Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 2780
Bạn đang xem tài liệu "Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnang_cao_vai_tro_cua_chinh_quyen_dia_phuong_trong_phat_trien.pdf

Nội dung text: Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình

  1. NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TỈNH QUẢNG BÌNH IMPROVE LOCAL AUTHORITIES ROLE IN DEVELOPING SUSTAINABLE TOURISM IN QUANG BINH PROVINCE TS. Nguyễn Lê Hiệp Trường Đại học Kinh tế Huế TS. Trần Tự Lực, ThS. Lê Khắc Hoài Thanh Trường Đại học Quảng Bình Tóm tắt: Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển du lịch. Chính quyền địa phương cũng đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển theo hướng bền vững. Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa hiệu quả và chưa bền vững. Một trong những nguyên nhân là do chính quyền địa phương các cấp chưa xác định và phát huy được vai trò của mình trong phát triển du lịch bền vững. Để có những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình, bài viết hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về phát triển bền vững, phát triển du lịch bền vững, vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững qua đó nghiên cứu đánh giá khái quát thực trạng phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình, thực trạng vai trò của chính quyền địa phương và đề ra các giải pháp nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình. Từ khoá: Du lịch bền vững, du lịch Quảng Bình, chính quyền địa phương Abstract Quang Binh with natural landscapes is the potential to develop tourism, Quang Binh also determines tourism as a key industry to develop local economy, create jobs, raise incomes for citizen and comtribute to local sustainable development. Current situation of tourism development in Quang Binh province in recent years is not effective, sustainable and commensurate with the potential and advantages. One reason is that the local authorities has not determined and promote their role in sustainable tourism development. Therefore, the concept of sustainable development, sustainable tourism development, the role of local authorities in sustainable tourism development are studied in order to evaluate current situation of sustainable tourism development in Quang Binh province, and role of local authorities and propose solutions to enhance the role of local authorities in development sustainable tourism in Quang Binh province. Keywords: Subtainable Tourism, Quang Binh Tourism, Local authorities 702
  2. Đặt vấn đề Cùng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hoạt động du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu, một hiện tượng phổ biến trong đời sống nhân loại và phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. Là một trong những địa phương của vùng du lịch Bắc Trung Bộ, một trong ba vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển du lịch. Đặc biệt với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, Quảng Bình có điều kiện phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng, giảm dần tính mùa vụ và ngày càng có thêm nhiều lựa chọn cho khách du lịch. Thực trạng ngành du lịch Quảng Bình trong thời gian qua đã có sự phát triển, lượng khách quốc tế và nội địa tăng nhanh; du lịch đóng góp ngày càng lớn cho sự tăng trưởng kinh tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch Quảng Bình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết các cơ hội và lợi thế, đặc biệt chưa phát triển bền vững. Nguyên nhân, do quy mô đầu tư phát triển du lịch còn nhỏ, chưa động bộ, quy hoạch chắp vá; chưa tiến hành đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về tài nguyên du lịch và các điều kiện để phát triển du lịch ở từng điểm du lịch trên địa bàn; đội ngũ cán bộ quản lý du lịch chưa nhận thức đầy đủ phát triển du lịch bền vững, công tác tổ chức hoạt động tại các điểm du lịch còn yếu kém, buông lỏng công tác quản lý; nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh du lịch chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế, không quan tâm đến tác động nhiều mặt của du lịch đến môi trường, xã hội, đe dọa phá hủy môi trường hệ sinh thái. Để khắc phục được vấn đề này, đảm bảo phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều tác nhân có liên quan, các nhà quản lý địa phương, các đơn vị kinh doanh du lịch, người dân địa phương, khách du lịch, Trong đó chính quyền địa phương các cấp đóng một vai trò hết sức quản trọng, định hướng và điều chỉnh hành động của các tác nhân khác thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Xuất phát từ đó, để khai thác hết tiềm năng và lợi thế nhằm phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình, chúng tôi lựa chọn vấn đề nghiên cứu “Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình”. Nội dung và kết quả nghiên cứu 2.1 Khái niệm về phát triển bền vững và phát triển du lịch bền vững 2.1.1 Phát triển bền vững Ngày nay, khi đề cập đến phát triển kinh tế, xã hội ở các quốc gia và địa phương thường gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Khái niệm phát triển bền vững xuất hiện đầu tiên trong bối cảnh gia tăng sự nhận thức về các thảm hoạ môi trường cũng như kinh tế xã hội có thể xảy ra, và nó đã trở thành động lực cho lịch sử phát triển của thế giới vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Theo Hội đồng Thế giới về Môi trường và phát triển WCED 1987 “phát triển bền vững là sự phát triển vừa đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các yêu cầu của họ”. 703
  3. Tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”. Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. 2.1.2 Phát triển du lịch bền vững Theo quan điểm của nhiều học giả trên thế giới cho rằng du lịch bền vững là “Hoạt động khai thác môi trường tự nhiên và văn hoá nhằm thoả mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn, đồng thời tiếp tục duy trì các khoản đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương” [4]. Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại RioDe Janeiro năm 1992 thì: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của các khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế – xã hội, thẩm mĩ của con người trong khi vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người”. Nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế là một trong những nguyên nhân dấn đến sự cạn kiệt của tài nguyên và tình trạng suy thoái môi trường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam với những nỗi lực của mình đang tìm kiếm những giải pháp nhằm hướng tới sự phát triển bền vững tài nguyên và môi trường. Do đó, khái niệm du lịch bền vững đang nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả và các nhà hoạch định chính sách trong những năm gần đây. Theo Phạm Trung Lương [5], sự tồn tạị và phát triển của du lịch luôn gắn liền với môi trường và trong nhiều trường hợp hoạt động du lịch đã mất đi tính hấp dẫn cùng với sự xuống cấp của tài nguyên và môi trường, từ đó khái niệm “Du lịch bền vững” được nghiên cứu phát triển để tìm ra những nguyên nhân là suy giảm tính hấp dẫn của du lịch bởi sự xuống cấp của tài nguyên môi trường nhằm mang lại những lợi ích về kinh tế không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho cộng đồng địa phương. Trên cơ sở đó tác giả khẳng định “Du lịch bền vững là quá trình quản lý hoạt động du lịch với mục đích xác định và tăng cường các nguồn hấp dẫn khách du lịch tới một vùng nào đó. Quá trình quản lý này luôn hướng tới việc hạn chế lợi ích trước mắt để đạt được nguồn lợi lâu dài từ các hoạt động du lịch”. Trong đó, phát triển du lịch bền vững cần phải tính đến ba yếu tố: (i) Mối quan hệ giữa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và lợi ích kinh tế; (ii) Quá trình phát triển trong thời gian lâu dài; (iii) Đáp ứng được nhu cầu hiện tại, song không làm ảnh hưởng đến nhu cầu cuar những thế hệ tiếp theo. Qua các định nghĩa trên cho thấy phát triển du lịch bền vững cần phải sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường tạo thành một yếu tố quan trọng trong phát triển du 704
  4. lịch, duy trì quá trình sinh thái cần thiết và giúp đỡ để bảo tồn các di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học; tôn trọng tính văn hóa - xã hội của cộng đồng tiếp nhận, bảo tồn các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống được họ xây dựng phát triển và góp phần tăng sự hiểu biết văn hóa. Mặt khác, phải đảm đảm bảo, hoạt động kinh tế trong dài hạn, phân phối các lợi ích kinh tế - xã hội cho tất cả các bên liên quan một cách công bằng, bao gồm cả việc tăng thu nhập ổn định và các dịch vụ xã hội để tổ chức cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Như vậy, phát triển du lịch bền vững thể hiện sự quan tâm rất lớn đến môi trường, kinh tế và xã hội, đặt sự phát triển cân bằng của các yếu tố trên lên hàng đầu và để thực hiện được mục tiêu này thì các tác nhân tham gia trong hoạt động du lịch thể hiện qua sơ đồ 1.1 đóng vai trò hết sức quan trọng và quyết định để thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Qua mô hình 1.1 cho thấy có nhiều tác nhân tham gia trong hoạt động du lịch tác động đến sự phát triển du lịch bền vững. Trong đó tác nhân chính quyền địa phương tác động đến các tác nhân khác thông qua các hoạt động như xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng khung pháp lý; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch. Cụ thể, chính quyền địa phương đưa ra những quy định nhằm phát triển du lịch bền vững đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành cũng như nguồn lao động du lịch; đưa ra chính sách hỗ trợ người dân địa phương trong việc khai thác du lịch; hoặc có những biện pháp thu hút khách du lịch đến địa phương cũng như đưa ra các chế tài xử lý khi các cá nhân tổ chức có các hành vi xâm hại, phá hủy môi trường Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh du lịch, người lao động trong ngành du lịch, người dân địa phương và khách du lịch là những tác nhân trực tiếp khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch nên ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển du lịch bền vững. 2.1.3 Vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững Như đã đề cập ở trên, để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững có nhiều tác nhân có vai trò quan trọng, trong đó chính quyền địa phương đóng một vai trò hết sức quản trọng, định hướng và điều chỉnh hành động của các tác nhân khác thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững. Chính quyền địa phương được chia làm nhiều cấp, mỗi cấp đều có những chức năng và nhiệm vụ nhất định nhưng đều đảm bảo việc triển khai 705
  5. thực hiện chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế địa phương, khắc phục những hạn chế yếu kém của nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh tại địa phương. Ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của ngành du lịch với tư cách là ngành mục tiêu chiến lược của địa phương phải là động lực để phát triển kinh tế chung. Điều này dẫn đến vai trò của chính quyền các cấp trong phát triển du lịch bền vững hết sức quan trọng, thể hiện ở các mặt sau: - Là tác nhân quyết định vai trò đối với du lịch làm cho ngành du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ, bền vững; thị trường du lịch, thể chế thị trường du lịch được mở rộng và xác lập, sự vận động của các yếu tố thị trường thông suốt; và sự phát triển du lịch ở địa phương góp phần đắc lực vào sự phát triển ngành du lịch cả nước. Mặt khác phải đảm bảo sự phát triển chung, nâng cao phúc lợi địa phương (mức sống, sự văn minh, công bằng, an ninh, môi trường sinh thái được cải thiện). - Là tác nhân xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh theo tiêu chí phát triển bền vững. Đây là cơ sở quan trọng để các tác nhân tham gia trong hoạt động kinh doanh du lịch như: đơn vị kinh doanh du lịch, người dân địa phương, khách du lịch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. - Là tác nhân đảm bảo giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch thông qua các chính sách, chế tài và các quy định ban hành. - Là tác nhân xây dựng khung pháp lý nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đây là cơ sở quan trọng để ngành du lịch địa phương tiếp cận thị trường vốn, trình độ quản lý trong du lịch, đảm bảo du lịch có cơ hội phát triển và bền vững. - Là tác nhân quan trọng trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đảm bảo công tác này thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả. - Là tác nhân thực hiện việc kiểm tra, giám sát và thẩm định các đơn vị kinh doanh du lịch, người làm du lịch để đảm bảo quá trình tổ chức và cung cấp các sảm phẩm du lịch đảm bảo chất lượng, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. 2.2 Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Trên cơ sở thực tiễn phát triển du lịch Quảng Bình, các tác giả nghiên cứu thu thập thông tin đánh giá thực trạng vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển bền vững du lịch Quảng Bình qua các nhân tố như: công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch; công tác phát triển các sản phẩm du lịch; công tác xây dựng khung pháp lý; công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch; công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch; công tác quản lý nhà nước về du lịch. - Phương pháp điều tra chuyên gia: Các tác giả sử dụng ý kiến các chuyên gia là các nhà quản lý du lịch địa phương, lãnh đạo các đơn vị kinh doanh du lịch và các nhà nghiên cứu du lịch trên địa bàn để đánh giá thực trạng vai trò và giải pháp nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình. - Phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm: Trên cơ sở các kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu về vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền 706
  6. vững ở các địa phương trong nước và thế giới; các tác giả tổng kết làm cơ sở đánh giá và xác định các giải pháp nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình. 2.3 Vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình 2.3.1 Thực trạng phát triển du lịch Quảng Bình Trong những năm qua du lịch Quảng Bình đã có sự phát triển đáng khích lệ; lượng khách du lịch tăng mạnh, năm 2010 đạt 759.123 lượt và đến năm 2015 đạt hơn 1 triệu lượt; doanh thu các dịch vụ du lịch tăng nhanh, doanh thu từ dịch vụ lữ hành năm 2010 đạt 15.830 triệu đồng đến năm 2015 đạt 179.893 triệu đồng, doanh thu từ dịch vụ lưu trú năm 2015 tăng 52,8% so với năm 2010, đạt mức doanh thu là 162.021 triệu đồng. Kết quả trên cho thấy, ngành du lịch Quảng Bình đã có sự phát triển, lượng khách và doanh thu du lịch tăng nhanh qua các năm nhưng nếu so với tiềm lực sẵn có của địa phương thì những kết quả hiện nay đang đạt được là chưa tương xứng [3], [6]. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do ngành du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn sau [6]: - Các địa điểm du lịch vẫn chưa được khai thác hết công suất, các nguồn lực chưa được sử dụng hiệu quả, tính đồng bộ giữa các bên liên quan chưa cao, việc quản lý, kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa đạt chuẩn, cơ sở lưu trú, khách sạn quy mô nhỏ trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả phục vụ khách, nhất là trong mùa du lịch. - Trình độ quản lý và đội ngũ nhân viên làm việc trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách, nhất là với khách du lịch quốc tế. - Chưa tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên tiềm năng sẳn có; các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, làng nghề chưa thu hút khách và nhiều sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện. - Công suất sử dụng buồng còn thấp, thời gian lưu trú trung bình của khách ngắn và chi tiêu trung bình của khách còn thấp dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao. - Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa trọng điểm; thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, cơ sở lưu trú và khu nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách. Trong lúc đó, một số dự án đầu tư du lịch triển khai chậm làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch. - Môi trường tại các khu du lịch, tuyến, điểm du lịch chưa được bảo vệ tốt; việc sử dụng và quản lý tài nguyên du lịch chưa hiệu quả, chưa đảm bảo phát triển bền vững. - Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch mặc dù đã có bước chuyển biến tích cực nhưng chưa có chiến lược lâu dài, chưa tiếp cận được thị trường quốc tế, 2.3.2 Thực trạng quản lý của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Bình. Thực trạng ngành du lịch tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua đã có sự phát triển nhưng còn nhiều tồn tại, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế và chưa phát triển bền vững. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chính quyền địa phương chưa 707
  7. xác định hết vai trò, trách nhiệm của mình trong chiến lược phát triển du lịch bền vững, thể hiện ở các mặt sau: - Về công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch: Quảng Bình đã có Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 1928/QĐ-UBND ngày 12/8/2011; quy hoạch phát triển du lịch bền vững Khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng theo Quyết định số 2822/QĐ-UBND ngày 01/11/2010 và nhiều quy hoạch phát triển du lịch quan trọng khác đã và đang được UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở cho triển khai các dự án phát triển du lịch. Tuy nhiên, công tác quy hoạch còn chắp vá và chưa tính đến những rủi ro hay những yếu tố thay đổi về kinh tế, xã hội hay môi trường tự nhiên tác động đến sự phát triển của du lịch. - Về công tác phát triển các sản phẩm du lịch: Chính quyền địa phương đã xác định và đầu tư nhiều loại hình du lịch khác ngoài du lịch biển, nhưng chưa đầu tư đúng mức để mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị, bảo đảm không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và nâng cao sự hài lòng khách du lịch. Sản phẩm du lịch nhìn chung còn nghèo nàn, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Tính đặc trưng của sản phẩm chưa rõ nét, lợi thế của địa phương chưa được phát huy một cách triệt để. Các loại hình du lịch mới tuy đã được nghiên cứu phát triển, song chưa thu hút được nhiều du khách. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc xử lý khá lúng túng của chính quyền cấp tỉnh trong tình trạng không có các sản phẩm thay thế được hoàn toàn du lịch nghỉ dưỡng biển, khi có tình trạng cá chết xảy ra vào tháng 4 năm 2016, mặc dù Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngay thời điểm đó đã tăng cường quảng bá các hình thức du lịch ở các khu du lịch sinh thái như Suối nước Mọoc, sông Chày hang Tối, Động Phong Nha, Động Thiên Đường, nhưng lượng khách du lịch đến và lưu trú tại Quảng Bình vẫn giảm mạnh. - Về công tác xây dựng khung pháp lý: Chính quyền đã quan tâm, xây dựng khung pháp lý về đầu tư nhưng công tác này thực hiện chưa tốt, thu hút đầu tư vẫn kém hiệu quả, mặc dù hiện nay tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn như FLC hay Vincom của tập đoàn Vingroup, Tuy nhiên, chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư nước trực tiếp từ ngoài, theo niên giám thống kê năm 2015, tất cả doanh thu du lịch của tỉnh đều đến từ các công ty dịch vụ du lịch hay lưu trú đều có vốn đầu tư ở trong nước. - Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch: Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã có sự đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng du lịch như hệ thống đường giao thông, các khu phụ trợ tại khu du lịch Vũng Chùa – Đảo Yến, các hạng mục công trình xây dựng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc tại các tuyến, điểm du lịch trong Vườn quốc gia; tiếp tục chỉnh trang đô thị, tăng cường điện chiếu sáng, điện trang trí, cây xanh ở các tuyến đường và các khu vực công cộng tại các khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, việc bảo tồn, tôn tạo những công trình này chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn xảy ra tình trạng các công trình nhanh chóng xuống cấp, quá trình đầu tư xây dựng còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái. - Về công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch: Chính quyền địa phương đã có những chế tài xử lý đối với các vi phạm về môi trường sinh thái, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các địa điểm du lịch dần được cải thiện. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn chưa đạt hiệu quả cao, rác thải ở các địa điểm du lịch vẫn còn nhiều, số thùng 708
  8. rác vẫn còn ít, thu gom rác vẫn chưa thường xuyên, dẫn đến tình trạng rác quá tải. Hoặc gần đây nhất, trong sự cố cá chết hàng loạt dẫn đến ô nhiễm môi trường biển, chính quyền cấp tỉnh vẫn còn chậm trong công tác giải quyết hậu quả, chưa tận dụng hết nguồn nhân lực đến từ các tổ chức đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp hay người dân địa phương trong việc giải quyết nhanh và dứt điểm sự cố về môi trường. - Về công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch: Trong thời gian qua chính quyền địa phương đã có sự quan tâm lớn đến công tác này được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú chuyên biệt hóa theo từng phân khúc thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế vì vậy đã mang lại những kết quả nhất định. Có thể kể đến các hoạt động quảng bá du lịch như Hội nghị xúc tiến, quảng bá và đầu tư du lịch Quảng Bình tại Hà Nội; Phối hợp với Công ty TNHH MTV Chua Me Đất và các đơn vị liên quan tổ chức đón, tiễn và quảng bá đoàn làm phim “Kong 2: Skull Island” đến thực hiện các cảnh quay phim tại Quảng Bình đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Quảng Bình trở thành phim trường quốc tế trong thời gian tới; thu hút được đoàn đại sứ các nước tham gia chương trình “Chinh phục Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới”; Mặc dù công tác quảng bá và xúc tiến du lịch đã đạt được những thành công bước đầu khi đã quảng bá được những hình ảnh của du lịch Quảng Bình trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này chưa cao, khi công tác quảng bá chỉ mới tập trung ở những địa điểm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận như Hang Sơn Đoòng đã từng được xuất hiện trên truyền hình Mỹ, còn rất nhiều địa điểm khác lại chưa được quan tâm đúng mức, ví dụ như ngoài đoàn làm phin Kong 2: Skull Island, trước đó hình ảnh Hang Én của Quảng Bình đã xuất hiện trong bộ phim “Peter Pan and Neverland” nhưng chưa được quảng bá và quan tâm đúng mức; chỉ mới tập trung quảng bá những vẻ đẹp, sự hấp dẫn của tài nguyên du lịch mà chưa quan tâm đến các dịch vụ du lịch liên quan đảm bảo cho khách du lịch có điều kiện tốt khi tham quan, nghỉ dưỡng ở Quảng Bình. - Công tác quản lý nhà nước về du lịch: Về công tác này, chính quyền địa phương chưa thể hiện hết vai trò của mình nên còn để xảy ra nhiều bất cập, chưa thúc đẩy, đảm bảo du lịch phát triển bền vững. Cụ thể, một số bộ phận cơ quan nhà nước còn làm sai chức năng và chậm khắc phục; công tác quản lý văn hoá xã hội vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách vẫn diễn ra; nạn ăn xin, hát rong, bán hàng rong ngày càng nhiều; việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng gian lận trong buôn bán, đặc biệt tại các nhà hàng phục vụ khách du lịch, các cơ sở bán hải sản, đặc sản Quảng Bình; vấn đề mất an ninh trật tự, trêu ghẹo, đe dọa du khách đã xảy ra như tình trạng mất cắp tài sản lớn của khách du lịch tại các khách sạn, hướng dẫn viên và nhân viên các điểm du lịch đòi tiền chuộc tài sản của du khách, một số đối tượng tạt sơn vào xe du lịch ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát các đơn vị, cá nhân trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh chưa đảm bảo chất lượng, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; nhiều hàng quán tự phát, không xin giấy phép của cơ quan có chức năng vẫn mọc lên; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo, gây mất vệ sinh công cộng sau thời điểm kinh doanh; một số quán, nhà hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm mất cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến người dân địa phương và khách du lịch. 709
  9. 2.4 Giải pháp nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Bình Phát triển du lịch bền vững thể hiện sự quan tâm rất lớn đến môi trường, kinh tế và xã hội, đặt sự phát triển cân bằng của các yếu tố trên lên hàng đầu. Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ của các tác nhân có liên quan trong hoạt động du lịch và phải mất nhiều thời gian. Trong đó, việc xác định và nâng cao vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Để thực hiện được vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: - Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh theo tiêu chí phát triển bền vững. Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình cần hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch trong bối cảnh bền vững, theo định hướng chung về chương trình mục tiêu quốc gia và theo điều kiện cụ thể tại địa phương. Hiện nay, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm môi trường biển, chính quyền địa phương cần có các chiến lược, giải pháp xác định các loại hình du lịch, phát triển nhiều sản phẩm du lịch không phụ thuộc vào biển nhằm khắc phục tình trạng giảm khách du lịch đến Quảng Bình trong thời gian qua. - Giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch. Các cấp ban ngành trong tỉnh cần có các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các đơn vị kinh doanh lữ hành, công ty khai thác du lịch hay thậm chí là khách du lịch. Hạn chế việc đem đồ ăn, thức uống vào các khi du lịch sinh thái, tránh tình trạng xả rác bừa bãi; tổ chức quản lý việc thu gom rác thường xuyên, phân loại rác nhằm tiết kiệm chi phí xử lý rác thải và tận dụng được phần rác thải có thể tái chế. - Xây dựng khung pháp lý nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Trong thực trạng doanh thu từ du lịch Quảng Bình chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong nước, thì việc thu hút đầu tư từ nước ngoài là rất quan trọng, đảm bảo ngành du lịch có cơ hội tiếp xúc được với thị trường vốn và công nghệ, đây chính là cách nhanh nhất để ngành du lịch của tỉnh có thể nâng cao khả năng và trình độ của mình. - Đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch: Chính quyền địa phương các cấp cần phải sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo chất lượng giao thông trên các cung đường chính đến các địa điểm du lịch; liên kết với ngành giao thông vận tải, ngành hàng không nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến với Quảng Bình. Chính quyền tỉnh cần xây dựng lộ trình cụ thể để mở thêm các đường bay nội địa trực tiếp đến Quảng Bình, dần dần nâng cấp Cảng Hàng không Đồng Hới thành Cảng Hàng không quốc tế nhằm khai thác lượng khách du lịch tiềm năng từ các nước bạn như Lào, Thái Lan, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới; đầu tư, nâng cấp hạ tầng dịch vụ tại cửa khẩu Cha Lo; kiến nghị Chính phủ nâng cấp cửa khẩu Cà Roòng thành cửa khẩu chính, cho phép người, phương tiện xuất, nhập cảnh để thu hút du khách đến từ Lào, Thái Lan đến Phong Nha – Kẻ Bàng và các điểm du lịch trong tỉnh thông qua cửa khẩu Cà Roòng. - Đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch. Đối với chính quyền cấp tỉnh, có thể quảng bá du lịch qua các hội nghị, diễn đàn, các chương trình hoạt động cụ thể, như tăng cường quảng bá du lịch Quảng Bình qua các bộ 710
  10. phim của điện ảnh nước ngoài được quay tại Việt Nam; ở cấp còn lại có thể quảng bá du lịch qua hình ảnh ở trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhiều người qua lại, có chính sách thông thoáng trong việc tiếp nhận khách nước ngoài đến tham quan và lưu trú tại địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết với các địa phương khác trong vùng Bắc Trung Bộ; con đường di sản Miền Trung”; hành lang kinh tế Đông Tây và các địa phương thuộc các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan sử dụng chung đường 8 và đường 12 để phát triển các sản phẩm du lịch, hỗ trợ phát triển. - Tăng cường vai trò quản lý: Thực hiện tốt công tác thẩm định, tái thẩm định các cơ sở lưu trú, nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; cấp mới và cấp đổi thẻ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần có sự phối hợp tốt với các đơn vị chức năng và thường xuyên thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đặc biệt là trong mùa cao điểm về du lịch, đồng thời nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm. Đảm bảo xử lý nghiêm khắc các đơn vị vi phạm các quy định về kinh doanh du lịch. - Phát triển đa dạng các loại hình, tuyến điểm và sản phẩm du lịch: Cần tổ chức phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, hiệp hội du lịch, người dân địa phương để mở rộng các loại hình dịch vụ du lịch; xây dựng nhiều tuyến du lịch mới trong đó ưu tiên các tuyến du lịch trekking, tham quan Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bằng cáp treo, tham quan núi U Bò, tham quan khu bảo tồn động vật hoang dã, du lịch học tập, nghiên cứu về tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, du lịch khảo cứu địa chất và phát triển thêm nhiều tuyến, điểm du lịch hang động khác với các mức giá khác nhau để bao phủ được toàn bộ thị trường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đa dạng hóa, hoàn thiện và phát triển mới các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá tự nhiên tại các khu vực ngoài Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng như khám phá hệ thống hang động Tú Làn (Minh Hóa), thác Tam Lu, kêu gọi đầu tư các dự án khu du lịch sinh thái như khu du lịch Khe Đá, khu du lịch sinh thái Đá Nhảy, khu du lịch sinh thái Cồn Két, khu du lịch Bàu Sen, khu du lịch đầm phá Hạc Hải, khu du lịch sinh thái Thác Bụt – Giếng Tiên. - Nâng cao chất lượng lao động trong ngành du lịch: Tổ chức, đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ quản lý, cần có định hướng cụ thể cho việc nâng cao trình độ của các bộ quản lý các cấp và lao động trực tiếp kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội thảo về xúc tiến du lịch, các lớp tập huấn nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, không chỉ dừng lại ở tiếng Anh, mà cần học thêm những ngoại ngữ khác như tiếng Lào, Thái, Pháp, Đức nhằm thu hút thêm khách du lịch từ các quốc gia trên thế giới; tăng cường học tập kinh nghiệm trong phát triển du lịch bền vững của các nước bạn có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam như Thái Lan. - Nâng cao ý thức của đơn vị kinh doanh du lịch, lao động trực tiếp kinh doanh du lịch, khách du lịch và người dân địa phương về việc phát triển du lịch bền vững. Có các diễn đàn gặp gỡ giữa các bên liên quan để người dân địa phương, khách du lịch, các công ty lữ hành và các cơ quan quản lý có thể tìm được tiếng nói chung trong việc cân bằng lợi ích giữa các bên mà vẫn đảm bảo được mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động gắn kết cộng đồng với các hoạt động du lịch như homestay, 711
  11. farmstay, tập huấn để mỗi người dân địa phương có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch về văn hoá và đời sống tại cộng đồng. Nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với phát huy các nét văn hóa độc đáo của các tộc người người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người như bản Tà Vờng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa), bản Arem (Tân Trạch, Bố Trạch), Làng du lịch văn hóa tộc người Ma Coong Đây chính là cơ hội để người dân địa phương và du khách có thể trao đổi văn hoá, nâng cao nhận thức cộng đồng, trình độ ngoại ngữ. - Cán bộ chính quyền các cấp, tăng cường tiếp xúc với khách du lịch và người dân địa phương nhằm tìm hiểu những vấn đề còn tồn tại, nhanh chóng đưa ra phương án xử lý và thường xuyên nghiên cứu, tìm các hướng đi mới, các hình thức du lịch mới đảm bảo xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững. 3. Kết luận Phát triển du lịch bền vững là định hướng và mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia, nhiều địa phương phát triển trên thế giới. Ngành du lịch của Quảng Bình được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm của nhiều tác nhân có liên quan, đặc biệt là xác định và nâng cao vai trò của chính quyền địa phương. Kết quả đánh giá thực trạng cho thấy, ngành du lịch Quảng Bình chưa thực sự phát triển và phát triển bền vững, một trong những nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương chưa phát huy hết vai trò và trách nhiệm của mình. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo du lịch Quảng Bình phát triển bền vững là chính quyền địa phương các cấp cần nhận thức được vai trò của mình và thực hiện các biện pháp hữu ích phát huy hết vai trò của mình trong mục tiêu phát triển du lịch bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO GH, B., & Development, W. C. o. E. a. (1987), Our common future: Report of the World Commission on Environment and Development. Oxford University, p43. Making Tourism More Sustainable - A Guide for Policy Makers (2005), UNEP and UNWTO, p.11-12 Niên giám thống kê Quảng Bình 2015 Nguyễn Đình Hoè, Vũ Văn Hiếu (2001), Du lịch bền vững, NXB Đại học Quốc gia. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái những vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, NXB Giáo dục, tr 54. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, Báo cáo Kết quả công tác du lịch 6 tháng đầu nằm và nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2016. 712