Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi đối với tài nguyên rừng

pdf 14 trang Hùng Dũng 05/01/2024 710
Bạn đang xem tài liệu "Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi đối với tài nguyên rừng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfluat_tuc_va_tri_thuc_ban_dia_cua_nguoi_ta_oi_doi_voi_tai_ngu.pdf

Nội dung text: Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi đối với tài nguyên rừng

  1. 82 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 MÔI TRƯỜNG - SINH THÁI LUẬT TỤC VÀ TRI THỨC BẢN ĐỊA CỦA NGƯỜI TÀ ÔI ĐỐI VỚI TÀI NGUYÊN RỪNG Trần Nguyễn Khánh Phong* I. Đặt vấn đề Cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và người Tà Ôi nói riêng đều có điểm chung là “Sống dựa vào rừng, gắn bó mật thiết với rừng không chỉ về mặt vật chất, mà còn cả những giá trị tinh thần, tâm linh”.(1) Theo quan niệm cổ truyền của người Tà Ôi thì tài nguyên rừng được chia làm 2 loại là rừng tâm linh và rừng khai thác sản xuất. Tất cả đều thuộc sự quản lý của cộng đồng, có nghĩa là thuộc sở hữu cộng đồng làng bản. Ở đó cá nhân với tư cách là thành viên của bản làng chỉ có quyền sử dụng khai thác ở một chừng mực nhất định đối với loại tài nguyên rừng được khai thác sản xuất và cấm tuyệt đối việc khai thác sản xuất đối với các loại rừng tâm linh. Rừng của người Tà Ôi có “ vị trí trung gian giữa miền Bắc và miền Nam, giữa nước ta với nước bạn Lào. Cái tính chất trung gian ấy thể hiện trong sự phân hóa đa dạng của các thành phần khác nhau của tự nhiên, từ thổ nhưỡng, thực vật, động vật đến khí hậu”.(2) Và rừng vùng người Tà Ôi cư trú có thêm đặc điểm nữa là “ thấy được những cảnh rừng mang tính chất nguyên thủy của Trường Sơn Bắc, những cánh rừng già thực sự hiểm trở và hoang vu đến mức nào”.(3) Chính vì những đặc điểm nổi bật đó mà từ lâu cộng đồng dân tộc Tà Ôi đã đặt ra những quy ước, luật tục liên quan đến việc sở hữu, khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời, người Tà Ôi cũng có những tri thức bản địa phong phú đã cùng với luật tục góp nên việc bảo vệ tài nguyên rừng của họ một cách bền vững. II. Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi đối với tài nguyên rừng 1. Các loại rừng trong đời sống của người Tà Ôi 1.1. Rừng tâm linh Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu thì “Rừng tâm linh là kho dự trữ nguồn lương thực dồi dào (rừng đầu nguồn), là nơi họ thể hiện sự thành kính của mình đối với các đấng Thần linh/Yang, là nơi cấm mọi người nếu không có phận sự thì không được đến (rừng cấm) và cũng là nơi họ chôn người chết, trả linh hồn người chết về với rừng (rừng ma)”.(4) Loại rừng này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế ở phương diện khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, duy trì và tạo ra * Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế.
  2. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 83 các môi trường diễn xướng mang tính lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng, gắn với các phong tục tập quán, các kiêng cữ trong sinh hoạt, sản xuất, ứng xử về mặt văn hóa, xã hội; mà còn có ý nghĩa về mặt môi trường - là một dạng của lâm nghiệp theo hướng bảo tồn.(5) Đây là một nét quan trọng trong việc hình thành nên bản sắc văn hóa truyền thống của một vùng đất mà Thừa Thiên Huế - nơi cộng đồng cư dân Tà Ôi sinh sống tập trung nhiều nhất ở Việt Nam - là một thí dụ điển hình bởi đây là hệ sinh thái lâm nghiệp quan trọng. “Ở đó, người dân, từ xưa tới nay, sống theo mô hình săn bắt - hái lượm. Sau này mới tiếp thu lối sống định canh, định cư, làm quen với mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - rừng), VCR (vườn - chuồng - rừng), VR (vườn - rừng), theo phương thức nông lâm kết hợp. Lối sống dựa vào điều kiện tự nhiên miền núi ấy đã hình thành những cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, tín ngưỡng khác với cư dân vùng đồng bằng; càng làm phong phú thêm diện mạo lịch sử, văn hóa ở Thừa Thiên Huế”.(6) Qua những nhận xét trên chúng tôi thấy rằng, rừng tâm linh của người Tà Ôi có 3 loại là: Rừng đầu nguồn (Kốh a vưal dạc), Rừng thiêng (Trừng xa) và Rừng ma (Ktrưng). Rừng đầu nguồn là khu rừng thuộc sở hữu chung của nhiều làng, rừng này đều ở vùng đầu nguồn sông, suối, nơi có nhiều cây cổ thụ(7) góp phần chống xói mòn và bảo vệ nguồn nước. Đây là nơi các vị thần trú ngụ và do các vị thần quản lý. Rừng thiêng không chỉ ở người Tà Ôi mà ở các tộc người khác đều có loại rừng này, mỗi dân tộc quan niệm rừng thiêng theo những tích khác nhau tùy theo tập quán và cách sống của từng cộng đồng tộc người. Riêng người Tà Ôi quan niệm về rừng thiêng theo những cách nghĩ khác nhau. Thứ nhất, rừng thiêng còn gọi là rừng cấm, là khu rừng có chôn người chết tức là nghĩa địa; Thứ hai, rừng thiêng là những khu rừng có người tự tử hay khi đi săn bị sa bẫy chết, thú vồ hoặc chết vì bị cây đè thường chôn ở những khu rừng sâu; Thứ ba, rừng thiêng còn là những khu rừng có sự tích rùng rợn nào đó được người xưa kể lại.(8) Rừng thiêng còn được hiểu là “loại rừng có sự trú ngụ của các vị thần linh đầy quyền năng mà con người ngưỡng vọng, sùng kính, là loại rừng có nhiều cây to (thường ở đầu nguồn nước), là nơi ở của các loài động vật hung dữ (rắn trắng, trăn to, thuồng luồng, hổ ). Rừng thiêng (hay rừng ma) là nơi trú ngụ của các Yang, không ai được đụng đến, thường là rừng đầu nguồn. Đây thực chất là kinh nghiệm giữ rừng đầu nguồn được tích lũy lâu đời của người dân, bọc bên ngoài một lớp vỏ tín ngưỡng”.(9) Rừng ma là loại rừng có nhiều cây đa, cây xoài, cây dâu, cây chôm chôm. “Là nơi chôn cất người chết của các tộc người thiểu số ở miền núi. Đó là không gian linh thiêng của thần linh, của ông bà tổ tiên (rừng ma của người chết tốt(10)), nhưng đồng thời cũng là không gian của ma quỷ, ác thần (rừng ma của người chết xấu(11))”.(12) Để bảo vệ những khu rừng này người Tà Ôi đã xây dựng nên những truyền thuyết, huyền thoại về các khu rừng hay một vài loài cây, loài động vật
  3. 84 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 hoang dã nào đó. Bằng hình thức truyền miệng, các câu chuyện đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác, và những khu rừng đó trở thành thiêng hóa, thần thánh hóa, không ai dám xâm phạm. 1.2. Rừng khai thác sản xuất Đối với người Tà Ôi, cách hiểu đơn giản nhất về rừng khai thác đó chính là những khu rừng ở gần làng bản, cây cối thuộc dạng thưa thớt, tán thấp, nơi tập trung nhiều loại thú nhỏ, bò sát, chim muông. Họ sử dụng rừng này vào các mục đích canh tác làm nương rẫy, chăn nuôi, làm chòi giữ lúa và các nhà kho để lúa, ngô. Người Tà Ôi đã biết tận dụng nguồn tài nguyên rừng khai thác sản xuất để hình thành nên những khu vườn đồi, vườn rừng phần nào đã bảo đảm được lương thực cho cộng đồng. 2. Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi trong việc sở hữu tài nguyên rừng Với người Tà Ôi, mỗi khu rừng đều có chủ riêng để quản lý, khai thác, săn bắt. Ai từ nơi khác đến muốn có đất làm rẫy phải cúng xin thần rừng, thần sông, thần suối bằng vật có giá trị nhất của mình như con trâu, chum ché, nồi đồng và nhiều khi phải gả con gái cho nhà có đất, có rừng. Nếu người chưa có con cái thì vỗ bụng tự hứa sau này sẽ cho con cái của mình cho người chủ đất, chủ rừng (kể cả con trai). Từ đó ta thấy rừng luôn có chủ, được truyền từ đời này sang đời khác, được quản lý và bảo vệ cẩn thận. Trong luật tục của người Tà Ôi không tồn tại hình thức thừa kế hay trao đổi, mua bán rừng mà chủ đã và đang sở hữu. Khi không còn sử dụng nữa thì chỉ cần thông báo cho già làng và mọi người biết để có những thành viên khác vào sở hữu. Khi có những hành vi vi phạm, tranh giành quyền lợi đất rừng thì chủ làng sẽ là người đứng ra tổ chức xử phạt, cúng lễ với tư cách là người đại diện dân làng và thay mặt các vị thần quản lý khu rừng đó. Ngoài ra, “chủ làng phải có trách nhiệm chỉ ra ranh giới của những khu rừng cấm, rừng thiêng, rừng đầu nguồn để dân làng biết. Đó chính là những dấu hiệu quy ước có tính chất cấm cữ. Cũng như chỉ ra những ranh giới, không gian rừng thuộc làng mình và làng khác bằng các dấu mốc như con đường, khe suối, đồi núi, cây cổ thụ”.(13) Những người ngoài làng có quan hệ hôn nhân với người trong làng hoặc đã có thời gian cư trú khá thường xuyên trong làng thì sẽ được hưởng quyền lợi giống như các thành viên khác của làng. Người trong làng bị mang tội nặng, đã bị đuổi ra khỏi làng thì coi như họ bị mất quyền lợi trong việc sở hữu tài nguyên rừng của làng. Rừng thuộc quyền sở hữu của nhiều làng thì mọi người không được làm rẫy ở đó, không được săn bắt với quy mô lớn, cấm chặt phá một cách bừa bãi, mà ngược lại người dân của các làng có thể tự do đến khai thác củi, hái rau, nấm, trái cây, bẻ măng, lấy mật ong và đánh bắt cá. Đối với những khu rừng đầu nguồn ở xa các nơi cư trú, có quy mô rộng lớn, giàu tài nguyên, nơi tiếp giáp ranh giới chung giữa các làng, quyền sở hữu quản lý
  4. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 85 thuộc về cộng đồng của liên làng, thường có 2 làng trở lên. Mọi việc khai thác, sử dụng liên quan đến những khu rừng này đều phải được sự đồng ý của chủ các làng.(14) Trong hệ thống rừng thiêng của người Tà Ôi có 3 loại: (15) - Kốh Sã là khu rừng thuộc sở hữu chung của nhiều làng và cấm không được phát rẫy, không được nói tục tĩu khi đi vào rừng này. Ai vi phạm thì bị phạt trâu bò. Nhưng luật tục không cấm săn bắt, khai thác lâm sản ngoài gỗ tại khu rừng này. Đây là khu rừng được đồng bào thờ cúng thường xuyên. - Kốh tâng kỉn là khu rừng thuộc sở hữu chung của nhiều làng. Tại đây luật tục cấm không được phát rẫy, không được săn bắt, lấy mây, đót, bẻ măng, hái nấm, không bẻ cây cối trong rừng cho dù đó chỉ là một cành hoặc thân cây nhỏ, không được phóng uế tại khu rừng này. Ai vi phạm cũng bị phạt nặng bằng trâu, bò. Khi săn được hổ hoặc là 2 làng có xích mích với nhau, cần hòa giải, đồng bào thường tổ chức lễ cúng lớn ở khu rừng này. Lễ vật để dâng cúng gồm có lợn, gà, rượu, xôi và thịt thú rừng săn được. - Trạm Kănéa là khu rừng thuộc sở hữu riêng của từng làng. Rừng này là nơi dân làng tổ chức lễ cúng hằng năm. Lễ cúng gồm có lợn, gà, dê để cầu xin thần Rừng phù hộ cho dân làng. Người Tà Ôi quan niệm rằng khu rừng này là nơi trú ngụ của ma rừng nên cấm không ai được phát rẫy, không được săn bắt thú, không được lấy mây, đót, không được phóng uế, không được bẻ gãy cây cối. Ai vi phạm thì phạt nặng bằng trâu, bò để làm lễ cúng tạ lỗi với thần rừng. Còn liên quan đến rừng ma thì loại rừng này không ai được phát rẫy, ai cố tình vi phạm sẽ phạt bằng lợn, gà trống để làm lễ cúng làng, chủ làng là người đứng ra cúng để tạ tội với thần linh. 3. Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi trong việc khai thác tài nguyên rừng Người Tà Ôi quy định đối với rừng đầu nguồn, chỉ được phép khai thác với tư cách là tập thể làng và phải sử dụng vào mục đích chung, công trình chung như làm cột đâm trâu, nhà Rông, cổng làng, cổng nghĩa địa đều phải được sự bàn bạc thống nhất giữa các làng. Lễ cúng khi khai thác gỗ phải có 1 con trâu, 1 con dê, 1 con lợn, 1 chum rượu, 10 ống cơm nếp, 1 xâu cá nướng, 1 con gà để các vị thần về chứng giám rồi sẽ đồng ý cho chặt gỗ. Ở những khu rừng có chung ranh giới giữa các làng, cứ định kỳ 3 năm 1 lần, dân làng phải tổ chức lễ cúng liên làng vào thời gian được thỏa thuận giữa các làng. Mỗi làng phải nộp lễ vật 1 con dê trắng, 1 con dê đen, 1 con trâu trắng, 1 con trâu đen, 1 con lợn trắng, 1 con lợn đen, rượu, xôi, cá nướng, bánh nếp. Nếu làng này đông dân phải sang làng khác mượn đất xin làm rẫy thì lễ vật phải nộp gấp đôi. Lễ cúng thường tổ chức ở vùng đất bằng gần khu rừng hoặc sông suối, tất nhiên là phải chọn ngay đúng trung tâm giáp với rừng của các làng. Bàn thờ được dựng ba tầng bằng tre nứa với những vòng hoa, cây cối tượng trưng, xung quanh bàn thờ thường là hoa bắp, gié lúa, cây sim, cây tre, cây
  5. 86 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 mía, cây ổi, cây cọ, cây đoác, cây đùng đình. Tầng thứ nhất, người ta dọn thịt dê, trâu; tầng thứ hai dọn thịt lợn; tầng thứ ba dọn thịt gà cùng các lễ vật rượu, cơm, nước.(16) Khi cúng rừng liên làng thì mỗi chủ làng phải là chủ lễ, ai lớn tuổi nhất thì người đó được cúng cầu khấn trước, người nhỏ tuổi cúng sau cùng. Còn dân của các làng phải ngồi xếp bàn xung quanh bàn cúng tự cầu khấn xin sự làm ăn, khai thác sản vật từ rừng được suông sẻ. Sau khi cúng xong mới được mời ăn uống vui vẻ, kết nghĩa bạn bè, gia đình với nhau. Luật tục cũng quy định một số trường hợp cho phép cá nhân được chặt gỗ ở rừng đầu nguồn, ví dụ như dùng để đóng thuyền, nhưng cá nhân đó phải là người tài giỏi trong nghề sông nước và cây gỗ đó tuyệt đối không được sử dụng vào các mục đích khác như bán, cho, hoặc trao đổi, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Trong trường hợp dùng để làm nhà hay đóng quan tài phải xin phép chủ làng. Khi được sự đồng ý phải tổ chức lễ cúng với ý nghĩa chịu phạt. Đây là quy định có tính chất bắt buộc, với ý nghĩa là lễ đền bù xin thần linh tha lỗi. Loại gỗ này cá nhân cũng không được cho, trao đổi mua bán với ngoài bản nếu không sẽ bị làng phạt.(17) Theo luật tục các thành viên trong làng phải có nghĩa vụ thực hiện, trách nhiệm bảo vệ những khu rừng đó khi có hành vi xâm phạm, phá hoại hay xâm lấn rừng.(18) Cá nhân trước khi muốn khai thác rừng thì phải được chủ làng và các thành viên khác của hội đồng già làng đồng ý, đồng thời phải báo cho các chủ hộ gia đình khác biết. Khi cá nhân đi khai thác gỗ ở rừng đầu nguồn thì phải xin phép chủ làng và chủ làng đồng ý mới được đi, có lễ cúng nhỏ ở nhà của chủ làng được hiểu là chịu phạt. Phải có lễ cúng ở rừng gồm gà 1 con, lợn nhỏ 1 con, cá nướng 1 xâu, rượu 1 chum, cơm nếp 5 ống. Gỗ sau khi khai thác về cá nhân không được trao đổi, mua bán với người ngoài làng nếu vi phạm thì sẽ phạt nặng gấp 10 lần số gỗ đã khai thác. Đối với rừng được phép khai thác sản xuất, cá nhân được quyền tự do phát rẫy, chặt gỗ, săn bắt theo ý muốn nhưng phải chịu sự quản lý của chủ làng, cá nhân chỉ có quyền khai thác và chiếm hữu(19) và tất nhiên phải có ý thức bảo vệ nguồn lợi tự nhiên. Cây trong rừng có người làm dấu là cây có chủ. Ai tự ý chặt, đồng nghĩa với việc ăn cắp cây của người ta. Đối với các nguồn lợi từ rừng, luật tục của người Tà Ôi có những quy định chặt chẽ về vi phạm cũng như hình phạt, xác định quyền sở hữu và các quan hệ sản xuất. Cụ thể khi tổ chức đi săn cả làng hay một nhóm tập thể, thú săn được sẽ thuộc về sở hữu chung của cả làng hay một nhóm người. Ở đây tính cộng đồng được phản ánh khá rõ trong tổ chức săn bắt cũng như trong phân chia sản phẩm. Tất cả những ai tham gia đều được hưởng quyền lợi, được chia phần số lượng ít hay nhiều tùy thuộc vào công sức và vũ khí đóng góp như chó săn, giáo mác, lưới, gậy gộc, cung tên. Cách thức săn bắt này cho thấy tính chất bình đẳng trong cộng
  6. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 87 đồng. Sản phẩm săn bắt tập thể, không một cá nhân nào được quyền chiếm hữu định đoạt. Trong trường hợp nếu cá nhân nào chiếm làm của riêng mang bán hoặc trao đổi, theo luật tục quy định, phải trả lại sản phẩm đó và phạt lợn để cúng thần, vì nếu không lần sau thần sẽ phạt không cho làng săn được thú. Số thịt nộp phạt cũng được phân chia theo phần người có công, theo phần người có vũ khí đáng được hưởng. Đối với việc đi săn cá nhân, thú săn được thuộc về cá nhân đó vì vậy họ có quyền bán, trao đổi hay tặng cho người khác kể cả người ngoài làng. Nhưng nếu trong quá trình săn bắt, cá nhân đó sử dụng vũ khí của làng thì phải chia cho làng, nếu chiếm hữu hết sẽ bị dân làng lên án và lần sau làng sẽ không cho sử dụng vũ khí của làng và không được đi săn cùng làng. Trong khi săn bắt, đuổi thú, thú bị thương chạy vào rẫy người khác hoặc sang rừng làng khác, con thú đó vẫn thuộc quyền sở hữu của cá nhân người đi săn, nhưng phải báo cho chủ rẫy, chủ làng khác biết và phải trình bày sự việc để tránh hiểu nhầm. Thường khi tìm được thú, đồng bào hay chia phần để tỏ rõ mối hòa hiếu đoàn kết. Trường hợp xảy ra tranh chấp, đồng bào sẽ giải quyết trên cơ sở các chứng cứ, ví như truy theo vết máu từ đâu, nếu đúng thì phải trả lại con thú săn và xin lỗi. Cũng có trường hợp khi đến làng khác tìm nhưng không thấy do làng này bắt được và chiếm giữ; nếu người mất thú săn biết được thì theo luật tục quy định: Nếu là thú lớn, người mất thú sau khi khai báo cho chủ làng mình, bấy giờ chủ làng có quyền phạt làng bên 1 lợn, 1 gà, 1 sợi dây cườm cùng với trầu cau. Nếu người bắt được thú trong trường hợp này không chia cho làng bên mà mang về gia đình thì bị phạt một lợn (đối với thú to) một gà (nếu là thú nhỏ) cho người làng mất thú.(20) Ở đây ta thấy có sự phân biệt rõ ràng đối với chủ thể vi phạm quyền sở hữu: làng (tập thể) lấy thú bị phạt nặng hơn; cá nhân (gia đình) bị phạt nhẹ hơn. Như vậy trong quy định của luật tục người Tà Ôi, ta thấy đồng bào đã chú ý đến các bằng chứng, với tình tiết cụ thể cho từng mức độ vi phạm. Cũng như những sản phẩm thu được từ săn bắt, những sản vật thu được từ hái lượm bằng chính sức lao động của mình như: măng, nấm, đoác, đót, quả rừng, rau rừng, mật ong, chim muông cá nhân toàn quyền định đoạt. Nhưng nếu sản phẩm của cả tập thể thì phải chia đều, không được chiếm dụng riêng. Hình thức xác định quyền sở hữu đối với các nguồn lợi này được quy ước những việc làm sau đây: khi khai thác nguồn lợi từ rừng thì không cần phải xin phép chủ làng đó là hái nấm, bẻ măng, hái, lượm quả, khai thác lâm sản ngoài gỗ như lá thuốc, rễ cây thân leo, vỏ cây, củi khô, cây mây, tổ ong, tổ kiến, ổ mối, vỏ rắn, xương, răng, móng của động vật chết, cây khô, dây rừng. Xác định quyền sở hữu tài nguyên thiên nhiên được người dân trong làng tự quy ước với nhau. Nếu đi rừng thấy một tổ ong mà chưa có thời gian để lấy về thì người phát hiện sẽ làm dấu bằng cách lấy 1 que nhỏ dài, bẻ gãy phần trên rồi cắm
  7. 88 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 xuống bên gốc cây có tổ ong, có phần bẻ gãy hướng mũi nhọn vào thân cây. Người đến sau nhìn thấy dấu hiệu đó thì biết tổ ong đã có chủ. Hoặc cách khác là dùng rựa hoặc dao khắc vào thân cây 3 nhát để làm dấu, dấu có thể là dấu +, có thể là dấu =, dấu ǁ, dấu ≡, dấu →. Khi đi khai thác gỗ mà chưa có điều kiện chặt cây ngã xuống thì lấy que cắm chỉ đúng hướng vào cây đó, để người đến sau nhìn vào hướng đó sẽ biết cây gỗ kia đã có chủ. Những quy ước ấy có vẻ giản đơn song được mọi thành viên dân bản tôn trọng một cách tuyệt đối. Nếu vi phạm, trong trường hợp vô tình, phải trả lại cho người phát hiện trước, hoặc thỏa thuận đồng ý chia đôi vì một bên là người có công phát hiện, một bên là người có công khai thác; trong trường hợp cố tình thì phải trả lại hoặc đền bù. Khi không thỏa thuận, giải quyết được để xảy ra tình trạng tranh chấp, người đến sau phải trả lại, hoặc bồi thường, chịu phạt khi người phát hiện trước chứng minh được là mình đã đánh dấu. Nếu cả hai không chứng minh được thì chủ làng sẽ xử chia đôi. Người trong làng, muốn có đất để ở trước hết phải xin phát khu rừng, muốn có cây để làm nhà phải xin chặt cây từ rừng, muốn có nước để uống phải nhờ những khu rừng đầu nguồn. Do đó, nếu trong làng có ai muốn chặt cây làm nhà, làm rẫy hay làm bất cứ việc gì cũng phải cúng, cúng để xin hỏi ma rừng, thần rừng có đồng ý cho chặt cây hay không. Thủ tục cúng rất đơn giản, chủ làng hoặc người lớn tuổi có uy tín trong gia đình dùng quả trứng gà, chọi vào gốc cây đó, nếu trứng gà vỡ thì được phép chặt và ngược lại trường hợp trứng gà không vỡ thì đồng nghĩa với việc ma rừng, thần rừng không đồng ý. Xong việc thì giết gà lấy máu bôi vào gốc cây đó và vẩy một ít nước sạch vào thân cây. Ý nghĩa của việc làm này nói lên sự trong sáng của người muốn chặt cây, họ chỉ muốn có cây đó để làm nhà chứ không có ý phá hoại hay đánh động thần linh, thế rồi họ đọc thần chú cầu mong các đấng thần linh phù hộ mình làm việc này thành công. Người Tà Ôi sử dụng tri thức bản địa vào quá trình khai thác, họ phải xem thời gian nào thích hợp cho việc chặt cây lấy gỗ, thường thì họ khai thác gỗ vào ngày trăng tối là không có sâu mọt. Hoặc khai thác gỗ vào mùa thu hay mùa đông, vì vào thời gian này các loài cây có nhịp độ phát triển chậm, thân chứa nước rất ít, có độ dẻo cao. Đặc biệt người Tà Ôi rất ít chặt cây vào mùa xuân, hạ vì đây là mùa sinh trưởng của cây, thân cây có nhiều nước dễ có mối mọt, khi hạ sẽ ảnh hưởng đến cây con. Hái lượm đóng vai trò khá lớn trong cuộc sống hàng ngày của người Tà Ôi và đây là công việc của người phụ nữ. Các sản phẩm hái lượm của họ thường là các loại măng, rau, củ, quả. Theo thống kê sơ bộ sản phẩm hái lượm của người Tà Ôi có các loại gồm măng như măng tre, măng giang, măng nứa, măng vầu, măng lồ ô, măng tre vàng; các loại rau như rau thuần phục, rau dền, rau má, lá lốt, rau dớn,
  8. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 89 rau cần, rau tàu bay, tiêu rừng; các loại củ như củ nâu, củ mài, sắn dây; các loại quả như mít, vả, trám đen, trám trắng, quả sấu, quả mâm xôi, quả gắm, quả ươi, quả mây; và các loại nấm như nấm mối, nấm rơm, nấm mèo, linh chi. Người phụ nữ Tà Ôi có nhiều kinh nghiệm về tính thời vụ, đặc tính sinh trưởng của các loại cây trong rừng khai thác để biết thời điểm thu hái thích hợp tránh mùa sinh trưởng của cây. Ví dụ các hoạt động hái lượm của người Tà Ôi thường diễn ra ở các tháng 7, 10 và 11 (mùa thu, đông cây cối chậm sinh trưởng, khai thác được). Hay thu hái ngọn lá thì không hái quá mức hoặc hái trụi để cây còn lá mà sinh trưởng, với cây lấy củ thì khi lấy củ xong phải trồng lại thân, với cây lấy rễ không được lấy hết bộ rễ để cây còn phát triển. Bên cạnh những loại rau kể trên người Tà Ôi còn lấy nước từ những thân cây tự nhiên trong rừng để về ngâm ủ với chất men thành rượu như cây Tà vạt, cây Târ đin và đọt mây. Thông thường muốn lấy nước từ những loại cây này phải nhờ tới những người có kinh nghiệm, trước hết phải xác định cây đã tới thời điểm thu hoạch hay chưa sau đó bắt đầu làm giàn rồi mới tiến hành đục thân, đục buồng lấy nước. Cách đục cũng không phải dễ, phải đục sao để cây cho ra nước và không bị chết. Khi đã thành rượu rồi thì phải kết hợp với mật ong để rượu ngon hơn hoặc nếu muốn để lâu thì phải cho vỏ cây chuồn (apằng) vào. Đây là loại rượu đặc sản có rất nhiều ở vùng miền núi này mà với ai đã thử thì không bao giờ quên. Tình trạng thiếu lương thực và thực phẩm của người Tà Ôi luôn là sức ép lớn đối với việc khai thác tài nguyên rừng. Vì vậy nghiên cứu tình trạng khai thác, sử dụng các loài thực vật rừng cho lương thực, thực phẩm để có giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này nhằm giảm thiểu tình trạng người dân khai thác rừng tự nhiên không có kế hoạch là một việc làm có ý nghĩa lớn. Các loài cây thường được người Tà Ôi dùng làm lương thực, thực phẩm gồm có: măng nứa, măng giang, măng tre, củ từ, củ mài, khoai mì, chay, bứa, tai chua, lá lốt, riềng rừng. Trong số đó thì các loại măng được người dân địa phương ưa chuộng nhất. Nhóm lâm sản ngoài gỗ cho thức uống, được người Tà Ôi sử dụng làm thức uống hằng ngày cho gia đình. Họ có kinh nghiệm lấy nước uống từ thực vật như giang, nứa, quả rừng. Ngoài ra họ còn biết chế biến thực vật rừng thành nguồn nước uống có giá trị dinh dưỡng và phòng chữa bệnh như rượu đoác (làm từ thân, lá cây đoác), rượu sa nhân, nước uống từ quả ươi, chè vằng. Nhóm lâm sản ngoài gỗ cho củi đun được người Tà Ôi sử dụng là thông nhựa, bạch đàn, tràm, tre, re hương, nứa, sim. Đây là những loài cây được người dân ưa thích sử dụng làm củi đốt vì dễ kiếm, còn hầu như loài cây nào ở rừng cũng đều có thể sử dụng làm củi. Khối lượng củi khai thác phụ thuộc rất lớn vào số nhân khẩu và những công việc cần đun nấu của mỗi hộ gia đình. Việc kiếm củi là công việc
  9. 90 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 nặng nhọc đối với phụ nữ vì họ phải đi vào rừng xa mới lấy được củi. Việc đun nấu bằng củi vẫn là thói quen của người dân Tà Ôi hiện nay vì rừng khai thác đã cho họ một khối lượng củi đủ dùng quanh năm. Nhóm lâm sản ngoài gỗ dùng làm dược liệu bao gồm các thứ cây như sa nhân (chữa dạ dày trướng, đau viêm ruột), củ mài (chữa đường ruột, suy thận), củ nâu (cầm máu, ho), thiên niên kiện (chữa tê thấp, đau xương, dạ dày), chè vằng (dùng làm nước uống cho phụ nữ sau khi sinh), khúc khắc (chữa thấp khớp, đau lưng, đau xương), búp ổi (đau bụng đi ngoài), lá lốt (chữa đau bụng, thấp khớp, mệt mỏi). Theo kinh nghiệm thì thuốc nam là nguồn thuốc quan trọng đối với người Tà Ôi, nó không chỉ giúp người dân chống lại bệnh tật mà còn góp phần làm giảm chi phí trong chữa bệnh, tiết kiệm một khoản chi phí cho gia đình. Ngoài ra một số loài cây thuốc có giá trị cao được thị trường tiêu thụ đã giúp cho người Tà Ôi có thêm thu nhập như sa nhân, chè vằng, khúc khắc.(21) Nhóm lâm sản ngoài gỗ cho nguyên liệu thủ công mỹ nghệ gồm các loại nứa, tre, giang, lồ ô, song mật, mây nếp. Người dân địa phương thường sử dụng các loài cây này để làm vật liệu làm nhà hoặc đan lát, làm đồ gia dụng. Nhóm lâm sản ngoài gỗ làm thức ăn chăn nuôi đó là các loại khoai mì, chuối rừng, rau tàu bay, củ mài, củ từ, củ nưa. Đối với người Tà Ôi, việc chăn nuôi chủ yếu sử dụng những loài cây mọc tự nhiên làm nguồn thức ăn cho gia súc là một thói quen có từ lâu đời cho nên những loại thức ăn trên là phù hợp với vật nuôi. 4. Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi trong việc bảo vệ tài nguyên rừng Rừng đầu nguồn là do các vị thần quản lý do đó cấm khai thác gỗ, cấm phát rẫy, không được chăn thả súc vật, không được săn bắt thú, không phóng uế, không nói tục tĩu khi đi vào rừng, không gây tiếng động bằng các âm thanh của dụng cụ săn bắt, dụng cụ lao động, nhạc cụ, tiếng hú, hò hét của con người, không được nhổ nước bọt vào khu vực rừng cấm vì nếu làm như vậy sẽ gây sự sỉ nhục, ô uế cho thần rừng, phụ nữ cũng không được vào rừng này. Rừng đầu nguồn có thể cúng hằng năm hoặc 5 năm, 10 năm cúng 1 lần. Luật tục quy định như sau: Xung quanh khu rừng khoảng 1km không ai được phát rẫy, ai vi phạm phạt trâu bò gà và chủ làng chịu trách nhiệm đứng ra cúng. Nếu ai phá rừng ma, rừng thiêng, rừng đầu nguồn thì sẽ bị phạt trâu, dê, gà, lợn và rượu, vì đã xúc phạm đến không gian sống của các vị thần ở trong rừng. Ngoài ra, người Tà Ôi còn rất kiêng kị người nào tự ý chặt, đốt cháy các cây cổ thụ như những loại cây đa, chò, lim, sến, kiền kiền Theo quan niệm của họ, đó là các loại cây lâu năm đã cùng sinh tồn với rừng, hơn nữa những cây này có thần linh hay hồn ma trú ngụ, vì thế chúng rất thiêng. Nếu ai phá cây cổ thụ là coi
  10. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 91 như phá nhà của thần linh làm cho thần linh không còn nơi trú ngụ nên bắt phạt dân làng, do đó dân làng hay ốm đau, chết chóc; trường hợp vậy sẽ bị phạt rất nặng với các hình thức như sau: - Người trong làng phá: nếu cây bị cháy sém thì phải nộp cho làng 1 con dê, 1 con gà và 1 chum rượu; trường hợp cây ngã hoặc cháy rụi thì phải nộp cho làng cúng cây bị tổn hại 1 con heo to, 1 con dê và 1 con gà. - Người làng khác phá: trường hợp này thì 2 làng giải quyết nội bộ và phải nộp cho làng bị phá cây ít nhất 1 con trâu hoặc bò, 1 con dê, 1 con heo, 1 con gà, 1 chum rượu cần và hũ rượu nếp hoặc rượu trắng. Vì vật phạt thường rất nặng cho nên ít ai dám tự ý chặt phá cây cổ thụ thuộc phạm vi làng mình hay ngoài làng. Nhờ vậy những khu rừng thiêng trong đó có những khu rừng đầu nguồn của người Tà Ôi hiện nay còn rất nhiều cây cổ thụ, đại thụ và là nơi cung cấp nguồn nước trong lành cho cuộc sống hằng ngày của cộng đồng người Tà Ôi. Vì tầm quan trọng đó cho nên người Tà Ôi căn dặn với con cháu câu nói rằng: “Núi non rừng rú linh thiêng, Đi nhấc chân từng bước, nâng hơi thở từng đợt”.(22) Để bảo vệ tài nguyên rừng, người Tà Ôi quy định khi đốt rẫy phải lựa theo chiều gió từ trên xuống để tránh lửa cháy lan. Nếu vào mùa gió thì thường phải chọn lúc trời đứng gió để đốt, thường vào khoảng 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều. Người Tà Ôi thường căn dặn nhau: “khi dọn sạch những bụi rậm, dây leo và các thân cây nhỏ, mọi người đều chú ý đến việc cách ly khu rừng khai thác với đám rẫy dự định đốt bằng những khoảng trống dọn sạch vật dẫn hỏa”.(23) Khi phát cây rừng lấy gỗ thì phải dùng dây kéo cây ngã về phía theo ý muốn, nghĩa là không chặt cùng phía dây néo mà phải ngược chiều để tránh cây đổ đè lên nhau. Người Tà Ôi đã căn dặn rằng: “Chặt cây thì phải chặt vào trúng một chỗ, Đẽo cây phải vát cho liền mặt, Leo cây phải buộc cho chắc dây nài”.(24) Khi đi rừng, làm rẫy nếu gặp hang của các con thú thiêng thì không phát, cốt, đốt, trỉa.(25) Không được đào bắt mà phải biết bảo vệ thú. Ai phá rẫy thì bị phạt một con heo nếu bắt được người phá. Khi đi rừng khát nước, nếu đi ngang qua rẫy mía, không có chủ rẫy để xin mía ăn, người đi rừng có thể ăn mía nhưng phải theo quy ước là phần đọt mía sau khi ăn xong lấy những chiếc lá mía túm lại thắt thành nút rồi đặt vào ngay nơi gốc mía đã bẻ, gia chủ đi thăm rẫy sẽ biết có người xin mía ăn trong khi mình vắng mặt. Nếu ai không thực hiện yêu cầu trên thì nếu chủ rẫy bắt được sẽ quy vào tội ăn trộm mía, sẽ bị làng phạt nặng.
  11. 92 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 Khi đi rừng gặp rắn, con mang, bìm bịp thì xui không nên đi mà nên quay lui. Mơ thấy gà chết, mình bị gãy răng, què chân thì không nên đi rừng. Đi mà gặp chim có đầu màu trắng thì tốt nên đi. III. Kết luận Một vấn đề nổi cộm đang diễn ra hiện nay đó là tài nguyên rừng của nước ta ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng cũng như thiếu ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của con người. Việc tìm hiểu luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi đối với tài nguyên rừng sẽ hữu ích phần nào cho việc đưa văn hóa dân gian ứng dụng vào việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện nay. Theo như nhận xét của các nhà nghiên cứu thì “Trên nguyên tắc cơ bản của luật tục người Tà Ôi, sở hữu tối cao là toàn cộng đồng thôn bản, ở đó chủ làng là người nắm quyền quản lý thống nhất đối với mọi nguồn tài nguyên, và sản vật rừng thuộc phạm vi làng xác định, không có tình trạng, quan niệm đất vắng chủ hay đất vô chủ, rừng vắng chủ vô chủ. Mọi tranh chấp, vi phạm quyền sở hữu sẽ được giải quyết trên nguyên tắc chủ làng là người có trách nhiệm xét xử các vi phạm với tư cách là đại diện quyền sở hữu cộng đồng, quyền quản lý tập thể. Chủ làng có nhiệm vụ chỉ ra các ranh giới sở hữu, quy định quyền hạn sử dụng khai thác, nhưng chủ làng không có quyền bao chiếm sở hữu riêng đối với tài nguyên thiên nhiên rừng. Như vậy, trong luật tục Tà Ôi sở hữu tập thể là hình thức sở hữu tối cao với các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt mọi tài nguyên thiên nhiên nói chung và rừng nói riêng. Những quy định có tính chất luật tục này là cơ sở cho việc xét xử các vi phạm đối với quyền sở hữu mà các thành viên khi tham gia quan hệ sở hữu phải có nghĩa vụ tuân theo. Thường ở họ tính tự giác cao, lòng tự trọng và danh dự được coi trọng nên những quy định mang tính luật tục được thực hiện một cách tự nguyện. Luật tục, về nội dung không mang tính cưỡng chế, truy cứu trách nhiệm mà chỉ đóng vai trò giáo dục, điều chỉnh và tự điều chỉnh. Hơn nữa luật tục được lồng ghép vào các yếu tố tâm linh, được “thiêng hóa” và chính yếu tố này đã tăng thêm tính nghiêm ngặt của nó”.(26) Cũng giống như người Cơ Tu, Bru-Vân Kiều cận cư, người Tà Ôi cũng có niềm tin tín ngưỡng đối với rừng tâm linh “đã giúp họ bảo tồn và phát triển những khu rừng tâm linh trong quá trình lịch sử tộc người. Đặc biệt là việc bảo tồn và phát triển những cánh rừng tự nhiên nguyên sinh cuối cùng còn sót lại. Tuy nhiên, việc duy trì, bảo tồn và phát huy rừng tâm linh như thế nào, để tránh những mê tín dị đoan, tránh các hủ tục lạc hậu; tránh những xung đột giữa quan niệm về sở hữu đất đai truyền thống với luật pháp hiện hành và đặc biệt là đánh giá địa vị người dân trong xây dựng rừng cộng đồng hiện nay là một trong những vấn đề đang đặt ra cấp thiết ở vùng miền núi”.(27)
  12. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 93 Người Tà Ôi vẫn nói về giá trị của rừng đã nuôi sống con người bằng những ngôn từ giản dị, gần gũi với đời sống của họ: “Núi non, rừng rú là của trời cha, đất mẹ Núi non rừng rú, chúng tôi đã xin phép họ để dùng”.(28) Bởi vì: “Núi non cho chúng ta nhiều con chim con chuột Rừng rú ban rẫy nương cho chúng ta làm ăn”.(29) T N K P CHÚ THÍCH (1) Hồ Viết Hoàng, “Nâng quyền cho cộng đồng thiểu số trong xây dựng rừng cộng đồng: Trở lại những giá trị rừng tâm linh truyền thống (Dẫn liệu từ cộng đồng người Cơtu ở tỉnh Thừa Thiên Huế)”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nghiên cứu cùng cộng đồng: Ứng dụng nhân học trong phát triển ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam. Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ngày 01/10/2014, tr. 44. (2) Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 168. (3) Lê Bá Thảo, Sđd, tr. 167. (4) Hồ Viết Hoàng, Tlđd, tr. 44. (5) Dẫn lại của Hồ Viết Hoàng, Tlđd, tr. 46. (6) Trần Đức Anh Sơn, “Mối quan hệ giữa các hệ sinh thái - nhân văn với văn hóa Huế”. Trong sách Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (1991-2016), Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, Nhiều tác giả, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2016, tr. 32. (7) Các loại cây cổ thụ mang tính chất linh thiêng đối với người Tà Ôi là cây đa, cây đào, cây kim giao, cây xoài, cây sơn, cây trường Người đi vào những khu rừng có các loài cây nói trên, đều phải đi vòng hoặc tránh đi ngang qua, họ không nhìn thằng vào thân cây, không giẫm đạp lên rễ cây. Vì nếu vi phạm thì họ sợ bị thần rừng quở phạt, gây ốm đau, ghẻ lở toàn thân. (8) Theo quan niệm của người Tà Ôi thì ngày xưa hay có những đoàn người đi săn, đi trao đổi hang hóa, đi thăm người thân, đi làm nương rẫy nhưng không rõ lý do gì đó mà họ bị mất tích đã gây ra nhiều mối nghi ngờ khác nhau và dần dần câu chuyện được hư cấu một cách ly kỳ. Cuối cùng có thể những người đó bị chết trong rừng và trở thành những con ma lai bảo vệ thú rừng và các loài cây. Xin xem: Trần Nguyễn Khánh Phong, Truyện cổ dân tộc Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, tr. 466-474. (9) Hồ Viết Hoàng, Tlđd, tr. 46. (10) Theo quan niệm của người Tà Ôi những người chết lành, chết tốt thường do đau ốm, già yếu và chết ở trong nhà dưới sự chứng kiến của người thân. (11) Chết xấu là những người chết bất đắc kỳ tử như bị thú rừng vồ chết, chết non, tự tử, bị sông suối cuốn trôi, cây gãy đè lên người, sản phụ chết cả mẹ lẫn con. Và người Tà Ôi quan niệm rằng những người chết xấu là do bị thần linh trừng phạt nên họ không có nơi cư ngụ mà phải đi lang thang khắp nơi, chuyên gây hại cho người đang sống. Xin xem: Trần Nguyễn Khánh Phong, Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi ở Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2015.
  13. 94 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 (12) Hồ Viết Hoàng, Tlđd, tr. 46. (13) Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Hữu Thông, Luật tục của người Tà Ôi, Cơtu, Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr. 50. (14) Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Sđd, tr. 51. (15) Nguyễn Văn Mạnh, “Những kinh nghiệm khai thác và bảo vệ đất đai trong sản xuất nương rẫy của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế”, Thông tin Khoa học, số 11/1999, Trường Đại học Khoa học Huế. (16) Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Sđd, tr. 51. (17) Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Sđd, tr. 49. (18) Hoàng Sơn (Chủ biên). Người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2007, tr. 34, 35. (19) Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Sđd, tr. 50. (20) Hoàng Sơn (Chủ biên), Sđd, tr. 36. (21) Trần Nguyễn Khánh Phong, “Biệt dược cổ truyền của người Tà Ôi”, tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 2/2012, tr. 72 - 82. (22) Trần Nguyễn Khánh Phong, Ca dao, câu đố, đồng dao, tục ngữ và trò chơi dân gian dân tộc Tà Ôi, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, tr. 162. (23) Nguyễn Quốc Lộc (Chủ biên), Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1984, tr. 147, 148. (24) Trần Nguyễn Khánh Phong, Sđd, tr. 177. (25) Chính vì sự kiêng cữ đó mà ở truyện cổ Tà Ôi đã hình thành nên những câu chuyện liên quan đến vấn đề kiêng cữ vật tổ đối với động vật, thực vật như sau. (Xin xem: Trần Nguyễn Khánh Phong, Truyện kể về dòng họ của người Tà Ôi, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, tr. 16-24): Stt Tên dòng họ Những kiêng cữ, vật tổ 1 YĂQ PRUNG/ A ỤT Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con chim bìm bịp 2 YĂQ REAIH Kiêng rễ cây 3 YĂQ PIHÔI/ PIHAY Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con ong 4 YĂQ AKIÊNG Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con cua 5 YĂQ PIRIU Kiêng không hái và ăn trái Piriu 6 YĂQ PLĂNG Kiêng không đốt cỏ tranh 7 YĂQ AXÂU Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con chó sói 8 YĂQ PIKÊR Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con heo rừng 9 YĂQ KÊ/ LALĂI Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con sóc 10 YĂQ KÊR Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con chim Tu Tiết 11 YĂQ ARIÊNG Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con Ariêng 12 YĂQ A ĐOAL Kiêng không ăn cây rau A Đoal 13 YĂQ TU LOM Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con Tu Lom 14 YĂQ PATĂQ Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con Ta Te 15 YĂQ PA HU Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con Pa Hu 16 YĂQ AKƠƠ/ HÔS Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con trút 17 YĂQ AVIÉT Kiêng uống chất cặn bã của rượu đoác 18 YĂQ AVÔ Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con vượn
  14. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (130) . 2016 95 19 YĂQ IRY Kiêng cây Iry 20 YĂQ RAPÁT Kiêng lá cây Ra Pát 21 YĂQ KẬT XÍCH Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con chim Kật Xích 22 YĂQ MPOẢI Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con rắn mối 23 YĂQ TA DƯR Kiêng không bắt, giết và ăn thịt các loài chim 24 YĂQ A DERQ Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con chuột 25 YĂQ A MOONG Kiêng không bắt, giết và ăn thịt con chim A Moong (26) Nguyễn Văn Mạnh (Chủ biên), Sđd, tr. 54, 55. (27) Hồ Viết Hoàng, Tlđd, tr. 44, 45. (28) Kê Sửu, Achât - Sử thi dân tộc Tà Ôi, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012, tr. 463. (29) Tư liệu của tác giả phỏng vấn ông Quỳnh Pươi, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. TÓM TẮT Bài viết tìm hiểu về luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi đối với tài nguyên rừng trên các khía cạnh: - Quan niệm của người Tà Ôi về các loại rừng (rừng đầu nguồn, rừng thiêng, rừng ma, rừng khai thác sản xuất). - Luật tục và tri thức bản địa của người Tà Ôi trong việc sở hữu, khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng. Chính những tri thức và luật tục tồn tại từ bao đời nay đã giúp cho người Tà Ôi giữ được những cánh rừng nguyên sinh cuối cùng còn sót lại. Tuy nhiên, làm thế nào để những tri thức và luật tục ấy thích ứng với xã hội hiện đại, nhất là tránh được những xung đột giữa quan niệm sở hữu đất rừng truyền thống với pháp luật hiện hành là những vấn đề cấp thiết cần quan tâm nghiên cứu. ABSTRACT CUSTOMARY LAW AND INDIGENOUS KNOWLEDGE OF THE TÀ ÔI PEOPLE TOWARD FOREST RESOURCES The article explores the customary law and indigenous knowledge of the Tà Ôi people toward forest resources on the following aspects: - The concept of the Tà Ôi on various kinds of forests (headwater forests, spiritual forests, ghost forests, forests for exploitation). - Customary laws and local knowledge of the Tà Ôi in possessing, exploiting and protecting forest resources. It is the customary law and indigenous knowledge existing for centuries that has helped the Tà Ôi people preserve the last remaining primeval forests. However, the urgent matter to be reformed is to make those customary law and indigenous knowledge adapt to modern society and to avoid the conflict between the concept of traditional forest land ownership and the current law.