Mối quan hệ giữa cung tiền, lạm phát với tăng trưởng kinh tế trong điều kiện Việt Nam

pdf 9 trang Gia Huy 1910
Bạn đang xem tài liệu "Mối quan hệ giữa cung tiền, lạm phát với tăng trưởng kinh tế trong điều kiện Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfmoi_quan_he_giua_cung_tien_lam_phat_voi_tang_truong_kinh_te.pdf

Nội dung text: Mối quan hệ giữa cung tiền, lạm phát với tăng trưởng kinh tế trong điều kiện Việt Nam

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG MỐI QUAN HỆ GIỮA CUNG TIỀN, LẠM PHÁT VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM Vũ Thị Loan, Nguyễn Thị Phương Thảo Trường Đại học Kinh tế và QTKD Thái nguyên TÓM TẮT Lý thuyết về mối quan hệ giữa cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế là những lý thuyết nền tảng định hướng cho hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô ở các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ này lại cho thấy những kết quả không đồng nhất ở các bối cảnh nghiên cứu khác nhau. Bài viết này tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế sử dụng các dữ liệu thực tế của Việt Nam trong giai đoạn 1989 – 2013. Kiểm định đồng liên kết cho thấy mối quan hệ trong dài hạn giữa ba biến số cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong đó mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát, giữa tăng trưởng và cung tiền là khá chặt chẽ. Kiểm định Granger cũng cho thấy tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa cung tiền và lạm phát. Tuy nhiên, nghiên cứu này không phát hiện được mối quan hệ nhân quả giữa lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam. Từ khóa: Lạm phát, cung tiền, tăng trưởng kinh tế, đồng liên kết, quan hệ nhân quả Granger. 1. Giới thiệu vấn đề nghiên cứu Ổn định giá cả và tăng trưởng kinh tế là những mục tiêu quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô của một quốc gia. Để tác động lên những biến số này, các công cụ thuộc chính sách tiền tệ đã được sử dụng linh hoạt ở các quốc gia thông qua việc thay đổi mức cung tiền vào nền kinh tế. Việc cân nhắc rút bớt tiền hay bơm thêm tiền vào lưu thông là chủ đề đã và đang thu hút nhiều tranh luận của các học giả. Những tranh luận này xuất phát từ những tác động trái chiều của việc tăng hay giảm cung tiền đến nền kinh tế. Các nghiên cứu đã có tập trung phân tích tác động của cung tiền tới tăng trưởng kinh tế và mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, hoặc mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát trong khi có rất ít các nghiên cứu về mối quan hệ giữa cả ba biến số: cung tiền, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Chẳng hạn, Ogunnuyiwa và Ekone (2010), Magazinno (2011), cũng như Khan và đồng sự (2005) đã phát hiện ra rằng việc tăng cung tiền sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế. Một số nhà kinh tế khác như Fisher & Seater (1993) khi dùng mô hình hồi quy để phân tích dữ liệu của nhiều quốc gia đã phát hiện ra rằng tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ ngược chiều với lạm phát, nghĩa là kinh tế của một quốc gia sẽ tăng trưởng nhanh khi lạm phát ở đó thấp và ngược lại. Phát hiện này cũng nhận được sự đồng tình trong các nghiên cứu của Barro (1995) và Bruno & Easterly (1998). Về mối quan hệ giữa lạm phát và cung tiền, nghiên cứu của Omanukwue (2010), Dwyer (2001), và Simkawa và các cộng sự (2012) đã cho thấy cung tiền tăng thì sẽ làm cho lạm phát tăng. Các nghiên cứu trên đây mới chỉ ra được mối quan hệ giữa các cặp biến số mà chưa có nghiên cứu về mối quan hệ giữa cả ba biến số cung tiền, tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong một tổng thể. Sự thiếu hụt này đặt ra câu hỏi cho những nhà điều hành chính sách vĩ mô về sự có hay không tác động qua lại giữa ba biến số này để có thể có những điều chỉnh thích hợp trong việc điều hành nền kinh tế. Ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì câu hỏi này càng trở nên cấp thiết. Nghiên cứu này vì vậy được thiết kế để kiểm định mối quan hệ giữa cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế Việt Nam sử dụng dữ liệu trong 25 năm từ 1989 đến 2013. Nghiên cứu sử dụng kiểm định đồng liên kết nhằm xác định mối quan hệ trong dài hạn và kiểm định nhân quả để xác định mối quan hệ nhân quả giữa cung tiền, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Kiểm định Augmented Dickey-Fuller (ADF) cũng được sử dụng để kiểm tra tính dừng của các dữ liệu chuỗi thời gian được sử dụng trong phân tích. 202
  2. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết và khung phân tích 2.1.1. Lý thuyết về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế Lạm phát thấp thường được coi là điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, bản chất của cơ chế tác động giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế thì vẫn là đề tài thu hút được nhiều sự quan tâm và tranh luận của các học giả để từ đó xuất hiện các quan điểm không đồng nhất. Chẳng hạn, một số nhà nghiên cứu cho rằng lạm phát là cần thiết cho phát triển kinh tế trong khi những người thuộc phái trọng tiền thì lại cho rằng lạm phát cản trở tăng trưởng kinh tế (Mallik and Chowdhury 2001, p. 123). Tobin (1956) cho rằng khi lạm phát cao, chi phí cơ hội của việc giữ tiền sẽ tăng lên vì thế gia tăng việc đầu tư vốn và thúc đẩy tăng trưởng trong khi đó Barro (1991) lại cho rằng lạm phát không thể thúc đẩy tăng trưởng được vì lạm phát cao sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng, gia tăng chi phí từ đó có tác động tiêu cực đến đầu tư và tăng trưởng. Cùng với các trường phái lý thuyết trái chiều đó, các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng cũng được thực hiện và cho thấy những kết quả khác nhau. Bruno và Easterly (1998) đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế sử dụng dữ liệu của 31 quốc gia trong giai đoạn 1961 – 1994 và tìm ra rằng lạm phát cao làm giảm tăng trưởng kinh tế trong khi lạm phát vừa phải lại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Sarel (1996) lại tìm ra mối quan hệ phi tuyến giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong sự tác động của các biến số khác như tốc độ tăng cung tiền hay cơ cấu chi tiêu của Chính phủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi tỷ lệ lạm phát thấp, nó gần như không có tác động gì đến tăng trưởng kinh tế nhưng khi tỷ lệ lạm phát cao, nó có tác động ngược chiều đáng kể đến tốc độ tăng trưởng. Gần đây, Khan and Senhadji (2001) đã tìm thấy “ngưỡng” của mức lạm phát là 11% mà theo đó, mối quan hệ tăng trưởng - lạm phát mang dấu âm khi tỷ lệ lạm phát vượt quá ngưỡng này và mang dấu dương trong trường hợp còn lại. 2.1.2. Lý thuyết về mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát Mối quan hệ giữa lượng cung tiền và chỉ số giá gắn với lý thuyết về khối lượng tiền tệ của Friedman (1956). Trong lý thuyết này: MV = PY Trong đó: M = Lượng cung tiền V = Tốc độ lưu thông tiền tệ P = Chỉ số giá chung Y = Thu nhập quốc dân thực tế Công thức của Friedman có thể hiểu qua ví dụ đơn giản sau. Giả sử nền kinh tế chỉ sản xuất bánh pizza và sản xuất được 100 cái bánh trong một năm và giá bán mỗi chiếc bánh là $10. Nếu như tổng lượng cung tiền trong nền kinh tế là $50 thì tốc độ lưu thông tiền tệ là V = ($10 x 100)/$50 = 20. Như vậy, tất cả mọi nguời chi dùng $1.000 mỗi năm để mua pizza chỉ với $50. Như vậy, mỗi đồng dollar phải quay 20 vòng 1 năm. Trong công thức trên, tổng giá trị thanh toán (lượng cung tiền nhân với tốc độ lưu thông tiền tệ) bằng giá trị tổng sản phẩm quốc gia (tổng sản lượng nhân với mức giá chung). Nếu thay đổi lượng cung tiền (M) thì giá trị thu nhập quốc dân thực tế (PY) cũng thay đổi. Với giả định tốc độ lưu thông tiền tệ được coi là biến không đổi và thu nhập quốc dân thực tế (Y) cũng không thể dễ dàng thay đổi vì nền kinh tế đã ở trạng thái toàn dụng thì một sự thay đổi của lượng cung tiền (M) sẽ làm thay đổi mức giá chung (P) theo chiều tương ứng. Chẳng hạn, nếu tăng cung tiền thì mức 203
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG giá chung hay lạm phát sẽ tăng. Hay nói cách khác lượng tiền cung ứng có mối quan hệ cùng chiều với lạm phát: nếu lượng cung tiền tăng 10% thì lạm phát cũng tăng 10%. Lý thuyết về số lượng tiền tệ của Friedman gắn với một giả thiết quan trọng là tốc độ lưu thông tiền tệ là không đổi. Giả thiết này đã đặt ra nghi ngờ về mối quan hệ giữa các biến số trong trường hợp tốc độ lưu thông tiền tệ có thể thay đổi hay nền kinh tế chưa ở trạng thái toàn dụng nghĩa là thu nhập quốc dân thực tế (Y) có thể thay đổi. Từ đó có thể thấy rõ ràng rằng, tác động của lượng cung tiền lên chỉ số giá và tổng sản phẩm thực tế như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện của từng nền kinh tế. Thực tế cho thấy khi nền kinh tế Hoa Kỳ trong giai đoạn khủng hoảng trong những năm của thập niên 1930, khi lượng cung tiền tăng 35% thì chỉ số giá lại giảm 20% (Jadhav, 1994, tr. 86). Có một số nghiên cứu gần đây đã kiểm định mối quan hệ giữa tốc độ cung tiền và tăng trưởng kinh tế và lạm phát sử dụng kiểm định nhân quả Granger như các công trình của Ahmed & Suliman (2011), Omanukwue (2010), và Mehrara and Musai (2012). Các kết quả nghiên cứu dường như không đồng nhất về mối quan hệ nhân quả này ở các bối cảnh khác nhau. Chẳng hạn, khi sử dụng dữ liệu về 3 biến số này từ 1960 đến 2005 ở Sudan, Ahmed & Suliman (2011) phát hiện ra rằng không có mối quan hệ nhân quả giữa cung tiền và tăng trưởng kinh tế trong khi cung tiền lại có tác động trực tiếp tới lạm phát. Omanukwue (2010) đã sử dụng kiểm định Engle – Granger 2 giai đoạn và kiểm định nhân quả Granger để kiểm định lý thuyết số lượng tiền tệ tại Nigeria. Sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian theo quý từ 1990 đến 2008, kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa lãi suất, cung tiền, chỉ số giá và sự phát triển của nền tài chính tại quốc gia này. Một sự tăng lên của mức cung tiền sẽ kéo chỉ số giá tăng theo. Tuy nhiên, Omanukwue (2010) lại không phát hiện được một tỷ lệ chính xác nào thể hiện mối tương quan giữa hai biến số này. Nếu cung tiền tăng lên một đơn vị thì chỉ số giá cũng tăng lên nhưng với biên độ nhỏ hơn. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa cung tiền với chỉ số giá của một loại hàng hóa nào đó cũng được tiến hành, chẳng hạn, Ziotis and Papadas (2011) đã kiểm định mối quan hệ giữa cung tiền và chỉ số giá hàng thực phẩm bán lẻ tại Hy Lạp trong vòng hơn 30 năm. Hai nhà nghiên cứu này đã sử dụng kiểm định Engle-Granger và mô hình vec tơ hiệu chỉnh sai số trong phân tích dữ liệu và phát hiện ra trong dài hạn sự thay đổi trong chính sách tiền tệ chính là nguyên nhân gây ra sự thay đổi giá cả thực phẩm tại Hy Lạp. Mishra và cộng sự (2010) đã tiến hành một nghiên cứu về cung tiền, mức giá chung và tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển, đặc biệt là Ấn Độ cũng sử dụng mô hình vec tơ hiệu chỉnh sai số và kiểm định đồng liên kết. Sử dụng dữ liệu trong vòng 59 năm từ năm 1950 tới năm 2009, mối quan hệ tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế và cung tiền đã được kiểm chứng trong dài hạn. Trong ngắn hạn, cung tiền và lạm phát cũng có mối quan hệ qua lại nhưng trong dài hạn thì tác động qua lại giữa lạm phát và cung tiền, giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế lại không được phát hiện. Tại Pakistan, Gul và cộng sự (2012) đã tiến hành một nghiên cứu sử dụng phương pháp bình quân nhỏ nhất để đề xuất cách mà các nhà quản lý kinh tế vĩ mô có thể tác động vào các biến số của nền kinh tế như GDP, cung tiền, lãi suất, lạm phát và tỷ giá hối đoái. Việc phân tích dữ liệu từ 1995 cho đến 2010 cho thấy lãi suất tác động đáng kể ngược chiều đối với tăng trưởng trong khi cung tiền lại có tác động cùng chiều đối với tăng trưởng trong khi đó lạm phát và tỷ giá hối đoái lại có tác động ngược chiều đối với tăng trưởng kinh tế. Mối quan hệ giữa tăng trưởng, lạm phát và cung tiền đã được nghiên cứu bởi Masnan và cộng sự (2013) đối với các nước Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia và Singapore. Đây là nghiên 204
  4. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" cứu rất quan trọng vì kết quả nghiên cứu có thể sử dụng như giá trị tham chiếu cho nghiên cứu này vì những tương đồng với điều kiện Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy ba biến số kinh tế vĩ mô cung tiền, lạm phát và tăng trưởng có mối quan hệ dài hạn với nhau ở cả ba nước. Kết quả kiểm định nhân quả Granger cho thấy ở Malaysia, tăng trưởng là nguyên nhân của lạm phát trong khi lạm phát không là nguyên nhân của tăng trưởng. Cung tiền không là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng kinh tế lại là nguyên nhân gây ra sự thay đổi cung tiền. Cung tiền là nguyên nhân của lạm phát nhưng lạm phát không là nguyên nhân gây ra thay đổi cung tiền. Tại Indonesia, cả lạm phát và cung tiền đều không là nguyên nhân gây ra sự thay đổi trong tốc độ tăng trưởng và ngay cả cung tiền cũng không phải là nguyên nhân của lạm phát trong khi tăng trưởng lại là nguyên nhân của lạm phát. Tại Singapore, lạm phát không là nguyên nhân của tăng trưởng nhưng tăng trưởng lại là nguyên nhân của lạm phát trong khi cung tiền là nguyên nhân của lạm phát nhưng lạm phát lại không là nguyên nhân cho sự thay đổi của cung tiền. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu này được tiến hành nhằm phát hiện và kiểm định mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, lạm phát và cung tiền tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế được đo bằng tốc độ tăng trưởng của GDP thực tế, lạm phát đo lường bằng chỉ số giá CPI còn cung tiền được đo lường bằng tốc độ tăng mức cung tiền M2. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 1989 đến 2013. Khối tiền tệ M2 bao gồm tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn được tạo ra bởi các trung gian tài chính. Tốc độ tăng cung tiền được đo bằng tỷ lệ % giữa chênh lệch giữa mức cung tiền của năm này so với năm trước đó. Dữ liệu về tốc độ tăng cung tiền được thu thập từ thống kê của Ngân hàng thế giới đối với Việt Nam từ 1989 đến năm 2013. Lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và cũng được thu thập từ thống kê của Ngân hàng Thế giới từ năm 1989 đến năm 2013. Tăng trưởng kinh tế được đo bằng tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong các năm từ 1989 đến 2013. Dữ liệu này cũng được thu thập từ thống kê của Ngân hàng Thế giới dành cho Việt Nam. Mối quan hệ giữa cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế được kiểm định thông qua kiểm định tính dừng, kiểm định đồng liên kết và kiểm định nhân quả. Mục đích của các kiểm định này nhằm xác định mối quan hệ dài hạn giữa ba biến cũng như mối quan hệ giữa các cặp biến: cung tiền và lạm phát, cung tiền và tăng trưởng kinh tế, lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Các phân tích trong các kiểm định được lần lượt mô tả dưới đây. Kiểm định tính dừng Trong phân tích dữ liệu chuỗi thời gian, một mô hình được coi là tốt khi dữ liệu dùng để phân tích là các dữ liệu dừng. Theo Gujarati (2003), một chuỗi thời gian là dừng khi giá trị trung bình, phương sai, hiệp phương sai (tại các độ trễ khác nhau) giữ nguyên không đổi cho dù chuỗi được xác định vào thời điểm nào đi nữa. Kiểm định Augmented Dickey-Fuller (ADF) là kiểm định nghiệm đơn vị thường được sử dụng để đánh giá chuỗi thời gian là dừng hay không dừng. Kiểm định ADF có dạng: Trong đó là dữ liệu chuỗi thời gian đang xét, k là chiều dài thời gian và là độ nhiễu trắng. Giả thuyết kiểm định là: H0: β = 0 (Yt là chuỗi dữ liệu không dừng) 205
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Kiểm định đồng liên kết Như đã đề cập, chuỗi thời gian là không dừng thường dẫn đến “kết quả hồi quy giả mạo” và kiểm định ADF được sử dụng để kiểm tra tính dừng của chuỗi. Tuy nhiên, Engle và Granger (1987) cho rằng nếu kết hợp tuyến tính của các chuỗi thời gian không dừng có thể là một chuỗi dừng và các chuỗi thời gian không dừng đó đuợc cho là đồng liên kết. Kết hợp tuyến tính đó gọi là phương trình đồng liên kết và có thể giải thích được mối quan hệ dài hạn giữa các biến. Kiểm định này được thực hiện bởi kiểm định đồng liên kết Johansen với độ trễ là 1 sử dụng 2 kết quả kiểm định: kiểm định Trace và kiểm định riêng tối đa Max-Eigen với mức ý nghĩa là 5%. Kiểm định Granger được tiến hành để xác định mối quan hệ nhân quả giữa các biến số cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Kiểm định này nhằm trả lời cho các câu hỏi liên quan đến mối quan hệ giữa các cặp biến như sau: cung tiền có “gây ra” lạm phát hay lạm phát có là nguyên nhân của sự thay đổi cung tiền hay không? Cung tiền có là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế hay thay đổi kinh tế gây ra thay đổi cung tiền hay không? Tăng trưởng kinh tế có “gây ra” thay đổi cung tiền hay cung tiền có “gây ra” tăng trưởng kinh tế hay không? 3. Thảo luận kết quả và đánh giá Các dữ liệu về tăng trưởng, lạm phát và cung tiền của Việt Nam từ 1989 đến 2013 được phân tích qua các phương pháp như kiểm định tính dừng, kiểm định đồng liên kết và kiểm định nhân quả. Kết quả của các kiểm định trên sẽ được lần lượt trình bày trong phần này. 3.1. Kết quả kiểm định Augmented Dickey-Fuller Kiểm định tính dừng ADF còn gọi là kiểm định tính dừng đơn vị của chuỗi thời gian là một công việc quan trọng nhằm đảm bảo các dữ liệu sử dụng trong mô hình nghiên cứu là đáng tin cậy. Tuy nhiên, do có thể tồn tại hiện tượng đồng liên kết đối với các chuỗi thời gian không dừng nên kiểm định đồng liên kết có thể được thực hiện để phát hiện hiện tượng này. Do đó, kiểm định ADF sẽ được thực hiện trước, nếu giả thuyết không-Null hypothesis (chuỗi thời gian không có tính dừng) không được loại bỏ thì kiểm định đồng liên kết sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong nghiên cứu này, kiểm định ADF về tính dừng của chuỗi được thực hiện trong hai trường hợp: kiểm định tính dừng của chuỗi không có xu hướng thời gian và kiểm định tính dừng của chuỗi có xu hướng thời gian. Kết quả kiểm định được thể hiện trong hai bảng 3.1 và 3.2. Các giả thuyết không được kiểm định là: H01: Lạm phát là chuỗi không dừng; H02: Cung tiền là chuỗi không dừng; H03: Tăng trưởng kinh tế là chuỗi không dừng. Bảng 1 cho thấy các chuỗi lạm phát, cung tiền và tăng trưởng kinh tế không có xu hướng thời gian đều là các chuỗi dừng vì các giá trị kiểm định đều lớn hơn giá trị tới hạn với các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%. Các giả thuyết không đều bị loại bỏ. Bảng 1. Kết quả kiểm định tính dừng với chuỗi không có xu hướng thời gian t-Statistic Prob. Null Hypothesis: Lạm phát là chuỗi không dừng Augmented Dickey-Fuller test statistic -7.337049 0.0000 Test critical values: 1% level -3.769597 206
  6. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" 5% level -3.004861 10% level -2.642242 Null Hypothesis: Cung tiền là chuỗi không dừng Augmented Dickey-Fuller test statistic -6.187785 0.0000 Test critical values: 1% level -3.752946 5% level -2.998064 10% level -2.638752 Null Hypothesis: Tăng trưởng là chuỗi không dừng Augmented Dickey-Fuller test statistic -5.106502 0.0004 Test critical values: 1% level -3.752946 5% level -2.998064 10% level -2.638752 Bảng 2 trình bày kết quả kiểm định tính dừng đối với các chuỗi có xu hướng thời gian. Giả thuyết lạm phát là chuỗi không dừng bị bác bỏ vì giá trị kiểm định lớn hơn giá trị tới hạn với các mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%. Tuy nhiên, chưa có đủ căn cứ để bác bỏ giả thuyết về tính không dừng của cung tiền ở mức ý nghĩa 1% và 5% trong khi giả thuyết về tính dừng của biến tăng trưởng kinh tế đều không bị bác bỏ với cả ba mức ý nghĩa vì các giá trị kiểm định nhỏ hơn giá trị tới hạn. Từ đó, có thể thấy trong ba chuỗi dữ liệu thời gian, cung tiền và tăng trưởng kinh tế không phải là chuỗi dừng. Chính vì vậy, cần thiết phải tiến hành kiểm định đồng liên kết.Bảng 2. Kết quả kiểm định tính dừng với chuỗi có xu hướng thời gian t-Statistic Prob. Null Hypothesis: Lạm phát là chuỗi không dừng Augmented Dickey-Fuller test statistic -5.532637 0.0010 Test critical values: 1% -4.440739 5% -3.632896 10% -3.254671 Null Hypothesis: Cung tiền là chuỗi không dừng Augmented Dickey-Fuller test statistic -2.639905 0.0992 Test critical values: 1% -3.737853 5% -2.991878 10% -2.635542 Null Hypothesis: Tăng trưởng là chuỗi không dừng Augmented Dickey-Fuller test statistic -2.316609 0.1751 Test critical values: 1% -3.737853 5% -2.991878 10% -2.635542 207
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 3.2. Kết quả kiểm định đồng liên kết và kiểm định nhân quả Granger Kiểm định đồng liên kết được thực hiện nhằm xác định mối quan hệ dài hạn giữa cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế sử dụng kiểm định Trace và kiểm định riêng tối đa Max-Eigen với mức ý nghĩa là 5%. Giả thuyết không được kiểm định H04: không có quan hệ đồng liên kết nào. Giả thuyết bị bác bỏ nếu giá trị thống kê Trace hay thống kê Eigenvalue lớn hơn giá trị tới hạn (critical value). Nếu giả thuyết H04 bị bác bỏ nghĩa là tồn tại mối quan hệ đồng liên kết giữa các biến được kiểm định. Bảng 3 cho thấy kết quả kiểm định Trace và kiểm định Max-Eigen cho thấy có một mối quan hệ đồng liên kết trong dài hạn với mức ý nghĩa 5% tương ứng với giá trị thống kê Trace và giá trị thống kê Max-Eigen đều lớn hơn giá trị tới hạn. Như vậy, có thể thấy tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu. Mối quan hệ giữa ba biến số này được lượng hóa thông qua bảng ma trận tương quan (bảng 4). Bảng 3. Kết quả kiểm định đồng liên kết Rank Eigenvalue Trace 0.05 Prob. Statistic Critical Value None * 0.623391 36.55784 29.79707 0.0071 At most 1 0.407248 14.09724 15.49471 0.0803 At most 2 0.086018 2.068732 3.841466 0.1503 Rank Eigenvalue Max-Eigen 0.05 Prob. Statistic Critical Value None * 0.623391 22.46060 21.13162 0.0323 At most 1 0.407248 12.02851 14.26460 0.1096 At most 2 0.086018 2.068732 3.841466 0.1503 Bảng ma trận cho biết cả lạm phát và cung tiền đều có mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát và giữa cung tiền với tăng trưởng kinh tế là chặt chẽ và rõ ràng hơn cả trong khi mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế là khá lỏng lẻo. Bảng 4. Ma trận tương quan giữa cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế Tăng trưởng kinh tế Lạm phát Cung tiền Tăng trưởng kinh tế 1.000000 -0.052907 0.461468 Lạm phát -0.052907 1.000000 0.649153 Cung tiền 0.461468 0.649153 1.000000 Nhằm nghiên cứu sâu hơn nữa về mối quan hệ giữa cung tiền, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, kiểm định nhân quả Granger được thực hiện giữa các cặp biến. Kết quả của kiểm định nhân quả Granger được thể hiện trong bảng 5. Bảng 5. Kết quả kiểm định nhân quả Pairwise Granger Giả thuyết nghiên cứu F-statistic Prob. Ho: Cung tiền không là nguyên nhân gây ra lạm phát 5.01960 0.0185 Ho: Lạm phát không là nguyên nhân gây ra thay đổi cung tiền 1.02831 0.3777 208
  8. HỘI THẢO "NGÂN HÀNG VIỆT NAM: BỐI CẢNH VÀ TRIỂN VỌNG" Ho: Tăng trưởng kinh tế không là nguyên nhân của lạm phát 12.2291 0.0016 Ho: Lạm phát không là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế 1.54474 0.2404 Ho: Tăng trưởng kinh tế không gây ra thay đổi cung tiền 3.57753 0.0492 Ho: Cung tiền không là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế 1.19545 0.3255 Kết quả kiểm định Granger ở bảng 4 cho thấy, với mức ý nghĩa 5%, cung tiền chính là nguyên nhân gây ra lạm phát và tăng trưởng kinh tế lại là nguyên nhân gây ra thay đổi cung tiền. Tăng trưởng kinh tế là nguyên nhân của lạm phát trong khi lạm phát lại không là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cũng là nguyên nhân của thay đổi cung tiền còn cung tiền lại không là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế. Việc kiểm định nhân quả Granger đối với dữ liệu kinh tế Việt Nam đưa ra những kết quả tương đồng với nghiên cứu của Masnan và cộng sự (2013) đối với ba nước Đông Nam Á. 4. Kết luận Nghiên cứu đã tiến hành kiểm định mối quan hệ giữa cung tiền, tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Việt Nam sử dụng dữ liệu là tốc độ tăng cung tiền M2, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế và chỉ số CPI trong vòng 25 năm từ 1989 cho đến 2013. Kiểm định đồng liên kết Johansen cho thấy mối quan hệ trong dài hạn giữa cung tiền, tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong đó, mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát là khá rõ ràng.Kiểm định nhân quả Granger cho thấy cung tiền là nguyên nhân gây ra lạm phát, và tăng trưởng kinh tế lại ra nguyên nhân gây ra những thay đổi trong cung tiền. Tăng trưởng kinh tế không là nguyên nhân của lạm phát và lạm phát cũng không là nguyên nhân của tăng trưởng. Tóm lại, có thể thấy từ sự phân tích các dữ liệu trong giai đoạn 1989 – 2013, tăng trưởng kinh tế Việt Nam kéo theo sự tăng cung tiền, sự tăng cung tiền này lại dẫn đến lạm phát tăng. Tuy nhiên, lạm phát cao lại không là nguyên nhân làm cho tăng trưởng giảm. Kết quả nghiên cứu trên dẫn đến một số đề xuất cho các nhà điều hành chính sách tiền tệ đó là cần hết sức thận trọng khi dùng cung tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế vì cung tiền không là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế trong khi lại tạo ra áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Mặc dù có đưa ra những kết quả nghiên cứu từ các dữ liệu thực tế của Việt Nam, nghiên cứu này vẫn cần được cải tiến vì những hạn chế về số lượng quan sát. Số lượng quan sát là 25 còn chưa thực sự đầy đủ để đảm bảo cho tính vững mạnh và tin cậy của kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, một số biến số kinh tế khác cũng có có thể có tác động đến mối quan hệ được nghiên cứu như độ mở của nền kinh tế, lãi suất, thặng dư Ngân sách Nhà nước lại chưa được đưa vào mô hình nghiên cứu. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ahmed, A. E. M. & Suliman, S. Z. (2011), The Long-Run Relationship Between Money Supply, Real GDP and Price Level: Empirical Evidence From Sudan, Journal of Business Studies Quarterly, số 2, tập 2, tr. 68-79. [2] Engle, R. F. and C. W. J. Granger (1987), Co-Integration and Error-Correction: Representation, Estimation, and Testing, Econometrica, số 55, tr. 251-276. [3] Friedman, M. (1956), Studies in the Quantity Theory of Money, University of Chicago Press, Chicago. [4] Jadhav Narendra (1994), Monetary Economics for India, MacMillan India Ltd., Delhi, tr. 14, 86, 99 và 123. [5] Mallik, G. and A. Chowdhury (2001), Inflation and Economic Growth: Evidence from South Asian Countries’, Asian Pacific Development Journal, số 8, tập 1, tr. 223–35. 209
  9. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG [6] Masnan và cộng sự (2013), Relationship among Money Supply, Economic Growth and Inflation: Empirical Evidence from Three Southeast Asian Countries, International Journal of Information, Business and Management, số 5, tập 3, tr. 83-96. [7] Mehrara, M. & Musai, M. (2012), The Dynamic Causal Relationships Among Money, Output and Price inIran, Asian Journal of Business and Management, số 1, tập 5, tr. 31-37. [8] Omanukwue, N. (2010), The Quantity Theory of Money: Evidence From Nigeria, Economic and Financial Review, số 48, tập 2, tr. 91-107. [9] Gujarati D. (2003), Basic Econometrics, Mcgraw Hill. [10] Simkawa, K., Ligoya, P., Kabango, G. & Chikonda, M. (2012), Money Supply and Inflation in Malawi: An Econometric Investigation, Journal of Economics and International Finance, số 4, tập 2, tr. 36-48. [11] Tobin, J (1956), Money and Economic growth, Econometrica, tr. 671–84. [12] Ziotis, N. & Papadas, C. T. (2011), Supply of Money and Food Prices: The Case of Greece, Agricultural Economics Review, số 12, tập 1, tr. 36-44. 210