Hướng kí họa và những góc nhìn đẹp cần biết khai thác khi đi thực tế

pdf 7 trang Gia Huy 3540
Bạn đang xem tài liệu "Hướng kí họa và những góc nhìn đẹp cần biết khai thác khi đi thực tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhuong_ki_hoa_va_nhung_goc_nhin_dep_can_biet_khai_thac_khi_di.pdf

Nội dung text: Hướng kí họa và những góc nhìn đẹp cần biết khai thác khi đi thực tế

  1. 307 HƯỚNG KÍ HỌA VÀ NHỮNG GÓC NHÌN ĐẸP CẦN BIẾT KHAI THÁC KHI ĐI THỰC TẾ SV. Nguyễn Võ Kim Như ThS. Châu Hoàng Trọng Tóm tắt. Vẽ kí họa là một phần không thể thiếu trong quá trình sáng tác tranh, nó giúp người vẽ ghi chép lại mọi cảnh vật, mọi hoạt động của con người diễn ra trong thời gian ngắn, nhằm lấy tư liệu và tìm cảm hứng cho tác phẩm. Tuy nhiên để có được một bài ký họa đạt yêu cầu thì bên cạnh kỹ thuật dùng chất liệu và bút pháp được sử dụng – song song đó, yêu cầu về việc chọn hướng kí họa trong quá trình vẽ cũng không kém phần quan trọng. Yếu tố này giúp người vẽ tìm ra được những góc độ đẹp để khai thác thông qua việc cắt cảnh, chọn hướng để có được bài ký họa tốt theo đúng yêu cầu. Tham luận dưới đây sẽ đề cập về những chia sẻ trong việc chọn hướng ký họa và những góc đẹp để khai thác trong quá trình đi thực tế ký họa ở địa phương. 1. Mở đầu Từ lâu, hội họa đã chiếm lĩnh một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống và trong tâm hồn người yêu nghệ thuật. Có những cái động mà rất tĩnh, cái tĩnh mà dường như lại động của thiên nhiên đất trời làm cho con người ta phải ngất ngây trước vẻ đẹp của nó. Thay vì có thể chụp lại, nhưng người nghệ sĩ đã chọn cho mình cách ký họa nhanh để tự hiểu được sự sâu sắc, sự lắng động của cảnh vật đang hiện hữu trước mắt mình. Cảm hứng đến đôi khi chỉ là nhất thời, nhưng làm thế nào để kí họa nhanh mà lại bao quát hết khung cảnh trước mắt, thì cần đòi hỏi ở người vẽ có cái nhìn một cách trọn vẹn nhất, để khai thác từng mạch cảm xúc mà cảnh vật đã mang lại. Tham luận dưới đây, người viết sẽ trình bày về một số kỹ năng mà sinh viên Mỹ thuật cần có được trong quá trình đi thực tế ký họa, qua đó để nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giúp các bạn đạt được hiệu quả thể hiện nhất định trên từng bài vẽ ký họa. 2. Nội dung chính 2.1. Vai trò của ký họa trong học tập Mỹ thuật Cảnh đẹp xung quanh ta là vô vàn, vẻ đẹp ấy luôn được khai thác ở nhiều góc độ, mà ở đó nó đã đi vào những bài thơ, bài ca, hay nằm yên mình trong những bức tranh đầy màu sắc. Đứng ở góc độ là sinh viên ngành Mỹ thuật, tôi cho rằng những tác phẩm tranh được tạo ra là cả một quá trình miệt mài và phấn đấu không ngừng của người vẽ.Thông qua đó nó còn gửi gắm những tình cảm đẹp mà người vẽ muốn truyền đạt tới người xem. Và kí họa là một phần không thể thiếu trongquá trình sáng tác tranh, nó giúp người vẽ ghi chép lại mọi cảnh vật, mọi hoạt động của con người diễn ra trong thời gian ngắn, nhằm lấy tư liệu và tìm cảm hứng cho tác phẩm của chính mình. Điều này đã đòi hỏi người vẽ phải tìm cho mình cách kí họa để bắt nét các sự vật hiện tượng đang hiện ra trước mắt, từ đó mà làm tư liệu cho sáng tác sau này bởi vì nghệ thuật chân chính bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống, nó phản ánh một cách chân thực mà ở đó người vẽ có vai trò cảm thụ, thả hồn, lắng nghe và ghi lại.
  2. 308 Với các bạn sinh viên lần đầu tiếp xúc với môn kí họa sẽ cần tự trang bị cho mình kiến thức về môn kí họa, sự ảnh hưởng của nó đối với việc sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời luyện tập để nâng cao kỹ năng vẽ ký họa thực tế được chính xác, tránh được các lỗi về phối cảnh, luyện cho bản thân các bạn có nét vẽ nhanh, linh hoạt và không lúng túng trước các hình dáng sắc thái xung quanh của cảnh vật. Ký họa được xem là không dễ đối với người học, điều này đòi hỏi ở các bạn phải luôn luôn rèn luyện một cách thường xuyên để nét kí được linh hoạt, ngoài ra khi tiếp xúc được nhiều với cảnh vật, các bạn còn được nâng cao khả năng quan sát cho bản thân, cả năng lực nhận xét và phán đoán như thế nào là đẹp đối với một bài kí họa đơn thuần. Bên cạnh đó, kí họa còn có vai trò giúp người vẽ có khả năng bao quát nhanh, nắm được đặc điểm hình dáng của đối tượng một cách chính xác, đặt được những nét bút nhuần nhuyễn, dứt khoát một cách linh hoạt khi vẽ một đối tượng nào đó. Chính vì vậy, kí họa vừa là những tài liệu gốc được tích lũy trong quá trình lao động sáng tác, làm phong phú thêm khả năng sáng tạo và năng lực tưởng tượng của chúng ta. Đồng thời thông qua luyên tập kí họa, khả năng thẩm mỹ, trình độ nghệ thuật của chúng ta sẽ được nâng cao. Thực tiễn đã cho thấy, khi mà cuộc kháng chiến chống Pháp xâm chiếm đất nước ta, biết bao xương máu đã nằm lại và in hằng dấu tích đau thương từ chiến tranh, một bộ phận nhỏ các họa sĩ đã góp phần lên án những tội ác của cuộc chiến tranh bằng những tác phẩm còn lưu lại tới ngày nay. Các tác phẩm đó không dễ mà có được, bởi nó ra đời từ sự can đảm, gan dạ của các họa sĩ khi mà cuộc chiến tranh đang tiếp diễn mà người họa sĩ vẫn có thể ghi lại những hình ảnh rất thực qua việc kí họa nhanh, nó được xem như tài sản quí giá mà sau này khi hòa bình lặp lại các họa sĩ đó mới có dịp mà sáng tác và cho ra đời những tác phẩm giá trị ngày nay như: “Tát nước đồng chiêm” – Trần Văn Cẩn, “Giặc đốt làng tôi” – Nguyễn Quang Sáng, “Hành quân mưa” – Phan Thông hoặc các Kí họa của Tô Ngọc Vân, Kí họa của các họa sĩ vẽ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. (Tuyển tập kí họa Miền Nam Việt Nam – đất nước con người). 2.2. Làm thế nào để có được một bài vẽ ký họa đạt yêu cầu? 2.2.1. Cần nắm được các thể loại ký họa Như các bạn đã biết, kí họa là hình thức ghi chép về một đối tượng nào đó trong thực tế cuộc sống, bằng những nét cơ bản, khái quát về con người, về cảnh vật xung quanh nhằm lấy tư liệu và tìm cảm hứng cho sáng tác tranh. Trong đó bao gồm: + Kí họa nhanh: hay chúng ta còn gọi là tốc họa, thể loại này dùng để ghi nhanh những đặc điểm bao quát bên ngoài của đối tượng bằng nét, vì trong thực tế nhiều sự vật hiện tượng diễn ra rất nhanh rồi biến đi không lặp lại. Ví dụ như một dáng người đang đi, một chiếc xe chạy thoáng qua, hay một cảnh vật ta không có thời gian để vẽ kĩ, chi tiết thì ở đây thể loại kí họa nhanh này sẽ đáp ứng được yêu cầu của bạn. Để việc kí họa nhanh được chính xác, đòi hỏi người vẽ phải có khả năng bao quát nhanh, nắm nhanh đặc điểm của đối tượng, chọn cho mình loại bút vẽ phù hợp, luyện tập khả năng nhìn và nhớ được đối tượng. + Kí họa thâm diễn: hay còn gọi là kí họa sâu, đòi hỏi người vẽ phải có thời gian tương đối dài để ghi lại các sự vật hiện tượng trước mắt một cách cụ thể, chi tiết từng bộ phận, giúp người vẽ có hiểu biết sâu, đầy đủ về đặc điểm hình dáng của đối tượng đang phơi bày trước mắt mà ở kí họa nhanh không cần phải có.
  3. 309 Kí họa thâm diễn nhìn chung giống với Hình họa về tính chất nghiên cứu, nhưng khác với ở chỗ là đối tượng của Hình họa là mẫu được đặt trong phòng ở trạng thái tĩnh, còn với kí họa, các sự vật hiện tượng con người điều tồn tại trong thực tế xung quanh, loại kí họa này người vẽ có thể áp dụng để diễn tả chân dung, dáng người, đồ vật trong trạng thái tĩnh, hoặc động với những hành động được lắp đi lặp lại nhiều lần như: người đang đóng thuyền, đang vá lưới, hay đang làm một công việc có tính lặp lại. Nhìn chung, hai thể loại kí họa trên người vẽ cần phải nắm vững để áp dụng cho phù hợp với từng thời điểm khi đi kí họa thực tế để đảm bảo việc ghi chép lại tài liệu phục vụ học tập sau này.Các bạn hãy vẽ từ chậm đến nhanh, trong một thời gian tương đối đầy đủ, quan sát kĩ, khái quát và chọn lọc đối tượng, kế tiếp là hãy chọn vẽ những vật tĩnh cho quen dần rồi chuyển sang đến các vật động.Vì như vậy, người vẽ mới có thể mạnh dạn mà kí, sau đó chắt lọc lại những chi tiết phức tạp mà quy về những hình dạng, nét kí đơn giản nhưng vẫn mang được tính toàn thể của đối tượng. 2.2.2. Nắm được đặc điểm và kỹ thuật ký họa qua các chất liệu Điều đầu tiên đối với những ai bắt đầu học kí họa thì phải biết rõ đặc điểm của từng chất liệu để có cách chọn phù hợp, vì bất luận là chất liệu nào ngoài những hiệu quả mà chúng mang lại thì đều có ưu và khuyết điểm của nó. Khi mà việc kí họa đã trở thành yếu tố không thể thiếu của mỗi họa sĩ, thì chất liệu sử dụng để kí họa cũng không ngừng được phát triển và đa dạng lên. Ở đây, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một số các chất liệu thông dụng dùng để phục vụ cho kí họa như: bút chì, bút sắt, mực nho, màu nước, màu bột Đối với bút chì, đây được xem là loại chất liệu tương đối dễ sử dụng đối với những bạn đang bắt đầu học, vì như thế sẽ thuận lợi cho việc sửa chữa bài vẽ mà bạn đang thực hiện. Trước khi bắt đầu vẽ các bạn nên lưu ý, bút chì của chúng ta sử dụng không nên vót dài quá hoặc nhọn quá, để dễ dàng cho thao tác kí. Bút chì khi dùng cũng không cứng quá mà cũng không mềm quá. Bút sắt, là chất liệu thường sử dụng khi vẽ kí họa, nét của bút sắt linh hoạt, mềm mại và tình cảm, bài vẽ bằng bút sắt thường đủ độ hơn chì, dễ tạo cảm giác trong trẻo cho bài vẽ.
  4. 310 Mực nho, ngày nay rất dễ sử dụng vì đã được điều chế ở dạng lỏng, chất liệu này được vẽ bằng cọ và khá linh hoạt trong diễn tả đậm nhạt cũng như xử lí nét, mảng. Kí họa bằng mực nho khá tiện vì mau khô, gọn nhẹ bền mà hiệu quả lại cao. Màu nước, được sử dụng nhiều khi vẽ kí họa vì có đặc điểm là gọn nhẹ, dễ mang theo khi đi kí họa.Đây là chất liệu dễ tạo cảm xúc cho người vẽ cũng như người xem, bởi độ trong và sự loang màu mà nó mang lại. Màu bột, chất liệu màu bột được dùng nhiều cho vẽ kí họa và làm phác thảo bố cục tranh, trang trí đến hình họa màu, chúng có đặc điểm là mau khô, dễ chồng màu và dể sử dụng. Như vậy, có thể thấy rằng chất liệu dùng trong kí họa khá phong phú, tùy theo sở thích và nhu cầu mà người vẽ có thể chọn cho mình lối vẽ riêng, nếu với mục đích lấy tư liệu cho sáng tác thì có thể vẽ bằng bút chì, mực nho, còn nếu muốn ghi lại màu sắc của cảnh thì có thể điểm thêm màu bằng màu nước hay màu bột theo ý định của người vẽ. 2.2.3. Xác định hướng và chọn góc kí họa - Đối với thể loại ký họa góc cảnh và phong cảnh Đối với góc cảnh, ta nên chọn vẽ một góc nhỏ trong toàn cảnh trước mắt ta. Để thể hiện được một bài kí họa góc cảnh, người vẽ cần xác định cho mình một góc đứng phù hợp, cận cảnh và rõ ràng với đối tượng cần vẽ, không cần bao quát hết cảnh vật xung quanh. Nếu bạn có ý định muốn thể hiện một ngôi đình, trước tiên hãy tìm góc đứng đẹp, có phụ có chính, thể hiện rõ được đó là ngôi đình, tức là toát lên được đối tượng muốn vẽ mà người xem nhìn vào có thể hiểu được mình vẽ gì, sau đó tập trung vẽ một phần chính của ngôi đình như mái ngói, thành tường rồi sau đó buông nhẹ cái cảnh vật xung quanh để tạo được không gian của bài. Ở đây, tôi đã thể hiện trong bài kí họa của mình là một ngôi đình, với kiến trúc xưa, cảnh vật bổ trợ cho đối tượng chính trong bài là những cây cảnh và không gian phía sau.
  5. 311 Đối với phong cảnh, cần được vẽ với góc độ bao quát, rộng hơn góc cảnh. Bài kí họa phong cảnh thường được người vẽ thể hiện rất cụ thể qua đường nét, ánh sáng và ở từng đối tượng có trong tự nhiên, nhưng vẫn phải đảm bảo tập trung rõ nhất ở một đối tượng nào đó. Do đó, để thể hiện được điều này các bạn cần chọn cho mình chỗ đứng thoải mái, rộng, tầm nhìn dễ quan sát rõ được cảnh vật, có các yếu tố xa gần, chính phụ, có bố cục đẹp trước khi thực hiện việc ký họa. - Đối với thể loại ký họa nhóm người Kí họa nhóm người được coi là phần quan trọng trong kí họa, nó rất cần thiết cho chúng ta nghiên cứu dáng người, các tư thế cử động tay chân, nhằm phục vụ cho sáng tác sau này, thể loại này được xem là khó đối với người mới học.Vì vậy cần phải quan sát, luyện tập thường xuyên mới có thể dễ dàng trong việc khai thác đặc điểm con người. Đối với bài kí họa nhóm người, các bạn cần chọn cho mình lối vẽ phù hợp, nhanh hoặc chậm để có thời gian khai thác được hết đối tượng mà mình cần vẽ, phải giới hạn số lượng người để vẽ, biết thêm và biết lượt bớt một số đối tượng không cần thiết. Do hoạt động khác nhau của từng người trong tự nhiên, cho nên trước khi vẽ kí họa các bạn nên quan sát thật rõ các đặc trưng,động thái, thần thái của từng đối tượng cần vẽ. Khi vẽ, các bạn cần phải ước lượng vị trí, tương quan lớn nhỏ của đối tượng để tránh phải việc sai tỉ lệ, lệch bố cục và để vẽ được hình dáng hoạt động của con người diễn ra trong một thời gian ngắn, các bạn phải quan sát kĩ, so sánh, nhận xét phương hướng của đường trục trên cơ thể người: nghiêng hay thẳng nhằm làm dễ dàng hơn cho việc kí dáng người. Những kí họa đầu tiên hình vẽ thường chưa đúng về tỉ lệ đầu người to quá hoặc nhỏ quá, tay chân ngắn hoặc dài song không phải như thế mà các bạn nản chí, lúc ban đầu ta nên chọn vẽ các dáng tĩnh, có thể dùng người làm mẫu, hay những dáng ở tư thế đang ngồi học bài, đang đánh cờ, hoặc thậm chí đang ngủ, các bạn phải đặt ra cho mình khoảng thời gian kí họa các tư thế đó không nên quá 15 phút , khi vẽ phải ghi thật nhanh toàn bộ dáng người đầu tiên là hãy vẽ đường trục trên cơ thể và giới hạn chu vi toàn của đối tượng. Hạn chế tẩy xóa các đường nét sai lệch, mà hãy vẽ chồng lên hoặc thay thế bằng đường nét khác vì đôi khi những đường nét ấy lại tạo ra sự mềm mại cho bài kí họa.
  6. 312 2.2.4. Kĩ thuật cắt cảnh Hãy tưởng tượng rằng, trước mắt ta là một cảnh hoàng hôn, xa xa là những ngọn núi nhỏ và một vài con thuyền đang nhấp nhô cùng sóng, trước vẻ đẹp đơn giản đó, nhưng nó lại khiến ta rung động bồi hồi và sẵn có dụng cụ trong tay, ta đang rất muốn kí họa thật nhanh để lưu lại trong ta khoảnh khắc rung động ấy. Nhưng điều này đã đặt ra trong ta một suy nghĩ rằng, liệu không gian bao la ấy làm thế nào mà người vẽ có thể ghi dấu lại một cách trọn vẹn đến thế, do đó đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn khái quát nhất, thông qua việc giới hạn cảnh vật để vẽ. Và ở đây tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một kĩ thuật cắt cảnh rất hiệu quả để từ đó mà các bài kí họa của các bài sẽ hoàn thiện hơn, bố cục thêm chặt chẽ và chứa đựng được điều mà các bạn muốn thể hiện. Để cắt được cảnh mà mình muốn vẽ, trước tiên chúng ta cần chọn cảnh. Cảnh đẹp trong tự nhiên là muôn màu muôn vẻ, có những cảnh nó đã đẹp sẵn, bố cục hoàn hảo, thậm chí chúng ta không cần thêm bớt gì nữa. Tuy nhiên, hội họa cũng như là nhiếp ảnh, người vẽ cũng như người nghệ sĩ nhiếp ảnh, vì thế khi vẽ cũng như là khi chụp ảnh cần phải biết ngắm và chọn cảnh, để xem cảnh nào là đẹp nhất, ta ưng ý nhất, có một bố cục đẹp, có các mảng xa gần khác nhau, nhiều lớp; ánh sáng và màu sắc phải thực sự đẹp, và có trọng tâm thu hút người nhìn mà từ đó người vẽ sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ cắt cảnh trước khi vào công việc sáng tác của mình. Sau khi đã lựa chọn được cảnh để kí họa, để giới hạn được khung cảnh mà bạn muốn vẽ, người vẽ cần chuẩn bị một khung ngắm nhỏ bằng bìa cứng, khổ 10x13 cm, được cắt thủng theo hình chữ nhật, dùng dây chỉ căng chéo theo hình ô bằng nhau, để vẽ được cảnh đã chọn, ta ổn định vị trí để vẽ, giơ khung ngắm lên tầm mắt, nheo một mắt lại để ngắm và xê dịch khung ngắm, lựa chọn cảnh có bố cục đẹp để cắt cảnh, như vậy qua khung ngắm người vẽ đã bao quát được cảnh mà mình định vẽ. Sau một thời gian đã sử dụng, ta quen dần với việc sử dụng khung ngắm để vẽ, khi ấy ta có thể thay khung ngắm bằng cách đơn giản là sử dụng hai ngón tay cái và hai ngón tay trỏ ghép lại, chúng tạo thành khung hình chữ nhật như khung ngắm mà ta từng sử dụng.Tuy việc sử dụng khung ngắm bằng tay lại không có các ô chỉ, nhưng cũng phần nào giúp các bạn xác định được giới hạn của cảnh định vẽ. Như vậy, việc luyện tập chọn cảnh và cắt cảnh nhiều lần sẽ hình thành ở bạn thói quen quan sát tìm ra bố cục đẹp, tạo cho ta hứng thú khi vẽ và cảm xúc mạnh mẽ trước thiên nhiên. 3. Kết luận Tôi đã từng nghe một câu nói của Giáo sư Tâm lí Steven Pritzker: “Muốn thành công và sáng tạo ra những ý tưởng, hãy luôn tham khảo các ý kiến của người khác. Nhưng hãy tự mình quyết định điều cuối cùng”. Khi chọn một cảnh nào để vẽ, bản thân còn lưỡng lự không biết như thế là đã phù hợp hay chưa, góc đó có đẹp không? Nên bỏ và bớt những gì? Sao các bạn không thử hỏi ý kiến bạn bè của mình, hoặc là giáo viên bộ môn để có những nhận xét chân thật mà từ đó rút ra kinh nghiệm chọn cảnh để vẽ sau này. Môn Kí họa cần có những chuyến đi thực tế, nhìn nhận các sự vật hiện tượng quan bên ngoài, từ đó bộc lộ ở sinh viên những ý tưởng mới để đưa vào tranh, thay đổi và sáng tạo thêm ở mức độ vẫn giữ được giá trị tính chất của sự vật hiện mà ta đã tiếp xúc.
  7. 313 Một bức tranh kí họa có tính tư tưởng và nghệ thuật cao, bản thân nó phải là một sáng tạo đẹp có những giá trị thưởng thức nghệ thuật và phong cách riêng độc đáo, điều này đòi hỏi ở người vẽ phải có đam mê, yêu thích và khả năng rèn luyện lâu dài bởi Kí họa có tầm quan trọng, nó là bước đà để các bạn có thể bật nhảy cao hơn cho việc phục vụ sáng tác về sau.Ảnh hưởng bước đầu của kí họa là thông qua việc bạn chọn cho mình phong cách vẽ như thế nào, kĩ thuật vẽ ra sao mà sau này nó hình thành ở các bạn năng lực quan sát nhạy bén, khả năng tạo hình nhanh chóng, nắm bắt sự vật chính xác và gắn liền với hiện thực. Ngoài ra, một điều quan trọng góp phần làm bài kí họa gần như hoàn hảo là ở cách bạn chọn cho mình hướng kí họa, tìm ra những góc đẹp cần biết khai thác thông qua việc cắt cảnh, mà từ đó chúng ta áp dụng kĩ thuật kí họa của bản thân để hoàn chỉnh bức tranh theo đúng yêu cầu. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của kí họa mang lại, vì vậy chúng ta phải luôn rèn luyện nét kí, khả năng quan sát, tìm tòi học hỏi để trình độ kí họa được nâng cao góp phần phục vụ cho bản thân trong học tập và công việc sau này./. Tài liệu tham khảo [1]. Nguyễn Lăng Bình (2003), Giáo trình Ký họa, NXB. Đại học sư phạm. [2]. Tạ Phương Thảo - Nguyễn Lăng Bình (1998), Ký họa và bố cục, NXB. Giáo dục. [3]. Huỳnh Phạm Hương Trang (1996), Bí quyết vẽ ký họa, NXB. Mỹ thuật.