Liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng bắc trung bộ với tuyến hành lang kinh tế đông – tây: Thực trạng và giải pháp

pdf 13 trang Gia Huy 5030
Bạn đang xem tài liệu "Liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng bắc trung bộ với tuyến hành lang kinh tế đông – tây: Thực trạng và giải pháp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdflien_ket_trong_kinh_doanh_du_lich_giua_vung_bac_trung_bo_voi.pdf

Nội dung text: Liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng bắc trung bộ với tuyến hành lang kinh tế đông – tây: Thực trạng và giải pháp

  1. LIÊN KẾT TRONG KINH DOANH DU LỊCH GIỮA VÙNG BẮC TRUNG BỘ VỚI TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG – TÂY: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP LINKAGE BETWEEN THE NORTH CENTRAL REGION AND THE EAST- WEST ECONOMIC CORRIDOR: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Trường Đại học Thương mại Hoàng Ngọc Long - Chi Cục Thuế Quận Thanh Xuân Tóm tắt Bắc Trung Bộ nằm gọn trên dải đất hẹp nhất của Việt Nam nhưng lại là vùng tập trung của năm di sản thế giới được UNESCO công nhận: Thành nhà Hồ, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam và Mộc bản triều Nguyễn. Bên cạnh đó, với đường bờ biển dài, cùng nhiều cửa khẩu giáp với Lào nên khu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - du lịch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động liên kết phát triển du lịch còn lỏng lẻo, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có của vùng Bắc Trung Bộ với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Do vậy, trên cơ sở tập trung vào một số cơ sở lý luận về liên kết phát triển du lịch cùng với phân tích thực trạng liên kết phát triển du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; bài viết có những đánh giá từ góc độ thực tiễn và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển này trong thời gian tới. Từ khoá: liên kết, liên kết phát triển du lịch, Bắc Trung Bộ, hành lang kinh tế Đông - Tây Abstract North Central Coast is situated in the thinnest edge of Vietnam but is a hub of five UNESCO-recognized world heritages, namely Citadel of the Ho Dynasty, Phong Nha – Ke Bang, National Park, Hue Imperial Relic Complex, Vietnam Court Music, and Woodblocks of the Nguyen Dynasty. Besides, with a long coastal line and many border gates to Laos, this region holds a particularly important position in the economic – tourism development of Vietnam and countries located on the East-West Economic Corridor. However, reality has shown that the linkage in tourism business in this region remains weak and does not proportionate to the existing potentials of the North Central Coast and the economic corridor. Therefore, upon generalizing some theories on linkage in tourism business, analyzing the current situation of linkage between the North Central region and the East-West Economic Corridor, the author evaluates its efficiency and proposes some solutions to help strengthen it in the coming time. Key words: linkage, linkage for tourism development, North Central Coast, East - West Economic Corridor 1. ĐẶT VẤN ĐỀ 723
  2. Du lịch là một ngành kinh doanh mang tính chất tổng hợp, bao gồm nhiều hoạt động liên quan đến tự nhiên, kinh tế và xã hội. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp, liên kết giữa các lĩnh vực của các quốc gia, của các vùng lãnh thổ (còn gọi là điểm đến du lịch) để khai thác mọi tiềm năng, lợi thế phục vụ kinh doanh du lịch nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, liên kết trong kinh doanh du lịch đang trở thành một xu hướng tất yếu của các điểm đến du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các điểm đến đều nhận thức được thông qua quá trình liên kết sẽ giúp cho các điểm đến phối hợp với nhau, bổ sung cho nhau nhằm tăng thêm thế mạnh, ưu điểm nổi trội của địa phương, từ đó tạo điều kiện tốt hơn cho toàn bộ hoạt động du lịch như: khám phá, khai thác, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, các điểm đến sẽ chủ động giám sát áp lực từ cạnh tranh, kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch và tăng cường tốt hơn quan hệ kinh tế khu vực và quốc tế. Thời gian qua, vấn đề liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch đã trở thành chủ đề quan tâm của các nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong đó, các nghiên cứu nước ngoài điển hình, gần đây nhất được kể đến của các tác giả: 1) Carmen Cox & Simon J. Wild (2008), Linking destination competitiveness and destination development: Findings from a mature Australian tourism destination, Southern Cross University. Nghiên cứu đề cập đến tầm quan trọng của liên kết du lịch trong cạnh tranh điểm đến và nghiên cứu trường hợp điển hình là điểm đến du lịch Úc. 2) Tổ chức World tourism day (2011), Tourism lingking culture; nghiên cứu đã đề cập đến vai trò kết nối đặc biệt quan trọng với văn hoá của du lịch. 3) Yaowalak Apichatvullop Panadda Phucharoensilp (2010), The East-West Economic Corridor Project in Thailand (2010): Perceived Meanings and Expectations, Đại học Khon Kaen, Thái Lan; bài viết đề cập đến các vần đề như ý nghĩa và giá trị của hành lang kinh tế Đông Tây đối với các nước và các địa phương trên EWEC, qua nghiên cứu các dữ liệu được thu thập từ ba nhóm đối tượng: các tổ chức địa phương, các doanh nghiệp tư nhân và người dân địa phương tác giả đã đưa ra những đánh giá tác động từ sự phát triển của EWEC đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các bên liên quan; gợi ý những chính sách để tăng cường kết quả hợp tác của các địa phương trên EWEC. Các nghiên cứu trong nước cũng đề cập khá nhiều đến liên kết trong du lịch, liên kết giữa các vùng du lịch trong nước và từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường có hiệu quả các hoạt động liên kết này giữa các vùng nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch, nói riêng như: 1) Nguyễn Văn Huân (2007), Nghiên cứu lý luận về liên kết vùng, Viện Kinh tế Việt Nam; 2) Nguyễn Đình Hiền (2012), Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung, Kinh tế và Dự báo, số 23; 3) Nguyễn Thị Nguyên Hồng (2013), Đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các địa phương nước ta, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về Hội nhập quốc tế: Thành tựu và những vấn đề đặt ra; bài viết đã đề cập đến một số lý luận về liên kết du lịch, các nguyên tắc của liên kết và thực trạng liên kết du lịch giữa các địa phương nước ta. Bài viết cũng đánh giá được các thành công và những vấn đề còn tồn tại của liên kết từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các địa phương nước ta; 4) Bùi Xuân Nhàn (2014), Tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp để thu hút khách du lịch Nga, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về Những vấn đề về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh hiện đại; nghiên cứu đã hệ thống hoá, làm rõ khái niệm, nguyên tắc, nội dung, nghiên cứu các đặc điểm khách du lịch Nga, phân tích thực trạng hoạt động liên kết thu hút khách du lịch Nga ở một số địa phương thời gian qua và đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết giữa các địa 724
  3. phương, doanh nghiệp trong thu hút khách du lịch Nga thời gian tới; 5) Gần đây nhất có bài viết của tác giả: Trần Đình Thiên (2015), Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, Viện Kinh tế Việt Nam; đã tập trung bàn về sự liên kết vùng (xuyên quốc gia) với các điều kiện, yêu cầu, các thách thức và cơ hội, chủ thể, cách thức, liên kết để phát triển du lịch chứ không bàn toàn diện các vấn đề phát triển du lịch. Đặc biệt, bài viết đã chỉ ra để liên kết phát triển du lịch các vùng, trước hết, cần đánh giá lại tiềm năng du lịch (các loại tài nguyên du lịch) của các vùng trên quan điểm liên kết phát triển. Thực chất của việc đánh giá lại này là làm rõ các lợi thế, sự khác biệt, tính độc đáo của tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, đẳng cấp phát triển du lịch gắn với điều kiệnvăn hóa, xã hội - của mỗi vùng; không phải một cách biệt lập mà trong thế liên kết, trên quan điểm liên kết, để nghiên cứu xây dựng thành các chuỗi liên kết du lịch bổ sung cho nhau; 6) Trương Duy Hoà (2010), Hành lang kinh tế Đông - Tây và tác động của nó đến Lào và quan hệ Việt - Lào, Tạp chí Đông Nam Á, số 11; bài viết đã đề cập khái quát về Hành lang kinh tế Đông - Tây và tác động của nó đến Lào và quan hệ Việt Nam - Lào trong bối cảnh liên kết khu vực và quốc tế hiện nay Tóm lại, có thể thấy các công trình nghiên cứu đã tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau, các khía cạnh khác nhau của hợp tác kinh tế - xã hội, nói chung và liên kết du lịch, nói riêng. Trên cơ sở tham khảo và kế thừa các nghiên cứu trên, tác giả đi sâu vào nghiên cứu vấn đề liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh một cách có hiệu quả hoạt động liên kết này trở thành vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 2.1. Liên kết du lịch và liên kết trong kinh doanh du lịch Liên kết du lịch là hình thức liên kết mang tính tổng hợp, hợp tác bổ sung lẫn nhau giữa các điểm đến du lịch có những nét tương đồng về địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch hoặc giữa các doanh nghiệp có các dịch vụ bổ sung cho nhau, nhằm mang lai nhi ều lợi ích cung như đ ạt hiệu quả cho các bên tham gia. Như vậy, liên kết du lịch không chỉ phát huy lợi thế mà còn hạn chế những khiếm khuyết, điểm yếu của các đối tác trong hoạt động du lịch. Liên kết phát triển du lịch thực sự là giải pháp cấp bách và cũng là động lực phát triển du lịch của các điểm đến trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay. Các nguyên tắc liên kết du lịch: Có năm nguyên tắc liên kết du lịch: 1) Phải có sự đồng thuận, tự nguyện, đảm bảo bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các điểm đến du lịch tham gia liên kết; 2) Có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và sự chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ giữa các điểm đến du lịch; 3) Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy cùng nhau phát triển; 4) Góp phần gìn giữ và tôn trọng bản sắc văn hoá dân tộc của mỗi điểm đến du lịch; bảo vệ và tôn tạo các giá trị tự nhiên và nhân văn, phát huy tiềm năng và lợi thế của mỗi điểm đến du lịch, tạo sản phẩm du lịch phù hợp với mỗi đối tượng khách; 5) Phải đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội cho Nhà nước, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư của mỗi điểm đến du lịch.[6] L iên kết trong kinh doanh du lịch được hiểu là việc các điểm đến du lịch phối hợp nhiều hoạt động khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu trọn gói cho khách du lịch như đi lại, tham 725
  4. quan, giải trí, ăn uống, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, Do đó, liên kết là cách thức tốt nhất để kết nối các chuỗi giá trị, các khâu, các mắt xích của các tiềm năng, thế mạnh tự nhiên, văn hóa thành các tour du lịch, các dịch vụ du lịch tốt nhằm đáp ứng và thoả mãn tốt nhất nhu cầu của du khách. Mặt khác, hoạt động liên kết còn mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài, hiệu quả kinh doanh cho các điểm đến và quan trọng nhất đó là đem lại sự phát triển bền vững ngành Du lịch của các quốc gia. Tóm lại, những vấn đề then chốt của liên kết trong kinh doanh du lịch nhằm phát triển du lịch tại các điểm đến là: Thứ nhất, tìm ra được những nét khác biệt và nổi trội về du lịch để khai thác và liên kết trong kinh doanh du lịch. Thứ hai, tập trung đầu tư sản phẩm du lịch chủ đạo của từng địa phương, điểm đến để tránh sự trùng lặp, dàn trải và cạnh tranh không lành mạnh, gây nhàm chán cho khách du lịch. Thứ ba, triển khai xúc tiến, quảng bá du lịch cả trên phạm vi địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế; đặc biệt cần có sự phối hợp quảng bá du lịch giữa các điểm đến du lịch với nhau. Thứ tư, cần xây dựng các giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch. Thứ năm, phối hợp đề ra những chính sách để liên kết phát triển du lịch, trong đó cần chú trọng tính đặc thù và đồng bộ của chính sách. 2.2. Các thành phần của liên kết trong kinh doanh du lịch Du lịch được coi là một hệ thống có cấu trúc phức tạp bao gồm các mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa các bên với vai trò khác nhau tham gia vào quá trình kinh doanh du lịch. Vì vậy, các thành phần tham gia từ phía cung có thể được tập hợp vào các nhóm cơ bản sau: Các doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với khách du lịch: Khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ mát, Nhà hàng, rạp hát, sòng bạc, Công viên giải trí, viện bảo tàng, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện và hoạt động lễ hội, Công ty lữ hành, hàng không, xe tuyến, tàu hoả, tàu thuỷ, taxi, Công ty điều hành tour, các công ty kinh doanh thể thao, Các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ như: Các công ty quảng cáo, ngân hàng, các công ty phát hành thẻ tín dụng, công ty vận tải, sân bay, xưởng đóng tàu, Các cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng kiểm soát, điều tiết, hoạch định chính sách, lập kế hoạch, phát triển cơ cấu hạ tầng. Cộng đồng dân cư địa phương nơi tiếp đón khách du lịch. Các thành phần của liên kết trong kinh doanh du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, tác động tương hỗ lẫn nhau nhằm tạo thành chuỗi cung ứng du lịch khép kín; thu hút và thoả mãn tốt nhất nhu cầu của khách du lịch. 726
  5. 3. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để có cái nhìn tổng quan mang tính lý luận và thực tiễn về liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tác giả sử dụng hai phương pháp chính: Thứ nhất, đó là phương pháp nghiên cứu tài liệu: tác giả tiến hành tổng hợp các tài liệu thứ cấp liên quan từ các nguồn: sách báo, tạp chí chuyên ngành, tổng cục thống kê, các nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về liên kết du lịch, liên kết trong kinh doanh du lịch, Từ các tài liệu thu thập được, tác giả tiến hành tổng hợp, phân tích số liệu, so sánh để nghiên cứu, trả lời các câu hỏi được đặt ra trong bài viết. Thứ hai, tác giả tiến hành khảo sát và quan sát trực tiếp; phỏng vấn chuyên sâu một số nhà quản lý của vùng Bắc Trung Bộ và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; lấy ý kiến của một số chuyên gia du lịch, để thu thập dữ liệu sơ cấp, góp phần làm rõ các vấn đề nghiên cứu và đề xuất được các giải pháp hiệu quả nhất. 4. KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG LIÊN KẾT TRONG KINH DOANH DU LỊCH GIỮA VÙNG BẮC TRUNG BỘ VỚI TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG - TÂY (EWEC) 4.1. Khái quát về vùng Bắc Trung Bộ và hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) Vùng Bắc Trung Bộ gồm sáu tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đây là vùng được đánh giá cao với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng với nhiều giá trị đặc sắc. Về nguồn du lịch tự nhiên: Vùng Bắc Trung Bộ có đường bờ biển dài khoảng 670 km, tập trung nhiều bãi biển đẹp như: Sầm Sơn (Thanh Hóa); Cửa Lò, Bãi Lữ (Nghệ An); Xuân Thành, Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Nhật Lệ, bãi Đá Nhảy (Quảng Bình); Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ (Quảng Trị); Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Các đảo ven bờ trong vùng vẫn giữ được nét hoang sơ và có thể xem xét, đầu tư khai thác phát triển du lịch như hòn Mê (Thanh Hóa), đảo Yến (Hà Tĩnh), đảo Ngư (Nghệ An), Cồn Cỏ (Quảng Trị), đảo Ngọc (Thừa Thiên Huế). Bên cạnh đó, vùng Bắc Trung Bộ còn có sự đa dạng sinh học cao, nhiều hệ sinh thái đặc trưng với nhiều vườn quốc gia như Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha Kẻ Bàng, Bạch Mã, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Huống, Kẻ Gỗ. Với tiềm năng sinh thái rừng và biển phong phú, đa dạng, các tỉnh Bắc Trung Bộ có điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thể thao mạo hiểm. Về nguồn du lịch nhân văn: Bắc Trung Bộ được đánh giá là vùng tập trung nhiều các di sản văn hóa đặc sắc, với năm di sản thế giới được UNESCO công nhận: 1) Quần thể di tích cố đô Huế; 2) Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; 3) Nhã nhạc Cung đình Huế; 4) Mộc bản triều Nguyễn, 5) Thành nhà Hồ. Hệ thống các di sản thế giới này tạo nên sự khác biệt lớn nhất của Bắc Trung Bộ so với các vùng khác trong cả nước, thuận tiện cho việc kết nối tour du lịch con đường di sản miền Trung. Thêm vào đó, vùng Bắc Trung Bộ còn là nơi tập trung nhiều di tích chiến tranh, cách mạng có giá trị đặc biệt như: Xuân Sơn, Nhật Lệ, đường 20 Quyết thắng, địa đạo Vịnh Mốc, 727
  6. Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, đường 9 Khe Sanh, đường mòn Hồ Chí Minh, lăng mộ cố đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bắc Trung Bộ có nhiều lễ hội độc đáo, điển hình như lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Cuông, lễ hội điện Hòn Chén. Và đặc biệt Festival Huế là sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế thu hút mạnh mẽ nguồn khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, Bắc Trung Bộ còn có nhiều lợi thế khác để phát triển du lịch. Với hệ thống sân bay, bến cảng, quốc lộ, đường sắt Bắc Nam, đường ngang Đông - Tây tương đối phát triển; đặc biệt tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) đi qua bốn nước Mianma - Thái Lan - Lào - Việt Nam đang phát triển mạnh, là nhân tố động lực để phát triển mạnh mẽ du lịch. Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều tuyến đường bộ và cửa khẩu sang Lào và đây là một trong những điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác với Lào, Thái Lan trong phát triển du lịch đường bộ. Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là một trong ba sáng kiến về hành lang kinh tế trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Ngân hàng phát triển Châu Á và Nhật Bản khởi xướng. Tuyến hành lang này dài 1450 km, đi qua bốn nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) ở biên giới Myanmar - Thái Lan. Ở Thái Lan, bắt đầu từ Mae Sot, chạy qua bảy tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan. Ở Lào, chạy từ tỉnh Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh và ở Việt Nam, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh thành Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng. Ra đời từ năm 1998, nhưng phải đến năm 2006, khi cầu Hữu Nghị II bắc qua sông Mê Kông nối tỉnh Mucdahan (Thái lan) với Savanakhet (Lào) được khánh thành, hành lang kinh tế Đông Tây mới chính thức thông tuyến nối liền bảy tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, qua Savannakhet - Lào với ba tỉnh miền Trung của Việt Nam (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng). Như vậy, EWEC đã đem lại những lợi ích thiết thực và lâu dài cho các điểm đến thành viên, mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch. 4.2. Khái quát về thực trạng liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ với tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) thời gian qua Sự ra đời của hành lang kinh tế Đông - Tây đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch của các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) gồm: Lào, Thái Lan, Mianma và Việt Nam, nói chung và của vùng Bắc Trung Bộ với các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nói riêng. Trong những năm qua, với nỗ lực liên kết, hợp tác khai thác tiềm năng lợi thế phát triển du lịch trên EWEC của vùng Bắc Trung Bộ đã được triển khai một cách tương đối toàn diện; với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của các địa phương trong, ngoài vùng Bắc Trung Bộ và EWEC; cùng với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các chính quyền địa phương, các nhà đầu tư. Đặc biệt, hoạt động liên kết trong kinh doanh du lịch này được thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực: cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ; nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch; kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương cũng như trao đổi kinh nghiệm quản lý điểm đến, quản lý rủi ro, Cụ thể: 728
  7. Về công tác quản lý nhà nước về du lịch của các địa phương thuộc Bắc Trung Bộ đang từng bước được đổi mới: bộ máy quản lý được tăng cường, sự phối hợp giữa các ngành chức năng và cải cách chú trọng đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. “Tuyên bố chung” - Hội nghị Thứ trưởng Bộ ngoại giao lần thứ hai về hành lang kinh tế Đông - Tây tổ chức tại Savannakhet, Lào đã thống nhất mở rộng tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây tới Laem Chabang và Bangkok (Thái Lan), Viêng Chăn (Lào); tuyến đường 8 và đường 12 đến Hà Nội và Hải Phòng (Việt Nam). Như vậy, hợp tác phát triển du lịch trên EWEC không còn gói gọn trong phạm vi “Ba quốc gia - Một điểm đến” nữa mà nó mở rộng ra ngoài phạm vi 11 tỉnh, thành phố trên tuyến với một không gian rộng lớn hơn. Về cơ sở vật chất du lịch, dịch vụ, vùng Bắc Trung Bộ đã huy động được sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nhiều dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở kinh doanh có quy mô và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Hệ thống giao thông vận tải được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đáng kể, góp phần đáp ứng cơ bản cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các tuyến đường giao thông về trung tâm xã và các cụm dân cư miền núi, các tuyến đường ven biển, tuyến các đường đến khu dịch vụ hậu cần nghề cá được hình thành và phát triển, cảng Cửa Việt là đầu mối lưu thông với các cảng khác trong nước. Đặc biệt là tuyến Đường 9, Đường Hồ Chí Minh, đường Quốc lộ 1A được xây dựng, nâng cấp cùng với tuyến đường sắt Bắc - Nam nối kết với nhau liên hoàn, nâng cao năng lực vận tải trên đường bộ, đường sông và đường biển, đảm bảo cho việc giao lưu thông suốt giữa hai miền Bắc - Nam của đất nước, đảm bảo là vị trí ngã ba Đông Dương với hành lang Quốc lộ 9 xuyên dọc cả tỉnh thông qua đèo Lao Bảo nối cảng Cửa Việt với nước bạn Lào - Đông Bắc Thái Lan - Mianma, mở ra quan hệ rộng lớn với đại lục Tây Á. Về công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên EWEC được các điểm đến thuộc Bắc Trung Bộ triển khai tích cực từ năm 2005. Điển hình có tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL) Quảng Trị cùng Ban Quản lý Dự án Phát triển Du lịch bền vững GMS tỉnh Quảng Trị, cùng với hai tỉnh Sananakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan) đã tổ chức được 8 kỳ Hội nghị hợp tác phát triển du lịch (Hội nghị hợp tác du lịch của ba nước, ba tỉnh được tổ chức mỗi năm một lần). Các hội nghị này đã thể hiện việc liên kết du lịch của Bắc Trung Bộ và EWEC được triển khai khá tốt ở các hoạt động như: tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh (thủ tục xuất nhập cảnh tại các cặp cửa khẩu quốc tế được giải quyết nhanh chóng, các điểm dừng, dịch vụ dọc tuyến được đầu tư phát triển); hợp tác quảng bá du lịch, hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch, tổ chức tour đến tham quan mỗi điểm đến, mở rộng hợp tác phát triển du lịch đến các tỉnh lân cận; tạo ra một thị trường đầy tiềm năng bao gồm cộng đồng dân cư ba nước và khách du lịch quốc tế đến với tour du lịch này. Đến nay, phạm vi liên kết, hợp tác đã mở rộng ra 11 tỉnh của Thái Lan, 7 tỉnh miền Trung của Lào và 7 tỉnh miền Trung của Việt Nam. Bắc Trung Bộ đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên EWEC bằng việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch “Ba quốc gia - Một điểm đến” hay chính là mô hình “Một ngày ăn cơm ba nước” nhằm gắn kết những điểm du lịch; những di sản thiên nhiên, văn hoá của dải đất miền Trung với các điểm du lịch của Lào, Thái Lan, Mianmar. Như vậy, đối với du khách, EWEC thực sự là một điểm đến quan trọng; điều này được thể hiện thông qua lượng khách du lịch từ các nước đi theo con đường caravan đến vùng 729
  8. Bắc Trung Bộ thời gian qua tăng đột biến, đặc biệt là khách du lịch Thái Lan. Người Thái Lan được xem là có mức chi tiêu cao hơn hẳn so với các luồng khách Đông Nam Á khác, với khoảng 300 - 400 USD/người/chuyến đi 4 - 5 ngày. Vì vậy, các hãng lữ hành luôn hướng tới thị trường giàu tiềm năng này. Các địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ cũng tích cực tham gia “Chương trình khảo sát tuyến điểm du lịch đường bộ liên quốc gia bằng xe ô tô tự lái” và “Hội nghị gặp gỡ, liên kết phát triển du lịch tại các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông”, “tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây” nhằm khảo sát tuyến điểm và tăng cường liên kết, mở rộng quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch. Hành trình trải qua bốn nước: Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar với khoảng 4.500 km bằng ô tô tự lái. Đây là cơ hội thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch khảo sát cho tuyến điểm du lịch tại Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanma; tăng cường khai thác, phát triển, giới thiệu các sản phẩm du lịch đường bộ, khai thác thị trường khách bằng ô tô tự lái. Do đặc điểm cư dân phía Tây (Myanmar), Đông Bắc (Thái Lan), Trung Hạ (Lào) bị chịu ảnh hưởng về địa hình cao, thời tiết khô nóng quanh năm nên họ rất “khát biển”, vì vậy họ sẽ theo các tour du lịch trên EWEC về với du lịch biển phía Đông. Trên cơ sở thế mạnh của mỗi điểm đến; Bắc Trung Bộ đã liên kết để xây dựng các sản phẩm du lịch, chú trọng khai thác du lịch biển, hệ thống giao thông thuận lợi và những điểm du lịch nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái và sản phẩm du lịch - nghỉ dưỡng biển độc đáo như Thiên Cầm, Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ, Mỹ Thủy, Vĩnh Thái, Nhật Lệ, Lăng Cô, để đáp ứng được nhu cầu của hơn 20 triệu người ở vùng Đông Bắc Thái Lan có vị trí không gần biển và người dân các địa phương của Lào. Tiếp tục phát triển du lịch lễ hội, du lịch văn hóa - tâm linh và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đường bộ. Mặc dù thủ tục qua cầu giữa hai bên Lào - Thái chưa thật sự thống nhất nhưng lượng du khách theo EWEC qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Với khoảng cách 240 km từ cầu Hữu Nghị II đến Lao Bảo và 300 km đến với biển của Miền Trung Việt Nam, với thủ tục Visa vào một nước là có thể đến với các nước khác trong khối ASEAN, vì vậy, lượng du khách đi bằng đường bộ qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn. Cụ thể: khách đường bộ qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây - Cửa khẩu Lao Bảo tăng mạnh; nếu năm 2007 là 383.000 lượt người thì đến năm 2015 con số này lên tới 1.267.000 lượt người. Đồng thời, EWEC được khơi thông, khoảng cách vận chuyển giữa hai bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ rút ngắn lại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác phát triển trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, không chỉ trên phạm vi một ngành, một vùng, một quốc gia mà là liên ngành, liên vùng và đa quốc gia. Điều này được chứng minh thông qua sự phát triển của du lịch Bắc Trung Bộ và tổng lượng khách đến Bắc Trung Bộ gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua. Nếu như năm 2010, lượng khách du lịch đến các địa phương trong vùng đạt 10,2 triệu lượt khách và đến cuối năm 2015, Bắc Trung Bộ đón được gần 15 triệu lượt khách du lịch đến. Với kết quả này thì lượng khách du lịch của Bắc Trung Bộ chiếm tỷ lệ bình quân khoảng 25 - 30% tổng số lượng khách du lịch của cả nước; tốc độ tăng trưởng khách bình quân giai đoạn 2000-2015 đạt 20%/năm. 730
  9. Về thu hút khách du lịch quốc tế, khu vực Bắc Trung Bộ, năm 2006 (giai đoạn chưa có EWEC) mới chỉ thu hút được 567,96 lượt khách quốc tế, chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng lượng khách du lịch quốc tế trong cả nước; thì đến năm 2015, con số này là xấp xỉ 1,3 triệu lượt khách, với tốc độ tăng bình quân là 12%/năm. Theo thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Thừa Thiên Huế chiếm đến 76,8% tổng lượng khách quốc tế đến vùng; còn lại là các địa phương khác. Đối với thị trường khách quốc tế đến vùng Bắc Trung Bộ cũng có nhiều chuyển biến, đặc biệt là lượng khách du lịch Caravan (khách du lịch bằng ô tô, trong đó có cả xe tay lái nghịch) gia tăng, nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ như Cầu Treo (Hà Tĩnh); Lao Bảo (Quảng Trị); Cha Lo (Quảng Bình), Ngoài ra, những năm gần đây, trong khu vực còn đón một lượng đáng kể khách du lịch quốc tế đến bằng đường biển qua cảng Chân Mây. Khách du lịch quốc tế đến vùng Bắc Trung Bộ chủ yếu với mục đích du lịch thuần tuý, tham quan thắng cảnh; khách du lịch đi với mục đích thương mại và các mục đích khác chiếm tỷ lệ ít hơn. Và nguồn khách du lịch quốc tế chủ yếu đến từ khu vực Đông Nam Á (địa phương trên EWEC của Lào, Thái Lan, Myanmar); còn lại từ các khu vực khác trên thế giới vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Cũng qua khảo sát, khách quốc tế cho rằng họ lựa chọn và bị hấp dẫn bởi các yếu tố lịch sử, vẻ đẹp thiên nhiên của các khu rừng nguyên sinh, đa dạng hoá sinh học và đặc biệt là vẻ đẹp tuyệt vời của các bãi biển với bãi cát trắng trải dài đầy hấp dẫn. Khả năng chi tiêu của khách quốc tế cũng tăng lên đáng kể, tuy nhiên, so với các điểm đến khác thì con số chi tiêu của khách quốc tế còn tương đối thấp, chỉ khoảng 80USD/1 ngày và chủ yếu là chi tiêu cho dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 60%). Thực tế cũng phản ánh, sở dĩ khách quốc tế chi tiêu cho việc mua sắm hàng hoá, giải trí và các dịch vụ khác còn hạn chế bởi các cơ sở kinh doanh du lịch cũng như các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trong vùng còn chưa tạo ra được những sản phẩm đặc sắc, có chất lượng đặc trưng cho địa phương mình; chưa có các khu vui chơi giải trí lớn; các dịch vụ bổ sung còn nghèo nàn; các tour du lịch còn ngắn và thiếu sức hấp dẫn, Do vậy, từ thực tế trên, thu nhập từ du lịch của Bắc Trung Bộ chỉ chiếm 5% trong tổng số thu nhập từ du lịch của c ả nước. Đây cũng là hạn chế cần giải quyết và khắc phục đặt ra cho du lịch Bắc Trung Bộ, nói chung và cho hoạt động liên kết trong kinh doanh du lịch với EWEC của Bắc Trung Bộ, nói riêng. Để có được những hoạt động liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC); phải kể đến vai trò quan trọng của Chính phủ các nước trên EWEC, đặc biệt là sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam cho sự phát triển hoạt động liên kết này, thể hiện: Đã có khá nhiều chính sách cấp Chính phủ được triển khai về các thủ tục kiểm tra tại hải quan cửa khẩu; giao thông tay lái nghịch; các chính sách cư dân vùng biên giới và đặc biệt là chính sách xuất nhập cảnh qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Các chính sách này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi du lịch trên EWEC bằng đường bộ qua biên giới được thuận lợi và dễ dàng hơn. Chính phủ cùng với các quốc gia EWEC đã ký kết các văn bản về sự hỗ trợ tích cực tài chính của ADB và các đối tác phát triển; tiếp tục hoàn thiện tuyến hành lang nối thông đến điểm cuối trên lãnh thổ Myanmar; xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ phục vụ cho việc vận chuyển người và hàng hóa dọc hành lang; tiếp tục triển khai đầy đủ Hiệp định GMS- CBTA, đặc biệt là các nội dung liên quan đến EWEC, qua đó hài hòa, đơn giản hóa các thủ tục hải 731
  10. quan; hỗ trợ các địa phương dọc hành lang phát triển công nghiệp, các ngành nghề có thế mạnh; xây dựng phát triển hệ thống chợ, trung tâm buôn bán; thiết lập các chính sách, biện pháp phát triển các dịch vụ thương mại hiện đại; hình thành các khu, cụm thương mại, dịch vụ quy mô lớn; Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác tổ chức các sự kiện; hội chợ triển lãm và các họat động giao thương khác nhằm quảng bá về du lịch các điểm đến du lịch trên EWEC; giúp các doanh nghiệp du lịch trong vùng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, nâng cao nhận thức; từ đó đầu tư phát triển và thu hút mạnh mẽ nguồn khách du lịch đến với Bắc Trung Bộ, nói chung và đến với EWEC, nói riêng. 4.3. Đánh giá chung Những điểm thành công và nổi bật trong hoạt động liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ với EWEC thời gian qua được nhận định là: Thứ nhất, thực hiện các thỏa thuận hợp tác về tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập cảnh và các thủ tục hành chính. Thứ hai, lượt du khách đến các nước thuộc EWEC tăng gấp hai lần so với trước khi có EWEC; các trục giao thông trên EWEC được kết nối giúp dễ dàng tiếp cận với các điểm đến du lịch trong khu vực. Thứ ba, có sự hợp tác hiệu quả về hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cho các điểm đến du lịch trong khu vực. Thứ tư, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho các địa phương trên tuyến EWEC nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của cả khu vực. Thứ năm, tổ chức thực hiện được các chương trình Famtrip và một số thỏa thuận hợp tác khác trong kinh doanh du lịch của các địa phương trên EWEC. Như vậy, việc khai thác có hiệu quả tuyến du lịch qua hành lang kinh tế Đông - Tây không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mà còn góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, mang lại cơ hội kinh doanh cho người dân, lợi ích cho ngành Du lịch của các địa phương trên tuyến hành lang; đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của toàn quốc gia. Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy rằng, hoạt động liên kết trong kinh doanh du lịch giữ vùng Bắc Trung Bộ với Tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây vẫn còn những hạn chế như sau: Thứ nhất, du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do những khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng và chính sách còn khác biệt, chưa thống nhất giữa ba nước. Thứ hai, thiếu các sản phẩm du lịch, các hình thức vui chơi, giải trí đủ sức hấp dẫn du khách, thiếu cơ sở dịch vụ đạt chuẩn; trình độ nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, nhất là ngoại ngữ và kỹ năng làm du lịch. Thứ ba, hoạt động trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư phục vụ du lịch nhìn chung còn nhỏ lẻ, hiệu quả đạt được chưa cao. 732
  11. Thứ tư, hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu và thiếu, thể hiện ở đường không, đường thuỷ, điện nước, các dịch vụ viễn thông còn rất hạn chế. Thứ năm, việc cải cách thủ tục hành chính, chính sách cửa khẩu còn hạn chế, chậm về tiến độ mặc dù đã được Chính phủ, các Bộ, các ngành của ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan đã quan tâm chỉ đạo triển khai, Từ những hạn chế cơ bản trên, một số nguyên nhân cơ bản được nhìn nhận từ những hạn chế trên như: Một là, hoạt động tổ chức liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ và EWEC mới chỉ dừng lại trong việc tổ chức một số sự kiện cụ thể, chưa liên tục, chưa thực sự hợp sức để cùng xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá mở rộng thị trường du lịch. Hai là, các doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn vẫn thụ động với hoạt động đưa khách du lịch đi du lịch trong địa phương hoặc đưa khách du lịch là người Việt Nam đi du lịch nước ngoài; chưa chú trọng đến việc khai thác khách du lịch đi các địa phương trên EWEC và chủ động nguồn khách từ nước ngoài vào địa phương mình và cả khu vực nói chung. Ba là, yếu tố thời vụ đối với hoạt động du lịch biển ở các tỉnh Bắc Bắc Trung Bộ là một hạn chế lớn đối với hiệu quả đầu tư du lịch, đồng thời tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đội ngũ lao động ngành Du lịch cũng như môi trường kinh doanh du lịch. Bốn là, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp ở một số khâu còn lỏng lẻo, điều này đã hạn chế sự phát triển của ngành du lịch. 5. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT TRONG KINH DOANH DU LỊCH GIỮA VÙNG BẮC TRUNG BỘ VỚI TUYẾN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG – TÂY (EWEC) Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của khu vực, tạo sự đột phá mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo; phát huy được hết lợi thế và nguồn lực du lịch trong liên kết với EWEC và giải quyết được những khó khăn, hạn chế nêu trên; Bắc Trung Bộ cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch: nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù không trái với pháp luật để tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch. Thứ hai, thống nhất các biện pháp đơn giản hoá thủ tục tại cửa khẩu và thông quan; triển khai và áp dụng mô hình “một điểm dừng, một lần kiểm tra” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Densavan và tiến tới áp dụng mô hình này tại cặp cửa khẩu quốc tế Savanankhet - Mukdahan; Myawaddy (Myanma) - Maesot (Thái Lan). Đơn giản tối đa các thủ tục hành chính; giảm thiểu các loại chi phí, lệ phí tại cửa khẩu. Thứ ba, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và ban quản lý các di tích, danh thắng. Tổ chức khai thác tốt tiềm năng du lịch hiện có của vùng bằng nhiều loại hình dịch vụ du lịch như: tham quan di tích lịch sử 733
  12. chiến tranh, lễ hội, văn hóa tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch qua Hành lang kinh tế Đông - Tây Phát triển mạnh các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có chất lượng. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ như: vui chơi giải trí, thông tin, tư vấn, đổi tiền, bán hàng lưu niệm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch: từ nhận thức đến hành động; tăng hiểu biết văn hóa du lịch và trình độ ngoại ngữ; đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Thái Lan của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trong vùng, trong các doanh nghiệp du lịch. KẾT LUẬN Trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay, cùng với xu thế liên kết đa phương, song phương giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch thì liên kết giữa các địa phương, các vùng trong và ngoài nước đóng một vai trò hết sức quan trọng. Liên kết sẽ giúp cho các điểm đến du lịch phối hợp với nhau, bổ sung cho nhau nhằm tăng thêm thế mạnh, ưu điểm nổi trội của địa phương, từ đó tạo điều kiện tốt hơn cho toàn bộ hoạt động du lịch như: khám phá, khai thác, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đặc biệt các điểm đến du lịch sẽ chủ động giám sát áp lực từ cạnh tranh, kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch và tăng cường tốt hơn quan hệ kinh tế khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động liên kết trong kinh doanh du lịch giữa vùng Bắc Trung Bộ với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ là giải pháp quan trọng và định hướng phát triển mạnh mẽ, bền vững cho ngành Du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, nói riêng và kinh tế - xã hội, nói chung của toàn khu vực. 734
  13. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Carmen Cox & Simon J. Wild (2008), Linking destination competitiveness and destination development: Findings from a mature Australian tourism destination, Southern Cross University 2. Tổ chức World tourism day (2011), Tourism lingking culture 3. Yaowalak Apichatvullop Panadda Phucharoensilp (2010), The East-West Economic Corridor Project in Thailand (2010): Perceived Meanings and Expectations, Đại học Khon Kaen, Thái Lan 4. Trương Duy Hoà (2010), Hành lang kinh tế Đông - Tây và tác động của nó đến Lào và quan hệ Việt - Lào, Tạp chí Đông Nam Á, số 11 5. Nguyễn Đình Hiền (2012), Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung, Kinh tế và Dự báo, số 23 6. Nguyễn Thị Nguyên Hồng (2013), Đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các địa phương nước ta, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về Hội nhập quốc tế: Thành tựu và những vấn đề đặt ra 7. Nguyễn Văn Huân (2007), Nghiên cứu lý luận về liên kết vùng, Viện Kinh tế Việt Nam 8. Bùi Xuân Nhàn (2014), Tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp để thu hút khách du lịch Nga, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về Những vấn đề về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh hiện đại 9. Trần Đình Thiên (2015), Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, Viện Kinh tế Việt Nam. 735