiêu chuẩn VietGahp được trường Đại học Nông Lâm Huế chuyển giao. Các thành viên có kinh nghiệm và kiến thức tốt về kỹ thuật sản xuất từ khâu chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh đến chế biến và sử dụng các loại thảo dược. Mỗi hộ có từ 2 – 3 lao động chính tham gia vào việc chăm sóc nuôi dưỡng gà. Tình hình kinh doanh: Hợp tác và phân phối sản phẩm: Sản phẩm gà thảo dược của các thành viên trong Tổ hiện nay chủ yếu được phân phối cho các đại lý, người thu mua và khách hàng tại Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Ban quản lý Tổ hợp tác hỗ trợ các thành viên trong việc tìm kiếm, kết nối khách hàng và phân phối một phần sản phẩm tới các vùng lân cận, phần còn lại các thành viên tự liên hệ thị trường hoặc chờ thương lái đến thu mua. Hầu hết gà được bán sống cho khách hàng, tuy nhiên một số thành viên có dịch vụ giết mổ, chế biến và vận chuyển theo yêu cầu của khách hàng. Giá sản phẩm gà thảo dược nhìn chung cao hơn gà được được nuôi cùng quy trình không sử dụng thảo dược. Tuy vậy, giá bán gà thảo dược còn dao động nhiều, chưa thống nhất đối với từng đối tượng khách hàng. Giá gà sau khi giết mổ, chế biến và vận chuyển tới người tiêu dùng cao hơn đáng kể so với giá gà sống bán ngay tại chuồng. Mỗi năm ước tính các thành viên của Tổ hợp tác xuất bán khoảng 5.000 gà thảo dược với doanh thu vào khoảng 700 triệu VNĐ. Công tác quảng bá: Mô hình chăn nuôi gà thảo dược của Tổ đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng và truyền thông. Đã có một số báo và đài truyền hình địa phương đến tìm hiểu và đưa 652
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 tin về hoạt động nuôi gà thảo dược của Tổ. Bên cạnh đó, Tổ cũng đã phát triển trang Facebook để quảng bá thương hiệu và cung cấp thông tin cho khách hàng. Hiện tại, thương hiệu “gà thảo dược Phong Mỹ” đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường thịt gà, không chỉ ở địa phương, mà còn các thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng. Tuy vậy, việc quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và kết nối thị trường vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của sản phẩm. Khách hàng mục tiêu: Đa số khách hàng của Tổ hợp tác là các nhà hàng và người dân tại địa phương có nhu cầu mua gà cho tiệc cưới hỏi, giỗ chạp. Bên cạnh đó, Tổ cũng phân phối sản phẩm tại Huế, Đà Nẵng qua kênh đại lý thực phẩm sạch và siêu thị. Song, số lượng sản phẩm chuyển bán ở các đại lý tại các thành phố lớn còn hạn chế, do Tổ không đảm bảo số lượng lớn và nguồn cung ứng liên tục theo nhu cầu của khách hàng. Hơn nữa, sản phẩm gà thảo dược của Tổ chưa được kiểm định và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nên chưa đáp ứng được yêu cầu của những cơ sở kinh doanh có uy tín. Thương lái , Nhà hàng tại 30% địa phương, 20% Khách mua Cửa hàng lẻ tại địa thực phẩm phương, 30% sạch và siêu thị, 20% Hình 2. Tỷ lệ các nhóm khách hàng của sản phẩm gà thảo dược Nguồn: tổng hợp từ kết quả phỏng vấn các thành viên của Tổ hợp tác 3.2.3. Thuận lợi và khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh gà thảo dược của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ Kết quả phân tích SWOT hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược được trình bày ở hình 3. Nhìn chung, Tổ có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm gà thảo dược, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh gà thảo dược của Tổ cũng đang có nhiều hạn chế và thách thức cần được giải quyết. Bảng 3. Kế quả phân tích SWOT hoạt động sản xuất – kinh doanh gà thảo dược của tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ Điểm mạnh Điểm yếu - Có khu vực chăn thả rộng - Điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo, quy mô - Gà thảo dược Phong Mỹ đã có Thương hiệu trên nhỏ, khả năng cung cấp số lượng lớn và thị trường liên tục hạn chế - Có nguồn lao động có sẵn - Sản phẩm chưa đa dạng, chưa được đăng kí - Có kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi gà thảo an toàn thực phẩm dược - Kiến thức và khả năng tiếp cận thị trường của các thành viên hạn chế Cơ hội Thách thức - Thị trường rộng lớn, khách hàng ngày càng quan - Sự lớn mạnh của các công ty cạnh tranh tâm đến chất lượng sản phẩm như HaliCao - Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các dự - Các rủi ro về dịch bệnh, an toàn thực án phi chính phủ phẩm, thiên tai Nguồn: tổng hợp kết quả các thảo luận nhóm 653
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Về lợi thế, các thành viên trong Tổ hợp tác có khu vực vườn đồi rộng lớn, phù hợp để phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Diện tích vườn đồi trung bình của mỗi hộ thành viên (0,2ha) đủ để nuôi từ 1.000 – 2.000 gà thả vườn. Bên cạnh đó, sản phẩm gà thảo dược Phong Mỹ đã có Thương hiệu trên thị trường Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây là kết quả của các hoạt động phát triển và quảng bá sản phẩm gà thảo dược trong các dự án Phi chính phủ tại xã Phong Mỹ trước đây thông qua các phương tiện truyền thông. Nguồn lao động sẵn có dồi dào, có kinh nghiệm và kiến thức trong chăn nuôi gà thảo dược cũng là một lợi thế lớn của các thành viên trong Tổ. Mỗi hộ có ít nhất 02 lao động có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động chăn nuôi gà thảo dược. Hầu hết số lao động này đều đã được tham gia các khoá tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà thảo dược, tham quan và học hỏi tại các mô hình thành công trong các chương trình dự án trước đây. Ngoài ra, sự quan tâm ngày càng nhiều của khách hàng đến sản phẩm gà chất lượng cao và an toàn là một cơ hội cực lớn để Tổ đẩy mạnh phát triển hoạt động sản – xuất kinh doanh gà thảo dược trong tương lai. Tổ hợp tác cũng luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các dự án của các tổ chức phi chính phủ để phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương, cũng như tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân tộc thiểu số Pahy. Do đó, Tổ có thể tận dụng được các hỗ trợ về kỹ thuật, vốn đầu tư và các chính sách ưu tiên về cấp và thuê đất để chăn nuôi gà thảo dược nếu có kế hoạch khả thi. Bên cạnh các lợi thế nói trên, hoạt động sản xuất kinh doanh gà thảo dược của Tổ hợp tác cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Hầu hết các thành viên thiếu đầu tư vào chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi. Do đó, khả năng kiểm soát dịch bệnh và ảnh hưởng của các rủi ro do thiên tai gây ra là không cao. Một số hộ thành viên có tỷ lệ gà bị chết khá cao do dịch bệnh hoặc thời tiết thay đổi. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên dẫn đến tình trạng số lượng gà xuất bán lúc thì quá nhiều vượt quá nhu cầu của thị trường, lúc thì quá ít không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng. Đây là nguyên nhân làm cho Tổ không thể thực hiện ký kết các hợp đồng đối tác với các đơn vị phân phối. Sản phẩm gà thảo dược của Tổ hiện nay không đa dạng và chưa được đăng ký an toàn thực phẩm cũng đang gây khó khăn cho Tổ trong việc tiếp cận các khách hàng tiềm năng thông qua kênh phân phối của các đại lý thực phẩm sạch và siêu thị. Kiến thức về quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và kết nối thị trường của các thành viên cũng là một điểm yếu của Tổ trong công tác phát triển thị trường, đặc biệt là đối với các khách hàng tiềm năng ở các thành phố lớn. Với các hạn chế này, Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược gặp khá nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các công ty cung cấp các sản phẩm gà thảo dược đang lớn mạnh trong vùng. 3.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển thị trường cho sản phẩm gà thảo dược của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ Để khai thác tối đa lợi thế, đồng thời khắc phục các hạn chế nói trên nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh gà thảo dược, Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đề xuất sau: Quy hoạch vùng và mở rộng sản xuất: Một trong những quy định của chăn nuôi an toàn là địa điểm chăn nuôi phải tách biệt với nơi ở và nguồn nước sinh hoạt. Điều này vừa giúp nơi ở và nguồn nước sinh hoạt không bị ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi, vừa đảm bảo cách ly và quản lý dịch bệnh cho gà. Hiện tại, một số thành viên chưa đảm bảo được khoảng cách an toàn từ chuồng nuôi đến nơi ở và đường giao thông. Do đó, việc quy hoạch lại vùng sản xuất là cần thiết, đặc biệt là khi quy mô chăn nuôi được mở rộng. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi khi mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn cần được quy hoạch thành khu vực chăn nuôi và tách biệt với khỏi khu dân cư. Tổ hợp tác và các thành viên nên đề xuất Uỷ ban nhân dân xã hỗ trợ trong việc quy hoạch vùng chăn nuôi, có chính sách đặc thù để cấp hoặc cho thuê đất phát triển chăn nuôi gà thảo dược để định danh sản phẩm đặc sản của địa phương. Cải thiện điều kiện sản xuất: Giải pháp này cần được tiến hành thực hiện trước tiên để làm cơ sở cho các giải pháp khác. Các thành viên Tổ hợp tác cần cải thiện cơ sở sản xuất của mình để đáp ứng với yêu cầu của cơ sở sản xuất an toàn theo quy định tại Quyết định số 2509/QĐQĐ-BNN-CN về quy chế chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi gà an toàn trong nông hộ (MARD, 654
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 2016). Theo đó, cơ sở chăn nuôi của các thành viên cần được nâng cấp chuồng nuôi, trang bị các dụng cụ, thiết bị chăn nuôi cần thiết, xây dựng hệ thống cách ly và xử lý chất thải. Ngoài ra, Tổ cần phát triển một khu giết mổ và chế biến tập trung đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm và có giấy phép hoạt động cho tất cả các thành viên sử dụng. Khu giết mổ và chế biến tập trung sẽ khắc phục được các hạn chế và rủi ro về an toàn thực phẩm gây ra trong quá trình giết mổ và chế biến mà các thành viên đang thực hiện tại nhà như hiện nay. Giải pháp này một mặt nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi và chất lượng thịt gà, mặt khác là điều kiện để thực hiện đăng kí thương hiệu và chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm gà thảo dược của hộ. Đăng kí nhãn hiệu và chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn thực phẩm: Sau khi các thành viên thực hiện cải thiện điều kiện chăn nuôi, Tổ hợp tác cần thực hiện đăng kí nhãn hiệu cho “sản phẩm gà thảo dược Phong Mỹ” và chứng nhận cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm cho các thành viên. Đây là điều kiện cơ bản để đưa sản phẩm gà thảo dược của Tổ tiếp cận được các khách hàng tiềm năng thông qua các kênh phân phối là đại lý thực phẩm sạch và siêu thị tại các thành phố lớn. Các chứng nhận này cũng là điều kiện tất yếu để giúp mở rộng thị trường, tăng doanh số và tính ổn định của sản phẩm gà thảo dược bán ra thị trường, cũng như giúp khách hàng dễ dàng nhận diện được sản phẩm chất lượng Tổ. Lập kế hoạch và tổ chức sản xuất đồng bộ: Nguồn cung sản phẩm ổn định là yếu tố cực kỳ quan trọng để duy trì sự ổn định khách hàng, đặc biệt là qua các kênh phân phối thông qua các hợp đồng đối tác. Để duy trì nguồn cung ổn định, Tổ hợp tác cần xây dựng kế hoạch và quản lý tổ chức sản xuất đồng bộ giữa các thành viên. Theo đó, các hộ cần phối hợp để thả giống xen kẻ nhau nhằm đảm bảo số lượng sẵn sàng xuất bán duy trì ở một mức ổn định theo nhu cầu của thị trường. Có được một kế hoạch sản xuất ổn định cũng giúp Tổ chủ động trong việc thảo luận và ký kết các hợp đồng tiêu thụ nhằm mở rộng quy mô sản xuất hoặc kết nạp các thành viên mới. Ban hành quy định và chính sách về giá và phân chia lợi ích: Hiện tại giá bán gà thảo dược không thống nhất giữa các thành viên cho từng cho từng đối tượng khách hàng cụ thể. Để tiến hành ký kết các hợp đồng đối tác, Tổ cần ban hành quy định và chính sách về giá bán gà thảo dược, trong đó quy định rõ giá bán, chính sách chiết khấu và khuyến mãi, cơ chế phân chia lợi ích từ việc kinh doanh sản phẩm gà thảo dược giữa Tổ và các thành viên. Đây là căn cứ quan trọng để quản lý hoạt động của Tổ một cách bền vững trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho tất cả các thành viên tham gia. Hơn nữa, việc công bố giá bán và các chính sách về giá sẽ giúp khách hàng có cơ sở và niềm tin để đặt mua các sản phẩm của Tổ. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tìm kiếm thị trường: Đây là giải pháp quyết định khả năng mở rộng quy mô hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tổ hợp tác. Mục tiêu của hoạt động quảng bá và phát triển thị trường là tăng số lượng khách hàng, ưu tiên phát triển các nhóm khách hàng kí hợp đồng đối tác với số lượng lớn và ổn định như nhà hàng, của hàng thực phẩm sạch và siêu thị. Một số hoạt động quảng bá có thể thực hiện bao gồm: giới thiệu thông tin qua trang Facebook của Tổ, quảng cáo trên các báo và truyền hình, tham gia các triển lãm và hội chợ thực phẩm sạch, gửi thư ngỏ đến các cơ sở kinh doanh hoặc tiêu thụ tiềm năng, giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý và siêu thị. Đa dạng hoá sản phẩm: Hiện nay, ngày càng nhiều khách hàng muốn mua các sản phẩm thịt gà đã giết mổ và chế biến do tính tiện dụng của chúng. Do đó, Tổ cần đa dạng hoá các sản phẩm từ gà thảo dược để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm tiềm năng bao gồm gà nguyên con đã giết mổ làm sạch và đóng chân không, và gà đã chế biến sẵn theo yêu cầu của khách hàng. Các dịch vụ này sẽ góp phần làm tăng giá trị đáng kể so với bán gà sống. 4. Kết luận Chăn nuôi gà thảo dược là giải pháp tiềm năng để cung cấp sản phẩm gà an toàn thông qua việc sử dụng thảo dược để thay thế kháng sinh và chất kích thích sinh trưởng. Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ là đơn vị sản xuất và kinh doanh sản phẩm gà thảo dược, được vận hành dựa trên sự hợp tác của các hộ nuôi gà người dân tộc Pahy tại Xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên 655
- Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Huế. Trong hơn 02 năm hoạt động, mô hình sản xuất – kinh doanh gà thảo dược của Tổ có nhiều thuận lợi như gà thảo dược có thương hiệu tốt, có thị trường rộng lớn và được nhiều người quan tâm, có khu vực chăn thả rộng, nguồn lao động nhàn rỗi có kinh nghiệm chăn nuôi và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các dự án phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm gà thảo dược của tổ cũng còn nhiều hạn chế về điều kiện chăn nuôi, thiếu đăng ký an toàn thực phẩm, thiếu kiến thức và kỹ năng quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường và đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty khác trên địa bàn. Để khắc phục các hạn chế và khai thác tối đa các cơ hội nêu trên, Tổ hợp tác gà thảo dược Phong Mỹ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: quy hoạch và mở rộng vùng chăn nuôi, cải thiệu điều kiện sản xuất, lập kế hoạch hợp tác sản xuất, ban hành chính sách về giá, đẩy mạnh quảng bá và tiếp cận thị trường và đa dạng hoá các sản phẩm từ gà thảo dược. LỜI CẢM ƠN Nghiên cứu này là một phần kết quả của dự án “Phát triển chăn nuôi gà thảo dược nhằm cải thiện thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, do chương trình Phát triển nguồn nhân lực Úc - Việt Nam (Aus4skills) của chính phủ Úc tài trợ. Chương trình đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tổ hợp tác chăn nuôi gà thảo dược Phong Mỹ. Nhóm tác giả trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành đến chương trình Aus4skills vì những hỗ trợ này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Agromonitor. (2018). Tổng quan về ngành chăn nuôi gà của Việt Nam. Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam. [2]. Alloui, M. N., Agabou, A., & Alloui, N. (2014). Application of herbs and phytogenic feed additives in poultry production - A Review. Global Journal of Animal Scientific Research, 2(3), 234–243. [3]. Anh, T. (2017). Xu hướng mới: Nuôi gà bằng thảo dược. Retrieved from [4]. Dhama, K., Latheef, S. K., Mani, S., Abdul, H., Karthik, S. K., Tiwari, R., . . . Tufarelli, V. (2015). Multiple Beneficial Applications and Modes of Action of Herbs in Poultry Health and Production. International Journal of Pharmacology, 11(3), 152-176. [5]. GSO. (2018). Statistical Yearbook of Vietnam 2017: Statistical Publish House. [6]. Kính, L. V., Kiệm, P. V., Luận, T. C., Hương, N. T. T., Ngọc, D. B., Hằng, N. T. L., & Huyền, L. T. T. (2016). Nghiên cứu bào chế chế phẩm thảo dược dùng để thay thế kháng sinh trong thức ăn nhằm kích thích sinh trưởng và phòng bệnh tiêu chảy cho lợn và gà. Retrieved from [7]. MARD. (2016). Quyết định Số 2509/QĐ-BNN-CN về việc ban hành Quy chế chứng nhận và Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ. [8]. Nakayama, T., Jinnai, M., Kawahara, R., Diep, K. T., Thang, N. N., Hoa, T. T., . . . Yamamoto, Y. (2017). Frequent use of colistin-based drug treatment to eliminate extended-spectrum beta-lactamase-producing Escherichia coli in backyard chicken farms in Thai Binh Province, Vietnam. Trop Anim Health Prod, 49, 31-37. [9]. Thi, N. T., & Thanh, N. T. (2018). Tình hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi trên thế giới và tại Việt Nam. Paper presented at the Hội thảo Khoa học quốc gia về Phát triển Kinh tế Xã hội vùng Tây Nguyên, Kon Tum. Việt Báo. (2018). Giá Cả Thị Trường Gà ta hơi bán buôn ngày 15/11/2018. Retrieved from 656