Lý thuyết của keynes về sự ưa thích tiền mặt và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam

pdf 12 trang Gia Huy 23/05/2022 1040
Bạn đang xem tài liệu "Lý thuyết của keynes về sự ưa thích tiền mặt và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfly_thuyet_cua_keynes_ve_su_ua_thich_tien_mat_va_van_dung_vao.pdf

Nội dung text: Lý thuyết của keynes về sự ưa thích tiền mặt và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam

  1. 166 LÝ THUYẾT CỦA KEYNES VỀ SỰ ƯA THÍCH TIỀN MẶT VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN VIỆT NAM Đỗ Vân Anh , K15 – NHTMC Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và doanh nghiệp Việt Nam trong các giao dịch trên thị trường còn rất cao. Đây chính là một trong những trở ngại của NHNN trong việc thực thi và ban hành chính sách tiền tệ khi không thể kiểm soát được lượng tiền lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng. Để tìm hiểu nguyên nhân cũng như thực trạng của vấn trên, trong đề tài này em xin trình bày những vấn đề xoay quanh chủ đề “Lý thuyết của Keynes về sự ưa thích tiền mặt và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam”. Tuy nhiên, với kinh nghiệm còn kém, về kiến thức chuyên ngành còn hạn chế, bài nghiên cứu còn gặp nhiều sai sót, em kính mong nhận được sự nhận xét, góp ý của các thầy, cô để bài viết được hoàn thiện hơn. I. Giới thiệu “Lý thuyết về sự ưa thích tiền mặt” (Keynes Liquidity Preference Theory) của Keynes. Keynes (1883-1946) là một nhà kinh tế học người Anh thuộc trường phái Cambridge, những ý tưởng của ông đã hình thành nên trường phái kinh tế học Keynes. Ông đã viết nhiều tác phẩm, đầu tiên là “Tiền tệ và tài chính Ấn Độ”, “Hậu quả kinh tế của hoà ước”, “Thuyết cải cách tiền tệ” (1923), “Hậu quả kinh tế của ngài Churchill” (1925), “Thuyết tiền tệ” (1930). Năm 1926, ông phát biểu bài “Sự kết thúc của chủ nghĩa tự do thả nổi”. Năm 1933, ông phát biểu bài “Con đường đi tới phồn vinh”. Nhưng phải tới năm 1936, sau khi tác phẩm “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (The general theory of employment, interest and money) được xuất bản, thì tư tưởng kinh tế của ông mới được hình thành rõ nét nhất, tư tưởng ấy đã ảnh hưởng lớn tới các chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia. Lý thuyết về cầu tiền tệ của ông mà được ông gọi là “Lý thuyết về sự ưa thích tiền mặt” đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao các cá nhân giữ tiền mặt?” và Keynes đã bàn về vấn đề những gì ảnh hưởng đến quyết định cuả các cá nhân. Ông cho rằng có 3 động cơ đằng sau cầu tiền tệ, đó là:
  2. 167 • Động cơ giao dịch. Theo quan điểm của Fisher hay Cambridge, những cá nhân nắm giữ tiền vì tiền được coi là phương tiện trao đổi có thể dùng để tiến hành các giao dịch hàng ngày. Đi theo quan điểm cổ điển đó, Keynes đã nhấn mạnh bộ phận cấu thành của cầu tiền tệ trước tiên là do mức giao dịch của dân chúng. Cũng giống như các nhà kinh tế học cổ điển, ông tin rằng những giao dịch đó tỷ lệ thuận với thu nhập. • Động cơ dự phòng. Xa hơn các nhà kinh tế học cổ điển thừa nhận ngoài việc giữ tiền để phục vụ cho mục đích giao dịch, người ta còn giữ tiền để phục vụ cho các nhu cầu bất ngờ. Ông tin rằng số tiền mà người ta muốn nắm giữ phụ thuộc vào mức độ giao dịch mà họ dự tính sẽ thực hiện trong tương lai và nó tỷ lệ thuận với thu nhập dự tính với động cơ dự phòng • Động cơ đầu cơ. Nếu các nhà kinh tế học cổ điển chỉ dừng lại ở việc cho rằng thu nhập là yếu tố quan trọng duy nhất của cầu tiền tệ, thì cái mới của Keynes so với họ là ông đã nhận thấy tiền tệ còn là phương tiện cất giữ của cải và ông gọi đó là động cơ đầu cơ. Hơn nữa, ông còn tính đến những nhân tố ảnh hưởng đến các quyết định xác định bao nhiêu tiền cho việc dự trữ của cải. Keynes chia tài sản có thể dự trữ thành hai loại là: tiền và trái khoán. Trong đó lợi tức dự tính của tiền bằng không còn lợi tức của trái phiếu gồm hai phần: lãi suất và suất lợi vốn. Sau đó, ông tìm hiểu lý do tại sao các chủ thể quyết định giữ tiền thay vì trái khoán. Theo thuyết cầu tài sản thì người dân sẽ muốn giữ tiền nếu lợi tức dự tính của tiền lớn hơn lợi tức dự tính của trái khoán. Trong trường hợp lãi suất giảm làm cho giá trái khoán giảm, dẫn tới tỷ suất lợi tức khi nắm giữ trái khoán giảm, dân cư sẽ chọn cách giữ tiền, do đó cầu tiền sẽ tăng. Ngược lại khi lãi suất đang cao hơn lãi suất thị trường, lãi suất sẽ được kỳ vọng giảm xuống làm giá trái khoán tăng lên và lợi suất vốn tăng lên và dân cư sẽ chọn trái khoán, theo đó cầu tiền sẽ giảm. Vì vậy, cầu tiền tệ có quan hệ âm với mức lãi suất. • Đặt chung 3 động cơ với nhau.
  3. 168 Khi đặt chung 3 mục tiêu với nhau, ông đã phân biệt giữa số lượng danh nghĩa và số lượng thực tế. Tiền được đánh giá theo giá trị thực mà nó có thể mua. Ông cho rằng người ta muốn giữ một số tiền nhất định của số dư tiền thực tế sẽ phụ thuộc vào thu nhập thực tế và lãi suất. Vì vậy ông đã đưa ra phương trình cầu tiền tệ sau: ( -, +) Trong đó: MD là cầu tiền; P là mức giá cả; i là lãi suất; Y là thu nhập thực tế; Dấu (-, +) trong hàm số ưa thích tiền mặt có ý nghĩa là cầu về số dư tiền mặt thực tế có liên hệ âm với i và liện hệ dương với Y; MD/P là cầu số dư tiền mặt thực tế. Trong điều kiện cân bằng của tiền tệ thì MD = M. Khi lấy Y chia cho cả 2 vế ta được phương trình mới về tốc độ vòng quay của tiền có dạng: Như vậy cầu tiền tệ liên hệ âm với lãi suất. Do lãi suất bị biến động mạnh nên thuyết ưa thích tiền mặt chỉ ra rằng tốc độ cũng biến động mạnh. II. Vận dụng lý thuyết vào nghiên cứu thực trạng các vấn đề ở Việt Nam 1. Thực trạng việc thanh toán, giao dịch của người dân Việt Nam a. Thói quen ưa thích dùng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán Để đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có khoảng 250.000 POS (Point of Sale - Máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ) được lắp đặt và số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm. Theo thống kê gần nhất tính đến cuối tháng 6/2014 của hiệp hội ngân hàng Việt Nam VNBA, cả nước có 37 Ngân hàng thương mại (NHTM) lắp đặt được 149.000 POS, tăng khoảng 15% so với cuối năm 2013. Tuy vậy, với lượng POS như trên mới chỉ phục vụ 14,6 triệu giao dịch thực hiện trong đó các giao dịch phần nhiều vẫn là để rút tiền hơn là thực hiện thanh toán.
  4. 169 Dưới đây là số liệu của Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam về doanh số của việc sử dụng thẻ ATM hiện nay tại Việt Nam giao dịch tại các máy ATM. Biểu đồ 1: Cơ cấu doanh số trong việc sử dụng thẻ ATM ở Việt Nam Nguồn: Hiệp hội thẻ Việt Nam Mặt khác, tại các thành phố lớn là nơi tập trung nhiều siêu thị, trung tâm giải trí, các hệ thống cửa hàng lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống thanh toán qua POS phát triển hơn rất nhiều so với các địa phương thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, Tuy vậy, thay vì dùng thẻ thì người dân lại chọn cách ra rút tiền tại các cây ATM gần đó để thanh toán tiền mặt cho các khoản mua bán của mình bởi khách hàng có thể bị tính phí 3-5% khi chọn hình thức này tại các siêu thị, trung tâm, Ngày nay trên thị trường, ngoài hình thức mua sắm trực tiếp còn xuất hiện hình thức mua sắm trực tuyến. Với hình thức này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục TMĐT và CNTT năm 2013, cho thấy khách hàng trả lời có khi dùng tiền mặt trả tiền hàng chiếm tới 74%.
  5. 170 Biểu đồ 2: Các hình thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến Vậy nguyên nhân của 90% các giao dịch chủ yếu vẫn dùng tiền mặt là do đâu? Rất đúng với lý thuyết của Keynes với động cơ giao dịch, người dân cho rằng việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ nhanh chóng, và nhiều người dân còn có quan niệm giữ tiền trong tay mình sẽ an toàn hơn. Trong các giao dịch nhỏ lẻ, thanh toán bằng tiền mặt sẽ khá nhanh gọn, phù hợp với tất cả các đối tượng. Mặt khác Việt Nam là một nước có nền văn hóa gắn với nhiều truyền thống cổ truyền như: đi chợ, đi lễ, tục mừng tuổi đầu năm, thì việc bỏ thói quen dùng tiền mặt là không thể. Tuy vậy, tại sao đối với các giao dịch lớn vẫn chọn hình thức giao dịch tiền trực tiếp thay vì giao dịch qua hệ thống thanh toán của các ngân hàng? Về chủ quan: do thói quen, do nhận thức của người dân còn chưa thấy những ưu điểm khi thực hiện giao dịch qua ngân hàng. Về khách quan: hệ thống thanh toán của Việt Nam còn xuất hiện nhiều nhược điểm. Người dân còn phải chịu nhiều loại phí mà họ không sẵn sàng trả như: phí kiểm đếm (tại các ngân hàng phí này giao động trong khoảng 0,02% - 2%, phí càng cao với các loại tiền mệnh giá càng nhỏ), phí thanh toán khác hệ thống (các ngân hàng chủ yếu duy trì ở mức 0,03%: BIDV, MB bank, Vietcom Bank, Agribank, ).
  6. 171 2. Việc giữ tiền với động cơ dự phòng và dự trữ đầu cơ và những vấn đề liên quan. Các gia đình trữ tiền trong nhà, để tiền trong két với mục đích thực hiện các giao dịch dự tính trong tương lai, hoặc với mục đích khác chỉ là tài sản dự trữ. Cũng giống như động cơ giữ tiền với mục đích giao dịch thì thói quen hay tâm lý của người dân là nguyên nhân chủ yếu của động cơ này. Tuy vậy, khi ta nhìn dưới góc độ kinh tế, việc giữ tiền mặt của người dân lại là một bài toán khá phức tạp đối với các nhà chức trách trong vấn đề quản lý tài chính quốc gia cũng như việc đưa ra các chính sách tiền tệ. Phân tích thực trạng theo các nguyên nhân hình thành: a. Nguyên nhân chủ quan: Thói quen, tâm lý ưa chuộng tiền mặt của người dân và các doanh nghiệp. Kiến thức tài chính còn hạn chế: Khi người dân không nhận ra chi phí cơ hội của việc sử dụng đồng tiền của mình, hay chính là khả năng sinh lời từ đồng tiền đó. b. Nguyên nhân khách quan Các chính sách của Nhà nước trong việc tuyên truyền kiến thức tài chính cho người dân còn hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực dân trí thấp các cán bộ ngân hàng, cán bộ địa phương chưa phát huy được vai trò của mình. • Nguyên nhân lạm phát, tỷ giá, lãi suất: Đây là một nguyên nhân rất quan trọng. Khi lạm phát làm đồng tiền trong nước mất giá, tỷ giá gia tăng không kiểm soát ắt sẽ dẫn đến tâm lý không ưa thích cầm đồng tiền của quốc gia mình vì lý do sẽ bị mất giá. Như vậy thay vì gửi ngân hàng, người dân sẽ chọn cách nắm giữ các đồng tiền mạnh hơn, hay chọn vàng là tài sản dự trữ. Thông qua các chính sách của NHNN về việc ổn định tỷ giá, tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế đã giảm dần.
  7. 172 Biểu đồ 3: Mức độ đô la hóa thể hiện qua tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán trong những năm qua (%) Nguồn: VnEconomy tổng hợp • Các hệ thống NHTM chưa làm tốt công tác huy động vốn. Khả năng huy động vốn của ngân hàng phụ thuộc nhiều yếu tố như uy tín ngân hàng, trình độ của các cán bộ tín dụng, thái độ phục vụ đối với khách hàng, các dịch vụ mà ngân hàng mang lại cho khách hàng, Nếu các NHTM phát huy hết khả năng của mình thì chắc hẳn trong nền kinh tế không thuận lợi thì họ vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn huy động. Mặt khác lãi suất huy động cũng là một yếu tố quan trọng trong việc huy động vốn của các ngân hàng. Bởi lãi suất huy động vốn thường là mối quan tâm hàng đầu của cá nhân và tổ chức muốn gửi tiền vào ngân hàng. Điều này hoàn toàn hợp lý vì trong nền kinh tế lĩnh vực có lợi nhuận cao hơn bao giờ cũng thu hút được nhiều người tham gia đầu tư hơn. Tuy vậy nguồn tiền gửi không chỉ phụ thuộc vào lãi suất cao mà còn phụ thuộc vào các nhân tố khác như kỳ hạn, mức độ rủi ro, điều kiện thanh toán, uy tín, địa điểm, của ngân hàng. • Khả năng tiếp cận với các kênh đầu tư.
  8. 173 Theo lý thuyết của Keynes đã đề cập, ta thấy việc cân nhắc giữa khả năng sinh lời của đồng tiền với khả năng sinh lời của trái phiếu ảnh hưởng đến quyết định có nên hay không việc giữ tiền. Đối với thời của Keynes thì đa số các khoản tiền gửi được phát Sec và không được nhận lợi tức và kênh đầu tư khác chủ yếu là trái khoán. Biểu đồ 4: Biểu đồ thống kê lượng tiền của nhà đầu tư và lượng tiền của các công ty chứng khoán trong năm 2013-2014 Thông qua biểu đồ đã giúp ta thấy rằng lượng tiền trong các công ty chứng khoán là tương đối lớn, cho thấy nếu thị trường chứng khoán có tiềm năng sẽ giúp cho dòng tiền trên hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, dòng tiền từ nhà đầu tư có xu hưởng tăng nhưng không mạnh. Bởi thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất non trẻ, chưa mang tính cạnh tranh thị trường, còn rất ảm đạm, hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa tạo được uy tín đối với các cá nhân là nhà đầu tư tương lai. Chính vì vậy khi còn ấp ủ những nguy cơ rủi ro cao thì việc người dân không sẵn sàng đánh đổi giữa an toàn vốn với lợi nhuận dự tính là rất cao.
  9. 174 III. Đánh giá vấn đề và những khuyến nghị rút ra từ chủ đề nghiên cứu a. Những hạn chế, lợi ích từ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt • Hạn chế: Khi sử dụng thẻ, người dân có thể gặp phải những lỗi từ cây ATM: bị nuốt thẻ, tiền không ra nhưng tài khoản đã bị trừ, cột ATM hết tiền, phải xếp hàng để rút, tiền rách khiến người dân không sẵn sàng sử dụng thẻ vì vậy gián tiếp làm giảm khả năng thanh toán qua POS. Thêm vào đó ở Việt Nam còn chưa xây dựng được hệ thống thanh toán đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các ngân hàng, tình trạng người sử dụng thẻ của ngân hàng này thì không thể giao dịch được với ngân hàng kia, hay phát sinh phí khi thanh toán khác hệ thống, đó là những hạn chế của việc thanh toán không dùng tiền mặt còn tồn tại ngày nay. Bên cạnh đó, mặc dù trong thời gian vừa qua hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán đã cải thiện nhiều, song vẫn được đánh giá là chưa đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực thanh toán vẫn còn những điểm cần phải tiếp tục được chỉnh sửa, thay thế để có thể phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu của người sử dụng. • Lợi ích: Đối với NHTM: Các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng khai thác và sử dụng vốn. Nguồn vốn dễ được tạo lập, giúp đẩy nhanh vòng quay vốn lưu động, tạo điều kiện phát triển hệ thống ngân hàng. Đối với ngân hàng trung ương (NHTW): Tạo điều kiện cho quá trình thanh toán của các ngân hàng diễn ra nhanh chóng, giảm sức ép với lượng tiền lớn ngoài lưu thông mà ngân hàng trung ương không thể quản lý. Mặt khác, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp NHTW tiết kiệm một lượng lớn chi phí in ấn, phát hành, vận chuyển. Theo số liệu báo cáo của NHNN về việc ngừng phát hành tiền có mệnh giá dưới 5000 đồng trong 3 năm gần đây đã giúp NHNN tiết kiệm đến 1.084 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Đối với khách hàng: Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp các giao dịch diễn ra an toàn, nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
  10. 175 Đối với an ninh - xã hội: Sẽ hạn chế được các hoạt động của tội phạm tiền giả, rửa tiền, các doanh nghiệp giấu doanh thu, trốn thuế, . Các cơ quan quản lý sẽ quản lý được các giao dịch diễn ra thông qua các hóa đơn thanh toán nên sẽ chống các giao dịch mua bán các mặt hàng trái phép bị Nhà nước cấm: thuốc phiện, ma túy, . Qua những phân tích trên ta thấy việc thay đổi thói quen, sở thích cầm tiền của người dân là vô cùng cần thiết. Việc để lượng tiền lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng sẽ tiềm ẩn bùng nổ nguy cơ gây lạm phát, không chỉ gây ra rất nhiều bất lợi cho NHNN trong việc kiểm soát cũng như đề ra các chính sách tiền tệ, tốn ngân sách Nhà nước trong công tác in ấn, phát hành, mà còn làm giảm tốc độ của vòng quay đồng vốn tác động tiêu cực đến tốc độ phát triển của kinh tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện thanh toán bằng tiền mặt còn khiến các tội phạm kinh tế (rửa tiền, trốn thuế, ), tội phạm xã hội (trộm cắp, làm tiền giả, ) có cơ hội phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đang từng ngày phát triển, để ta có thể theo kịp với các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới vì vậy đòi hỏi ta người dân và các doanh nghiệp cần có những nhận thức tiến bộ hơn trong vấn đề này. b. Những khuyến nghị nhằm giảm lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng • Về phía các cơ quan quản lý công quyền: Giải pháp chính sách: Cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, có sự đồng bộ, hợp lý. Quy định các loại giao dịch nào phải thực hiện qua hệ thống thanh toán, những giao dịch được phép sử dụng tiền mặt và những chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh. Bên cạnh đó, ta cần xây dựng hệ thống thanh toán với các trang thiết bị hiện đại được kiểm soát chặt chẽ giúp giảm thiểu rủi ro, tạo niềm tin và giúp người dân sẵn sàng sử dụng hình thức thanh toán qua các hệ thống ngân hàng. Giải pháp kinh tế: Cần có các chính sách tài chính, kinh tế cần ổn định để tạo được niềm tin của dân chúng vào đồng tiền nội tệ. Chống vàng hóa, đô la hóa. Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích đầu tư đối với các ngành nghề phù hợp với từng môi trường, địa lý, hỗ trợ trang thiết bị, kiến thức để giúp người dân sẵn sàng dùng vốn đầu tư thay vì giữ tiền một nơi không sinh ra lợi tức.
  11. 176 Giải pháp văn hóa - xã hội: Tăng cường việccung cấp các kiến thức tài chính, kinh tế đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân trí thấp. Việc tuyên truyền qua các kênh phương tiện thông tin đại chúng như tivi, báo đài sẽ giúp tạo lòng tin cho người dân cũng như để họ thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, thấy được những lợi ích kinh tế lâu dài. • Về phía các NHTM: Các NHTM cần kết hợp với các đơn vị như bệnh viện, trường học, các sở điện lực, bưu điện, để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Cần giảm đến mức tối đa và có thể không thu phí với các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Thủ tục thanh toán cần nhanh chóng, gọn nhẹ, chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Các ngân hàng cần mở rộng phạm vi hoạt động, tăng cường tiếp xúc khách hàng để người dân có thể tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng. Các NHTM phải được NHTW quản lý chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả để nâng cao uy tín của mình, giúp người dân yên tâm khi gửi tiền và sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng.
  12. 177 Tài liệu tham khảo 1. Tô Kim Ngọc, 2012, Giáo trình tiền tệ - ngân hàng, Học viện Ngân Hàng. 2. Frederic S.Mishkin, 1998, Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính. Dịch từ tiếng Anh, người dịch Nguyễn Quang Cư, Nguyễn Đức Dỵ, 2005, Hà Nội, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật Hà Nội. 3. Duy Khuê -Mai Phương, 2014. “Cơ hội lớn cho thanh toán điện tử”. Báo Doanh Nhân Sài Gòn. 4. Hạ Minh, 2014. “Người Việt thích mua gì qua mạng nhất”. Báo điện tử Zing.Vn. 5. Minh Đức , 2013. “Bớt nhiễu động vàng, “đô” ”. Báo điện tử VnEconomy. 6. Bình An, 2015. “[Thống kê 21 CTCK] Gần 15.800 tỷ đang nằm chờ, tiền mặt tăng 30% trong năm 2014”. Báo điện tử NDH.vn