Hoàn thiện pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phù hợp các hiệp định thương mại tự do

pdf 8 trang Gia Huy 2730
Bạn đang xem tài liệu "Hoàn thiện pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phù hợp các hiệp định thương mại tự do", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhoan_thien_phap_luat_viet_nam_dap_ung_yeu_cau_phu_hop_cac_hi.pdf

Nội dung text: Hoàn thiện pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phù hợp các hiệp định thương mại tự do

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÙ HỢP CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO AMENDMENTS OF VIETNAMESE REGULATIONS TO FULFIL THE INTERNATIONAL OBLIGATIONS REGARDING FREE TRADE AGREEMENTS TS. Đoàn Gia Dũng Nguyên Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum Email:doangiadung@gmail.com TS. Nguyễn Ngọc Thanh Hà Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng Email: hannt@donga.edu.vn Trịnh Tuấn Anh Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng Email: anhtt@dau.edu.vn Tóm tắt Việc gia nhập vào các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tác động tích cực đến thị trường của các doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay lại đang tạo ra những rào cản cho quá trình nội luật hóa và thực thi các cam kết quốc tế. Bài viết nghiên cứu, và đánh giá các thách thức đối với pháp luật Việt Nam trong việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do và giải pháp hoàn thiện Từ khóa: Hiệp định thương mại tự do, Luật thương mại, FTA thế hệ mới Abstract The accession to Free Trade Agreements, especially the new generation FTAs, will have a positive impact on the market of enterprises and the business environment in Vietnam. However, the applicable trade regulations are creating some barriers to the process of internalization and implementation of international commitments. The article researchs, and assesses the barriers of trade regulations to the implementation of Free Trade Agreements and orients to reform Keywords: Free Trade Agreements, Trade law, new generation FTAs 1. Đặt vấn đề Tự do hóa thương mại được hiểu là “quá trình cải cách nhằm xoá bỏ dần dần mọi cản trở đối với thương mại quốc tế, bao gồm thuế quan và phi thuế quan, được tiến hành trong mối liên hệ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế của chính phủ” (Lê Minh Tiến, 2017). Để đối phó với sự bế tắc trong vòng đàm phán Đô-ha, các quốc gia có xu hướng quay sang ký kết các FTA, dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của các FTA trong những thập niên gần đây. Vai trò của FTA là thúc đẩy thương mại tự do, hợp tác kinh tế và đầu tư. FTA dường như ưu việt hơn WTO ở chỗ là thời gian đàm phán ký kết ngắn, dễ đạt đồng thuận do ít nước tham gia, lĩnh vực FTA bao quát rộng hơn so với WTO (Nguyễn Trọng Điệp, 2018). Các FTA ngày nay không chỉ dừng lại ở phạm vi cam kết cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, mà hơn thế còn bao gồm nhiều vấn đề rộng hơn cả cam kết trong khuôn khổ GATT/WTO cũng như một loạt vấn đề thương mại mới mà WTO chưa có quy định. Phạm vi cam kết của các FTA “thế hệ mới” còn bao gồm những lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, hoạt động đầu tư, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, các biện pháp phi thuế quan, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, lao động, môi trường (Phạm Thanh Nga, 2012). Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới. Việc gia nhập vào các FTA thế hệ mới sẽ tác động đáng kể đến thị trường của các doanh nghiệp, môi trường kinh doanh và hệ thống chính sách, pháp luật liên quan của Việt Nam, yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế 177
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 quốc tế ngày càng sâu rộng. Bài viết phân tích những thách thức đặt ra đối với pháp luật Việt Nam dưới các góc độ: (i) rào cản về pháp luật thương mại; (ii) hàng rào phi thuế quan; (iii) thách thức trong lĩnh vực lao động, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời gian sắp tới, nhằm tương thích với thông lệ quốc tế, và phù hợp với các FTA thế hệ mới. 2. Tổng quan nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu Những tác động của hiệp định thương mại tự do, đặc biệt FTAs đối với các nước thành viên và yêu cầu hoàn thiệp pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được nhiều học giả trong và ngoài nước bàn luận đến. Ở nước ngoài, có thể kể đến các công trình như: (1) Anuar Ariffior (2007), “The free trade doctrine, regionalism, the ASEAN Free trade area and their effects on trade andtrade policy”, Murdoch University, Western Australia; (2) Pearl Imada (1993),“Production and trade effects of an ASEAN Free trade area”, Developing Economics, Volume 31, No.31; (3) Maurice Bun, Franc Klaassen và Randolph Tan (2009), “Free trade areas and intra regional trade: The case of ASEAN, The Singapore Economic Review (SER), vol. 54, issue 03. Ở trong nước, các công trình nghiên cứu tập trung vào hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực lao động, việc làm, sở hữu trí tuệ khi gia nhập vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA như : (1) Ngô Hữu Phước, Nguyễn Thị Kim Cúc (2019), “ Khả năng thực thi các cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 03 (124); (2) Nguyễn Bích Thảo (2017), “Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 3(331); (3) Đào Quang Vinh, Bùi Thái Nguyên, Nguyễn Thành Tuân (2019), “Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến lao động, việc làm”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Số 1 (488), (4) Nguyễn Trọng Điệp (2018), “Thực tiễn thi hành pháp luật về thương mại tại Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn tham chiếu với yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”, Tạp chí Khoa học: Luật học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 34, số 2. Tác giả vận dụng tổng hợp các phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và các phương pháp nghiên cứu cụ thể, như: diễn dịch, quy nạp, phân tích, tổng hợp, so sánh, hệ thống hóa, khái quát hóa. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Rào cản về pháp luật thương mại Sau gần 15 năm thực thi, Luật Thương mại 2005 đã góp phần hình thành khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, tuy nhiên các nội hàm, khái niệm đã không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại, tạo nên nhiều rào cản cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các nhà lập pháp cần phải sửa đổi để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thị trường tự do hóa thương mại. 3.1.1. Phạm vi điều chỉnh và khái niệm thương nhân Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại năm 2005 được áp dụng cả trong trường hợp hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam so các bên thỏa thuận áp dụng luật thương mại hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng luật thương mại; và áp dụng đối với hoạt động không nhằm mục đích sinh lời của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi chọn áp dụng Luật thương mại (Khoản 3 Điều 1, Luật thương mại năm 2005). Như vậy, theo quy định Khoản 3 Điều 1, Luật thương mại năm 2005 không những được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân với nhau mà còn được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng được ký kết giữa một bên là thương nhân và một bên không phải là thương nhân. Thực tiễn ký hết hợp đồng trong hoạt động kinh doanh thương mại ở Việt Nam, cho thấy, quy định tại Khoản 3 Điều 1 Luật thương mại 2005 thực sự không cần thiết, hơn thế nữa quy định đó tạo ra sự không công bằng giữa chủ thể kinh doanh chuyên nghiệp và chủ thể không phải là thương nhân trong 178
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 quan hệ hợp đồng (Dương Anh Sơn, 2006), bởi vì bên không phải là thương nhân là kẻ yếu thế, là người không những thiếu mà còn không có kinh nghiệm và trong một mức độ nào đó họ cũng được coi là bên yếu hơn so với đối tác của mình (Nguyễn Như Phát, Lê Thị Thu Thủy, 2003). Quan điểm pháp luật Việt Nam cũng trở nên “xa lạ” so với pháp luật quốc gia phát triển về phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại. Black’s Law Dictionary (Từ điển pháp luật của Hoa Kỳ) định nghĩa: “Luật thương mại là thuật ngữ được sử dụng để chỉ toàn bộ một ngành luật vật chấp áp dụng cho quyền lợi giao dịch và quan hệ của những người thực hành nghề nghiệp thương mại (Lyda L. Laing, 1994). Petit Dictionnaire de Droit (Dalloz) của Pháp (một quốc gia đẫn đầu trọng việc pháp điển hóa luật thương mại) định nghĩa: “Luật thương mại là ngành luật tư điều tiết mối quan hệ giữa các thương nhân hay các hành vi thương mại” (Lemeunier F, 1993). Như vậy bản thân phạm vi điều chỉnh pháp luật thương mại đã có sự chưa tương thích so với pháp luật của các quốc gia phát triển, chưa nói đến việc tham chiếu các quy định của FTA thế hệ mới trở nên khó khăn hơn trong việc nội luật hóa các quy định của FTA trong lĩnh vực thương mại. Do đó, theo chúng tôi, phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại được áp dụng để điều chỉnh quan hệ giữa một bên là thương nhân chuyên nghiệp với một bên tham gia quan hệ không nhằm mục đích sinh lợi, nếu trong trường hợp giải quyết tranh chấp, Tòa án hoặc Trọng tài thương mại xét thấy việc áp dụng Luật thương mại sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên tham gia hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi. Thứ hai, khái niệm thương nhân bao gồm tổ chức kinh doanh thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (Khoản 1, Điều 6 Luật thương mại năm 2005). Khái niệm thương nhân được đề cập tại Khoản 1, Điều 6 Luật thương mại năm 2005 là không hợp lý và cần sớm điều chỉnh. Bởi vì, luật thương mại quy định điều kiện thương nhân phải đăng ký kinh doanh là điều không cần thiết. Thực tế không có ít trường hợp chủ thể hoạt độc thương mại thường xuyên, độc lập (“thương nhân thực tế”) nhưng họ không được coi là thương nhân, vì thế các hành vi của họ không được sự điều chỉnh của luật thương mại. Chính vì điều này dẫn đến sự lợi dụng “lỗ hỗng” của pháp luật để lẫn trốn việc thực hiện nghĩa vụ với khác hàng. Mặt khác quy định này có phần mâu thuẫn với quy định tại Điều 7 Luật thương mại năm 2005. Chế định thương nhân thực tế tồn tại trong pháp luật thương mại của nhiều quốc gia khác nhau như Pháp, Đức. Theo đó người tiến hành hoạt động thương mại thì mặc nhiên là thương nhân (Điều L121-1, BLTM Pháp và Khoản 1, Điều 1 BLTM Đức), gọi là thương nhân mặc nhiên và có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký thương mại, nhưng đăng ký thương mại trong trường hợp này chỉ mang tính chất công bố. Tuy nhiên, thương nhân mặc nhiên mà không đăng ký thương mại thì không được hưởng các lợi ích chỉ dành riêng cho thương nhân và phải chịu trách nhiệm với tư cách là thương nhân trong quan hệ với bên thứ ba (Điều L123-8 BLTM Pháp và Khoản 1, Điều 15 BLTM Đức). Trong so sánh với khái niệm thương nhân của các nước khác như Pháp, Mỹ thì rõ ràng khái niệm về thương nhân trong Luật thương mại của Việt Nam đang nói về yếu tố hình thức nhiều hơn nội dung hoạt động và tôn chỉ của thương nhân (Nguyễn Trọng Điệp, 2019). Pháp luật một số nước trên thế giới quy định về thương nhân cũng đều dựa vào những tiêu chí đơn giản, đi sâu vào bản chất khái niệm. Ví dụ, BLTM Pháp định nghĩa: Thương nhân là những người thực hiện các hành vi thương mại thường xuyên như nghề nghiệp chính của mình (Điều L121-1). Theo các GS. Roger Houin và Michel Pédamon thì đây là định nghĩa kép về thương nhân. Nó bao gồm thương nhân thể nhân và thương nhân pháp nhân. Thương nhân thể nhân được xác định bởi bản chất hành vi của họ. Còn thương nhân pháp nhân hay gọi chính xác hơn là các thương hội (các công ty) được xác định khi có mục tiêu thương mại hay khi thành lập dưới dạng công ty thương mại qui định theo luật pháp. (Roger Houin, Michel Pédamon, 1990). Bộ luật Thương mại Nhật Bản xác định thương nhân là những người thực hiện các giao dịch thương mại như một nghề nghiệp nhân danh bản thân mình, những người bán hàng như một nghề nghiệp trong các cửa hàng hoặc ở những nơi tương tự hoặc những người làm nghề khai mỏ, thậm chí không tham gia các giao dịch thương mại như một nghề nghiệp và những công ty được thành lập theo Bộ luật Thương mại đều được coi là thương nhân (Điều 4 Bộ luật Thương mại Nhật Bản). Như vậy, trong pháp luật các nước thường chỉ xác định điều kiện xác định trở thành thương nhân là phải thực hiện các hành vi thương mại nhân danh mình và lợi ích của bản thân mình. Do đó, cần sửa đổi khái niệm thương nhân 179
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 theo hướng đơn giản hóa đưa ra trên cơ sở các tiêu chí mang tính bản chất có thương nhân là có hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi. Điều này, sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam trong quá trình việc đàm phán, kí kết, thi hành các FTA hay nội luật hóa các quy định của FTA trong lĩnh vực thương mại. Đặc biệt, việc hoàn thiện pháp luật thương mại nhằm tạo sự tương thích với các quy định về mua bán hàng hóa được quy định trong Công ước Viên năm 1980 (CISG), khi mà công ước này quy định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân có trụ sở thương mại (địa điểm kinh doanh) nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau (Dương Anh Sơn, 2011). 3.1.2. Quy định về hợp đồng Với tính chất là một văn bản thống nhất luật, Công ước Viên 1980 đã thống nhất hóa được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột pháp luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Vì vậy, khi Việt Nam gia nhập CISG, Việt Nam cũng sẽ được hưởng những lợi ích do văn bản thống nhất luật này mang lại, đó là giảm bớt xung đột pháp luật trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, tạo khung pháp luật thống nhất, hiện đại trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, một lĩnh vực vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, liên quan đến các quy định của Luật thương mại năm 2005 về các hành vi thương mại của thương nhân đã tồn tại một số bất cập, và đang gây cản trở trong quá trình thực thi các FTA thế hệ mới. Thứ nhất, quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hóa. Luật thương mại năm 2005 không quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hóa và tôn trọng tối đa thỏa thuận các bên trong hợp đồng (Lê Hoàng Oanh, 2007). Khác với pháp luật thương mại Việt Nam, pháp luật của các quốc gia trên thế giới cũng như thông lệ quốc tế quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hóa tập trung vào 03 vấn đề: (i) đối tượng; (ii) số lượng; (iii) giá cả. Đây được xem là những điều khoản quan trọng nhất và cốt lõi của hợp đồng mua bán hàng hóa. Chẳng hạn theo pháp luật thương mại của Đức, Bỉ thì đối tượng và giá cả là những điều khoản chủ yếu. Đối với một số nước khác và Công ước Viên 1980 bên cạnh các điều khoản về đối tượng, giá cả, điều khoản về số lượng hàng hóa cũng được xem là điều khoản chủ yếu. Tuy nhiên, pháp luật các nước Đức, Pháp, Anh, Mỹ và Công ước Viên 1980 trong nhiều trường hợp vẫn coi hợp đồng mua bán hàng hóa T có hiệu lực khi các bên không thỏa thuận về điều này. Theo điều 269 BGB của Đức, Set 32 SGA của Anh, Điều 2- 501 khoản 1 UCC của Mỹ và Điều 31 Công ước Viên 1980 địa điểm của bên bán, trong trường hợp các bên không thỏa thuận về địa điểm giao hàng (E. Allan Farnsworth, 2006). Nguyên tắc về tự do hợp đồng theo quan điểm của Đức, Pháp, Anh, Mỹ đã có sự thay đổi cơ bản, bởi lẽ trong thực tiễn thương mại quốc tế, việc áp dụng nguyên tắc bất khả xâm phạm hợp đồng trong nhiều trường hợp đã không bảo vệ được bên yếu hơn (Nguyễn Thị Khế, Bùi Thị Khuyên, 2002). Do đó, pháp luật thương mại Việt Nam cần có sửa đổi, theo hướng quy định về các điều khoản cơ bản, chủ yếu của hợp đồng để tạo sự tương thích với thông lệ quốc tế. Thứ hai, quy định về chế tài phạt vi phạm tại Điều 300 & 301 Luật Thương mại năm 2005. Từ thực tiễn thực hiện hợp đồng thương mại, việc áp dụng các quy định về chế tài phạt vi phạm đã nảy sinh những bất cập, thể thiện tính hạn chế của một số điều luật hiện hành. Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “mức phạt vi phạm đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt vi phạm đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm .”.Theo chúng tôi, việc áp dụng mức phạt bị giới hạn làm hạn chế tự do ý chí của các bên trong việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng. Nghiên cứu, Bộ nguyên tắc về luật hợp đồng châu Âu (PECL) không khống chế mức phạt này mà do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu bên bị vi phạm có yêu cầu thì Cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ quyết định giảm mức phạt khi nhận thấy cao quá mức so với thiệt hại nhằm kiểm soát trường hợp một bên có ưu thế hơn trong quan hệ hợp đồng áp đặt mức bồi thường quá đáng đối với bên kia. Cụ thể, Điều 9.509 của PECL quy định: “Mặc dù đã tồn tại thỏa thuận bất kỳ về mức đền bù, tuy nhiên khoản đền bù có thể bị giảm xuống ở một mức hợp lý, nếu khoản đền bù này quá lớn hơn so với mức thiệt hại phát sinh từ việc không thực hiện đúng theo hợp đồng”. Một số hệ thống pháp luật khác cũng cho phép như vậy như trường hợp của 180
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Ý (Đỗ Văn Đại, 2010). Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế cũng có quy định tương tự: “Mặc dù có thỏa thuận khác, khoản tiền đền bù có thể giảm một cách hợp lý nếu nó quá mức so với thiệt hại gây ra do việc không thực hiện hợp đồng và do hoàn cảnh khác” (Khoản 2, Điều 7.4.13, Unidroit 2004). Theo các nhà bình luận Unidroit 2004, để tránh khả năng bị lạm dụng có thể gây ra, điều luật này cho phép giảm bớt mức tiền đã thỏa thuận nếu khoản tiền khoản tiền rõ ràng là quá mức. Khoản tiền này cũng có thể được tăng nếu việc đền bù thấp hơn thiệt hại thực tế. Cần nhấn mạnh, khoản tiền đền bù cần phải “rõ ràng quá mức”, có nghĩa là nó thể hiện quá rõ ràng đối với một người bình thường (Nguyễn Minh Hằng, 2010). Theo chúng tôi, pháp luật thương mại Việt Nam cần sửa đổi theo hướng cho phép các bên tự do thỏa thuận về mức phạt; đồng thời pháp luật cần cho phép sự giám sát tư pháp mà cụ thể là Tòa án có quyền tăng hoặc giảm mức phạt nếu có căn cứ chứng minh rõ ràng mức phạt đó là “rõ ràng quá cao” hoặc “quá thấp” so với thiệt hại thực tế. Giải pháp này sẽ phát huy vai trò của thỏa thuận phạt vi phạm trong thực tiễn giao kết và thực hiện hợp đồng (Trịnh Tuấn Anh, Nguyễn Thị Thanh Nhã, 2019). 3.2. Hàng rào phi thuế quan Theo cách hiểu phổ biến, rào cản thương mại là những quy định về thuế quan hoặc phi thuế quan nhằm hạn chế về di chuyển hang hóa giữa các quốc gia. Rào cản thương mại thường được thể hiện dưới các hình thức: công cụ thuế quan va công cụ phi thuế quan. Công cụ phi thuế quan là các biện pháp phi thuế do chính phủ một quốc gia áp đặt nhằm kiểm soát luồng hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu ngoài thuế quan. Đó có thể là các biện pháp hành chính, hạn chế định lượng như: hạn ngạch, cấm nhập khẩu, cấp giấy phép Các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ) thường được xếp vào nhóm công cụ phi thuế này (Lương Thị Thu Nga, 2008). Thông qua các thỏa thuận thương mại, các hàng rào phi thuế quan đã được giảm bớt đáng kể trong thương mại quốc tế. Cho tới nay, các nước trên thế giới, không từ bỏ hoàn toàn việc áp dụng các biện pháp phi thuế - một công cụ để bảo hộ sản xuất trong nước hay để đạt được một số mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định. Trong qua trình mở cửa, hội nhập Việt Nam các hàng rào phi thuế quan giúp cho ngành sản xuất trong nước vừa đẩy mạnh được xuất khẩu, vừa bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất non trẻ trong nước cũng như các lợi ích công cộng quan trọng. Thực tiễn hoạt động thương mại cho thất, đối với hàng hóa của các nước đang phát triển, xu hướng thiết lập hàng rào phi thuế sau khi gia nhập WTO đã tăng lên đáng kể (OECD, 2005). Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA yều cầu các bên đồng ý hợp tác để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật này không tạo ra các rào cản không cần thiết đối với thương mại. Tại Điều 8.2 của chương 8 Hiệp định CPTPP quy định: “Mục tiêu của Chương này, là tạo thuận lợi cho thương mại, bao gồm loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại, tăng cường tính minh bạch, và đẩy mạnh hợp tác và quản lý hành chính tốt”. Để ngăn các nước thành viên lạm dụng TBT khi bắt buộc nhà nhập khẩu phải có chứng nhận tuân thủ điều kiện kĩ thuật để được nhập khẩu, Hiệp định CPTPP không cho phép nước sở tại yêu cầu cơ quan cấp chứng nhận tuân thủ này phải có hoạt động kiểm tra chứng nhận này tại nước sở tại, hay phải có văn phòng tại nước sở tại. Các nước thành viên Hiệp định CPTPP đã thống nhất về một bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định một hàng hóa cụ thể có xuất xứ và do vậy được hưởng thuế quan ưu đãi trong CPTPP (Phạm Thị Hồng Đào, 2016). Như vậy, Các quy định khắt khe về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ là lực cản lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc tuân thủ các quy định này có thể đòi hỏi những thay đổi trọng yếu, không chỉ đối với hàng hóa thành phẩm, mà cả đối với quá trình nuôi trồng và khai thác (LienVietPostBank, 2018). Đồng thời, để được ưu đãi thuế trong CPTPP thì các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi, bởi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế. Trong bối cảnh đó, giải pháp để tận dụng cơ hội, ứng phó với những 181
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 thách thức mà FTA thế hệ mới mang lại cần tập trung triển phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thoả mãn yêu cầu về xuất xứ. Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cụm sản xuất nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). 3.3. Thách thức trong lĩnh vực lao động Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu pháp luật các quốc gia thành viên phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong tuyên bố năm 1998 của ILO. Theo chương 19 của Hiệp định CPTPP quy định, trong thời hạn 05 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, các quốc gia thành viên phải hoàn thiện pháp luật để thực hiện các quyền lao động đã cam kết: (1) tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể (được quy định trong công ước ILO số 87 và 98); (2) loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bất buộc (Công ước ILO số 29 và 105); (3) xóa bỏ lao động trẻ em (Công ước ILO số 138 và 182); (4) xóa bỏ phân biệt đối xử trong làm việc và nghề nghiệp (Công ước số 100 và 111). Theo Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định “Hệ thống công đoàn Việt Nam được thiết kế nặng về mô hình tổ chức hành chính, chưa thực sự chú trọng phát triển hệ thống công đoàn ngành. Việc chỉ có một tổ chức công đoàn duy nhất được công nhận là đại diện lao động, trong khi hiệu quả hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là ở cấp cở sở. Phần lớn các tổ chức công đoàn cơ sở đã không thực hiện tốt chức năng là một tổ chức đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động Lãnh đạo công đoàn phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Có nhiều người lao động không biết rằng một phần tiền lương của họ được trích cho công đoàn cấp trên hoặc cũng có những người lao động không muốn tham gia công đoàn” (Lê Thị Nga, 2018). Một số FTA thế hệ mới như EVFTA yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực thi có hiệu quả các quy định trong các văn kiện quốc tế về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ban hành như Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế về các Nguyên tắc cơ bản và các quyền tại nơi làm việc và các tuyên bố tiếp theo đó năm 1998 (Tuyên bố ILO 1998). Những vướng mắc phổ biến liên quan đến việc người lao động làm thêm quá số giờ quy định; quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động; quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, quyền được hỗ trợ của lao động nữ nơi làm việc và nuôi con nhỏ Nếu không giải quyết, vấn đề này có thể là một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU (Nguyễn Trọng Điệp, 2019). Nghị quyết số 72/2018/QH14 đã chỉ ra, hệ thống pháp luật Việt Nam không tương thích với rất nhiều quy định trong CPTPP. Trong lĩnh vực lao động, có thể kể đến các quy định về công đoàn, tổ chức đại diện của người lao động, về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, tranh chấp lao động hay đình công. Đối chiếu tiêu chuẩn tự do hiệp hội theo tiêu chuẩn lao động quốc tế, có một số nội dung mà pháp luật Việt Nam chưa đáp ứng được, cụ thể: Thứ nhất, chưa đáp ứng được quyền tự do tổ chức và gia nhập các tổ chức của người lao động: Mặc dù Bộ luật Lao động hiện hành đã cho phép người lao động và người sử dụng lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn hiện hành quy định Công đoàn Việt Nam có hệ thống tổ chức 04 cấp từ Trung ương đến cấp cơ sở là đại diện duy nhất của người lao động trong quan hệ lao động. Thứ hai, chưa đáp ứng được quyền hưởng sự bảo vệ thích đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ, nhất là về tài chính công đoàn. Thứ ba, chưa đáp ứng hoàn toàn quyền đình công của người lao động: Pháp luật lao động quy định rộng về danh mục doanh nghiệp không được đình công (có thể làm hạn chế quyền đình công của người lao động); không cho phép đình công ngoài phạm vi doanh nghiệp (vi phạm quyền liên kết của các tổ chức của người lao động và quyền tổ chức, thương lượng tập thể). Để thực hiện các cam kết về lao động trong hiệp định thương mại, Việt Nam cần tiến hành sửa đổi pháp luật lao động theo hướng cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Quy định quyền của người lao động thành lập, 182
  7. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 gia nhập tổ chức đại diện không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng thời, cần bổ sung các quy định liên quan đến quyền đối thoại tại nơi làm việc, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công, trong đó có quy định giải quyết tranh chấp lao động mới phát sinh trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện như tranh chấp giữa các tổ chức đại diện với nhau về quyền thương lượng tập thể 4. Kết luận Theo thống kê của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến năm 2017, Việt Nam đang tham gia 16 FTA song phương và đa phương, trong đó có một số FTA thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (VNEAEU FTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) Việc tham gia vào các hiệp định thương mại FTA thế hệ mới được xem là cơ hội để Việt Nam tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật vViệt Nam nhằm tiến tới tiệm cận hơn với xu hướng thương mại quốc tế hiện đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trịnh Tuấn Anh, Nguyễn Thị Thanh Nhã (2019), “Chế tài phạt vi phạm hợp đồng theo quy định của Pháp luật Việt Nam- thực trạng và hướng hoàn thiện”, Tạp chí pháp luật và pháp triển, Số 3+4/2019. 2. Đặng Thị Huyền Anh (2017), “Hiệp định EVFTA và một số vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU”, Tạp chí Tài chính, số 9/2017 (664), Kỳ 1, 3. Nguyễn Trọng Điệp (2018), “Thực tiễn thi hành pháp luật về thương mại tại Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn tham chiếu với yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”, Tạp chí Khoa học: Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 34, số 2, 4. Nguyễn Trọng Điệp (2019), “Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới pháp luật thương mại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, Số 706 (06/2019), 5. Đỗ Văn Đại (2010), “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia, 6. Phạm Thanh Nga (2012), “Các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) và tác động của chúng đối với Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, 7. Nguyễn Như Phát, Lê Thị Thu Thủy (2003), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật hợp đồng ở Việt Nam hiện nay”, Nxb. Công an Nhân dân, 8. Lê Hoàng Oanh (2007), “Bình luận các vấn đề mới của luật thương mại trong điều kiện hội nhập”, Nxb. Tư pháp, Hà Nội. 9. Lê Minh Tiến (2017), “Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và thực tiễn hội nhập của Việt Nam”, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội. 10. Dương Anh Sơn (2006), “Bàn về khoản 3 điều 1 Luật thương mại 2005”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, 12/2006, Số 224, 11. Dương Anh Sơn (2011),”Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế”,Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. 12. Nguyễn Minh Hằng (2010), “Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2004”, NXB Tư pháp, 13. Nguyễn Thị Khế, Bùi Thị Khuyên (2002), “Luật kinh doanh”, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 14. Những quy định chung về luật hợp đồng ở Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993 15. Lương Thị Thu Nga (2008), “Pháp luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về hàng rào thương mại phi thuế quan”, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. 183
  8. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 16. Lê Thị Nga (2018), “Cơ chế pháp lý quốc tế bảo vệ quyền của lao động và yêu cầu đối với Việt Nam trong điều kiện thực thi Hiệp định CPTPP”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Hiệp định CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với việc làm và quyền của người lao động ở Việt Nam, Trường Đại học Luật Đại học Huế, tr.172 17. OECD (2005),”Phân tích hàng rào thương mại phi thuế quan theo sự quan tâm của các nước đang phát triển”, Báo cáo chính sách thương mại, (16), ngày 3/6. 18. LienVietPostBank (2018), “Báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đến một số ngành kinh tế của Việt Nam”, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội. 19. Phạm Thị Hồng Đào (2016), “Thực hiện Hiệp định TPP: Cần sự hỗ trợ của nhà nước để tận dụng cơ hội của thị trường mới”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp. 20. Lemeunier F (1993), “Nguyên lý và thực hành luật thương mại, luật kinh doanh”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 21. Lyda L.Laing (1994), “The Commercial Law of United States”, Digest of Commerical Law of the Word, Oceana Publication, INC. New York-London-Rome. 22. Roger Houin, Michel Pédamon (1990), “Droit commercial: commercants et entreprices commerciales concurrence et contracts du commerce”, Dalloz-11, reu Soufflot, Paris Cedex 23. K. Schmidt, D.J Keenan (1973), “Essentials of Mercantile Law”, Lon don. 24. E. Allan Farnsworth (2006), “Comparative Contract Law”, Published inThe Oxford Handbook of Comparative Law Mathias Reimann & Reinhard Zimmermann eds, 184